Bảo hiểm vì người bệnh hay vì bảo hiểm?

Một lần nữa cánh cửa bảo hiểm đã không rộng mở với những bệnh nhân đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm vì những quy định ngặt nghèo. Nhiều khi tôi tự hỏi không biết bảo hiểm y tế vì người bệnh hay vì cơ quan bảo hiểm y tế?

Không chỉ bảo hiểm y tế của Nhà nước mà bảo hiểm y tế tư nhân cũng gây khó cho bệnh nhân bằng nhiều đòi hỏi vô lý. Một trong những yêu cầu vô lý mà chúng tôi thấy đó là bảo hiểm luôn yêu cầu bệnh nhân nộp phim X-quang, MRI hay CT Scan để giải quyết hồ sơ bảo hiểm. Hồ sơ bệnh nhân là riêng tư, chỉ có bệnh nhân và chính bác sĩ điều trị biết bệnh tật của bệnh nhân. Đã có những vụ kiện cáo liên quan đến việc tiết lộ bệnh tật của bệnh nhân cho người thứ ba.

Mặt khác các kết quả xét nghiệm, phim ảnh của bệnh nhân cần được lưu trữ trong hồ sơ của bệnh nhân nhằm mục đích phục vụ chẩn đoán, điều trị và cung cấp các tóm tắt bệnh án khi bệnh nhân có yêu cầu. Giấy ra viện của bệnh nhân chính là giấy có giá trị pháp lý ghi lại chẩn đoán, phương pháp điều trị của bệnh nhân và là cơ sở để bảo hiểm thanh toán chi phí viện phí. Việc cơ quan bảo hiểm đòi phim ảnh nhằm hoàn tất hồ sơ bảo hiểm gây khó khăn cho bệnh nhân.

Nếu cơ quan bảo hiểm nghi ngờ việc gian lận điều trị hay muốn xác định quá trình điều trị của bệnh nhân thì có thể yêu cầu bệnh viện cung cấp tóm tắt bệnh án làm bằng chứng, và việc này phải do cơ quan bảo hiểm tự làm chứ không thể bắt bệnh nhân làm.

Người dân diện bảo hiểm y tế chờ khám bệnh tại Bệnh viện Q.Bình Thạnh, TP.HCM -Ảnh: T.T.D.

Trở lại với bảo hiểm y tế nhà nước, việc đồng chi trả gần như là biện pháp bắt buộc để tránh bội chi. Thế nhưng những quy định về tuyến điều trị, quy định mức chi trả từng bệnh viện khác nhau khiến mọi việc trở nên rối rắm. Tại sao không quy định mức chi trả theo từng loại bệnh? Bệnh nhân có thể tự chọn bệnh viện điều trị, phần dư ra do chính bệnh nhân chi trả. Chúng tôi đã từng chỉ ra rằng việc quy định về tuyến cũng không ổn.

Với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện và kỹ thuật điều trị mới tiên tiến, nhiều bệnh viện tuyến thấp đã vượt qua tuyến trên trong một số lĩnh vực điều trị, một số bệnh viện tư hay bán công đã qua mặt các bệnh viện tuyến cuối trong các lĩnh vực điều trị. Thế nhưng các bệnh viện này không thể điều trị cho bệnh nhân cũng như bệnh nhân không thể đến bệnh viện mình tin tưởng để điều trị vì họ không nhận được giấy chuyển viện của bệnh viện nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu do bệnh viện họ muốn đến khám không nằm trong tuyến.

Quy định về số ngày nghỉ sau khi người bệnh đã điều trị cũng gây rất nhiều phiền hà, đặc biệt với bệnh nhân ở tỉnh xa. Chẳng hạn bệnh nhân mổ tái tạo dây chằng chéo trước ở gối ít nhất phải đi nạng trong vòng bốn tuần nhưng bác sĩ chỉ được phép cấp giấy nghỉ 10 ngày. Sau đó cứ 10 ngày bệnh nhân phải đi xin giấy khác. Tại sao không để cho chính bác sĩ phẫu thuật quyết định thời gian nghỉ, thời gian tập luyện sau mổ ngay trong phần giấy xuất viện?

BS TĂNG HÀ NAM ANH

Khó chuyển viện

Khi bị bệnh nặng, tâm lý của người bệnh và gia đình thường muốn tìm đến bệnh viện có chuyên môn cao để điều trị. Trong khi đó, bệnh viện nơi bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu không cho chuyển viện vì cho rằng bệnh viện có khả năng điều trị cho bệnh nhân. Thực tế cho thấy nhiều bệnh viện đa khoa nơi bệnh nhân đăng ký khám bệnh ban đầu có khoa điều trị chuyên nhưng vẫn không bằng các bệnh viện chuyên khoa. Chẳng hạn bệnh viện nơi bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu có khoa mắt nhưng bệnh nhân tiểu đường bị bệnh về mắt vẫn phải đến bệnh viện chuyên về mắt để được điều trị tốt hơn. Trường hợp này, bệnh viện nơi bệnh nhân đăng ký khám bệnh ban đầu không cấp giấy chuyển viện thì bệnh nhân phải bỏ tiền túi chữa bệnh, dẫu đã đóng bảo hiểm y tế bao nhiêu năm trời.

ĐINH PHONG

0 Response to "Bảo hiểm vì người bệnh hay vì bảo hiểm?"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn