Văn bản giới điệp liên quan đến thiền sư Đạo Lịch (hiện bảo quản một bản sao tại chùa Hòe Nhai, Hà Nội) đã được giới thiệu trên tạp chí Văn hóa Phật giáo số 143 (năm 2011).
Dưới đây là bản chép nguyên từ đó về.
---
Phát hiện bản giới điệp của Thiền sư Đạo Lịch tại chùa Hòe Nhai (Đồng Dưỡng)
16/12/2013
Vừa qua, nhân viếng thăm Tổ đình Hòe Nhai (Hồng Phúc tự) tại thành phố Hà Nội, chúng tôi phát hiện một bản điệp thụ giới xưa. Bản điệp được đóng khung treo trên gian trái nhà Tổ. Được sự cho phép của Đại đức trụ trì,chúng tôi tiến hành sao chụp và khảo sát văn bản(1).
Giới điệp là giấy chứng nhận cấp phát cho Tăng Ni sau khi thụ giới. Đây là một thể loại văn bản được lưu truyền rộng rãi trong các chùa thuở xưa. Mỗi khi lập giới đàn, người ta thường cấp điệp cho các giới tử để làm biểu vật, làm chứng từ. Thích Thị kê cổ lược quyển 3 có chép, vào năm Đại Trung thứ 10 (856 Tây lịch), vua Đường Đại Tông bổ nhiệm Pháp sư Biện Chương làm bậc thủ tọa của ba giáo (Phật, Nho, Lão) thừa mệnh cấp phát giới điệp cho Tăng Ni thụ giới. Đây là sự kiện cấp giới điệp đầu tiên tại Trung Quốc. Đến đời Thanh, bắt đầu từ năm Ung Chính, chế độ cấp giới điệp được bãi bỏ, các chùa viện tự do truyền giới và cấp giấy chứng nhận, không bị chi phối bởi nhà nước(2).
Tại Việt Nam, thời Lý Trần không thấy sách sử ghi chép việc cấp giới điệp cho Tăng Ni. Mãi đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu, năm 1695, Thiền sư Thạch Liêm sang nước ta lập đàn truyền giới tại Thiền Lâm (Huế) và Di Đà (Quảng Nam) mới có sự ghi nhận về việc cấp điệp văn. Triều Nguyễn, việc cấp giới điệp được tự do trong các chùa, nhất là giai đoạn cuối Nguyễn.
Quyển hạ sách Thiền uyển truyền đăng lục có ghi nhận việc Thiền sư Phúc Điền soạn mới một tờ điệp ngũ giới, thập giới, in lại một tờ điệp đại giới. Điệp đại giới đây chính là điệp thụ giới Tỳ-kheo mà lúc ấy sách nói là Phúc Điền in lại, tức đã có văn bản khắc in rồi. Xem thế, sang đời Nguyễn, giới điệp đã được khắc ván lưu hành rộng rãi; nếu tổ chức đại giới đàn thì có ván khắc điệp in ra để cấp đủ cho giới tử; còn giới đàn có qui mô nhỏ thì các vị hộ đàn sao chép trên giấy sắc phong như bản ở chùa Hòe Nhai. Đây là điệp Bồ-tát giới cấp cho Thiền sư Đạo Lịch năm Bính Tuất tại giới đàn chùa Đại Quang mà bản điệp đề là Hộ giới điệp Đại Quang tự giới đàn(3).
Văn bản có 26 dòng, số chữ viết mỗi dòng không nhất định. Kiểm tra số chữ ở các dòng, thấy những dòng viết liên tục thì có từ 30 chữ đến 35 chữ. Chữ viết chân phương, khá đẹp. Một số dòng có những chữ được viết đài lên, thường các chữ được viết đài như chữ Phật, thánh, thọ, hoàng đồ… Trên đường viền viết ba chữ lớn Hộ giới điệp, dòng đầu tiên trong lòng điệp viết Đại Quang tự giới đàn, sau đó đóng con dấu “Phật pháp tăng bảo”. Con dấu còn được đóng trên phần niên đại ở cuối văn bản. Hai con dấu đóng đúng vào lòng hai con triện của giấy sắc phong. Chúng ta thấy cách ghi năm can chi vào con dấu cũng có qui định rõ ràng. Thông thường, trong các sớ điệp trạng hịch cũng như điệp thụ giới, về tên của năm hiện hành thì phần can được viết trên đường viền con dấu còn phần chi thì được viết phía dưới, hơi sát bên ngoài đường viền, rồi đến tháng, ngày, giờ. Trong bản điệp này, năm hiện hành là Bính Tuất, chữ “Bính” được viết trên đường viền, còn chữ“Tuất”viết phía dưới con dấu, gần sát đường viền. Đây là quy định trong các giấy tờ ở các chùa miền, chứ miền Trung, miền Nam thì không tuân thủ.
Lòng điệp có một số dấu đỏ vuông, cứ đến tên tự các thiền sư là điểm vào. Dấu vuông khắc tên các sư thuộc loại dấu cỡ trung, gồm có 12 con dấu đỏ4. Dòng sau niên đại có chép tên 25 vị thần hộ giới, chữ viết đậm, to hơn cỡ chữ thông thường, khoảng cách các dòng chữ gần lại, số chữ cũng nhiều hơn. Phần ngoài viền có một dòng viết lớn, thụt xuống phía dưới đề “Hữu điệp cấp…” tức cấp cho giới tử thụ giới. Lẽ ra những chữ này phải ở sau bốn chữ “Tu chí điệp giả” thì mới phù hợp lệ quy. Nhưng có lẽ, vì sau bốn chữ “Tu chí điệp giả” là danh sách các giới sư, người viết sợ viết tên học trò trước các vị thầy là bất kính, nên đã ghi câu “Hữu điệp cấp…” ra ngoài lề.
Cuối văn bản đề ngày 8 tháng Tư năm Bính Tuất. Tra vào Niên biểu Việt Nam, năm Bính Tuất tương đương các năm 1706, 1766, 1826, 1886, 1946. Chúng tôi cố tìm chữ húy để đoán định năm, thấy hai chữ“Hoa”,“Thời”viết bình thường, không có dấu hiệu kiêm húy nên biết bản viết phải xuất hiện trước niên hiệu Thiệu Trị, Tự Đức và ta có thể loại bỏ hai năm 1886, 1946. Mặt khác, chúng tôi tìm niên đại hành đạo của các vị giới sư để xác định niên đại cho văn bản. Xuất hiện trong điệp văn thấy có các vị như Thiền sư Khoan Nhân Phổ Tế, Giác Bản Thanh Nguyên, Giác Lâm (chùa Hòe Nhai), Giác Trí Thanh Lương (chùa Tiêu). Các tư liệu có liên quan đến các ngài xin được viện dẫn như sau:
1. Bản in Pháp Hoa đề cương do Đạo Tuân Minh Chính soạn, có bài tựa do Giác Bản Thanh Nguyên viết năm Gia Long thứ 18 (1819).
2. Thiền sư Giác Lâm chùa Hòe Nhai từng in Đạt na thái tử hạnh vào năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) và Hồng Mông hạnh niên hiệu Minh Mệnh, cả hai bản in được đóng chung với nhau(5).
3. Tấm bia “Sùng tu Hồng Phúc tự bi” lập năm Gia Long thứ 10 (1811) hiện còn tại chùa Hòe Nhai cho biết Thiền sư Khoan Nhân Phổ Tế đứng ra trùng tu chùa (6). Lúc đó, sư Giác Lâm đã đảm nhận chức trụ trì, được các vị tôn túc giao cho công việc khắc bia đá làm kỷ niệm.
Qua đó, xác định các vị thiền sư có tên trong giới điệp hành đạo trong giai đoạn Gia Long, Minh Mệnh và có thể có một số vị tiếp tục tại thế đến thời Tự Đức. Như vậy, các năm 1706 và 1766 là quá sớm so với hành trạng của các ngài, cho nên, chỉ có năm 1826 là hợp lý nhất. Niên đại của bản văn này khá xưa và có thể nói nó là một bản giới điệp cổ nhất mà chúng ta phát hiện được.
Theo giới điệp, nơi tổ chức giới đàn là chùa Đại Quang. Tham khảo Tào Động chính tông lịch đại tổ sư khoa (bản chùa Hòe Nhai), thấy có chép:“Tào Động tông tứ thập nhất thế tổ Khoan Dực thiền sư thị Bắc Ninh Siêu Loại Nghi Giang Đại Quang tự khai sơn. Đệ tử dĩ hạ: Tỳ kheo Giác Thận (trụ Hoa Hội tự), Giác Kính, Giác Trí (trụ trì Tiêu Sơn Thiên Tâm tự), Giác Thông (Phúc Lâm tự), Giác Lĩnh, Giác Bản (An Phúc tự), Giác Lâm (Hồng Phúc thất đại trụ trì), Giác Hiệp, Giác Viên”. Tạm dịch: Thiền sư Khoan Dực tổ đời thứ 41 tông Tào Động khai sơn chùa Đại Quang, xã Nghi Giang, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh. Đệ tử của ngài dưới đây: Tỳ kheo Giác Thận (ở chùa Hoa Hội), Giác Kính, Giác Trí (trụ trì chùa Thiên Tâm, Tiêu Sơn), Giác Thông (chùa Phúc Lâm), Giác Lĩnh, Giác Bản (chùa An Phúc), Giác Lâm (trụ trì đời thứ 7 chùa Hồng Phúc), Giác Hiệp, Giác Viên.
Đoạn trích dẫn trên giúp ta xác định rõ chùa Đại Quang thuộc xã Nghi Giang – Bắc Ninh và các học trò của ngài Khoan Dực như Giác Trí, Giác Lâm, Giác Thông, Giác Bản đều có tên trong bản điệp. Từ thông tin đó, đối chiếu với địa danh hiện nay, ta biết chùa Đại Quang nằm về thôn Nghi An, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (7). Thôn Nghi An thời Hậu Lê gọi là Nghi Tuyền, nhà Nguyễn đổi là Nghi Giang, Nghi thôn, có tên nôm là Làng Nghe.
Chùa do Tổ Khoan Dực trụ trì vào thời cuối Lê, đầu Tây Sơn. Vào thời Nguyễn, chùa là tổ đình của thiền phái Tào Động, nhiều thiền sư đã đến tham học và như bản điệp ghi, vào các năm Kỷ Mão (1819) và Bính Tuất (1826), chùa tổ chức giới đàn. Hiện nay, chùa mới được trùng tu, với qui mô nhỏ, chưa có sư trụ trì. Phía trước vườn tháp Tổ đã đổ nát, may còn quả chuông đồng. Quả chuông được đúc năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), lúc đó, Thiền sư Đạo Nguyên Khoan Dực đã viên tịch nên có đề phía trước niên đại như sau: “Nam mô Tịnh Quang tháp Đạo Nguyên hòa thượng pháp húy Khoan Dực Thanh Lãng Tỳ-kheo hóa thân bồ-tát”. Dòng sau có đề “Thủ tọa tăng tự Đạo Thành, pháp quyến tự Đạo Lịch, tự Sinh Liên”. Qua đây, đã thấy Đạo Lịch gắn bó với chùa Đại Quang.
Trong lòng điệp, ngoài phần trích dẫn kinh điển, căn cứ các năm lập giới đàn tại Trung Quốc là đến phần ghi chép về giới tử. Giới tử tên là Nguyễn Hữu Điều, tự Đạo Lịch. Lai lịch của giới tử được bản điệp cung cấp như sau: “Nay, tăng nhân Nguyễn Hữu Điều tự Đạo Lịch, người thôn Ngoại Quần, xã Đông Hào, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, đạo Sơn Nam, nước An Nam. Ngày 17 tháng 11 năm Canh Ngọ, sư phát bồ đề tâm đến chùa Phúc Lâm xin xuống tóc với A-xà-lê tự Giác Thông hiệu Chính Trí, nhận làm nghiệp sư. Đến ngày 17 tháng 11 năm Tân Mùi, đến chùa Linh Quang thọ sa-di giới, y chỉ bổn sư là A-xà-lê tự Giác Bản hiệu Thanh Nguyên chùa An Phúc (8); tháng 5 năm Bính Tý, A-xà-lê tự Giác Lâm chùa Hồng Phúc, Kinh sư. Trải qua giờ thìn ngày 8 tháng 4 năm Kỷ Mão, lễ thỉnh Hòa thượng Khoan Nhân Phổ Tế chùa Kim Sa đến am Trung Đạo chùa Đại Quang thọ giới Tỳ-kheo. Đến nay, vào giờ Mùi ngày 8 tháng 4 năm Bính Tuất, lại thỉnh Hòa thượng Khoan Nhân chùa Quảng Nghiêm, núi Vạn Đức đến am Trung Đạo chùa Đại Quang thọ bồ-tát giới”.
Bản điệp ghi chép khá rõ ràng lai lịch của giới tử, chỉ thiếu năm sinh. Mặc dù chùa Hòe Nhai lưu giữ giới điệp của Thiền sư Đạo Lịch, hiện vẫn chưa rõ ngài có trụ trì chùa Hòe Nhai không (9). Sau đây, xin phiên âm, dịch nghĩa giới điệp.
Phiên âm:
HỘ GIỚI ĐIỆP
ĐẠI QUANG TỰ GIỚI ĐÀN
Cẩn tuân Thích Ca Như Lai di giáo. Cứ Phạm Võng kinh: “Phật tọa bồ-đề thụ hạ thành vô thượng giác, sơ kết Ba-la-đề-mộc-xoa, hiếu thuận phụ mẫu, sư tăng, tam bảo, hiếu thuận chí đạo chi pháp, hiếu danh vi giới, diệc danh chế chỉ. Nhược thụ Phật giới giả, quốc vương, vương tử, bách quan, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu- bà-tắc, ưu-bà-di cập nhất thiết nhân phi nhân đẳng đản giải pháp sư ngữ, tận đắc thụ giới”(10). Thiên Hoa Đài Phật cộng chúc lưu truyền.
Huống ngã Chấn Đán, khâm lịch triều thánh dụ. Án Đường Lân Đức niên chiếu Chung Nam sơn Đạo Tuyên luật sư ư Tịnh Nghiệp tự kiến giới đàn. Bảo Lịch, Đại Trung niên sắc Thượng Quận, Đông Đô, Kinh Dương, Biện Ích đẳng châu vi Tăng Ni truyền giới. Tống Tường Phù niên chiếu thiên hạ chư lộ giai lập giới đàn, phàm thất thập nhị sở. Minh Hồng Vũ niên, phụng chỉ thiên hạ tự viện tăng nhân hành đồng nguyện yếu du phương tham học, hoặc tại tự viện sơn lâm truyền tụng giới luật, sở ngộ quan ty vô đắc cấm tha. Hựu Vĩnh Lạc niên, dụ hành cước tăng nhân thụ giới y thiện tri thức, trụ kết đàn, thuyết giới. Nhược ngộ quan tân bả ải quan viên nhân đẳng bất hứa trở đương. Vạn Lịch niên, khâm tứ y bát, tích trượng tựu Ngũ Đài sơn truyền thụ Thiên Phật đại giới. Đại Thanh khải vận, phục ngộ Thế Tổ Chương hoàng đế, ư Thuận Trị thập thất niên, tuyển Tăng thiên ngũ bách chúng, tứ y bát tự Mẫn Trung, Quảng Tế, Từ Thọ tam xứ trụ tam đàn đại giới. Thành dĩ giới vi nhân đạo chi cơ, lục độ chi thủ, thập phương tam thế chư Phật thành đạo chi căn bản, chư bồ tát tu hành chi kính lộ dã.
Tư cứ tăng nhân Nguyễn Hữu Điều tự Đạo Lịch, hệ An Nam quốc, Sơn Nam đạo, Thiên Trường phủ, Giao Thủy huyện Đông Hào xã Ngoại Quần thôn. Canh Ngọ niên thập nhất nguyệt thập thất nhật phát bồ-đề tâm đầu vu Phúc Lâm tự A-xà-lê tự Giác Thông hiệu Chính Trí thế độ thụ nghiệp sư. Chí ư Tân Mùi niên thập nhất nguyệt thập thất nhật nghệ vu Linh Quang Tự thụ Sa-di giới, y chỉ bản sư An Phúc tự A-xà-lê tự Giác Bản hiệu Thanh Nguyên. Chí Bính Tý niên ngũ nguyệt nhật thụ Kinh Sư Hồng Phúc tự A-xà-lê tự Giác Lâm. Lịch chí Ất Mão niên tứ nguyệt sơ bát nhật thìn thời, lễ thỉnh Kim Sa tự hòa thượng tự Khoan Nhân hiệu Phổ Tế nghệ vu Đại Quang tự Trung Đạo am thụ Tỳ-kheo giới. Kim chí Bính Tuất niên tứ nguyệt sơ bát nhật mùi thời tái thỉnh Vạn Đức sơn Quảng Nghiêm tự Hòa thượng tự Khoan Nhân nghệ tại Đại Quang tự Trung Đạo am thụ Bồ-tát giới, dĩ thử lưu truyền giới pháp.
Hoàng đồ củng cố Đế đạo hà xương Phật nhật tăng huy Pháp luân thường chuyển.
Tứ ân phổ tế, tam hữu tề tư. Thành khủng mạo lạm kê vô. Vi thử cụ điệp các cấp nhất đạo thu chấp, tùy thân du phương tham học, quảng hộ thiện lợi. Tu chí điệp giả.
Đại bỉnh giới hòa thượng tự Khoan Nhân hiệu Phổ Tế trưởng lão
Yết-ma A-xà-lê tự Giác Trí hiệu Thanh Lương trưởng lão
Giáo thụ A-xà-lê tự Đạo Thành hiệu Thanh Tịnh trưởng lão
Tôn chứng Tỳ-kheo tăng tự Giác Thụ hiệu Thanh Đức đại đức
Tôn chứng Tỳ-kheo tăng Thường Giác Từ Hòa Thích Tại Tại đại đức
Tuế thứ Bính Tuất niên tứ nguyệt sơ bát nhật cấp điệp. Nhị thập ngũ hộ giới thần: Thái sô tỳ dũ đà nê, Thâu đà lợi thâu đà ni, Tỳ lâu giá na thế ba, A đà long ma để, Bà la hoàn ni hòa bà, Để ma a tỳ bà đà, A tu luân bà la đà, Đa Bà La ma Đản hung thư, Bà la môn địa bệ đa, Na Ma Hô đa Da Xá, Phật Đà tiên Đà lâu đa, Bệ xà da tần đa bà, Niết đê hê đà đa da, A lai đa lại đô da, Bà la na phật đàm, A đề phạm giả xan da, Nhân đài la nhân đài la, Tam ma ty la thi đà, A da lam thi bà đà, Đa lai xoa tam sát đà, A ma la tư đâu hi, Na la môn xà đâu đế, Tát bệ ni kiền na ba, Đồ bệ xà tỳ xá la, Dà ma tỳ na xà ni khê.
Hữu điệp cấp phó: Bồ tát giới tự Đạo Lịch thụ trì.
Dịch nghĩa:
ĐIỆP HỘ GIỚI
GIỚI ĐÀN CHÙA ĐẠI QUANG
Kính cẩn tuân hành lời dạy của Đức Thích Ca Như Lai. Căn cứ kinh Phạm Võng: “Phật ngồi dưới cây bồ-đề thành bậc chính giác, Ngài bắt đầu kết Ba-la-đề-mộc- xoa. Hiếu thuận với cha mẹ, sư tăng, Tam bảo, hiếu thuận là pháp chí đạo, hiếu gọi là giới, cũng gọi là cấm ngăn. Nếu thọ giới của Phật, không luận quốc vương, vương tử, quan lại, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu- bà-di, người cùng phi nhân chỉ hiểu lời pháp sư, đều thụ được giới”. Thiên hoa đài Phật dặn dò lưu truyền.
Huống nước Chấn Đán ta trải qua các thánh dụ. Năm Đường Lân Đức, chiếu luật sư ĐạoTuyên, núi Chung Nam lập giới đàn tại chùa Tịnh Nghiệp. Năm Bảo Lịch, Đại Trung, sắc cho Tăng Ni các châu Thượng Quận, Đông Đô, Kinh Dương, Biện Ích truyền giới. Năm Tống Tường Phù, chiếu thiên hạ các lộ lập giới đàn, tất cả được 72 sở. Năm Minh Hồng Vũ, vâng chỉ các chùa trong nước, các Tăng nhân, hành đồng du phương tham học, hoặc tại chùa viện, núi rừng truyền tụng giới luật, nếu gặp quan ty chớ cấm đoán họ. Lại năm Vĩnh Lạc, Tăng nhân hành cước thọ giới với các bậc thiện tri thức, kết giới, thuyết giới, nếu gặp các quan viên giữ cửa ải, cửa ô, bến đò không làm trở ngại. Năm Vạn Lịch, vâng ban y, bát, tích trượng đến núi Ngũ Đài truyền thọ Thiên Phật đại giới. Nước Đại Thanh mở vận, gặp đức Thế Tổ Chương Hoàng Đế, năm Thuận Trị thứ 17, chọn Tăng chúng 1.500 vị ban cho y, bát đến ba xứ Mẫn Trung, Quảng Tế, Từ Thọ lập ba giới đàn. Thành ra, giới là nền móng của nhân đạo, cái đầu tiên của lục độ, căn bản của mười phương ba đời chư Phật, đường tắt của các bậc Bồ-tát tu hành.
Nay, tăng nhân Nguyễn Hữu Điều tự Đạo Lịch, người thôn Ngoại Quần, xã Đông Hào, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, đạo Sơn Nam, nước An Nam. Ngày 17 tháng 11 năm Canh Ngọ, sư phát bồ-đề tâm đến chùa Phúc Lâm xin xuống tóc với A-xà-lê tự Giác Thông hiệu Chính Trí, nhận làm nghiệp sư. Đến ngày 17 tháng 11 năm Tân Mùi, đến chùa Linh Quang thọ Sa-di giới, y chỉ bổn sư là A-xà-lê tự Giác Bản hiệu Thanh Nguyên chùa An Phúc; tháng 5 năm Bính Tý, A-xà-lê tự Giác Lâm chùa Hồng Phúc, Kinh sư. Trải qua giờ thìn ngày 8 tháng 4 năm Kỷ Mão, lễ thỉnh Hòa thượng Khoan Nhân Phổ Tế chùa Kim Sa đến am Trung Đạo chùa Đại Quang thọ giới Tỳ- kheo. Đến nay, vào giờ Mùi ngày 8 tháng 4 năm Bính Tuất, lại thỉnh Hòa thượng Khoan Nhân chùa Quảng Nghiêm, núi Vạn Đức đến am Trung Đạo chùa Đại Quang thọ bồ- tát giới, lấy đó lưu thông giới pháp.
Hoàng đồ bền chắc Đế đạo hà xương Phật nhật tăng huy Pháp luân thường chuyển.
Đền đáp bốn ơn, cứu giúp ba cõi. Thành ra, sự lạm dụng không căn cứ. Vì đây xin cấp điệp một đạo cho giới tử giữ gìn, mang theo trong lúc du phương tham học, rộng làm lợi ích. Nên giao cho người nhận điệp.
Đại bỉnh giới Trưởng lão Hòa thượng Khoan Nhân Phổ Tế
Yết-ma A-xà-lê Trưởng lão Giác Trí Thanh Lương Giáo thọ A-xà-lê Trưởng lão Đạo Thành Thanh Tịnh Tôn chứng Tỳ-kheo tăng Giác Thọ Thanh Đức
Tôn chứng Đại đức Thường Giác Từ Hòa Thích Tại Tại. Ngày mồng 8 tháng 4 năm Bính Tuất cấp điệp.
25 vị thần hộ giới…(11).
Điệp trên đây cấp cho Bồ-tát giới tử Đạo Lịch thụ trì.
Chú thích:
1. Nhân đây, xin cảm ơn thầy trụ trì chùa Hòe Nhai và Đại đức Thích Như Tịnh đã cung cấp tư liệu.
2. Chúng tôi tham khảo Phật Quang đại từ điển (bản
Việt dịch của Hòa thượng Quảng Độ), mục Giới điệp.
3. Chữ “Hộ giới điệp” được viết trên lề giấy sắc phong, còn 5 chữ lớn Đại Quang tự giới đàn viết trong lòng giấy, ngay giữa triện.
4. Các con dấu này được làm cùng kích cỡ.
5. Xem Lê Mạnh Thát, Chân Nguyên thiền sư toàn tập, tập II, Tu thư Vạn Hạnh, TP HCM, 1979.
6. Lưu Đình Tăng, Bia chùa Hồng Phúc trong Thông
Báo Hán Nôm học năm 1996.
7. Trên văn chuông viết năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) có ghi: “Bắc Ninh tỉnh, Thuận An phủ, Siêu Loại huyện, Gia Bình huyện Nghi Tuyền, Trạm lộ nhị xã Nghi thôn Đại Quang tự, Trung Đạo am…”.
8. Thiền sư Thanh Nguyên Giác Bản Minh Nam: sư là đệ tử của Thiền sư Đạo Nguyên Khoan Dực, huynh đệ với ngài Thanh Bài Giác Đạo Tuân Minh Chính, người soạn Pháp Hoa đề cương, Bát Nhã trực chỉ. Trong giới điệp cho biết sư ở chùa An Phúc.
9. Trong khoa cúng Tổ cũng như văn bia sau này có ghi một vị trụ trì thứ 8 là Thanh Như Chiếu Pháp húy Đạo Sinh Quang Lịch Minh Đạt. Không biết Đạo Lịch có phải là tên gọi tắt của pháp húy Đạo Sinh Quang Lịch không.
10. Đối chiếu với Phạm Võng kinh có thiếu một số chữ và bỏ đi một đoạn. Nguyên bản của Phạm Võng kinh ghi: “Nhĩ thời, Thích Ca Mâu Ni Phật sơ tọa bồ đề thụ hạ thành vô thượng chính giác dĩ, sơ kết bồ tát ba la đề mộc xoa, hiếu thuận phụ mẫu, sư tăng, tam bảo, hiếu thuận chí đạo chi pháp. Hiếu danh vi giới, diệc danh chế chỉ”. Bản điệp bỏ một đoạn, trích tiếp có lược vài chữ. Chúng tôi trích nguyên Phạm Võng kinh cho tiện đối chiếu:“Nhược thụ Phật giới giả, quốc vương, vương tử, bách quan, tể tướng, tỳ kheo, tỳ kheo ni, thập bát phạm thiên, lục dục thiên tử, thứ dân, hoàng môn, dâm nam, dâm nữ, nô tỳ, bát bộ quỉ thần, kim cương thần, súc sinh nãi chí biến hóa nhân, đản giải pháp sư ngữ, tận đắc thụ giới”
11. Danh sách có trong phần phiên âm, chúng tôi xin không liệt kê lại.
http://vanhoaphatgiaoblog.com/nghien-cuu/ban-gioi-diep-thien-su-dao-lich-chua-hoe-nhai.html
0 Response to "Thiền sư Đạo Lịch, phái Tào Động và một văn bản giới điệp khoảng năm 1826 còn lưu được"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn