Nhưng đọc lại chút, thì lại ngẫm ra: ta đang rượt đuổi theo các tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông.
Bài trên blog Nguyễn Lân Dũng.
---
13/07/2015@7h35
Lại được trở về Quảng Ninh theo lời mời của Huyện ủy Huyện Tiên Yên.
Chặng dừng chân đầu tiên tất nhiên là dịp gặp mặt thân thiết với nhóm Blogger Hạ Long. Chị Nhung và anh Kim thết đãi cả nhóm một bữa tiệc phải nói là linh đình, có mặt đông đảo bà con thuộc Phân Xóm Lá này. Các bạn sẽ nhận ra trên ảnh chụp chắc là ở nhà Thanh Xuân hay Thu Hương. Riêng blogger Thủy xinh đẹp vợ anh Cư thì đến tối mới đi họp về và chúng tôi đã có dịp gặp mặt lại và đến thăm ngôi nhà đẹp đẽ của cặp đôi hoàn hảo này. Anh Long, phó bí thu thường trực huyện ủy Tân Uyên cũng vè chia vui với cả nhóm. Sáng hôm sau tôi phải lên đường làm nhiệm vụ thuyết trình cho cán bộ cơ sở Huyện Tiên Yên. Rất vui là cùng đi có cả Thu Hương và cặp đôi Cư -Thủy. Vợ chồng Nhật Hằng thì đã đợi sẵn ở Tiên Yên rồi.
Chắc cũng ít người biết nhiều về cái huyện nằm chính giữa chặng đường từ Hạ Long đi Móng Cái này, tất nhiên trừ cô giáo Nhật Hằng. Tiên Yên là một huyện miền núi thuộc khu vực miền Đông của tỉnh, Bắc giáp huyện Đình Lập thuộc tỉnh Lạng Sơn và huyện Bình Liêu, đông giáp huyện Đầm Hà, tây giáp huyện Ba Chẽ và thị xã Cẩm Phả, nam giáp huyện Vân Đồn. Địa hình Tiên Yên trập trùng đồi núi. Xã Đại Dực nằm lọt ở chân dẫy Pạc Sủi và dẫy Thung Châu có nhiều đỉnh cao trên 700m. Các xã Phong Dụ, Hà Lâu, Hải Lạng, Điền Xá, Yên Than cũng liên tiếp các quả núi 300-400m. Sông Tiên Yên bắt nguồn từ vùng núi cao Bình Liêu và sông Phố Cũ bắt nguồn từ Đình Lập là hai sông có lưu vực rộng, mùa mưa hay gây lũ lớn. Với diện tích rộng 64.789 ha (năm 2011), đứng thứ hai trong tỉnh sau Hoành Bồ, tài nguyên lớn nhất của Tiên Yên là đất rừng (29.330ha), trong đó 2 phần 3 là rừng tự nhiên, xưa có nhiều lim, táu. Đất rừng tự nhiên thích hợp nhiều loại cây trồng lâu năm, hiện đã có vài ngàn ha trồng quế, sở, thông, bạch đàn. Về dân cư, Tiên Yên (01-4-2009) có 44.352 người. Người Kinh chiếm 50,2%, Dao 22,6%, Tày 14,6%, Sán Chay 8,1%, Sán Dìu 3,6%... Xưa người Hoa đông hàng thứ hai, sau năm 1978 còn lại vài chục người. Người các tỉnh đồng bằng đông nhất là nông dân ngoại thành Hải Phòng ra các xã Hải Lạng, Đông Ngũ, Đông Hải... làm cho cơ cấu dân tộc và sức sản xuất có những thay đổi cơ bản. Nay Tiên Yên có 12 đơn vị hành chính cơ sở gồm thị trấn Tiên Yên và 11 xã: Tiên Lãng, Đông Ngũ, Đông Hải, Phong Dụ, Hải Lạng, Đại Dực, Đại Thành, Yên Than, Hà Lâu, Điền Xá và Đồng Rui.
Buổi nói chuyện được thực hiện ngoài sức tưởng tượng của tôi, Ngoài 250 cán bộ tập trung ở Hội trường khang trang của Ủy ban Huyện còn có truyền hình trực tiếp đến 10 xã trong Huyện. Thành ra số cán bộ cơ sở nghe buổi thuyết trình này đã lên đến trên 1000 người. Tôi vừa cảm động vừa lo cho trách nhiệm của mình. May sao vì chuẩn bị kỹ và phương tiện chiếu hình tốt nên được đánh giá là thành công. Sau đó là các câu hỏi được viết vào giấy gửi lên, kể cả giấy ghi lại từ điện thoại và e-mail từ các xã (!) Có đến vài chục câu hỏi về mọi lĩnh vực nông nghiệp chuyên sâu. Tôi đã giải quyết một cách thích đáng mọi câu hỏi bằng cách cho biết số điện thoại của các chuyên gia am hiểu sâu về từng lĩnh vực để bà con trực tiếp trao đổi. May mà tôi quen biết khá rộng nên không lĩnh vực nào không tìn được cac chuyên gia thỏa đáng
Buổi chiều mới là buổi thật sự thú vị đối với tôi. Lâu nay đã nghe quen câu "Lợn Móng Cái. gái Đầm Hà, gà Tiên Yên" mà chưa hiểu gà Tiên Yên ra sao, có gì hay hơn gà đồi Bắc Giang hay không. Đến nơi mới rõ gà Tiên Yên là giống gà địa phương do bà con các dân tộc ít người lưu giữu từ nhiều đời nay rồi và Huyện đã có một chủ trương mạnh mẽ là lưu giữ và phát triển nguồn gen quý hiếm này. Trách nhiệm giao cho cô Kỹ sư trẻ trung Hoàng Thị Dung. Tuy nhiên công đầu phải kể đến chàng trai dân tộc Sán Dìu Lý Văn Diểng, một Thạc sĩ Lâm nghiệp nhưng say mê chăn nuôi gà. Kể về anh thì chắc phải viết thành tiểu thuyết. Tôi chỉ xin kể về một chuyện thật kỳ lạ và dẫn đến những thành công khó lường hết được trong tương lai. Đó là việc thụ tinh nhân tạo cho gà (!). Có lẽ chúng ta không lạ gì việc thụ tinh cho trâu, bò, lợn... nhưng chắc chưa ai có may mắn được biết về thụ tinh nhân tạo cho gà. Ích lợi thì quá rõ rồi. Bình thường trong đàn gà phải có tỷ lệ là 10 gà mái ít nhất cần 1 gà trống. Vậy mà trong đàn gà này đâu phải ngày nào cả 10 con đều đã may mắn được "chiếu cố" . Chính vì vậy tỷ lệ trứng có phôi thường chỉ đạt 70% mà thôi. Đối với chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lớn, đó là một thiệt thòi rất lớn. Chắc chúng ta đã thường xuyên trông thấy gà trống đạp mái. Chúng dí mỏ vào cồ gà mái rồi đè lên và hoàn thành nhiệm vụ có thể nói là... quá nhanh ! Nhưng thụ tinh nhân tạo bằng cách nào đây? Cơ quan sinh dục của gà trống đâu thấy có gai giao cấu nào thò ra ngoài? Các nhà khoa học cho biết cơ quan giao cấu của gà trống không phát triển. Nó chỉ là chỗ phình hình bong bóng của ống dẫn tinh, nó nở to khi có kích thích sinh dục. Ngoài ra, khi tinh hoàn hoạt động còn có sự tham gia của những nếp nhăn limpho và những thể ống, nằm ở tận cùng của ống dẫn tinh. Khi giao cấu, ổ nhớp con trống áp sát với lỗ huyệt con mái. Lúc này âm đạo được bộc lộ ra và tinh trùng được phóng vào lỗ huyệt của con mái. Anh Diểng đã huấn luyện được một anh và một chị công nhân thực hiện rất thành thạo công việc tưởng chừng rất khó khăn này (lương tháng nghe nói là 10 triệu đồng- gấp ba lần lương Tiến sĩ!). Anh ta phụ trách nắm con gà trống và vuốt rất thiện nghệ phần dưới lưng gà, thế là lượng tinh trùng màu trắng đục được phun ra chén thủy tinh mà chị kia đã hứng được. Vậy là chỉ cẩn pha loãng ra và dùng ống hút có đầu nhựa thay đổi sau mỗi khi bơm vào lỗ huyệt của con gà mái. Kết quả là một con gà trống phục vụ dễ dàng cho được tới 75 con gà mái (!) và tỷ lệ có phôi của trứng thì nâng lên đến 96%. Kết quả thực mỹ mãn, còn " sự hưng phấn" của chú gà trống kia thì chắc chưa ai có điều kiện nghiên cứu ! Tôi trao đổi với anh Diểng về tỷ lệ thụ thai ở loài gà Đông Tảo còn quá thấp nên có lúc tìm mua một con trống đẹp đẽ phải tốn tới 6-7 triệu đồng. Anh Diểng cho biết vì chân con trống to quá khó lòng thực hiện được chuyện đạp mái và đấy đang là mong ước của anh Diểng sẽ chuyện giao được công nghệ thụ tinh nhân tạo này cho giống gà Đông Tảo quý giá này.
Một chuyện lạ nữa là trại gà đẻ của anh Diểng giữa trưa nắng như mấy hôm nay mà mát mẻ như có điều hòa nhiệt độ? Phương pháp thật đơn giản: hai bên trại được che kín bằng vải nhựa. Một đầu có nước giếng khoan mát lạnh chảy từ từ qua những lớp ngói xếp khít vào nhau. Đầu kia của trại là 4 cái quạt lớn chạy bằng mô tơ điện. Thế là gió mát được thổi liên tục suốt dọc trại gà.
Lại một chuyện thú vị nữa là trại gà hậu bị của anh Diểng rẻ một cách bất ngờ: mái lợp fribrô xi măng, tường chỉ là lưới thép đơn giản. Tôi hỏi thế thì gà nóng chết. Anh cười rất tươi và nói: Thầy xem có con gà nào trong chuồng không? Nó lên núi sống chung với cây keo, làm cỏ hộ cây keo, chén các loại giun dế vô vàn trong đất rồi bón phân cho cây keo. Nhắc đến phân gà tôi lại biết thêm một chuyện thú vị là chỉ riêng chuyện xúc phân gà trong trại bán cho các nhà nuôi tôm để tạo nước màu (phát triển sinh vật phù du)cũng thừa đủ tiền giả lương cho công nhân toàn trại rồi !
Có bạn có muốn về thăm Tiên Yên, Ba Chẽ cùng nhóm blogger Quảng Ninh không? Gặp nhau vào ngày 17/7 để cùng trao đổi nhé
Thạc sĩ sán dìu Lý Văn Diểng
0 Response to "Nông thôn mới ở Bắc Giang : gà Tiên Yên (bài Nguyễn Lân Dũng)"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn