Trung Quốc âm mưu xây đảo nổi khổng lồ ở Biển Đông

Trung Quốc đang ấp ủ tham vọng tạo ra các hòn đảo nhân tạo khổng lồ trên Biển Đông, để từ đó có thể thay đổi hiện trạng trên toàn thế giới khi cần thiết, giới chuyên gia quốc tế cảnh báo.

Đảo nổi - vũ khí mới của hệ thống chống tiếp cận
Theo Tạp chí The Diplomat, hồi cuối tháng 7, Tập đoàn Jidong của Trung Quốc đã giới thiệu sản phẩm “cơ cấu nổi siêu lớn” (VLSF) tại triển lãm Thành tựu khoa học công nghệ quốc phòng tại Bắc Kinh. VLSF bao gồm hàng loạt mô đun nhỏ được ghép vào nhau để tạo thành một “đảo nổi” khổng lồ trên biển. “Đảo nổi” lớn nhất theo thiết kế của Hãng Jidong dài khoảng 900m, rộng 120m. Những “đảo nổi” nhỏ hơn có kích thước 300-900m.
Trung Quốc âm mưu xây đảo nổi khổng lồ ở Biển Đông - 1
Bản vẽ các mô đun tạo thành đảo nổi khổng lồ mà Trung Quốc muốn tạo nên ở Biển Đông. Ảnh: BusinessInsider
Tờ businessinsider cho biết, các “đảo nổi” này nặng khoảng 1 triệu tấn, có thể được sử dụng như đảo giả mạo với mục đích du lịch, hoặc cũng có thể được xây dựng với chức năng như cầu cảng, căn cứ quân sự, hoặc thậm chí các sân bay nổi. Tuy nhiên, tờ báo cũng cho biết, theo đề xuất của quân đội Trung Quốc, đảo nổi khổng lồ được thiết kế để trở thành những căn cứ quân sự thật sự. Các "đảo nổi" này hoạt động giống như những trạm chiến đấu di động trên biển, có thể hỗ trợ tiếp tế cho lực lượng Trung Quốc ở Biển Đông.
Các “đảo nổi” còn có thể trở thành sân bay tiếp nhận máy bay chiến đấu, dù sự linh hoạt của chúng thua xa tàu sân bay. Chúng có thể trở thành nhà kho quân sự, thậm chí vận hành như căn cứ hải quân tiếp nhận các tàu đổ bộ.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa bắt đầu xây dựng bất kỳ VLSF nào, nhưng sự giới thiệu sản phẩm siêu nổi này là ý tưởng phản ánh việc Trung Quốc đang gia tăng đầu tư cho quốc phòng, trong đó có những hoạt động hải quân để hỗ trợ Trung Quốc trong những vùng biển tranh chấp.
Khi Trung Quốc tiếp tục cố gắng để mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên khắp châu Á, đặc biệt là ở Biển Đông, ý tưởng của một hòn đảo nhân tạo có sức hấp dẫn di chuyển chiến lược rõ ràng.  Tạp chí The Diplomat dẫn lời chuyên gia quân sự Jack Detsch cho biết: “Trung Quốc đang ồ ạt bồi đắp các bãi đá trên Biển Đông thành tiền đồn quân sự. Các đảo nổi sẽ là vũ khí bổ sung hữu hiệu vào hệ thống chống ngăn chặn, chống tiếp cận (A2AD) của Trung Quốc”.
Biển Đông sẽ vô cùng căng thẳng
Trung Quốc đang nhanh chóng nạo vét và xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên bãi san hô và đá ngầm trên khắp Biển Đông. Cho đến nay, Trung Quốc đã xây dựng hơn 1,5 dặm vuông của hòn đảo nhân tạo. Theo Reuters, Bắc Kinh đã hoàn tất giai đoạn bồi đắp trên 6 hòn đảo khác nhau trên khắp Biển Đông và đã bắt đầu việc xây dựng trên hòn đảo thứ 7. Các chuyên gia quân sự khác cũng cho rằng với các “đảo nổi” này, quân đội Trung Quốc sẽ dễ dàng triển khai máy bay quân sự trên Biển Đông hơn. Việc Trung Quốc xây “đảo nổi” sẽ khiến tình hình Biển Đông sẽ vô cùng căng thẳng trong thời gian tới.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng ở Malaysia rằng, việc xây cất những cơ sở trên những đảo nhân tạo cho những mục tiêu quân sự đang làm tăng căng thẳng ở Biển Đông. Ông Kerry còn chỉ trích những hành động mà Trung Quốc đã thiết lập trong mấy tháng gần đây, nói rằng Mỹ sẽ không chấp chận bất kỳ sự hạn chế nào đối với quyền tự do hàng hải và tự do bay ngang qua khu vực. Các giới chức quân sự Philippines cũng cho biết, Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh cáo máy bay quân sự của Philippines phải rời khỏi vùng không phận gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hải quân Trung Quốc cũng đã 8 lần cảnh cáo phi hành đoàn của một máy bay trinh sát Poseidon của Mỹ khi máy bay này bay ngang qua khu vực hồi tháng 5.
Tuy nhiên, sau chỉ trích của Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10.8 đã ngụy biện rằng: “Tự do hàng hải và tự do bay ngang qua không có nghĩa là tàu chiến và máy bay chiến đấu nước ngoài có thể vi phạm chủ quyền lãnh thổ và an ninh của nước khác”. Bắc Kinh cho rằng, tự do hàng hải trong khu vực là điều thiết yếu bởi vì đây là một tuyến đường biển quan trọng.
 Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III đã bổ nhiệm Chuẩn Đô đốc Caesar Taccad làm Tư lệnh Hải quân mới của nước này. Trong buổi lễ chuyển giao quyền chỉ huy, Tổng thống Aquino đã yêu cầu ông Taccad đảm bảo sẽ theo đuổi Kế hoạch hành động chiến lược của Hải quân Philippines đến năm 2020 nhằm nâng cao khả năng của lực lượng này, trong đó có vai trò vô cùng lớn của Hải quân Philippines trong việc giữ hoà bình, ổn định ở Biển Đông. 

0 Response to "Trung Quốc âm mưu xây đảo nổi khổng lồ ở Biển Đông"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn