Kinh đô cũ của nhà Mạc thời Cao Bằng, sau một đợt khảo cổ

Tin về việc đào khảo cổ ở khu vực thành Na Lữ (Cao Bằng) đã đi hồi cuối năm 2014, ở đây ở đây.

Kết quả sơ bộ hiện thời như dưới đây.



Từ đây trở xuống là lấy nguyên về từ Cao Bằng điện tử.

---



Thứ sáu 06/03/2015 08:00
Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hiến, còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị lịch sử, văn hóa. Những di tích, di chỉ khảo cổ, hiện vật khảo cổ đánh dấu quá trình phát triển lịch sử dân tộc, như: di chỉ Ngườm Vài, xã Cần Yên (Thông Nông); Ngườm Bốc, xã Nam Tuấn (Hoà An); Ngườm Càng, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)…, được nghiên cứu, sưu tầm trong kho cơ sở của Bảo tàng tỉnh đã khẳng định Cao Bằng là vùng đất có sự phát triển liên tục từ thời đại đá cũ đến thời đại văn minh.
    Tiến sĩ Lê Đình Phụng - Viện Khảo cổ học Việt Nam thám sát quanh khu vực thành Na Lữ.


    Cho đến nay, khảo cổ học thời đại đồ đá ở Cao Bằng khá phong phú, tuy nhiên, tài liệu, hiện vật về thời đại kim khí và thời đại phong kiến còn nhiều hạn chế. Điều này cho thấy còn nhiều việc phải làm đối với việc nghiên cứu di sản văn hoá của cha ông trên mảnh đất Cao Bằng. Do vậy, công tác khảo cổ học vẫn luôn được Bảo tàng tỉnh đề cao, nghiên cứu, sưu tầm. Hiện nay, trong kho cơ sở của Bảo tàng đang lưu giữ hơn 5.000 hiện vật thuộc giai đoạn từ hậu kỳ đá mới đến sơ kỳ kim khí. Tháng 5/2014, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam đào thám sát thành Na Lữ, xã Hoàng Tung (Hoà An). Sau 5 ngày tiến hành đào thám sát tại 3 hố đã thu được một số kết quả. Hố thám sát 1 ở vị trí tường thành phía Đông Bắc thành với diện tích đào 4 m2, phát hiện móng xây bằng đá thời nhà Mạc, kỹ thuật xây là vôi, mật mía và chèn bằng đất. Hố 2 cửa Đông Nam thành đào 9 m2, phát hiện lòng cổng thành có hệ thống xây bằng đá còn nguyên vẹn với lớp vôi mật dày 7 cm. Hố thám sát 3 ở góc Đông Nam gò Long (nơi đặt đền thờ vua Lê) với diện tích đào 3 m2, phát hiện nhiều ổ đạn đá, đạn sắt nằm ở độ sâu 0,3 m chưa bị xáo trộn, một ổ đếm được 577 viên đạn đá,  đạn sắt, với nhiều loại đá khác nhau đẽo tròn và nhiều mảnh gạch, ngói âm dương.

    Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục tiến hành đào thám sát mở rộng các hố khai quật của đợt khai quật tháng 5/2014, do Viện Khảo cổ học Việt Nam chủ trì khai quật. Sau 20 ngày đào khai quật, hố số 1 mở rộng kéo dài theo chân tường thành đã phát lộ thêm các viên đá phẳng làm rõ dải móng đá dưới chân thành, đây là lớp đá móng của tường gạch xây thành phía bên ngoài. Hố số 2 dọc theo hướng cổng thành, phát lộ nguyên nền lát cổng phía Đông Nam thành. Hố số 3 phát hiện lớp ngói âm dương đổ dày, có dấu hiệu của nền nhà, móng nhà đầm rất rõ. Ngoài ra, nhóm khai quật còn đào thám sát thêm di chỉ lò đun gạch, ở khu Trường Lò còn nguyên vỏ lò, ống khói và sản phẩm gạch trong lò đun.

    Kết quả đào thám sát của cả 2 đợt cho thấy, thành Na Lữ đắp bằng đất vững chắc, bên ngoài xây dựng bằng gạch và đá trở thành toà thành kiên cố từ thời nhà Mạc. Những hiện vật được phát hiện tại thành Na Lữ khẳng định nghệ thuật kiến trúc quân sự của nhà Mạc phát huy ở đỉnh cao cùng với thành quách vững chắc nhằm mục đích củng cố thế lực, ổn định một vùng biên ải. Khẳng định thành Na Lữ là toà thành có quy mô lớn, diện tích rộng, xây dựng triệt để địa hình vùng đất. Những hiện vật là đạn đá, đạn sắt có thể khẳng định nhà Mạc xây các xưởng chế tác vũ khí với lực lượng pháo binh lớn, hoả khí mạnh. Đây là một căn cứ quân sự lớn, trung tâm chính trị của nhà Mạc cần đặt vấn đề nghiên cứu tổng thể toà thành này lâu dài. Trong đợt đào thám sát tại thành Na Lữ, Bảo tàng tỉnh đã lựa chọn, sưu tầm 40 hiện vật đạn kim loại có niên đại khoảng thế kỷ XVI - XVII bổ sung vào kho cơ sở.


    Cổng phía Đông Nam thành Na Lữ.


    Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn tiến hành sưu tầm được 9 hiện vật tại Cốc Ngườm, xã Vân Trình (Thạch An), số hiện vật trên được thu lượm trong mảnh rẫy trước nhà anh Hà Xuân Bách, xóm Cốc Ngườm - nơi hằng năm gia đình anh vẫn cày xới trồng ngô. Bộ sưu tập bao gồm rìu và bôn thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới, có niên đại cách đây từ 3.500 - 4.000 năm. Về chất liệu, kỹ thuật chế tác, kiểu dáng công cụ của sưu tập này đều giống với bộ sưu tập thứ nhất phát hiện trong khi thi công Nhà văn hoá xóm Cốc Ngườm vào đầu tháng 11/2013. Cũng trong đợt sưu tầm hiện vật tháng 5/2014, Bảo tàng tỉnh tiếp nhận một xẻng đá của anh Bế Văn Khoẻ, xóm Bản Niếng, xã Quang Hán (Trà Lĩnh). Theo anh Khoẻ, vào khoảng năm 1960, bố anh là ông Bế Văn Lược phát hiện ra chiếc xẻng khi đang khai thác đá làm đường dân sinh ở khu vực Thua Ngườm thuộc địa phận xóm Bản Niếng. Căn cứ vào kiểu dáng, chiếc xẻng đá được xếp vào xẻng loại 2, thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới, có niên đại cách đây khoảng 3.000 năm. 

    Cao Bằng là mảnh đất giàu tiềm năng về khảo cổ học với các di chỉ, như: thành Na Lữ; địa điểm Cốc Ngườm, xã Vân Trình (Thạch An)…, các hiện vật khảo cổ lưu giữ lẻ tẻ trong dân còn nhiều, như: bộ sưu tập hiện vật của anh Phạm Văn Lợi, thị trấn Nước Hai (Hoà An)…; nhưng do điều kiện kinh phí của đơn vị còn hạn hẹp nên việc khai quật các di chỉ hay vận động đưa hiện vật lưu giữ trong dân về Bảo tàng tỉnh để bảo quản và phát huy giá trị của các hiện vật và sưu tập hiện vật một cách hiệu quả nhất còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, rất mong tỉnh, các cơ quan chức năng có thẩm quyền quan tâm hơn và hỗ trợ kinh phí để công tác khảo cổ học ở Cao Bằng tiếp tục được thực hiện và nghiên cứu, khẳng định giá trị văn hoá trên vùng đất địa đầu Tổ quốc và tạo hướng đi tiếp theo của khảo cổ học nhằm phát huy giá trị của di chỉ, di tích trong đời sống văn hoá đương đại, góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

       
    Nông Lý Huệ

    0 Response to "Kinh đô cũ của nhà Mạc thời Cao Bằng, sau một đợt khảo cổ"

    Đăng nhận xét

    Vui lòng không Spam. Thanks các bạn