Vùng miền núi phía bắc, tôi hay du lãng, thì quế hay trồng gần với mỡ. Nên nhiều khi cứ nói tắt là "quế mỡ".
Thấy bảo là đã có tới mấy trăm cây vàng tâm vừa được trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh. Mà thực chất, các chuyên gia soi, thì hóa ra không phải vàng tâm. Đó là mấy trăm cây mỡ (xem lại ở đây hoặc ở đây).
Có nằm lại lâu ở những bản làng trồng "quế mỡ", có lên rừng chặt cành tỉa lá cùng dân, mới biết thế nào là thảm họa nhãn tiền.
Dưới đây là tài liệu tham khảo (trước hết của báo chí, tư liệu của cá nhân tôi thì đưa sau khi cần thiết).
Hình lấy về từ đây |
---
1. Ở tỉnh Bắc Cạn năm 2014.
16:34' 10/04/2014 (GMT+7)
Những ngày này, trên địa bàn huyện Ba Bể xuất hiện tình trạng sâu ong phá hoại rừng mỡ, chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo và cùng vào cuộc với người dân để phòng, trừ sâu ong. Điều đáng lo ngại là sâu ong đang phát triển trên diện rộng trong khi cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để diệt trừ triệt để.
Sâu ong phá hoại tại rừng mỡ của gia đình chị Mã Thị Tuyến, thôn Đon Dài, xã Chu Hương |
Như tin đã đưa, những ngày gần đây, trên địa bàn huyện Ba Bể xuất hiện tình trạng sâu ong gây hại nhiều diện tích cây mỡ. Theo cơ quan chuyên môn và báo cáo sơ bộ của các địa phương, ước tính ban đầu có khoảng 150ha diện tích có sâu ong phá hoại, tuy nhiên, một phần vì đang thời điểm nhộng chưa trưởng thành khó phát hiện, phần do nhiều hộ dân chưa để ý rừng của mình có sâu ong, đến khi có thông báo của huyện và ngành chuyên môn gửi đến thôn, nhiều hộ mới kiểm tra rừng của mình, do đó, diện tích có sâu ong được người dân báo cáo tăng lên từng ngày. Do vậy, hiện tại toàn huyện chưa thể tính được con số chính xác, nhưng số diện tích sâu ong phá hoại đã tăng hơn con số ban đầu rất nhiều, đặc biệt là ở xã Chu Hương.
Trước tình hình này, UBND huyện Ba Bể đã tổ chức họp, thống nhất và có công văn chỉ đạo gửi các xã về việc tăng cường công tác chỉ đạo và thu mua sâu ong hại cây mỡ, trong đó, chỉ đạo các địa phương phân công cán bộ lâm nghiệp, cán bộ phụ trách thôn thường xuyên thăm nắm tình hình dịch bệnh; tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền đến các thôn, bản, hộ gia đình vệ sinh rừng trồng bằng cách phát quang, đồng thời kiểm tra rừng trồng có sâu ong gây hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Giao cho các đoàn thể xã huy động lực lượng hội viên, đoàn viên tổ chức thu gom thủ công để diệt trừ sâu ong, nhộng ong. Đồng thời, chỉ đạo các xã chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của ngân sách xã chi trả sâu ong bắt được của người dân để tiêu hủy. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chỉ đạo người dân rắc các loại thuốc như: Basudin 10H, Furadan 10H, Diazinon 10H, Vibasu 10H, trong phạm vi dưới tán cây, trước khi sâu xuống đất hóa nhộng; các loại thuốc phun như: Padan 95SP, Patox 95SP…
Ngày 9/4, chúng tôi có mặt tại xã Chu Hương, địa phương có diện tích hơn 1 nghìn ha rừng mỡ và cũng là địa phương có nhiều sâu ong phá hoại nên chiến dịch được tổ chức sớm hơn các địa phương khác. Sau khi có công văn chỉ đạo của huyện, địa phương đã thông báo cho người dân về việc diệt trừ, thu mua sâu ong cho tất cả các thôn, bản, tiếp đó, ngày 9/4, xã Chu Hương đã mở chiến dịch diệt trừ sâu ong trên địa bàn toàn xã. Mặc dù là ngày nghỉ Lễ giỗ tổ Hùng Vương, nhưng đông đủ lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, lãnh đạo các hội, đoàn thể, các hội viên, đoàn viên đã tham gia rất đông. Chiến dịch được phát động bắt đầu từ sáng sớm, chỉ sau đó khoảng 2 giờ đồng hồ, tại sân UBND xã Chu Hương đã bắt đầu có bà con mang sâu ong đến cân, chiến dịch được phát động từ sáng sớm kéo dài đến hơn 17 giờ chiều mới xong việc thu mua, tiêu hủy. Số sâu ong, nhộng ong thu được trong ngày phát động chiến dịch cũng tăng hơn rất nhiều những ngày khác. Cụ thể, ngày 8/4, mới chỉ thu được hơn 500kg sâu ong, nhộng ong, nhưng trong ngày phát động chiến dịch, từ sáng sớm đến 15 giờ thì số sâu ong, nhộng ong thu được đã lên đến con số trên 1 tấn, như vậy, chỉ tính 2 ngày (8-9/4) xã Chu Hương đã thu được 1.816 kg sâu ong, nhộng ong.
Đồng chí Hoàng Văn Danh- Chủ tịch UBND xã Chu Hương cho biết: “Xã Chu Hương hiện có khoảng 1.100ha rừng mỡ, việc phát hiện có sâu ong của một số ít hộ dân là từ trung tuần tháng 3, xã cũng đã có văn bản chỉ đạo cho bà con, tuy nhiên, nhận thức của người dân về công tác bảo vệ cây trồng cũng chưa cao, chưa kịp thời kiểm tra rừng trồng của mình, do đó, từ 4/4 sâu ong bùng phát phát triển thành dịch lan rộng, chỉ tính từ đầu tháng đến nay, diện tích rừng mỡ bị sâu ong phá hoại đã tăng lên khoảng 500ha. Sau khi có văn bản chỉ đạo của huyện, xã đã phát động cho bà con bắt sâu và triển khai việc thu gom để tiêu hủy từ ngày 7/4, đến ngày 9/4 đã thu được gần 2 tấn sâu ong, nhộng ong. Địa phương đang gặp khó khăn trong biện pháp khắc phục phun hóa chất, bởi với diện tích rừng mỡ đa phần là từ 5 tuổi trở lên, cây đã mọc cao nên khó khăn và kém hiệu quả, bên cạnh đó phải có nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn kinh phí dự phòng của xã rất hạn hẹp. Chỉ tính trong hai ngày tiến hành thu gom, với gần 2 tấn sâu bắt được, đã tương đương hàng trăm triệu đồng. Sâu ong to bằng đầu đũa, sinh sôi nhanh, nhộng ong ẩn nấp dưới mặt đất. Nông dân chỉ có thể phun thuốc ở những diện tích rừng mới trồng, cây còn thấp, còn những diện tích cây đã cao việc phun thuốc không tới cho nên ít mang lại hiệu quả. Còn biện pháp bắt thủ công, với diện tích bị gây hại rộng lớn như vậy, mật độ sâu dày đặc không thể bắt xuể, cây cao không bắt được là vấn đề mà chúng tôi đang rất lo ngại…”
Lực lượng thanh niên xã Chu Hương tham gia tiêu hủy sâu ong |
Trao đổi với lãnh đạo huyện, ông Cao Minh Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện, phụ trách nông, lâm nghiệp Ba Bể cho biết: Tình hình sâu ong phá hoại rừng mỡ trên địa bàn huyện Ba Bể được phát hiện khoảng trung tuần tháng 3, huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn kiểm tra, có biện pháp phòng trừ, tuy nhiên, hiện nay sâu ong vẫn đang có xu hướng lan rộng, đến nay ngoài những xã báo cáo xuất hiện sâu ong những ngày qua, đến nay lại tiếp tục có ở các xã Hà Hiệu và Phúc Lộc. Huyện đã và đang tích cực chỉ đạo các địa phương cùng người dân khẩn trương phòng và diệt trừ. Trong đó, tăng cường biện pháp bắt thủ công; phun hóa học, rắc thuốc. Hiện nay, sâu ong vẫn đang lan ra diện rộng, trong khi đó, nguồn kinh phí của huyện hạn hẹp, nhưng để có hiệu quả, huyện điều chỉnh giá cả thu mua để hỗ trợ cho người dân bắt sâu ong với giá 25 nghìn đồng/kg sâu, nhộng ong cho bà con.
Trước tình hình sâu ong lan rộng, phát triển thành dịch như hiện nay, lãnh đạo và nhân dân các địa phương trên địa bàn huyện Ba Bể rất mong các cơ quan chức năng từ huyện đến tỉnh cần sớm có biện pháp diệt trừ sâu ong một cách triệt để, để người nông dân yên tâm phát triển sản xuất nói chung, phát triển kinh tế rừng trồng nói riêng./
Tùng Vân
http://www.baobackan.org.vn/channel/2262/201404/ba-be-tich-cuc-diet-tru-sau-ong-2305540/
2. Ở tỉnh Lào Cai, cũng trong năm 2014
Bảo Thắng: Đã khống chế được dịch sâu ong phá hoại cây mỡ
10/04/2014 10:11
LCĐT - Thông tin từ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bảo Thắng, đến thời điểm này, dịch sâu ong ăn lá cây lâm nghiệp (chủ yếu là ăn lá cây mỡ) tại địa phương đã hoàn toàn được khống chế.
Chặt bỏ những cành cây bị hư hại là biện pháp phòng trừ sâu hiệu quả. |
Ước tổng diện tích cây lâm nghiệp trên địa bàn đã bị sâu ong tấn công lá là 84 ha, trong đó có 17 ha bị thiệt hại nặng, số diện tích cây lâm nghiệp còn lại chỉ ảnh hưởng nhẹ, không có tác động đến năng suất rừng.
Dịch sâu ong bùng phát trên địa bàn các xã: Sơn Hà, Sơn Hải, Phú Nhuận, Xuân Quang vào đầu tháng 3/2014. Ngay sau khi dịch xảy ra, các cơ quan chức năng và nhân dân tại các xã trên đã tổ chức phát dọn cỏ, chặt tỉa cành thừa, đốt lửa hun khói dưới gốc cây để hạn chế mức độ sinh sôi và phát tán của sâu ong.
Theo bà Lê Thị Lý, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Bảo Thắng thì sâu ong thường tàn phá rừng với mức độ lớn, sau một đêm là chúng có thể ăn trụi lá tại một khu rừng mỡ, ảnh hưởng đến sinh trưởng, nếu nặng hơn sẽ gây chết cây.
Vòng đời của sâu ong khá ngắn (từ 30-35 ngày), nhưng sau khi ăn lá cây chúng lại chui xuống đất làm tổ, gặp thời tiết thuận lợi sẽ tiếp tục phá hoại cây trồng.
Thời điểm trong 1 năm, sâu ong thường xuất hiện vào tháng 3 đến tháng 4, đợt hai xuất hiện vào tháng 10 và tháng 11.
Khuyến cáo của cơ quan chuyên môn là thời điểm này người sản xuất cần thường xuyên kiểm tra rừng trồng, phát quang cỏ rậm để hạn chế sâu bệnh hại.
Trung bình khoảng 2-3 năm tại Bảo Thắng lại xuất hiện một đợt dịch trên cây lâm nghiệp và sâu thường gây hại trên cây bồ đề, quế, mỡ.
3. Trước đó, tỉnh Bắc Cạn đã trở đi trở lại với thảm họa này:
Cập nhật: 25/09/2013 08:21
Sau một thời gian được khống chế, đến thời điểm này, sâu ong đã bùng phát trở lại. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Bắc Kạn, hiện có hơn 1.000 ha rừng mỡ bị sâu ong phá hoại, trong đó huyện Chợ Đồn có hơn 580 ha, huyện Pác Nặm khoảng hơn 400 ha, huyện Chợ Mới hơn 20 ha và huyện Bạch Thông trên 10 ha.
Sâu ong được thu gom lại (Ảnh: baobackan).
Ngay khi sâu ong xuất hiện trở lại, Sở NN và PTNT Bắc Kạn đã chỉ đạo các địa phương cùng với bà con tích cực phát dọn, xử lý thực bì sạch sẽ để tránh sâu có điều kiện thuận lợi phát triển, đồng thời tập trung diệt trừ sâu ong bằng cách dùng cuốc, xẻng xới đều và rắc thuốc trừ sâu lên mặt đất, tiến hành ngắt bỏ ổ trứng đem tiêu hủy. Tuy nhiên, ở một số nơi, nhân dân vẫn còn chủ quan với tình hình phát triển của loại sâu hại này nên đã tạo điều kiện cho sâu phát triển diện rộng. Trong khi đó, hiện nay, nông dân cũng chưa có phương thuốc hữu hiệu để diệt trừ loài sâu này. Thu bắt bằng tay là biện pháp hữu hiệu nhất đang được nhiều địa phương huy động các đoàn thể cùng vào cuộc. Tuy nhiên, do rừng mỡ phân tán, cây cao, địa hình núi cao hiểm trở nên việc phòng trừ vẫn hết sức khó khăn.
Để khống chế và diệt trừ sâu ong hiệu quả, không để lây lan diện rộng, Sở NN và PTNT Bắc Kạn khuyến cáo bà con nên kiểm tra thường xuyên rừng mỡ, phát hiện kịp thời sâu ong để xử lý; tìm và ngắt bỏ ổ trứng, sâu non đem tiêu hủy; xới đất để rắc các loại thuốc như Diaphos, Diazol, Vibasu... Ngoài ra, cần phát quang dây leo, cây bụi quanh tán mỡ và tỉa cành gốc để cây thông thoáng trước khi rắc thuốc. Đối với diện tích cây mỡ còn thấp có thể dùng thuốc để phun như Ofatox, Patox, Gà nòi...
Sâu ong có sức tàn phá rất lớn, chỉ sau một đêm các cánh rừng mỡ sẽ bị sâu ong ăn trụi lá. Đặc biệt sâu ong phát triển nhiều trên những cánh rừng mỡ từ 4 - 5 tuổi, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và có thể làm chết cây. Vòng đời của sâu ong chỉ từ 30 - 35 ngày nhưng sau đó chúng lại chui xuống đất làm tổ. Như vậy một năm bà con trồng mỡ phải hứng chịu 2 đợt tàn phá của sâu ong, nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn.
ĐH
---
Bổ sung 2 (25/3/2015): Điều tra của Dân Trí.
Thứ Tư, 25/03/2015 - 00:46
http://dantri.com.vn/xa-hoi/di-tim-su-that-ve-hang-cay-moi-trong-tren-duong-nguyen-chi-thanh-1049783.htm?mobile=true
Bổ sung 1 (25/3/2015): Thông tin từ blog "phó nhòm tây bắc".
---
Bổ sung 2 (25/3/2015): Điều tra của Dân Trí.
Thứ Tư, 25/03/2015 - 00:46
Đi tìm sự thật về hàng cây mới trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh
Dân trí Sau hành trình đi tìm tên gọi chính xác của loạt cây vừa được trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), PV Dân trí được một cán bộ kiểm lâm ở Yên Bái và nhiều người dân địa phương xác nhận đó là cây gỗ mỡ. >> Hà Nội trồng "nhầm" gỗ mỡ thay vì vàng tâm?
Những ngày gần đây, người dân sinh sống trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng như dư luận cả nước xôn xao câu chuyện Hà Nội có chủ trương chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên hàng trăm tuyến phố.
Cụ thể, vào ngày 14/3 vừa qua, thành phố Hà Nội đã tiến hành trồng mới 382 cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh, sau khi chặt hạ nhiều cây xanh ở đây.
Hàng cây được trồng mới trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh ngày 14/3, được phía Hà Nội thông báo là cây vàng tâm. (Ảnh: Quốc Đô).
Theo quan sát bên ngoài, đây là loại cây có thân gỗ thẳng đứng, tán cao, rễ cọc. Tại thời điểm trồng, phía đơn vị phụ trách thông báo đó là cây vàng tâm. Tuy nhiên, ngay sau đó, một số chuyên gia nghiên cứu về cây và dư luận nhân dân nêu ý kiến loại cây vừa được trồng mới để thay thế các cây cũ trên phố Nguyễn Chí Thanh không phải là cây vàng tâm.
Có rất nhiều ý kiến bạn đọc gửi đến báo Dân trí cung cấp thông tin, đề nghị phóng viên vào cuộc đi xác minh, làm rõ nguồn gốc, nơi xuất xứ cũng như tên gọi chính xác của loạt cây mới được trồng này.
Sau hành trình dài đi tìm hiểu tại các tỉnh miền núi Tây bắc, PV Dân tríđã nhận được thông tin, loại cây mới được trồng trên đường phố Hà Nội sinh sôi, phát triển nhiều tại huyện vùng cao Văn Chấn, Yên Bái.
Tới đây, phóng viên chứng kiến bạt ngàn loại cây giống hệt cây được trồng mới nói trên, mọc chen nhau trên các sườn đồi và trên các “cánh đồng” chè. Phía dưới ngọn đồi có rất nhiều nhà dân, phía trước cửa mỗi nhà có trưng biển rao bán: hạt cây Bồ đề, cây giống, mỡ, keo, quế.
Dừng xe tại Quốc lộ 37, thuộc địa bàn huyện Văn Chấn, chúng tôi tìm vào một gia đình hỏi thăm và được gặp ông Nguyễn Đức Tịnh - một chủ vườn ươm cây, cũng là “đầu nậu” bán buôn, bán lẻ các loại cây gỗ từ nhỏ đến lớn.
Ông Tịnh cho biết: “Anh từ Hà Nội vừa lên à? Nếu muốn mua cây gỗ mỡ thì nhà tôi cũng có nhưng hiện nay chưa có điểm tập kết. Anh cứ sang bên xã Đại Lịch, bên đó có điểm tập kết gom mua cây mỡ về Hà Nội, liên tục cả mấy tuần nay rồi. Anh cho số điện thoại và ghi số gia đình tôi, sang đó nếu cần thì tôi tìm người đi đánh cây mang sang đó nhập cho tiện xe”.
Tôi mở những hình ảnh chụp về loạt cây mới trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh, được cho là cây vàng tâm, cho ông Tịnh xem, ông Tịnh nói ngay: “Đúng rồi. Đây là cây gỗ mỡ, ở đây nhiều lắm. Cách đây mấy ngày, những người dưới Hà Nội lên đây mua thân cây to về nói là trồng ở đường phố và đường cao tốc. Nhưng mấy ngày nay thì không có ai hỏi mua nữa, cũng chẳng thấy ai ngoài các anh lên đây hỏi mua cây mỡ như thế này” (?!).
Đoán biết chúng tôi chỉ hỏi thông tin chứ không mua, ông Tịnh quay vội vào nhà và nói với ra: “Anh đi sang bên xã Đại Lịch nhé, bên đó nhiều lắm”.
Theo lời người chủ vườn ươm, tôi di chuyển sang hướng xã Đại Lịch. Qua trao đổi với ông Phạm Tuấn Anh - Chủ tịch UBND xã Đại Lịch (Văn Chấn - Yên Bái) - được biết thời gian gần đây có những người từ Hà Nội đi xe tải lên đặt vấn đề trực tiếp với người dân về việc mua cây gỗ mỡ.
Theo ông Tuấn Anh, địa phương có rất nhiều cây gỗ mỡ, được người dân trồng nhiều không đếm xuể. Nhưng họ chỉ mua những cây cao, thân to, có cả cụm rễ với giá trung bình là 100 ngàn đồng/cây. Họ mua số lượng nhiều nên người dân phải huy động nhân lực lên đồi đánh nguyên cây để bán với giá công dao động từ 150 - 200 ngàn đồng/cây.
Qua trao đổi, ông Chủ tịch xã Đại Lịch giới thiệu tôi gặp ông Tạ Quang Đoàn - Trưởng thôn 6 xã Đại Lịch - người chịu trách nhiệm tổng hợp số liệu cây gỗ mỡ trên địa bàn để bán cho những người mua cây ở Hà Nội.
Ông Đoàn hướng dẫn tôi đến gặp trực tiếp ông tại ngôi nhà vườn riêng, rộng ước chừng hơn 1.000 m2 ở thôn 6 xã Đại Lịch.
Loại cây gỗ mỡ được rất nhiều hộ gia đình trồng trên đồi tại xã Đại Lịch, Văn Chấn, Yên Bái.
Ông Tạ Quang Đoàn, "đầu nậu" gom gỗ mỡ bán cho người Hà Nội xác nhận: "Cây gỗ trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh là gỗ mỡ vàng tâm".
Tôi mở cho ông Đoàn xem những hình ảnh tôi chụp lại về cây thân gỗ cao trên đường Nguyễn Chí Thanh. Xem xong, ông Đoàn xác nhận ngay: “Đây đúng là cây gỗ mỡ, nó được đưa từ trên vùng đất này về trồng ở dưới đó. Cây này chắc chắn không phải là gỗ vàng tâm vì vàng tâm thì chỉ trên rừng già mới có và vàng tâm không lớn nhanh như cây gỗ mỡ”.
Ông Đoàn hồn nhiên tiếp lời: "Đợt vừa rồi người dân chúng tôi có bán rất nhiều cây gỗ mỡ cho người dưới xuôi để đem về trồng. Qua quan sát những hình ảnh cây đang được trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh thì chắc chắn đó là cây mỡ. Người dân chúng tôi gọi là “mỡ vàng tâm” bởi lõi của cây màu vàng, hoa màu trắng".
Vẫn tỏ ra hoài nghi, tôi hỏi ông Đoàn: “Dãy cây trên đường Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội ông có khẳng định là cây gỗ mỡ không?”. Ông Đoàn nói ngay: “Chính xác nó là cây gỗ mỡ. Còn nói rõ hơn thì dân buôn như chúng tôi vẫn thường gọi cây này với tên gọi là cây gỗ mỡ vàng tâm. Vì, nhìn quan sát bên ngoài về thân lá, có những đặc điểm cây gỗ mỡ giống cây gỗ vàng tâm. Hơn nữa, cây gỗ mỡ này có ruột màu vàng nên chúng tôi vẫn gọi là mỡ vàng tâm để thuận lợi cho việc buôn bán”.
Dường như thấy tôi vẫn chưa tin hẳn, ông Đoàn dẫn tôi ra hàng cây phía trước nhà, nói rằng đây chính là cây mỡ vàng tâm. Cái khác nhau để nhận biết là cây gỗ mỡ nở hoa màu trắng; còn cây vàng tâm nở hoa màu tim tím. Hơn nữa, cây gỗ mỡ phát triển rất nhanh.
“Một cây gỗ mỡ chúng tôi trồng chỉ vài năm là có thân cao hơn 10 mét, thân to như thân cây hiện đang được trồng dưới phố Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội. Nếu anh muốn tìm gỗ vàng tâm thì phải vào rừng, nhưng bây giờ lấy đâu ra mẫu vàng tâm giống như hàng cây trồng dưới đó. Tôi khẳng định, ở đây không có cây gỗ vàng tâm đâu” - ông Đoàn cho hay.
Theo xác nhận của ông Tạ Quang Đoàn, loại cây gỗ mỡ khi nở hoa sẽ có màu trắng, còn gỗ vàng tâm thì nở hoa màu tim tím.
Rất nhiều người dân, cán bộ xã Đại Lịch đều xác nhận, loại cây gỗ trồng trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội là cây gỗ mỡ, được trồng rất nhiều trên địa bàn địa phương nơi họ sinh sống.
Ông Đoàn tiếp tục kể về quá trình bán cây gỗ mỡ: "Cách đây hơn một tuần lễ, tôi được người mua đến từ Hà Nội nhờ thống kê, tổng hợp số liệu, thôn chúng tôi có bán ra được khoảng hơn 100 cây. Lúc đầu họ đến mua chỉ với giá 100 ngàn đồng/cây và tính công đào và vận chuyển ra đến ô tô thêm 100 nghìn nữa. Nhưng sau đó, dân chúng tôi kêu rẻ quá thì họ nâng giá lên thành tổng cộng 300 ngàn đồng/cây. Có nơi bán giá cây cao thì giá tiền công đào lại thấp xuống, bình quân thì cũng chỉ có giá 300 nghìn đồng/cây".
Theo ông Đoàn thì hầu hết những chiếc xe đến thu mua tại xã đều mang biển số Hà Nội và ông xác nhận có nghe những người này nói rằng mang về Hà Nội để trồng trên đường cao tốc và một số tuyến đường phố.
“Người dân chúng tôi mua bán hoàn toàn không có hóa đơn, chứng từ gì. Chỉ thấy ngoài kia có người đi vào trong dân hỏi, nhà nào có nhiều cây mỡ thì mua bán, thu tiền luôn. Đối với người dân chúng tôi, nếu bán những cây con như vậy chỉ được vài chục nghìn, thấy bán được giá thì chúng tôi bán ngay” - ông Đoàn trần tình.
Cũng theo lời vị này, tính đến ngày 20/3 vừa rồi, hoạt động mua bán của ông đã bị tạm dừng, mặc dù máy cẩu vẫn còn ở đây nhưng không thấy người thu mua cây từ Hà Nội lên giao dịch mua bán cây gỗ mỡ nữa.
Liên quan đến sự việc, trao đổi nhanh với PV Dân trí, một cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn cũng đã xác nhận rằng, những cây gỗ được trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội trông giống cây gỗ vàng tâm nhưng đích thực là cây gỗ mỡ, vẫn được nhiều người dân xã Đại Lịch ươm trồng, chăm nuôi và có bán cho người từ Hà Nội mua về trồng thời gian vừa qua.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia về gỗ và lâm sản tại Bắc Ninh cho rằng, một cây gỗ mỡ to bằng những cây mới được trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội giá chỉ khoảng 300.000 đồng/cây; nhưng nếu là cây vàng tâm "xịn" giá sẽ trên dưới 10 triệu đồng/cây.
PV Dân trí liên hệ phía xí nghiệp Cây xanh Hoa đô thị Hà Nội thì được một cán bộ cho biết: “Xí nghiệp tôi chỉ thực hiện công tác chặt hạ và dịch chuyển cây xanh, Thời gian qua chúng tôi đã chặt hạ được 111 cây và dịch chuyển 128 cây trên đường Nguyễn Chí Thanh về vườn ươm cầu Diễn để ươm trồng. Còn “bên kia” họ báo là trồng được 241 cây mới, nhưng không biết đó là cây mỡ hay cây gì”. Ông Hà Đình Kiên - Chủ tịch UBND xã Trấn Thịnh (Văn Chấn - Yên Bái) cho biết, do địa bàn xã không thuận lợi cho việc vận chuyển nên hầu như không có người dân bán cây gỗ mỡ. Trong thời gian gần đây, chỉ có các xã dọc tuyến Quốc lộ như Tân Thịnh, Đại Lịch, Cát Thịnh mới có người đến thu mua giống cây này. Ông Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn - cho hay, địa bàn các xã Đại Lịch, Tân Thịnh, Chấn Thịnh… là địa bàn có nhiều cây gỗ mỡ do thích ứng với điều kiện thời tiết nên loại cây này được người dân phát triển trồng nhiều. “Việc người từ Hà Nội lên địa phương giao dịch trực tiếp với người dân mua cây gỗ về trồng là giao dịch cá nhân nên địa phương cũng không ngăn cấm được. Nếu có gì liên quan thì các bên mua bán sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Hợp khẳng định. |
Quốc Đô
Bổ sung 1 (25/3/2015): Thông tin từ blog "phó nhòm tây bắc".
Thứ Tư, ngày 25 tháng 3 năm 2015
Thái Sinh
PNTB: Mình sống ở miền Núi Lào Cai từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng họa hoằn mới gặp được một cây Vàng Tâm trong những khu rừng nguyên sinh. Nay thì chả thấy... Chuyên gia lâm nghiệp nói Vàng Tâm thuộc Danh mục sách Đỏ VN. Ngày xưa các cụ bảo, gỗ Vàng Tâm người ta dùng để làm đồ thờ tự, làm quan tài an táng cho các bậc vua chúa...vì nó quý lắm. Còn cây Mỡ thì ở trong rừng khá nhiều, bọn mình thường chặt về làm nhà tạm. Thế rồi vài chục năm gần đây, từ khi có chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cây mỡ được mang về trồng đại trà, chủ yếu để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giấy Bãi Bằng, nay thì có thêm sản phẩm ván bóc. Người ta bảo, Mỡ thuộc họ Vàng Tâm, vì nhìn bề ngoài nó cũng hơi giống Vàng Tâm, cả cây, lá và hoa.
Thế nên một số bà con Yên Bái vừa rồi mới "vớ bở" bán được Mỡ cho những người mua "Vàng Tâm" về trồng đường phố Hà Nội!
Người dân ở hai xã Tân Thịnh, Đại Lịch huyện Văn Chấn (Yên Bái) vừa qua bán được mấy trăm cây mỡ với giá cao ngất ngưởng. Họ chả biết người ta mua để trồng cây cảnh hay làm gì mà đắt thế? Vừa rồi xem trên ti vi thấy nói rằng những cây mỡ đó mang về trồng ở đường phố Hà Nội nói là “vàng tâm”. Mỡ vàng tâm, nghe hay hay, có mà vàng mắt mới nhìn mỡ ra vàng tâm. Đúng là chuyện hài hước chưa từng nghe thấy bao giờ...
Tôi đang lên huyện Trạm Tấu tìm hiểu trận cháy rừng mới xảy ra cách đây mấy ngày, vừa bảnh mắt đã nhận được điện thoại của Trần Cao, Trưởng Ban Biên tập - Phóng viên báo NNVN: Anh ở trên đó kiểm tra thông tin các báo nói rằng cây trồng thay thế trên đường phố Hà Nội mua ở xã Đại Lịch có đúng không? Họ mua thế nào, giá cả ra sao, mua của người dân hay mua trong các vườn ươm nhé...
Trước khi xuống tôi điện cho hạt trưởng Hạt kiểm lâm Văn Chấn Vũ Đình Trường để kiểm tra thông tin, anh bảo tôi: Đúng là vừa rồi có người tới Văn Chấn mua cây mỡ, bác tới xã Tân Thịnh tìm gặp Trạm trưởng kiểm lâm khu vực Hoàng Văn Đức, anh ấy sẽ dẫn tới từng gia đình bán cây. Cây mỡ là cây vườn rừng chả cấm mua bán, họ tới mua thì tốt cho bà con quá...
Hoàng Văn Đức đợi tôi ở ngã ba Mỵ, gặp tôi anh dẫn đi ngay vào gia đình anh Lại Thế Vượng, thôn 13, xã Tân Thịnh. Nghe tôi hỏi chuyện mua bán cây mỡ về trồng ở Hà Nội, anh Vượng lo âu: Ấy, bác đừng viết để em đi tù nhé. Tôi bảo: Ai dám bỏ tù chú! Cây trong vườn đồi của gia đình, người ta đến mua thấy có lời thì bán, chứ có phải chuyện mua bán quốc cấm gì...
Nghe thế anh Vượng mới yên tâm hăm hở dẫn tôi lên đồi. Đồi nhà anh nằm ngay cạnh đường, trồng xen mỡ trong nương chè. Anh bảo: Hôm 10/3/2015 có một người tên là Khương, chả biết anh ấy ở đâu vào đây đặt tiền mua mỡ, họ bảo là mỡ vàng tâm, với giá 300 ngàn đồng kể cả công đánh gốc, bốc lên xe. Đồi nhà em đây bác xem có rất nhiều mỡ không. Gia đình từ lâu cũng muốn tỉa thưa bán, bán cho các xưởng làm ván bóc cũng chỉ được 40-50 ngàn đồng một cây. Nay có người đến trả 300 ngàn thì sướng quá. Thế là em thuê người đánh gốc, mua gom của 3 nhà nữa được 50 cây vừa đủ một chuyến xe...Tôi hỏi Vượng: Việc mua bán có hợp đồng, hoá đơn không?
Vượng cười cười: Làm gì có hoá đơn, hợp đồng. Họ đặt tiền trước em mới đánh. Đánh ra họ không lấy thì có mà chết à? Nhà em có 30 cây còn em mua của các hộ khác mỗi cây 80 ngàn, thuê đánh hết 100 ngàn. Đánh cấp tập trong hai ngày, ngày 12/3 thì bốc lên xe cho họ, bị loại gần 30 cây cong, vẹo và quá to. Em chả biết họ mua mỡ về làm gì, trồng cây cảnh hay sao mà mua đắt thế. Hôm rồi xem ti vi mới biết họ mua về trồng trên đường phố. Em đang đợi họ tới mua đấy, mãi chưa thấy đến...
Tôi hỏi: Nhà anh có bao nhiêu cây mà đòi bán? Vượng cười tít mắt khoát tay chỉ lên mấy quả đồi phía bên kia cánh đồng: Dân ở đây có hàng vạn cây, chưa kể lâm trường Ngòi Lao, có mà trồng 3 Hà Nội không hết... Nói rồi anh chỉ vào gốc cây mỡ non, sâu bò lổm ngổm: Dưng mà sao họ lại mua mỡ để trồng ở đường phố nhỉ? Cây này sâu nhiều lắm nhá, một năm chúng ăn trụi lá mấy lần, nhìn cây bị sâu ăn nom khiếp lắm...
Tôi theo Hoàng Văn Đức vượt đèo Bẳn vào xã Đại Lịch dưới trời mưa dầm dề. Đại Lịch là xã vùng sâu vùng xa của Văn Chấn, kể từ hôm 10/3 đến nay dân xôn xao chuyện có người đến đây mua cây mỡ 5-6 tuổi về trồng với giá 150 ngàn đồng một cây, công đánh gốc 150-200 ngàn đồng. Chuyện lạ chưa từng thấy, người dân ở đây chỉ trồng cây to bằng ngón tay cao độ 25-30cm, nay có người đến hỏi mua cây cao 5-6m, vanh gốc (chu vi) 40-50cm, đánh bầu to gần bằng cái thúng để mang về trồng.
Ông Tạ Quang Đoàn, thôn 6 mỉm cười: Tôi nguyên là cán bộ kiểm lâm về hưu cách nay hơn chục năm, thấy người ta vào đây mua cây mỡ vàng tâm. Các cụ ở đây cũng gọi là cây mỡ vàng tâm, vì lõi nó màu vàng, nhưng không phải là vàng tâm. Vàng tâm mọc trong rừng, sinh trưởng rất chậm gỗ tốt hơn cây mỡ nhiều. Thằng cháu họ tôi tên là Nguyễn Văn Bằng ở ngoài kia có một đồi mỡ. Người ta đến trả 150 ngàn đồng một cây, rồi thuê người ở đâu tới đánh bầu vận chuyển ra gần đường để bốc lên xe. Tôi hỏi thì họ bảo: Mua về để trồng trên đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai. Lạ quá, đường cao tốc trồng cây này làm gì nhỉ? Hôm rồi xem ti vi mới hay họ mang về trồng trên đường phố Hà Nội. Thằng con trai tôi học lâm sinh và tôi xem xong cứ cười mãi, cây mỡ có tán đâu mà trồng cây bóng mát ở thành phố? Cây mỡ rễ cọc, nay bị chặt rễ cọc rồi mà cây lại cao, gỗ mềm chịu sao nổi gió bão? Ở đây cả rừng cây, cây nọ dựa vào cây kia có trận bão bị quật gãy đổ hàng loạt, nay mang về thành phố thì chịu sao nổi bão, gãy đổ như chơi...
Nói rồi ông Đoàn cùng ông Hà Công Tắc là cán bộ địa chính, lâm nghiệp xã Đại Lịch dẫn tôi ra đồi mỡ nhà Nguyễn Văn Bằng, ông Đoàn bảo: May quá, thằng Bằng đang định tỉa cây bán cho các cơ sở làm ván bóc, nay có người trả 150 ngàn đồng cây, nó bán luôn...
Hố đào các gốc mỡ chi chít trong
vườn rừng nhà anh Nguyễn Văn Bằng
Ông Tắc cho biết: Tôi đã ký giấy thẩm tra cho cháu Bằng và ông Trần Xuân Lượng về nguồn gốc để xã ký đóng dấu xác nhận cho chủ vườn rừng làm thủ tục vận chuyển được hai chuyến, tổng số 100 cây. Còn nghe bà con nói họ mua ở Đại Lịch chừng 150 cây rồi, một số cây không đạt tiêu chuẩn bà con cắt cây, bỏ lại gốc đầy ngoài đường kia...
Chúng tôi vào đồi mỡ gia đình Nguyễn Văn Bằng, những hố đánh gốc chi chít, đất đỏ loét. Ông Tắc chỉ vào mấy cây bị sâu ăn trụi lá, nom như cây khô chết đứng. Tôi rùng mình nhìn vào gốc cây bên cạnh, sâu cả mấy trăm con, kéo đàn kéo lũ bò từ ngọn cây xuống sau khi đã ăn trụi lá để bò sang cây khác. Ông Tắc bảo: Nhiều cây sâu ăn hết lá còn ăn cả vỏ cây, khiến cây chết khô...
Rùng mình với những con sâu trên thân một cây mỡ |
Theo ông Tạ Văn Đoàn: Xã Đại Lịch có mấy người mua gom cây mỡ để bán cho người ta mang về Hà Nội, đến ngày 21/3 thì không thấy ai lên mua nữa. Tôi hỏi Hoàng Văn Đức: Có ai xác nhận chất lượng giống của những cây này? Đức lắc đầu: Họ mua gom, có chuyến họ chả lấy xác nhận của xã, chở đi chui lủi thì có ai xác nhận?
Thái Sinh
Bài tác giả gửi PNTB
http://ngocduonglc.blogspot.jp/2015/03/4128-hai-huoc-chuyen-mua-gom-cay-vang.html---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Văn nghệ thứ Bảy : Mùa xuân đâu còn là Tết trồng cây
- Gỗ quí của Việt Nam dựng chùa ở Trung Quốc : tòa tam bảo tồn tại từ thập niên 1660 đến nay
- Mạng cây mạng người, diễn biến tiếp theo
- Không nói nhiều : mỗi cây là một mạng người đó, các ông các bà ạ
- Văn nghệ thứ Bảy : Mùa xuân đâu còn là Tết trồng cây
- Gỗ quí của Việt Nam dựng chùa ở Trung Quốc : tòa tam bảo tồn tại từ thập niên 1660 đến nay
- Mạng cây mạng người, diễn biến tiếp theo
- Không nói nhiều : mỗi cây là một mạng người đó, các ông các bà ạ
0 Response to "Thảm họa nhãn tiền, nếu một mai Hà Nội biến thành rừng cây mỡ"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn