Toàn văn đọc ở dưới.
---
Câu đối “tập thi”
2015/03/04 bởi levinhhuy
Có vài bạn chất vấn: Có thể làm câu đối theo lối “tập thi” mà chỉ cần “tập” mỗi một vế thôi hay chăng? Tôi vì ngu muội, chủ quan, đã ỷ y vào cái thế tương quan sóng đôi nhau của hai vế, như cặp song mã thắng cùng một cỗ xe, đã vội vã trả lời rằng: “Không thể được!” Vậy nay xin được trả lời lại chung, cho mấy bạn ấy.
___________
Có nhiều lối làm câu đối, “tập cú” là một trong những lối đó. Khi người ta lấy sẵn những chữ trong kinh sách, hoặc ca dao tục ngữ để viết thành câu đối tập cú, ta được thưởng thức kho tàng kinh điển xưa qua một lăng kính khác, mang lại cảm giác tươi mát sảng khoái. Ví dụ:
Gái có chồng như rồng có vây, gái không chồng như cối xay không ngõng;
Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi.
Hai vế là bốn câu tục ngữ, được xếp đặt để đối đá nhau thật tài tình!
Nói đến câu đối ở ta, không thể không nhắc đến Nguyễn Khuyến. Ông cho chữ, cho câu đối rất nhiều, được truyền tụng ở nhiều nơi. Câu đối của Tam Nguyên thường là tự nhiên, nhất quán, xuôi rót một mạch nước chảy mây trôi mà vẫn tài hoa hóm hỉnh bất ngờ. Ông cũng có làm một câu đối tập cú đặc biệt, chỉ “tập” tục ngữ ở nửa đầu của hai vế. Đó là khi có một viên chánh tổng trước bị cách chức sau lại phục chức, lúc cất nhà đến xin chữ, Nguyễn Khuyến vẩy bút:
Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa khả phong giai tị ốc(*);
Sống ở làng, sang ở nước, mừng ông nay lại vểnh râu tôm.
(*) 一近市二近江、此地可封皆彼屋: Thứ nhất gần chợ, thứ hai gần sông, đất này có nhiều nhà đều được phong tước.
Nửa đầu vế là câu tục ngữ của ta, nửa cuối vế là lảy chữ trong sách Hán Thư ra: 明聖之世,國多賢人,故唐虞之時,可彼屋而封。Minh thánh chi thế, quốc đa hiền, cốĐường Ngu chi thời, khả tị ốc nhi phong (Đời vua thánh thì trong nước có nhiều người hiền, như thuở Đường Ngu, có thể phong tước cho cả nhiều nhà liền nhau).
Điểm độc đáo vô tiền khoáng hậu của câu đối trên là một vế Hán đối với… một vế Nôm, mà vẫn nghiêm chỉnh tuân thủ luật lệ: “Thị” là chợ, đối với “làng”; “Giang” là sông, đối với “nước”; và“tị ốc” là nhà này, nếu hiểu theo nghĩa Ốc là… con ốc, thì chọi nhau chan chát với “râu tôm”ở dưới, và đó là lối đối gọi đối “thoát sáo”!
* * * * * * *
Khi trích thơ cổ để làm câu đối, ta có câu đối “tập thi”. Tiền Quân Nguyễn Văn Thành làm lễ tế trận vong tướng sĩ ở Bắc Hà, có người dâng lên một câu đối tập thi:
日暮鄉関何處是
Nhật mộ hương quan hà xứ thị;
古來征戰幾人囘
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
(Khi chiều buông xuống, biết quê nhà là đâu; xưa nay ra trận có mấy kẻ trở về)
Vế trên là câu 7 trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu; vế dưới là câu kết bài tứ tuyệt Lương Châu Từ của Vương Hàn. Tuy là tập thi, nhưng khí vị man mác u hoài, tỏ được tấm lòng tiếc thương tử sĩ.
Từ lối “tập thi” này, liên hệ với câu đối nửa Nôm nửa Hán trên kia của Nguyễn Khuyến. Câu hỏi “Có thể tập thi chỉ trong một vế của câu đối hay không?” dần trở nên hữu lý. Tìm trong kho tàng câu đối gần đây của Tàu, tôi lượm lặt ra được hơn chục câu làm theo lối “tập thi một nửa”. Xin trích ra đây một câu tôi cho là chỉnh nhất:
人生自古誰無死
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử;
感冒風寒薑活湯
Cảm mạo phong hàn khương hoạt thang.
Vế trên chính là câu thơ lừng danh của Văn Thiên Tường, ta thường gặp câu thơ này trở đi trở lại nhiều lần trong những bài hát nói của Nguyễn Công Trứ. Nghĩa của nó là: “Từ xưa đến nay, ai chẳng phải chết?” Và vế dưới, bốn chữ “cảm mạo phong hàn” chắc không cần phải diễn nghĩa bởi ai cũng rõ, duy ba chữ “khương hoạt thang” lại là tên một toa thuốc Đông y, Cửu vị khương hoạt thang: Nếu cảm mạo phong hàn thì nên uống nước gừng!
Đến đây, câu trả lời đã rõ: “Tập thi nửa mùa” là có được dùng, để đối láo mà chơi.
* * * * * * *
Đã khoe câu đối Tàu, lòng tôi thật không thể ngăn cái sự sung sướng được khoe câu đối… tiếng Anh, do lão Thông Reo làm tặng (tác giả dịch luôn, he he!):
Date hard, Love hard, Make baby one after one
(Hẹn hò cho dữ, yêu cho dữ, sản xuất con nít hết đứa này đến đứa khác);
Eat much, Sleep much, Gain weight kilo after kilo.
(Ăn vô cho nhiều, ngủ cho nhiều, tăng cân hết kí lô này tới kí lô kia).
(Hẹn hò cho dữ, yêu cho dữ, sản xuất con nít hết đứa này đến đứa khác);
Eat much, Sleep much, Gain weight kilo after kilo.
(Ăn vô cho nhiều, ngủ cho nhiều, tăng cân hết kí lô này tới kí lô kia).
0 Response to "Luận bàn về câu đối bắt chước (theo lối tập cổ)"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn