Chúa Nguyễn ở Đàng Trong với Nhật Bản, thế kỉ 16-18 (bài TĐAS)


Nguyên bài của Trần Đức Anh Sơn, lấy về từ blog của anh.


---

MỐI QUAN HỆ GIỮA NHẬT BẢN VỚI ĐÀNG TRONG (VIỆT NAM)  TRONG CÁC THẾ KỶ XVI – XVIII QUA NHỮNG TƯ LIỆU VÀ HIỆN VẬT ĐANG LƯU GIỮ TẠI NHẬT BẢN


Trần Đức Anh Sơn
Từ tháng 4/2013 đến nay, với sự tài trợ của Quỹ Sumitomo Foundation (Nhật Bản), chúng tôi đã triển khai nghiên cứu đề tài Quan hệ giữa miền Trung Việt Nam với Nhật Bản từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII. Đề tài do TS. Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng) chủ trì nghiên cứu, với sự cộng tác của TS. Phan Hải Linh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và TS. Phan Thanh Hải (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế).
Ngoài mục đích khoa học, nghiên cứu này còn nhằm tìm kiếm những tư liệu và hiện vật liên quan đến mối quan hệ về ngoại giao, thương mại, văn hóa… giữa miền Trung Việt Nam với Nhật Bản từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII, để xây dựng nội dung trưng bày tại Trung tâm giao lưu văn hóa Đà Nẵng – Nhật Bản.1
Trong quá trình triển khai nghiên cứu đề tài, chúng tôi đã sang Nhật Bản hai lần để khảo sát và tìm kiếm các nguồn tư liệu và hiện vật liên quan đến đề tài, hiện đang lưu trữ tại Nhật Bản. Trong hai chuyến đi này, chúng tôi đã tiếp cận, khảo cứu và sao chụp nhiều tư liệu và hiện vật liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài. Những tư liệu và hiện vật này đang được trưng bày hoặc lưu giữ trong các thư viện, văn khố, bảo tàng, đền chùa… ở những tỉnh, thành phố của Nhật Bản mà chúng tôi đã đến khảo sát, nghiên cứu. Trong số đó, có nhiều tư liệu và hiện vật đã được Chính phủ Nhật Bản công nhận là Yuzo bunkazai (Tài sản văn hóa quan trọng) của quốc gia.
Tại hội thảo này, chúng tôi xin giới thiệu một số tư liệu và hiện vật liên quan đến mối quan hệ giao thương giữa Nhật Bản với vùng đất Đàng Trong2 của Việt Nam trong các thế kỷ XVI – XVIII. Đây là một phần nội dung trong đề tài nghiên cứu nói trên. Chúng tôi chọn các tư liệu và hiện vật phản ánh mối quan hệ giữa Nhật Bản với Đàng Trong trong các thế kỷ XVI – XVIII để giới thiệu tại hội thảo này vì đây là thời kỳ mà các hoạt động ngoại giao, thương mại và trao đổi văn hóa giữa Nhật Bản với Đàng Trong phát triển mạnh mẽ, được ghi nhận trong nhiều nguồn tư liệu thành văn, lưu lại nhiều “dấu tích” ở trên thực địa cũng như ở trong các bảo tàng tại Nhật Bản và Việt Nam.
Để tiện theo dõi, chúng tôi xin giới thiệu các tư liệu và hiện vật này theo 3 loại hình: văn bản, di vật khảo cổ và hiện vật bảo tàng.
II. Văn bản
Tư liệu thành văn thể hiện mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lịch sử, đặc biệt là quan hệ giữa Nhật Bản với Đàng Trong, đã được nhiều học giả Nhật Bản và Việt Nam khảo cứu và công bố trong hàng chục năm qua. Trong tham luận này, chúng tôi chỉ giới thiệu những văn bản mà chúng tôi trực tiếp tiếp cận và khảo cứu trong hai chuyến đi khảo sát và tìm kiếm tư liệu ở Nhật Bản vừa qua. Đó là những tư liệu đang lưu trữ tại các thư viện, văn khố, bảo tàng… như: Toyo Bunko (Đông Dương văn khố), Thư viện Đại học Tokyo, Thư viện Đại học Keio, Thư viện Đại học nữ Showa, Thư viện Đại học Kansai, Bảo tàng Quốc gia Kyushu, Bảo tàng Lịch sử và văn hóa Nagasaki…
Trong các văn bản mà chúng tôi đã tiếp cận và khảo cứu, đáng chú ý là các văn bản sau:
  1. Sưu tập gồm 9 văn thư do các chúa Nguyễn và các quan cai trị ở Dinh trấn Quảng Nam gửi cho chính quyền Nhật Bản, ghi nhận việc bang giao và trao đổi thương mại giữa hai nước. Những văn thư này được viết vào các năm: 1591, 1609, 1610 (2 văn thư), 1611, 1624 (2 văn thư), 1672 (2 văn thư) (Ảnh 1a-1f). Trong số đó, đáng chú ý là văn thư đề năm Quang Hưng thứ 14 (1591) do An Nam quốc Phó đô đường Phúc Nghĩa hầu, họ Nguyễn, gửi cho quốc vương Nhật Bản đề nghị thiết lập quan hệ bang giao với An Nam quốc (Đàng Trong). Đây là văn thư do chính quyền Đàng Trong gửi cho chính quyền Nhật Bản có niên đại sớm nhất được phát hiện từ trước đến nay.3
  2. Sưu tập gồm 4 shuin-jo (châu ấn trạng), là những văn bản do chính quyền Mạc phủ cấp vào các năm 1604 (2 tờ), 1605 và 1614, cho phép các thuyền buôn Nhật Bản đến buôn bán với Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII (Ảnh 2a-2b).4
  3. Sưu tập gồm 2 bản giao kèo về việc thu mua hàng hóa cho các thuyền buôn Nhật Bản, do các thương nhân người Nhật ký kết với các đầu mối người Đàng Trong vào các năm 1617 và 1633 (Ảnh 3).5
  4. Tờ danh mục các quà tặng của chính quyền Đàng Trong gửi chính quyền Nhật Bản vào năm 1632 (Ảnh 4).6
  5. Sưu tập gồm 4 bức thư có niên đại vào thế kỷ XVII, là thư từ của dòng họ Kadoya, một dòng họ doanh nhân nổi tiếng ở Nhật Bản vào thời kỳ Edo. Đây là thư từ trao đổi của các thành viên trong dòng họ này liên quan đến hoạt động buôn bán giữa Nhật Bản với Đàng Trong trong hai thế kỷ XVI – XVII (Ảnh 5).7
  6. Các bản chép tay tác phẩm Annan kiryakugo (安南紀略藁) của Kondo Juzo, một quan chức của Mạc phủ Tokugawa, biên soạn trong các năm 1795 – 1797. Annan kiryakugo là tác phẩm viết bằng chữ Hán và chữ Nhật, ghi chép lịch sử, phong tục, văn hóa ở Đàng Trong dựa trên lời kể của những người Nhật Bản từng đến Đàng Trong trong các thế kỷ XVI – XVIII, trong đó có đoạn viết về voi ở Quảng Nam thông qua lời kể của các quản tượng người Quảng Nam sau sự kiện tướng quân Tokugawa Yoshimune mua 2 con voi ở Quảng Nam đưa về Nhật Bản vào năm 1728.8
Nhiều thư viện và văn khố ở Nhật Bản hiện đang lưu trữ các bản chép tay khác nhau tác phẩm Annan kiryakugo của Kondo Juzo. Nhờ sự giúp đỡ của GS. Shimao Minoru (Đại học Keio), chúng tôi đã tiếp cận được các bản sau:
– Bản có tên là Annan kiryaku (安南紀略), gồm 3 cuốn, đang lưu trữ tại Kokuritsu kobun shukan (Ảnh 6).
– Hai bản khác nhau đều có tên là Annan kiryakugo (安南紀略藁), mỗi bản gồm gồm 2 cuốn, đang lưu trữ tại Thư viện Đại học Keio (Ảnh 7a-7d).
– Bản có tên là Annan kiryaku (安南紀略), gồm 2 cuốn, thuộc sở hữu của GS. Shimao Minoru (Ảnh 8a-8c).
Cả 4 bản này đều có niên đại vào năm 1797.
  1. Bộ tranh màu gồm 8 bức tranh miêu tả về trang phục, thuyền bè, công cụ lao động, các loại vũ khí và cảnh quan sinh hoạt của người dân Đàng Trong, đang lưu trữ tại Toyo Bunko. Đây là bộ tranh minh họa cho tác phẩm Annan kiryakugo của Kondo Juzo. Theo khảo cứu của GS. Shimao Minoru, bộ tranh màu này do một người tên là Lý Nghĩa vẽ vào năm 1817. Ngoài bộ tranh màu ở Toyo Bunko, tại Phòng tư liệu của Đại học Tokyo cũng đang lưu trữ một bộ tranh vẽ bằng mực đen trên giấy dó, đôi chỗ có tô màu đỏ, cũng là tranh minh họa cho tác phẩm Annan kiryakugo. Bộ tranh này được cho là được vẽ cùng thời điểm Kondo Juzo viết Annan kiryakugo (khoảng năm 1795 – 1797), sớm hơn bộ tranh màu đang lưu trữ ở Toyo Bunko. Nội dung miêu tả và số lượng tranh trên hai bộ tranh này giống nhau, nhưng kích thước, màu sắc, chi tiết hoa văn trang trí, lời chú giải trên các bức tranh này có sự khác biệt đáng kể…9
  2. Các bản chép tay tác phẩm Annan hyoryu ki (安南漂流記), kể về những ngư dân ở tỉnh Mito, trong quá trình đi biển đã bị phiêu dạt đến Đàng Trong vào năm 1765. Họ đã lưu lại nơi đây một thời gian, đến năm 1767 thì trở về Nhật Bản theo hành trình từ Đàng Trong đi đến Quảng Châu, rồi Triết Giang (Trung Quốc), sau đó đi thuyền trở về Nagasaki (Nhật Bản).10 Chúng tôi đã tiếp cận 8 bản chép tay tác phẩm Annan hyoryu ki, có niên đại vào khoảng thế kỷ XVIII – XIX, với các nhan đề khác nhau như: Annan ki(安南記), Annankoku hyoryo ki (安南国漂流記), Annankoku hyoryu shi (安南国漂流誌), Nan pyo ki (南 瓢 記), gồm 5 bản thuộc sở hữu của GS. Shimao Minoru và 3 bản thuộc sở hữu của GS. Kikuchi Seiichi (Đại học nữ Showa) (Ảnh 9a-9i).
II. Di vật khảo cổ
Ngoài việc tiếp cận và khảo cứu các tư liệu thành văn, chúng tôi còn đi tới các trung tâm khảo cổ học ở các thành phố: Sakai (tỉnh Osaka), Naha (tỉnh Okinawa), Fukuoka (tỉnh Fukuoka) và Nagasaki (tỉnh Nagasaki)…; trực tiếp đến các di tích Nakijin-jo và Shuri-jo ở Okinawa để tìm hiểu các di vật khảo cổ có liên quan đến mối quan hệ giao lưu giữa Nhật Bản với Việt Nam. Những di vật này được khai quật tại các cảng thị và thành lũy cổ của Nhật Bản. Phần lớn những hiện vật này là đồ gồm sứ, bao gồm gốm Champa, gốm Phước Tích (tỉnh Thừa Thiên Huế), gốm Thanh Hà (tỉnh Quảng Nam), gốm Gò Sành (tỉnh Bình Định)… đến từ Đàng Trong, gốm Chu Đậu (tỉnh Hải Dương), gốm Thăng Long đến từ Đàng Ngoài… Cụ thể như sau:
  1. Tại thành phố Sakai
Sakai từng là một thương cảng sầm uất ở vùng Kansai của Nhật Bản, là tiền cảng của Osaka, là một thương trạm quan trọng trong các luồng hải thương giữa Nhật Bản với Triều Tiên, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á… Từ thế kỷ XV, nhiều thương thuyền của Nhật Bản từ Sakai đã tỏa đi buôn bán với các nước trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Tàu buôn của Trung Quốc và Triều Tiên cũng thường xuyên cập cảng Sakai.
Trong những năm qua, các nhà khảo cổ học thuộc Trung tâm Khảo cổ học thành phố Sakai đã khai quật nhiều địa điểm khác nhau trong khu vực cảng cổ của thành phố Sakai. Họ đã tìm thấy nhiều đồ gốm cổ có xuất xứ từ Việt Nam, xen lẫn giữa đồ gốm Trung Quốc và đồ gốm Nhật Bản trong các di chỉ này. Đồ gốm Việt Nam tìm thấy ở Sakai có một ít đồ gốm hoa lam xuất xứ từ Đàng Ngoài, niên đại khoảng thế kỷ XV – XVI. Ngoài ra còn có một số bình, lọ thuộc dòng gốm mộc Champa (thế kỷ XV), một số đồ gốm men nâu thuộc các dòng gốm Gò Sành (tỉnh Bình Định) và gốm Phước Tích (tỉnh Thừa Thiên Huế) vào thế kỷ XVII – XVIII (Ảnh 10a-10b). Đây là những bằng chứng chứng tỏ đồ gốm Đàng Trong đã từng được nhập khẩu vào Sakai trong các thế kỷ XVI – XVIII.
  1. Tại tỉnh Okinawa
Okinawa ngày nay là lãnh địa của vương quốc Ryukyu xưa. Từ giữa thế kỷ XIV, Ryukyu đã giao lưu buôn bán với các nước trong khu vực. Sang thế kỷ XV thì quan hệ hải thương này đã phát triển mạnh mẽ (Ảnh 11). Theo một báo cáo kết quả nghiên cứu và khai quật khảo cổ học do Trung tâm Khảo cổ học tỉnh Okinawa cung cấp cho chúng tôi11, từ năm 1419 đến năm 1570, Ryukyu đã phái 116 thương thuyền đi đến các hải cảng ở khu vực Đông Nam Á để giao thương, gồm: Siam và Patani (Thái Lan); An Nam (Việt Nam); Malacca (Malaysia); Palembang, Sumatra, Java và Sunda (Indonesia). Phần lớn các thương thuyền này đi đến các cảng thuộc Thái Lan và Indonesia, chỉ có 1 thương thuyền của Ryukyu cập cảng An Nam vào năm 1509. Cũng theo báo cáo này, những thương thuyền này đã mua nhiều hàng hóa từ các nước Đông Nam Á đưa về Ryukyu, nhiều nhất là đồ gốm sứ. Kết quả khai quật di tích Kyonouchi Utaki trong thành Shuji-jo ở Okinawa (Ảnh 12) trong những năm qua đã phát hiện hàng ngàn di vật gốm sứ có xuất xứ từ lục địa Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, gốm sứ Việt Nam khá đa dạng, gốm hoa lam của Chu Đậu… niên đại khoảng thế kỷ XV, gồm gốm men ngọc, gốm men trắng và men nâu của Gò Sành niên đại khoảng thế kỷ XVI. (Các ảnh 13a-13e).
Ngoài ra, tại di tích Nakijin-jo ở phía bắc đảo Okinawa (Ảnh 14), các nhà khảo cổ học Nhật Bản cũng khai quật được một số đồ gốm Việt Nam như gốm hoa lam Chu Đậu và gốm men ngọc, niên đại khoảng thế kỷ XV – XVI (Ảnh 15a-15d).
  1. Tại thành phố Fukuoka
Fukuoka là thủ phủ của dòng đồ gốm Hizen nổi tiếng Nhật Bản. Tuy nhiên, đây cũng là nơi nhập khẩu nhiều đồ gốm từ các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Trong những năm qua, các nhà khảo cổ học tại Trung tâm Khảo cổ học thành phố Fukuoka đã khai quật nhiều địa điểm vốn là bến cảng cổ của Fukuoka, phát hiện nhiều đồ gốm Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam… Riêng đồ gốm Việt Nam, theo nhận định của chúng tôi khi tiếp cận các di vật đang bảo quản tại Trung tâm khảo cổ học Fukuoka, thì phần lớn là gốm Champa thế kỷ XV, gốm men ngọc và men trắng của dòng gốm Gò Sành (tỉnh Bình Định) và một ít đồ gốm hoa làm từ các lò gốm ở phía bắc Việt Nam, niên đại vào khoảng thế kỷ XVI (Ảnh 16a-16b).
  1. Tại thành phố Nagasaki
Nagasaki là hải cảng quan trọng nhất của Nhật Bản vào các thế kỷ XVI – XVIII, giữ vai trò quan trọng trong lịch sử hải thương của Nhật Bản, là điểm giao thương nhộn nhịp nhất của “con đường gốm sứ”, “con đường tơ lụa” trên biển trong thời kỳ Đại thương mại của thế giới (thế kỷ XVI – XVII). Đây là nơi xuất dương chủ yếu của các thương thuyền Nhật Bản trong thời kỳ Edo, cũng là nơi đón nhận các tàu buôn đến từ khắp nơi trên thế giới (Ảnh 17). Dĩ nhiên, đồ gốm là một trong những mặt hàng quan trọng được các tàu buôn nhập khẩu và xuất khẩu qua hải cảng này.
Các nhà khảo cổ học ở Trung tâm Khảo cổ học thành phố Nagasaki đã khai quật nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố cảng Nagasaki và họ đã tìm thấy nhiều đồ gốm Việt Nam trong các tầng văn hóa thuộc thời kỳ Edo, xen lẫn đồ gốm của Nhật Bản và Trung Quốc. Đồ gốm Việt Nam khai quật ở Nagasaki chủ yếu gốm hoa lam từ Đàng Ngoài với các loại bát, đĩa; gốm Champa với các loại hũ, lọ không tráng men; gốm men nâu và men trắng thuộc dòng gốm Gò Sành với các loại bát, chén uống trà… niên đại khoảng thế kỷ XVI – XVII (Ảnh 18)
Giải thích về sự xuất hiện của các đồ gốm Việt Nam, đặc biệt là gốm Đàng Trong tại các di tích khảo cổ ở Sakai, Okinawa, Dazaifu, Nagasaki… các nhà khảo cổ học Nhật Bản đều cho rằng đó là kết quả của hoạt động hải thương giữa Nhật Bản với Việt Nam trong các thế kỷ XV – XVIII, khi mà các thương thuyền Nhật Bản mở rộng mạng lưới buôn bán đến các nước trong khu vực. Đàng Trong Việt Nam lúc đó có hệ thống cảng thị ven biển phát triển, tiêu biểu là các cảng Thanh Hà (tỉnh Thừa Thiên Huế), Hội An (tỉnh Quảng Nam), Nước Mặn (tỉnh Bình Định) là những nơi đón các thuyền buôn Nhật Bản đến giao dịch, là nơi nhập khẩu hàng hóa Nhật Bản, trong đó có đồ sứ, đồng thời cũng là nơi xuất khẩu các dòng gốm Champa, Phước Tích, Thanh Hà, Gò Sành… sang Nhật Bản. Đây chính là những bằng chứng sống động cho quan hệ giao thương giữa Nhật Bản với Đàng Trong trong các thế kỷ XV – XVIII.
III. Hiện vật bảo tàng
Một trong những hoạt động thu được nhiều kết quả nhất trong hai chuyến đi nghiên cứu và khảo sát của chúng tôi ở Nhật Bản trong năm nay là tìm hiểu, tiếp cận và khảo cứu các hiện vật phản ánh mối quan hệ giữa Nhật Bản với Đàng Trong hiện đang trưng bày và bảo quản trong các bảo tàng, mỹ thuật quán, đền thờ, chùa chiền… ở Nhật Bản. Chúng tôi đã may mắn tiếp cận được nhiều hiện vật quý hiếm, trong đó có những hiện vật đã được công nhận là Tài sản văn hóa quan trọng (Yuzo bunkazai) của Nhật Bản. Tiêu biểu là các hiện vật sau:
  1. Bức tranh Thác kiến Quan Thế Âm Bồ Tát tượng (滝見観世音菩薩像), thế kỷ XVII (Ảnh 19). Bức tranh này vốn từ chùa Ngũ Hành Sơn ở Quảng Nam, đã được chúa Nguyễn trao tặng cho thương nhân dòng họ Chaya, một dòng họ thương nhân nổi tiếng của Nhật Bản vào thời kỳ Edo từng sang làm ăn buôn bán ở Đàng Trong, nhằm ghi nhận những đóng góp của dòng họ này với quan hệ giao thương Nhật – Việt thời chúa Nguyễn. Bức tranh này hiện đang được thờ ở chùa Jomyo-ji (thành phố Nagoya, tỉnh Aichi).
  2. Tranh cuộn Chaya Shinroku Kochi toko zukan (71,8cm x 511,8cm), thế kỷ XVII. Bức tranh miêu tả hành trình vượt biển của thương thuyền thuộc dòng họ Chaya từ Nagasaki đến Giao Chỉ (tức Đàng Trong) để giao thương (Các ảnh: 20a-20d). Bức tranh này hiện đang được bảo quản ở chùa Jomyo-ji và được công nhận là Tài sản văn hóa quan trọng của tỉnh Aichi.
  3. Tranh cuộn Shuin-sen Kochi toko zukan (32,8cm x 1100,7cm), cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII. Bức tranh này miêu tả hành trình của thương thuyền Nhật Bản vượt biển sang buôn bán với xứ Đàng Trong, bắt đầu từ cảng Nagasaki, vượt muôn trùng khơi, đi qua Cù Lao Chàm, vào cảng Hội An để giao dịch, mua bán. Sau đó, thương thuyền lên đường đến Đô thành Phú Xuân để diện kiến chúa Nguyễn và dâng quà tặng (Các ảnh: 21a-21d). Bức tranh này hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu (thành phố Dazaifu, tỉnh Fukuoka) và được công nhận là Tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản.
  4. Chiếc gương soi khung gỗ (38,6cm x 34,5cm), đặt trong chiếc hộp sơn mài thếp vàng, thế kỷ XVII (Ảnh 22a-22b). Đây là kỷ vật của quận chúa Anio, vợ của thương nhân người Nhật Araki Sotaro, mang từ Việt Nam sang để dùng trong thời gian bà sống ở Nhật Bản. Quận chúa Anio có lẽ là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên sang làm dâu xứ Phù Tang. Một số nhà nghiên cứu ở Pháp (Doumoutier) và Việt Nam (Lê Nguyễn Lưu và Nguyễn Đắc Xuân)12 cho rằng quận chúa Anio là con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (cầm quyền từ năm 1613 đến năm 1635), được chúa Nguyễn gả cho thương nhân Araki Sotaro, người được chúa Nguyễn ban cho tên Việt Nam là Nguyễn Đại Lương.13 Chiếc gương này thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Nagaski.
  5. Bức tranh cuộn Kiyo Suwa Myojin saishiju (36,1cm x 1003cm), thế kỷ XIX, Bức tranh miêu tả lễ hội Suwa Myojin ở Nagasaki tôn vinh quận chúa Anio, vợ của thương nhân Araki Shotaro, đang ngồi trong một chiếc xe kiệu có đoàn tùy tùng theo hầu. (Ảnh 23). Bức tranh này thuộc sở hữu của Thư viện Nakanoshima ở Osaka.
  6. Bức tranh Annan to kaisen gaku vẽ trên gỗ (68,7cm x 79,8cm) do họa sĩ Hisikawa Magobei vẽ năm 1647, miêu tả thương thuyền Nhật Bản đến mua bán với Đàng Trong vào thế kỷ XVII (Ảnh 24). Bức tranh hiện đang được lưu giữ tại đền Himure Hachimangu ở tỉnh Shiga và được Chính phủ Nhật Bản công nhận là Tài sản văn hóa quan trọng của quốc gia.
  7. Bức tranh Suetsugu sen e ma utsushi vẽ trên giấy (153cm x 186cm), niên đại vào thế kỷ XIX, miêu tả thương thuyền shuin-sen. Trên bức tranh này có ghi tên 16 thương nhân Nhật Bản từng đến buôn bán ở Hội An vào thế kỷ XVII. (Ảnh 25a-25c). Bức tranh này thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Nagasaki.
  8. Tranh cuộn Yonoe maki mono (487cm x 27,5cm) do họa sĩ Nhật Bản Ogata Tanko vẽ vào thế kỷ XIX. Tranh miêu tả hai con voi được Tướng quân Tokugawa Yoshimune (1684 – 1751) mua từ Quảng Nam đưa về Nhật Bản vào năm 1728 và được đưa vào Hoàng cung Kyoto “yết kiến” Thiên hoàng Nakamikado (1701 – 1737) và Pháp hoàng Reigen (1654 – 1732) vào năm 1729 (Các ảnh: 26a-26d). Bức tranh này hiện đang lưu trữ tại Thư viện Đại học Kansai.
  9. Bức tranh màu vẽ voi, thế kỷ XIX. Tranh miêu tả một trong hai con voi được Tướng quân Tokugawa Yoshimune mua từ Quảng Nam đưa về Nhật Bản vào năm 1728 (Ảnh 27). Bức tranh này hiện đang lưu trữ tại Thư viện Đại học Kansai.
Ngoài ra, tại Thư viện Đại học Kansai còn lưu giữ một số tranh và bản phác họa miêu tả hai con voi ở Quảng Nam được bán sang Nhật Bản vào năm 1728 và những ghi chép về “hành trạng” của hai con voi này trên đất Nhật Bản, kể từ lúc voi cập cảng Nagasaki, hành trình đưa voi đến Kyoto và Edo để “yết kiến” Tướng quân Tokugawa Yoshimune, Thiên hoàng Nakamikado và Pháp hoàng Reigen.
Trên đây là những tư liệu và hiện vật phản ánh mối quan hệ bang giao, thương mại và giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản với Đàng Trong trong các thế kỷ XVI – XVIII mà chúng tôi đã tiếp cận và khảo sát trong thời gian thực hiện đề tài Quan hệ giữa miền Trung Việt Nam với Nhật Bản từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII. Những tư liệu, hiện vật này đã được các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Việt Nam khảo cứu và công bố trong nhiều công trình nghiên cứu trước đây, cũng như đã được đưa ra trưng bày ở một vài cuộc triển lãm ở Nhật Bản, đặc biệt là cuộc triển lãm The Great Story of Vietnam do Bảo tàng Quốc gia Kyushu thực hiện từ ngày 14/6 đến ngày 6/9/2013. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tư liệu và hiện vật đang được lưu trữ rất nghiêm ngặt trong các thư viện, văn khố, hoặc được thờ tự ở những nơi tôn nghiêm nên ít người có cơ hội tiếp cận và khảo cứu. Nhờ cơ duyên, chúng tôi có cơ hội tiếp cận với các tư liệu và hiện vật này nên tập hợp thông tin, hình ảnh và sắp xếp thành một chủ đề nhất định để giới thiệu với những ai quan tâm tại hội thảo này.
Đây chỉ là bước giới thiệu khái quát ban đầu, chúng tôi sẽ tiếp tục biên dịch và khảo cứu các tư liệu và hiện vật này, với hy vọng góp phần làm sáng tỏ thêm những vấn đề liên quan đến mối quan hệ đặc biệt giữa Nhật Bản với Đàng Trong trong các thời kỳ lịch sử trước đây. Rất mong nhận được ý kiến chỉ giáo của các học giả và những người quan tâm. Trân trọng cảm ơn.
T.Đ.A.S.
Chú thích
1 Trung tâm giao lưu văn hóa Đà Nẵng – Nhật Bản do UBND thành phố Đà Nẵng và Trung tâm xúc tiến giao lưu Việt – Nhật tại Đà Nẵng (NPO) đang xúc tiến xây dựng tại quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Dự kiến đến cuối năm 2016, Trung tâm này sẽ chính thức đi vào hoạt động.
2 Vùng đất Đàng Trong thời kỳ này được người Nhật gọi bằng nhiều tên khác nhau như:Kochi (Giao Chỉ), Annan (An Nam), Koonan (Quảng Nam)…
3, 4 Văn bản này hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu, tỉnh Fukuoka.
5 Văn bản này hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Fukuoka, được đưa ra trưng bày trong cuộc triển lãm The Great Story of Vietnam do Bảo tàng Quốc gia Kyushu thực hiện từ ngày 14/6 đến ngày 6/9/2013.
6 Văn bản này công nhận là Tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản, được đưa ra trưng bày trong cuộc triển lãm The Great Story of Vietnam do Bảo tàng Quốc gia Kyushu thực hiện từ ngày 14/6 đến ngày 6/9/2013.
7 Văn bản này hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng thần cung Jinggu, được công nhận là Tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản. Văn bản này cũng đã được trưng bày trong cuộc triển lãm The Great Story of Vietnam do Bảo tàng Quốc gia Kyushu thực hiện từ ngày 14/6 đến ngày 6/9/2013.
8 Xem thêm: Phan Hải Linh, “Voi Quảng Nam của Tướng quân Tokugawa Yoshimune”.Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng. Số 30. Tháng 6/2012, 39-48.
9 Ngoài bộ tranh màu đang lưu trữ ở Toyo Bunko, còn có một bộ tranh màu tương tự, có tên là An Nam quốc giang phiêu lưu phong tục hồng sinh đồ đang lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Đài Loan ở Đài Bắc. Hai bộ tranh này tuy giống nhau về số lượng tranh và nội dung miêu tả trên từng bức tranh nhưng chú thích trên những bức này lại khác nhau.
10 Những người này cũng đã kể câu chuyện phiêu dạt của họ và những điều mắt thấy tai nghe ở Đàng Trong cho một người tên là Nagakubo Sekishui để ông này viết thành cuốnNagasaki kooeki nikki (長崎行役日記).
11 Báo cáo vắn tắt kết quả khai quật di tích Shuri-jo, 13 trang, viết bằng tiếng Nhật, có phụ chú bằng tiếng Anh, do ông Kinjou Kamenobu, nghiên cứu viên tại Trung tâm Khảo cổ học Okinawa cung cấp cho chúng tôi, không có nhan đề và năm xuất bản.
12 Xem thêm: Lê Nguyễn Lưu, Văn hóa Huế xưa – Đời sống văn hóa cung đình, (Huế: Thuận Hóa, 2006); Nguyễn Đắc Xuân, “Bà quận chúa làm dâu Nhật Bản”, Chuyện quý bà giữa đời thường và trong cung cấm, (Hà Nội: Phụ nữ, 2011), 122-123.
13 Trong khi các nguồn sử liệu Việt Nam hầu như không đề cập đến nhân vật này thì tông tích, hành trạng và hình ảnh của bà xuất hiện khá nhiều trong sử liệu Nhật Bản. Khi sống ở Nhật Bản, bà được người dân bản xứ tin yêu, kính trọng. Sau khi mất, bà được lập đền thờ và hàng năm người Nhật đều tổ chức lễ hội Suwa Myojin ở Nagasaki để tưởng nhớ và tôn vinh bà. Một bản gia phả của dòng họ Araki cũng được trưng bày trong triển lãm, trong đó có phần viết về thân thế, sự nghiệp thương nhân Araki Sotaro và những đóng góp của ông trong việc xây dựng mối quan hệ hữu hảo giữa Nhật Bản với Đàng Trong, cũng như những tình cảm tốt đẹp mà người Nhật đã dành cho bà vợ Việt Nam của ông sau khi bà đến làm dâu trên đất Nhật.
 Tài liệu tham khảo
  1. Kyushu National Museum. 2013. The Great Story of Vietnam. Kyushu: TVQ Kyushu Broadcasting Co., Ltd. and The Nishi Nippon Shimbun Co., Ltd.
  2. Kikuchi Seiichi. 2012. “The 17th century maritime map of Jiaozhi bound junk ships: Archaeological investigation in Hoi An”, Conference on Nguyen Vietnam: 1558-1885, Hong Kong Chinese University, May 10th-12th 2012.
  3. Phan Hải Linh. 2012. “Voi Quảng Nam của Tướng quân Tokugawa Yoshimune”. Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng. Số 30. Tháng 6/2012, 39-48.
  4. 4. Báo cáo vắn tắt kết quả khai quật di tích Shuri-jo, viết bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, do ông Kinjou Kamenobu, nghiên cứu viên tại Trung tâm Khảo cổ học Okinawa cung cấp, không có nhan đề và năm xuất bản, 13 trang.
  5. Lê Nguyễn Lưu. 2006. Văn hóa Huế xưa – Đời sống văn hóa cung đình. Huế: Thuận Hóa.
  6. Nguyễn Đắc Xuân. 2011. Chuyện quý bà giữa đời thường và trong cung cấm. Hà Nội: Phụ nữ.
    Ảnh 1a
    Ảnh 1a
    Ảnh 1b
    Ảnh 1b
    Ảnh 1c
    Ảnh 1c
    Ảnh 1d
    Ảnh 1d
    Ảnh 1e
    Ảnh 1e
    Ảnh 01f
    Ảnh 01f
    Ảnh 2a
    Ảnh 2a
    Ảnh 2b
    Ảnh 2b
    Ảnh 3
    Ảnh 3
    Ảnh 4
    Ảnh 4
    Ảnh 5
    Ảnh 5
    Ảnh 6
    Ảnh 6
    Ảnh 7a
    Ảnh 7a
    Ảnh 7b
    Ảnh 7b
    Ảnh 7c
    Ảnh 7c
    Ảnh 7d
    Ảnh 7d
    Ảnh 8a
    Ảnh 8a
    Ảnh 8b
    Ảnh 8b
    Ảnh 8c
    Ảnh 8c
    Ảnh 9a
    Ảnh 9a
    Ảnh 9b
    Ảnh 9b
    Ảnh 9c
    Ảnh 9c
    Ảnh 9c
    Ảnh 9c
    Ảnh 9d
    Ảnh 9d
    Ảnh 9e
    Ảnh 9e

    Ảnh 9f
    Ảnh 9f
    Ảnh 9g
    Ảnh 9g
    TDAS - Anh 09i
    Ảnh 9h
    Ảnh 9h
    Ảnh 9i
    Ảnh 9i
    Ảnh 10a
    Ảnh 10a
    Ảnh 10b
    Ảnh 10b
    Ảnh 11
    Ảnh 11
    Ảnh 12
    Ảnh 12
    Ảnh 13a
    Ảnh 13a
    Ảnh 13b
    Ảnh 13b
    Ảnh 13c
    Ảnh 13c
    Ảnh 13d
    Ảnh 13d
    Ảnh 13e
    Ảnh 13e
    Ảnh 14
    Ảnh 14
    Ảnh 15a
    Ảnh 15a
    Ảnh 15b
    Ảnh 15b
    Ảnh 15c
    Ảnh 15c
    Ảnh 16a
    Ảnh 16a
    Ảnh 16b
    Ảnh 16b
    Ảnh 17
    Ảnh 17
    Ảnh 18
    Ảnh 18
    Ảnh 19
    Ảnh 19
    Ảnh 20a
    Ảnh 20a
    Ảnh 20b
    Ảnh 20b
    Ảnh 20c
    Ảnh 20c
    Ảnh 20d
    Ảnh 20d
    Ảnh 21a
    Ảnh 21a
    Ảnh 21b
    Ảnh 21b
    Ảnh 21c
    Ảnh 21c
    Ảnh 21d
    Ảnh 21d
    Ảnh 22a
    Ảnh 22a
    Ảnh 22b
    Ảnh 22b
    Ảnh 23
    Ảnh 23
    Ảnh 24
    Ảnh 24
    Ảnh 25a
    Ảnh 25a
    Ảnh 25b
    Ảnh 25b
    Ảnh 25c
    Ảnh 25c
    Ảnh 26a
    Ảnh 26a
    Ảnh 26b
    Ảnh 26b
    Ảnh 26c
    Ảnh 26c
    Ảnh 26d
    Ảnh 26d
    Ảnh 27
    Ảnh 27

0 Response to "Chúa Nguyễn ở Đàng Trong với Nhật Bản, thế kỉ 16-18 (bài TĐAS)"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn