“Không cần đến chạng vạng, nếu muốn biết muỗi nhiều thế nào, có thể đến đây ở bất cứ thời điểm nào trong ngày”, ông Nguyễn Văn Năm, sống tại khu phố 1, phường 13, quận Bình Thạnh nói.
Như để chứng minh, ông Năm đến một khóm dâm bụt trước nhà, đưa tay lắc lắc, quả nhiên muỗi bay ra thành đàn.
Cũng tại con hẻm dọc theo rạch Lăng, cầu Băng Ky, phường 13, quận Bình Thạnh, khi được hỏi về muỗi, nhà nhà đều cho rằng, từ nhiều năm nay, chưa bao giờ muỗi lại xuất hiện nhiều như thế.
“Năm trước cũng nhiều muỗi, nhưng năm nay kinh khủng hơn, muỗi không chỉ xuất hiện nhiều lúc trời sẩm tối, mà bay vù vù suốt ngày. Trẻ em người lớn, chó, mèo nuôi trong nhà đều trở thành nạn nhân của chúng”, một người dân than thở.
Chỉ cần có vật dụng lạ, muỗi sẽ vây thành từng đàn như thế này. Ảnh: Thiên Chương.
Cách cầu Băng Ky non cây số, người dân sống ven rạch dưới chân cầu Đỏ thuộc hai phường 13 và 26 cũng cùng chung “số phận”. Tại hẻm 220, đường Nguyễn Xí chiều tối 18/2, mới xế chiều, muỗi đã bay thành đàn, va cả vào mặt người đi xe máy. 19h, chỉ cần quét đèn xe, người đi đường đã có thể thấy muỗi bay như ong.
“Mở quạt 24/24h, cửa đóng kín, xịt thuốc, thoa thuốc, dùng nhang, xông vỏ bưởi, dùng vợt diệt muỗi… mọi phương pháp chống “địch” đã được chúng tôi áp dụng thế nhưng vẫn không ăn thua. Cuối cùng, đành phải chọn cách thủ công nhất là mắc mùng tránh muỗi ngay ban ngày”, anh Thanh, nhà ở đường Nguyễn Xí, nói.
Còn theo chị Nga, nhà ở ven sông Cầu Đỏ, loại muỗi cỏ hiện hoành hành đốt rất hăng, cứ thấy người ở đâu là chúng tấn công đến đấy. “Chỉ cần ngồi yên, muỗi đã vo ve thành từng đàn trên đỉnh đầu, sau đó đốt vào mặt. Người lớn còn có thể phản ứng chứ trẻ thì thua”, đưa cánh tay của đứa con bị muỗi đốt chi chít, chị Nga bức xúc.
Không sống quá gần kênh rạch, song tại quận Bình Thạnh, từ sau Tết đến nay, người dân phường 15, 25 cũng than phiền chuyện nhiều muỗi. “Thật lạ vì từ trước đến nay khu vực tôi ở chưa bao giờ nhiều muỗi đến thế. Muốn mời bạn đến nhà chơi vì mới xây xong căn nhà, nhưng vợ chồng tôi cứ ngại vì sợ khách khứa phải vừa ngồi vừa đập muỗi, nên thôi”, anh Ninh, cư dân sống trên đường D2, nói.
Anh Nghĩa, chủ cửa hiệu tạp hóa trên đường Bạch Đằng, phường 15, Bình Thạnh, thì cho biết, chưa bao giờ anh bán được nhiều nhang muỗi và vợt muỗi như lúc này. Có gia đình thậm chí mua luôn 2, 3 cây vợt, ngồi đâu quơ đấy để không bị muỗi đốt.
Người dân sống ven bến Vân Đồn, khu vực phường 6, quận 4, nhiều tuần nay, cũng đang chịu cảnh tương tự. “Thật không ngờ, chúng tôi chỉ sống cách trung tâm quận 1 chưa đến một cây số mà lại phải chịu cảnh muỗi như ở nông thôn. Hôm y tế dự phòng chưa phun thuốc, nhiều người còn đùa với nhau cứ tưởng đang sống ở Đồng Tháp Mười”, một người dân, nói.
Tại khu vực ven kênh ở Tân Bình, Tân Phú, quận 12, quận 8, quận 7, muỗi cũng xuất hiện nhiều hơn cả ngày lẫn đêm. Trước tình hình trên, các địa phương đã tiến hành phun xịt thuốc diệt muỗi, tuy nhiên theo nhận xét của người dân, việc phun hóa chất chỉ “diệt được ngọn chứ không tận gốc”.
“Muỗi chỉ giảm vài ngày rồi đâu lại vào đấy. Nhiều khi y tế dự phòng xịt bên sông, bên ấy bớt muỗi thì muỗi lại bay sang phường bên này sông đốt. Chúng tôi nghĩ, chính quyền cần nghiên cứu nguyên nhân sâu xa hơn mới mong giải quyết được nạn này”, anh Hải, cư dân phường 13, quận Bình Thạnh nói.
Áp vai vào vách mùng trong lúc ngủ trưa khoảng 30 phút, thanh niên này bị muỗi đốt chi chít hàng trăm vết. Ảnh: Thiên Chương.
Hầu hết địa bàn có muỗi bùng phát đều có đặc điểm sống gần kênh rạch có nước tù đọng, nhiều cây cỏ, lục bình. Bà Nguyễn Thị Minh Trang, tổ trưởng tổ 25, phường 13, quận Bình Thạnh cho biết, ngoài chuyện nước tù đọng, vấn đề vệ sinh môi trường cũng là nguyên nhân khiến muỗi bùng phát. "Tại các cây cầu, người dân vô ý thức vẫn vứt rác xuống sông lâu ngày chất đống gây ùn ứ nước và hôi thối kinh khủng", bà Trang cho biết.
Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, cho biết, muỗi bùng phát hiện nay là loại muỗi cỏ, không gây bệnh nguy hiểm, vốn sinh sản và sinh sống quanh năm ngoài môi trường. Loại muỗi này khác với muỗi gây bệnh sốt xuất huyết vốn sống trong nước sạch.
Nguyên nhân khiến muỗi bùng phát, theo ông Thọ là do khí hậu nắng nóng của mùa nắng tại TP HCM thích hợp để muỗi đẻ nhanh hơn, trứng muỗi nhiều hơn và tỷ lệ muỗi nở thành con cũng nhiều hơn.
Theo bác sĩ Thọ, việc phun xịt hóa chất của chính quyền địa phương là quan trọng, tuy nhiên chỉ diệt được muỗi trưởng thành. "Muốn diệt muỗi có hiệu quả, người dân cần kết hợp với chính quyền địa phương dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm... để muỗi không còn nơi trú ngụ, sinh sản", ông Thọ nói.
Cũng theo bác sĩ Thọ, do tình hình sốt xuất huyết vẫn chưa thật giảm, người dân nên kết hợp việc diệt muỗi cỏ với việc diệt lăng quăng sống trong môi trường nước sạch để trừ muỗi gây bệnh.
(http://suckhoegiadinh.org - theo Vnexpress)
0 Response to "Muỗi bùng phát ở Sài Gòn"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn