Nhiều trẻ nhập viện vì chó cắn

Cùng bố mẹ sang trông nhà hộ cho một người bà con, bé Nam, 4 tuổi, ngụ ở Củ Chi, TP HCM, bất ngờ bị chú chó becgie tấn công. Tai nạn xảy ra chỉ vài ngày sau Tết đã khiến nạn nhân qua đời vì vết thương quá nặng.

Bé Tâm với vết thương do chó tấn công. Ảnh: H.T.

Sau tai nạn, tại Bệnh viện Nhiệt Đới, bé Nam người bê bết máu với nhiều vết thương ở mặt, ngực, mông, da đầu gần như bị bóc trần, nhiều vết răng cắm sâu vào hộp sọ. Tổn thương quá nặng đã khiến đứa con đầu của đôi vợ chồng trẻ qua đời.

Một trường hợp khác, bé Tâm, nhà ở Đồng Tháp, cũng được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng mặt phù to, mắt sưng húp, vùng da đầu bị rách rất nhiều bởi các vết cào và dấu răng chó.

Các bác sĩ đã phải khâu đến mũi thứ 35 mới khép được vùng da hở. Sau hai ngày cấp cứu tích cực, cháu mới bắt đầu tỉnh. Tuy nhiên do vết thương nhiễm trùng cháu bị sốt cao phải điều trị đến hai tuần sức khỏe mới tạm ổn, cháu được xuất viện và tiếp tục theo dõi.

Người mẹ cho biết, do được nghỉ học dịp Tết nên cháu lên cơ quan mẹ chơi. Tại đây bé bất ngờ bị một chú chó xông vào vồ ngã rồi cắn vào đầu. “Tôi hoảng hốt vừa kêu la vừa dùng gậy đánh nhưng con chó hung hăng vẫn không ngừng cào cắn vào đầu bé cho đến khi nhiều người đến can thiệp”, mẹ nạn nhân nói.

Cách đây không lâu, một cháu bé 4 tuổi, nhà ở Gò Công, Tiền Giang, đang chạy ngang nhà hàng xóm thì bất ngờ bị 3 chú chó hùa nhau đuổi bắt, tấn công vào mặt và đầu. Phải sau gần 2 tuần điều trị, sức khỏe của bệnh nhi mới hồi phục.

Theo các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhiệt Đới, mỗi năm có đến hàng chục ca trẻ bị chó cắn nhập viện. Vị trí tổn thương thường là đầu và mặt. Sở dĩ trẻ hay bị chó cắn vì là loài vật nuôi gần gũi nên các gia đình thường chủ quan theo kiểu “không sao đâu”. Tuy nhiên khi bị trẻ đùa giỡn, gây ồn ào và chạy nhảy, thậm chí hù dọa, trêu chọc, các chú cẩu vốn có tính hung hãn sẽ dễ nổi khùng.

Vị trí bị tấn công thường là vùng mặt đầu, thậm chí có trường hợp bé trai bị cắn cả vào bộ phận sinh dục. Vết thương do chó cắn ngoài tổn thương da thịt còn nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm bệnh do virus có trong nước bọt và móng vuốt.

Để tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, các bác sĩ khuyên những gia đình có trẻ em nên tránh cho tiếp xúc với chó. Khi đưa bé đến nhà người lạ có nuôi chó, cần trông trẻ cẩn thận hoặc yêu cầu chủ nhà cột chó lại vì loài vậy này dễ tấn công người không quen, nhất là trẻ em. Khi bị chó cắn, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được xử lý vết thương và tiêm ngừa.

Suckhoegiadinh.org theo Vnexpress

0 Response to "Nhiều trẻ nhập viện vì chó cắn"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn