Chép nguyên xi từ VnEx về.
---
Thứ bảy, 16/8/2014 | 09:59 GMT+7
Con trai Sơn Tùng viết tiếp sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sau tai biến, nhà văn Sơn Tùng vẫn ngày ngày dậy từ 2h sáng, nghe lại những bài viết con trai Sơn Định đã thu sẵn. Nhiều hôm ông nằm nghe và lặng lẽ khóc.
Nhà văn Sơn Tùng từng thành công với nhiều cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Búp sen xanh, Bông sen vàng, Hoa râm bụt, Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác ở nơi đây, Mẹ về...
Tháng 6/2010, vết thương chiến tranh từ năm 1971 với 14 mảnh đạn trên mình đã tái phát, khiến ông bị tai biến mạch máu não. Trước đây Sơn Tùng bị thương nhiều ở bên phải cơ thể, trận đột quỵ làm ông liệt luôn nửa người bên trái. Dù trí nhớ vẫn còn, ông không thể tự dịch chuyển. Trước khi phải nằm một chỗ, ông đang thực hiện dở cuốn sách về Hồ Chủ tịch và ấp ủ viết một cuốn nữa về quê hương Nghệ An.
Anh Bùi Sơn Định viết tiếp cuốn sách của cha anh - nhà văn Sơn Tùng. Các tư liệu cho cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được cha anh thu thập và viết gần hoàn thiện. |
Bản thảo có tên Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn, được viết dựa trên nhiều nguồn tư liệu. Trong đó, có tư liệu ghi lại từ cuộc gặp gỡ, trò chuyện của nhà văn Sơn Tùng với bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm (chị và anh ruột của Hồ Chủ tịch).
Anh Bùi Sơn Định - con trai thứ của nhà văn - từ lúc cha bị bệnh - đã tiếp tục tập hợp bản thảo hàng ngày từ các tư liệu nghiên cứu, sổ chép tay của Sơn Tùng. Anh Định cho biết cha anh lưu giữ tư liệu rất cẩn thận. Cả một hòm sắt tây to của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho, nhà văn Sơn Tùng dùng để đựng những trang viết.
Dù chỉ nằm yên một chỗ và nói được một vài từ đơn giản, trí nhớ của nhà văn vẫn còn khá minh mẫn. Anh Bùi Sơn Định kể trong quá trình thực hiện, có gì khúc mắc, anh thường hỏi cha. Nhà văn tuy không giải thích được tường tận, nhưng ông có thể gật, lắc với những điều đúng sai mà con trai nói. "Viết xong, tôi thường đọc cho cha nghe, hoặc ghi âm lại để ông nghe những lúc sức khỏe cho phép. Trước đây, cha thường dậy từ 2h sáng, ngồi thiền rồi viết lách. Giờ ông cũng dậy từ 2h sáng, nghe lại những bài viết tôi đã thu sẵn. Nhiều hôm ông nằm nghe và lặng lẽ khóc" - anh Sơn Định kể.
Anh Sơn Định còn cho biết, ngày nhà văn Sơn Tùng còn khỏe, ông vẫn thường nói tới một nguyên tắc khi viết về các vĩ nhân: "Viết về Bác và các vĩ nhân, ta có thể thả hồn vào trong đó chứ không được bịa. Bịa là có tội với Bác và các vĩ nhân...". Khi tiếp xúc với các nguồn tin, nhà văn Sơn Tùng có tiêu chí riêng để xác minh: "Một câu chuyện cần phải có ít nhất ba người ở ba nơi khác nhau nói, tuy cách trình bày có thể khác nhau nhưng cùng chung một sự kiện thì mới đủ tin cậy".
Trước khi trở thành nhà văn, Sơn Tùng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tháng 4/1971, ông bị thương nặng trở về với 14 mảnh đạn trên mình: Liệt tay phải, vỡ vai trái, mắt phải còn 1/10, ba mảnh đạn găm trong sọ não không thể mổ gắp ra được. Mất 81% sức khỏe, xếp hạng thương tật 1/4 (hạng thương binh nặng nhất), song ông vẫn cầm bút viết. Từ 1974 đến nay, với bàn tay chỉ còn 3 ngón cầm bút được, ông đã viết hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn, văn xuôi.
Mọi bản thảo, ghi chép đều được nhà văn Sơn Tùng lưu giữ cẩn thận, là tư liệu chính cho anh Sơn Định hoàn tất cuốn sách. Trong ảnh là bản thảo cuốn "Búp sen xanh". |
Giáo sư Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận Trung ương - đã đọc bản thảo của Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn. Ông viết "Lời giới thiệu" cho sách, trong đó đưa ra nhận xét: "Bạn đọc sẽ tìm thấy trong tác phẩm này nhiều tư liệu vô cùng quý giá, xúc động về Bác Hồ; và lại thêm một lần nữa ta kính yêu, thương nhớ Bác, ta cảm ơn nhà văn Sơn Tùng với tất cả tấm lòng".
Cuốn sách dự kiến được gia đình nhà văn phát hành đầu năm 2015.
Lam Thu
Sơn Tùng người xây đài sen Hồ Chí Minh bằng văn xuôi
20/02/2015
.ĐOÀN TRỌNG HUY
Nhà văn Sơn Tùng |
Cho tới nay, nhà văn Sơn Tùng đã có một quá trình hơn 50 năm kiếm tìm tư liệu và đầu tư công sức để viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cụm sáng tác của ông, mà nổi bật là Búp sen xanh vàBông sen vàng, hai tiểu thuyết lịch sử về Nguyễn Sinh Côn - Nguyễn Tất Thành, có thể được coi như một đài sen văn xuôi góp phần tôn vinh Sen của Loài Người (Chế Lan Viên).
Có thể nói đó là sự hội tụ của ba yếu tố đặc sắc: một tấm lòng say mê vô hạn, một trí mệnh lớn lao và một nghị lực phi thường.
Hành trình miệt mài, dũng cảm viết về Hồ Chí Minh
Sơn Tùng xuất thân là con một nhà nho nghèo trọng chữ nghĩa, quê Nghệ An. Nhà văn có họ hàng xa với Bác Hồ. Từ năm mười sáu tuổi, Sơn Tùng đã tham gia cách mạng. Ông từng làm đặc phái viên tại vùng chiến sự ác liệt – Quân khu IV rồi đi B vào chiến trường Đông Nam Bộ. Năm 1971, bị thương nặng, được chuyển ra Bắc, Sơn Tùng trở thành thương binh hạng nặng nhất: ¼.
Cả cuộc đời, nhà văn đã cầm bút như cầm súng. Điều đặc biệt, ông chỉ có một tâm niệm là viết về một đề tài hứng thú nhất - danh nhân văn hóa, lịch sử mà Bác Hồ là thần tượng số 1.
Với lòng kính yêu và khâm phục vị lãnh tụ thiên tài, nhà văn muốn tìm hiểu sự hình thành nhân cách lớn lao từ tuổi ấu thơ với chiếc nôi quê hương của một con người. Nhà văn đã gặp được bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm và các nhân chứng ở Nghệ An. Ông cũng đã gặp gỡ nhiều nhân chứng ở Cao Bằng, Thái Nguyên, Phan Thiết..., đặc biệt, từ năm 1975, mặc dù đã mất 81% sức khỏe, đi lại rất khó khăn, Sơn Tùng vẫn làm cuộc hành trình xuyên Việt vào tận Sài Gòn. Nhờ thế, nhà văn đã có trong tay nhiều tài liệu quý giá, thậm chí rất đặc biệt như gia phả, tử vi của anh em trong gia đình Bác Hồ (trong đó có Nguyễn Sinh Côn), lại có cả những tài liệu mật của Sở Mật thám Trung Kì và Công sứ Phan Thiết.
Sơn Tùng vừa tìm kiếm tài liệu vừa viết. Ông viết với bao vất vả cực nhọc, bằng cảm xúc suy tư mãnh liệt và niềm tin thiêng liêng sâu thẳm, viết như một sự mách bảo của tâm linh. Nửa người ông gần như bị liệt. Chỉ còn một bàn tay với ba ngón, ông vẫn viết. Nhà văn vẫn còn mấy mảnh đạn găm trong đầu nên thường lên cơn co giật bất thường. Khi viết, ông phải nhờ vợ buộc người vào ghế để tránh bị ngã lúc lên cơn.
Tính từ năm 1974, ông đã cho ra đời hàng chục tác phẩm về Bác Hồ. Trong số truyện, kí, tiểu thuyết đáng lưu ý của ông, có thể kể: Nhớ nguồn (1975), Búp sen xanh (1980), Bông sen vàng (1990), Trái tim quả đất (2000), Bác về (2000), Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh (2005), Hoa râm bụt (2005), Bác Hồ cầu hiền tài (2006), Cuộc gặp gỡ định mệnh (2008), Bác ở nơi đây (2008), Từ làng Sen (2008),... Riêng Búp sen xanh được tái bản, nối bản hàng chục lần. Sáng tác của Sơn Tùng có sức gợi mở lớn, một số được chuyển thể và biến thể thành thơ, truyện thơ, truyện tranh, kịch bản sân khấu và điện ảnh...
Nhà văn đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì Đổi mới vào tháng 7 năm 2011.
Thể hiện xuất sắc sự hình thành con người và con đường
Hai tiểu thuyết Búp sen xanh và Bông sen vàng là thành tựu có ý nghĩa tiêu biểu cho tài nghệ văn xuôi Sơn Tùng trước những thử thách lớn về đề tài nhân vật lịch sử.
Cả hai đều nằm trong một ý tưởng nghệ thuật thống nhất, có mối quan hệ tương hỗ. Búp sen xanh gồm ba giai đoạn: thời thơ ấu (chương I) – 12 phần; thời niên thiếu (chương II) – 11 phần; tuổi hai mươi (chương III) – 7 phần. Tác phẩm đã khái quát quãng đời từ sơ sinh, ấu thơ đến trưởng thành và ra đi tìm đường cứu nước của Bác. Bông sen vàng có quy mô bề thế hơn, tập trung vào tuổi vị thành niên của Nguyễn Sinh Côn thời học ở Huế với những biến động gia đình trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.
Chủ đề nổi bật là quá trình hình thành tính cách, cũng là những nhân tố quan trọng của một nhân cách lớn đầy hứa hẹn. Trước hết, đó là những đức tính tốt đẹp ban đầu của một thiếu niên được nảy nở và hình thành qua quá trình giáo dục của gia đình có truyền thống thi thư văn hoá của quê hương.
Được tiếp thu một nền gia giáo, gia phong tốt đẹp, cậu bé Nguyễn Sinh Côn ngay từ nhỏ đã tỏ ra có thiên tư xuất sắc hơn người. Cậu rất ham học, luôn mạnh dạn tìm hiểu các vấn đề từ tự nhiên đến xã hội nên trí tuệ phát triển vượt lứa tuổi. Đó là sự thấm nhuần sâu sắc về đạo học và đạo lí làm người có tính chất tiến bộ của người xưa, sự thông hiểu về ái quốc, ái quần, thân dân... Từ bé, cậu đã tỏ ra hiếu đễ, lễ độ với bề trên, thân ái với bạn bè và thân thiện với xóm làng. Đặc biệt, cậu đã tỏ rõ lòng yêu thương những người nghèo khổ trong xã hội.
Những năm học ở trường Quốc học, một nhân cách lớn đã bộc lộ rõ rệt. Bước đầu là những suy nghĩ về lịch sử và vận mệnh đất nước, từ đó nảy sinh chí hướng vượt thoát và ra đi tìm đường cứu nước. Được sự đồng tình và khuyến khích của các bậc bề trên - chí sĩ và quan trường yêu nước như Đặng Thái Thân, Phan Bội Châu, Đào Tấn, nhất là của người cha - ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã khẳng định chí hướng tìm đường cứu nước và định hướng rõ rệt về con đường sang phương Tây.
Ở tuổi hai mươi, Nguyễn Tất Thành bắt đầu bằng nghề dạy học mà chủ yếu là dạy các em lòng yêu nước. Không bao lâu sau đó, thầy giáo trẻ phải từ biệt các em để hướng tới chân trời mới: “Hồn nước đang gọi chúng ta lên phía trước” (thư gửi học sinh trường Dục Thanh). Anh hòa nhập vào xóm thợ bến Nhà Rồng. Từ lòng yêu thương con người chung chung, ở người thanh niên đã bắt đầu nhóm lên tình giai cấp. Anh mở lớp dạy học cho bạn thợ thuyền, phu phen trong xóm để khai sáng đầu óc cho họ: “Chữ anh Ba. Chữ anh Ba thắp sáng lên trái tim những người thợ!”. Và cuộc lên đường ngày 5-6-1911 từ bến Nhà Rồng của người thủy thủ Văn Ba - nhà cách mạng tương lai - là một tất yếu lịch sử của con người có nhân cách hoàn thiện.
Trong tác phẩm của Sơn Tùng, sự ảnh hưởng của hai bậc sinh thành đối với người con thiên tài được thể hiện sâu sắc. Ông bố là bậc khoa bảng, một trí thức đầu xứ. Là người cha thân yêu, cũng là người thầy khai tâm, dưỡng trí đầy đức độ. Ông giáo dục con bằng tình cảm và trí tuệ một cách nghiêm cẩn, truyền thụ những bài học đạo đức thấm thía. Rất tâm đắc với đạo làm người phải có liêm sỉ và quốc sỉ, ông dạy các con biết yêu thương và tôn trọng con người, yêu đồng bào, yêu nước qua những lời giảng về đạo lí, lịch sử. Là chân nho mà không phải hủ nho, ông Phó bảng thức thời đã cho các con học “chữ mới” (quốc ngữ) với ý nghĩa trang bị thêm một vũ khí văn hóa mới cho sự nghiệp tương lai “có chí vẫy vùng bốn bể” như mong ước của gia đình.
Bà mẹ là một phụ nữ có gia giáo, hiền thục và tần tảo. Bà dạy con từ những việc nhỏ nhất: “nhịn miệng thết khách”, “có miếng ăn chia cho đều, có cái tình thì thương cho khắp... Của ăn thì hết, của cho thì còn. Con nhớ kĩ cái điều ấy...” (Bông sen vàng). Đúng như lời tôn vinh của bề trên, bà là một bậc “hiền thê, minh đức”, “là hiện hữu tiêu biểu cho những bà mẹ cao cả”. Chính cách đối xử của gia đình với những người hàng xóm thân thuộc (chú phó mộc, người làng chài...) đã gieo vào đầu óc trẻ thơ hồn nhiên tinh thần bình đẳng và bác ái.
Truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương cũng là một khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của Hồ Chí Minh ở tuổi thơ. Làng Chùa, làng Sen và rộng ra cả đất Hồng Lĩnh là một vùng quê lao động cần cù, hiếu học, chuộng đạo lí và giàu nhân nghĩa. Ngay cả một bác xẩm cũng biết bài ca yêu nước. Đất ấy đã nuôi dưỡng những nhà yêu nước kiên cường – những tấm gương sáng để đời: các chí sĩ Cần Vương, những nhà Duy tân một thời.
Rõ ràng khi đặt bút viết, tác giả tiểu thuyết đã ý thức rất rõ về cái gốc của đời người: “Thấy cây và thấy cả rừng, thấy quả và thấy cả nhân, thấy sự vĩ đại nhưng cũng thấy cả những nét bình thường, đời thường gần gũi” (Tương Hương, Nhà văn bát tuần kể chuyện “Búp sen xanh”, 2009).
Những nét nghệ thuật đặc sắc
Với hai tiểu thuyết Búp sen xanh và Bông sen vàng, nhà văn đã chọn được cách viết phù hợp với đối tượng thẩm mĩ. Trước hết, đó là nghệ thuật tạo dựng hoàn cảnh, môi trường sống, cũng là hiện thực thẩm mĩ của truyện.
Đó là sự đặc tả hai vùng quê xứ Nghệ và xứ Huế, từ cái nhìn toàn cảnh các ngọn núi của dãy Giăng Màn, Thiên Nhẫn,... đến cận cảnh hai bờ sông Lam. Quê hương hiện lên từ thuở xa xưa: về gốc tích, làng Sen ngày còn là trang trại gọi là Trại Sen với những đầm sen bát ngát. “Do có nhiều sen, cảnh trí trong làng, ngoài đồng lại rất đẹp nên Trại Sen đổi tên thành làng Mĩ Liên. Về sau, các cụ lại đổi thành Kim Liên: Nhất vui là cảnh Kim Liên/ Cảnh tiên có cảnh, người tiên có người” (Búp sen xanh). Dải sông Lam, núi Hồng, quê hương của hát ví, hát dặm cũng là đất thi thư, khoa bảng. Quê hương thứ hai của Nguyễn Sinh Côn chính là đất thần kinh Huế. Khu Đại nội đẹp như một thực tại vàng son đang tàn lụi. Cảnh sông Hương, núi Ngự nên thơ với điệu hò xứ Huế mênh mang: Lờ đờ bóng ngả trăng chênh/ Tiếng hò xa vọng nặng tình nước non...
Các vùng quê sinh sống, học hành đậm đà sắc màu văn hóa ấy chính là cái nôi tuyệt vời cho trí tuệ, tâm hồn, cho tuổi ấu thơ và tuổi trẻ.
Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện của Sơn Tùng tập trung vào hai hướng: tình huống tiềm ẩn kịch tính và tình huống căng thẳng cao độ. Phông nền của truyện là những biến cố vui buồn trong gia đình, xen kẽ những sự kiện lịch sử chủ yếu nơi đất đế đô của vương triều Nguyễn, với tình trạng khốn khổ của dân quê, việc biểu tình chống thuế ở Huế và cảnh nghèo túng của phu phen, thợ thuyền bến cảng Sài Gòn. Tình huống căng thẳng kéo dài dẫn đến bùng phát. Anh Ba vào Nam tìm đường cứu nước. Quan Phó bảng rời chốn quan trường. Vua Thành Thái bị bắt đưa đi đày biệt xứ.
Ngòi bút tiểu thuyết tập trung vào những tình huống quẫn bách, bi thảm. Ngày giáp Tết, ông cử Sắc còn phải đi coi thi xa. Ở nhà, vợ ốm nặng chỉ có cậu con trai nhỏ và đứa bé sơ sinh khát sữa. Bà Loan hấp hối rồi qua đời. Những người xóm giềng giúp làm tang ma chôn cất. Nguyễn Sinh Côn đêm đêm ôm em ngồi khóc bên bàn thờ mẹ. Ông cử về, chết lặng trước nhà. Nỗi đau mới lại ập đến khi bé Nhuận chết. Mấy cha con phải tự tay đóng hòm đưa hài nhi xấu số nằm bên mộ mẹ…
Người thuật truyện có lối dẫn dắt tự nhiên, khéo léo các sự kiện, tình huống, đan xen tình cảnh riêng chung và cá nhân, gia đình, xã hội. Đặc biệt là lời kể chuyện phù hợp với thế giới tuổi thơ hồn nhiên trong sáng, dựng lại một cách xúc động thời thơ ấu của hai anh em Khiêm, Côn với bạn bè đồng trang lứa ở Huế, con nhà quyền quý cũng như bình dân. Tác giả cũng khéo đan lồng câu chuyện về đại sự quốc gia vào cuộc nói chuyện giữa các bậc cha chú với sự chứng kiến và tham gia của cậu thiếu niên Nguyễn Sinh Côn, trong buổi hầu nước với Phan Bội Châu và buổi “tọa vị thụ tâm” của bộ ba Nguyễn Sinh Sắc, Đào Tấn, Lê Văn,... Đó là những đại trí thức, chí sĩ ưu thời mẫn thế, yêu nước thương dân, có khí phách và tiết tháo. Thấp thoáng phía sau họ là thế giới vua quan triều đình: có đức vua chính trực, yêu nước, lại có loại vua “tự khai tử trên ngôi thiên tử”. Qua đó, nhà văn đã tạo nên sự đối chọi nhân cách: túc nho, cao thượng như quan Thượng thư Đào Tấn; hay hèn kém, vô sỉ như Quận công Hoàng Cao Khải cùng bè lũ Lê Hoan, Nguyễn Thân phản dân, hại nước và bọn quần thần “cam bề thần phục người Tây”. Ngoài lớp nhân vật này, xóm thợ gần bến cảng Nhà Rồng là thế giới thợ thuyền thu nhỏ, được phác thảo qua, nơi dấn thân vào con đường vô sản của Nguyễn Tất Thành. Có thể nói, thế giới nhân vật trong truyện không đông đảo nhưng mang tính đại diện cao.
Tác giả đã thể hiện một phong cách văn xuôi độc đáo. Sự thật cuộc đời kết hợp với sự thật lòng người, cùng lòng chân thành hiếm có của người viết, nhờ vậy mà tác phẩm đảm bảo được tính chân thực lịch sử. Chân dung vị lãnh tụ hiện lên như một con người bình thường mà phi thường. Ở tuổi vị thành niên, cậu học sinh non trẻ đã bàn chuyện quốc gia đại sự, chú cháu còn hẹn nhau: “Cứu nước! Cứu nước! Cứu nước!” (với chú Đặng Thái Thân, trong Búp sen xanh). Trong buổi cha con tiễn biệt nhau, khi anh Ba thốt lên gọi cha, ông Phó bảng ngăn lại: “Đừng! Con đừng gọi cha lúc này! Con phải gọi Tổ quốc! Đồng bào! Đi... đi con!...” (Búp sen xanh). Những lời nói đầy khí phách cùng việc tả cảnh ngụ tình được Sơn Tùng sử dụng nhiều trên những trang văn.
Nổi bật trong truyện còn là nét giản dị, trong sáng, từ kết cấu (tuyến tính về thời gian), cốt truyện (biên niên bình dị, đời thường, có tính truyền thống) đến văn phong (ngắn gọn, mạch lạc, hàm súc). Tác phẩm còn hàm chứa màu sắc vừa cổ kính vừa dân gian, nhất là qua việc miêu tả lễ hội, phong tục tập quán đậm chất văn hóa xứ Nghệ hay đất thần kinh Huế.
Nhà văn đã dựng nên hình tượng sống động nhờ những chi tiết nghệ thuật giản dị, đời thường nhưng hàm ẩn ý nghĩa sâu sắc. Cậu bé Côn hái hoa nhài cài lên tóc mẹ rồi ngẫm nghĩ về “tục hái hoa” và nhận xét rằng nó có cái hay và cả cái dở. Khi được hầu rượu các bậc bề trên đang bàn về việc áp đặt tên Tây vào một cây cầu, con phố, cậu đã phản ứng: “... đứng phắt dậy! Tay nắm. Ánh đèn lấp lánh trong ánh mắt nảy lửa, gương mặt thơ ngây đã biến sắc...” - đó là một cử chỉ hồn nhiên của tuổi nhỏ nhưng thể hiện “một phong thái, một khí phách lớn” (Bông sen vàng) như cảm tưởng của bậc cha chú - các vị chân nho.
Búp sen xanh và Bông sen vàng được sáng tạo dựa trên nền lịch sử hào hùng của dân tộc, vươn đến một phong cách sử thi như nguyện vọng chân chính của nhà văn. Với thành tựu sáng tác của mình, Sơn Tùng xứng danh là người có uy tín hàng đầu trong sự nghiệp viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là kết quả của việc tích lũy vốn sống, tư liệu, tri thức nhiều mặt và tâm huyết, công phu một đời của nhà văn. Các tác phẩm của ông đã góp phần mở ra một hướng viết tiểu thuyết lịch sử với đối tượng thẩm mĩ đặc biệt – vị Cha già kính yêu của dân tộc
Đ.T.H
http://vannghequandoi.com.vn/802/news-detail/1577138/su-kien/son-tung-nguoi-xay-dai-sen-ho-chi-minh-bang-van-xuoi.html
0 Response to "Anh Sơn Định sẽ nối tiếp cha Sơn Tùng, viết về Hồ Chủ tịch"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn