Di chứng chiến tranh : Những liệt sĩ bỗng trở về nhà

Ở Hà Nội, tôi chưa có điều kiện gặp trực tiếp, nhưng một ông bạn kể (gia đình này ở khu vực phố Huế): ông anh trở về đúng ngày giỗ của mình. Cả nhà tưởng ma, ú ớ, rồi kinh hãi một hồi lâu mới nhận ra đúng là anh đã trở về. Nhưng đó là trường hợp trở về trước Đổi Mới (trước năm 1986).

Có những liệt sĩ gần đây mới trở về nhà (sau khi chiến tranh đã kết thúc 40 năm, hoặc 28 năm).

Có ba trường hợp ở dưới đây được báo chí loan tin. 
1. Hà Nội và liệt sĩ Lê Xuân Hào (huyện Ứng Hòa)


Liệt sỹ trở về Vượt cửa tử và thủ tục làm người còn sống Kỳ 2


Thứ Ba, 03/12/2013 - 07:36

Hà Nội: “Người rừng” trở về sau 28 năm là liệt sỹ (Kỳ 1)


Người liệt sỹ ấy những tưởng đã xa rời quê hương mãi mãi, cứ ngỡ phần xương cốt kia còn đang nằm đâu đó nơi rừng hoang núi thẳm, thì nay bất ngờ trở về sau 28 năm lưu lạc nơi đất khách quê người...



Chiến tranh tàn khốc đã biến một người lính khỏe mạnh, vạm vỡ thành một người sức cùng lực kiệt, với hàng chục vết thương trên cơ thể. 28 năm sau chiến tranh, ông Lê Xuân Hào (xã Trầm Lộng - Ứng Hòa – Hà Nội) mới xiêu vẹo tìm được đường về quê hương trong bộ dạng “thân tàn ma dại”. Hy sinh, cống hiến cho đất nước, nhưng nỗi trớ trêu kiệt cùng của số phận đã biến ông Hào thành người vô gia cư, đầy bệnh tật, quên quên nhớ nhớ và đằng đẵng những ký ức tang thương về đạn bom, chết chóc.  
Lưu lạc trong rừng sâu...
Câu chuyện hi hữu về người liệt sỹ được khắc tên trên bảng Tổ Quốc ghi công, được đơn vị gửi giấy báo tử về quê nhà, bất ngờ trở về khi chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày giỗ thứ 29 của ông, đến bây giờ tuy đã gần 2 năm trôi qua, vẫn khiến người dân xã Trầm Lộng – huyện Ứng Hòa không khỏi xôn xao. Sự gặp gỡ, trùng phùng của những người tưởng ở hai bên kia đầu thế giới vỡ òa trong nước mắt, nhiều người chứng kiến đã phải thốt lên: “Đúng là chuyện cổ tích giữa đời thường...”. 
Tiếp chúng tôi trong căn nhà “vá chằng, vá đụp”, những miếng vữa xi măng cứ nối nhau rơi lả tả, để lộ rõ những hàng gạch ố màu rêu phong, ông Lê Xuân Hào – người “liệt sỹ” năm xưa không giấu được những giọt nước mắt. Nhắc lại năm tháng chiến tranh, gương mặt khắc khổ của ông đột nhiên co rúm lại, ông khóc nấc lên như một đứa trẻ. Ông tập tễnh bước đi, dò dẫm cho chúng tôi xem tập tài liệu ghi lại thời chiến binh của ông. Giấy “chứng tử” của đơn vị ghi tên ông được để lên trên cùng của tập tài liệu.  
Liệt sỹ trở về Lê Xuân Hào
"Liệt sỹ trở về" Lê Xuân Hào
Nhập ngũ tháng 3/1983 khi 21 tuổi, ông Hào được biên chế vào Đoàn 7704 và tham gia quân tình nguyện sang giúp nước bạn Campuchia. Năm 1984, trong một lần đi kiếm lương thực cho đơn vị, ông Hào cùng 6 chiến sỹ khác của Quân đội Nhân dân Việt Nam bị địch phục kích, đánh bom. Ông bị thương nặng nhưng may mắn được một gia đình dân tộc thiểu số ở Campuchia cứu giúp, bao bọc. 
Do vết thương ở đầu quá nặng, lại bất đồng ngôn ngữ nên ông không thể tìm lại được đơn vị của mình. Cũng từ đây, người cựu binh ấy bắt đầu cuộc sống lưu lạc đầy nước mắt và tủi hờn: “Vì là người của quân đội nên tôi luôn bị đối phương săn lùng, truy quét. Có đợt phải chạy trốn trong hang đá, giữa rừng. Đói quá, phải đào củ măng gặm sống để tồn tại. Khát nước thì cứ thế mà nhai lá rừng hoặc kiếm quả dại để ăn. Biết tôi là bộ đội Việt Nam, nên người dân Campuchia luôn tìm cách cưu mang, che chở. Tôi sống cùng một gia đình người dân tộc ở một quả núi heo hút trong rừng sâu. Không có điện, nước, cuộc sống bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài nên không có cách nào liên lạc lại với người thân ở Việt Nam...”. 
“Thỉnh thoảng anh tôi lại ôm đầu hét lớn”
Ông Lê Xuân Vui - người em trai thứ 2 của ông Hào ngồi bên cạnh thỉnh thoảng phải khẽ quay đi lau vội dòng nước mắt. “Ngày trở về, anh tôi ốm yếu, đen như nõ điếu, trông không còn ra hình người. Mái tóc bạc trắng, lưa thưa xòa cả xuống mặt. Chiếc áo tả tơi, vá chằng, vá đụp. Bước đi cứ xiêu vẹo, khập khễnh, cám cảnh đến mức, đến đôi dép anh tôi cũng chẳng có mà đi...”. 
Ngày ấy, vừa trông thấy người đàn ông tập tễnh bước xuống xe, người em gái tên Miền đã reo lớn: “Anh Hào, có phải anh Hào con bố Mạnh đấy không?”. Người đàn ông tiều tụy kia, môi chỉ hấp háy không lên lời, mắt ầng ậc nước, gật đầu lia lịa. Ông Vui xúc động cho biết, tuy hàng chục năm không gặp nhưng ông vẫn nhận ra anh mình qua ánh mắt và nụ cười. 
Cả gia đình cứ thế ôm lấy nhau mà khóc. Người nắn chân, người nắn tay để tin rằng ông Hào – người anh “liệt sỹ” vẫn còn sống trở về bằng da bằng thịt sau bao nhiêu năm xa cách. “Hồi mới về, có ngày anh Hào cứ đi lang thang khắp làng, thỉnh thoảng đang đêm ngủ, anh tôi lại bật dậy, ôm đầu la lớn: quân địch đến, quân địch đến, làm người nhà thương đến thắt lòng...”, ông Vui xót xa cho biết. 
Ngày ông Hào nhập ngũ, người bố của ông đã đưa ông đến tận nơi giao quân, vẫy tay chào và hẹn ngày gặp lại. Sau 28 năm ông Hào tìm về cố hương, bố ông đã nằm dưới ba thước đất. Tay run run thắp nhang lên bàn thờ, ông Hào nức nở như một đứa trẻ: “Bố ơi, con Lê Xuân Hào không kịp báo hiếu bố trọn một ngày, không kịp nhìn mặt bố lần cuối. Nay con trở về quê hương, trở về với anh em, con xin tạ lỗi với bố”. Người anh trai ông Hào – ông Lê Xuân Bạc cũng nghẹn ngào: “Trước khi bố tôi qua đời, ông cầm tay từng người một dặn dò phải tìm thấy xương cốt em tôi, dù chỉ là một nắm đất đen cũng phải đưa về quê cha đất tổ. Sau bao nhiêu năm tháng, nay em tôi trở về, nguyên vẹn, lành lặn...” 
Liệt sỹ trở về Lê Xuân Hào
Do bị “cách ly” trong rừng sâu đã lâu nên mọi sinh hoạt của cuộc sống hiện đại khiến ông Hào lạ lẫm. Đến bữa cơm, người thân gắp thịt ông cứ chối đây đẩy mà chỉ xin ít muối và rau luộc ăn kèm. Nghe tiếng vô tuyến truyền hình ông sợ hãi đến mức “trốn biệt” trong nhà. Đến nhà vệ sinh tự hoại, anh em trong nhà cũng phải thay nhau “hướng dẫn” nhiều lần ông mới thuộc “quy tắc”. Những năm tháng lưu lạc nơi đất khách quê người cũng khiến cho vốn tiếng mẹ đẻ của ông Hào bị mai một. Ông không thể nói trôi chảy tiếng Việt mà chỉ lẩm nhẩm từng câu. 
Có lẽ, điều an ủi lớn nhất với người cựu binh là đứa con gái với người vợ quá cố ở Campuchia cũng trở về cùng ông trong hành trình sum họp.
Nhớ lại những năm tháng trong rừng sâu ở đất nước Campuchia, ông Hào nghẹn ngào: “Bây giờ nhắm mắt lại, thỉnh thoảng tôi vẫn bị giật mình bởi những ký ức u ám đó. Nhà tôi chon von dựng trên đỉnh núi, trên những dốc đá lởm chởm, để mưu sinh tôi phải đi săn thú rừng, đào măng, bắt cá... 28 năm lưu lạc, là bấy nhiêu năm tôi chưa được sống đúng nghĩa một con người...”.
Hiện tại để mưu sinh, ông Hào cùng con gái đi thu mua lông gà, lông vịt và bao tải rách để đắp đổi qua ngày. Ngày nhiều nhất kiếm được 1 trăm nghìn, ngày ít thì vài chục bạc, bố con đùm bọc, đắp đổi qua ngày. Khi được hỏi về mong ước lớn nhất của mình, ông Hào đưa đôi mắt trầm buồn nhìn xa xăm: “Tôi chỉ ước được một lần đi khám bệnh cho khỏi hết chứng đau đầu và đau chân để mỗi khi trái gió trở trời, khỏi phải phiền đến anh em họ hàng. Người thân của tôi ai cũng khó khăn cả...”.
Điều đáng nói, theo người nhà ông Hào, mặc dù đã về địa phương được gần 2 năm, chính quyền xã và các ban ngành địa phương chưa có một lời thăm hỏi, động viên hoặc xem xét chính sách cho ông Hào. Ông Lê Văn Vui (em trai ông Hào) bức xúc: “Anh tôi thực hiện nghĩa vụ vì dân, vì nước, do lưu lạc mà rơi vào tình cảnh trớ trêu này. Lúc anh tôi trở về, chính quyền xã cắt luôn chế độ với gia đình liệt sỹ nhưng không có một câu thăm hỏi, động viên...”.
Xuân Ngọc - Hà Trang

Thứ Tư, 04/12/2013 - 07:26

Liệt sỹ trở về: Vượt cửa tử và thủ tục làm người còn sống (Kỳ 2)


Dân trí Khi được hỏi về công tác thăm hỏi, động viên sau khi "liệt sỹ" Lê Xuân Hào trở về, lãnh đạo chính quyền địa phương cho biết: “Đấy không phải trách nhiệm của xã mà thuộc Sở Lao động thương binh và xã hội nên xã cũng không nắm được”.

Người cựu binh già bật khóc bên bia mộ khắc tên mình
Kể về những năm tháng lưu lạc ở đất nước Campuchia, ông Lê Xuân Hào (Trầm Lộng - Ứng Hòa – Hà Nội) – người cựu binh già vừa trở về sau 28 năm là “liệt sỹ” cho biết: Sau khi bị địch phục kích bắn, ông bị thương nặng, mê man bất tỉnh giữa rừng. Đến khi thoi thóp thở lại thì thấy mình đang nằm trong căn nhà sàn của một người dân tộc thiểu số tại Campuchia.
Không có thuốc men chữa trị, hàng ngày gia đình người dân tộc này đi lấy búp chuối non và lá rừng, giã nát ra rồi đắp vào vết thương cho ông Hào. Khỏi bệnh, ông tập tễnh trở lại địa điểm đóng quân thì được biết đơn vị mình đã chuyển đi nơi khác. Không biết tiếng địa phương, không một đồng tiền dính túi, ông đành quay trở lại nhà người ân nhân xin nương tựa nhờ. Sau này, để trả ơn cứu mạng, ông Hào đã kết hôn với con gái của gia đình ân nhân tên là Khơ Môn. Vì cuộc sống khó khăn, nghèo đói, sau đó người vợ này không may mất sớm.
Về phía đại đội 12, tiểu đoàn 4 (trực thuộc Đoàn 7704), cứ ngỡ ông Hào đã hi sinh trong trận tập kích của địch nên làm các thủ tục báo tử về gia đình. Trong tờ giấy báo tử có ghi: "Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Lê Xuân Hào đã cùng đồng đội nêu cao tinh thần anh dũng chiến đấu, vượt qua khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao và đã hy sinh vẻ vang tháng 3/1984. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị vô cùng thương tiếc và tự hào có người đồng chí, đồng đội đã làm rạng rỡ thêm truyền thống tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam". Tờ giấy báo từ được gửi về gia đình ông Hào ngày 25/6/1992.
Trong những lúc tuyệt vọng, ông Hào cũng từng nghĩ đến cái chết để giải thoát
Trong những lúc tuyệt vọng, ông Hào cũng từng nghĩ đến cái chết để giải thoát
Khi được hỏi, tại sao trong ngần ấy năm lưu lạc không tìm cách về quê, ông Hào ngậm ngùi: “Nỗi nhớ quê hương ám ảnh tôi từ bữa ăn đến giấc ngủ. Có đêm nằm mơ thấy rõ từng vết rêu trên cái cổng tre quê nhà, cả tiếng bà con mình í ới gọi nhau bên bờ ao, giếng nước. Tỉnh dậy thì thấy nước mắt chảy ướt gối từ bao giờ”. Cuộc sống ở vùng sâu, giữa rừng, không có điện thoại, không có bưu điện. Gần như 100% người dân mù chữ nên ông Hào không biết nhờ cậy vào ai để tìm được cách liên lạc về quê nhà.
Trong những lúc tuyệt vọng, ông Hào cũng từng nghĩ đến cái chết để giải thoát: “Nhiều khi liều mình ra đến vách núi định nhảy xuống chết quách đi cho rồi, nhưng tôi lại tự nhủ, sống đã chịu cảnh lưu lạc tha hương thì khi chết nhất định tôi phải được chôn ở quê cha, đất tổ. Thế là tôi lại quyết tâm quay về, tiếp tục cố gắng để sống, với hi vọng ngày nào đó sẽ tìm được đường về quê hương...”.
Cuộc gặp định mệnh
Nhớ về cuộc gặp gỡ định mệnh, giúp tìm lại được “người anh liệt sỹ” thất lạc trong rừng sâu, ông Lê Xuân Vui (người em trai thứ 2 của ông Lê Xuân Hào) kể lại: Cuối năm 2011, ông Vui bất ngờ được một người thanh niên tìm gặp và cho biết đang nắm giữ thông tin về người anh “liệt sỹ” của gia đình. Quá đỗi bất ngờ, như không tin được vào tai mình, ông Vui phải liên tục hỏi lại: “Có thật là anh tôi còn sống không? Chắc chắn là anh tôi đấy chứ?”. Người thanh niên kia quả quyết và kể lại, trong một lần vào rừng tìm gỗ làm nhà, người chú ruột anh đã gặp ông Hào đang sống trong một bản nghèo tại Khsach Laet, xã Onsachambork, huyện Krakor.
Ông Hào có tên Campuchia là Chea Hay. Người thanh niên này cũng quả quyết chính bản thân anh cũng đã được người chú mình cho nói chuyện với ông Hào qua điện thoại nhờ tìm giúp gia đình ở Việt Nam. Mất vài phút trấn tĩnh, ông Vui mới lập cập hỏi được tên, địa chỉ của vị ân nhân.
Ngay ngày hôm sau, điện thoại của ông Vui đổ chuông: “Nhìn vào mã điện thoại lạ, tim tôi đã đập nhanh liên hồi, toàn thân run bắn. Thế nhưng, khi tôi bấm nghe máy và “alo” thì đầu bên dây kia chỉ im lặng. Vài phút trôi qua, chỉ nghe những tiếng nấc nhẹ, rồi tắt máy. Ngay lập tức, tôi gọi lại và hỏi: “Có phải anh Hào người xã Trầm Lộng - Ứng Hòa đấy không?” thì nghe thấy tiếng “ừ, anh Hào đây” bằng giọng lơ lớ, ngọng nghịu. Như không tin vào tai mình, tôi phải yêu cầu anh nhắc lại 3 lần, rồi mừng quá, nước mắt tự nhiên cứ chảy dài ra. Sau khi hỏi vài thông tin thì tôi chắc chắn đến 90% người đầu dây kia là anh trai mình thật”.
Ngay lập tức, một cuộc họp gia đình đã được tiến hành khẩn cấp, 5 người em của ông Hào quyên góp tiền để đón người anh mà gần 30 năm qua, họ đã lập bàn thờ hương khói mỗi ngày. Người em họ tên Khiêm (đang làm việc tại Bình Phước) nghe thông tin tìm thấy ông Hào, đã “xung phong” thuê xe để đón ông Hào trở về. Do địa hình hiểm trở, lại không thông thuộc đường, chuyến đi đầu tiên đã thất bại. Lần thứ 2, rút kinh nghiệm, anh Khiêm thuê xe và nhờ một người phiên dịch tiếng Campuchia đi cùng để hỏi thông tin.
Nhớ lại khoảnh khắc gặp lại người thân, anh Khiêm xúc động: “Anh tôi đứng bên vệ đường, thất thểu trong tà áo rách. Lúc anh Hào đi bộ đội tôi mới lẫm chẫm biết đi, ngần ấy năm xa cách chưa một lần được gặp mặt nhưng khi vừa nhìn thấy khuôn mặt anh, đôi mặt ầng ậc nước, hiền từ giống i như khuôn mặt bố tôi, thì hai anh em cứ ôm nhau mà khóc...”.
Được công nhận công dân Việt Nam sau hơn 10 nghìn ngày lưu lạc
28 năm lưu lạc mới tìm được đường về quê hương nhưng hành trình tìm lại quyền công dân của ông Hào cũng đầy chông gai. Người cựu binh già nghẹn ngào nhớ lại, thời gian đầu mới trở về ông đến gặp chính quyền để hỏi về thủ tục “làm người còn sống”: “Họ bảo tôi, ông chết rồi, giấy báo tử vẫn còn lưu một bản ở đây, hộ khẩu ông cũng bị cắt rồi, giờ muốn xin lại chúng tôi không đủ thẩm quyền giải quyết!. Rồi họ bảo tôi về. Hết lần này đến lần khác đều thấy, sao để được làm người còn sống mà cũng khổ quá. Tôi đã nóng giận, cởi áo, sắn quần cho họ xem những vết sẹo chi chít, dấu tích của thời trận mạc khói lửa. Tôi bảo họ: Đây, vết sẹo này là tôi bị đạn của địch găm vào, còn vết sẹo này là tôi bắn máy bay địch, bị một mảnh bom văng vào, gây thương tích. Tôi lưu lạc xa quê do bệnh tật vì tôi không có đủ vài triệu bạc thuê xe về, nay về được quê hương, tôi chỉ có ước mơ được công nhận lại là công dân Việt Nam, mà các anh cũng gây khó dễ. Thế mà họ cũng không nghe, họ xua tôi về không thương tiếc”.
Đến tháng 8/2013, ông Hào mới được cầm tấm Chứng minh thư nhân dân mang tên mình. Nhớ lại giây phút ấy, ông Hào rưng rưng kể: “Ngày cầm chứng minh thư, có ảnh, tên mình tôi bật khóc như đứa trẻ. Vậy là cuối cùng, niềm mơ ước cuối đời của tôi cũng thành hiện thực. Tôi đã trở về quê hương, được là một công dân Việt Nam theo đúng nghĩa”.
Đến tháng 8/2013, ông Lê Xuân Hào đã được cấp Chứng minh thư nhân dân và Sổ hộ khẩu
Đến tháng 8/2013, ông Lê Xuân Hào đã được cấp Chứng minh thư nhân dân và Sổ hộ khẩu
Lãnh đạo Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA72) – CA Thành phố Hà Nội chia sẻ: Ngay khi nhận được thông tin từ địa phương gửi lên về trường hợp ông Lê Xuân Hào, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (Công an Thành phố Hà Nội) đã khẩn trương xác minh, kiểm tra để giải quyết thủ tục nhập hộ khẩu về địa phương và cấp chứng minh thư nhân dân cho ông Hào. Đối với con gái ông Hào, Phòng PA72 cũng đã hướng dẫn làm thủ tục xin cấp thẻ thường trú và báo cáo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh – Bộ Công an (A72) xem xét giải quyết như đối với trường hợp không quốc tịch nhằm tạo điều kiện cho trường hợp này được ở lại, sinh sống tại Việt Nam và thuận lợi cho việc xin nhập quốc tịch Việt Nam sau này.
Lãnh đạo Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân trong xã hội có sự giúp đỡ để ông Hào có cuộc sống tốt hơn.
Lý giải về thông tin cho rằng chính quyền xã gây khó dễ cho ông Hào trong việc giải quyết các thủ tục, ông Lê Quang Cảnh - Phó Chủ tịch xã Trầm Lộng - Ứng Hòa – Hà Nội cho biết: Do di chứng của chiến tranh nên có lúc đầu óc ông Hào không được bình thường, có những lời lẽ không hay đối với cán bộ và gây hiểu lầm giữa các bên.
Khi được hỏi về chế độ đối với ông Hào, cũng như công tác thăm hỏi, động viên sau khi "liệt sỹ" này trở về, ông Cảnh cho biết: “Đấy không phải trách nhiệm của xã mà thuộc Sở Lao động thương binh và xã hội nên xã không nắm được. Từ khi ông Hào trở về, chính quyền đã ngay lập tức cắt chế độ dành cho gia đình liệt sỹ của gia đình ông Hào. Tuy nhiên, vấn đề hỗ trợ cho ông Hào sau này thì không thuộc thẩm quyền của xã nên chúng tôi không thể giải quyết...”.
Hà Trang – Xuân Ngọc
http://dantri.com.vn/xa-hoi/liet-sy-tro-ve-vuot-cua-tu-va-thu-tuc-lam-nguoi-con-song-ky-2-810663.htm


2. Hải Phòng và liệt sĩ Phan Hữu Được (huyện Tiên Lãng)



ĐÀM TUẤN ĐẠT


40 năm phiêu dạt nơi đất khách, quê người với biệt danh “ông khùng” và cũng ngần ấy năm, trên ban thờ của gia đình anh Phan Hữu Lộc thêm một bát nhang nghi ngút khói hương cùng tấm ảnh của chú mình, liệt sĩ Phan Hữu Được. Nay bỗng nhiên “liệt sĩ Phan Hữu Được” trở về bằng xương, bằng thịt trong sự ngỡ ngàng của gia đình và bà con thôn Tự Tiên, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Và suốt 3 tháng qua, ngôi nhà anh Lộc lúc nào cũng nườm nượp khách gần xa đến thăm, chia sẻ, tri ân "người liệt sĩ" trở về sau 40 năm.
Mất trí nhớ... nên trở thành liệt sĩ
Trong ký ức của anh Phan Hữu Lợi, vẫn còn lưu giữ hình ảnh vẹn nguyên về người chú ruột Phan Hữu Được khi chú đến xã đội trưởng để vật nài xin đi bộ đội nhưng không thành vì có anh trai đang ở chiến trường. Đến năm 1970, Phan Hữu Được nghĩ ra cách đổi họ tên thành Phạm Văn Được, sinh 1951 (chính thức 1949) để hồ sơ đủ điều kiện nhập ngũ. Vào quân ngũ, Phan Hữu Được tham gia huấn luyện ở Sư đoàn 350, rồi về Đoàn 559 và hành quân vào chiến trường phía Nam. Sau đó, ông được biên chế vào Tiểu đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn 5, Đoàn 340, Cục Hậu cần Miền với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực... phục vụ chiến trường B2.
Năm 1973, ông chỉ huy tàu 047 xuyên qua tỉnh Công Pông Chàm (Cam-pu-chia) thì bị quân địch tấn công. Tàu chìm, không biết ai còn, ai mất, ông chỉ biết mình bị thương nặng ở đầu nhưng do có khả năng bơi lội tốt nên ông dạt vào bờ và được một Việt kiều cứu sống. Vết thương đã lấy mất của ông trí nhớ, vì thế nên đơn vị không tìm thấy và có giấy báo tử về địa phương. Từ đó, ông Phan Hữu Được trở thành... liệt sĩ.
Ông Phan Hữu Được (người ngồi giữa) cùng đồng đội bên chiếc võng từng là cáng cứu thương ông trong những ngày còn ở chiến trường.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Được được đưa về Việt Nam với hy vọng ông sớm tìm thấy người thân. Tuy nhiên, chiến tranh đã cướp đi của ông trí nhớ, vì thế ông trở thành người lang thang kiếm sống. Sau vài năm ông lưu lạc về Tây Ninh làm nghề quét rác ở chợ Sa Mát (nay thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên) và được gia đình anh Tài, là công nhân nông trường cao su cưu mang. Từ đó, ông làm nghề cạo mủ rồi theo nhóm công nhân sang nước bạn Cam-pu-chia làm việc. Công việc nặng nhọc, vết thương luôn hành hạ, trong cơn mê sảng ông hay nhắc tới cái tên anh Cầu và Tiên Lãng. Từ thông tin mong manh đó, anh Tài đã gửi thông tin về Tiên Lãng, Hải Phòng qua một số người quen. Tình cờ anh Phan Văn Biên, người cùng xóm với ông Được biết được thông tin và thông báo về gia đình để đưa ông trở về quê hương.
Nồng ấm sự sẻ chia tình người         
Sáng 26-6, chúng tôi có mặt tại nhà anh Phan Hữu Lộc, đúng lúc đoàn cán bộ của Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng đến thăm, tặng quà ông Phan Hữu Được. Trong không khí nồng ấm tình người, Đại tá Trần Hạnh Kiểm, nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng, cũng là đồng đội từng chiến đấu ở chiến trường B2, chia sẻ: “Tôi đã từng chôn cất đồng đội sau mỗi trận đánh. Đất nước đã hòa bình, nhưng đến nay không ít gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt người thân. Điều đó để lại trong chúng tôi rất nhiều nỗi niềm. Vì vậy, việc anh Được trở về là niềm hạnh phúc lớn lao không chỉ đối với gia đình, dòng họ mà còn đối với tất cả chúng tôi”.
Được biết, đã có nhiều đoàn của các cấp, các ngành đến chia sẻ, động viên ông Phan Hữu Được. Thủ tướng Chính phủ khi biết thông tin này đã trích 10 triệu đồng tiền lương của mình gửi tặng ông (Báo Quân đội nhân dân đã đưa tin). Trong niềm vui của gia đình, chị Nguyễn Thị Lá (vợ anh Lộc) vừa khóc, vừa nói với chúng tôi: “Thế là nhà em có phúc lớn lắm rồi. Về làm dâu em chỉ thấy chú em qua ảnh. Khi nghe tin chú còn sống, chúng em không dám tin đó là sự thật, phải chờ đến lúc đón chú về, gia đình em mới bỏ bát hương và tấm hình trên ban thờ xuống...”. Cùng cảm xúc đó, chị Đặng Thị Hẹn, người cùng xóm cho biết: “Hôm bác Được trở về, cả làng kéo đến chật kín sân, kín ngõ. Khi nhìn thấy bác ai cũng khóc. Nhiều người còn đến cầm tay xem có đúng sự thật không”.
Từ hôm biết tin ông Được trở về, ông Lương Quang Lật ở thôn Phương Hạ, xã Chiến Thắng, huyện An Lão (Hải Phòng), người cùng tiểu đội với ông Được gần như ngày nào cũng có mặt động viên và hàn huyên chuyện cũ. Ông Lật tâm sự: “Khi biết tin, tôi tức tốc tìm đến và nhận ra đúng đồng đội của mình. Tôi ôm chầm lấy anh Được mà khóc, nhưng anh ấy không nhận ra tôi. Vài hôm sau tôi gọi cả mấy đồng đội cùng tới thì anh ấy mới ngờ ngợ nhận ra. Với những người đã đi qua chiến tranh như chúng tôi, không có hạnh phúc nào lớn hơn là được gặp lại đồng đội của mình giữa cuộc sống thanh bình này. Chúng tôi chỉ mong các cấp các ngành quan tâm giúp đỡ để bù đắp lại cho anh ấy những năm tháng phiêu dạt vừa qua”.


"Chúng tôi đang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra xác minh lại những thông tin liên quan đến ông Phan Hữu Được; đồng thời tham mưu cho Tổng cục Chính trị chỉ đạo Quân khu 3 phối hợp với các ngành chức năng thống nhất các biện pháp giải quyết chế độ theo đúng quy định của pháp luật. Quan điểm của lãnh đạo Cục Chính sách là giải quyết nhanh gọn, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho ông Phan Hữu Được theo đúng quy định"-Đại tá Trần Quốc Dũng, Phó cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị.
http://trianlietsi.vn/new-vn/nguoi-tot-viec-tot/2889/%E2%80%9CLiet-si%E2%80%9D-tro-ve-trong-nong-am-yeu-thuong.vhtm



19:22 NGÀY 14/09/2013



Sau 40 năm là “liệt sỹ”, ông Phan Hữu Được trở về làng mình, với một cơ thể đầy bệnh tật và ký ức gần như trống không.



3 tháng trở về vẫn là “liệt sĩ”

“Liệt sĩ” ngồi nhìn ra cánh đồng vừa gặt, khói lam chiều vương trên rơm rạ, mắt ngấn nước. Ngày đi, đang tuổi thanh xuân phơi phới, ngày về bước chân đã xiêu vẹo trên đường làng. Tôi chưa từng thấy một đôi chân nào như chân ông Được, đen đủi, đầy sẹo nổi sẹo chìm. Khi đi, một chân nghiêng chéo hẳn so với chân còn lại. Xương đầu gối đã bị gãy.

Mỗi bước đều khiến người ông lệch như compa trong cơn đau nhói đã đeo bám mấy chục năm nay. Có phải vì đôi chân thương tật ấy mà mãi 40 sau hòa bình ông Được mới về đến quê nhà? Nhưng 40 năm qua người lính này lại “chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà” vì bệnh mất trí nhớ nên đôi chân thương tật cũng không biết đích đến để mà đi.

Sau 40 năm, “liệt sĩ trở về” Phan Hữu Được mới có thể rít thuốc lào Tiên Lãng quê nhà.

Nhưng trí nhớ suy tàn cũng đã lóe lên như một tia chớp chọc thủng bóng tối của quên lãng để ông có thể trở về và kể lại hành trình kỳ lạ đã trở nên nổi tiếng sau khi truyền thông vào cuộc:

“Năm 1973, tôi làm thuyền trưởng trên tàu mang số hiệu 047 vận chuyển vũ khí từ Campuchia theo sông Mekong cung cấp cho chiến trường miền Nam. Trong một lần vận chuyển bị địch phát hiện và bắn phá. Tàu chìm, tôi bị thương dạt vào bờ. Tôi được một Việt kiều tên Hiệu cứu vớt chữa trị và nhận làm em nuôi. Nhưng tôi mất hết giấy tờ tùy thân và mất cả trí nhớ, quên cả tên mình. Năm 1976 anh Hiệu nhờ đoàn Việt kiều dẫn tôi về Việt Nam để tìm lại quê hương nhưng tôi không thể nhớ quê quán ở đâu. Từ đó tôi cứ làm thuê kiếm sống nay đây mai đó, lúc cạo mủ cao su ở Tây Ninh, lúc quét chợ. Nhiều đêm ngủ mơ, tôi gọi tên cha mẹ, quê hương trong vô thức. Một lần như thế, một người tốt bụng tên là Nguyễn Văn Tài nghe được tôi ú ớ nói mình là con ông Cầu ở Hải Phòng. Trời xui đất khiến, anh Tài lại quen anh Phạm Xuân Biên - sĩ quan Hải quân, cùng quê với tôi. Anh Biên gọi điện cho bố đẻ mình là Phan Văn Cứ thì được ông Cứ khẳng định tôi chính là người cùng làng. Ông Cứ gọi điện cho cháu ruột của tôi - Phan Hữu Lợi bảo: “Chú mày còn sống”.

Anh Phan Hữu Lợi – người cháu ruột của ông Được – ngồi trong căn nhà tồi tàn, kể: “Tôi biết tin chú còn sống, mừng quá đã nịnh vợ bán đôi hoa tai vàng để có tiền lộ phí đón chú về. Tôi định xin cả nhẫn cưới con gái thêm tiền vào miền Nam nhưng rồi lại thôi".

Anh Lợi đạp xe lên UBND xã để trình báo chỉ đơn giản “công an khỏi bắt chú khi phát hiện ra người lạ”. “Người lạ” Phan Hữu Được từng khai thêm tuổi để đi bộ đội từ xã Tiên Minh này, nhưng giờ đây đang nằm trong danh sách liệt sĩ của địa phương, khi trở về không giấy tùy thân, không hộ khẩu và một ký ức hầu như trống rỗng. Anh Lợi không bao giờ dám hy vọng chú ruột của mình sẽ được hưởng chế độ chính sách.

Anh chỉ mong người chú “liệt sĩ” được làm chứng minh thư và sổ hộ khẩu. Cũng chỉ với một mục đích mà anh nông dân này trình bày với Phó chủ tịch UBND xã Tiên Minh, ông Đoàn Xuân Thi: “Lỡ mai này chú mất đi, không tên, không họ, không quê quán thì làm sao viết điếu văn và xin đất để yên nghỉ”.

Ông Thi tận tình hướng dẫn Lợi, phải làm đơn đề nghị xóa tên người đã chết, cắt danh sách liệt sĩ thì mới làm được chứng minh thư. Rồi từ đó mới nhập hộ khẩu. Lợi khấp khởi mừng...

Nhưng gần 3 tháng trôi qua kể từ ngày ông Phan Hữu Được trở về nhưng vẫn chưa được xóa tên khỏi danh sách liệt sĩ của xã. Lợi đã gỡ tấm ảnh thờ của chú xuống, cất đi, nhưng chẳng hiểu sao ông Được bảo: “Cháu cứ để trên bàn thờ cũng không sao”.

Ông Được ra nghĩa trang liệt sĩ của xã, ngồi trầm tư trước bia mộ mang tên mình. Trên ngôi mộ gió này, tên ông vẫn được đọc lên trong những ngày 27/7 hàng năm... Ông biết để gỡ cái bia mộ mang tên mình này, sẽ còn nhiều thủ tục mà đôi chân của ông đã quá mệt mỏi rồi...

Những ngày tha phương cầu thực ở đất khách quê người, ông Được như kẻ vô gia cư, người ta quen gọi là “Năm khùng” “Năm cô đơn”. Những lúc trí nhớ lóe sáng, ông đấm vào ngực, nói: “Này, tôi cũng từng là lính đây”. Nhưng không một ai tin...

Sống trên quê hương mình gần 3 tháng kể từ ngày trở về , ông vẫn là liệt sĩ.

“Hãy gọi tôi là người lính”

Ông Đỗ Văn Đông - chuyên viên phòng Lao động - Thương binh xã hội huyện Tiên Lãng đi cùng tôi xuống nhà ông Được- lý giải: “Khi ông Được nằm trong danh sách liệt sỹ thì thuộc diện quản lý của Phòng LĐTB&XH nhưng khi “liệt sĩ” trở về lại thuộc diện quản lý của quân đội”.

Trong khi đó ông Trần Thanh Tùng - nhậm chức chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng chưa lâu - thường xuyên đi thực tế xuống xã, nhưng không nghe xã Tiên Minh báo cáo về trường hợp ông Được.

Ông Tùng tâm sự: “Tôi đã phê bình xã báo cáo quá chậm. Ngay sau khi biết câu chuyện ông Được, tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc ngay để trả lại quyền lợi chính đáng cho ông. Tôi ở xa nhà, mỗi ngày cũng chỉ nhắn tin cho vợ được một lần, nhưng ngày nào cũng hai cuộc điện thoại hỏi thăm sức khỏe ông Được. Ông Được có công với nước, trở về trong hoàn cảnh éo le nên cần phải đặc biệt quan tâm, không thể chậm trễ”.

Ông Phan Hữu Được và người cháu ruột Phan Hữu Lợi (phải) đã bán cả nhẫn vàng của vợ để lấy tiền đi đón chú.


Ngồi một lúc mà thấy ông Tùng đã mấy lần gọi điện trực tiếp điều xe và phân công người ngày mai đưa ông Được lên bệnh viện Việt Đức - Hà Nội.

Chỉ trong vài ngày, công an huyện Tiên Lãng đã cấp thẻ chứng minh nhân dân cho ông Được – chính thức trở thành công dân sau 40 năm nằm trong danh sách liệt sỹ. Sau đó ông có hộ khẩu.

Giám đốc Bảo hiểm y tế huyện đến tận nhà trao thẻ bảo hiểm y tế cho ông. Ông cũng được làm thủ tục cấp tốc để nhận chế độ trợ cấp dành cho người già cô đơn, mỗi tháng 260.000 đồng.

Trong một thời gian ngắn, “liệt sĩ” đã được làm các thủ tục cần thiết để làm người sống. Nhưng trớ trêu thay, khi đủ thủ tục làm người sống thì ông được lại phải đối diện với cái chết.

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc bệnh viện Việt Đức, đích thân khám cho ông Được, ái ngại bảo: “Ông bị ung thư gan, nếu phẫu thuật thành công, ông có thể sống được 2 năm, còn cứ để vậy thì không thể khẳng định trước điều gì. Khi phẫu thuật vẫn có nguy cơ chết trên bàn mổ. Gia đình cần họp lại để thống nhất phương án”.

Giọng anh Lợi buồn: “Ngày chú về nhà, đen như nõ điếu, ngồi trong góc nhà không ai thấy. Lúc về chỉ có 46 kg, bây giờ chú đã 51 kg, da dẻ tươi trở lại. Cứ nghĩ chú sẽ sống vui khỏe những ngày cuối đời, nào ngờ”.

Chi phí chữa chạy bệnh nan y, rồi cuộc sống xế chiều sẽ ra sao khi mà cả hai người cháu nông dân đều nghèo? Nhưng những câu hỏi liên quan đến cơm áo gạo tiền ấy nhanh chóng được trả lời. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trích 10 triệu từ tiền lương của mình gửi tặng ông Được. Đồng đội bạn bè và nhiều người không quen biết từ khắp nơi đến thăm ông. Nhiều người biếu tiền. Nhưng ông Được không thích tiền.

Hình như ông vẫn quen với lối sống của những năm chiến tranh khi đồng tiền gần như vô nghĩa với người lính quen ở rừng và vận tải hàng trên biển. Kể cả vào thời bình, tha phương cầu thực làm thuê ở Campuchia hay quét chợ, bẻ nhánh cao su đất Tây Ninh, ông Được cũng chỉ xin ăn cho qua ngày đoạn tháng chứ ít khi nhận tiền. Ông chỉ thích được gặp lại những đồng đội và bạn cũ ngày xưa”.

Ngày lên bàn mổ để phẫu thuật gan ông Được nói như trăng trối: “Tôi không cần ăn ngon mặc đẹp, không cần tiền. Chỉ cần mọi người đừng gọi tôi là khùng mà hãy gọi tôi là người lính. Một người lính đã hoàn thành nhiệm vụ. Cần vậy thôi, tôi chết cũng an lòng”.

PGS- TS Nguyễn Tiến Quyết- Giám đốc bệnh viện Việt Đức trực tiếp chỉ đạo ca mổ. Sau hai giờ, ca mổ gan và cắt túi mật đã thành công.

Gần 2 tháng sau cuộc phẫu thuật, ông Được bị rò nước nơi vết mổ, rồi tràn dịch màng phổi. Ông phải lên viện 108 để điều trị. Tính mạng liệt sĩ trở về lại như ngọn nến trước gió...

Bà Hoàng Thị Thúy, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tiên Lãng báo tin: “Ông Được vừa được công nhận là thương binh 1/4, và được huyện cấp 200 mét đất ở quê để làm nhà”.

Tôi đến thăm ông sau khi trở về từ bệnh viện, ông đang mệt nhưng vẫn rít thuốc lào rất kêu và mắt nhìn xa xăm ra cánh đồng vương khói lam chiều. Mắt “liệt sĩ” trở về lúc nào cũng xa xăm như thể ông không thuộc về cuộc sống hôm nay.



Theo Tiền Phong
http://news.zing.vn/Liet-si-40-nam-tro-ve-Vuot-cua-tu-va-thu-tuc-lam-nguoi-song-post352340.html


3. Nghệ An và liệt sĩ Nguyễn Chánh Nhường (huyện Quỳnh Lưu)

Thứ Bẩy, 31/01/2015 - 14:28


Nghệ An:

"Liệt sĩ" trở về sau 40 năm sống ẩn dật trong rừng sâu


Dân trí Sau hơn 40 năm được công nhận là liệt sĩ, ông Nguyễn Chánh Nhường bỗng trở về như một phép màu của cuộc sống.

Liệt sĩ trở về sau hơn 40 năm
“Liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường (SN 1955, trú tại xóm 19, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bỗng trở về sau hơn 40 năm “đã hy sinh” khiến dư luận tại vùng quê nghèo xôn xao. 
Giấy báo tử gửi về cho gia đình ông Nhường.
Giấy báo tử gửi về cho gia đình ông Nhường.
Ông Nhường trở về sau mấy chục năm được người thân làm giỗ.
Ông Nhường trở về sau mấy chục năm được người thân làm giỗ.
Ông Nguyễn Chánh An (SN 1960) em trai “liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường xúc động nhớ lại giây phút trùng phùng với người anh trai sau hơn 40 năm xa cách: “Tôi vẫn còn nhớ rất rõ. Hôm đó vào ngày 18/3/2014, anh ấy bỗng trở về rồi đi lang thang trong làng. Cơ thể rất yếu ớt, trên người chỉ mặc một bộ quần áo rách nát cáu bẩn. May mà chị gái tôi đã nhận ra được anh Nhường nhờ nốt ruồi lớn ở cánh tay trái. Cả nhà tôi vui mừng khôn xiết chỉ biết ôm lấy anh mà khóc. Bởi đến giờ phút đó ai cũng nghĩ anh ấy đã hi sinh từ rất lâu rồi”.
Theo ông An, trong giấy báo tử mà gia đình nhận được, ông Nhường nhập ngũ năm 1971, ở đơn vị Đ22 tham gia chiến đấu tại chiến trường phía nam Quân khu IV. Đến năm 1973 gia đình nhận được tin ông Nguyễn Chánh Nhường đã “mất tích”. “Khi đó mẹ tôi đã khóc cạn nước mắt lúc nhận được tin anh trai đã mất tích và cũng từ đó cả gia đình không nhận được thông tin gì về anh Nhường nữa”, ông An xúc động nhớ lại . 
Ông Nhường trở về sau mấy chục năm được người thân làm giỗ.
Bằng tổ quốc ghi công chứng nhận ông Nhường đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và được công nhận là liệt sĩ.
Tuy nhiên, gần 20 năm sau gia đình mới nhận được giấy báo tử từ đơn vị. Theo giấy báo tử số 2807 mà đơn vị báo về cho địa phương, gia đình vào ngày 25/06/1992, trong đó ghi rõ ông Nguyễn Chánh Nhường (SN 1949) nhập ngũ năm 1972, thuộc đơn vị D22, cấp bậc Hạ sỹ, chức vụ chiến sĩ, hy sinh vào năm 1973 tại chiến trường phía Nam nhưng chưa được tìm thấy hài cốt.
Đến tháng 9/1992, gia đình được nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” số DE - 145, ngày 6/4/1073 ghi rõ: Liệt sĩ Nguyễn Chánh Nhường đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Cùng năm đó, chính quyền địa phương đã làm lễ truy điệu cho ông Nhường và đưa vào thờ cúng tại nghĩa trang liệt sĩ của xã Quỳnh Lâm. Bà Nguyễn Thị Tiệc (SN 1913, mẹ ruột của liệt sĩ Nhường) đồng thời được hưởng chế độ giành cho thân nhân liệt sĩ từ năm 1992 đến khi bà mất là năm 2001.
Ông Nhường và ông An (em ruột) tâm sự cùng PV tại buổi làm việc.
Ông Nhường và ông An (em ruột) tâm sự cùng PV tại buổi làm việc.
“Tôi chỉ nhớ được rằng sau khi mình cùng các đồng đội bị trúng bom rồi bị bắt đi. Sau đó chúng tưởng tôi đã chết rồi vứt xác vào rừng sâu. Tôi tỉnh lại thấy toàn thân bê bết máu, chỗ nào cũng đau. Tôi cố lết dậy đi hái lá cây ăn, rồi đắp lên các vết thương mà cố sống qua ngày ở núi rừng chẳng biết gì về thế giới bên ngoài”, ông Nguyễn Chánh Nhường nhớ lại.
Hàng chục năm ông sống một mình trong rừng sâu, hái lá cây để ăn, múc nước suối để uống… tồn tại qua ngày. Bản thân ông Nhường cũng không nhớ được mình ở đơn vị nào, quê quán ở đâu. Ông cũng không biết đi hướng nào để ra khỏi khu rừng rậm, rộng.
Cho đến một ngày như tiềm thức mách bảo, như có ai đó thôi thúc, ông đi ra khỏi khu rừng… Và những bước chân mệt mỏi đưa ông về quê hương. 
“Ra khỏi rừng thì tôi cứ đi bộ như vậy. Cũng không nhớ được rằng mình đã đi bao nhiêu năm, bao nhiêu ngày nữa. Vừa đi tôi bứt cỏ dại ven đường, rồi ai cho gì thì ăn nấy. Lúc mệt quá thì nằm nghỉ. Về đến đây thì tôi đi vào làng và cứ lang thang mà chẳng biết mình đang ở quê...”, ông Nhường kể lại.
Cuộc sống khó khăn ngày trở vể

Từ ngày nhập ngũ cho tới ngày gia đình nhận được Bằng Tổ quốc ghi công và nhận được tiền hỗ trợ cho đến năm 2001, thì bố mẹ ông Nhường đã qua đời cũng vì thế mà ngày ông trở về phải ở với người anh, người em cho qua ngày đoạn tháng.
Dù được gia đình anh, em đưa về chăm sóc nhưng những ngày đầu ông Nhường vẫn giữ thói quen của một “người rừng” thực thụ: “Anh ấy thích ăn rau và không ăn được cá, thịt. Những ngày đầu anh ấy luôn ra ngoài bờ bụi hái các loại cây dại nhai ăn ngon lành. Thấy vậy mọi người cũng hái làm sạch rồi luộc cho ông ăn và ông vui lắm. Trong trí nhớ của ông bây giờ cũng không nhớ tên các anh em trong gia đình nữa. Trái lại anh tôi khi nào cũng nói chuyện một mình với những câu chuyện mà không ai hiểu” - ông Nguyễn Chánh An tâm sự về người anh trai của mình.
Từ ngày trở về, ông đi bốc than xỉ trong làng mưu sinh
Từ ngày trở về, ông đi bốc than xỉ trong làng mưu sinh
Theo gia đình anh em, thì từ ngày trở về ông đang cố nhớ những tháng ngày ăn rừng ngủ rú.
Theo gia đình anh em, thì từ ngày trở về ông đang cố nhớ những tháng ngày ăn rừng ngủ rú.
Đến thời điểm hiện tại trí nhớ của “liệt sĩ” vẫn rất mơ màng, lúc tỉnh lúc mê. Những tháng ngày được anh em chăm sóc, ông cũng đã khỏe hơn trước nhiều phần. Biết ăn thịt, ăn cá, ăn cơm như người bình thường. Tuy nhiên mỗi lúc trái gió trở trời vết thương cũ tái phát thì ông lại ngã bệnh đau ốm triền miên.
Thường ngày ông Nhường ra làm công việc vặt tại một lò đốt vôi ở địa phương để kiếm thêm thu nhập và tự trang trải cho cuộc sống của mình: “Gia đình các em cũng nghèo nên chúng cũng khó khăn. Tôi xin làm các việc vặt ở lò đốt vôi. Mỗi ngày người ta trả cho vài ba chục ngàn lấy đó mà sống qua ngày. Cũng là có việc làm để cho khuây khỏa chứ ở nhà một mình buồn lắm” ông Nhường chia sẻ.
Nhìn người lính già nhọc nhằn bốc từng gánh vôi để mưu sinh chúng tôi vô cùng xót xa. Chiến tranh đã cướp đi của ông tất cả, tuổi thanh xuân, sức khỏe. Suốt hàng chục năm trời người lính ấy phải tồn tại như “người rừng” ăn lá cây, uống nước suối để sống. Khi trở về những vết thương trên cơ thể còn chưa lành hẳn, tinh thần vẫn còn chưa tỉnh táo. Vậy mà ông vẫn phải lao động vất vả để tồn tại qua ngày. Gia đình cho biết đến thời điểm hiện tại khi “liệt sĩ” đã trở về quê hương được gần 1 năm mà vẫn chưa nhận được chế độ gì.
Phóng viên đã có buổi làm việc với ông ông Lê Văn Hưng xã đội trưởng Quỳnh Lâm về trường hợp “liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường. Ông Hưng cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin ông Nhường trở về chúng tôi cùng với UBND xã cũng đã trược tiếp xuống tận gia đình để thăm hỏi động viên sức khỏe đồng thời báo cáo sự việc lên Ban chỉ huy quân sự và Phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện để cắt chế độ hương khói và hướng dẫn gia đình làm các thủ tục cần thiết để ông Nhường được hưởng theo quy định của nhà nước”.
Ông ra đi khi mẹ còn khỏe, giờ ông về mẹ đã chết được hơn 20 năm.
Ông ra đi khi mẹ còn khỏe, giờ ông về mẹ đã chết được hơn 20 năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau gần 1 năm từ “cõi chết trở về”, ông Nguyễn Chánh Nhường vẫn chưa được hưởng bất kỳ chế độ nào. Trả lời vấn đề trên, ông Hưng cho biết thêm: “Phía Ban chỉ huy quân sự huyện cùng xã đã trực tiếp nhiều lần xuống tận gia đình hướng dẫn. Trường hợp của ông Nhường sẽ được hưởng chế độ theo Nghị định 142 và sẽ được truy lĩnh một lần. Nhưng phía gia đình mong muốn ông Nhường được nhận hỗ trợ theo chế độ hàng tháng. Vấn đề này chúng tôi cũng đã báo cáo lại cho huyện để có phương án cụ thể đối với trường hợp của ông Nhường”.
Thiếu tá Trần Văn Thư - cán bộ phụ trách chế độ chính sách Ban Chỉ huy quân sự huyện Quỳnh Lưu - cho biết: “Sau khi nhận được thông tin về ông Nhường chúng tôi đã nhiều lần cho cán bộ về trực tiếp gặp ông, gặp gia đình để thăm hỏi sức khỏe của ông ấy. Đồng thời xác minh và làm các thủ tục cần thiết để ông Nhường được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước. Theo Nghị định số 142/2008/QĐ-TTD thì trường hợp của ông Nhường theo như gia đình khai báo, có dưới 10 năm công tác trong quân đội thì sẽ được hưởng chế độ truy lĩnh 1 lần. Nhưng phía gia đình mong muốn được hỗ trợ cho ông Nhường theo chế độ hàng tháng nên chúng tôi cũng đang trong quá trình xem xét, xác minh cụ thể”.

Ông Nhường trong một lần đi bốc vôi cho anh em trong xóm làng.
Ông Nhường trong một lần đi bốc vôi cho anh em trong xóm làng.
Thiếu tá Trần Văn Thư cho biết thêm: “Trường hợp của ông Nguyễn Chánh Nhường cũng rất đặc biệt nên cần xem xét kỹ bởi hiện sức khỏe, trí nhớ của ông không còn được minh mẫn. Hoàn cảnh lại neo đơn vì vậy chúng tôi sẽ tạo điều kiện hỗ trợ trong phạm vi có thể để cuộc sống của đổng chí ổn định hơn trong thời gian tới”.
Ông Lê Đức Cường - Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu - chia sẻ cùng PV Dân trí: “Sau khi nhận được thông tin tôi cũng đã chỉ đạo anh em xác minh cụ thể, có chính sách hỗ trợ khẩn cấp trước mắt. Còn về chế độ, chính sách thì giao cho Ban chỉ huy quân sự huyện phối hợp cùng Phòng LĐTB&XH xác minh cụ thể, căn cứ các quy định hiện hành để có chế độ phù hợp cho đồng chí ấy”.
“Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước xem xét, hỗ trợ cho anh tôi có chế độ hàng tháng. Nếu lỡ sau này chúng tôi có mệnh hệ gì thì anh ấy đang còn có cái mà ăn uống, thuốc thang. Bây giờ anh ấy đau ốm thường xuyên, trí nhớ lại không còn được minh mẫn. Nếu anh ấy không có chế độ hỗ trợ nào thì cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn”, ông An em ông Nhường chia sẻ.


Nguyễn Phê - Nguyễn Tình

http://dantri.com.vn/su-kien/liet-si-tro-ve-sau-40-nam-song-an-dat-trong-rung-sau-1027433.htm




'Liệt sĩ' trở về sau hơn 40 năm trong cảnh đói, rách

09:04, 01/02/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong một trận càn quét, chiến đấu với địch, người lính ấy được đơn vị xác nhận trong giấy báo tử gửi về gia đình hy sinh trong chiến đấu. Sau hơn 40 năm kể từ ngày có giấy báo tử, người lính bỗng dưng trở về. Ông là Nguyễn Chánh Nhường trú tại xóm 21, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Hơn 40 năm “nằm lại” nơi chiến trường
Chiến tranh mang lại những sự mất mát và chia ly. Nó cũng chôn vùi biết bao mồ hôi, xương máu của người dân. Có người may mắn sống sót trở về, đoàn viên với gia đình, nhưng cũng có không ít người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, máu xương hòa vào lòng đất mẹ. Thế nhưng, câu chuyện trở về của “liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường sau hơn 40 năm “bặt vô âm tín” khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, xót thương.
Chúng tôi tìm về xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu để tìm hiểu thực hư câu chuyện. Hàng xóm thân thích với ông Nhường và chính quyền địa phương xác nhận, sự trở về sau hơn 40 năm của “liệt sĩ” Nhường là có thật. Ông Nguyễn Đình Hải, Trưởng Công an xã Quỳnh Lâm cho biết: “Chúng tôi cũng không thể tin ông Nhường sau bao nhiêu năm được công nhận là liệt sĩ lại trở về. Khi gia đình ông Nhường báo cáo nhân thân, đề nghị nhập khẩu, chúng tôi rất ngỡ ngàng. Thế nhưng, qua công tác xác minh, rà soát sổ sách, ông Nhường có bố mẹ là Nguyễn Chánh Lạc và Nguyễn Thị Tuệ (hiện nay đã mất) trước đây có tham gia kháng chiến chống Mỹ và có giấy báo tử về địa phương là có thật. Chúng tôi báo cáo sự việc lên cấp trên và đã tiến hành làm các thủ tục đăng ký hộ khẩu cho ông Nguyễn Chánh Nhường tại địa phương cư trú”.
Ông Phạm Long, em rể của “liệt sĩ” Nhường cũng cho biết: “Ngày biết tin anh Nhường hy sinh, cả gia đình vô cùng đau đớn. Nhà có 7 anh em (3 trai, 4 gái), anh Nhường là con thứ 3, kế trên là anh trai Nguyễn Chánh Nghiệm cũng từng là thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và trở về. Nhưng ngày đất nước thống nhất, bố mẹ, anh chị em vẫn không có tin tức gì về anh Nhường. Mãi sau này, gia đình nhận được giấy báo tử của đơn vị gửi về mới biết, anh Nhường đã hy sinh. Gia đình vẫn không biết anh hy sinh ở địa điểm nào, chỉ biết rằng, hơn 40 năm qua, anh tôi mãi “nằm lại” nơi chiến trường”.
“Liệt sĩ” trở về sau hơn 40 năm
Lúc chúng tôi hỏi nhà của “liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường, người dân ở xóm 21 vẫn chưa hết bàn tán xôn xao. Họ vô cùng ngỡ ngàng vì hơn 40 năm qua, “liệt sĩ” Nhường vẫn còn sống. Tìm gặp ông Nhường thì hàng xóm cho biết, “liệt sĩ” này đang ở nhờ nhà anh trai là Nguyễn Chánh Nghiệm. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông Nhường phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm cơm qua ngày. “Một buổi sáng đầu tháng 3/2014, anh em chúng tôi đang đóng gạch sỉ thì xuất hiện một người đàn ông ăn mặc xuềnh xoàng, dáng đi thất thểu, giống hệt người rừng. Khi nhìn kỹ mới biết đó là anh Nhường. Cả anh em, họ hàng khi đó vừa mừng, vừa xót thương vì sau bao năm báo tử, anh lại trở về”, ông Phạm Long cho biết.
“Liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường cầm trên tay giấy báo tử của mình
“Liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường cầm trên tay giấy báo tử của mình
Khi chúng tôi tìm đến gặp “liệt sĩ” Nhường thì ông không ở nhà mà đang đi làm cho một lò nung vôi sát thị trấn Cầu Giát. Trong bộ dạng thất thểu, phải động viên mãi, ông Nhường mới chậm rãi kể về hành trình trở về quê hương của mình. “Liệt sĩ” Nhường kể, khi đang cùng 6 đồng đội nằm trong hầm trú ẩn thì bị địch phát hiện và ném lựu đạn. Vì nằm ở cửa hầm nên ông bị thương nặng rồi bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy, ông thấy mình nằm trong rừng, các vết thương rỉ máu khắp người. Lúc đó, ông không nhớ mình đang ở địa điểm nào và vì sao lại bị “bỏ rơi” trong rừng. Không tìm ra phương hướng nên những ngày ở rừng, ông Nhường phải ăn lá cây, hoa quả trong rừng để sống. Càng đi mãi trong rừng để tìm đường về, ông Nhường lại càng lạc sâu hơn. Cũng từ đó, ông trở thành “người rừng” trong suốt hơn 40 năm qua.
“Tôi không nhớ suốt thời gian qua, tôi ở đâu cả, chỉ biết sống một mình trong rừng, ngày ngày ăn lá cây, hoa quả, tối thì leo lên cây cao để ngủ. Những thứ gì chim thú ăn được thì tôi cũng ăn. Có lúc muốn tìm đường để về nhưng đi suốt mấy tháng cũng chỉ quay lại vị trí cũ. Trời lạnh, tôi bóc vỏ cây quấn quanh người. Đêm nằm ngủ, tôi chiêm bao thấy có người nói, sáng mai cứ đi thẳng là tìm được đường về nhà. Tôi nghe theo và cứ đi mãi. Cũng chẳng nhớ là đi mấy tháng mới về tới nhà như bây giờ. Khi tôi đến được nhà dân, họ nhận ra giọng Nghệ An nên bắt xe cho về đây”, ông Nhường chậm rãi kể lại với chúng tôi.
Khi được xem các giấy tờ: Giấy báo tử, thẻ chứng nhận thân nhân liệt sĩ Nguyễn Chánh Nhường, chúng tôi được biết, ông sinh năm 1955 và nhập ngũ tháng 10/1972. Theo giấy báo tử số 28/VT của Bộ Chỉ huy Quân sự Nghệ An gửi về, đề ngày 25/6/1992, thông báo đồng chí Nguyễn Chánh Nhường hy sinh vào ngày 6/4/1973, tại mặt trận phía Nam. Giấy báo tử cũng chỉ ghi là liệt sĩ Nguyễn Chánh Nhường thuộc đơn vị Đ.22, cấp bậc: Hạ sĩ, chức vụ: Chiến sĩ; hy sinh trong trường hợp chiến đấu mất tin, phần ghi thi hài bị bỏ trống.
Hiện tại, sức khỏe của “liệt sĩ” Nhường không hoàn toàn bình thường. Người thân trong gia đình cho biết, ngày đầu mới về, ông Nhường không ăn được những thức ăn như cá, thịt. Không vợ con, trở về khi bố mẹ đã “khuất núi”, bản thân ông Nhường cũng đang phải tự kiếm ăn qua ngày bằng cách ai thuê gì làm nấy. Lúc trái gió trở trời, ông Nhường lại phải đối mặt với những cơn đau vì vết thương trong cơ thể do di chứng chiến tranh để lại.
Vì sao ông Nhường lại có thể sống được hàng chục năm trong rừng như vậy? Và, ông Nhường ở đơn vị nào, đồng đội của ông Nhường cũng như các cơ quan chức năng nói gì về trường hợp “liệt sĩ” bỗng dưng sống sót trở về sau hơn 40 năm? Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại câu chuyện này.

Ngọc Thái

http://congannghean.vn/phong-su/201502/liet-si-tro-ve-sau-hon-40-nam-trong-canh-doi-rach-584041/index.htm



---
Bổ sung 1 (3/2/2015): Bác Cạo tìm ra được nhiều liệt sĩ dạng này từ năm 2002.

http://nguoidongbang.blogspot.jp/2015/02/liet-si-nao-lo-oanh-my-tau-cam-qua-uoc.html?showComment=1422962069704#c456981967075699914

"Liệt sĩ" nào lỡ oánh Mỹ, Tàu, Cam quá đà được miễn truy cứu trách nhiệm"

Các công dân Việt Nam qua các thời kỳ oánh nhau với Mẽo, Tàu, Cam có giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công bị coi như đã hy sinh do mất tích, thất lạc đơn vị nay tìm về bản quán được miễn truy cứu trách nhiệm, kể cả mấy ông sợ chết, khổ quá, đào ngũ, bỏ ngủ, chiêu hồi sẽ được du di tha thứ tuốt, tất cả đều là nạn nhân chiến tranh. Vì Nhà nước không thể truy tố "liệt sĩ", cũng không sợ tố cáo vì hổng lẽ đồng đội cùng chia bùi xẻ ngọt, cùng oánh nhau với địch sứt đầu mẻ trán lại đi tố cáo đồng chí mình.

Thợ Cạo đùa thôi, chứ mỗi câu chuyện gắn với những mảnh đời xiêu bạt, đầy trắc ẩn mà người trong cuộc chưa thể kể hết. Nhiều người bị thương tật, mất trí nhớ sống lang bạt tha hương cầu thực nhưng trong tâm tưởng họ đều mòn mõi một ngày nào đó được quy cố hương thăm lại người thân như "lá rụng về cội". Cho dù nguyên nhân, động cơ gì mà thành "liệt sĩ" nhiều năm mới trở về thì họ đều đáng thương, đáng được nhà nước kịp thời giải quyết chính sách, xã hội quan tâm giúp đỡ để họ sớm hòa nhập cuộc sống cho những năm tháng còn lại cuối đời.
Mình nghĩ không ít trường hợp trở về trong lặng lẽ và còn nhiều người khác vì một lý do sâu kín nào đó đành chôn thân nơi đất khách quê người...

Một số trường hợp "liệt sĩ" trở về được báo chí ghi nhận thời gian qua:

2002 - “Liệt sĩ” Lê Khắc Hơng chiến trường Miền Nam quê Thái Nguyên sau 27 năm
Tức Lê Khắc Hưng, bị thương... lấy vợ ở Cần Thơ.
2004 - “Liệt sĩ” Đào Văn Hùng chiến trường Campuchia quê Bến Tre sau 17 năm
Đánh nhau ở biên giới CPC - TL, bị Thái bắt thả, lấy vợ có 3 con ở Battambang, nhập quốc tịch CPC.

2006 -  “Liệt sĩ” Lê Văn Bắc chiến trường Campuchia quê Quảng Ninh sau 38 năm
Tức Lê Văn Róc bị quân Lon Nol bắt thả, có vợ 6 con, làm thuê ở An Giang, Long An


2009 -  Liệt sĩ” Lê Văn Luận chiến trường Campuchia quê Hưng Yên sau 29 năm 
Bán nước mía, có vợ ở Siêm Riệp, Campuchia 

2010 -  Liệt sĩ” Ngô Văn Bính chiến trường Campuchia quê Nghệ An sau 30 năm
ông này có vợ và 4 con ở An Giang.

2010 - "Liệt sĩ" Lò Văn Cân chiến trường Lào quê Thanh Hóa sau 40 năm
Lấy vợ Lào có 3 con sống nghèo khổ ở tỉnh Salavan

2010 - "Liệt sĩ” Hoàng Văn Hùng chiến trường Campuchia quê Thanh Hóa sau 36 năm
Lấy vợ có 4 con ở Đồng Tháp

2011 - “Liệt sĩ” Lê Xuân Hào chiến trường Campuchia quê Hà Nội sau 28 năm
Tức Chea Hay có vợ Campuchia và 4 con ở Pursat, đánh cá ở Biển Hồ, CPC.

2011 - “Liệt sĩ” Phạm Tuấn Hanh chiến trường Đông Nam Bộ quê Hải Dương sau 36 năm
Tức ông Ba Bắc Kỳ lang bạc làm thuê khắp các tỉnh Miền Tây, không vợ con.

2011 - “Liệt sĩ” Nguyễn Thị Ngọ chiến trường Miền Nam quê Quảng Nam sau 45 năm.
Tức Đặng Thị Bích Ngọc, bà bị thương ra Bắc an dưỡng, sau 1975 công tác ngành y tế ở Tiền Giang.

2012 - “Liệt sĩ” Phạm Văn Hai chiến trường Miền Nam quê Quảng Nam sau 37 năm
Bị thương rồi lấy vợ có con, ở cách quê nhà chưa đầy 60 km.

2013 - “Liệt sĩ” Phạm Văn Được chiến trường Campuchia quê Hải Phòng sau 40 năm
Tức Phan Hữu Lợi lang bạc làm thuê kiếm sống ở Campuchia và Tây Ninh... không vợ con. Ông này có số đỏ, khi trở về được hổ trợ ưu ái nhất do lý lịch nhân thân tốt.

2013 - “Liệt sĩ” Nguyễn Viết Thuấn chiến trường Miền Nam trở về Hà Nội sau 38 năm
Theo nhà ngoại cảm, gia đình bốc nhầm hài cốt của người khác, ông này có vợ con ở An Giang.

2014 - “Liệt sĩ” Nguyễn Đình Dầu chiến trường Campuchia trở về Hưng Yên sau 35 năm
Có vợ 3 con ở An Giang.

2014 - “Liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường chiến trường Miền Nam trở về Nghệ An sau 40 năm
Mất trí nhớ, lưu lạc ở đâu không rõ, không vợ con.

Xem thêm: "Biệt tích" 41 năm vì giận vợ 

Chắc chắc là còn thiếu sót, nếu bạn biết thêm trường hợp nào khác, xin đóng góp link để cùng chia sẻ cùng.


Theo  Đại tá Nguyễn Hùng Phong, Phó chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam 
- Việc đầu tiên phải làm là công nhận những “liệt sĩ” trở về còn sống bằng cách hủy giấy báo tử, thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công đã cấp, kịp thời giúp đỡ họ về vật chất và tinh thần để hòa nhập với cuộc sống hiện tại. Đồng thời, cần tìm hiểu nguyên nhân mất liên lạc.Trong thời gian mất liên lạc, người “liệt sĩ” ấy sống ở đâu? làm gì?... Sau khi đã hoàn thành quá trình xem xét xác minh, các cơ quan chức năng có thẩm quyền tạo điều kiện làm thủ tục công nhận “liệt sĩ” trở về là người còn sống; giúp họ nhanh chóng được hưởng các quyền và nghĩa vụ của công dân theo đúng quy định của pháp luật.

             11 loại công văn, biên bản giải quyết chế độ của ông Phan Hữu Được.

0 Response to "Di chứng chiến tranh : Những liệt sĩ bỗng trở về nhà "

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn