Nhìn chung, mình không có mấy hứng thú với thư pháp Hán Nôm của người Việt tính từ sau năm 1954. Chỉ có hứng thú với thư pháp từ đó trở về trước. Đây là sở thích cá nhân.
Đọc tạm một bài viết về cụ Bách.
06/02/2015 09:44 GMT+7
Đại thư pháp gia nói về bán chữ và bút láo
Những ai yêu thư pháp ở nước ta hẳn không xa lạ với cái tên Nguyễn Văn Bách. Không biết từ bao giờ thiên hạ đã ngầm đưa cụ vào danh sách tứ đại thư pháp gia Việt Nam cùng với những tên tuổi: Lại Cao Nguyên, Lê Xuân Hòa, Cung Khắc Lược. Nhưng cụ Nguyễn Văn Bách lại không nhận danh hiệu ấy: “Tôi chỉ là anh thợ viết thôi”.
Cụ Nguyễn Văn Bách |
Có lẽ cụ Bách là thư pháp gia lớn tuổi nhất hiện nay ở Việt Nam. Cụ đã bước vào tuổi 90, mắt mờ, chân chậm, tai kém thính nhưng trí óc vẫn minh mẫn, nét bút vẫn chắc và bay. Phòng ngủ của cụ cũng chính là phòng văn, giá sách đóng trên giường, bước khỏi giường tới ngay chiếc bàn làm việc, như bàn học của học trò. Chẳng ai ngờ một không gian khép kín không có chỗ cho “sương thu một đóa, trăng tà nửa hiên” lại chính là nơi đại thư pháp gia luyện bút và hạ sinh những tác phẩm lưu danh.
Cụ nói vui: “Xó nào chẳng có chữ của tôi”. Nói đùa mà thật. Từ những nơi cao sang như Văn Miếu, thủ bút Nguyễn Văn Bách đã đi vào lịch sử với ba chữ “Văn Miếu Môn” ở cổng tam quan, một số câu đối trong nhà bia, bức hoành phi câu đối trong nhà Thái Học. Để viết được ba chữ “Văn Miếu Môn” lưu danh ấy cụ đã phải dùng tấm vải to bó lại, buộc vào cán tre, làm thành chiếc bút lớn, nhúng mực rồi viết. Ngoài chữ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, cụ còn có chữ trên tháp Hòa Phong (Hồ Hoàn Kiếm), cổng thành Hà Nội, chữ ở đền Cổ Loa, đền Lệ Mật, 17 câu đối ở đền Hùng. Cụ cũng chính là người viết trọn 1.351 chữ trong Bình Ngô Đại Cáo nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, viết Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn nhân dịp kỷ niệm 700 năm chiến thắng Nguyên Mông lần thứ ba. Trong kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cụ được chọn viết “Thiên đô chiếu” ròng rã suốt ba tháng trời. Đến thăm cụ, cụ lại khoe mới viết chữ ở đền thờ hoàng đế Quang Trung do Ban quản lý dự án công viên Đống Đa (Hà Nội) đặt. Càng gần tết cụ càng tất bật, vừa viết theo đặt hàng, vừa viết tặng người thân, bè bạn. Cụ bảo: “Viết chữ giúp tôi sảng khoái lắm, cứ nằm ì tôi không chịu được. Có việc làm thấy khỏe khoắn hẳn”.
90 tuổi vẫn kiếm trăm triệu đồng
Chưa có mùa xuân nào cụ Bách bày “giấy tàu, mực đỏ” ở Văn Miếu, nhưng không vì thế mà “mực đọng trong nghiên sầu”. Người đến xin chữ cụ rả rích quanh năm, trong số đó có cả những quan chức lớn của thành phố và trung ương. Nhà cụ nằm trong ngõ nhỏ cách hiệu kem Tràng Tiền không xa, trước cửa nhà đề biển tên cụ khá to, từ đó có thể ngầm thấy “thương hiệu” Nguyễn Văn Bách vẫn đầy sức cạnh tranh, dù thư pháp gia thời nay phát triển nhanh chóng về lượng.
Cụ Nguyễn Văn Bách sinh ra trong một gia đình cha làm thuốc, giỏi chữ nho ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Cụ được cha truyền nghề từ nhỏ. Sự nghiêm khắc của người cha cùng năng khiếu và sự khổ luyện của bản thân, đã giúp cụ thành danh. Vốn là giảng viên của Viện Đông y ngày trước nhưng do đông con, kinh tế hạn hẹp, viết chữ thuê cũng là cách giúp cụ cải thiện đời sống: “Lương bấy giờ chỉ 8, 9 chục đồng thôi, nên phải làm thuê mới có. Tôi nhớ chữ viết ở Văn Miếu, cứ một chữ to được hai đồng, ba chữ to được sáu đồng, mỗi chữ con được một hào. Tôi cứ thường xuyên viết như thế, cứ tính chữ lấy tiền”.
Có lẽ tôi đã may mắn được gặp thư pháp gia nổi tiếng khi cụ ở tuổi “gần đất xa trời”. Cụ hồn nhiên, thành thật kể chuyện, không màu mè, không che đậy. Lấy ra một xấp phong bì, cụ khoe: “Toàn phong bì tiền đấy”. Và khiến người nghe ngạc nhiên khi cụ bật mí: “Một tháng lương hưu tôi chỉ được sáu triệu đồng nhưng tôi viết thêm được vài chục triệu đồng nữa”. Những năm vừa qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu không tác động nhiều đến đời sống của thư pháp gia: “Xu hướng bây giờ người ta thích chơi chữ. Năm ngoái tôi chi tiêu đi rồi còn hai trăm triệu đồng, năm nay được ít hơn, chi tiêu đi rồi, còn trăm rưỡi triệu đồng. Đông nhất là hồi ngàn năm Thăng Long”. Bình thường cụ lấy một triệu một câu đối, cũng còn tùy độ to, nhỏ: “Hôm nọ tôi viết bốn chữ cho đền Triều Khúc, viết cho thợ đục, được hai triệu đồng. Ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn, thuê viết cho Bảo tàng văn học, viết những bài thơ cổ, khoảng mười mấy tấm gì đó, được hai mươi triệu đồng”. Tuy vậy cụ không đặt nặng vấn đề tiền: “Người quen biết muốn đưa cho tôi bao nhiêu thì đưa, cũng có người tôi viết tặng”.
Thư pháp gia thì ít, bút báo thì nhiều
Cứ khỏe và rảnh cụ Bách lại luyện chữ, bao năm qua vẫn miệt mài như vậy. Làm thế nào để trở thành thư pháp gia giỏi? Tôi hỏi cụ. Chẳng ngờ, nhận được câu trả lời: “Tôi thấy chưa mấy ai được gọi là thư pháp gia giỏi cả. Riêng tôi, tôi chưa dám nhận, dù chỗ nào cũng có chữ của tôi nhưng tôi chỉ là anh thợ viết chứ chưa giỏi. Giỏi phải cỡ như Tô Đông Pha, Vương Hi Chi (những nhà thư pháp nổi tiếng của Trung Quốc thời trước-PV). Mỗi thời đại cùng lắm chỉ có một, hai người giỏi song lại rất nhiều bút láo”.
Không khỏi chạnh buồn cụ kể: “Có ông cầm cái bút còn run mà còn đến dọa tôi nữa. Tìm thư pháp gia giỏi khó lắm, nó như đánh cờ vậy”. Thư pháp gia hạ bút được một chữ ưng cũng vất vả chẳng kém gì nhà văn, nhà thơ thai nghén một tác phẩm ấn tượng: “Có những chữ cảm hứng tôi viết ròng cả năm. Viết không ưng lại vứt tung, thậm chí xé cả đi”. Có những chữ xem lại cụ ngỡ như không phải chữ của mình: “Khi trong lòng phấn khởi, mọi nheo nhách không còn, tinh thần phóng khoáng, thì sẽ ra chữ đẹp”. Rồi cụ quay sang giá sách trên tường: “Bây giờ tôi không đọc được sách nữa, mệt quá rồi, chữ nào cần thì bỏ ra tra thôi. Tiếc tuổi trẻ quá, những ngày nào của tuổi trẻ ta đã bỏ rơi thật là lãng phí”
Box: “Đồ nghề” của “đại thư pháp gia” gồm giấy, bút, mực và đầu tư không quá tốn kém. Đắt nhất trong hệ thống bút lông cụ treo trên tường là chiếc bút trị giá 2,1 triệu đồng, chiếc bình thường chỉ 5, 6 trăm ngàn đồng, có chiếc chỉ trăm ngàn đồng. Tất cả đồ nghệ cụ đều mua tại Hà Nội, không có gì cao sang, cầu kỳ hay khác biệt so với những thư pháp gia khác. Một trong những nguyên nhân khiến chữ của cụ Bách được nhiều người tìm đến bởi chúng gợi sự hoài cổ. Nhìn những chữ cụ viết ở Văn Miếu khiến nhiều người trầm trồ tưởng những con chữ ấy đã được viết ra từ vài trăm năm trước.
(Theo Nông Hồng Diệu/Tiền Phong)
0 Response to "Cụ Bách và thư pháp Việt đương đại"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn