Nhớ và ghi xuống kiểu Toan Ánh
Có bạn bảo: nhiều khi ranh giới giữa tướng quân và tướng cướp, không ngờ, là không bao xa.
Dị bản của thần tích thành hoàng làng Ném đã được tôi "chợt nhớ đến" vào ngày cuối tháng 1 năm 2015 (vì đã có "duyên xa tít" với cụ Toan Ánh trong một sự kiện cách nay khoảng 15 năm).
Thời đầu những năm 1990, còn mê mẩn với quan họ, nên chúng tôi (thường là một thày và một trò sinh viên) hay du lãng quanh các làng khu vực Lim, Ó, Diềm, Báng, Ném,... Xe máy 50 phân khối được mang về từ Căm Bốt. Thi thoảng phải đẩy nổ. Và hay dừng lại trên đường để hút thuốc xanh (nhãn thuốc ấy bây giờ cũng đã quên tịt, vì sau đó thì Vinataba chiếm mất chỗ - à, tựa như là "sâu-vơ-nia" theo lối phát âm thời đó).
Lúc ấy, lễ hội xứ Kinh Bắc kèm "hủ tục" và không kèm "hủ tục" về cơ bản vẫn nằm im lìm, không động đậy (cũng có chỗ đã quẫy quẫy sau khi Hợp tác xã Nông nghiệp đã chính thức bị giải thể). Riêng Bà chúa Kho thì đã bắt đầu có thêm nhà để xe, mà trông xe là tổ các cụ trong làng phân công nhau. Anh hùng Nguyễn Đức Thìn sau những hồi kể chuyện làng Báng ở chỗ dự định sẽ thành đền Lí Bát đế thì đưa về nhà ông - một cửa hàng chuyên phô-tô. Một người tài hoa kì lạ (ông bị mất tự do ở hai tay, nhưng chụp ảnh máy cơ rất thiện nghệ). Ông bảo: bao giờ đền Lí Bát đế khánh thành, thì khu này mới hưng vượng được.
Hồi đấy, hội Lim còn đang gay go, bởi đất làng Lim còn đang tranh giành giữa dân làng với phòng lương thực của huyện. Để đòi đất, các cụ trương biển lớn, đọc kĩ chút thì là trích dẫn lời phát biểu của Tổng Thư kí Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc. Đại khái là thế này với thế này. Máy ảnh hồi đấy tậm tịt lắm, nên cái biển ấy, hiện giờ còn chưa tìm ra ảnh để gửi tặng bác Quốc (hồi cuối năm 1999, lúc gặp bác ở Minh Trị đại học, mình kể chuyện này, bác chỉ cười rồi bảo: được các cụ quí). Bẵng cái, đến tận giờ, bác vẫn ở nguyên vị trí Tổng Thư kí. Từ cái vụ đòi đất làng Lim đến giờ đã khoảng 20 năm.
Kể lại chuyện này, bằng trải nghiệm cá nhân của những lần qua Ném thời trước năm 1999, để thấy, hồi đó, tịnh không có chuyện Cụ Ỉn hay Cụ Hợi gì hết. Tiếc là lúc ấy không sẵn phim để chụp cảnh ngôi đình.
Sau khi tôi chợt nhớ ra dị bản của thần tích làng Ném, thì ngày 1/2/2015, bác Phạm Ngọc Hiệp đã bổ sung đầy đủ ở đây. Tựa như, dị bản này sẽ đem đến một "sinh khí" mới cho thảo luận chém hay không chém !
Dưới đây thì nghe lời tâm sự của nhà toán học Vũ Văn Hà về chuyện thương Cụ Ỉn của trời Tây. Trước khi đọc, kể ngang một chuyện về anh Hà. Là hồi khoảng 1999 hay 2000 gì đó, nhân công việc, hay gặp bác Vũ Quần Phương. Một lần, bác kể (mà nhiều người nghe, chứ không phải chỉ mình): bác sang chỗ con học, vô ý ném rác giữa đường. Quen tay mà. Bị con khiển trách. Nhà thơ liền định nhặt rác lên. Thì "ông con" bảo: thôi bố, lỡ vứt rồi, còn nhặt làm gì.
Chuyện nhà thơ Vũ Quần Phương kể được đài truyền hình quốc gia ghi hình (không biết có phát không).
Dông dài chút, để thấy Việt Nam đã thay đổi nhiều từ khoảng 1995 đến nay. Bây giờ là thời đại các Cụ Ỉn bị ai-phôn và ai-pát làm khổ, như Vũ Văn Hà viết ở dưới.
Từ đây trở xuống là của Vũ Văn Hà (chép nguyên về từ blog của anh)
Nguyên chú của báo Dân Trí: "Những thế hệ tương lại của Ném Thượng sẽ tiếp nối những truyền thống của cha ông" |
---
Tháng Hai 2, 2015
Chém đây là chém lợn, một chủ đề nóng hổi đã lên đến tận quốc hội. Việc đã lên đến chốn ấy, ắt phải quan trọng kinh.
Số là làng Ném Thuợng ở Bắc Ninh có một tập tục lâu đời là đầu năm các cụ đem một chú lợn béo ra chém làm hai. Lợn dĩ nhiên chết, sau đó sẽ thành chả nem như tất cả các lợn khác. Ai đó quay video bỏ lên mạng, máu me rùng rợn, trẻ con người lớn đều không nên xem. Nghe nói có một uỷ ban ở tận bên Tây đã đề nghị rằng các cụ Bắc Ninh không được làm như thế nữa.
Việc các tập tục ở làng quê bị lên báo dưới sự soi xét của các học giả văn minh chẳng phải bây giờ mới bắt đầu. Ví dụ, trong những năm 30-40 của thế kỷ trước, cụ Ngô Tất Tố đã có nhiều bài về những việc này.
Làng ở Việt Nam, nhất là đồng bằng Bắc bộ, oai nhất là ông thành hoàng. Trong mắt người nông dân, ông thành hoàng là một biểu tượng tâm linh, che chở cho cả làng. Các nghi thức cúng tế trong làng, liên quan đến ông rất nhiều. Ở nước Nam ta, lệnh vua cũng thua lệ làng, đủ biết các nghi thức này quan trọng đến đời sống dân làng thế nào.
Các nghi thức này có chỗ hay là chẳng đâu giống đâu, vì nghi thức làng nào phụ thuộc vào cái thành phần xuất thân của thành hoàng làng đó. Mà cái thành phần này thì vô cùng đa dạng, nên lễ nghi cũng nhiều chỗ oái oăm.
Nếu tôi nhớ không nhầm, cụ Tố viết một phóng sự về chuyện cụ đi qua một làng, bỗng tiếng kêu trộm nổi lên rầm rĩ, rồi một đoàn người khí thế, đèn đuốc sáng trưng, đuổi theo một bóng đen ôm một cái hộp, tiếng hô tiếng mõ vang một góc trời. Trộm mà bị cả làng ra đuổi, phen này chết chắc.
Nhưng anh trộm này, chạy đi đâu không chạy, lại chạy thẳng ra đình. Người làng cũng chạy hết ra đình. Cụ Tố ra đến nơi thì chẳng thấy trộm đâu hết, chỉ thấy cả làng hỉ hả, nét mặt vui mừng.
Thì ra thành hoàng làng là một anh trộm. Anh đến làng ăn trộm bị chết, nhưng lại chết vào giờ thiêng. Thế nào là thiêng thì chịu, nhưng làng phong anh làm thành hoàng. Từ đó cứ đến ngày, cả làng diễn lại tích anh bị đuổi, với một cụ tiên chỉ đóng vai thành hoàng. Cụ chạy được ra đình đúng vào giờ thiêng thì cả năm mưa thuận gió hoà, làm ăn phát đạt. Những tập tục đó, bây giờ không biết còn được bao nhiêu.
Bây giờ quay lại Ném Thượng. Cụ thành hoàng ở Ném Thuợng oai phong, chính là Đoàn Thượng tướng quân đời nhà Lý. Tục chém lợn bắt đầu từ sự tích cụ đóng quân ở làng, thiếu lương nên chém lợn rừng để khao quân. (Cụ Đoàn Thượng này báo không viết rõ, nhưng nếu là Đoàn Thượng thời cuối Lý đầu Trần, thì lai lịch cụ rất lớn, chẳng phải người thường.)
Uỷ ban ở bên Tây bảo vệ động vật đề nghị không được chém chú lợn như thế, thì cũng có lý, nhưng uỷ ban này chuyên bảo vệ động vật thôi, nên chắc chưa nghiên cứu quan tâm nhiều đến nông dân Việt Nam.
Sự việc ầm ĩ lên, người chém cũng nhiều mà không chém cũng chả ít. Bên chém lý luận rằng là ngày nào các bạn cũng chén thịt, chẳng lợn thì bò gà, không kho thì rán, thế mà chẳng dã man à. Chưa nói đến các bạn Nhật bản còn ăn sống nuốt tươi. Bên không chém, hoặc là chuyển sang ăn chay, ít nhất tạm thời, hoặc bảo là, lợn bò gà nuôi thịt, nó khác, không bị giết một cách man rợ thế. Các bậc nhà báo, tiến sĩ, giáo sư, đại biểu quốc hội, đều vào cuộc, xôn xao.
Nhân vật quan trọng nhất không được hỏi ý kiến, chính là các chú ỉn. Chẳng biết uỷ ban bên Tây thấy thế nào, chứ mình thấy bên Tây gia súc có thể bị thịt một cách êm thấm hơn chú ỉn ở Bắc Ninh, nhưng mà chúng đã sống khổ hơn rất nhiều. Anh ỉn ở Bắc Ninh là hàng tuyển, được gọi một cách tôn kính là Ông Ỉn, nhà nào mát tay, hợp tuổi mới được nuôi, được ăn đồ organic, tắm rửa thường xuyên, vỗ béo vài năm rồi mới thành chả nem. Còn lợn bán hàng ngày ở siêu thị Mỹ, phần lớn từ lúc đẻ ra đến khi thành chả nem (mà thường là cũng không ngon lắm), chưa bao giờ nhìn thấy ánh nắng mặt trời cả. Có một phim tài liệu về nuôi gà, họ quay cảnh gà công nghiệp bị nhốt chen chúc trong chuồng, tới mức có những con cho tới lúc lên đĩa chưa bao giờ được đặt chân xuống đất ! Rất nhiều bạn tôi xem xong phim đã bỏ ăn thịt gà tới cả tháng (sau đó ăn tiếp). Nếu được có ý kiến, dám chắc tất cả bọn lợn nuôi ở Mỹ sẽ tranh nhau sang Bắc Ninh xin làm ông ỉn hết.
Một thành phần nữa cũng ít được hỏi đến, là các cụ ở Ném Thượng. Lệnh uỷ ban ban xuống, là các cụ không được chém thế nữa, nên mấy năm nay, hội cũng ít đông. Các cụ thủ đao chỉ biết ngồi buồn, trách móc anh Steve Jobs tự dưng nghĩ ra cái iphone, làm các cụ phải lên mạng. Người làng phần lớn muốn giữ hội của họ, nhưng việc đã to lên tận quốc hội, sang tận bên Tây, thì không phải đùa. Nan giải !
Giá mà thoả thuận được với các bên liên quan (ủy ban bên Tây, quốc hội, các cụ Ném Thượng và các anh lợn), xin đề nghị một giải pháp sau. Ta sẽ rèn và lắp cho ông ỉn một bộ răng nanh như lợn rừng, và cụ thủ đao sẽ chiến đấu với ông như ngày nào Đoàn tướng quân đã làm, dưới sự giám sát của tổ trọng tài quốc tế. Chẳng những lịch sử hào hùng được diễn lại, việc này còn có 3 tác dụng:
(1) Lượng khách du lịch chắc chắn tăng gấp 5. Không khéo làng sẽ thành điểm cần phải đến của các tour xuyên Việt.
(2) Ỉn sẽ đứng trước một cơ hội lớn.
(3) Cụ thủ đao và thanh niên trong làng có cơ hội rèn luyện võ nghệ thể lực, ở mức dù nếu chưa đặt chuẩn của Đoàn tướng quân, thì cũng có thể chạy thật nhanh.
https://vuhavan.wordpress.com/2015/02/02/chem-hay-khong-chem/
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Sau dị bản của thần tích thành hoàng (tướng quân hay tướng cướp), là thương đến Cụ Ỉn ở trời Tây
- Chém lợn ở Bắc Ninh : thành hoàng là tướng cướp, hay là tướng quân ?
- Học giả McCarthy góp bàn về lễ hội chém lợn : đó là chém cha loài người !
- Chém lợn ở Bắc Ninh làm sáng rõ hơn một quan điểm đã phát biểu từ 2011 và 2012
0 Response to "Sau dị bản của thần tích thành hoàng (tướng quân và tướng cướp), là thương đến Cụ Ỉn ở trời Tây"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn