"Công nghệ" làm rởm gà ta

Gà mía Trung Quốc có thể bị tiêm thuốc để chống chết trước khi đưa về Việt Nam nên ăn rất độc. Nhiều con thuốc chưa "tiêu" hết nên vẫn còn thâm đen trên thịt, và rất khó phân biệt gà mía với gà ta.

Tại các chợ, các quầy bán thịt gà hiếm khi nào người bán nói cho người tiêu dùng biết đâu là gá mía, đâu là gà ta. Trên thực tế, giá gà mía (mía rởm) rẻ hơn rất nhiều so với gà ta. Vì những lợi nhuận và sự nhập nhèm rất khó phân biệt nên người bán cứ vô tư biến gà mía thành gà ta.

Nhập nhèm vì rất khó phân biệt

Tại chợ đầu mối Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội), chị Hà, bán buôn gà buổi sáng sớm cho biết: Có nhiều loại gà mía, nguồn nhập gà cũng từ nhiều nơi khác nhau, trong đó chủ yếu là từ Đông Anh và một phần từ Trung Quốc nhập về chợ gà Hà Vĩ (xã Lê Lợi - huyện Thường Tín). Từ chợ Hà Vĩ, gà được thịt rồi chuyển đi phân phối khắp thị trường Hà Nội.

Theo chị Hà, gà mía Trung Quốc có thể bị tiêm thuốc để chống chết trước khi đưa về Việt Nam nên ăn rất độc. Nhiều con thuốc chưa "tiêu" hết nên vẫn còn thâm đen trên thịt. Chúng tôi gặng hỏi loại thuốc đó là gì nhưng chị Hà lắc đầu: "Đó là nghe nói tiêm thuốc chứ thuốc gì làm sao tôi biết".

Chị Hà giải thích, gà mía bị làm rởm thành gà ta là gà già, hết khả năng đẻ trứng được thải ra từ các khu chăn nuôi lớn. Đây là nguồn gà rất sẵn nên giá thấp hơn gà ta khoảng vài chục nghìn đồng/kg. Đánh vào tâm lý và thói quen chọn gà ta đó là: Gà bé, trọng lượng thường từ 1,2 - 1,5kg nên thương lái chỉ chọn những con gà già có kích cỡ đúng như vậy. Thực tế, nhiều giống gà ta bây giờ có trọng lượng rất lớn và vẫn được các lái buôn gọi là "gà ta lái".

Gà mía đẻ nhiều nên da giòn, thịt dai nhưng không ngọt đậm đà như gà ta. Vì dai thịt, trọng lượng lại bé rất giống với đặc điểm con gà ta "xịn" nên lái buôn gà cứ nhập nhèm lẫn lộn để đánh lừa người tiêu dùng. Tất nhiên, đây là "gà mía" theo cách gọi của các lái buôn chứ không phải gà mía Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội).

Anh Nam người buôn gà công nghiệp từ Hà Vĩ về chợ đầu mối Đền Lừ cho biết: "Không những khó phân biệt gà mía và gà ta khi đã làm thịt, ngay cả gà lông người mua cũng có thể bị lừa. Chủ hàng nhập những con gà ta lai, gà tam hoàng còi, chậm lớn giống gà ta xịn để bán thành gà ta xịn. Lúc đã thịt thì chỉ có những người trong nghề mới có thể phân biệt được".

"Nhận dạng" gà ta

Theo chị Hà, người mua gà có thể phân biệt gà mía Trung Quốc và gà mía Việt Nam bị làm rởm thành gà ta khi đã làm thịt với mấy điểm: Gà mía Đông Anh có mào hồng, da trắng, mình dài. Phần cuối mình thuôn gọn, thịt trắng. Còn gà Trung Quốc mào trắng thậm chí thâm, phần cuối mình vuông. Có những con gà có thể thấy phần cánh có màu thâm vì thuốc tiêm vào vẫn chưa tan hết.

Khi hỏi làm thế nào để phân biệt gà mía và gà ta, chị Hà chỉ biết lắc đầu: "Cái này thì khó lắm, quan trọng là ở cái tâm người bán hàng. Gà lông thì phân biệt dễ dàng vì gà mía là gà già lại nuôi nhốt lâu trong chuồng để lấy trứng nên lông xù xì, màu nâu, trọng lượng tương đối. Gà ta lông vàng óng mượt, mào đỏ nhìn là thấy sự khác nhau rõ ràng. Hàng bán buôn nên chúng tôi không nói dối là gà ta nhưng người bán lẻ thì dễ dàng nói gà mía thành gà ta lắm vì rất khó để phân biệt".


Gà mía lông chính gốc đặc trưng là lông màu trắng ngà. Khi trưởng thành gà trống có lông màu đỏ đen sáng ánh, gà mái có màu chuối khô. Có thể chọn gà ta ngon khi sống như lông phải bông, mắt sáng, rốn kín, bụng nhẹ, chân bóng không có lõm tròn. Khi làm thịt phải có ít mỡ dưới da, lườn dầy, da bóng. Cảm giác khi tay cầm vào con gà phải đanh chắc, thịt không mềm, không có nước.

Với thị trường gà thịt hiện nay, ông Nguyễn Lê Ngà, cán bộ chốt kiểm dịch tại chợ gà Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) đã thẳng thắn nói rằng: "Muốn thông thái đâu có dễ".

Nhận diện gà mía "rởm"

Chúng tôi có mặt tại chợ gà Hà Vĩ chợ gà lớn nhất miền Bắc vào chiều ngày 03/03. Dù là buổi chiều nhưng cảnh mua bán gà vịt tại chợ vẫn tấp nập. Gà lông là mặt hàng chính của chợ đầu mối gia cầm này. Khác với sự nhập nhèm như gà thịt ở phía ngoài, trong chợ Hà Vĩ, gà mía, gà ta, gà tam hoàng... được người bán giới thiệu rõ ràng.
Cũng có thể là cái bề ngoài của mỗi loại gà trông rất khác nhau nên sự rõ ràng là đương nhiên. Chỉ vào lồng gà với hàng trăm con, một lái buôn gà mía tại chợ này cho biết: Gà mía lông nâu đỏ và "phờ phạc", thân mình bé. Còn gà ta lông màu vàng mượt mà, nhanh nhẹn, thân hình cũng lớn hơn gà mía rất nhiều. Một đặc điểm nữa là gà mía do đã thải ra sau khi... hết "date" nên lỗ hậu môn to.

Theo ông Nguyễn Lê Ngà, gà mái da trắng, mỏng và trong. Thân hình tròn dù là gà mái nhưng mào dài như gà trống vì là giống đẻ trứng. Gà ta thân dài, da màu vàng, chân gà ta cũng dài hơn gà mía, lườn gà ta nhọn, thịt chắc. Ông Ngà cũng thừa nhận là rất khó để phân biệt, trước đây gà mía hầu hết đều có nguồn gốc từ các công ty liên doanh, các trang trại lớn trên 100% gà đều bị cắt mỏ nên gà ta và gà mía cứ nhìn mỏ là biết. Mấy năm gần đây, các hộ gia đình nuôi nhiều và họ cũng không cắt mỏ, đặc điểm khác biệt đó cũng chẳng còn nên người tiêu dùng khó mà phân biệt kể cả những người thường xuyên tiếp xúc với gà như ông Ngà.

Gà đã thịt, người bán cũng chịu

Để được tư vấn chính xác, ông Ngà đã giới thiệu tôi tìm gặp anh Nguyễn Văn Hưng, một người vừa buôn bán, vừa giết mổ, vừa là thành viên ban quản lý chợ. Ông Ngà tin chắc anh Hưng sẽ là người biết rõ. Tuy nhiên, vẫn câu hỏi "gà ta gà mía khác nhau thế nào khi đã thịt rồi" anh Hưng chỉ còn biết gãi đầu. Anh chỉ có thể đưa ra một cách phân biệt: Gà ta thường có trọng lượng lớn hơn vì bây giờ hầu hết là gà ta lai, gà mía có trọng lượng nhỏ.

Cũng theo ông Ngà, hiện nay có rất nhiều nguồn hàng gà mía khác nhau được nhập về Hà vĩ. "Ngoài các nguồn như các trang trại ở Đông Anh, Hà Nam hay các công ty liên doanh thì từ Trung Quốc cũng không loại trừ", ông Ngà khẳng định. Trước đây đã nhiều lần chốt kiểm dịch bắt được các chuyến hàng gà lậu Trung Quốc về và xử lý. Nhưng điểm khó khăn của chốt kiểm dịch là chợ nằm trên trục đường lại giữa đồng không mông quạnh nên việc kiểm soát rất khó.Bên cạnh đó, khi bắt dừng xe kiểm tra cần có đầy đủ các ban ngành như công an, thú y... mới kiểm soát được. Trong các trường hợp người buôn gà chỉ chở vài ba con một lần hay buổi tối đi giữa cánh đồng hoặc đưa về tận nhà người đặt hàng thì kiểm dịch cũng... bó tay. May ra khi chợ mới xây xong thì gà mới được kiểm soát tốt hơn còn hiện nay chúng tôi vẫn chỉ biết cố hết sức mà thôi", Ông Ngà chia sẻ.

Gà mía không có ở thị trường

Viện chăn nuôi đang phối hợp với các gia đình ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) để khôi phục lại giống gà mía quý hiếm. Ông Phan Văn Ve, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, một trong những gia đình đang giữ gene cho Viện Chăn nuôi cho biết: "Giống gà mía muốn ngon thì việc chăn nuôi rất công phu. Hiện gà này chỉ có ở Sơn Tây và một phần của Ba Vì. Tôi có thể khẳng định gà mía chưa có để bán rộng rãi ở thị trường".

Ở Sơn Tây rải rác trong các nhà dân hầu như gia đình nào cũng nuôi gà mía. Thế nhưng, gà chỉ nuôi nhỏ lẻ, mỗi gia đình chỉ có từ 10-20 con. Chỉ có gia đình ông Ve từ lâu lúc nào cũng duy trì được đàn gà mía từ 100-200 con. Hầu như thôn nào trong xã Đường Lâm cũng ấp và bán giống gà mía. Tuy nhiên, giống gà mía cũng chỉ đủ bán ở các vùng lân cận.

"Gà mía xịn nhưng nuôi theo lối công nghiệp thì chất lượng thịt không được đảm bảo", ông Ve tiếp: "Gà sau khi đã được 2 tháng tuổi phải cho ăn thóc chứ không được tiếp tục cho ăn bột. Gà nuôi phải có không gian cho chúng chạy nhảy thì thịt mới rắn chắc, ăn mới ngọt".

Tại nhà ông Ve, một khu vườn rộng được ông chia thành 5 ô, mỗi ô nuôi nhốt một loại gà tuỳ theo lứa tuổi. Ông Ve cho rằng phải kỳ công như vậy mới có một con gà mía ngon đúng với bản chất của nó. Đó cũng là lý do tại sao trong hàng trăm hộ dân tại Sơn Tây nuôi gà mía nhưng Viện Chăn nuôi lại chọn gia đình ông để giữ giống gà này.

Không có gà mà bán

Năm 2008, Viện Chăn nuôi đã cho thịt 200 con gà mía và đóng dấu, có ảnh chủ hộ chăn nuôi tại Đường Lâm kèm theo. Ông Ve cho biết, 200 con này cũng chỉ dành để biếu chứ không đưa ra bán ngoài thị trường. Năm 2009, Viện tiếp tục cho thịt 250 con. Từ số lượng khiêm tốn đó nên ông Ve khẳng định ngoài thị trường không có gà mía để bán. Gà mía hiện bán tại nhà ở Sơn Tây đã có giá từ 80.000đ - 90.000đ/kg (gà lông), trứng 5.000đ/quả. Giá rất cao nhưng các chủ hộ cũng không có nhiều để bán. Với giá tận gốc như vậy, nên không có chuyện ngoài thị trường nhan nhản gà mía với giá rẻ.

Theo ThS Hồ Xuân Tùng, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu huấn luyện chăn nuôi gia cầm Vạn Phúc (Viện Chăn nuôi): "Vài năm gần đây, gà mía bị thoái hoá giống, chỉ còn số ít được chăn nuôi theo hộ gia đình. Nguyên nhân suy thoái một phần do người dân không có phương pháp chọn lọc giống. Đồng thời, khi giống gà ngoại nhập vào cho năng suất cao thì gà mía được nuôi ít hơn vì năng suất, hiệu quả thấp. Thời gian sinh trưởng của gà mía cũng chậm hơn so với gà ta".

ThS Tùng cho biết, Trung tâm đã bắt tay vào khôi phục giống gà mía từ năm 2008, dự kiến đến năm 2010 sẽ khôi phục lại được giống gà này và lai tạo sang các giống gà khác.

Theo các cụ cao niên sống tại Đường Lâm (Sơn Tây) tên gà mía được đặt theo tên làng (Đường Lâm xưa gọi là kẻ Mía). Đặc điểm của gà mía là đầu nhỏ, mình vuông, dễ nuôi, gà mái trưởng thành nặng 2,8 - 3kg, gà trống 4 - 6kg. Gà mái thường có chân nhỏ, lông vàng, sau khi đẻ 4-5 lứa sẽ mọc yếm (dải thịt bên dưới bụng). Gà trống thân to, dài hơn, lông thường có màu tím mã lĩnh. Với những người sành ăn, gà trống thiến là lựa chọn hàng đầu bởi thịt gà có màu trắng, mỡ vàng, ăn giòn, vị ngọt đậm, thịt chắc, xương nhỏ.

(http://suckhoegiadinh.org) Theo Khoa Học Và Đời Sống 


The image

Địa chỉ Blog sức khỏe Vndoc: http://360.yahoo.com/tranhabs80
Địa chỉ Blog sức khỏe Vndoc yahoo rút gọn 1: http://vndoc.tk
Địa chỉ Blog sức khỏe Vndoc yahoo rút gọn 2: http://suckhoe.tk
Mã RSS chèn vào Feed để auto up blast hoặc theo dõi entry của Vndoc
Cách làm: Đăng nhập Yahoo! 360 -> My Page -> Edit Feeds -> Chèn link trên
 
 
The image

Địa chỉ Web Sức khỏe gia đình: http://suckhoegiadinh.org
Mã RSS chèn vào Feed để auto up blast hoặc theo dõi entry của Suckhoegiadinh
Cách làm: Đăng nhập Yahoo! 360 -> My Page -> Edit Feeds -> Chèn link trên


Quảng cáo tại đây, vui lòng liên hệ suckhoegd@gmail.com



My World Visitor Profile Map

0 Response to ""Công nghệ" làm rởm gà ta"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn