Lời giới thiệu mới: Từ 4 năm trước, tôi đã đăng bài của học giả Dương Văn Vượng, trên blog YH. Nhưng hệ thống blog ấy đã bị xóa sổ. Nên chỉ còn thấy bản tàn khuyết ở đây.
Sau khi bài đăng trên blog tôi, thì trang Văn hóa Nghệ An đưa về đăng lại ở đây.
Bản hôm nay, đành lấy về từ cả hai nguồn. Lấy lại toàn bộ (gồm cả lời giới thiệu cũ).
Tuy vậy, cũng phải nói là, bài đã in của chú Vượng có nhiều chỗ nhầm lẫn. Khi biên tập, đã muốn đề nghị chú tự chỉnh lí lại. Nhưng xét thấy, cứ giữ nguyên ý của tác giả thì hay hơn.
Tuy vậy, cũng phải nói là, bài đã in của chú Vượng có nhiều chỗ nhầm lẫn. Khi biên tập, đã muốn đề nghị chú tự chỉnh lí lại. Nhưng xét thấy, cứ giữ nguyên ý của tác giả thì hay hơn.
Làng Cả xứ Dâu
Những ngày sakura đã tan tác, khí trời vẫn hiu hiu lạnh
Nhằm ngày 22 tháng 4, năm Bình Thành 27
(Từ đây trở xuống là bài đã post từ năm 2011)
---
Mẫu Liễu qua một số thơ văn cổ
(bài của Dương Văn Vượng)
Đã rất lâu, từ tháng 4 năm 2010, hẹn đăng bài của chú Dương Văn Vượng về Mẫu Liễu với 3 lần sinh hóa trên blog này, nhưng chưa thực hiện được. Lí do chính là vấn đề bản quyền (mặc dù, chú đã đồng ý cho tôi đăng).
Nay đã thấy bài của chú xuất hiện trên mạng.
Một năm trước, tôi đã viết về bài của chú Vượng như sau:
"- chú là chuyên gia địa phương cự phách, tôi ít gặp người nào cổ áo và độc đáo như vậy (tuy cho đến giờ vẫn ít người biết tiếng; chú chỉ học hết cấp ba, chưa từng học đại học, nhưng kiến thức Hán văn thì các ông cử ông nghè đời mới cũng phải chạy dài — tôi nói thực lòng, không nói quá), chú vốn là cán bộ của Bảo tàng Nam Định (đã nghỉ hưu được mấy năm),
– bài chú dễ đọc đối với bạn đọc bình thường (tôi có tham gia biên tập, chỉnh lí bài của chú trước khi bản thảo được đem đến nhà in)".
Từ đây trở xuống là bài của chú Vượng.
https://dzjao.wordpress.com/2011/04/17/mau-lieu-qua-mot-so-tho-van-co-bai-cua-duong-van-vuong/
---
Trên đất Việt có nhiều vị nữ thần, nhưng nữ thần được đông người chiêm ngưỡng hơn cả là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Mẫu Liễu được thờ độc lập hoặc thờ chung trong khu thờ Phật Thánh khắp nơi trong nước, cả hải ngoại nữa.
Trộm nghĩ, ngài vốn là nữ giới. Nữ giới là vị nội tướng của gia đình, khi họ đã quyết và chiêu dụ, thì nam giới dù chôn chân, hoa mắt cũng phải hăng hái đi theo.
Để khơi mào bàn về tông tích của ngài, tôi xin lấy câu đối của quan Giám sát ngự sử Đồng Công Viện viết năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712) thời Lê Trịnh tại chùa Hải Lạng huyện Đại An:
Tam thế giáng sinh thiên hạ mẫu, thiên thu hiển hoá địa trung thần (Tạm dịch: Ba kiếp giáng sinh, Mẫu trong thiên hạ. Ngàn thu hiển hoá, thần tại nhân gian).
Từ đây, bằng kinh nghiệm điều tra điền dã và dịch thuật văn bản Hán Nôm của bản thân mấy chục năm qua, tôi xin lần lượt nói về ba kiếp dưới trần của Mẫu - lần thứ nhất tại Vỉ Nhuế (Đại An), lần thứ hai ở Yên Thái (Thiên Bản), lần thứ ba ở Tây Mỗ (Nga Sơn) - trong sự liên đới với thơ văn của nhiều văn nhân qua các đời (phần lớn tôi đã có dịp tiếp xúc trực tiếp với nguyên vật và ghi chép qua nhiều năm).
1. Trong bản chép văn bia Phủ Nấp của cụ giáo Du (người thôn Vọng xã Đại Đồng huyện Ý Yên), có một bia với tiêu đềQuảng Cung linh từ bi ký. Văn bia này do ông Nguyễn Đình Việp (lúc đó là Tri huyện Đại An) soạn năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741), nói về ba lần giáng sinh như sau.
Lần thứ nhất: truyền ngôn, tiền thân của Phạm công ở xã Trần Xá (Tràn) ở Đại An là phó sứ có tội. Thượng đế xét lòng thành cầu khấn của ông bà Phạm công, mới cho con gái thứ hai là Công chúa Hồng Liên giáng sinh vào nhà ấy vào giờ Dần ngày 6 tháng 3 niên hiệu Thiệu Bình năm đầu (1434), đặt tên huý là Tiên Nga, lớn lên tài sắc kiêm toàn, phụng dưỡng cha mẹ trọn đạo. Ngày 2 tháng 3 năm Quý Tỵ (1473) niên hiệu Hồng Đức thì hoá về trời đang tuổi 40. Dân sở tại nhớ ơn cứu bệnh giúp người nghèo, bèn lập đền thờ khói nhang tưởng mộ.
Lần thứ hai, ngài giáng tại thôn Vân Cát xã Yên Thái, vào nhà họ Lê có tên là Thị Thắng, lấy chồng người trong xã là Trần Duy Đào, sinh được một trai tên là Duy Nhâm. kể từ ngày Giáp Dần tháng Giáp Thìn niên hiệu Thiên Hựu năm đầu (1557), đến ngày 3 tháng 3 niên hiệu Gia thái thứ 5 (1577), vừa tuổi 21, thì mất.
Lần thứ ba, ngài giáng xuống xã Tây Mỗ huyện Nga Sơn vào giờ Dần ngày 10 tháng 10 năm Khánh Đức thứ 2 (1650) tái hợp với Đào Lang sinh được một trai là Cổn, đến ngày 5 tháng 2 năm Cảnh Trị thứ 6 (1668), trải qua 19 năm mới trở về Đế sở. Từ đó, Mẫu tuỳ nghi du ngoạn hoặc Đông Đô hoặc Lạng Sơn, ra oai cùng sỹ tử, tác phúc với lương dân...
2. Tư liệu tiếp theo là Quảng Cung linh từ phả chí viết năm Cảnh Hưng thứ 42 (1781) của Vũ Huy Trác (người Lộng Điền, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm Cảnh Hưng 33 - 1772, trải các chức Lễ bộ Tả Thị Lang, Quốc Tử Giám tư nghiệp, kiêm khu mật viện sự). Tư liệu này chép chi tiết hơn, như sau.
Lần thứ nhất: nước ta vào thời Trần, ở huyện Đông Sơn có quan phó sứ Thiên Trường Phạm Như Tiền, do bất cẩn trong việc quan bị tội, đày xuống hạ giới vào nhà họ Phạm ở Đông Ba huyện Đại An, làm con thứ, có tên là Đức Chính. Do Phạm công là con thứ, nên xin với cha xuống phường Trần Xá trong huyện, buôn bán tre gỗ,... rồi lấy người xóm Nhuế Duệ là Đoàn Thị Phương, hai người ở với nhau lâu chưa có con, bèn đến cầu tự ở chùa Phúc Lâm, sau sinh ra một cô gái xinh đẹp. Lúc ấy, đang giờ Dần ngày 6 tháng 3 năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), đặt tên là Tiên Nga. Lớn lên chăm chỉ học tập, thông minh khác người, nhưng không lấy chồng. Ngày 10 tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1462), thân phụ mất, an táng tại cồn đất phía đông nam phủ lị. Qua hai năm, thân mẫu cũng qua đời, đang ngày 20 tháng chạp năm Giáp Thân (1464), táng tại phía trái mộ thân phụ. Năm 35 tuổi, cải táng mộ song thân trọn vẹn, rồi chu du trong hạt giúp dân. Đã đắp đê Đại Hà trên từ bên phải núi Tiên Sơn dưới đến trại Tịch Nhi (xóm Gon); làm 15 cây cầu đá; khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu khẩn đất ven sông; giúp người bần bệnh tiền bạc; sửa chùa đền; cấp lương tiền cho các vị hương sư, khuyên họ chăm việc dạy dỗ con em học tập. Sửa chùa Sơn Trương (Ý Yên), chùa Long Sơn (Duy Tiên), chùa Thiện Thành (Đồn Xá, Bình Lục), rồi ở tại Đồn Xá chiêu dân tái lập làng xã đến tháng giêng năm Nhâm Thìn (1472), tháng 9 cùng năm trở về nơi ở cũ gặp thân thích cố cựu sửa đền thờ tổ ở phía nam thôn Đồi hạ. Bà còn viết nhiều thơ ca, chẳng hạn bài có tiêu đề “Nhàn cư bách thủ”,...Tháng Giêng năm Quý Tỵ lại đi đến các nơi ngày xưa từng tới, tháng ba về nhà ở, mơ thấy Phùng vương báo cho đến hạn về Đế hương. Khi ấy là ngày 2 tháng 3 năm Quý Tỵ (1473) thọ 40 tuổi. Sở tại đổi nơi ở cũ thành đến thờ tự tri ân.
Lần thứ hai, giáng xuống đất xã An Thái huyện Thiên Bản, vào ngày 2 tháng 3 năm Thiên Hựu thứ nhất (1557) tại nhà họ Lê, tên là Thị Thắng sinh được một trai là Nhâm và một gái là Hoà. Đang lúc 21 tuổi, ngày 3 tháng 3 năm Gia Thái thứ 5 (1577), hết hạn cho phép, trở về linh tiêu, để lại con cho chồng là Trần Duy Đào). Có mộ để ở phần đất phía Nam xã nhà, cây cỏ bao phủ xanh tốt, bốn mùa khói nhang nghi ngút, linh dị khác thường.
Lần thứ ba, xuống thẳng đất Tây Mỗ huyện Nga Sơn, có tên là Hoàng Thị Trinh, lấy chồng là Mai Thanh Lâm, sinh được một trai đặt tên là Thanh Cổn. Kể từ ngày 10 tháng 10 năm Khánh Đức thứ 2 (1650), đến ngày 5 tháng 2 năm Cảnh Trị thứ 6 (1668), được 19 năm, thì trở về chốn Đế hương. Sau chúa giáng bút đền ở Tây Mỗ, nói chồng mất ngày 23 tháng chạp, bà kế của chồng mất 14 tháng 8. Từ đó về sau, chúa du ngoạn tuỳ nghi ra oai gián phúc chống lại triều Lê, cự lại cùng thiên sứ, xướng hoạ văn thơ với các văn nhân đương thời. Tiên chúa đến nơi nào thì thường khuyên dân nơi đó chăm chỉ làm ăn, như Yên Mô thì trồng dâu nuôi tằm; chúa có dạy học ở Thiên Quan, khẩn đất ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An,... Khi chúa đi rồi dân nhớ ơn lập đền thờ, tạc bia đá, viết từ phả,... Các đời vua đều ban sắc tặng. Ở đền Quảng Cung có 23 đạo sắc, đạo sắc sớm nhất có niên hiệu Hoằng Đình năm đầu (1601). Người ở An Thái và Tây Mỗ đem lễ đến kính tế từ năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), đến nay (thời điểm 1781) đã được 15 lần. Đền Quang Cung xưa có lệ quốc tế, từ niên hiệu Cảnh Hưng năm đầu (1740) trở đi, thì mỗi khi đến ngày kỵ, quan phủ Nghĩa Hưng vâng mệnh bề trên đến lễ.
3.Tại Phủ Quảng Cung, trải qua các đời đều có thơ văn tán thán. Tiến sĩ Đặng Phi Hiển người xã Thuỵ Thỏ huyện Giao Thuỷ, năm Canh Ngọ (1630), có viết:
Thuỳ đạo thiên đình hữu nữ nhân,
Giáng sinh Phạm thị ảo da chân ?
Tận rương sở hữu ban thôn ấp,
Tịnh khuyên nghi vỗ yếm kiệm cần.
Dĩ hiếu vi tiên, tiên giáo ấu,
Thủ trung bảo hậu, hậu triên ân.
Bách niên tâm sự nhu cầu giải
Thanh dạ tu văn miếu lý thần.
(Tạm dịch:
Ai nói thiên đình có nữ nhân,
Vào nhà họ Phạm giả hay chân ?
Đem hết của cải cho thôn ấp,
Lại dạy đừng khinh việc kiệm cần.
Chữ hiếu làm đầu khuyên lũ trẻ,
Điều trung ấy gốc hưởng thiên ân.
Trăm năm tâm sự cầu đêm vắng,
Xem chữ trong thơ dưới miếu thần)
Bài này có chép trong thơ văn của ông mà cụ nghè Tam Đăng Phạm Văn Nghị đã thuật lại(1). Ngoài ra, tại các đền phủ tôn thờ Mẫu trong vùng, đều nêu một ý như các tư liệu viết trên đây.
4. Xin chuyển sang những đền miếu và tư liệu viết về vùng xã Yên Thái huyện Thiên Bản, mà một số học giả quen gọi làVân Cát thần nữ hay Vân Hương thánh mẫu, nơi có tiếng tăm nhất trong thời dĩ vãng.
Vân Cát thần nữ truyện (trong Truyền kì tân phả) do bà Đoàn Thị Điểm, vợ của Nguyễn Kiều, viết vào thời Cảnh Hưng nhà Lê.
Trước hết, phải biết Vân Cát thần nữ truyện nguyên là được viết bởi Trần Mại (đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu niên hiệu Bảo Thái thứ 2 - năm 1721, làm quan đến Công bộ Hữu thị lang). Ông chỉ viết: ở Yên Thái có bà con gái linh thiêng, hiển hiện nói cùng dân thôn và thân nhân trong những đêm trăng sáng dưới khu gò Đa nơi có xác phàm, rằng mình là con gái của thượng đế bị trích xuống trần vào nhà họ Lê ở xóm Vân Cát, lấy chồng là Trần Duy Đào, sinh được một trai một gái, năm 21 tuổi về trời. Dân sở tại thấy cô chỉ bảo giúp địa phương tìm lành tránh dữ, nên lập miếu thờ. Em trai của cô, là Lâm, thay cô phụng dưỡng hai thân, dòng dõi họ Trần giữ gìn hiếu nhân tín nghĩa. Trần Mại không hề nêu đến tiền kiếp hậu thân.
Bà Điểm và em trai của bà là Luân(2), đều là học trò của Trần Mại cả (trong Công bộ hữu thị làng Trần tiên sinh chí sự có ghi việc này). Trần Mại về trí sí sớm mở trường dạy học ở huyện Văn Giang, bà Điểm đã nhân đó được đọc, và thêm phần trên dưới có sự linh dị, làm sống thêm cuộc đời sự nghiệp thơ văn, hiển thánh ra oai tác phúc.
Nhưng rõ rệt hơn về sự thần bí, thì phải đề cập tới Tiên phả dịch lục do Giá Sơn Kiều Oánh Mậu (người xã Đông Sàng huyện Phúc Thọ) biên tập, có đưa cho Khiếu Năng Tĩnh xem, rồi được in vào năm Canh Tuất (1910). Phần thơ nôm Kiều viết khá hay, nhưng chú trọng về việc Mẫu chống nhau với các quan triều đình, các quan lắm mẹo có quyền đã lấy oai mạnh trấn áp bắt Mẫu quy thuận mà trong tâm vẫn ấm ức không thần phục. Cuối cùng, điều cay đắng của Mẫu đã được giãi bày, dấu chân xưa nơi ân đức để lại được dựng lên đền miếu nguy nga khói nhang thơm nức, như tiếng tăm anh hùng quật khởi, nhân từ che phủ, thấm nhuần tới nơi khe núi làng xa. Song, Đoàn cũng như Kiều, đều không nêu đến tiền kiếp nơi Vỉ Nhuế.
Trong Nam hành ý kiến của Lý Văn Phức (người xã Hồ Khẩu huyện Vĩnh Thuận, đỗ Hương Cống năm Gia Long 18 - 1819) có viết: bà Điểm là người yếu ớt, biết phụng sự chồng, nuôi nấng con cháu, là người học hành uyên bác, nhưng chẳng dám đi đâu, nên tập biên Mã Vàng Công Chúa đã thiếu mất tiền thân và hậu thế.
Tại Phủ Tây Hồ, ông từ Trần Đắc Tuyên, trong một lần ngồi đồng năm Gia Long thứ 5 (1806), đã viết:
“Ta (Mẫu Liễu) tiền kiếp ở Vỉ Nhuế Đại An, trung kiếp ở An thái Thiên Bản, hậu kiếp ở Tây Mỗ Nga Sơn, đều có từ 20 đến 40 năm nơi trần thế, việc trinh hiếu là nhân bản không thể thiếu, việc du ngoạn là việc cảnh tỉnh lũ ô trọc, há lại cho là vô bổ, còn việc hoạ xướng ở Tây Hồ là loài hồ yêu mê hoặc không nên gán ghép cho ta...”
Trong thơ của Lý Văn Phức, chúng ta có thấy đoạn:
“Nơi Phố Cát cũng thường lui tới,
Tại non Sòng là lối lại qua.
Ai về Tây Mỗ cùng ta,
Mà coi sau trước nỗi nhà ra sao.
Chốn Kẻ Sỏi ra vào bao độ,
Bến Kỳ Cùng thuận lộ bước xa.
Căng buồm Sông Cái Nhị Hà,
Ngảnh thăm Vân Cát để mà hỏi han
Đất Trần Xá chớ bàn sự lạ,
Đó tiền thời có cả thân quen,
Đã từng hiển hoá bao phen,
Đem kinh truyện cũ diễn truyền quốc âm
Để phòng lúc trời thay đất đổi
Loài khuyển dương quấy rối non sông,
Nếu không lo tính động lòng,
Họ hàng con cháu có hòng được yên ?”
Chúng ta có thấy một bài văn tế dùng để tế Thánh Mẫu tại Phủ Tiên Hương do Hà Tông Quyền (Lễ bộ Hữu Thị Lang, Phương Trạch hầu) viết năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), tạm dịch nghĩa:
“Kính trông Thánh Mẫu,
Phong độ người tiên, giá trong băng ngọc,
Hẹn năm trăm tốt đẹp, do Côi Hoàng anh tú sinh ra,
Nổi danh Thiên Bản lục kỳ, tới Sòng Cát thiêng liêng rõ rệt,
Có nguồn gốc tự Quảng Cung, thực là thần hoá,
Vọng tiếng tăm trong thiên hạ, chỉ bởi hiếu trinh,
Rồi đến Vân Cát, khuôn mẫu mẹ bao trùm hải nội,
Luôn vì phu tử, lòng nhân từ nhuận thấm sơn hương,
Buổi Tây Mỗ, đoạt thân Hoàng thị tái hợp Đào quân,
Ngụ Kẻ Sỏi dạy con học hành, cho tròn phụ đạo,
Với nhà, sùng phụng Mẫu nghi, ngàn thủa cung đình rực rỡ,
Với nước, tôn phong Vương vị, các triều hoa cổn biểu dương,
Lũ dân con từ lâu kính thờ hương khói, đội đức sinh thành...
Ngẩng đầu trông đợi chở che, thanh cao tượng pháp,
Nhìn xuống xiết bao sợ hãi, rẽ rọt tâm linh...
Giấc mơ nghe nhạc quân thiên, gió đưa vận dao cầm phảng phất,
Lòng nghỉ ở ăn đất Thánh, sân phô bày gây hội nghiêm trang,
Nay nhân gặp tiết theo xưa, kiến sâu dãi tỏ,
Lại sắm vi thành tục cũ, lớn bé xếp hàng,
Mong cho bách tính quân an, dưới trên hoà thuận,
Chỉ nguyện tứ dân lạc nghiệp, đi lại hanh thông,
Thần soi xét từ sự cao minh, thâu cùng vật loại,
Đức quảng đại bao hàm non nước, vọng khắp cổ kim,
Thực trông ơn tế độ âm phù hết sức vậy.
Cẩn cốc !”
Về việc thờ tự Mẫu ở khu vực đền Tiên Hương, theo ông Trần Lê Nhuận xóm 1 Tiên Hương xã Kim Thái huyện Vụ Bản thì,
- cụ tổ Lê Công Tiên giỗ 18 tháng 4,
- bà Từ Huệ giỗ 8 tháng 4,
- ông Phúc Lương giỗ 9 tháng 9,
- bà Từ Đường giỗ 17 tháng 2,
- ông Đức Chính giỗ 9 tháng 9,
- bà Diệu Phúc giỗ 15 tháng 12,
- ông Duy Đào giỗ 5 tháng 5,
- bà Thị Thắng giỗ 3 tháng 3,
- ông em, tên là Lâm, giỗ 24 tháng 12,
- bà Sâm, tên tự là Duy Tiên, giỗ 9 tháng 3,
- bà Liên, tên tự Quế Anh, giỗ 15 tháng 3,
- ông Từ Huyền giỗ 5 tháng 3,
- bà Vĩnh giỗ 25 tháng 2.
Có thể thấy liệt kê trên đây là ngày giỗ của vợ chồng Mẫu (Thị Thắng và Duy Đào), và của thân thích trước sau.
Hiện ở Phủ Chính, có bài vị mang dòng chữ: “Sắc tặng khải sinh thánh phụ Trần công huý Chính, dực bảo trung hưng trung đẳng thần” và “Sắc tặng khải sinh thánh mẫu Trần môn chính thất huý Phúc, dực bảo trung hưng trung đẳng thần”, “Sắc tặng phu quân Trần công huý Duy Đào, trung đẳng thần”, “Sắc tặng Trần công huý Nhâm, trung đẳng thần” .
Như vậy, trong quan hệ với Mẫu, ông Lê Công Tiên là bố đẻ và bà Từ Huệ (Trần Thị Phúc) là mẹ đẻ, ông Lê Công Lâm là em ruột, bà Sâm tức Duy Tiên phu nhân là em dâu, bà Liên tức Quế Anh hay Quế Hoa là cháu.
Về phía chồng, ở xóm Vân Đình (Giáp Nhì), đều có bài vị thờ ở Phủ Tiên Hương, mà đời cho là quê chồng mới là nơi có cửa nhà và nơi gửi xác. Mộ phát tích thì tại xứ Cây Đa Bóng, có mộ cha đẻ tại xứ La Hào (Giáp Ba) là mộ tổ tứ đại, còn cồn cây đa là mộ Mẫu nơi chôn cất xác phàm, nơi sau này ba chị em họ Lê thuộc Hội Đào Chi (Huế) đã xây thành lăng đá năm Bảo Đại Mậu Dần (1938).
Trong lời khấn ở Phủ Tổ họ Trần ông Trần Bình Hành hậu duệ của Mẫu, có đoạn:
“Có tổ nội ở La Hào, mộ để toạ không hướng cấn,
Còn quê chồng nơi Nhị giáp, trạch an hướng tốn toạ càn.
Với cha hiếu thuận đâu người sánh,
Cùng chồng trinh bạch ít ai so.
Nối tiền kiếp giáng sinh ở chân trời,
Cửa nhà ấm áp, dạy hậu duệ phong hoá từ chóp núi,
Ngày tháng thanh đạm.”
Lại có bài thơ Lã Xuân Oai nói về Phủ Tiên Hương (bài dịch của Bùi Hạnh Cẩn):
“Ai biết đền xưa được tỏ tường,
Tâu bày với Mẫu nén tâm hương.
Trông ơn non Thái lời chung thuỷ,
Nhờ đức làng Tiên giữ kỷ cương.
Sao để Lạc Hồng không thẹn bóng,
Chỉ mong Tiên Chúa sớm lo lường.
Nổi danh đệ nhị còn gia tộc,
Nam bắc ngàn thu một chiếc gương.”
Hiện nay, còn thấy cuốn thư gỗ treo ở gian giữa tiền đường Phủ Chính có chữ đề của Tam Thanh Ngô Giáp Đậu (Nam Định đốc học, đậu năm Mậu Ngọ niên hiệu Khải Định - 1918):
Nhất đạo kim bài hạ cửu thiên,
Nam châu thần phả Cát sơn tiên.
Cổ truyền An Thái trung linh địa,
Do ký Dương Hoà hiển thánh niên.
Kinh tạng mặc thông tam muội quyết,
Từ quang phổ tác vạn gia yên.
Phong thanh cố quốc sùng vương mẫu,
Miếu mạo thiên thu hưởng tự quyền.
(Tạm dịch:
Một thẻ vàng trao chốn cửu thiên,
Cõi nam Vân Cát một người Tiên.
Vẫn rằng Yên Thái nơi quê cũ,
Còn nhớ Dương Hoà nổi tiếng thiêng.
Tam muội làu thông kinh sách quý,
Muôn nhà nhờ cậy khói nhang tôn.
Phong thanh cố quốc nêu Vương Mẫu,
Đền miếu ngàn thu kính lễ truyền).
Bài thơ của Ngô Giáp Đậu nhắc lại tích chuyện trong tiết vạn thọ của vua cha Ngọc Hoàng, tiên chúa đánh rơi chén ngọc, vỡ mất một góc. Vua cha giận, đuổi xuống đầu thai vào nhà Lê Đức Chính, Trần Thị Phúc Thuần ở thôn Vân Cát, xã An Thái huyện Thiên Bản, sau lấy chồng có con. Niên hiệu Dương Hoà năm thứ 8 (1642), tổ chức thi bách thần, các kiệu của thần khác, từ Tản Viên đến các Thành Hoàng đều không có sự hiển dị, riêng có kiệu Mẫu thì tấm vóc đỏ phủ kiệu bay lên trên trời, rồi hoá ra đám mây năm sắc, giữa đám mây có mảnh gấm đỏ, trên có 4 chữ lớn “Thánh Thọ vô cương” hàng dưới có 6 chữ nhỏ hơn “Mã Vàng Công Chúa tạ ân”. Các chữ này tồn tại từ đầu giờ Thìn đến cuối giờ Ngọ mới tán, thì tấm gấm lại bay từ trên không bay về trùm lên kiệu như cũ.
Cũng vào thời Hậu Lê, sau khi quy y Phật, thì Mẫu đi phò nhà chúa đánh giặc thắng lợi được vua phong cho chữ “Chế thắng bảo hoà diệu đại vương” (Làm cho thắng lợi, giữ sự hoà hoãn, là công lao của vị đại vương nữ). Đó là việc năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677).
Còn việc ba vị quan đánh dẹp Mẫu là do vua Lê Thế Tông một đêm ngủ mơ thấy Ngọc Đế ban cho đạo dụ sai trừng phạt Mẫu. Mẫu tuy oán hận khi bị bắt ở dưới giếng vùng Lạng Sơn, nhưng từ đó không dám càn rỡ nữa. Khắp nơi thờ tự dùng vàng mã đốt đi, kêu khấn nên được ban cho đạo sắc tặng mỹ hiệu “Mã Vàng công chúa”. “Mã Vàng” là nói lý do dâng lễ, chứ không phải là dùng vàng mạ ngoài của cái tâm địa xấu. Còn rất nhiều tư liệu Hán Nôm không thể vin vào lý do gì mà viết ra được.
5. Theo đường mới mở tức quốc lộ 1 đi vào đất xứ Thanh, tới Hà Trung rẽ tay trái, ta có thể về Phủ Tây Mỗ.
Phủ Tây Mỗ đã bị phá từ lâu, nay mới xây lên ở xóm Bùi Sơn thuộc xã Hà Thái, gần từ đường thờ tổ họ Hoàng, nơi có xác phàm của Mẫu. Theo tư liệu, vào năm Tự Đức thứ 2 (1850), trong họ Hoàng thôn Tây Mỗ, có cô Thị Trinh mới qua tuổi trăng tròn, chưa lấy chồng bị ốm nặng, qua hai tuần uống thuốc không chuyển nằm trên giường thoi thóp, rồi đến tuần thứ ba thì chỉ nằm đó mà chẳng uống lấy một giọt nước. Người nhà chuẩn bị hậu sự, đến sáng ngày 10 tháng 10, một con én trắng từ đâu bay vào trong nhà, bay đi bay lại rồi đến đậu lên mình cô Thị Trinh, không bay đâu nữa. Một lát sau, không trông thấy con én, mà cô Thị Trịnh ngồi dậy kêu khát nước, uống nước xong cô khoẻ lại như cũ, rồi bỏ nhà đi vào rừng, mỗi ngày về một lần vào buổi trưa. Mấy tháng sau, cô dẫn một thư sinh về nhà, xin cha mẹ cho khu đất Đào Sơn sau nhà ở. Còn đoạn sau thì như đã viết ở trên.
Năm Tự Đức thứ 14 (1861), Tiến sĩ Trần Huy Côn (người xã Thiên Bản) có viết tập thơ nôm với tên Đào Sơn Thánh Mẫu lược chí, tại đền Phố Cát (Cát Phố từ), tóm tắt việc ba phen sinh hoá, đại lược như Quảng Cung linh từ phả chí. Ông từ Nguyễn Đức Vọng, ở đền Sòng thôn Cố Đam xã Cẩn La tổng Trung Bạn huyện Tống Sơn phủ Hà Trung, đã từng đem sách in mộc bản lưu truyền ở vùng Thanh Nghệ, và từng nói:
“Chẳng thiêng cũng bụt chùa nhà, gái Thanh Hoá nữ thần có một”.
Vào thời Đồng Khánh, Thành Thái, người ở các nơi này hãy còn lệ ra bái tổ ở Phủ Vỉ Nhuế.
Nội dung câu đối của Hà Tông Quyền (Lễ bộ thị lang, sung Bắc thành thí trường phó chủ khảo) đề dâng Sòng Sơn năm Minh Mạng thứ 9 (1828) là Khánh Đức tứ niên từ thủy kiên, Hóa sinh tam độ tích do truyền (tạm dịch: Khánh Đức năm thứ 4 (1652) đền này mới dựng, Hóa sinh ba độ sự tích còn truyền) cũng phù hợp với nội dung của Hoàng tộc bạch yến giản kýdo Tôn Thất Toại (Thanh Hoá tỉnh Bối chính) viết năm Bảo Đại Mậu Dần (1938)(3).
Bài thơ nói về sự tích Mẫu ở Tây Mỗ viết năm Ất Mão (1915) của Đoàn Triển (Hiệp biện Đại học sĩ, Nam Định Tổng đốc):
Bạch yến phi lai địa giáng tường,
Hoàng gia lệnh nữ sự tư chương.
Đệ tam thuỳ thức nhân da thánh,
Nguyệt thập hồi dương mệnh bất phương.
Phối dữ Mai sinh phu phụ thuận,
Kế lưu hương tử hiếu thuần cương.
Thanh châu nhất đới tồn di tích,
Tây Mỗ thiên thu nhạ chúc hương.
(Tạm dịch:
Én trắng bay về đất giáng tường,
Gái Hoàng ngày ấy chuyện không thường.
Thứ ba nào biết người hay thánh,
Tháng tý kìa ai lại cõi dương.
Cùng với Mai sinh tâm mỹ mãn,
Còn lưu kế tử chốn gia đường.
Xứ thanh một dải còn nhiều dấu,
Tây Mỗ ngàn thu nức khói hương.)
Vào tiết giữa hè năm Duy Tân thứ 8 (1914), Đoàn Đình Giản (Nghệ An Tổng đốc) cùng Hoàng Mạnh Trí (Ninh Bình Tuần phủ) và Đoàn Triển (Nam Định Tổng đốc) tới đền Phố Cát tại huyện Thạch Thành. Ông Đoàn Đình Giản có viết:
Kẻ Sỏi dời chân bởi nhớ con,
Trăng tròn trăng khuyết chiếu bên non.
Sòng Sơn thuở nọ đầy than lửa,
Cát Phố ngày nào tiếng khóc than.
Thất thế chạy đi xa vạn dặm,
Bị lừa mắc bẫy của ba quan.
Ngàn năm còn dấu nơi sông núi,
Cậy có thiên đình tổ nỗi oan.
Tại đền Phố Cát (có tên chữ Hán là Tiên Tích linh từ) và đền Đồi Ngang, ông Hà Tông Huân (người xã Kim Vực huyện Yên Định) cũng có câu đối tán thán cùng ý với bài thơ trên. Hà đỗ tiến sĩ năm Bảo Thái thứ 5 (1724), có viết câu đối dâng chùa Diên Khánh ở Lạng Sơn, như sau:
Tự Bắc hề, tự Nam hề, Mẫu đạo thiên thu tồn túc tích,
Ngộ hưng phủ, ngộ suy phủ, thần quyền vạn cổ tối nan đàm.
(Tạm dịch:
Từ đất Bắc, từ đất Nam, Mẫu đạo ngàn năm chân để dấu,
Gặp khi may, gặp khi rủi, thần quyền muôn thuở hiểu sao tường.)
6. Vào cuối thời Nguyễn, khi mà chính phủ Nam triều trở thành “Đế vương dõng” (bù nhìn), tướng quân Hoàng Diệu ở Hà Thành đã đọc (theo lời dẫn của Khiếu Năng Tĩnh, lúc đó là Đốc học Hà Nội):
Đế vương dõng phủ, dõng hà vi nguyên khí gia hương bảo quốc ky. Thành quách nhất thiên trầm thuỷ nguyệt, thử sinh thử hận hữu thuỳ tri
(Tạm dịch: Đế vương tượng gỗ làm gì, bỏ nhà giữ nước kêu chi được trời. Thành trì một sớm đâu rồi, thân này hận ấy với ai giãi bày).
Và trước đó, từ lúc Gia Long mới lên ngôi, cái cơ lệ thuộc ngoại bang đã rõ rệt, thì tại các đền phủ, cái hội thiện đã tổ chức viết các tâm kinh, nêu là của Hưng Đạo Vương, của Mã Vàng Công Chúa, của ông thần này, của bà thánh nọ, là để cổ vũ văn nhân, gọi hồn non nước, khuyến khích quốc dân nói không cộng tác. Vừa để nêu rõ sự tích của các vị thánh thần có công bảo vệ phương dân, vừa để nói điều dời xa khuyển dương âm thầm tha hoá quan lại. Cũng vì thế, tư liệu về bà Chúa Liễu cổ vũ cho nữ giới tự cường với vươn lên cùng chồng con bảo vệ dựng xây đất nước, hầu không bỏ phí thời cơ tiến lên giải phóng ngoại bang nô lệ.
Qua những tư liệu đã trình bày trên đây, có thể nói vị đàn bà mà thời xưa phong là Chúa Liễu, về nguồn gốc là người thực việc thực, có ba giai đoạn, mà kết hợp lại thì do lời nói của ông đồng bà cốt, thần thánh hoá uy đức của người phụ nữ.
Về thực chất có ba người phụ nữ ở ba vùng, lần thì không lấy chồng, lần thì có chồng con, đều nêu cao tính nhân từ nhu thuận, treo gương trinh hiếu; mà các quan lại là chồng con, là thân thích, nên đã vì vợ, em, người yêu quý, góp tay dựng xây tô điểm, để bà trở thành vị nữ thần đệ nhất thời Việt Nam đầy biến cố.
Rốt cuộc vị nữ giới kia cũng chỉ trở thành vị hậu thần, mà người chịu ơn vẽ vời mong ước, khuyên răn con cháu học đòi. Tại đền Vạn Kiếp, Thánh Thần cùng Mẫu Liễu đã giáng bút năm vào Thành Thái Tân Sửu (1901) trong đó có đoạn:
Nam mô lạy Phật lạy Chùa, nam mô vãi lạy vua Ngọc Hoàng,
Lạy cho lắm mà mang lấy tội, trót tu lầm lại vội theo ma,
Thương ôi con cái một nhà, trẻ kia đã vậy, sao già cũng hư...
Như vậy, sự sùng bái thần quyền, để giữ gìn phong hoá quốc gia là điều đáng quý, nhưng mê tín dị đoan để đến chỗ đạo đức suy đồi thì quá hỏng. Do vậy, về thực chất của việc tôn thờ cũng cần phải nói rõ. Lời tổng kết dù có sai, thì đây là ý kiến cá nhân, mong độc giả lượng thứ.
---
Chú thích:
(1) (Chú thích của người biên tập nội dung Chu Xuân Giao; tất cả các chú thích của bài này đều như vậy) Phạm Văn Nghị (1805-1880) là người có công sưu tập, biên khảo, chú giải lần đầu tập thơ Thủy Thỏ thi tập của Đặng Phi Hiển. Gần đây, tập thơ này đã được Dương Văn Vượng và Hoàng Dương Chương dịch và xuất bản (Hoàng Dương Chương - Dương Văn Vượng chủ biên, Tiến sĩ Đặng Phi Hiển thân thế và sự nghiệp, Nxb Hội Nhà văn, 2009).
(2) Lâu nay, người ta thường xem Đoàn Dõan Luân là anh ruột của Đoàn Thị Điểm (trong Truyền kì tân phả bản in năm 1811, có một số chỗ ghi “gia huynh Tuyết Am Đạm Như phủ phê bình”, “Tuyết Am Đạm Như” là tên hiệu của Đoàn Doãn Luân, “gia huynh” là “anh trai ở trong nhà”). Ở đây, tác giả ghi là Đoàn Doãn Luân là “em trai”, chúng tôi cho rằng, có thể ông đã tham khảo tư liệu ở một nguồn khác, nên tôn trọng mà giữ nguyên.
(3) Nội dung câu đối này trong bản thảo đầu tiên của Dương Văn Vương có thể bị đánh máy nhầm hoặc viết nhầm, chúng tôi căn cứ vào bản chép trong sách Mẫu Liễu sử thi của Hồ Đức Thọ (Nxb Văn hóa Dân tộc, trang 102) để chỉnh lí lại.
Vốn bản thảo đầu tiên của Dương Văn Vượng như sau: “Câu đối của Lễ Bộ Thị Lang sung bắc thành thí trường Phó chủ khảo Hà Tông Quyền Tốn phủ đã đề câu đối ở Sòng Sơn. Cảnh Tự Lục niên từ thuỷ kiến ư sơ chí chi gia (Cảnh Trị năm thứ 6 (1668) đền mới dựng chỗ đất lành còn đó. Hoá sinh trải 3 độ, việc còn truyền nhà mới đến năm xưa) cũng phù hợp với “Hoàng tộc bạch yến giản ký” của Thanh Hoá tỉnh Bối chính Tôn Thất Toại viết năm Bảo Đại Mậu Dần (1938)” .
Nguồn: Giao blog
http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/tim-hieu-lich-su-mau-lieu-qua-mot-so-tho-van-co
0 Response to "Mẫu Liễu qua một đời nghiên cứu của học giả họ Dương"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn