Kim Ngọc đọc lại (1) : Vinh danh của thời hiện tại

Kim Ngọc đã mất năm 1979 (1917-1979).

Vinh danh của thời hiện tại dành cho ông, đại khái như sau:

1. Sau khi đã mất 17 năm: "Năm 1996, để tỏ lòng biết ơn ông, 2 ngôi trường nơi ông sinh ra ở xã Bình Định, huyện Yên Lạc được đặt tên ông".

2. Sau khi đã mất gần 30 năm: "Năm 2005, một trong những con đường đẹp nhất của Vĩnh Phúc cũng được mang tên ông."

3. Sau khi đã mất đúng 30 năm: "Lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Cố Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc (Vĩnh Phú) Kim Ngọc vừa diễn ra trọng thể ngày 23 tháng 3 năm 2009".

4. Tiếp tục, và tiếp tục.

Đọc lại tư liệu gốc, lúc đương thời, thì để sau. Và dần dần.

Trước hết, cứ lưu tư liệu vinh danh đời nay trước đã. 

---

TƯ LIỆU

(Đang làm dần dần)


1.


Vinh danh Kim Ngọc và bài học cho hôm nay

(TuanVietNam) - Nhà cải cách tiên phong, ông Kim Ngọc một lần nữa lại được vinh danh. Lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Cố Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc (Vĩnh Phú) Kim Ngọc vừa diễn ra trọng thể ngày 23 tháng 3 năm 2009. sự kiện nóng
  
Ông Kim Ngọc (mặc áo trắng, đi giữa) xuống cơ sở. Ảnh tư liệu.
Giữa bộn bề sự kiện lớn nhỏ trong cả nước, đây là một sự kiện được nhiều người chú ý. Trong những tấm huân chương trao tặng cho nhiều người trong thời gian qua, tấm huân chương dành cho ông Kim Ngọc gây xúc động và ngưỡng mộ sâu sắc trong lòng người. Nó lấp lánh một sắc màu riêng biệt, phản chiếu những góc cạnh khác nhau: Sự nhìn nhận về thời hiện tại. Bài học lớn về một thời đã qua. Và thông điệp với ngày mai.
Kim Ngọc - tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh 10 tháng 10 năm 1917, tại xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Mất ngày 26 tháng 5 năm 1979.
Tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam 1939. Năm 1954, Phó Chính ủy Quân khu Việt Bắc. Năm 1958, Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc. Từ năm 1968 đến 1978, Bí Thư tỉnh Vĩnh Phú. Kim Ngọc được coi là cha đẻ của khoán hộ  mà người ta quen gọi là “khoán 10”, và đổi mới trong nông nghiệp ở Việt Nam.
Dù đã 30 năm nay ông không còn nữa trên cõi đời, nhà “khoán hộ” Kim Ngọc ấy vẫn được Đảng, Nhà nước tôn vinh một lần nữa. Nghĩa cử cao đẹp và chu đáo của thế hệ hiện tại đã nhận được sự đồng tình, sự tôn trọng, sự nhìn nhận của đông đảo nhân dân trong cả nước.

Sự đánh giá đúng đắn ấy đối với người đồng chí, với quá khứ, với lịch sử đã tăng thêm niềm tin của hàng triệu con người đang sống vào con đường đổi mới sẽ đưa đất nước đi lên văn minh, hiện đại và phồn vinh.

Tôn vinh nhà cải cách Kim Ngọc cũng có nghĩa là khẳng định vai trò to lớn của lớp người đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới. Chính sáng kiến "khoán hộ" (hay"Cải tiến công tác quản lý lao động hợp tác xã") của Kim Ngọc và các đồng chí của ông năm 1966, đã dẫn đến "khoán 10" (hay "Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị 1988), tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa một đất nước bao năm thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới.
Ông Kim Ngọc tháp tùng Bác Hồ đi thăm và trò chuyện với bà con nông dân.
Ảnh tư liệu.

Ông xứng đáng với sự đánh giá của cựu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh: “Công lao anh Kim Ngọc thật lớn, cần phải dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con người như anh Kim Ngọc”. Và bức tượng ấy cũng đã có rồi: Tỉnh uỷ Vĩnh Phú đã tặng gia đình ông Kim Ngọc bức tượng đồng vị thủ trưởng kính yêu của mình. Tên tuổi nhà cải cách cũng được gắn với hai ngôi trường và một con đường đẹp nhất ở thành phố quê hương.

Và quý giá nhất là tên tuổi Kim Ngọc, công lao ông, sự nghiệp ông đã đi vào con tim của mọi người dân Việt Nam. Ngay thế hệ trẻ thuộc bậc cháu chắt của ông cũng biết ông, quý ông. Các cháu tổ bán báo “Xa Mẹ” ở Hà Nội, trong câu đối tặng gia đình ông, đã khắc ghi câu thơ “Ruộng đất công bằng nghĩa hợp/Thăng trầm người mở lối. Ý tưởng tuyệt vời của ông Ngọc/Còn mãi với thời gian”.
Ra đồng thăm lúa. Ảnh tư liệu.

Đúng vậy. Tư tưởng của ông, công lao của ông sẽ sống mãi với thời gian, trở thành bài học lớn, luôn sống động và mang tính thức tỉnh, đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang đòi hỏi tiếp tục đổi mới ngày nay. Cũng như vậy, tên tuổi những con người vì dân, vì nước, không ngại hiểm nguy, dám đổi mới, dám dấn thân như Kim Ngọc sẽ sống mãi với dân tộc, với thời gian. Đó là thông điệp lớn mà sự kiện Kim Ngọc gửi mọi người, cho thế hệ đang sống và thế hệ mai sau.

Năm 1996, để tỏ lòng biết ơn ông, 2 ngôi trường nơi ông sinh ra ở xã Bình Định, huyện Yên Lạc được đặt tên ông.
Năm 2005, một trong những con đường đẹp nhất của Vĩnh Phúc cũng được mang tên ông.
Sự kiện Kim Ngọc cũng là một bi kịch. Mọi người đều biết, ông Kim Ngọc luôn quan tâm đến dân, muốn “dân luôn được ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, học hành và chữa bệnh không mất tiền”, và cho rằng đó mới là “mục tiêu xã hội chủ nghĩa”. Vậy mà con người đó có lại bị tai ương, đến nỗi phải làm bản kiểm điểm, phải tự nhận “có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ”.  
Dù đã được minh định rõ ràng, nhưng nỗi đau mà ông Kim Ngọc và gia đình đã hứng chịu vẫn để lại trong lòng mọi người niềm xót xa chung. Bi kịch Kim Ngọc, do đó, không còn là bi kịch cá nhân nữa. Đó cũng là bi kịch của đất nước trong quá trình đổi mới. Hơn nữa, còn là một bài học phản diện của lịch sử. Bài học đó vẫn còn luôn mới mẻ và có ích về sự nhìn nhận và phát hiện những nhân tố mới, yếu tố tiến bộ luôn sinh sôi nảy nở trong quá trình đi lên của đất nước.
Con đường đẹp nhất thị xã Vĩnh Yên mang tên ông Kim Ngọc.


Qua sự kiện truy tặng huân chương cao quý Hồ Chí Minh cho ông Kim Ngọc hôm nay, hy vọng rằng, những tấm huân chương trân trọng, tôn vinh những con người Đổi mới sẽ chỉ được trao cho họ ngay khi họ còn đương chức, tại vị. Để cổ vũ họ và bao người khác dấn thân cống hiến mạnh mẽ cho Đảng, cho dân tộc hơn nữa, ngay khi họ còn sống. Và để những bi kịch Kim Ngọc không tái diễn. Đó cũng chính là một thông điệp đến thế hệ ngày hôm nay và mai sau.  


  • Trần Minh
http://www.tuanvietnam.net/vinh-danh-kim-ngoc-va-bai-hoc-cho-hom-nay

2.


Ông Kim Ngọc có bị kỷ luật, tù tội?


Thứ Hai, 20/03/2006 - 14:52

Xung quanh việc ông Kim Ngọc bị “kỷ luật” có khá nhiều dư luận. Người ta đồn rằng ông đã từng bị bỏ tù oan vì làm khoán hộ, rồi chết trong tù. Cũng có người kể rằng, khi ông Kim Ngọc đã bị mất chức Bí thư Tỉnh uỷ và nằm viện, một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng lúc ấy vào thăm, ông Kim Ngọc nằm quay mặt vào tường không tiếp chuyện...

Để làm rõ sự thật, chúng tôi đã về Vĩnh Yên, gặp các nhân chứng còn sống và khẳng định: Ông Kim Ngọc không bị đi tù vì khoán hộ, nhưng số phận của khoán mà ông đã từng khởi xướng đã phải trải qua biết bao sóng gió, thăng trầm của lịch sử.

CNXH là phải “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang”

Ông Kim Ngọc tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10/10/1917 trong một gia đình nông dân nghèo. Ông chỉ học hết lớp 5, rồi tự học để lên được lớp 7, nhưng những tư duy đổi mới của ông vào thời đó có thể nói là ít người sánh kịp.

Năm 1947, ông lấy bà Lê Thị Liên và sau đó lần lượt sinh được 6 người con (cả 6 người con của ông bây giờ đều thành đạt). Ông Ngọc tham gia hoạt động cách mạng từ  năm 1939, đến năm 1954 ông đã là Phó Chính uỷ Quân Khu Việt Bắc.

Năm 1958 ông về làm Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, quê hương ông. Suốt 24 năm ông làm bí thư tỉnh uỷ đều  gắn với hạt lúa của người nông dân, nhất là gắn với những thăng trầm của khoán hộ.

Ông Nguyễn Thành Tô, thư ký riêng nhiều năm liền cho ông Kim Ngọc kể: Ngay từ hồi những năm 60, khi mà sự giáo điều trong nhận thức lúc đó còn hết sức nặng nề về “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang” (đồng nghĩa với sự sùng bái vật chất tư bản chủ nghĩa), nhưng ông Kim Ngọc phát biểu trong Đảng bộ tỉnh đã khẳng định một chân lý có thể nói là cực kỳ táo bạo về sự phấn đấu của người đảng viên là làm sao để: “Dân luôn được: ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, học hành chữa bệnh không mất tiền”. Ông nói, đấy chính là mục tiêu của CNXH.

Một con người chỉ học hành hết lớp 7, vậy mà tư duy đã thật đi rất xa so với thời gian. Chính những năm 65-67, khi Vĩnh Phúc làm khoán hộ, đời sống của người dân khấm khá hẳn lên. Ông Trường Chinh về thăm Vĩnh Phúc đã phải tặng bài thơ: “Phù Lập làm phân thật khác thường/Phương Trù thuỷ lợi đáng nêu gương/Chăn nuôi tập thể Hoà Loan giỏi/Cây rợp bên đường bóng Lạc Trung” (các địa danh ở Vĩnh Phúc) (ký bút danh Sóng Hồng).

Nỗi đau âm thầm

Như số trước, bạn đọc đã biết, sau khi làm khoán hộ, ông Kim Ngọc bị buộc phải làm bản kiểm điểm và phải tự nhận là “có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ”. Nhưng sau đó trong Đại hội Đảng bộ, ông Kim Ngọc vẫn trúng chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phú  (năm 68 sáp nhập Vĩnh Phúc với  Phú Thọ thành Vĩnh Phú) và đến năm 76, tại đại hội đảng bộ khoá IV của tỉnh Vĩnh Phú ông Kim Ngọc mới làm đơn xin nghỉ và đến năm 1977 ông mới nghỉ hẳn.

Ông Nguyễn Thành Tô, thư ký của ông Kim Ngọc kể: Mặc dù làm đơn xin nghỉ nhưng khi ông Lê Duẩn (lúc đó là Tổng Bí thư) về dự họp, ông Ngọc có gặp ông Lê Duẩn và nói: Tôi đã cao tuổi, xin phép được nghỉ. Ông Lê Duẩn nói ngay: T.Ư chưa để anh nghỉ được, anh vẫn còn khoẻ.

Thực ra thì ông Ngọc đã từng mắc bệnh đau dạ dầy nhiều năm trước đó, đã có lần phải mổ cấp cứu. Có lần ở Việt Bắc ông bị sét đánh suýt chết. Sau này, khi khoán hộ bị cấm, ông buồn nhiều hơn là vui. Có nhiều lúc ông đi trên những cánh đồng trước đây thực hiện khoán hộ lúa xanh tốt, nay trở lại khoán quản nên tiêu điều, về nhà ông lại buồn. Có lúc ông mời những cán bộ cũ đến nhà để bàn về việc tiếp tục khoán hộ, nhưng lúc ấy đã có lệnh cấm của T.Ư, các quan chức lúc đó chẳng ai còn dám nghe ông nữa, chỉ có mỗi người dân là vẫn âm thầm làm khoán hộ, bất chấp tất cả lệnh cấm.

Năm 1979, ông Ngọc yếu nhiều, sau đó ông được đưa lên BV Việt Đức để chữa bệnh, nhưng do bệnh nặng ông mất ngày 26/5/1979. Đám tang của ông, theo bà Liên kể, có rất nhiều người nông dân đưa tiễn. Họ lặng lẽ đi sau linh cữu của ông, họ hiểu rằng họ đang đưa tiễn người cha của khoán hộ, khoán đã mang lại sự no đủ cho họ về nơi an nghỉ cuối cùng.


 Con đường đẹp nhất thị xã Vĩnh Yên mang tên ông Kim Ngọc.


Ông Nguyễn Thành Tô khẳng định, ông Kim Ngọc chưa bao giờ bị kỷ luật, kể cả trong khoán hộ mà chỉ bị làm bản kiểm điểm và tự phê bình nghiêm túc, sau khi có chỉ đạo của ông Trường Chinh.

Bà Lê Thị Liên, vợ ông Kim Ngọc kể: Ngay sau khi làm đơn xin nghỉ, ông ấy (chỉ ông Kim Ngọc) và tôi có ra Hà Nội thăm ông Trường Chinh, qua mấy vọng gác mới vào gặp được ông ấy. Ông Kim Ngọc trong cuộc nói chuyện khi đề cập đến khoán hộ, ông vẫn bảo lưu ý kiến, khẳng định sự đúng đắn của khoán hộ và cho rằng khoán quản mới là xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Thời đó, dám cãi vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước (ông Trường Chinh là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Thủ tướng bây giờ) là một việc vô cùng bạo gan. Nhưng vì cái đúng, ông Ngọc vẫn không ngại bầy tỏ quan điểm, đó mới là sự dũng cảm của người cộng sản. Sau này trước khi mất một thời gian, ông Trường Chinh có hối hận về một số sai lầm trước đây trong đó có việc kìm hãm khoán hộ của ông Kim Ngọc.

Ông Hoàng Quy, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, sau này là Bộ trưởng Bộ Tài Chính cũng nói: “Anh Kim Ngọc là người thông minh, dám nghĩ, dám làm, dám bảo lưu ý kiến...”. Ông Trần Lưu Vị, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc (được bầu sau ông Kim Ngọc và ông Hoàng Quy) cũng nói: “Cấp uỷ rất ân hận về chuyện anh Kim Ngọc”.

Bà Lê Thị Liên, vợ ông Kim Ngọc cho biết: Cách đây một thời gian bà có gặp ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Dưới thời ông Kim Ngọc, thì ông Ngọ là Giám đốc Sở Nông nghiệp, người đã thực hiện khoán hộ, để hỏi ông Ngọ về việc làm hồ sơ tôn vinh ông Kim Ngọc danh hiệu anh hùng, ông Ngọ hứa là đang làm. Rất tiếc, về Hà Nội chúng tôi liên lạc được với ông Ngọ, đặt vấn đề này nhưng không nhận được sự ủng hộ của ông Ngọ.

Thật lạ, một người mà tôi đã từng rất kính trọng như ông vì dám làm đơn xin từ chức khi cán bộ cấp dưới của mình vi phạm pháp luật trong vụ án Lã Thị Kim Oanh, một người cũng dám nghĩ, dám làm, dám xông xáo vì khoán hộ, nay lại dè dặt trong việc trả lời báo chí về việc ông Kim Ngọc.

Bài học của sự thật và dám nhìn vào sai lầm


Năm 1996, để tỏ lòng biết ơn ông, 2 ngôi trường nơi ông sinh ra ở xã Bình Định, huyện Yên Lạc được đặt tên ông.

Năm 2005, một trong  những con đường đẹp nhất của Vĩnh Phúc cũng được mang tên ông.

Tôi đứng trước bàn thờ ông Kim Ngọc và di ảnh ông, thắp nén hương. Ông có vầng trán cao và đôi mắt thật sáng, thông minh. Năm 2004, tỉnh uỷ Vĩnh Phúc tặng gia đình ông bức tượng tạc ông bằng đồng nặng tới 45 kg để biểu thị lòng kính trọng ông.

Bà Liên, vợ ông kể: Sau khi ông Ngọc mất ít lâu, có đoàn tỉnh đảng bộ Bến Tre (là tỉnh kết nghĩa với Vĩnh Phúc) ra thăm, tất cả đều đứng trước mộ ông mà khóc. Có người còn đề nghị, phải lập đền thờ cho ông, bởi ông thật sự là người có công với đất nước.

Tôi bỗng nhìn thấy bên mé bàn thờ ông có một tấm phướn đề câu thơ: “Ruộng đất công bằng nghĩa hiệp, thăng trầm người mở lối. Ý tưởng tuyệt vời của ông Kim Ngọc còn mãi với thời gian”. Hoá ra đó là mấy câu thơ của các cháu tổ bán báo “Xa Mẹ” ở Hà Nội dâng tặng. Có rất nhiều thư đã gửi về gia đình ông bày tỏ niềm kính trọng và biết ơn đến với ông. Nhiều người gọi ông là cha đẻ của khoán hộ, cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp.

Bà Lê Thị Liên kể: Năm bác Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) 90 tuổi, tôi đến chúc thọ Đại tướng. Bác Giáp khi đó nói chuyện với rất nhiều người, biết tôi là vợ ông Kim Ngọc, bác nói: Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong...”.

Năm 1988, ông Nguyễn Văn Linh, khi đó là Tổng Bí thư, một trong những vị lãnh đạo nổi tiếng dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới về thăm Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) nhắc đến ông Kim Ngọc cũng nói: Công lao của anh Kim Ngọc thật lớn, cần phải dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con người như anh Kim Ngọc”. 

20 năm sau khoán hộ của ông Kim Ngọc, năm 1988, nghị quyết về khoán hộ của Bộ Chính trị chính thức được ban hành (được gọi tắt là khoán 10). Nghị quyết này hoàn toàn dựa trên những kinh nghiệm đúc kết của nhiều tỉnh thành đã âm thầm áp dụng khoán hộ của ông Kim Ngọc.

Năm 1990, có nghĩa chỉ sau 2 năm áp dụng Nghị quyết 10, đã có sự thay đổi kỳ diệu trong nông nghiệp. Lần đầu tiên ta đã không phải nhập khẩu lương thực để cứu đói. Một năm sau, 1991, ta đã chủ động xuất khẩu được gạo và đến nay là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo với việc năm 2005 xuất khẩu tới 4 triệu tấn gạo. Trên tất cả các cánh đồng hiện nay, đều áp dụng cách khoán mà 40 năm trước ông Ngọc đã từng áp dụng.

 Mộ ông Kim Ngọc

Tôi đứng trước mộ ông, trên ngọn đồi cao và suy ngẫm: Giá như không có sự dũng cảm của ông, không biết vận mệnh đất nước đến nay sẽ ra sao? Mục tiêu của CNXH là làm cho dân no ấm, nhưng trên thực tế dân chỉ có nghèo đói thì làm sao dân có thể tin vào những mục tiêu cao cả này được. Ông Kim Ngọc là con người đã biết đi trước thời gian!

Tôi không muốn nhắc lại việc ông đã từng phải làm bản kiểm điểm, nhưng tôi viết loạt bày này trước thềm Đại hội Đảng với mong muốn: Liệu Đảng có coi đây là một trong những bài học quý giá hay không? Và chúng ta có dám dũng cảm điểm lại những bài học trong lịch sử cách mạng mà chúng ta đã phải trả những giá vô cùng đắt vì sai lầm hay không?

Có dũng cảm như vậy, chúng ta mới dám thừa nhận và ủng hộ cái mới và tránh được những sai lầm chúng ta đã từng mắc phải trong quá khứ. Có như vậy thì Nghị quyết của Đảng sắp tới mới thực sự đi được vào lòng dân.

(còn tiếp)

Đức Trung
http://dantri.com.vn/phong-suky-su/ong-kim-ngoc-co-bi-ky-luat-tu-toi-107434.htm

3.

Loạt bài của Vân Thảo trên TT.


Bí thư "khoán hộ" - Kỳ 1: Làm ăn như thế đói là phải

14/04/2009 07:30 GMT+7
Ngày 23-3-2009, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và gia đình cố bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc tổ chức lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh do Đảng và Nhà nước truy tặng. Bộ phim 50 tập Bí thư tỉnh ủy do Đài truyền hình VN thực hiện lấy nguyên mẫu ông Kim Ngọc chuẩn bị bấm máy.
.....................
Phóng to
Ông Kim Ngọc (trái) thăm ruộng lúa bị bệnh vàng lụi.Người đang báo cáo là ông Ngát - bí thư Huyện ủy Bình Xuyên - Ảnh tư liệu
Thêm vào đó là áp dụng một cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đối với hợp tác xã, vì thế chẳng bao lâu những nhược điểm, khuyết điểm của hợp tác hóa dần dần bộc lộ. Nông dân chẳng còn thiết tha với ruộng đồng, sản xuất theo kiểu đối phó, năng suất lúa năm sau tuột hơn năm trước. Nạn đói diễn ra thường xuyên. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng nằm trong hoàn cảnh trên. Điều đó khiến ông Kim Ngọc - bí thư tỉnh ủy - mất ăn mất ngủ.
Vì sao cấy không thẳng hàng?
"Xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình"
Ông Kim Ngọc
Ông Kim Ngọc tung cán bộ trong cơ quan tỉnh ủy và yêu cầu các bí thư huyện ủy trực tiếp đến tìm hiểu cụ thể nguyên nhân vì sao hợp tác xã làm ăn sa sút, thu nhập ngày công của xã viên không đủ nấu cháo. Bản thân ông cũng đi đến các hợp tác xã kiểm tra. Ông Nguyễn Thành Tô, thư ký riêng của ông Kim Ngọc, nhớ lại có một lần ông Kim Ngọc đến một hợp tác xã, lúc này bà con đang cấy vụ chiêm. Trời rét căm căm nhưng ông Kim Ngọc không vào trụ sở hợp tác xã mà đi thẳng ra đồng, muốn thấy tận mắt xã viên làm việc như thế nào, sau đó mới vào làm việc với ban quản trị hợp tác xã.
Từ xa nhìn thấy trên một đám ruộng cỏn con mà có đến hơn chục cô gái chen chúc nhau cấy, ông Kim Ngọc hỏi: “Sao các cháu không chia ra các nhóm cấy ở ruộng khác mà túm tụm vào nhau thế này?”. Một cô bảo: “Chúng cháu cấy thế này cho vui, hơn nữa ruộng có bừa kịp cho chúng cháu cấy đâu. Bác xem tổ bừa đang cắm bừa ngồi hút thuốc và nói chuyện vãn kia thì biết”.
Ông Kim Ngọc nhìn theo tay cô gái chỉ: cách chừng vài đám ruộng có đến sáu bảy anh đang cắm bừa giữa ruộng, ngồi trên đường ruộng hút thuốc lào và chuyện trò rôm rả. Nhìn lại đám ruộng các cô gái đang cấy thấy cây lúa xiêu vẹo chẳng ra đường lối, ông bảo: “Tiêu chuẩn kỹ thuật là phải cấy lúa thẳng hàng để dùng cào cỏ cải tiến, các cháu cấy thế này làm sao mà dùng cào cỏ được?”. Một cô bảo: “Đất bừa không kỹ làm sao chúng cháu cấy đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hả bác”.
Nghe cô gái nói vậy, ông Kim Ngọc bỏ dép, xắn quần nhảy xuống ruộng. Ông đưa tay quơ qua quơ lại thấy đất lổn nhổn, có cục to gần bằng nửa viên gạch thẻ, ông kêu lên: “Làm ăn như thế này thì chết đói thôi. Thế chủ nhiệm hợp tác và đội trưởng sản xuất không kiểm tra hả?”. Các cô gái nói ít khi thấy chủ nhiệm và đội trưởng sản xuất có mặt ở ruộng. Ông Kim Ngọc bảo cô gái đi tìm chủ nhiệm và đội trưởng sản xuất cho ông. Lát sau chủ nhiệm, phó chủ nhiệm và mấy anh đội trưởng sản xuất tới.
Ông chủ nhiệm xoa xoa hai tay vào nhau: “Bí thư xuống mà không báo cho chúng em biết để đón tiếp, mong bí thư thông cảm”. Ông Kim Ngọc hỏi: “Các anh biết vì sao các cô xã viên cấy cây lúa xiêu vẹo kia không?”. Một anh bảo: “Báo cáo bí thư trời rét quá, tay cóng nên cấy không được thẳng hàng ạ”. Nghe nói vậy ông Kim Ngọc giận dữ thật sự.
Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình
Ông Kim Ngọc nói như quát: “Xã viên rét cóng tay không cấy được lúa, còn các anh ở nhà đắp chăn ôm vợ phải không? Bây giờ cả mấy anh bỏ giày dép ra nhảy xuống ruộng”. Khi mấy cán bộ nhảy xuống ruộng, ông Kim Ngọc bảo: “Các anh đưa tay khua xem có bao nhiêu đất cục dưới ruộng nhặt hết để lên đường ruộng cho tôi”. Họ răm rắp làm theo, các cô gái nhìn thấy thế tủm tỉm cười.
Sau một hồi, ông Kim Ngọc bảo mấy cán bộ hợp tác: “Bây giờ thì các anh đã biết vì sao cấy không thẳng hàng rồi chứ?”. Họ nói lí nhí: “Biết rồi ạ”. Ông Kim Ngọc hỏi: “Các anh tính sao đây? Nhổ lên bừa kỹ rồi cấy lại hay sao?”. Trong khi họ chưa biết trả lời thế nào thì ông nói tiếp: “Nếu nhổ lên cấy lại thì các anh tự làm lấy chứ không được điều công của xã viên. Tháng nữa tôi xuống kiểm tra mà thấy các đám ruộng lúa còn xiêu vẹo thì đừng có trách”.
Nói xong ông Kim Ngọc đến chỗ nhóm xã viên đang ngồi hút thuốc ở đường ruộng. Chào hỏi xong, ông hỏi: “Trâu ốm, người ốm hay sao mà nghỉ cả loạt thế này?”. Mấy xã viên chưa biết ông Kim Ngọc nên trả lời trống không: “Đói ăn chứ chẳng ốm đau gì cả”. Ông Kim Ngọc nói: “Làm ăn kiểu này đói là phải, các ông còn trách ai”. Một anh nhìn ông Kim Ngọc rồi nói: “Ăn trắng mặc trơn như ông nói thế nào mà chả được. Có giỏi ông nhảy xuống ruộng mà bừa thử xem”. Nghe anh xã viên nói vậy, ông Kim Ngọc bảo: “Tớ nói cho các ông biết tớ từng đi làm tá điền cho địa chủ từ nhỏ, đừng có thách tớ”.
Nói xong ông Kim Ngọc cởi bỏ quần dài, áo khoác đưa cho thư ký Nguyễn Thành Tô cầm rồi nhảy ngay xuống ruộng lấy roi và bừa. Ông vút cây roi vào không khí vun vút, miệng hầy hầy giục trâu, con trâu ngoan ngoãn bước từng sải dài làm nước bắn lên tung tóe. Mấy xã viên ngồi trên bờ ngạc nhiên hỏi ông Tô: “Ông ấy là ai mà bừa giỏi thế?”. Ông Tô bảo: “Ông ấy là bí thư tỉnh ủy đấy”. Họ kêu lên: “Chết mẹ chúng tôi rồi”.
Có lẽ đã lâu mới cầm lại cái bừa nên máu nông dân trong người ông Kim Ngọc trỗi dậy. Ông bừa đến vài chục vòng bừa rồi mới cho trâu nghỉ và bước lên bờ rửa chân mặc lại quần áo. Mấy anh xã viên rối rít xin lỗi. Ông Kim Ngọc chỉ cười rồi ngồi sà xuống hút thuốc lào và hỏi han công việc làm ăn với các xã viên. Những chuyện mắt thấy tai nghe khiến ông trăn trở rất nhiều.
Trên đường trở về, ông hỏi người thư ký riêng: “Này Tô, nông dân chúng ta nổi tiếng cần cù, cậu thử nói cho tớ nghe vì sao họ lại lười biếng và làm ăn cẩu thả như vậy?”. Không cần suy nghĩ, ông Tô đáp luôn: “Chẳng qua là họ không coi ruộng đất của hợp tác là của mình”. Thấy người thư ký nói đúng với suy nghĩ của mình, ông Kim Ngọc vỗ đùi kêu lên: “Đúng, đúng. Xã viên không coi ruộng đất là của họ nên chẳng còn thiết tha gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình ông ạ. Đúng như thế”.
Không ngờ cái ý tưởng ấy đã khiến cuộc đời ông Kim Ngọc sau này chịu bao nỗi lao đao.
___________________
Ra một nghị quyết thay đổi cả một phương thức sản xuất đã trở thành nguyên tắc, điều lệ chẳng khác gì bắn phát đại bác công phá thành trì của chủ nghĩa giáo điều và bảo thủ. Phải táo bạo, dũng cảm lắm mới dám nổ súng. Và người dám làm việc ấy là ông Kim Ngọc.
Kỳ tới: Một quyết định táo bạo

Bí thư "khoán hộ" - Kỳ 2: Một quyết định táo bạo

15/04/2009 07:24 GMT+7
TT - Ở cương vị ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, trưởng ban nông nghiệp tỉnh ủy và cũng là người được ông Kim Ngọc phân công đi khảo sát tình hình các hợp tác xã, đồng thời là người tham gia soạn thảo nghị quyết 68 và sau đó được ông Kim Ngọc giao cho trực tiếp soạn thảo “Kế hoạch tiến hành khoán việc cho lao động, cho hộ, cho nhóm trong hợp tác xã nông nghiệp”.
Ông Nguyễn Văn Tôn là người biết rõ tất cả diễn biến trước và sau ngày diễn ra “khoán hộ”.
Ông Tôn nói: “Ra một nghị quyết thay đổi cả một phương thức sản xuất đã trở thành nguyên tắc, điều lệ chẳng khác gì bắn phát đại bác công phá thành trì của chủ nghĩa giáo điều và bảo thủ. Phải táo bạo, dũng cảm lắm mới dám nổ súng. Và người dám làm việc ấy là ông Kim Ngọc”.
Phóng to
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng (giữa) lên thăm và làm việc năm 1967, sau “khoán hộ” một năm ở Vĩnh Phúc. Ông Kim Ngọc (bìa trái) và trưởng ban công tác nông thôn Nguyễn Văn Tôn (bìa phải) báo cáo Thủ tướng về tình hình đồng ruộng - Ảnh tư liệu
Nghị quyết khoán hộ
Mặc dù chiến tranh ác liệt nhưng trải qua hai vụ sản xuất với hình thức khoán mới, nền nông nghiệp Vĩnh Phúc đã có bước tiến vượt bậc. Xin dẫn ra những con số sau đây để nhớ đến ơn người đã dám vượt lên chông gai vất vả đem lại no ấm một thời cho bà con nông dân.
Năm 1967 tuy chiến tranh ác liệt, hạn hán kéo dài nhưng toàn tỉnh đã có hai huyện, 46 xã và 160 hợp tác xã (hơn 70% số hợp tác xã) đạt năng suất bình quân từ 5 tấn đến trên 7 tấn/ha. Trong đó có bảy xã, 23 hợp tác xã đạt trên 6 tấn, bốn hợp tác xã đạt trên 7 tấn. Tổng sản lượng quy thóc năm 1967 toàn tỉnh đạt 222.000 tấn, tăng hơn năm 1966 là 4.000 tấn. Tổng đàn lợn có 307.000 con, tăng 20% so với năm 1966 và 38% so với năm 1965.
Ông Tôn nhớ lại khi ý định “khoán hộ” mới manh nha chứ chưa thành văn bản, ngay trong nội bộ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có người nói: “Thà đói chứ không làm trái với chủ nghĩa Mác - Lênin, không đi ngược lại con đường chủ nghĩa xã hội”. Trong thời gian này đã có một vài hợp tác xã nông nghiệp như Hòa Loan, Văn Quán, Tiên Hường… mạnh dạn tổ chức khoán việc cho nhóm, từng lao động và khoán cho hộ trong từng khâu công việc. Tuy chưa thật hoàn chỉnh nhưng đã hé ra tia sáng ở cuối đường hầm cho cách làm ăn của hợp tác xã nông nghiệp ngày ấy.
Với nhãn quan nhạy cảm, ông Kim Ngọc đã nhìn thấy hướng đi cho hợp tác xã qua việc thay đổi cách khoán của các hợp tác xã nói trên. Việc thường xuyên gặp gỡ trao đổi với nông dân, cộng với khảo sát của số cán bộ trong cơ quan được cử đến các hợp tác xã, ông Kim Ngọc rút ra được những kết luận hết sức quan trọng.
Trước hết tuy có hàng vạn thanh niên vào bộ đội nhìn chung lao động ở nông thôn còn khá dồi dào, nhưng do không quản lý tốt, sử dụng không hợp lý nên để lãng phí một lực lượng lao động đáng kể. Kết luận thứ hai: khi xây dựng hợp tác xã, người ta coi hộ là yếu tố cơ bản để tính quy mô hợp tác xã, phân bố tư liệu sản xuất, giao chỉ tiêu sản xuất kinh doanh…
Nhưng trong quá trình sản xuất lại tách hộ khỏi tư liệu sản xuất cơ bản nhất, do vậy đã triệt tiêu động lực của sự phát triển nên sản xuất kém hiệu quả. Đây là một kết luận cực kỳ quan trọng. Ông Lê Bùi, nguyên thường vụ tỉnh ủy, nói: “Kết luận này làm thay đổi tư duy khi nhìn nhận và đánh giá lại cơ chế của hợp tác xã. Nó mở đầu cho một tư duy mới, thừa nhận vai trò của hộ trong quá trình sản xuất”.
Ông Tôn nhớ lại: “Sau khi có những kết luận hết sức cơ bản về nguyên nhân yếu kém của hợp tác xã nông nghiệp, ông Kim Ngọc thay mặt ban thường vụ giao cho ban nông nghiệp soạn thảo một nghị quyết về quản lý lao động. Sau khi soạn thảo xong đem lên thông qua thì ban thường vụ đánh giá hướng đi là đúng nhưng chưa có tính thuyết phục. Tỉnh ủy giao cho ban nông nghiệp tiến hành làm khoán thử ở một hợp tác xã nào đó, lấy kết quả để bổ sung hoàn chỉnh nghị quyết”.
Chấp hành ý kiến của thường vụ, ông Tôn tổ chức một tổ công tác xuống hợp tác xã thôn Thượng, xã Tuân Chính làm thí điểm, giao khoán công việc cho nhóm, cho lao động và cho hộ thực hiện trong vụ mùa 1966. Mặc dù có những ý kiến trái ngược nhau nhưng cuối cùng tỉnh ủy cũng thông qua nghị quyết “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong các hợp tác xã hiện nay”.
Nghị quyết mang số 68 do ông Trần Quốc Phi, phó bí thư tỉnh ủy, trưởng ban công tác nông thôn, ký. Sau này bà con nông dân thường gọi tắt là nghị quyết 68 hoặc là nghị quyết khoán hộ.
“Cải tử hoàn sinh”
Ông Sen ở thôn Đại Phúc, xã Đạo Đức, nguyên là chủ nhiệm hợp tác xã thời kỳ “khoán hộ”, năm nay đã 81 tuổi, kể hôm ấy ông đang gặt cùng bà con xã viên ở ngoài đồng thì ông Kim Ngọc đi ra, cầm lên mấy bông lúa lần đếm từng hạt rồi đưa cho ông Sen, bảo đếm xem mỗi bông được bao nhiêu hạt chắc. Cả thảy 13 hạt chắc! Ông Kim Ngọc thở dài: “Hai bông lúa mà chỉ có 13 hạt xát được thành gạo làm sao mà sống nổi cho đến vụ mùa tới. Theo ông, có cách gì phá được tình trạng này không?”.
Ông Sen mạnh dạn thưa: “Chỉ có cách là bỏ lối khoán không hợp lý hiện nay để thay vào đó lối khoán khác tốt hơn”. Nghe ông Sen nói vậy mắt ông Kim Ngọc sáng lên: “Đúng là phải tìm một lối khoán hợp lý hơn. Nếu giao ruộng cho xã viên rồi khoán sản lượng họ phải nộp cho hợp tác xã, còn lại bao nhiêu mình hưởng, ông thấy thế nào?”. Ông Sen mừng rỡ: “Nếu được thế chắc chắn năng suất sẽ lên”. Ông Kim Ngọc lại hỏi: “Ông có dám làm thử không?”. Ông Sen ngập ngừng, ông Kim Ngọc nói ngay: “Ông sợ là phải. Đến như tôi là bí thư tỉnh ủy mà phải còn cân nhắc nữa là. Nhưng tôi sợ, ông sợ, mọi người đều sợ rồi để mặc nông dân chết đói hả ông?”. Câu nói ấy của ông Kim Ngọc khiến ông Sen như bừng tỉnh, ông hứa nếu tỉnh ủy giao cho hợp tác xã của ông làm thí điểm thì ông sẵn sàng.
Nghị quyết 68 đề ra nhiều cách khoán như: a) Khoán cho hộ làm một khâu hoặc nhiều khâu sản xuất trong một thời gian dài. b) Khoán cho hộ các khâu dài ngày hoặc suốt vụ. c) Khoán sản lượng cho hộ, cho nhóm. d) Khoán trắng ruộng đất cho hộ. Hình thức khoán trắng đơn giản, dễ tính toán nên được nông dân hưởng ứng rầm rộ và tự nó đã thành phong trào quần chúng rộng rãi trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc. Có thể nói khoán hộ là bước mở đầu cho một tư duy mới về quản lý kinh tế hợp tác xã. Nông dân Vĩnh Phúc nói gì sau khi có chủ trương khoán hộ?
Ông Bảo, người xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, vốn là một đội trưởng sản xuất thời trước và sau khoán hộ, năm nay đã 75 tuổi, kể: “Ngày ấy đói nghèo mà không hiểu vì sao mình lại đói nghèo. Hết ngày này sang ngày khác lăn trên đồng ruộng vẫn không đủ ăn. Chủ trương, chính sách, nguyên tắc điều lệ mình làm đúng răm rắp mà đói vẫn hoàn đói.
Một lần nghe nói trên Ninh Xá đang thu hoạch vụ khoai tây, tôi vơ vét mấy đồng xu còm cõi lên mua một ít về cứu đói cho gia đình. Tôi mua được chừng vài ba chục cân, nhưng khi vừa ra khỏi làng thì bị một đám học sinh chặn lại. Tôi tưởng chúng nó đùa. Đâu ngờ người ta thuê học sinh nếu bắt được ai mua lương thực của xã đưa ra khỏi địa phương đem nộp thì được thưởng. Tôi dở khóc dở mếu dắt xe đạp và chiếc sọt không về nhà. Đến khi có nghị quyết 68 ban xuống mới biết lâu nay mình làm như một cái máy”.
Ông Bảo lại cười rồi nói tiếp: “Cái anh khoán hộ ra đời chẳng khác gì thang thuốc cải tử hoàn sinh, không những chấm dứt được cái đói giáp hạt mà chỉ mấy vụ sau đó nhà nào thóc cũng chất đầy bồ. Bà con nông dân chúng tôi suốt đời không thể nào quên ơn này của ông Kim Ngọc. Sau này trung ương cấm khoán hộ nhưng bà con chúng tôi vẫn khoán chui. Cơm xúc vào bát rồi làm sao đổ đi được”.
Nghe ông Bảo nói tôi bỗng nhớ lại hai câu của các em bé bán báo treo ở nhà ông Kim Ngọc: “Ruộng đất cho đời công bằng nghĩa hiệp, thăng trầm người mở lối. Ý tưởng tuyệt vời của ông Kim Ngọc còn mãi với thời gian”.
Thế nhưng bà con chưa ấm no được lâu thì chủ trương “khoán hộ” bị phê phán nặng nề. Và chuyện đã đến: một đoàn xe của trung ương về kiểm điểm bí thư Kim Ngọc…
Kỳ tới:Như lưỡi tầm sét
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20090415/bi-thu-khoan-ho---ky-2-mot-quyet-dinh-tao-bao/311182.html

Bí thư "khoán hộ" - Kỳ 3: Như lưỡi tầm sét

16/04/2009 08:08 GMT+7
TT - Ngày 26-1-1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú với diện tích 5.103km2 và gần 1,3 triệu dân. Ông Kim Ngọc được cử giữ chức bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú. Trách nhiệm nặng nề lại đặt lên đôi vai gầy guộc của ông.
Ông Nguyễn Văn Tôn, trưởng Ban nông nghiệp tỉnh ủy Vĩnh Phúc, sau này liên tục trong ba nhiệm kỳ từ 1977-1985 giữ chức phó bí thư rồi bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phú, nhớ lại việc sáp nhập tỉnh đẻ ra không biết bao nhiêu khó khăn. Đất rộng, người thưa, địa hình chia cắt. Tư tưởng địa phương chủ nghĩa khiến nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng. Trong khi đó chiến tranh ngày một ác liệt. Hậu phương trở nên xơ xác, chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em tham gia lao động sản xuất.
Phóng to
Ông Kim Ngọc (ngồi giữa) nghe chủ tịch ủy ban hành chính Hồ Ngọc Thu báo cáo kế hoạch sản xuất đông xuân -Ảnh tư liệu
Bị phê phán gay gắt
Phú Thọ lúc đó chưa có chủ trương “khoán hộ”. Chỉ có một số hợp tác xã biết “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc mang lại hiệu quả kinh tế nên bí mật làm theo. Đứng trước tình hình khó khăn đó, tháng 10-1968 Tỉnh ủy Vĩnh Phú ra nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế và triển khai một số nhiệm vụ lớn trong năm 1969.
Nhiệm vụ đặt ra là phải củng cố phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và cải tiến công tác quản lý lao động, do đó Tỉnh ủy Vĩnh Phú chủ trương thống nhất áp dụng phương pháp khoán theo tinh thần nghị quyết 68 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trước đây. Đây là một quyết định vì lợi ích chung nhưng vì nhiều lý do khác nhau, một số người phản đối kịch liệt. Họ lấy lý do “khoán hộ” là đi ngược lại chủ trương đường lối tập thể hóa xã hội chủ nghĩa, đưa nông dân trở về với con đường làm ăn riêng lẻ theo chế độ tư bản.
Có người còn nói nghị quyết 68 là mũi xung kích tấn công vào thành trì xã hội chủ nghĩa. Dường như mọi mũi dùi đều chĩa vào ông Kim Ngọc và ông Nguyễn Văn Tôn là hai người khởi thảo và hoàn chỉnh nghị quyết 68 trước đây. Có lẽ đây là những đám mây u ám nhỏ để sau này tụ lại thành đám mây lớn tạo nên những cơn sấm sét giáng xuống đầu ông Kim Ngọc.
Chủ trương “khoán hộ” bị phê phán: “Khoán cho hộ thực chất là trở lại cách làm ăn cá thể. Nó phá vỡ nội dung của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, làm cho hợp tác xã chỉ còn là hình thức. Nó không những sai lầm về phương pháp quản lý mà còn trái với đường lối hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng và của Nhà nước…”.
“Bằng cách giao khoán ruộng đất của hợp tác cho hộ, trong một số hợp tác xã đang diễn ra tình trạng chia lại ruộng đất… Bằng cách khoán sản lượng cho hộ, một số hợp tác xã đã biến mình thành người phát canh thu tô đối với xã viên… Trong nhiều hợp tác xã, phương thức sản xuất cá thể đang lấn át phương thức sản xuất tập thể… Ở một số địa phương, đường lối và nguyên tắc hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng bị vi phạm nghiêm trọng”...
Mặc dù có đôi ba ý kiến phản đối gay gắt nhưng “khoán hộ” vẫn được áp dụng ở phần đất thuộc Phú Thọ cũ. Cũng như ở tỉnh Vĩnh Phúc trước đây, nhờ áp dụng “khoán hộ” nên huy động được lực lượng lao động đông đảo thay thế cho người ra mặt trận, khuyến khích mọi người hăng hái sản xuất, năng suất lúa ngày một tăng, đời sống nông dân ngày càng được cải thiện. Để tránh tình trạng cha chung không ai khóc, một số hợp tác xã còn mạnh dạn bán lại những vật tư thô sơ như xe cải tiến, cày bừa, cào cải tiến, bình bơm thuốc trừ sâu… cho hộ xã viên.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Một tổ phái viên của trung ương được cử lên Vĩnh Phú để “kiểm tra” tình hình sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp. Ngày 6-11-1968, tại hội nghị cán bộ tỉnh Vĩnh Phú chủ trương “khoán hộ” bị phê phán gay gắt: “Nói tóm lại việc khoán ruộng cho hộ đã dẫn đến hậu quả tai hại là phát triển tư tưởng tự tư tự lợi, làm phai nhạt ý thức tập thể của xã viên, thủ tiêu phong trào thi đua yêu nước trong hợp tác xã. Kìm hãm và đẩy lùi cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp; giảm nhẹ vai trò của lao động tập thể xã hội chủ nghĩa, phục hồi và phát triển lối làm ăn riêng lẻ, đẩy hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vào con đường thoái hóa và tan rã”. (Trích tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Vĩnh Phúc).
“Làm cho dân no ấm chứ có phản dân hại nước gì mà kiểm điểm?”
Ông Nguyễn Văn Tôn nhớ lại ông Kim Ngọc đã rất thẳng tính: “Mấy lần anh ấy nhấp nhổm định đứng lên để tranh cãi nhưng nghĩ thế nào anh lại dằn lòng mình lại được”. Là một người rất có nghị lực, nhưng sau ngày đó ông Kim Ngọc sống như người mất hồn. Một hôm đang ngồi ông Kim Ngọc bỗng nói hắt ra: “Thế là hết!”. Khi ông Tôn hỏi hết chuyện gì, ông Kim Ngọc bảo: “Trước sau gì khoán hộ cũng bị cấm. Nông dân lại trở về cảnh ngửa nón nhận mấy lạng thóc một ngày công. Quanh năm lo cái đói giáp hạt”. Nhưng rồi bỗng ông chuyển giọng: “Không thể bỏ khoán hộ. Phải tìm mọi cách duy trì dưới mọi hình thức khác nhau ông ạ”.
Nhưng chưa biết duy trì “khoán hộ” bằng cách nào thì tỉnh ủy nhận tiếp thông tri “Về việc chỉnh đốn công tác ba khoán và quản lý ruộng đất của hợp tác xã nông nghiệp” của trung ương ký ngày 12-12-1968. Thông tri này cũng đề ra phương hướng sửa chữa việc “khoán hộ”. Đây được coi như lưỡi tầm sét thứ hai giáng vào “khoán hộ” và ông Kim Ngọc.
Bà Lê Thị Liên - vợ ông Kim Ngọc - kể: “Chiều hôm ấy, tôi đi làm về thấy có những chiếc xe đậu ở cơ quan tỉnh ủy và mấy chú ở văn phòng đang đứng túm tụm có vẻ lo âu, tôi liền hỏi chú Nguyễn Thành Tô là thư ký riêng của ông nhà tôi: “Xe ai mà nhiều thế?” Chú Tô bảo: “Xe của trung ương về kiểm điểm bí thư”. Tôi hỏi ông ấy có chuyện gì mà trung ương về kiểm điểm, chú Tô bảo: “Kiểm điểm về việc khoán hộ”.
Nghe chú Tô nói vậy, tôi liền nói ngay: “Khoán hộ là làm cho dân no ấm chứ có phản dân hại nước gì mà kiểm điểm?”. Nói xong tôi đi về nhà. Đến nơi tôi thấy ông nhà tôi lót chiếc dép ngồi ở hiên, mặt mày hốc hác. Mọi khi có chuyện gì bực bội hoặc vui mừng ông ấy đều hút thuốc lào liên tục, nhưng lần này thấy không có điếu cày bên cạnh, tôi biết tình hình nghiêm trọng lắm rồi. Tôi hỏi có chuyện gì vậy, ông ấy im lặng không trả lời. Tôi gặng hỏi mãi ông ấy mới bật ra được mấy tiếng: ”Tôi buồn quá!”. Cuối cùng ông cũng nói cho tôi biết ông và thường vụ tỉnh ủy bị phê phán nặng nề về chủ trương “khoán hộ”.
Bà Kim Ngọc lặng yên giây lát rồi kể tiếp: “Nhà tôi nằm thở dài chán lại ngồi lên đi ra hiên hút thuốc lào. Lát sau ông đứng lên quay vào nhà soạn các tấm ảnh chụp từ trước đến nay dốc ra bàn nhặt từng tấm lên ngắm nghía. Cuối cùng ông chọn một số tấm bỏ riêng ra một bên, cho các tấm còn lại vào bao. Đắn đo giây lát, ông mở bóng đèn ra rồi đưa các tấm ảnh trên tay vào đốt.
Tôi nhanh tay giật các tấm ảnh lại và nói với ông: “Các ông trên trung ương chưa hiểu mình thì mình thanh minh chứ mấy tấm ảnh có tội tình gì mà đốt đi? Quá lắm các ông ấy cách cái chức bí thư của ông là cùng chứ việc gì mà khổ sở như vậy?”. Ông ấy lặng yên một lát rồi nói: “Chức bí thư của tôi chẳng có quyền mà cũng chẳng có lợi. Con cái thì tôi đã dạy chúng nó phải tự đi bằng đôi chân của mình chứ có đừng núp bóng của bố để tiến thân. Chúng nó đã nghe lời dạy bảo của tôi, dù tôi có mất chức bí thư cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chúng nó. Tôi lo nghĩ là lo nghĩ chuyện khác. Tình hình này không trước thì sau “khoán hộ” sẽ bị cấm. Nông dân lại trở về làm ăn theo hiệu lệnh tiếng kẻng, tình trạng giong công phóng điểm như trước đây được lặp lại. Đã no lên được mấy năm, giờ quay về với tình trạng đói kém triền miên, bà bảo tôi không lo nghĩ sao được”.
________________________________
Ông Kim Ngọc sau đó phải viết kiểm điểm thừa nhận “quan điểm lập trường còn mơ hồ nên chưa quán triệt đường lối, nguyên tắc, chính sách của Đảng trong việc quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp”. Trong khi đó thực tế lại khác.
Kỳ tới: “Khoán chui”
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20090416/bi-thu-khoan-ho---ky-3-nhu-luoi-tam-set/311366.html

4.

0 Response to "Kim Ngọc đọc lại (1) : Vinh danh của thời hiện tại"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn