Rừng in sương xuống đè cây lá
Mỗi bước đi trong một bóng đêm
Xung quanh không biết còn ai nữa
Hay chỉ mình ta bước lẻ loi.
***
Chân này thì bước mừng hay tủi
Gậy này thì chống nhớ hay quên
Đất nhà thì hết sang đất lạ
Ngay mai khuất bóng xóa tuổi tên.
Chân này thì bước mừng hay tủi
Gậy này thì chống nhớ hay quên
Đất nhà thì hết sang đất lạ
Ngay mai khuất bóng xóa tuổi tên.
5 năm trước, trên blog cũ, đã giới thiệu về thơ của người lính Trần Kim Trọng. Viết ngay sau buổi chiều gặp một người đồng đội cũ của anh, là cựu chiến binh Võ Minh. Anh Võ Minh đã tập hợp thơ của đồng đội cũ, từ sổ tay trong ba-lô, và xuất bản vào năm 2008.
Hôm gặp anh Võ Minh, còn có thêm cả bác Nguyễn Vĩnh Tuyền - là thân phụ của Nguyễn Vĩnh Tiến. Lần đầu tiên gặp bố Tiến, và thấy thú vị bởi sự trẻ trung của ông.
Tập thơ do Võ Minh biên tập có lời tựa của Nguyễn Trọng Tạo - cũng là một cựu chiến binh.
Bây giờ, chép lại từ blog cũ (bản tàn khuyết, đã bay hết ảnh).
Từ đây trở xuống là entry cũ (có vài chỗ biên tập chút xíu sau 5 năm).
Thôn Cả xứ Dâu, những ngày sakura rụng tả tơi trong đợt mưa rét
12/04/2015
---
Những bài thơ lính đáng đọc : Trần Kim Trọng (1952-1972)
Có một đoàn quân mang tên "Trung đoàn 271".
Một số chỗ thấy ghi "Trung đoàn 271 anh hùng". Đây vừa là cách gọi tắt của một đơn vị đã được trao tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, vừa là một tính từ quen dùng của mỗi người lính thuộc trung đoàn. Bất luận thế nào, thì "anh hùng", ở đây, trước hết là để chỉ thời kháng chiến chống Mĩ.
Một số chỗ thấy ghi "Trung đoàn 271 anh hùng". Đây vừa là cách gọi tắt của một đơn vị đã được trao tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, vừa là một tính từ quen dùng của mỗi người lính thuộc trung đoàn. Bất luận thế nào, thì "anh hùng", ở đây, trước hết là để chỉ thời kháng chiến chống Mĩ.
Những người lính sinh vào đầu thập niên 1950, nhập ngũ ở tuổi mười chín hay đôi mươi. Nhiều người đã ngã xuống, mãi mãi không trở về. Nhiều người nay là cựu chiến binh (một số trong đó hiện là bờ-lốc-gơ, là bạn của blog này).
Anh Võ Minh, một người cựu chiến binh của trung đoàn 271, một bạn bơ-lốc-gơ của tôi, vào cuối năm 2008, có cho xuất bản tuyển tập thơ nhiều tác giả Bài thơ viết dở (Nxb Hội Nhà văn 2008, Võ Minh tuyển chọn).
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có viết một lời tựa dài 9 trang (khổ sách 13 – 21) cho tuyển tập thơ này, với tiêu đề "Thơ những người bạn lính". Xin được nói thực, dù có làm mếch lòng một ai đó, rằng đây là một lời tựa viết tương đối nhạt ! Nhạt ngay cả với tính thù tạc, chứ chưa nói đến việc cảm thụ thơ (không rõ bác nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thiếu thời gian, hay thiếu một cái gì đó).
Những gương mặt thơ được giới thiệu trong tập gồm có: Nguyễn Khánh Thụy, Trần Kim Trọng, Liệt sĩ Trung (liệt sĩ chỉ nhớ được tên, không có họ, quê ở Nam Đàn – Nghệ An), Hồng Công, Lê Cường, Hồ Xuân Hùng, Lê Lâm, Hoàng Liêm, Chu Văn Mẫn, Nguyễn Hoàng Nam, Đặng Đình Phú, Nguyễn Tâm, Nguyễn Văn Tân, Trần Anh Phương, Nguyễn Văn Thưởng, Bùi Khắc Ngân.
Vậy là có 16 nhà thơ lính.
Người tập hợp thơ của các anh là Võ Minh – một người cựu chiến binh của Trung đoàn (tại ngũ trong các năm 1971-1974), sau này trở thành một kĩ sư điện. Anh Võ Minh có lẽ không viết thơ mà chỉ viết văn, tác phẩm đáng đọc của anh là cuốn mới xuất bản mang tựa đề Hồi ký – Có một thời như thế (Nxb Thanh Niên, 2009, 256 trang).
Tôi chú ý nhiều đến thơ của một người lính đã hi sinh, anh Trần Kim Trọng (1952 – 1972 —- hi sinh ngày 29/4/1972 tại Bến Cầu, Tây Ninh).
Về thơ Trần Kim Trọng, cần phải viết một số entry, nên ở entry đầu tiên này, chỉ xin trích giới thiệu ở đây một vài bài.
Từ đây trở xuống là thơ của Trần Kim Trọng qua tuyển chọn của Võ Minh (sách đã dẫn, trang 15 – 30).
1.
ĐÊM NAY
Đêm nay đứng gác mé rừng im
Trông ngọn đèn xa nhớ sách đèn
Nơi đây sông núi đều lạc hẳn
Chỉ còn có một ánh trăng quen.
Đoàn mây trôi, trôi lại dừng
Ra rả lùm cây tiếng côn trùng
Chốn cũ nào ai còn thức đó
Chia ấm cho nhau đuổi lạnh lùng.
2.
ĐÔNG ĐẾN TRONG LÒNG
Nửa thấy xôn xao nửa thấy buồn
Lại vừa ai ghét lại ai thương
Thử xem được mấy ngày tươi sáng
Khi gió đông về thổi lạnh xương.
Ai đi đâu đó tìm vui mới
Ta chỉ quanh co một đôi vần
Gió rét trong lòng cho nên mới
Tiếc nước thu mà nhớ nắng xuân.
Thôi thôi ta chẳng kiếm tìm chi
Một chút tình vui chẳng đến gì
Kẻo lại mua buồn thêm nặng gánh
Ở nơi đất ấy đợi ngày mai.
3.
MỘT NGÀY DÃ NGOẠI
Sáng thì ăn tối, tối ăn trưa
Báo động ra đi tự ba giờ
Nhấp nhố màn đêm vu vơ bước
Vũ trụ mênh mông ánh trăng mờ
Tai mong một tiếng gà leo lét
Dõi tìm dấu vết của ngày mai
Mắt mong một ánh vừng đông chiếu
Xem lối hành quân bớt dặm dài
Rừng in sương xuống đè cây lá
Mỗi bước đi trong một bóng đêm
Xung quanh không biết còn ai nữa
Hay chỉ mình ta bước lẻ loi.
4.
TỨC CẢNH LÊN ĐƯỜNG
Nào đón đưa chi nhỉ cho phiền
Đường xa kệ xác mặt trời lên
Vì non nước nhà đầu quay chút
Bởi tình sinh tử bóng theo bên
Chân này thì bước mừng hay tủi
Gậy này thì chống nhớ hay quên
Đất nhà thì hết sang đất lạ
Ngay mai khuất bóng xóa tuổi tên.
0 Response to "Văn nghệ thứ Bảy : đọc lại thơ lính Trần Kim Trọng (1952-1972)"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn