Hôm trước, đã bắn tin cho nhà Quảng Lợi trên phố Hàng Bông, nhân nói về Hà Nội của 90 năm trước (xem lại ở đây).
Hôm nay, thì giới thiệu về nhà Lợi Quyền trên phố Hàng Ngang. Nếu nhà Quảng Lợi chuyên về mũ, thì nhà Lợi Quyền nổi tiếng về lụa.
Mà có cái hay là, hôm nay, mình chưa kịp viết gì, đã thấy luôn trang của con cháu nhà này.
Vậy nên, tạm thời đưa tư liệu của con cháu nhà Lợi Quyền viết về chính nhà Lợi Quyền về blog (từ đây trở xuống).
---
Xin chào các thân hữu đã ghé thăm
01.02.201018.01.2010 bởi loiquyen
01.02.201008.03.2011 bởi loiquyen
1935 – 1937
Hiệu Lợi Quyền chuyên bán vải, tơ lụa nằm giữa phố Hàng Ngang tại nhà số 27. Hàng Ngang là một phố cổ của Hà Nội, có từ đời Lê (xem bài Phố Hàng Ngang ngày ấy). Nhà này thuê của một người Hoa kiều.
Nghe nói khi mới mở hiệu, phải quét dọn mấy buổi mới xong vì bụi ngập cao hàng chục cen-ti-mét, do nhà đóng cửa không có người ở đã mấy năm sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế đầu thập kỷ 30 của thế kỷ 20.
Lúc mới thành lập cửa hiệu bắt đầu dưới hình thức của một công ty cổ phần gồm các ông Nguyễn Như Mậu, Mai Bá Lân, và Vương Xuân Toạ.
Dự định khai trương tháng 8-1935. Để lôi cuốn sự chú ý của khách hàng, các chủ nhân tương lai cho in những tờ rơi : trong đó nhấn mạnh đến các ưu điểm cần có của một hiệu buôn là “buôn bán lành nghề, chuyên về tơ lụa vải” ; độ tin cậy mà khách hàng chờ đợi là “buôn tận gốc, bán rất hạ (giá) và thật thà” ; “tên hiệu Lợi Quyền được nhắc đi nhắc lại nhiều lần” để in sâu trong óc khách hàng khi đọc (trích thư gửi ông Mai Thiệu Thuật ngày 14/7/1935). Ngày khai trương ông Thuật, bạn người cùng quê với ông Lân giỏi nghề bốc thuốc và chữ Hán, có mừng đôi câu đối như sau :
Cẩm tú sơn hà tư hậu Lợi
Kim tiền thời đại trọng thương Quyền
dịch nghĩa là : non sông gấm vóc giúp cho ta mối lợi to /thời đại kim tiền chú trọng việc buôn bán, cái hay của đôi câu đối là đã lồng được tên của hiệu Lợi Quyền như yêu cầu của chủ nhân.
Đã tích luỹ được kinh nghiệm buôn bán từ khi làm việc cho hiệu Phúc Lợi của cụ Trịnh Phúc Lợi, lại là người khéo ngoại giao ô. Mai Bá Lân nhanh chóng trở thành bạn hàng của các hãng buôn lớn nước ngoài lúc bấy giờ. Hãng châu Âu thì có Denis Frères, Optorg, Diethelm, Ogliastro. Ngoài ra còn giao dịch với các cửa hàng lớn như Đức Nguyên (Tak Yune), Chí Xương (Tzi Cheong) của người Hoa ; như Muthurama (Hàng Đào) hiệu ông Sàm (Hàng Ngang) người Ấn độ.
1937 – 1940
Sau hai năm hoạt động đến tháng 02-1937 ô.Nguyễn Như Mậu rút khỏi công ty. Ông Mậu ra mở hiệu Phát Đạt, nhưng đó là việc sau này. Còn ông Mai Bá Lân trở thành chủ nhân chính thức của hiệu Lợi Quyền. Lúc này có cụ Lý (Nguyễn thị Trung), và ô. Vương Xuân Toạ cùng trợ lực
Những năm này nền kinh tế thế giới đã phục hồi. Hiệu Lợi Quyền bây giờ đã trở thành một hiệu buôn lớn. Trong nước địa bàn giao dịch xuyên suốt từ Bắc chí Nam. Hàng của Lợi Quyền bán sang tận Vân Nam, Quảng Châu Văn (Trung Quốc) ; Thakkhet, Vientiane, LuangPrabang (Lào), nhưng hình như không giao dịch nhiều với Cao Miên (Campuchia). Khách mua hàng từ các tỉnh trực tiếp về tận nơi mua hàng, hoặc đặt hàng theo thể thức “lĩnh hoá giao ngân” tức là trả tiền bằng phiếu gửi tiền (mandat) sau khi đã nhận hàng.
Mặt hàng bán ra ngày càng đa dạng. Vải thì có vải nhuộm chàm cho khách các tỉnh Hà Giang, Lào Kay, Yên Báy. Có khi các tỉnh Tây Bắc mua nhiều để rồi lại tiếp tục bán đi các tỉnh từ Hoà Bình đến Phong Thổ, Lai Châu để may trang phục dân tộc. Vải kẻ ô (carô) chủ yếu được người vùng Móng Cáy, Tiên Yên và người gốc Hoa tiêu thụ.
Hàng đặc sản thì có vải nhung (nhung thường, nhung the), vải len may quần áo tây (Dortmeuil ?) chính hiệu nhập từ châu Âu, lụa bombay (Ấn độ hay Pakixtan) lụa tơ tằm Hà Đông may áo dài phụ nữ, lĩnh (lãnh) đen của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu long, đũi tơ tằm An đông. Nhưng hình như các đặc sản không phải là thế mạnh của Lợi Quyền mà các loại vải chúc bâu trắng (calicot), vải mộc, vải nhuộm nâu, nhuộm chàm, nhuộm đen mới là mặt hàng chính. Các loại vải này có khi bán trực tiếp, có khi đóng bưu kiện nhỏ hay lớn với số lượng hàng vài, ba chục kiện mỗi ngày. Để đóng gói các kiện hàng đó phải sử dụng đến hàng chục người làm cả ngày có khi tới 1-2 giờ khuya mới xong việc. Chuyên chở thì đã có một đội chuyên môn, gọi là đội bát tê (từ chữ porteur có nghĩa là người mang vác ở các nhà ga, bến tàu gọi trại đi) đứng đầu là bác Duyệt, một trong những cai bát tê nổi tiếng ở Hàng Buồm, dùng xe bò do người kéo. Bác Duyệt chuyên chở hàng cho Lợi Quyền từ những ngày đầu của cửa hàng cho đến khi bác ấy mất. Người con trai tên là Chinh tiếp tục sự nghiệp của bố cho mãi đến 1954 mới thôi.
Đội ngũ phục vụ cũng phát triển cùng với sự lớn mạnh của cửa hàng. Tất cả các vị trong Ban Giám đốc đều tham gia các hoạt động của cửa hàng. Sau này còn có bà Vương thị Lai, phu nhân của ông Mai Bá Lân thường gọi là bà Lân, nhận nhiệm vụ thủ quỹ.
Bán hàng có các ông Khuếch, Ngọ, Đảng, Thạch, Hậu đều cùng quê với ông Lân, Thắng ở Quế Dương, bà Nghĩa là em bà Lân (lúc trẻ thường gọi là cô Tẻo). Ông Ngọ sau một cơn đau bụng cấp đi cấp cứu ở nhà thương Phủ Doãn nhưng không qua khỏi có lẽ do bị thủng dạ dày ? ông Đảng là em họ ông Ngọ còn làm mãi cho đến tận năm 1954.
Ban thư ký lúc đầu và có ông Thuật (thường gọi là ông Chánh Thuật) ; sau này có ông Bật, em vợ ông Thuật, các ông Tuân quê ở Trần Đăng, ông Mùi. Các ông Thuật, Bật, Hậu chỉ làm trong một thời gian ngắn rồi nghỉ không rõ vì sao.
Trên biểu tượng của Lợi Quyền có hình chiếc thuyền với những cánh buồm. Người bây giờ nhìn biểu tượng đó không thể không liên tưởng đến biểu tượng của thành phố Paris cũng có con tàu buồm với tiêu đề FLUCTUAT NEC MERGITUR bằng tiếng la-tinh có thể tạm dịch là “dù bị sóng vùi dập nhưng không chìm”. Phải chăng số phận của hiệu Lợi Quyền cũng sẽ như thế ? Dù có lúc trồi lên trụt xuống vì sóng gió thời cuộc nhưng tinh thần của những người sáng lập hiệu Lợi Quyền và con cháu sẽ không bao giờ chìm như tiêu đề của TP.Paris vậy !
XƯỞNG SẢN XUẤT Ô LỢI QUYỀN
Lợi Quyền trước làm đại lý độc quyền bán ô (dù) cho hãng Diethelm. Cuối những năm 30 do Đại chiến thế giới II lan rộng ở châu Âu, ô của Diethelm nhập về Việt Nam khó bán vì giá thành quá cao. Lúc này Lợi Quyền nghĩ tới việc phải mở xưởng sản xuất ô ở ngay Việt Nam thì mới hạ giá thành được.
Xưởng làm ô đặt ngay tại nhà của ông Mai Bá Lân ở Bưởi (Yên thái). Ngôi nhà này rất rộng, mua lại của ông Sáu Tân người làng Bưởi. Ông Sáu Tân đã bán nhà này để chuyển vào Sài gòn. Ngay cổng vào có một lối đi rộng, ở bên trái là một lớp nhà một tầng có gác sân, dùng làm phòng khách có cửa mở ra con đường chính, chạy từ Cầu Giấy qua chợ Bưởi về đến ngã ba Nhật Tân. Bên trái phòng khách còn có một phòng rộng có thể làm phòng ngủ. Qua lớp nhà ngoài này tới một cái sân rộng có một cái giếng nước khá nhiều và trong, giữa sân giếng có một bể xây nối liền với mặt bằng ở trên trong có đặt núi non bộ ; qua sân giếng, trèo lên một tam cấp thì tới một mặt bằng rộng cao hơn sân giếng khoảng 40-50cm có nhà thờ lợp ngói, có vườn hoa bao quanh bởi các luống cỏ tóc tiên. Trong vườn hoa có trồng một cây doi một cây bưởi và một cây hồng bì. Bên phải của vườn hoa còn có một kiến trúc bằng gạch gọi là “cây hương” để thờ thần. Đi hết vườn hoa thì tới các công trình phụ nối với một khu đất còn để trống rộng khoảng 80-100m2 ở bên phải. Địa hình của ngôi nhà giống như một chữ L lộn ngược.
Nhà này (gọi tắt là nhà Bưởi) là chỗ nghỉ mát khi ở trong phố quá nóng. Khi mở xưởng ô thiết kế cũ của ngôi nhà đã được sửa lại theo yêu cầu của sản xuất. Nhà thờ được sửa lại làm khu văn phòng hành chính, nhà kho. Vườn hoa vẫn được giữ lại. Nhưng các chỗ đất trống được cải tạo và xây dựng thành các phân xưởng để chế tác các bộ phận khác nhau của cái ô. Các chi tiết bằng sắt đều có thể chế được trong xưởng trừ cán ô bằng song, khâu mạ kền phải thuê cơ sở ở ngoài. Phân xưởng cơ khí chiếm toàn bộ khu đất trống đuôi chữ L ngược với hàng chục máy “cóc” đột, dập, mài, đánh bóng để làm các chi tiết của gọng ô. Ngoài ra còn có các phân xưởng khâu may mái ô. Xưởng sử dụng hàng trăm thợ làm việc ; phong cách làm việc đã có dáng dấp của một cơ xưởng chuyên nghiệp. Giờ làm việc được quy định và niêm yết rõ ràng, có báo hiệu bằng đánh kẻng. Nơi cổng vào có một bảng gỗ to có đánh số để người thợ móc tấm thẻ có số hiệu đã quy định cho mình vào đúng số tương ứng để chấm công. Nhớ lúc đó chưa có các hoạt động văn nghệ như các nhà máy bây giờ, nhưng anh em công nhân đã tổ chức một đội bóng đá để đấu giao hữu với các đội khác trong vùng như nhà máy bia Hommel, Sở xe điện Thụy Khuê v…v. Xưởng do ông Tọa, đã học qua Trường Bách nghệ Hà Nội phụ trách .
https://loiquyen.wordpress.com/2011/03/08/hi%E1%BB%87u-l%E1%BB%A3i-quy%E1%BB%81n-27-hang-ngang/
PHỐ HÀNG NGANG NGÀY ẤY …
“ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn !”.
Chế Lan Viên
Tôi sinh sống ở nhà số 27 Hàng Ngang (tên thời Pháp thuộc là rue des Cantonais) từ năm 1935 đến năm 1960, từ lúc 5 tuổi cho đến năm 30 tuổi. Sau đó mặc dù không còn ở Hàng Ngang nhưng tôi vẫn thường xuyên lui tới phố này để thăm gia đình bà dì tôi có cửa hàng buôn bán ở số nhà 59. Tính ra tôi đã gắn bó với phố Hàng Ngang ít ra cũng gần 50 năm trời.
Từ 1985 đến nay gia đình tôi chuyển hẳn vào ở TP.HCM, những dịp ghé thăm phố xưa chỉ thoáng qua trong chốc lát. Ngày nay dù năm tháng đã qua đi, biết bao vật đổi sao rời nhưng những kỷ niệm và ký ức tuổi thơ vẫn sống động không hề phai nhạt trong trí nhớ của tôi.
Nằm ngay giữa trung tâm “khu phố cổ Hà nội”, trên trục đường nối Chợ Đồng Xuân với hồ Hoàn Kiếm nhưng phố Hàng Ngang còn chưa được chú ý. Nói đến các phố cổ Hà Nội người ta chỉ chú ý đến Hàng Đào, Hàng Gai hay “Hàng nảo, Hàng nao” mà hầu như quên mất Hàng Ngang. Thực ra Hàng Ngang đã có vai trò khá quan trọng về nhiều mặt trong lịch sử cận đại của Hà Nội, cũng như của cả nước. (Còn 1 kỳ)
VÀI DÒNG VỀ LỊCH SỬ TÊN PHỐ HÀNG NGANG
Vị trí phố Hàng Ngang ngày nay, xưa vốn là đất thuộc phường Diên Hưng, một trong 36 phường được đặt tên dưới thời Hồng Đức như : Diên Hưng[i], Đồng Lạc, Đồng Xuân, Thái Cực (lúc đầu là Hàng Đào) v…v. Khái niệm Phường lúc đó bao gồm một khu vực rộng có thể có nhiều làng, chứ không chỉ có ý nghĩa là đơn vị hành chính như Phường ngày nay. Như vậy phố Hàng Ngang ngày nay, xưa kia có thể là một làng nằm trong Phường Diên Hưng cổ. Làng này nay vẫn còn dấu tích đình của làng tại nhà số 3 phố Hàng Ngang nhưng đã được dồn lên gác ba[ii]. Thời Pháp thuộc phố Hàng Ngang có tên gọi “rue des Cantonais” nghĩa là phố “người Quảng Đông”. Ý nghĩa của tên gọi này chắc hẳn có từ đời Lê, vì sau khi nhà Minh bên Tàu rơi vào tay nhà Thanh nhiều người Trung Quốc phải rời bỏ đất nước của họ di cư xuống phía Nam, và một bộ phận những người Tàu gọi là “người Minh hương” đã định cư tại Việt Nam.
Từ đời Lê người Trung quốc được phép cư ngụ tại Thăng long ; họ tập trung ở một số phố, quây quần theo tỉnh gốc bên Tàu, phố Hàng Buồm nay vẫn có Hội quán Quảng Đông. Phố Hàng Ngang đa số là người Hoa kiều gốc tỉnh Quảng Đông , mà tỉnh này có tên cổ là tỉnh Việt, do vậy các sách địa chí của ta có khi gọi Hàng Ngang là phố Việt Đông. Sách Dư địa chí do Nguyễn Trãi biên soạn (1380-1442) trong mục Thượng kinh có nói đến phường Đường nhân (Đường nhân cũng là tên gọi khác chỉ người Tàu . Chú thích Mai Thế Trạch) là khu vực Hàng Ngang bán áo diệp y (?) [Nguyễn Vinh Phúc- Tô Hoài. Sách đã dẫn tập 5]. Như vậy phố Hàng Ngang vừa thuộc phường Diên Hưng vừa thuộc phường Đường Nhân, gọi tên theo cư dân ở phố đó là phố Việt Đông, phố “người Quảng Đông” cũng có ý nghĩa thực tế. Tại Hội An cũng có một phố “rue des Cantonais” gọi là Đường Quảng đông, nay là phố Nguyễn Thái Học[iii].
Còn tên gọi phố Hàng Ngang có từ bao giờ ? Tại sao lại gọi là Hàng Ngang ?
Cố đô nước ta về thời Lý, Lê các phường nằm rải ra trên một đđịa bàn khá rộng, tương ứng với khu nội thành các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Thời Lý có 61 phường không có phường nào mang tên “Hàng”. Thời Lê còn 36 phường trong đó chỉ có một phường mang tên Hàng Đào, nhưng đến triều Hồng Đức đổi là phường Thái Cực, từ đó không còn phường nào có tên bằng chữ “Hàng” nữa [Nguyễn Trương Quý. Bài báo đã dẫn]. Các tên phố có tên Hàng đi kèm với một loại hàng hoá thường được mua bán trao đổi ở phố ấy như Hàng Bạc, Hàng Đường v…v chỉ có thể hình thành khi nền giao thương đã khá phát triển, đã có sự chia khu vực buôn bán riêng biệt cho từng loại hàng như nhận xét của một du khách nước ngoài thời đó như sau : “Trong thành phố này, mỗi thứ hàng chỉ bán tại một dãy phố quy đđịnh riêng mà người ta đã đặt tên, y hệt kiểu các công ty hay hợp tác xã ở các thành phố châu Âu. [Nguyễn Trương Quý. Bài đã dẫn trích theo “A Description of the Kingdom of Tonqueen” tạm dịch là “Tả cảnh Vương quốc Đông kinh” của Samuel Baron, 1658].
Còn tên gọi phố Hàng Ngang thì cho đến nay vẫn chưa có một giải thích nào thoả đáng. Trong tập “Nhớ và ghi” của Nguyễn Công Hoan thì “do phố này nguyên có tên là phố Quảng Đông (do bang hội người Hoa xuất xứ từ tỉnh Quảng Đông bên Trung Quốc định cư từ thế kỷ 19 [thực ra từ thế kỷ 15 ; ghi chú Mai Thế Trạch] nên chính quyền bảo hộ Pháp đặt như vậy), nhưng do 2 đđầu phố, đđoạn nối với Hàng Ngang [Đào ?] và Hàng Đường có 2 chiếc cổng chắn ngang, một hình thức phân chia phường thợ hồi đó, nên dân ta gọi là Hàng Ngang[iv]. Ta có thể nhìn thấy ảnh và tranh vẽ chiếc cổng ở phố Hàng Ngang này do người Pháp thực hiện” [Nguyễn Trương Quý. Bài đã dẫn, chú thích 1] . Các cổng đó ban ngày mở , ban tối đóng lại cho kín mãi về sau mới phá những cổng ấy đi [Vũ Ngọc Phan[v]. Sách đã dẫn, trang 67]. Tô Hoài-Nguyễn Vinh Phúc không tin cách giải thích ấy “ vì phường nào mà chẳng có cổng. Và cổng nào mà chẳng xây ngang đường” và đưa ra một thuyết khác “ngang là trái nghĩa với chính thống : như rượu ngang là rượu không chính thống, rượu lậu ; thợ tay ngang là thợ nghiệp dư, không chuyên; phố này người Tàu có bán nhiều mặt hàng chứ không chuyên một mặt hàng nào và nhiều khi không khai báo để lậu thuế nên gọi là Hàng Ngang. Cách giải thích này cũng chưa có cơ sở chắc chắn nên cái tên Hàng Ngang vẫn là một tồn nghi” (lời của Tô Hoài-Nguyễn Vinh Phúc).
Tóm lại chúng ta có thể nhất trí về vị trí của phố Hàng Ngang ngày nay xưa kia là đất của 2 phường Diên Hưng và Đường nhân. Còn tại sao lại có tên là phố Hàng Ngang thì chưa rõ. Vấn đề này xin nhường lại cho các nhà Hà-Nội-học giải đáp sau này. Tôi cũng như các bậc cao niên, các bạn cùng thời đã từng sinh sống ở Hàng Ngang, hay “rue des Cantonais” theo cách gọi của Toà Đốc lý, “Quảng Đông nhai” theo cách gọi của người Hoa, chúng tôi đều yêu quý những kỷ niệm khó quên của phố Hàng Ngang một thủa.
[i] Nguyễn Trương Quý. Hà Nội, di sản nghìn năm và tốc độ của đời sống hiện đại. Tạp chí điện tử Talawas ngày 23-10-2003
[ii] Nguyễn Vinh Phúc- Tô Hoài. Hỏi đáp 1000 năm THĂNG LONG HÀ NỘI, các tập 1-3-5 NXB Trẻ năm 2000
[iii] Hoàng Kim Đáng. Hội An nhìn qua lăng kính nhiếp ảnh. Báo Người Hà Nội mới số 40, 3-10-2003
[iv] Bình Minh. Phố cổ Hà Nội. Báo Hà Nội điện tử ngày 11-10-2003
[v] Vũ ngọc Phan “Những năm tháng ấy” 1987
https://loiquyen.wordpress.com/2010/01/20/ph%E1%BB%91-hang-ngang-2/
Phố Hàng Ngang ngày ấy (phần 2)
01.02.201021.01.2010 bởi loiquyen
0 Response to "nhà Lợi Quyền trên phố Hàng Ngang"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn