Ý kiến người dân : Nên đổi thành Văn Hiến từ, thờ danh nhân đất Việt

Ý kiến của bác Toro.


---


Thứ Hai, ngày 08 tháng 6 năm 2015
Nên đổi thành Văn hiến từ, thờ danh nhân đất Việt


Công trình Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc đang gây tranh cãi về việc thiết kế, bài trí thờ tự bài vị Khổng Tử. Chúng tôi cho rằng, nên đổi công trình này thành “Văn Hiến Từ” thờ các nhà khoa bảng Việt Nam có công lao đối với đất nước.

Có nên thờ Khổng Tử không?

Hiện nay Trung Quốc khởi xướng cơn sốt đọc lại Luận ngữ và mở hàng loạt Viện Khổng Tử nhằm lan tỏa quyền lực mềm, đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Do đó, ngay tại Trung Quốc cũng có nhiều ý kiến phản đối. Giáo sư Đại học Bắc Kinh, Lý Linh, xuất bản cuốn sách có tên “Chó nhà tang – Tôi đọc Luận ngữ”, NXB Nhân dân Sơn Tây, Trung Quốc, 2007,  trong đó kết luận: “Sau khi đọc Luận ngữ, tôi thấy tốt nhất không nên đặt Khổng Tử lên bệ thờ, cũng không nên dìm ông xuống bùn, mà chỉ nên nói rằng ông rất giống Don Quixote.”

Lúc sống không được trọng dụng nhưng các triều đại sau lại ra sức lợi dụng Khổng Tử để củng cố quyền lực của họ, khiến cho hình ảnh thật sự của người trí thức cổ đại Khổng Khâu khác hẳn với “Đại thành chí thánh Văn Tuyên Vương” sau này. Đổng Trọng Thư (175-105 trước CN) đã sửa đổi học thuyết của Khổng Tử, biến những đế chế vốn dĩ được thiết lập dựa trên bạo lực trở thành biểu hiện của đạo trời. Nguyên lý của Đổng Trọng Thư, ghi trong cuốn Lịch sử Tiền Hán, cho rằng “trời không đổi gì thì không gì phải đổi” (“thiên bất biến đạo diệc bất biến”) là căn cứ để khẳng định tính hợp pháp của triều đại, rằng sự trường tồn của các triều đại là việc đã được vũ trụ an bài.

Ngay ở Trung Quốc cũng có những tiếng nói phản đối như vậy. Do đó, lập mới miếu thờ Khổng Tử vốn đã có rất nhiều ở Việt Nam là việc không cần thiết, không nên làm và không phù hợp với thực tế hiện nay.

Nên thờ danh nhân Việt Nam

Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc là công trình mới hoàn toàn, do đó nên đổi thành “Văn Hiến Từ” nghĩa là Đền Văn hiến, và thay vì thờ Khổng Tử  với các học trò của ông ta, nơi đây là nơi thờ các vị khoa bảng Việt Nam có công lao to lớn với đất nước.

Hai chữ “ Văn hiến” lấy từ “Đại cáo bình Ngô” của Ức Trai Nguyễn Trãi (1380-1442). Ngay sau khi đại thắng quân Minh, giành lại đất nước, nhưng mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập này, Nguyễn Trãi không nói đến võ công hiển hách mà khẳng định “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông, bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác”. Sự khác biệt về văn hiến thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc ta. Trải qua 6 thế kỷ, nhận định về vai trò của văn hiến, văn hóa đó của Nguyễn Trãi vẫn có giá trị thời sự và trường tồn.

Ngôi đến thờ có thể chọn thờ các vị khoa bảng tiêu biểu nhất. như Lê Văn Thịnh, Chu Văn An (12921370), Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn (1726 - 1784), và Nguyễn Bỉnh Khiêm (14911585). Phối thờ tại “Văn Hiến Từ” là các vị đỗ đại khoa và trung khoa của Vĩnh Phúc.


Nếu “Văn Hiến Từ” được thực hiện, đây sẽ là ngôi đền độc đáo, khác biệt nhằm phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, của người Vĩnh Phúc…

http://toronpk.blogspot.jp/2015/06/nen-oi-thanh-van-hien-tu-tho-danh-nhan.html




Bổ sung 1 (11/6/2015): Ý của bác Toro đã được một đ/c Bảo Thư nào đó trên Công Lý xài luôn. Xem ở dưới. Nếu Bảo Thư là bác Toro thì không hề gì.


09/6/2015 21:54 UTC+7

(Công lý) - Công trình Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt đầu tư xây dựng từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Trong quá trình xây dựng đã có một số tranh cãi về việc thiết kế, bài trí thờ tự bài vị Khổng Tử.

Đã có ý kiến đề nghị không đưa bài vị của Khổng Tử vào thờ tại Văn Miếu này. Sắp tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổ chức hội thảo để xin ý kiến các nhà khoa học, lịch sử và cơ quan liên quan.
Có nên thờ Khổng Tử không?
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết, trong quá trình xây dựng đã có một số tranh cãi về việc thiết kế, bài trí thờ tự bài vị Khổng Tử. Đã có ý kiến đề nghị không đưa bài vị của Khổng Tử vào thờ tại Văn Miếu.
Chúng tôi cho rằng, trong lịch sử Việt Nam, Nho giáo từng có địa vị thống trị, độc tôn nên bắt đầu từ thời Lý, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng để thờ tổ của đạo Nho là Khổng Tử và các thế hệ học trò tiêu biểu của ông, đồng thời theo thời gian đây cũng là nơi đào tạo Nho sĩ bậc cao. Các Văn Miếu thường phối thờ các nhà khoa bảng. Do đó, có thể nói những Văn Miếu, Văn Chỉ xưa còn lại là những  di tích quí giá, phản ánh truyền thống hiếu học, đề cao và trọng dụng nhân tài của cha ông ta. Nhờ có tài năng và học vấn mà cha ông ta đã chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược và xây dựng nên nền văn hiến Đại Việt rực rỡ.
Về tên gọi, vì Khổng Tử được các triều đại phong kiến Trung Quốc truy phong là “Đại thành Chí thánh Văn Tuyên Vương” nên Văn Miếu có nghĩa là Miếu thờ Văn Tuyên Vương, có nơi đặt là Khổng Miếu.
Đấy là chuyện của quá khứ, còn ngày nay bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng miếu thờ Khổng Tử để làm gì, có cần thiết và có lợi cho văn hóa Việt Nam hay không là chuyện rất đáng cân nhắc.
Công trình đang dang dở của Vĩnh Phúc
Hiện nay Trung Quốc khởi xướng cơn sốt đọc lại Luận ngữ và mở hàng loạt Viện Khổng Tử nhằm lan tỏa quyền lực mềm, đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Do đó, ngay tại Trung Quốc cũng có nhiều ý kiến phản đối.
Giáo sư Lý Linh, Đại học Bắc Kinh, xuất bản cuốn sách có tên “Chó nhà tang – Tôi đọc Luận ngữ”, NXB Nhân dân Sơn Tây, Trung Quốc, 2007,  trong đó kết luận: “Sau khi đọc Luận ngữ, tôi thấy tốt nhất không nên đặt Khổng Tử lên bệ thờ, cũng không nên dìm ông xuống bùn, mà chỉ nên nói rằng ông rất giống Don Quixote.”
Ông viết: “Khổng Tử thật không phải là thánh, cũng chẳng phải vua, cũng không là “nội thánh ngoại vương” gì cả… Khổng Tử chỉ là người không có chức, cũng không có quyền – chỉ có học vấn về đạo đức – nhưng dám can ngăn kẻ cầm quyền; một người đi tứ xứ du thuyết, lao tâm thay cho kẻ cai trị, liều mình khuyến dụ người cải tà quy chính; một người nhiệt tình, ước mơ khôi phục đường lối nhà Chu để thiên hạ thái bình; một người luôn bị giằng xé, hoang mang, nay đây mai đó, giống hành trạng của một con chó vô chủ, lang bạt, không có nhà để về.”
Ví Khổng Tử như con chó vô chủ là câu chuyện ghi trong Sử ký của Tư Mã Thiên. Tư Mã Thiên viết rằng, vào năm 40 tuổi, khi không đạt được gì, Khổng Tử đã than rằng “Ta cùng đường rồi!” và rằng “Chẳng chỗ nào trong thiên hạ dung được ta!” Cũng theo Sử ký, dân chúng thời Khổng Tử đã tả rằng nhìn ông “băn khoăn lo lắng như con chó ở nhà có tang”. Khi đệ tử kể lại cho Khổng Tử nghe lời nhận xét này về mình, ông đã bảo rằng “nói như thế là đúng làm sao, đúng làm sao!”
Chính người Trung Quốc cũng nhận xét “Thực ra, nếu đọc kỹ các triết gia Tiên Tần, sẽ không khó nhận ra rằng tư tưởng của Khổng Tử cũng chỉ là những lời thuyết giáo đạo đức bình thường, chỉ là trí thông minh nhỏ, không chứa đựng trí tuệ lớn… Những lời giáo huấn của Khổng Tử chỉ dạy ấy cực kỳ thực dụng, khôn khéo, nhưng không có tính thẩm mĩ hoặc triết lí thâm thúy. Ông cũng không có nhân cách cao quý hoặc tầm nhìn khoáng đạt. Ban đầu ông lang bạt tứ xứ muốn được làm quan, sau thất bại bèn trở thành thày dạy đạo đức”.
Lúc sống không được trọng dụng nhưng các triều đại sau lại ra sức lợi dụng Khổng Tử để củng cố quyền lực của họ, khiến cho hình ảnh thật sự của người trí thức cổ đại Khổng Khâu khác hẳn với “Đại thành chí thánh Văn Tuyên Vương” sau này.
Vì thế, chính người Trung Quốc nhận xét, đại bi kịch của lịch sử văn hóa Trung Quốc không phải là việc Tần Thủy Hoàng (259-210 trước CN) “đốt sách chôn nho”, mà chính là việc Hán Vũ Đế “bãi truất trăm nhà, độc tôn đạo Nho”. Từ chủ trương này, Đổng Trọng Thư (175-105 trước CN) đã sửa đổi học thuyết của Khổng Tử, biến những đế chế vốn dĩ được thiết lập dựa trên bạo lực trở thành biểu hiện của đạo trời. Nguyên lý của Đổng Trọng Thư, ghi trong cuốn Lịch sử Tiền Hán, cho rằng “trời không đổi gì thì không gì phải đổi” (“thiên bất biến đạo diệc bất biến”) là căn cứ để khẳng định tính hợp pháp của triều đại, rằng sự trường tồn của các triều đại phong kiến là việc đã được vũ trụ an bài.
Tam quan công trình mới
Ngay ở Trung Quốc cũng có những tiếng nói phản đối như vậy. Do đó, lập mới miếu thờ Khổng Tử vốn đã có rất nhiều ở Việt Nam là việc không cần thiết, không nên làm và không phù hợp với thực tế hiện nay.
Nên thờ danh nhân Việt Nam
Theo thông tin trên báo chí, Công trình Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc là công trình mới hoàn toàn, không phải phục dựng lại Văn Miếu cũ trên nền di tích Văn Miếu phủ Tam Đới xưa; càng không phải là phục chế những hạng mục hư hại trên công trình cũ.
Do đó, theo thiển ý của chúng tôi, công trình nên đổi thành “Văn Hiến Từ” nghĩa là Đền Văn hiến, và thay vì thờ Khổng Tử  với các học trò của ông ta, ngôi đền này thờ các vị khoa bảng Việt Nam có công lao to lớn với đất nước.
Hai chữ “Văn hiến” lấy từ “Đại cáo bình Ngô” của Ức Trai Nguyễn Trãi (1380-1442). Ngay sau khi đại thắng quân Minh, giành lại đất nước, nhưng mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập này, Nguyễn Trãi không nói đến võ công hiển hách mà khẳng định “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông, bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác”. Sự khác biệt về văn hiến thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc ta. Trải qua 6 thế kỷ, nhận định về vai trò của văn hiến, văn hóa đó của Nguyễn Trãi vẫn có giá trị thời sự và sẽ trường tồn.
Ngôi đến thờ có thể chọn thờ các vị khoa bảng tiêu biểu nhất. Chúng tôi xin đề cử, đầu tiên là người đỗ đầu trong kỳ thi Minh kinh bác sĩ và Nho học tam trường dưới triều Lý, năm 1075, Lê Văn Thịnh, vị Trạng nguyên khai khoa cho truyền thống khoa bảng của dân tộc. Đặc biệt, bằng tài năng xuất chúng của mình, năm 1084, ông lên trại Vĩnh Bình thương nghị với nhà Tống, đòi lại được 6 huyện 3 động. Có thể nói đây là thắng lợi ngoại giao đặc sắc nhất trong quan hệ giữa các triều đại phong kiến xưa với Trung Quốc.
Vị thứ hai là Chu Văn An (1292–1370), Tư nghiệp Quốc tử giám, có nhiều công lao đào tạo nhân tài cho đất nước. Khi thấy nhà Trần suy tàn, dung túng nhiều gian thần ông dũng cảm dâng “Thất trảm sớ”, đề nghị không được chấp thuận, ông treo ấn từ quan về dạy học. Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến Việt Nam.
Vị thứ ba là Nguyễn Trãi, nhà văn hóa, anh hùng dân tộc kiệt xuất.
Vị thứ tư là Lê Quý Đôn (1726 - 1784), nhà bác học lớn của Việt Nam thời phong kiến.
Vị thứ năm là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585) là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng được coi là người đầu tiên trong lịch sử nhắc đến hai chữ “Việt Nam” một cách có ý thức nhất thông qua các văn tự của ông còn lưu lại đến ngày nay.
Nếu công trình đã thiết trí nhiều vị trí thờ thì có thể cân nhắc thờ ba vị vua có công lao trong nền văn hiến Đại Việt là Lý Nhân Tông (1066-1127), Trần Nhân Tông (1258-1308) và Lê Thánh Tông (1442-1497).
Phối thờ tại “Văn Hiến Từ” là các vị đỗ đại khoa và trung khoa của Vĩnh Phúc.
Trong hệ thống nhà bia đã được xây dựng, theo chúng tôi, sẽ ghi tiểu sử các vị danh nhân tiêu biểu trên đây và một bên ghi danh các vị khoa bảng địa phương. Ngoài ra có thể khắc những tác phẩm nổi tiếng trong văn học trung đại Việt Nam, góp phần tô điểm truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi; “Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu; thơ Trần Nhân Tông, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Khuyến…
Công trình đặc biệt
Nếu “Văn Hiến Từ” được thực hiện, cùng với hệ thống hoành phi, câu đối, văn bia được biên soạn, tuyển chọn kỹ lưỡng, chữ viết thật chuẩn mực thì đây sẽ trở thành một công trình văn hóa, lịch sử có ý nghĩa to lớn và cũng rất độc đáo, đặc biệt.
Trước hết, công trình thể hiện ý thức tự tôn dân tộc, đề cao truyền thống cao đẹp của cha ông ta, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều thứ hai, là Văn Miếu có nhiều địa phương trong cả nước, nhưng Đền Văn Hiến, chỉ thờ các vị khoa bảng của dân tộc thì chưa đâu có. Sự khác biệt đó nâng cao giá trị của công trình này.
Cuối cùng, công trình sẽ đáp ứng được nguyện vọng của địa phương là tưởng niệm các danh nhân văn hóa đạo cao đức trọng của đất nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng; tiếp nối và phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, của người Vĩnh Phúc; khuyến khích thế hệ trẻ trên đường hoàn thiện học vấn, nghiên cứu khoa học kỹ thuật xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh…
Bảo Thư
http://congly.com.vn/van-hoa/du-lich/cong-trinh-van-mieu-tinh-vinh-phuc-nen-doi-thanh-van-hien-tu-tho-danh-nhan-dat-viet-102090.html

0 Response to "Ý kiến người dân : Nên đổi thành Văn Hiến từ, thờ danh nhân đất Việt"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn