Đó là lời bình của Trần Văn Khê đối với tiếng hát Quách Thị Hồ. Cả hai vị, giờ đều đã là người thiên cổ.
Toàn bài trên VNN.
---
25/06/2015 02:01 GMT+7
GS Trần Văn Khê từng chịu nhiều điều tiếng
Lúc về Việt Nam để làm công tác giới thiệu âm nhạc truyền thống ra thế giới, GS Trần Văn Khê đã bị chịu nhiều điều tiếng, bị hiểu lầm là lấy tài liệu mang ra nước ngoài lấy tiền, làm 'chảy máu' âm nhạc truyền thống.
Yêu âm nhạc dân tộc thiết tha
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, người có nhiều năm gắn bó và được GS Trần Văn Khê hướng dẫn tận tình khi nghiên cứu, làm hồ sơ về âm nhạc vô cùng tiếc nuối trước sự ra đi của GS Trần Văn Khê.
Nhạc sĩ tâm sự: "Sự mất đi của bác là một mất mát lớn lao đối với nền âm nhạc truyền thống của Việt Nam bởi bác có một tiếng nói quốc tế trong lĩnh vực âm nhạc này. Cho tới cách nay hơn 1 tháng, bác vẫn viết bài trên mạng, giới thiệu miệt mài âm nhạc truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế. Bác giới thiệu một người ta tin một, bác giới thiệu hai người ta tin hai. Bác có tiếng nói trong trường quốc tế, bác mất đi là Việt Nam mất vị thế quốc tế. Tiếng nói của Việt Nam ra ngoài nước thiệt thòi, hụt hẫng. Có thể sẽ có những vị khác nhưng để được như GS Khê chắc phải nhiều năm nữa".
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan chia sẻ rằng, GS Trần Vân Khê là người đầu tiên giới thiệu, giảng dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam trên toàn thế giới. Đây là việc làm rất quan trọng và vì công việc mà GS đã có học trò khắp các nước.
Chính những học trò này, GS Trần Văn Khê luôn hướng họ làm các đề tài liên quan tới âm nhạc truyền thống Việt Nam. Từ đó, học trò khắc các nước của GS dù có làm đề tài theo hướng của ông hay không thì ít nhiều cũng biết được âm nhạc truyền thống Việt Nam nó như thế nào. "Đó là tình yêu đất nước thiết tha thông qua việc yêu âm nhạc truyền thống", nhạc sĩ Hoành Loan nhấn mạnh.
GS Khê cũng là người giới thiệu âm nhạc Việt Nam trong các chương trình UNESCO và được đánh giá cao. Trong cuộc thi về băng đĩa, GS đã giới thiệu nhiều nghệ nhân như Quách Thị Hồ, Tống Văn Ngữ.
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nhớ lại một lần mà ông phải bái phục GS Khê về lòng yêu thiết tha âm nhạc dân tộc. "Khi giới thiệu cho sinh viên Pháp về âm nhạc dân tộc, họ say sưa nghe không màng tới thời gian. GS thì nói liền mấy tiếng không ngừng nghỉ. Một con người hiểu âm nhạc Việt Nam tới sâu sắc như vậy quả là ít có ở Việt Nam", nhạc sĩ Hoành Loan chia sẻ.
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan kể, đối với Viện Âm nhạc Việt Nam, GS Khê là người cộng tác, vừa là thầy, vừa là bạn, vừa là cha chú đối với Viện. GS toàn dùng tiền của mình giúp cho Viện từ máy ghi âm, thiết bị, hướng dẫn cán bộ nghiên cứu phương pháp điền dã. Điều này đã đóng vai trò quan trọng giúp viện đi đúng phương pháp sưu tầm của thế giới.
Những năm 1980, phương pháp sưu tầm âm nhạc của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở sưu tầm giai điệu, nốt nhạc trong sinh thái văn hóa. GS đã dạy lớp nghiên cứu của Viện hiểu rằng, để có công trình nghiên cứu âm nhạc còn phải có một nhãn quan văn hóa, phải đặt trong một sinh cảnh văn hóa, không gian và thời gian lịch sử nhất định.
Cùng với phương pháp điền dã, từ những năm 1990 lần nào ở Pháp về GS đều nói chuyện so sánh âm nhạc Việt nam với Thế giới để các cán bộ ở Viện nghe. GS nói nghiên cứu không thể thấu đáo được khi chỉ nghiên cứu trong nước mình mà không liên hệ với các nước trong khu vực. Chính điều này buộc các nhà nghiên cứu của Việt Nam phải mở rộng tầm nhìn, liên hệ quốc tế.
Những năm 1990, GS Khê đang còn là ủy viên hội đồng UNESCO, hướng dẫn Việt Nam xây dựng hồ sơ di sản văn hóa. Di sản Nhã nhạc là loại hình đầu tiên được làm hồ sơ.
Ca trù cũng vậy. Ca trù là nghệ thuật duy nhất của Việt Nam bị hắt hủi nhưng GS đã đánh giá và nói chuyện với vị lãnh đạo Việt Nam về giá trị văn học và âm nhạc. Năm 2005 nhiều ý kiến khác nhau khi đánh giá ca trù nhưng cuối cùng GS đã thuyết phục được nhà nước đồng ý làm hồ sơ di sản cho ca trù.
"GS là người đầu tiên hướng cho chúng ta phương pháp xây dựng di sản kiệt tác là như thế nào", nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho biết.
Lần đầu tiên được GS Khê hướng dẫn làm hồ sơ xây dựng Ca trù, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan mới thực sự biết được thế nào là văn bản chuẩn quốc tế, chuẩn về kỹ thuật, nội dung, ngôn ngữ. GS sửa từng nội dung, sửa chỗ nào chỉ ra tại sao sửa. "Tôi lớn lên từ những điều tưởng như nhỏ nhặt đó", nhạc sĩ Hoành Loan nhớ lại.
Cũng chính lần đó, khi nói chuyện về nghệ thuật ca trù, trong lúc viện âm nhạc phân tích về cái hay, cái độc đáo của Ca trù, GS Khê đã thẳng thắn chỉ ra 2 cái hay nhất mà Viện thiếu vẫn chưa đưa ra được để thuyết phục nhiều người khó tính. "GS phân tích, cái độc đáo của ca trù là cái phách, tại sao phách ca trù lại có 3 lá. Phách 1, phách đôi để tạo ra 2 âm sắc khác nhau, đó mới là cái độc đáo, phát hiện tinh tế về âm nhạc.
GS phát hiện thêm cho Viện cái độc đáo khác nữa của giọng hát ca trù ngoài cái mà Viện phát hiện trước đó là giọng hát ca trù dung giọng. Nhưng dung giọng chưa độc đáo, giọng hát ca trù độc đáo ở cách hát đổ hột. GS bảo, nghệ nhân Quách Thị Hồ có giọng hát đổ hột như tiếng ngọc rơi trên mâm bạc. Chính GS đã cung cấp cách nhìn vào chi tiết nghệ thuật, âm nhạc dân tộc của Việt Nam mà phương Tây chưa có.
Một giáo sư bậc thầy
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan kể, thời gian làm việc với GS Khê, nhạc sĩ chưa từng thấy GS cáu gắt bao giờ. "Khi làm việc với GS để lập hồ sơ Đờn ca tài tử. GS là bậc thầy đứng cách tôi vời vợi. Trao đổi với GS mới thấy mình ngu ngọng nhưng GS chỉ nói là cái này chú chưa biết, GS hướng dẫn tận tình, không cáu gắt, đặc biệt là không bao giờ hỏi đến tiền. Tôi không biết GS có bao nhiêu tiền, nhiều đến cỡ nào nhưng làm việc hăng say từ 2h đến 6h30 chiều, chỉ bảo tường tận mà chưa bao giờ đòi tôi một đồng thù lao nào cả", nhạc sĩ Hoành Loan nhấn mạnh.
Mặc dù GS không ưng với Bộ VHTT&DL giao cho Viện âm nhạc làm hồ sơ Đờn ca tài tử bởi GS muốn Nam bộ làm hơn, vì chỉ có Nam bộ mới làm tốt hơn tất cả các vùng miền khác về Đờn ca tài tử. Nhưng dù không ưng lắm, như nhiều người khác giận dỗi, nhưng GS vẫn tận tình chỉ bảo. Kể cả khi xong rồi, GS vẫn nói rằng giao cho Nam bộ vẫn tốt hơn nhưng vẫn không hề 'ấm ức'.
"Như vậy cho thấy GS Khê trân trọng ngay cả với những quy định pháp luật mặc dù lúc đó, GS có thể yêu cầu đưa cho Nam Bộ làm", nhạc sĩ Hoành Loan nhấn mạnh.
Nhạc sĩ Hoành Loan bảo, cũng có một thời gian GS làm việc ở Việt Nam bị nhiều hiểu nhầm. Người ta xôn xao GS về nước lấy tư liệu đem bán thế giới để thu về lợi cá nhân, làm chảy máu âm nhạc dân tộc dù đó chính là giai đoạn GS giới thiệu âm nhạc Việt Nam ra thế giới nhiều. GS đã nhận biết bao nhiêu tai tiếng nhưng ông không giận, chỉ nói rằng người ta chưa hiểu mình, rồi sẽ hiểu.
"Đúng là người làm khoa học, không bực tức với câu chuyện xung quanh, bỏ qua tất cả chỉ tập trung vào chuyên môn của mình. Tôi khẳng định cả đời GS không có chuyện buôn bán tài liệu. Chỉ một lòng giới thiệu âm nhạc việt nam ra thế giới. GS toàn đi đi về về bằng tiền của mình để giới thiệu âm nhạc Việt Nam thôi", nhạc sĩ Đặng Hoành Loan tâm sự.
"GS Khê cũng có cách hành xử với âm nhạc dân tộc rất mở, tinh tế", nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho biết.
Ông kể, có lần khi nói chuyện về dân ca Việt Nam, GS bảo nhạc sĩ tổ chức chương trình để một số nghệ nhân có thể ca hát, giới thiệu âm nhạc truyền thống. Nhưng lúc đó nhạc sĩ Hoành Loan nói quan họ cổ thì không còn, chỉ có quan họ người ta đệm đàn để hát. GS Khê nói: "Ngày nay người ta đã hát có đàn, cứ tổ chức hát có đàn, chứ không phải là nhất nhất cổ".
"Điều này cho thấy cái hành xử với âm nhạc truyền thống, không cứ phải đẩy nó vào cổ sơ. Gợi mở cách ngẫu hững, không thể ép người ta chỉ hát những bài cũ. Quan điểm của GS rất gợi mở. Đúng là cách nhìn của GS bậc thầy", nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nhấn mạnh.
Tình Lê
0 Response to ""giọng hát đổ hột như tiếng ngọc rơi trên mâm bạc" (lời bình Trần Văn Khê)"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn