Văn miếu Trấn Biên ở Đồng Nai, và văn bia Vũ Khiêu 2012

Từng ghé thăm văn miếu Trấn Biên, nhưng ở đây tạm chưa sử dụng tư liệu cá nhân, mà chỉ dùng tư liệu của chính Đồng Nai.



1. Giới thiệu của cơ sở Văn Miếu Trấn Biên:

TRUNG TÂM VĂN MIẾU TRẤN BIÊN
Địa chỉ: KP5 - P.Bửu Long - Biên Hòa - Đồng Nai. Điện thoại: 061 3951 951 Fax: 061 3953 715
Email: ttvanmieutranbien@gmail.com Website: www.vanmieutranbien.com.vn

"

     Lịch sử vùng đất Đồng Nai từ thế kỷ XVI là vùng đất hoang sơ. Đến năm 1698, chưởng cơ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược xứ Nam bộ lúc này kinh tế Đồng Nai phát triển khá trù phú, nên văn hóa học hiệu càng được chú trọng hơn. Vì thế 17 năm sau, tức năm Ất Mùi (1715), chúa Nguyễn Phúc Chu sai Trấn thủ Nguyễn Phan Long và Ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên tại thôn Tân Lại, tổng Phước Dinh, huyện Phước Chánh (nay thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa). Trước năm 1802, hằng năm, đích thân chúa Nguyễn Phúc Ánh đến Văn miếu Trấn Biên để hành lễ hai lần vào mùa xuân và mùa thu. Nhưng từ khi chúa Nguyễn lên ngôi ở Huế, thì quan tổng trấn thành Gia Định, thay mặt vua, cùng với trấn quan Biên Hòa và quan đốc học đến hành lễ...

     Văn miếu Trấn Biên có hai lần được trùng tu lớn: Lần trùng tu thứ nhất vào năm Giáp Dần (1794). Khi ấy, chúa Nguyễn Phúc Ánh sai Lễ bộ Nguyễn Hồng Đô lo việc trùng tu. Lần trùng tu thứ hai vào năm Tự Đức thứ 5 (Nhâm Tý, 1852). Sau khi hoàn thành văn miếu có qui mô lớn hơn trước. Với hai lần trùng tu ấy Văn Miếu Trấn Biên đã được danh nhân Trịnh Hoài Đức ghi chép trong sử sách Gia Định Thành Thông Chí với một thế đất đẹp: “Phía Nam hướng đến sông Phước, Phía Bắc dựa vào núi rừng núi sông thanh tú là một cảnh tuyệt đẹp nhất ở Văn Miếu Trấn Biên..”

     Vào năm 1861, khi thực dân Pháp xâm lược miền Đông Nam kì đánh chiếm Biên Hòa cho tàn phá văn miếu Trấn Biên nhằm thực hiện chính sách ngu dân và thống trị lâu dài. Với ý chí kiên cường bất khuất nhân dân ta đã nổi dậy giành chính quyền.Vào ngày 9/12/1998 , Đảng Ủy và nhân dân tỉnhĐồng Nai đã khởi công xây dựng lại Văn miếu Trấn Biên tại phường Bửu Long, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; cách trung tâm thành phố khoảng 3 km,và gần Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long trong phạm vi khoảng 2 ha, với số tiền đầu tư gần 20 tỷ đồng.Công trìnhđược khánh thành vào ngày mùng 3 Tết Nhâm Ngọ (nhằm ngày 14 tháng 2 năm 2002) với tổng diện tích gần 15 ha, trong đó khu trung tâm rộng khoảng 2 ha.

     Văn Miếu Trấn Biên ra đời được xem như là "Văn Miếu Quốc Tử Giám" của Nam Bộ. Ðây chính là biểu trưng cho truyền thống học tập, hào khí và văn hóa của người Việt phương Nam. Văn Miếu là nơi thờ phụng các danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất nước và là biểu trưng của nền văn hóa dân tộc. Với các công trình được xây dựng theo kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội, gồm các hạng mục: nhà thờ chính, tả vu hữu vu, sân hành lễ... thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài.

     Nổi bật giữa vùng không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh, là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc (gốm tráng men). Từ Văn miếu môn lần lượt là nhà Bia, Khuê Văn Các, hồ Thiên Quang Tỉnh, cổng Đại Thành, nhà thờ Đức Khổng Tử và sau cùng là nhà thờ chính rộng lớn (Kèm ảnh minh họa).

     Văn Miếu Môn (Cổng Văn miếu): Với kết cấu lầu gác, đây là lối đi chính dẫn vào khu thờ tự bên trong.

     Nhà Bia: Bài văn bia do giáo sư - anh hùng lao động Vũ Khiêu biên soạn, gồm 8 phần, mỗi phần gồm 10 câu, được khắc trên hai mặt bia đá. Khái quát truyền thống văn hóa, giáo dục của dân tộc và của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, thể hiện khát vọng của nhân dân Đồng Nai trong kỷ nguyên mới.

     Khuê Văn Các: gác vẻ đẹp ngôi sao Khuê ngôi sao chủ đạo trong bầu trời văn học.

     Thiên Quang Tỉnh (Giếng ánh sáng mặt trời) được xây dựng theo kết cấu hình vuông.

     Đại Thành Môn: Lớp cổng của sự thành đạt lớn lao. Các nho sĩ ngày xưa khi đi thi đạt được trình độ học vấn uyên thâm thì sẽ được bước qua lớp cổng Đại Thành này vào khu thờ tự bên trong.

     Nhà thờ Đức Khổng Tử: Khổng Tử là người khai sáng ra Nho giáo và Nho học. Ngày nay, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên cũng đưa vào thờ Khổng Tử ở vị trí trang trọng từ ngoài vào nhằm thể hiện hơn nữa tinh thần tôn sư trọng đạo, tôn trọng tri thức.

     Bái Đường (Nhà thờ chính): xây dựng kiểu nhà ba gian hai chái, theo kiến trúc cổ, sơn son thếp vàng, nền lát gạch, trên các cột nhà treo đôi liễn đối.

     Gian trung tâm thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969): anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Sau lưng tượng thờ Chủ tịch là hình ảnh Trống đồng Ngọc Lũ biểu tượng cho nền văn hóa Việt Nam và Quốc Tổ Hùng Vương.

     Gian bên trái nhà là nơi thờ các danh nhân văn hóa Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm,Lê Quí Đôn..Gian bên phải thờ danh nhân đất Nam Bộ như Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật,  Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh,  Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu.

     Trong gian thờ này, đặc biệt có trưng bày 18 kg đất và 18 lít nước mang về từ đền Hùng, biểu trưng cho 18 đời vua Hùng, cội nguồn của dân tộc Việt.

     Phía trước hai bên nhà thờ chính: Là Nhà văn Vật Khố ( nơi trưng bày 4 làng nghề truyền thống của Biên Hòa – Đồng Nai: nghề đồng, nghề mộc, nghề đá, nghề gốm. Đăng đối hài hòa với Nhà Văn vật khố là Nhà Thư khố - nơi trưng bày các thư tịch cổ, các tài liệu, sách báo ... viết về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay.

     Ngoài ra, nơi Văn miếu Trấn Biên còn có khu sinh hoạt truyền thống gồm có nhà truyền thống không những là nơi tổ chức các buổi họp mặt, tọa đàm giới thiệu và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và các hoạt động sinh hoạt văn hóa khác mà còn là nơi trưng bày triển lãm tranh ảnh, tư liệu về Văn Miếu Trấn Biên.

      Với chức năng là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa - giáo dục cùa vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, Trung tâm Văn Miếu Trấn Biên ngày càng thể hiện vai trò là trung tâm văn hóa, giáo dục của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng đất phía Nam nói chung thông qua rất nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức hàng năm. Không chỉ chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử, Văn Miếu Trấn Biên còn là một công trình đặc sắc về nghệ thuật, kiến trúc với phong cảnh thoáng mát, vừa cổ kính vừa trang nhã nên thu hút động đảo nhiều tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành, các đoàn ngoại giao và các đoàn khách quốc tế ghé thăm. Hàng năm, Văn Miếu Trấn Biên đã đón tiếp gần 200,000 lượt khách.

     Với vị thế và tầm quan trọng nhất định trong sinh hoạt văn hóa của tỉnh Đồng Nai, Văn Miếu Trấn Biên đang nỗ lực không ngừng để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa ở Đồng Nai. Hoạt động của Văn Miếu Trấn Biên hướng đến việc gắn kết chặt chẽ trong quy hoạch phát triển chung của tỉnh Đồng Nai trong định hướng phát triển văn hóa – du lịch trong tương lai.
"
http://vanmieutranbien.com.vn/gioi-thieu

2. Một số ảnh:




3. Bài văn bia của văn miếu Trấn Biên


Nguồn ảnh

"

Nội dung Văn bia ở Văn miếu Trấn Biên hiện nay

Nội dung văn bia tại Văn miếu Trấn Biên do Giáo sư Vũ Khiêu biên soạn. Văn bia gồm 8 đoạn, được khắc trên hai mặt của bia đá. Toàn thể nội dung đề cập Hào khí, Văn hoá Đồng Nai qua nhiều giai đoạn lịch sử từ mở cõi đến quá trình xây dựng quê hương Đồng Nai. Một chặng đường lịch sử đã hun đúc nên những giá trị di sản quý giá của nhiều thế hệ con dân Đồng Nai, tiếp mạch truyền thống của dân tộc trên vùng đất phương Nam của Tổ quốc.



Hai câu đầu tiên trong áng thơ văn “Bình Ngô đại cáo” của Đại thi hào Nguyễn Trãi được khắc lên trang trọng đầu văn bia “Như nước Đại Việt ta từ trước. Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” như một đề dẫn khẳng định mạch nguồn truyền thống văn hiến của Việt Nam. Nhà Văn bia được khánh thành vào ngày 18 tháng 5 năm 2002. Toàn bộ nội dung văn bia như sau:



1. Từ đi mở cõi

Mịt mù đất mới, muôn dặm thâm u
Thăm thẳm quê xưa, ngàn năm thương nhớ !
Người đông đất hẹp: nợ áo cơm đành phải xông pha
Rừng rậm đầm lầy: việc khai phá xiết bao gian khổ
Bão giông sấm sét: đã lắm tai ương
Rắn rết hùm beo: còn nhiều hung dữ
Thấm bao huyết hãn: đất khô cằn cũng hóa phì nhiêu
Trải mấy suy tư: miền hoang dại đã thành trù phú
Ruộng đồng bát ngát:gạo trắng nước trong
Nhà cửa khang trang: cơm no áo đủ.


2. Dựng xây văn miếu
Từ Lễ Thành hầu, xung Kinh lược sứ
Ổn định biên cương, vệ phòng lãnh thổ
Đi về xa mã: tưng bừng dinh thự Trấn Biên
Xuôi ngược ghe thuyền: rộn rã cù lao Đại Phố
Xây cao Văn miếu, tiếp thu thành tựu bắc nam
Mở rộng Học đường, khai thác tinh hoa kim cổ.
Đạo làm người: tích trí, tu nhân
Phép giữ nước: sùng văn, trọng võ
Tinh thần Đại Việt tỏa sáng nơi đây
Hào khí Đồng Nai dâng cao từ đó.


3. Trước nạn thực dân
Giặc Pháp kéo vào Gia Định, ào ạt xâm lăng
Dân ta sống ở Đồng Nai, bừng bừng phẫn nộ
Mài gươm vót giáo, vươn cao chí mạnh tâm hùng
Phá trại đốt tàu, sá ngại đầu rơi máu đổ
Nửa chừng giải giáp, vua cam cắt đất cầu hòa
Thả sức hoành hành, giặc dữ giết người cướp của
Nhân dân chiến đấu, chẳng thành công đâu phải yếu hèn
Phong kiến điều hành, chịu thất bại chỉ vì bảo thủ:
Tình hình đổi khác, không nhận ra một hướng canh tân
Lịch sử sang trang, vẫn giữ mãi những điều cổ hủ.


4. Mở đường cứu nước
Người Việt Nam đội trời đạp đất, sống đau thương tủi nhục sao đành!
Dân Đồng Nai vững chí bền gan, dẫu chém giết tù đày há sợ?
Lửa anh hùng: dập tắt lại bùng lên
Vận Tổ quốc: mờ đi rồi lại tỏ
Mở đường cứu nước, Hồ Chí Minh như vầng nhật sáng ngời
Hết dạ vì dân, Đảng Cộng sản giương ngọn cờ giác ngộ
Năm Bốn lăm lịch sử, bão căm hờn rung chuyển cả non sông
Ngày Tháng Tám mùa thu, sóng cách mạng trào lên như bão vũ
Ngàn năm phá ách cường quyền
Một buổi dựng nền dân chủ.


5. Giặc lại hung tàn
Độc lập tự do giành được, tưởng lâu dài biển lặng trời yên
Thực dân đế quốc quay về, lại bỗng chốc bom rền đạn nổ
Chín năm thảm bại, Pháp cùng đường lủi thủi lui quân
Mấy độ mưu toan, Mỹ thay thế hung hăng đổ bộ
Chúng muốn ta trở về đồ đá, phá chẳng từ trường học, nhà thương
Chúng gieo đầy chất độc da cam, hại cả đến cỏ cây, muông thú
Thói hung tàn tối cả không gian
Bóng bạo ngược trùm lên lịch sử.
Ba mươi năm bão táp,Việt Nam cao như cột chống trời
Một mảnh đất kiên cường, Đồng Nai vững như vàng thử lửa.


6. Ta càng trí dũng
Trên đất Đồng Nai, dưới trời Nam bộ
Đi trước về sau, đầu sóng ngọn gió
Trải bao nguy khốn, Đảng vẫn vững vàng
Gặp bước hiểm nghèo, dân càng gắn bó
Trí mưu: đánh bót diệt đồn
Anh dũng: trừ gian bám trụ
Phá Xuân Lộc tan tành lũy thép: cực hoang mang Mỹ cút Ngụy nhào
Vào Sài Gòn rực rỡ cờ hoa: đại đoàn tụ trời xưa đất cũ.
Quê hương giải phóng, đỉnh Long sơn bát ngát mây bay
Ngày tháng thanh bình, dòng Phước thủy dạt dào sóng vỗ.


7. Văn hiến vươn cao

Một cuộc chiến tranh khốc liệt, bao nhiêu hậu quả nặng nề!
Ruộng đồng từng bỏ hoang sơ, nhà cửa nhiều phen đổ vỡị.
Phục hồi sản xuất: chưa thôi đổ máu, thêm chảy mồ hôi !
Phát triển kinh doanh: chẳng bớt lao tâm, còn đầy khổ tứ
Không mấy chốc, nông thôn thành thị dựng lại khang trang
Khắp mọi nơi, xí nghiệp công trường xây lên đồ sộ.
Lấy lý luận soi vào thực tiễn: chủ trương đảng bộ kịp thời
Đưa mạnh giàu theo hướng văn minh: kiến thức nhân dân rộng mở
Học ông cha thuở trước: ngày ngày văn hiến vươn cao
Giúp con cháu mai sau: lớp lớp nhân tài nở rộ.


8. Tương lai tươi sáng
Nẻo tương lai đã rực hào quang
Đường phấn đấu còn đầy thách đố.
Kỷ nguyên trí tuệ: được thua do đầu óc thông minh
Hội nhập toàn cầu: thành bại ở tài năng thi thố!
Xây lại miếu trên nền tảng mới: thu tinh hoa hiện đại tự ngàn phương
Dựng thêm bia giữa nước non này: lưu truyền thống tiền nhân cho vạn thuở.
Tổ Hùng Vương cơ nghiệp trường tồn
Hồ Chủ tịch công huân bất hủ.
Thành đồng Tổ quốc mãi mãi vẻ vang
Hào khí Đồng Nai đời đời rực rỡ.

"

0 Response to "Văn miếu Trấn Biên ở Đồng Nai, và văn bia Vũ Khiêu 2012"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn