Muộn còn hơn không (bài trên Kinh tế & Đô thị)

Một bài trên KTĐT về việc đặt tên đường ở Hà Nội.

Nguyên văn như ở dưới.

---
Đặt tên hai đời vua nhà Mạc cho đường phố Thủ đô

Muộn còn hơn không

Cập nhật lúc 09:08 13/06/2015

KTĐT - Hà Nội không phải là địa phương đầu tiên chọn tên các vua của vương triều nhà Mạc để đặt tên đường, phố. Tuy nhiên, đề xuất này của UBND TP Hà Nội luôn gặp phải trắc trở.
Không chỉ lỡ hẹn đặt tên Mạc Thái Tổ (tức Mạc Đăng Dung), Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh) trong năm 2014 mà năm 2015, đề xuất này vẫn không “xuôi chèo mát mái”.
Băn khoăn vì thời điểm “nhạy cảm”
Cuối tháng 5/2015, Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn TP Hà Nội đã họp bàn kế hoạch đặt và điều chỉnh độ dài các tuyến đường, phố năm 2015. Trong cuộc họp này, đề xuất đặt tên hai tuyến phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông của Sở VHTT&DL Hà Nội được đem ra luận bàn nhiều nhất. Thậm chí, cuộc họp còn có cả nước mắt của nhà khoa học khi mà đến tận bây giờ, Thủ đô vẫn chưa có đường phố nào mang tên các đời vua Mạc, ghi nhớ công lao đóng góp của một vương triều trị vì trong 65 năm.
Đoạn đường dự kiến sẽ đặt tên phố Mạc Thái Tổ, quận Cầu Giấy.   Ảnh:  Hải Linh
Đoạn đường dự kiến sẽ đặt tên phố Mạc Thái Tổ, quận Cầu Giấy. Ảnh: Hải Linh
Theo đề xuất năm 2015, tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông sẽ được đặt gần nhau, từ ngã tư đường Phạm Hùng đến ngã tư phố Trung Kính, thuộc địa bàn quận Cầu Giấy. Đường Mạc Thái Tổ dài 900m, rộng 60m; đường Mạc Thái Tông dài 840m, rộng 17m. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã từng làm đơn kiến nghị lùi việc đặt tên đường vua Mạc tại Hà Nội năm 2014 và với đề xuất lần 2 ông cũng là thành viên duy nhất bỏ một phiếu thuận và một phiếu trống. “Tôi thừa nhận chỉ có 65 năm, nhưng triều đại Mạc để lại những dấu ấn đậm nét trên nhiều phương diện của lịch sử dựng nước; song trong thời điểm nhạy cảm về tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc như hiện nay, với những tranh cãi xung quanh Mạc Thái Tổ có hiến đất cho nhà Minh hay không, thì việc đặt tên đường mang tên Mạc Thái Tổ nên lùi lại, để thời gian thích hợp hơn” – nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết. Thế nhưng, việc hiến đất của nhà Mạc đã từng được cố GS Trần Quốc Vượng khẳng định, họ Mạc thi hành chiến lược “thần phục giả vờ, độc lập thực sự”. Điều này đã được Minh sử dẫn: “Họ Mạc nộp toàn đất khống (có địa danh mà không có thực) hoặc là đất nhà Minh từ trước. Các quan nhà Minh không hay cứ yên trí đem dâng đất về kinh sư. Khi đi kiểm tra để thu hồi mới hay sự thật là họ Mạc “nộp vờ”. Sự “minh oan” với nhiều dẫn chứng lịch sử này giúp thế hệ hôm nay có thêm khẳng định nhà Mạc không phải “ngụy triều”.
Nhiều công trình khẳng định công lao
“Nên xóa bỏ thành kiến và định kiến về nhà Mạc, nên đối xử với nhà Mạc một cách công bằng như các triều đại khác. Hãy trả lại cho nhà Mạc những đóng góp khách quan. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi về cách đánh giá các chính sách đối nội và đối ngoại của nhà Mạc. Không nên đánh giá nặng nề về nhà Mạc như trước đây do nhận thức của một số người nghiên cứu còn hạn chế. Sau khi ra đời và tồn tại, nhà Mạc đã có những đóng góp nhất định về mặt văn hóa, tư tưởng và một phần nào đó về mặt kinh tế...”
GS Phan Huy Lê -  Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

“Khuyết điểm lớn nhất của cuốn Việt Nam sử lược là ở chỗ đã nặng lời biếm nhục Mạc Đăng Dung - vua Thái Tổ nhà Mạc… Sự thật khác hẳn. Mạc Đăng Dung bị hiểu lầm” - nhà sử học Lê Văn Hòe từng nhận định. GS Văn Tạo - nguyên Viện trưởng Viện Sử học cũng đánh giá, khi khủng hoảng cung đình diễn ra trầm trọng, triều đình đổ nát, kinh tế suy sụp, dân tình cực khổ, Mạc Đăng Dung đã dẹp được các phe phái phân chia, cát cứ và lên ngôi, tạo dựng được cơ nghiệp cho con cháu nối đời, góp phần ổn định đời sống xã hội, xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội trong hơn nửa thế kỷ. Trong sử sách, nhà sử học Lê Quý Đôn cũng từng ghi, dưới triều vua Mạc đất nước ta thái bình, đến mức đêm không cần phải đóng cửa, trâu bò thả rông không có trộm cắp.
Không thể phủ nhận vai trò của nhà Mạc trong 65 năm ngự triều ở đất Thăng Long – Hà Nội, nên UBND TP một lần nữa đề xuất đặt tên hai phố mang tên Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông. Với đề xuất này, Viện Sử học Việt Nam khẳng định là việc làm đúng đắn, nhằm giáo dục truyền thống và ghi nhớ công lao của của tiền nhân. Viện Sử học Viện Nam cho rằng, từ kết quả nghiên cứu mới trong lịch sử, nhằm khẳng định công lao của vương triều Mạc, năm 2002, Bộ trưởng Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT&DL) Phạm Quang Nghị đã ký quyết định số 24/2002/QĐ-BVHTT công nhận từ đường nhà Mạc ở Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dành 10,5ha đất tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng để xây dựng khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc và các vua nhà Mạc. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Lịch sử Vương Triều Mạc là một phần không thể thiếu của lịch sử Thăng Long – Hà Nội nên đã quyết định đưa công trình xây dựng Khu tưởng niệm vương triều Mạc và các vua nhà Mạc vào danh mục các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Chờ sự mạnh dạn
Bên cạnh 2 ý kiến băn khoăn việc đặt tên hai vị vua nhà Mạc cho hai phố của quận Cầu Giấy vào năm 2015, thì hơn 20 thành viên của Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn TP đều mong mỏi Hà Nội có những tuyến phố ghi công vua Mạc. Nhiều thành viên hội đồng cho rằng, đến bây giờ Hà Nội mới xem xét đặt tên phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông là quá muộn. Bởi trước Hà Nội, 8 tỉnh, TP trên địa bàn cả nước đã có những đường, phố mang tên Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh như TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi… Trong khi đó, Hà Nội là trái tim của cả nước cần mạnh dạn đi đầu đánh giá và lựa chọn những cái mới, thì lựa chọn đặt tên vua Mạc lại lưỡng lự nhiều năm nay.
Sau đề xuất của Sở VHTT&DL Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy cũng đã tổ chức lấy ý kiến người dân khu vực con đường được đặt tên hai vị vua này. Hầu hết các Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy, đại diện các Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Thanh niên, Tổ trưởng tổ dân phố của phường Yên Hòa đều đóng góp ý kiến và tỏ ra vui mừng khi con phố mới trong khu đô thị Yên Hòa được mang tên hai vị vua Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông. Với những ý kiến đồng thuận cùng luận điểm đã sáng tỏ, xóa bỏ cái nhìn định kiến về vương triều Mạc, khẳng định đóng góp của vương triều này trong tiến trình lịch sử của dân tộc sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Nội đưa ra quyết định sáng suốt về việc đặt tên đường, phố phù hợp với nguyện vọng của người dân.
“Đến thời điểm này có 4 cơ sở để khẳng định sự đồng thuận cho việc đặt tên Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông cho đường phố mới của Hà Nội, đó là: Văn bản thỏa thuận của Bộ VHTT&DL với UBND TP Hà Nội việc đặt tên các tuyến đường mới năm 2015, trong đó có tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông, văn bản đồng tình của Viện Sử học Việt Nam, nhân dân địa phương nơi đặt tên đường (quận Cầu Giấy) đồng thuận cao, hầu hết các nhà khoa học đều kiến nghị nên sớm lấy tên Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông đặt tên cho đường phố Thủ đô. UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến người dân trên cổng thông tin giao tiếp của TP trước khi đưa ra quyết định cuối cùng tại kỳ họp của HĐND TP, diễn ra vào đầu tháng 7/2015 tới đây”
Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội.
Linh Anh
http://www.ktdt.vn/van-hoa/tin-tuc/2015/06/8102CC62/muon-con-hon-khong/

0 Response to "Muộn còn hơn không (bài trên Kinh tế & Đô thị)"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn