Hà Nội và một thời văn học 'dinh tê' (bài Viên Linh)

Để hiểu thêm về nữ nhà văn Thiếu Mai - một cây bút có nhiều thú vị về Hà Nội, mà nay, hầu như không còn được biết đến.

Một bài của Viên Linh - một nhà văn Việt Nam ở nước ngoài.


---

Một thời văn học 'dinh tê'
Wednesday, September 18, 2013 3:28:40 PM 

Viên Linh


Qua các hồi ký, các bài báo sau 1954, độc giả thường đọc thấy hai chữ “dinh tê,” nhiều người không hiểu nghĩa là gì. Một độc giả khoảng 60 tuổi ở Âu Châu cách đây khoảng hai ba năm nhân gặp người viết bài này, có đề nghị hãy thu thập các tài liệu về thời kỳ “văn học dinh tê,” việc anh muốn làm, tôi rất tán thành song chưa viết được gì. 



Mà giai đoạn 9 năm “dinh tê” cũng rất cần thiết để đời sau, thời hậu cộng sản, người ta có thể có thêm tài liệu để “san định” một bộ Tổng Tập Văn Học Quốc Gia, loại bỏ những ngụy biện vô tình hay cố ý có tính đảng phái, để chỉ còn lại một san định vượt lên trên những lời lẽ và sự kết án có tính ý thức hệ. Dinh tê là do hai chữ “renter,” trở vào, một thứ tiếng lóng thời đại, dùng để chỉ sự về thành, về Tề, hay từ bỏ vùng kháng chiến do Việt Minh đang lấn chiếm, để trở vào vùng thành phố do Quốc Gia đang kiểm soát. Người dân tham gia kháng chiến chống Pháp là tự nguyện, không ai được trả lương để đi kháng chiến, nhưng khi biết tổ chức kháng chiến đang biến hình thành cộng sản, người ta “dinh tê,” không tự nguyện nữa, về thành trở lại, vậy “dinh tê” thực sự có một ý nghĩa cao quí: đó là sự phản kháng việc kháng chiến bị lợi dụng, vì đã tìm ra sự thực. Thuở hai mươi bạn bè văn nghệ chúng tôi từng nói với nhau: khi sự thực ở bên phải, chúng ta nhảy qua phía hữu; khi sự thực ở bên trái, chúng ta nhảy qua phía Tả. Cho nên từ sau kháng chiến tới lúc “dinh tê,” sự thực tới nay vẫn ở phía về thành, tức dinh tê, tức tản cư, tức di tản.




Tấm tranh nhan đề “Hai Thiếu Nữ” của Tạ Tỵ vẽ và triển lãm tại phòng tranh thủ đô Hà Nội vào năm 1953, mở đầu trường phái Lập Phương (Cubism) tại Việt Nam. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Giai đoạn tranh tối tranh sáng ấy gồm chín năm, bên ngoài, các vùng quê dưới ảnh hưởng của Việt Minh gọi là chín năm kháng chiến, có chín năm thơ văn kháng chiến. Bên trong nơi các thành phố, thủ đô, Hà Nội Hải Phòng chẳng hạn, do Quốc Gia kiểm soát, gọi là vùng Tề, cũng có chín năm văn học riêng của nó, mà các tờ báo, các văn phẩm và tác giả của giai đoạn này hiện nay không còn thấy bao nhiêu người nhắc đến. Ðó là chủ đề của bài này.



Không thiếu các hồi ký viết về chín năm này, chẳng hạn ta có thể kể:

-Ngược Gió (Ðồng Nai, Sài gòn, 1972) của Thiếu Mai người từng viết cho các báo ở Hà Nội khoảng 1950 như Tiếng Dân, Hồ Gươm, Cải Tạo, Sinh Lực.

-Trên Vỉa Hè Hà Nội, Triều Ðẩu, 1952, một trong những cây bút chính của tờ báo Thế Kỷ, Hà Nội, những năm '50, bên cạnh Bùi Xuân Uyên, Xuân Nhã, Trúc Sỹ, Viên Phong, Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái, Thụy An.

-Hà Nội Cũ Nằm Ðây của Ngọc Giao (chủ bút, cây bút trụ cột của tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy thời tiền chiến).

-Hà Nội trong Cơn Lốc (Vũ Bằng, Sàigòn, 1953).

-Những Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ, 1990), phần Hà Nội thời bị “tạm chiếm,” [người khác dùng hai chữ này có thể hiểu được, Tạ Tỵ dùng chữ dùng là điều kỳ quặc.]

-Hà Nội 1945 (hồi ức) của Trần Ðỗ Cung,...

Việc trước hết là phải tìm đọc, hay hỏi han trực tiếp, về các tờ báo xuất bản ở Hà Nội, thủ đô của Quốc Gia, thời sau trận đánh Hà Nội tháng 12, 1946. Ðây là trận đánh khủng khiếp giữa quân Pháp và hơn 8,000 sinh viên thanh niên trí thức Hà Nội, khởi sự đêm 19 tháng 12, và kết thúc trong tháng sau, để lại trên phố phường thủ đô trên 3,000 xác chết của riêng Tự Vệ Thành (thanh niên sinh viên trí thức) Hà Nội. Số còn lại rút lui ra hậu phương, sau biến thành Trung Ðoàn Thủ Ðô, tức Trung Ðoàn Tây Tiến có Quang Dũng. Trận đánh này không có bộ đội Việt Minh, vì họ đã được lệnh rời khỏi Hà Nội từ tháng trước để “bảo toàn lực lượng.” Trong cuốn “Việt Sử Khảo Luận” của Luật Sư Hoàng Cơ Thụy (dầy 3296 trang, Nam Á Paris xuất bản, 2002), ông viết rất chi tiết về trận đánh này.

Về sinh hoạt của giới trí thức văn nghệ sĩ sau đó, tài liệu hiện nay rất hiếm hoi. Những ai ở lại Hà Nội sau 1946 và năm 1954 không vào Nam được, đã sống trong nhục nhã và tù tội dưới sự trả thù của Việt Minh cộng sản sau khi Hà Nội bị tiếp thu vào tháng 10, 1954. Họ là những Nguyễn Minh Lang (tác giả Mẹ Tôi Sớm Biệt Một Chiều Thu), Ngọc Giao (Quán Gió, Hà Nội 1949, Cầu Sương 1953, Ðất, Xã Bèo), Hoàng Công Khanh (Bến Nước Ngũ Bồ), Sao Mai (Nhìn Xuống), Mộng Sơn, Yên Thao, Quang Dũng, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Phụng Tỵ, Trúc Sỹ (Kẽm Trống, Thế Kỷ, Hà Nội, 1952), Sao Mai (Nhìn Xuống , Hải Phòng, 1953), Thanh Hữu (Chuyện Tình Của Người Sinh Viên, Hà Nội, 1953). Bản thân người viết đã có bài đăng trên báo Tiếng Dân, (1953), gặp họa sĩ Vị Ý, nhà văn Thượng Sỹ (báo Sinh Lực), nhà thơ Song Hồ (báo Hồ Gươm), các nhà báo nhà thơ Sĩ Hiệp, Dương Hồng Anh (báo Cải Tạo), Hương Việt Hương, Ngô Mạnh Thu (tức Dương Nghiễm Mậu, và nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu trước đây của Người Việt).

Ðây là một đoạn ngắn nhà phê bình Phong Lê viết về Ngọc Giao sau 1954 ở Hà Nội, những gì ông gánh chịu vì ngòi bút viết ra trong thời gian về Tề (1946-1954): “Cuốn truyện ông để nhiều tâm huyết, mong gửi gấm một vấn đề về tâm lý và xã hội của người nông dân là sống chết với đất đai làng mạc, với quê cha đất tổ. Ðó là bộ truyện ‘Ðất’ và ‘Xã Bèo, người của Ðất,’ được viết trong những ngày ông hồi cư về Hà Nội. Cả hai rồi thành mối họa của ông. Những nhận xét gay gắt về ông trong một bài viết nhận định văn học Hà Nội... vào năm 1963, như một bản kết tội, khiến ông đành phải cam nhận thân phận một tội đồ mang cây thánh giá cho đến suốt đời.” (Phong Lê, Thay lời giới thiệu, trang 12, Hà Nội Cũ Nằm Ðây). 

Trường hợp Ngọc Giao là một điển hình, hầu như tất cả đều sống khổ nhục như ông hay tệ hơn ông.

Một trong những tài liệu phong phú nhất có thể tìm thấy là hồi ký “Ngược Gió” của bà Thiếu Mai, một tác giả rất nổi tiếng khoảng các thập niên 50, 60 tại Hà Nội và Sài gòn. Bà Thiếu Mai tên thật Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1917 tại Hà Nội, nguyên quán Hà Ðông, viết văn viết báo từ năm 1933, ký các bút hiệu như Tường Vân, Vân Anh, học Trung học ở Hà Nội, Ðại học ở Trường Luật và Vạn Hạnh ở Sài gòn. Năm 1952 bà đã dịch tiểu thuyết The Good Earth của Pearl S. Buck sang Việt Ngữ, lấy nhan đề là Tiếng Gọi Ðồng Quê. Truyện dài đầu tiên của Thiếu Mai nhan đề Trời Ðã Xế Chiều đã được nhà Á Châu xuất bản tại Hà Nội năm 1953. Cuốn hồi ký của bà cho thấy những đổi thay, biến động trong các cơ quan công quyền hai bên, từ 1946 cho tới những năm '50 khi gia đình bà vào Sài gòn. Có vô số những nhân sự cùng hoạt động với bà - giỏi tiếng Pháp nên bà được mời làm việc trong những văn phòng chính phủ, kể cả văn phòng Phủ Thủ Tướng, trong đó có việc phiên dịch các tài liệu từ Pháp ngữ qua Việt ngữ cho Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân - gặp và biết rất nhiều người sau này trở thành những nhân vật của thời thế, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu,... Ðời sống của bà cho thấy một vài cảnh của Hà Nội thời 1946-1954 như sau: “Ngày 7 tháng 7, 1948 tôi được bổ dụng làm việc tại Bộ Lao Ðộng; bộ này đặt ở phòng Thương Mại cũ của Pháp tại phố Hàng trống, ngó qua Hồ Hoàn Kiếm... Tôi ở một căn phòng nhỏ trên gác ngôi nhà số 23 phố Hàng Gai ngay ngã tư Lê Quí Ðôn và Hàng Quạt rất tiện đường đi bộ tới sở. Tôi mướn căn phòng này với giá 150 đồng mỗi tháng, đủ chỗ kê một chiếc giường cá nhân, một chiếc bàn giấy kèm một chiếc ghế đẩu, vừa dùng làm bàn ăn và bàn viết. Ngoài giờ đi làm việc, tôi chỉ lủi thủi ở nhà làm bạn với sách báo định kỳ mà tôi đặt tiền sẵn.” (Ngược Gió, tr. 244)

Họa sĩ Tạ Tỵ dinh tê vào năm 1950. Trong một thiên hồi ký, ông kể lại qua loa, [ít khi Tạ Tỵ có thể dừng lại lâu trong một chi tiết], và nhờ đó, người đọc sau này biết được tên tuổi một số văn nghệ sĩ sống ở Hà Nội trong khoảng thời gian 9 năm sau ngày toàn quốc chống Pháp. Người ta có thể thấy những người như Nguyễn Minh Lang, Thanh Nam, Thạch Trung Giả, Triều Ðẩu. Bên âm nhạc có các ca sĩ Kim Tiêu (giọng hát Phạm Duy rất nể), Mai Khanh, Bùi Công Kỳ; âm nhạc có Ðỗ Thế Phiệt, Nghiêm Phú Phi. Hãy đọc một đoạn trích dẫn của ông để thấy quang cảnh của 9 năm vùng Tề: “Trong những ngày đầu sống tại Hà Nội (tôi trở lại Hà Nội tháng 6, 1950), trong lòng tôi nặng trĩu u buồn. Sau gần 5 năm xa cách, tôi gặp lại một Hà Nội điêu tàn với những căn nhà đổ nát, gạch ngói ngổn ngang. Nhiều căn nhà còn nguyên vẹn, nhưng chủ nhân chưa có mặt [vì đã tản cư vì trận đánh ở Hà Nội], bọn thổ phỉ đã tháo gỡ hết và mang đi tất cả mọi thứ, chỉ còn xác nhà im lìm cô quạnh. Mắt tôi lại phải nhìn thấy lính Pháp, tụi lính nhảy dù, đi nghênh ngang coi người dân hồi cư không còn chút giá trị nào. Có điều may mắn, một phần quyền hành nội trị đã được Pháp trao cho cơ quan Việt Nam điều hành, do Thủ Hiến Nguyễn Hữu Trí cầm đầu.”

0 Response to "Hà Nội và một thời văn học 'dinh tê' (bài Viên Linh)"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn