Văn học đổi mới, hay là sự thức tỉnh nửa vời của một lớp nhà văn (bài Lại Nguyên Ân)

Tổng quan về hội thảo thì đọc ở đây.


Ảnh ngó Fb


Từ đây trở xuống thì lấy nguyên về từ vanviet.


---




Tham luận tại hội thảo “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới: Thực trạng và triển vọng”, do Viện Văn học tổ chức, Hà Nội, 28/5/2015
Lại Nguyên Ân
Đối với đời sống văn học những năm 1986-1995 mà ngày nay thường được gọi là “văn học đổi mới”, tôi vừa là người trong cuộc, vừa là người quan sát. Tôi cũng đã công bố ít nhiều tư liệu và suy nghĩ riêng về văn học những năm này, − đó là bộ sưu tập tư liệu “Đời sống văn nghệ thời đầu đổi mới”, thực hiện năm 2006 cùng nhà giáo-nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình, và cuốn “Trong thoáng xuân Hà Nội” (e-book, 2014, Nxb. Hội Nhà Văn & Cty sách Phương Nam), nhưng đó hoặc là một sưu tập mới chỉ đưa một phần lên mạng, hoặc chỉ là sách điện tử, hẳn chưa có nhiều người tìm đọc.
Tại hội thảo này, tôi xin nêu một số hồi ức và suy nghĩ.
Về mặt phân kỳ, người ta có thể khuôn “văn học đổi mới” trong giới hạn mấy năm cao trào 1986-1990, thậm chí ngắn hơn, chỉ từ sự kiện cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn nghệ sĩ (6 và 7/10/1987) đến sự kiện Đại hội IV Hội nhà văn VN (28/10 – 1/11/1989), hoặc có thể kéo dài đến sự kiện báo “Công an Tp.HCM” triển khai một đợt phê phán kịch liệt đối với tiểu thuyết “Thân phận tình yêu” (tức “Nỗi buồn chiến tranh”) của Bảo Ninh (tháng 8 – tháng 11/1995), – sự kiện có thể xem như nỗ lực dập tắt hoàn toàn xu hướng đổi mới. Nhưng, cũng có thể ước lệ là toàn bộ 15 năm cuối cùng của thế kỷ XX (1986-2000) đều thuộc thời kỳ “văn học đổi mới”.
Về lực lượng văn học, đặc điểm khá nổi bật của thời kỳ này, theo tôi, là sự thức tỉnh bước đầu – một sự thức tỉnh mà tôi gọi là “nửa vời” – của một thế hệ nhà văn, từ chỗ là một “đội ngũ” dường như “thống nhất” trong cả một thời gian dài trước đó, đến chỗ nảy sinh sự khác biệt, dẫn tới những xung đột, chia rẽ, ly khai giữa họ.
Nói lực lượng nhà văn trước thời đổi mới dường như là một “đội ngũ thống nhất” – là có những tiền đề lịch sử.
Đó hầu hết là gồm những nhà văn được tập hợp trong Hội văn nghệ Việt Nam (từ 1948), Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (từ 1957), Hội nhà văn Việt Nam (từ 1957),… Sự tập hợp lực lượng này là nỗ lực của Đảng CSVN, nhằm tạo ra một lực lượng nhà văn thống nhất về tư tưởng và tổ chức, phục vụ sự nghiệp của Đảng. Để đứng vào hàng ngũ hội đoàn này, những nhà văn từng có những thành tựu văn học từ trước 1945 (hoặc trước 30/4/1975 ở miền Nam) phải tự gột bỏ một loạt quan điểm xã hội và nghệ thuật trước đó mình từng có, thậm chí phủ định một số thành tựu trước đó của mình, còn những nhà văn bước vào văn học trong thời gian của chế độ này thì cũng phải gạt bỏ hoặc được cảnh báo đừng mắc phải những quan điểm xã hội và nghệ thuật mà đảng cầm quyền không chấp nhận, không dung thứ. Để tạo ra sự thống nhất đó, Đảng và cán bộ đảng lãnh đạo các hội văn nghệ đã tiến hành hàng loạt những cuộc chỉnh huấn, những cuộc đấu tranh tư tưởng, mà nổi bật là cuộc đấu tranh chống Nhân văn – Giai phẩm (1956-58) và các cuộc học tập chính trị được tiến hành hầu như thường xuyên hằng năm.
Chính những nội dung đổi mới mà Đảng CSVN nêu ra (tại ĐH VI của Đảng) như “đổi mới tư duy”, “nhìn thẳng vào sự thật” – đã khích lệ giới nhà văn thay đổi cách nhìn cách viết: nhìn thẳng vào xã hội của mình, văn học của mình, mạnh dạn nói lên sự thật về xã hội, về tình trạng văn học, văn hóa, từ đây nêu lên yêu cầu phải thay đổi.
Sự kiện Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ trên 100 văn nghệ sĩ cho thấy: chính Đảng CSVN đã kêu gọi nhà văn tự đổi mới mình, đổi mới văn học, và đồng thời kêu gọi nhà văn lên tiếng ủng hộ công cuộc đổi mới vừa mở ra của Đảng. Trong những năm 1986-1988, Ban Văn hóa – văn nghệ của Trung ương Đảng đo Trần Độ là Trưởng ban, đã đóng vai trò đại bản doanh của phong trào đổi mới trong văn hóa văn nghệ.
Có thể tóm tắt sự chuyển biến của giới nhà văn (và văn nghệ sĩ nói chung) thời kỳ đổi mới được thể hiện ở một số phương diện sau.
Một là những phát biểu mang tính chính luận hưởng ứng chủ trương đổi mới của ĐCSVN và nêu yêu cầu đổi mới toàn diện, từ kinh tế xã hội đến văn hóa.
Hai là những sáng tác, trước hết là văn xuôi tự sự (ký, tiểu thuyết, truyện ngắn) theo các xu hướng tìm tòi khác nhau, hoặc “hiện thực tố cáo” (từ các bút ký như Cái đêm hôm ấy đêm gì? của Phùng Gia Lộc, đến những tiểu thuyết như Thời xa vắng của Lê Lựu, Những thiên đường mù của Dương Thu Hương, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, v.v.), hoặc các kiểu phúng dụ (Thiên sứ của Phạm Thị Hoài), giả truyền thuyết (một số truyện ngắn, truyện vừa Nguyễn Huy Thiệp), hoặc pha trộn tả thực với “dòng ý thức” (Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh), v.v.
Ba là những thảo luận, tranh luận về các vấn đề lý luận văn nghệ.
Có khá nhiều vấn đề được đề cập, từ chính trị và văn nghệ đến văn nghệ với hiện thực, “phương pháp” hiện thực xã hội chủ nghĩa, v.v.
Các vấn đề ấy hầu như đều đã được đề cập trong suốt quá trình thành hình và tồn tại các hội đoàn văn nghệ do Đảng tổ chức như hội Văn hóa cứu quốc (1943-1948), Hội Văn nghệ VN (từ 1948), Hội nhà văn VN (từ 1957), trước hết là vấn đề văn nghệ và chính trị, đến thời “văn học đổi mới” này lại được đem ra luận bàn. Không ít ý kiến muốn giữ nguyên những nội hàm đã định hình trong thời bao cấp, nhưng cũng có rất nhiều ý kiến mới và mạnh mẽ, trong đó vấn đề “văn nghệ – chính trị” được những người cấp tiến đưa dần ra khỏi “mê lộ” để thấy đó chỉ là vấn đề quan hệ giữa người làm văn nghệ với nhà cầm quyền, với những phạm vi được khuyến khích và những chế tài về kiểm duyệt, cấm đoán nhất định ở mỗi thời đoạn cụ thể; và việc này là độc lập với tự do sáng tác của nhà văn.
Chính là trong không khí của cao trào đổi mới, ý niệm “tự do sáng tác” đã ít nhiều lấy lại được hàm nghĩa thực, dần dần khôi phục lại dãy khái niệm tương liên mật thiết: “tự do sáng tác” – “tự do tư tưởng” – “tự do ngôn luận”; phía quản lý cũng không dám sỗ sàng phủ nhận nữa, chỉ nhấn vào sự song hành: “tự do sáng tác đi đôi với trách nhiệm công dân”.
Khi đề cập trở lại vấn đề văn học với hiện thực, nhiều người đã dám nói ra sự ngờ vực ngấm ngầm lâu nay của họ đối với cái gọi là “phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa”: nó là gì? có hay không “phương pháp sáng tác”? Không lập tức giải đáp được những câu hỏi tương tự, nhưng dần dà người ta hiểu rằng trong thực chất, “hiện thực xã hội chủ nghĩa” cũng chỉ là một trong những phương thức gắn bó, ràng buộc nhà văn vào cơ chế văn nghệ, cơ chế ý thức hệ do Đảng chỉ đạo.
Như đã biết, thời gian của cao trào “đổi mới” trong văn nghệ là rất ngắn. Sau cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn nghệ sĩ (6 và 7/10/1987), tinh thần “nhìn thẳng sự thật”, nói thẳng nói thật bộc lộ mạnh mẽ bằng các phát ngôn chính luận, bằng một số sáng tác đăng trên tuần báo “Văn nghệ”.
Nhưng người ta đã sớm tạo ra sự xung đột ngay trong giới nhà văn, coi những người cộng tác chặt chẽ với báo “Văn nghệ” là nhóm đổi mới cực đoan, đối lập với số đông còn lại, đồng thời người ta hỗ trợ hình thành một lực lượng phản công lại các phát ngôn và các tác phẩm mang tính cấp tiến kể trên. Xung đột ấy được nuôi cho lớn dần, trở thành xung đột ngay trong ban chấp hành Hội nhà văn, dẫn đến việc Ban chấp hành rút (thực chất là cách chức) Nguyên Ngọc khỏi tòa soạn báo “Văn nghệ” (đầu tháng 12/1988) thay bằng một ban điều hành gồm nhiều thành viên, dẫn dắt tờ báo theo hướng giảm liều lượng, giảm mức độ cấp tiến, thậm chí dần dần đi ngược lại xu hướng đổi mới ban đầu trong các nội dung đăng tải trên tờ “Văn nghệ”.
Ở cấp cao hơn, người ta đưa Trần Độ rời khỏi vị trí Trưởng ban văn hóa-văn nghệ trung ương, ngừng hoạt động của Ban văn hóa-văn nghệ trung ương, rồi sau đó sáp nhập ban này vào Ban tuyên giáo trung ương, tiếp đó đổi tên Ban tuyên giáo trung ương thành Ban tư tưởng văn hóa trung ương, với những nhân sự khác hẳn ở vị trí lãnh đạo.
Động thái này, ở một phương diện khác, còn liên quan đến việc định hình một mô hình đổi mới Việt Nam, mang tính chỉnh sửa so với ban đầu; đó là chỉ đổi mới các mặt kinh tế-xã hội (công nhận 5 thành phần kinh tế, chấp nhận mở cửa với kinh tế bên ngoài…) nhưng giữ nguyên xu hướng chính trị, văn hóa, quản lý xã hội như thời trước đổi mới, và kiên quyết cự tuyệt các đề xuất đa nguyên chính trị. Mô hình này càng rõ nét hơn từ sau năm 1990, sau khi Đảng và nhà nước Việt Nam tái lập quan hệ với Đảng và Nhà nước Trung Quốc, dần dần tiếp nhận mô hình Trung Quốc.
Nếu đặt trong quỹ đạo đời sống văn nghệ đã định hình từ những năm 1960 ở miền Bắc, thì một loạt những biểu hiện cấp tiến trong đời sống văn nghệ mấy năm cao trào đổi mới sẽ có thể bị xem như một trong số các “vụ” (như vụ Nhân văn, vụ “nghị quyết 9”, vụ “đề dẫn” và “phải đạo”…), nghĩa là sẽ có những tổng kết, nêu ra những lỗi lầm, nhất là những lỗi nặng nhất, kèm theo những xử phạt cụ thể.
Song, khác với những gì có thể xảy ra theo quỹ đạo cũ, thì với một vài xử lý kể trên (mà tập trung ở việc cách chức Nguyên Ngọc), phong trào đổi mới trong văn nghệ chỉ bị “hạ nhiệt” chứ không bị dập tắt; và ở quy mô xã hội-kinh tế, thì đổi mới vẫn đang được tiếp tục.
Đối với lực lượng văn nghệ đã ở trong “đội ngũ thống nhất” kể trên, cao trào đổi mới đã khiến “đội ngũ thống nhất” này mau chóng bị tách làm đôi, tạo thành hai cực, với số đông ở giữa. Một số không ít hướng theo những người cấp tiến (tự nhận là “phái vui tươi” tại đại hội nhà văn IV). Một số khá đông vẫn ứng xử như thể trước sau chưa có biến động gì, vẫn hoạt động trong các hoạt động do hội tổ chức. Một số tương đối ít thì năng nổ tham gia những hoạt động được gọi là “bảo vệ nguyên tắc” tức những giáo điều cũ. Đó là chưa nói tới việc mạng internet đi vào đời sống, can dự và làm thay đổi các quy trình viết và lưu chuyển bản thảo tác phẩm, khiến lực lượng nhà văn bị “thanh lọc” thêm một lần nữa, kể từ cuối những năm 1990s.
Ở nhan đề bài này tôi hình dung văn học đổi mới như sự thức tỉnh nửa vời của một lớp nhà văn. Chỉ của “một lớp nhà văn” thôi, chỉ những nhà văn được tập hợp trong “đội ngũ thống nhất” mà thôi.
Sao lại nói là thức tỉnh và thức tỉnh nửa vời?
Đây rõ ràng là một sự thức tỉnh.
Một lớp người đã được Đảng tập hợp thành “đội ngũ thống nhất”, sau bốn chục năm, lại được Đảng hô gọi “đổi mới”, thay đổi, nhất là “đổi mới tư duy”, “nhìn thẳng sự thật”, “nói đúng sự thật”… Họ đã tự thay đổi, nhìn sâu vào đời sống, nhìn ra và nói lên nhiều loại “sự thật” khác nhau; họ trở nên khác nhau cả trong cách nhìn cuộc sống lẫn cách thể hiện văn chương nghệ thuật.
Sau những năm cao trào đổi mới, nhiều vấn đề không còn được đưa ra “quán triệt” như xưa nữa. “Tính đảng” không còn được đưa ra như nguyên tắc để truy cứu mỗi nhà văn nữa. “Hiện thực xã hội chủ nghĩa” cũng không còn được dùng để chất vấn “định hướng nghệ thuật” của nhà văn nữa. Vẫn có một vùng cấm gồm một số phạm vi bị coi là nhạy cảm, không được đụng bút tới, và giới lãnh đạo mỗi thời kỳ vẫn muốn cài cắm thêm những nội hàm “định hướng” nhất định. Song, về không ít đề tài hoặc trong vùng cấm hoặc bị coi là nhạy cảm – người ta vẫn có thể đem ra tranh luận mỗi khi ai đó đụng bút tới và gặp phải những phản đối từ những người khác.
Vậy là từ phía tự mình đổi mới, thay đổi, lẫn từ phía lãnh đạo gỡ bớt mức độ trói buộc, kể từ thời đổi mới, 1986 trở đi, các nhà văn trong “đội ngũ thống nhất” đã được thức tỉnh và đã thức tỉnh.
Từ chỗ đứng trong “đội ngũ thống nhất” cũ, từ nay mỗi người phải tìm ra và làm ra sự khác biệt của mình. Từ sau đổi mới, văn học ngày càng được tính bằng những tên tuổi và tác phẩm cụ thể, không phải bằng thành tựu chung chung của một “đội ngũ thống nhất”.
Nhưng sao lại nói là thức tỉnh nửa vời?
Thiết nghĩ, không phải ai cũng muốn và nhất là cũng có thể thoát ra khỏi nếp sống và viết như đã quen trong “đội ngũ thống nhất” cũ. Việc không ít người rốt cuộc hoặc vẫn tiếp tục kiểu “viết để phục vụ” rồi buông bút, chấm dứt đời văn, – chứng tỏ điều đó.
Tuy nhiên, tôi nghĩ nhiều đến một trong những khiếm khuyết đáng nói nhất, ấy là, ngay những người cấp tiến trong giới nhà văn, vào hồi cao trào đổi mới, đã thúc đẩy gỡ bỏ không ít tiêu chí trói buộc (tính đảng, văn nghệ phục vụ chính trị, hiện thực xã hội chủ nghĩa), đã thúc đẩy nhà văn viết để tố cáo những sự thật phi nhân bản, phản xã hội, v.v. Song chính họ lại không tính đến cách đứng chỗ đứng của mình và của mỗi người viết văn trong những tương quan cuộc sống sẽ đổi thay do kết quả “đổi mới”; ngược lại, vẫn ngây thơ tin rằng dường như vẫn cứ đứng trong cái “đội ngũ thống nhất” cũ mà hành động là ổn rồi!
Họ đã được Đảng hô hào cùng “đổi mới”, được Đảng gỡ bỏ cho ít nhiều những ràng buộc, trói buộc quá đáng, lỗi thời; nhưng họ đã quên tính đến một thứ khế ước, công ước rất thiết yếu cho sự hành nghề trong tương lai. Khi không còn (và cũng không cần) “đội ngũ thống nhất” nữa, sẽ cần những định chế mang tính toàn dân, toàn xã hội như thế nào đó về việc hành nghề văn chương nghệ thuật, cần những định chế mang tính toàn dân, toàn xã hội về việc lập hội, cần những quy chế nhà nước về việc tài trợ cho sự nghiệp văn học nghệ thuật.
Cho đến hiện tại, xét trên mặt bằng các chế định luật pháp, các cơ quan nhà nước đã có đủ công cụ để quản lý những gì cần quản lý đối với những người viết văn: đó là luật báo chí, luật xuất bản. Hiện nay, người viết ra tác phẩm văn học chỉ có thể công bố trên báo, tạp chí, hoặc in sách; và tất cả đã có luật báo chí và luật xuất bản điều chỉnh. Không nhất thiết phải buộc từng người viết văn là thành viên những hội đoàn văn nghệ được chỉ định thì nhà nước mới quản lý được.
Hệ thống các hội đoàn văn học nghệ thuật trung ương và địa phương đang tự chứng tỏ là những định chế gắn với quá khứ nhiều hơn là hiện tại. Trong thời trước đổi mới, ở nước ta cũng như các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa, các hội đoàn nghề nghiệp, trong đó có hội đoàn của các giới văn nghệ sĩ, đều được tổ chức thành một kiểu cơ quan tương đương cơ quan nhà nước, các nhân sự đứng đầu các hội đó được hưởng các quyền lợi như cán bộ trung, cao cấp. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển văn nghệ, biến sự tranh đua về tài năng thành những đấu đá về lợi ích giữa các quan chức.
Tình trạng đáng buồn là sau ba chục năm, hệ thống các hội đoàn văn học nghệ thuật hầu như vẫn giữ nguyên trạng như trước ngày diễn ra công cuộc đổi mới. Nó vẫn mang hai thuộc tính cố hữu: tính chất độc quyền, và tính chất nhà nước hóa. Mỗi ngành chỉ được phép có một hội, đó là biểu hiện tính độc quyền. Các hội vẫn hoạt động gần như những cơ quan nhà nước, được cấp vốn từ ngân sách – tức tiền thuế của dân; đó là biểu hiện tính chất nhà nước hóa.
Trong khung cảnh hiện tại, hệ thống các hội đoàn văn học nghệ thuật đó không khác gì hệ thống các tập đoàn doanh nghiệp độc quyền nhà nước, ít sinh lãi, dễ tham nhũng, đang được nhà nước gấp rút chuyển sang cổ phần hóa để đỡ tiêu tốn vốn ngân sách, đỡ gây quá tải cho kinh tế quốc dân.
Hệ thống các hội đoàn văn học nghệ thuật, theo tôi, hiện đang là di sản cũ kỹ nhất của cơ chế bao cấp xưa kia mà công cuộc đổi mới còn chưa kịp thanh lý. Đây là di chứng cho thấy tính chất nửa vời của cuộc đổi mới văn nghệ, là di chứng về sự thức tỉnh nửa vời của một lớp người viết trên thực tế vẫn chưa tự mình giải thoát mình ra khỏi “đội ngũ thống nhất” cũ, không hiểu rằng thực ra “đội ngũ” ấy đã vỡ thành nhiều mảnh và đã biến dạng.
Hà Nội, 28/5/2015
LẠI NGUYÊN ÂN

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/van-hoc-doi-moi-hay-l-su-thuc-tinh-nua-voi-cua-mot-lop-nh-van/

0 Response to "Văn học đổi mới, hay là sự thức tỉnh nửa vời của một lớp nhà văn (bài Lại Nguyên Ân)"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn