Lần đầu tiên được rõ lí do. Liên quan đến "nhà sử học của quốc hội", hay ở hướng khác thì là "đại biểu quốc hội của hội sử học". Mình thì muốn biết rõ các căn cứ của ý kiến.
Bài trên TT.
Trích một đoạn:
"
Cuối năm 2014, Sở VH-TT&DL TP Hà Nội lần đầu đề xuất đặt tên đường phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông ở Hà Nội, đã được UBND TP chấp thuận, chuẩn bị trình HĐND TP thông qua.
Nhưng sau đó nhà sử học Dương Trung Quốc đã có thư gửi lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị chưa đặt tên đường hai nhân vật này trong thời điểm đó vì chưa thích hợp, nên để lùi lại. UBND TP Hà Nội đã rút tờ trình đề xuất này để nghiên cứu, củng cố tư liệu.
“Năm 2015, khi sở đề xuất lần hai, nhà sử học Dương Trung Quốc với tư cách là thành viên Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường phố Hà Nội tuy không tham dự cuộc họp nhưng đã có văn bản gửi đến hội đồng nêu rõ quan điểm đồng tình đặt tên đường phố Mạc Thái Tông.
Nhưng ông Dương Trung Quốc chưa đồng tình việc đặt tên đường Mạc Thái Tổ vì cho rằng vấn đề này cần phải để lùi lại tiếp tục nghiên cứu thêm” - ông Trương Minh Tiến cho biết.
"Trở xuống là toàn văn.
---
TT - Sở VH-TT&DL vừa trình UBND TP Hà Nội đề xuất đặt tên đường Mạc Thái Tổ (vua Mạc Đăng Dung), Mạc Thái Tông (vua Mạc Đăng Doanh) ở Hà Nội.
Bản đồ tuyến phố dự định đặt tên đường Mạc Thái Tông (đoạn màu đen in đậm) - Ảnh: V.V.Tuân |
Đây là lần thứ hai
Sở VH-TT&DL TP Hà Nội đề xuất đặt tên đường hai vị vua đầu triều Mạc.
Theo đề xuất của Sở VH-TT&DL TP Hà Nội, tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông sẽ được đặt gần nhau từ ngã tư đường Phạm Hùng đến ngã tư phố Trung Kính, trên địa bàn quận Cầu Giấy. Đường Mạc Thái Tổ dài 900m, rộng 60m; đường Mạc Thái Tông dài 840m, rộng 17m.
Trước đó ngày 29-5, Viện Sử học có công văn trả lời Sở VH-TT&DL TP Hà Nội “hoàn toàn nhất trí” với đề xuất đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông tại Hà Nội và cho rằng đây là việc làm đúng đắn nhằm giáo dục truyền thống và ghi nhớ công lao của tiền nhân.
Công văn của Viện Sử học dẫn lời GS Phan Huy Lê - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN - khẳng định: “Nhà Mạc là vương triều ra đời và tồn tại sau nhà Lê. Việc nhà Lê sụp đổ, nhà Mạc thay thế là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ, được nhiều người ủng hộ. Sau khi ra đời và tồn tại, nhà Mạc đã có đóng góp nhất định về mặt văn hóa, về mặt tư tưởng và một phần nào đó về mặt kinh tế”.
Trở lại với một vương triều có nhiều điều cần được giải mã, Tuổi Trẻ ghi nhận thêm ý kiến của các nhà khoa học.
* GS Văn Tạo (nguyên viện trưởng Viện Sử học VN):
Nhà Mạc không phải “ngụy triều”
Tôi tán thành việc Hà Nội đề xuất đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông. Vì triều đại nhà Mạc tồn tại trong 60 năm nhưng đã cống hiến cho lịch sử, xã hội VN những thành tựu đặc sắc, mang lại phồn vinh, thịnh trị cho đất nước.
Nhà Mạc thoán ngôi nhà Lê, lập nên triều Mạc khi nhà Lê đã suy vong. Theo sử phong kiến thì nhà Mạc được coi là “ngụy”. Nhưng triều đại nhà Mạc đã đứng lên rửa cái xấu xa của triều đại trước. Lịch sử phong kiến thường lên án hành động bầy tôi thoán đoạt ngôi vua vì muốn các triều đại phong kiến tồn tại lâu dài hơn. Nhưng điều này phản lại quy luật lịch sử, bởi theo quy luật lịch sử thì triều đại nào phục vụ được dân tộc, làm cho dân tộc tiến lên thì tồn tại. Một triều đại nào đó đến lúc quá suy yếu thì phải đánh đổ!
Hơn nữa trong mấy chục năm, nhà Mạc mở được mấy chục khoa thi, tuyển được hàng trăm trí thức. Về mặt thương nghiệp có thương cảng Vân Đồn, có gốm sứ, đồ mỹ nghệ thủ công tinh xảo xuất sang các nước.
Vì thế nhà Mạc không phải là ngụy triều. Hai nhân vật Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông có công, xứng đáng đặt tên đường và nên đặt tên đường để biểu hiện sự cống hiến của triều Mạc trong lịch sử dân tộc.
* GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (giám đốc Trung tâm
Hà Nội học và phát triển thủ đô):
Công tâm trong ghi nhận đóng góp
của triều Mạc
Tôi cho rằng bây giờ mới đưa ra đề xuất đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông ở Hà Nội là chậm, vì nhiều địa phương trong nước đã đặt tên đường này rồi.
Phải nói rằng Hội đồng đặt, đổi tên đường phố của TP Hà Nội có đại diện của đầy đủ cơ quan từ Hội Khoa học lịch sử VN, Hội đồng Di sản quốc gia VN, Bộ VH-TT&DL, Viện Sử học, Viện Lịch sử quân sự, Sở VH-TT&DL, Sở Xây dựng và nhiều sở, ban, ngành của Hà Nội... Tất cả đã xem xét thấu đáo và thống nhất cao với đề xuất đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông. Tuy thế vẫn còn có ý kiến cho rằng đặt tên phố Mạc Thái Tổ ở thời điểm này có phần “nhạy cảm”, cần được xem xét lại.
Theo tôi, điều “nhạy cảm” ấy chỉ là căn cứ vào sử nhà Lê có chuyện vua Mạc Đăng Dung xin hàng và dâng đất cho phương Bắc. Tôi nhớ vào khoảng đầu những năm 1990, GS Trần Quốc Vượng đã phát biểu rất rõ ràng câu chuyện này chép lại từ Minh sử mà không hề có phân tích, phê phán.
Theo ông: “Chính sử nhà Minh cũng phải nhận rằng Mạc Đăng Dung chỉ “dâng” những tên đất khống chứ đâu có đất thực, hoặc là đất vốn của họ rồi chứ đâu phải là đất Việt mới cắt sang? Và Mạc Đăng Dung làm thế cốt để “xoa dịu” những cái đầu hiếu chiến của triều Minh lúc bấy giờ, tạo một cớ cho Mao Bá Ôn giữ thể diện mà lui quân về kinh báo tiệp...”.
Tiếp theo GS Trần Quốc Vượng, một phần tư thế kỷ qua, giới sử học cũng đã đi được một chặng đường dài để giải mã “nghi án” này.
Còn việc nhà Mạc bị coi là ngụy triều là trong sử nhà Lê ghi chép vậy. Theo tôi, chúng ta phải nhìn trên phương diện chung của lịch sử dân tộc, nhìn trong cả tiến trình của lịch sử đất nước. Mạc Đăng Dung đánh đổ triều đình ruỗng nát, tàn tạ, thay vào đó là một triều đại mới, bước đầu đưa đất nước vào thế ổn định và có những dấu hiệu phát triển thì phải được ghi nhận là phù hợp và tiến bộ, không thể tùy tiện gọi là ngụy triều.
Triều nhà Mạc cũng mở ra nhiều khoa thi, chọn được nhiều tài năng kiệt xuất như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải... có tầm nhìn hướng biển, thoáng rộng, mở mang kinh tế, phát triển văn hóa. Đành rằng thời kỳ ổn định và phát triển này không lâu, nhưng một số chính sách của vương triều Mạc vẫn còn để lại dấu ấn sâu đậm.
Ví như với biển Đông, qua câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”, có thể hình dung ra cả một chiến lược biển của nhà Mạc và chiến lược ấy đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Tiếp tục lắng nghe ý kiến dư luận Ông Trương Minh Tiến - phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP Hà Nội - cho biết: “Có ba cơ sở để Sở VH-TT&DL Hà Nội trình đề xuất đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông là: Bộ VH-TT&DL đã có văn bản thỏa thuận với UBND TP Hà Nội việc đặt tên các tuyến đường mới năm 2015, trong đó có tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông; Viện Sử học (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN) có văn bản đồng tình với đề xuất này; quan trọng nhất là đề xuất này nhận được sự đồng tình của nhân dân”. Cũng theo ông Tiến, UBND TP Hà Nội đồng tình với đề xuất nhưng chỉ đạo Sở VH-TT&DL TP Hà Nội đăng tải công khai việc đề xuất này trên cổng thông tin điện tử TP để lắng nghe ý kiến rộng rãi của nhân dân và nhà khoa học. |
Chưa nên đặt tên đường Mạc Thái Tổ? Cuối năm 2014, Sở VH-TT&DL TP Hà Nội lần đầu đề xuất đặt tên đường phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông ở Hà Nội, đã được UBND TP chấp thuận, chuẩn bị trình HĐND TP thông qua. Nhưng sau đó nhà sử học Dương Trung Quốc đã có thư gửi lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị chưa đặt tên đường hai nhân vật này trong thời điểm đó vì chưa thích hợp, nên để lùi lại. UBND TP Hà Nội đã rút tờ trình đề xuất này để nghiên cứu, củng cố tư liệu. “Năm 2015, khi sở đề xuất lần hai, nhà sử học Dương Trung Quốc với tư cách là thành viên Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường phố Hà Nội tuy không tham dự cuộc họp nhưng đã có văn bản gửi đến hội đồng nêu rõ quan điểm đồng tình đặt tên đường phố Mạc Thái Tông. Nhưng ông Dương Trung Quốc chưa đồng tình việc đặt tên đường Mạc Thái Tổ vì cho rằng vấn đề này cần phải để lùi lại tiếp tục nghiên cứu thêm” - ông Trương Minh Tiến cho biết. |
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150609/giai-ma-nha-mac-quanh-chuyen-dat-ten-duong/758889.html
0 Response to "Tên đường liên quan đến nhà Mạc, và ý kiến của một nhà sử học của quốc hội"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn