Trích: "Về hiện tương 3 KHÔNG trong xã hội Cham: không đĩ điếm, không ăn xin, không mù chữ, thuở sinh thời, nhạc sĩ Tantu và tôi thảo luận rất kĩ, và cho rằng đó là ba cái ưu việt của chế độ mẫu hệ Cham. Năm 2004, tôi có viết về “3 không” này đăng trên Chamyouth.com với những câu chuyện và dẫn chứng khá thú vị. Dĩ nhiên chúng tôi cũng bàn qua về những “cá biệt” không tránh khỏi.
Tôi sẽ trở lại chủ đề này một ngày gần đây" (toàn văn xem ở dưới).
Bài của anh Phú Trạm, tức Inrasara. Một thi sĩ gốc Chăm, đồng thời là nhà biên khảo về văn học - văn hóa Chăm.
Bài của anh Phú Trạm, tức Inrasara. Một thi sĩ gốc Chăm, đồng thời là nhà biên khảo về văn học - văn hóa Chăm.
Lấy về từ chính trang của anh.
---
Posted on
Inrasara: Thế nào là LÀM GIÀU BẰNG VĂN HÓA DÂN TỘC?
(hay Giải minh comment của TS Quang Can)
Vừa qua, liên quan đến chuyện Cham và Chữ, 1 bạn FB tố cáo tôi “bóp méo sự thật” và mỉa mai tôi “mưu sinh bằng văn hóa Cham”, Quang Cẩn đã có comment rất mạnh: “Sao lại mưu sinh bằng văn hoá Cham? Làm giàu chứ. Anh nào nói, bảo anh ấy vào mà mưu sinh, làm giàu? Không ai cấm cản cả? TS Can Quang đang làm giàu bằng văn hóa Cham. Anh nào ganh tỵ cứ vào, làm cho ra trò. Hãy hiên ngang sống như yut đã từng”.
Tôi hiểu ý của Can Quang, rằng Sara chớ chùn bước trước mọi phê phán. Không chùn bước, nhưng tôi thì khác: với Cham, tôi rất ngại làm bất kì ai tổn thương, nên giải minh, chứ không phán xét. Một ý kiến nào bất kì, chỉ khi suy tư thấu đáo, vấn đề mới được sáng rõ.
Đoạn đề dẫn của nhiều bài viết của tôi: “Đứng trước kẻ nghịch mình, phán xét hay buông tiếng chửi bới thì dễ, nói lời yêu thương mới khó; nói lời yêu thương thì dễ, tìm hướng giải tỏa ngộ nhận để khai tỏ vấn đề càng trăm lần khó hơn”.
Ở đây, nói – không phải tranh hơn thua, mà là NÓI CHO, để mọi người hiểu vấn đề, và nhất là: hi vọng JG sáng tỏ hơn để có thể thay đổi lối nhìn.
Về comment của Can Quang, có 3 điểm cần nói:
1. Sara có bị đố kị, ganh tị không?
Tôi không hề biết JG là ai, tôi cũng không ý định tìm hiểu lai lịch bạn FB này. Viết phê bình văn học về một tác giả Việt nào bất kì, tôi cũng ứng xử tương tự: chỉ chú ý đến văn bản mà không gì khác. Cho nên tôi không biết JG có cùng lĩnh vực với tôi không mà phải ganh tị, dù tôi quá hiểu không ít người dù chẳng cùng ngành nghề vẫn không bỏ được tâm đố kị với người hàng xóm thành công hơn mình.
2. JG tố cáo tôi “bóp méo sự thật” để “mưu sinh bằng văn hóa Cham”, nghĩa là bán văn hóa Cham để kiếm sống. Sự thật có phải vậy không? Thực tế trả lời câu hỏi này:
– Chủ biên 13 kì Tagalau: 5 kì huề vốn, 3 kì được Mạnh thường quân cho thừa, tiền thừa này tôi trả nhuận bút; còn lại 5 kì tôi chịu lỗ 8tr/ kì (nhớ, 8 tr của thời giá 2000-2006).
– Viết sách về văn hóa Cham, bỏ tiền túi ra in, tặng bà con là chính. Ví dụ cuốn Ariya Cham 700 trang, in 1.500 bản, tặng 800 bản cho sinh viên bán lấy tiền tiêu. Và…
– Nhà Trưng bày Văn hóa Cham Inrahani tốn cả tỉ (thời giá 2009), mở cửa tự do cho khách vào tham quan, tôi còn bỏ tiền túi chi lương cho người trực. Ở đây tôi không cho phép nhà tôi bán bất cứ cái gì, kể cả thổ cẩm, ngoại trừ cháu ruột được dành khu nhỏ bán tạp hóa như cách trực Nhà Trưng bày.
– Tiền từ các giải thưởng [danh giá thì có, chớ hiện vật không nhiều], tôi giúp trẻ em Cham là chính: Tết Trung thu, in và mua sách [của chính mình] tặng…
Sinh nhai chính của tôi: viết báo, đi nói chuyện. Ví dụ mới nhất năm 2014 (xem “Dấu vết chữ nghĩa 2014” ở Inrasara.com):
– 8 cuộc thuyết trình và chủ trì, trong đó chỉ có 3 thuộc về đề tài Cham.
– 15 trả lời phỏng vấn không thù lao, chỉ 5 cuộc liên quan đến Cham.
– 91 bài báo và tiểu luận, có 28 bài thuộc về Cham; trong 28 này, 13 bài là đặt vấn đề văn hóa và xã hội Cham và đấu tranh cho quyền lợi cộng đồng đăng trên Inrasara.com, chứ không phải “khai thác” văn hóa Cham để kiếm sống.
Tất cả chuyện này tôi đều có “Ghi Chép” đủ đầy trên web nhà. Riêng quyết toán Tagalau tôi có “Thư Tagalau” đến các thành viên và người liên quan.
Như vậy, tôi “mưu sinh bằng văn hóa Cham” chiếm chưa tới ¼ thu nhập của tôi. Mà chuyện nhuận bút ở Việt Nam không nói ra ai cũng biết: chết đói. Dường như ở VN chưa có nhà nghiên cứu độc lập nào kiếm sống bằng nghề, tôi cũng vậy. Sách nghiên cứu và tập thơ in là để tặng, ngược lại 2 cuốn tiểu thuyết và 4 cuốn tiểu luận văn học của tôi lại có nhuận bút.
Kết luận: cho Inrasara “mưu sinh bằng văn hóa Cham” [hay bán văn hóa Cham để sống] là lầm TO! Tôi cũng muốn thế lắm chứ, hay nói như Can Quang: rất muốn làm giàu bằng văn hóa Cham, nhưng không có khả năng.
3. Viết sách, viết báo và đi thuyết trình về văn hóa Cham có phải là “bán văn hóa Cham”?
Hoạt động nhằm quảng bá [hay quảng cáo] văn hóa dân tộc mình đến với thế giới bên ngoài, có phải là xấu, là hành vi đáng chê trách không?
[Thuở Pô-Klong đôi lần tôi nghe người có học hẳn hoi tố cáo cụ Thiên Sanh Cảnh là bán văn hóa Cham]. Đây là lối nghĩ của người nhà quê, rất lạc hậu trong thế giới hiện đại.
Mỹ không cần “bán văn hóa”, mà ngược lại ai muốn thưởng thức văn hóa họ, thì phải bỏ tiền ra mua. Ở Việt Nam, Pháp có Trung tâm Văn hóa Pháp, Đức có Viện Goethe, Anh có Hội đồng Anh, rồi Nhật, Hàn… Họ biết văn hóa mình yếu thế hơn, cho nên để truyền bá văn hóa dân tộc họ, họ đã phải cho không biếu không.
Văn hóa Cham đang cực kì yếu thế, nếu có anh chị em Cham hay bất kì người ngoài nào khác nghiên cứu về mình, thì mình phải ủng hộ họ. Còn nếu họ bán, và bán giá cao, bán được nhiều thì càng tốt, sao lại đi chê trách. Miễn là họ làm đàng hoàng, làm tốt.
4. Đến đây, câu chuyện liên quan đến “chất lượng hàng hóa”.
Không nhà nghiên cứu nào dám nhận mình đúng thập thành 100%!
Có làm thì có sai, nhưng lấy cái sai tiểu tiết để đánh giá toàn cục vấn đề [hay công trình], hoặc đưa hiện tượng cá biệt (1-2 người mù chữ trong một palei) để phản bác cái phổ quát (truyền thống đàn ông Cham không mù chữ Cham) chỉ lộ bày cái nhìn phiến diện, hay tư duy yếu kém của người nhận định.
Một công trình ra đời rất cần được đón nhận và phê bình bằng tinh thần thiện chí với lời lẽ đúng mực, chỉ khi đó nó mới giúp được cả hai – người viết và người đọc – đi đến một chân lí khả dĩ nhất.
__________
Về hiện tương 3 KHÔNG trong xã hội Cham: không đĩ điếm, không ăn xin, không mù chữ, thuở sinh thời, nhạc sĩ Tantu và tôi thảo luận rất kĩ, và cho rằng đó là ba cái ưu việt của chế độ mẫu hệ Cham. Năm 2004, tôi có viết về “3 không” này đăng trên Chamyouth.com với những câu chuyện và dẫn chứng khá thú vị. Dĩ nhiên chúng tôi cũng bàn qua về những “cá biệt” không tránh khỏi.
Tôi sẽ trở lại chủ đề này một ngày gần đây.
http://inrasara.com/2015/06/02/nrasara-the-nao-la-lam-giau-bang-van-hoa-dan-toc/
0 Response to "Thế nào là làm giàu bằng văn hóa dân tộc (bài Phú Trạm)"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn