Mình muốn kiểm tra một quyển sách nhỏ trong tàng thư cũ của cụ Vương. Không biết bao giờ mới có dịp. Quyển đó, cụ bảo: ở Việt Nam, chỉ còn duy nhất một cuốn nơi cụ.
Hôm nay, nhìn "trưng dẫn" của Báo ảnh Việt Nam mà thấy khoái rồi.
Hôm nay, nhìn "trưng dẫn" của Báo ảnh Việt Nam mà thấy khoái rồi.
Trong các tự truyện, cụ tự nhận mình người keo kiệt với vợ con, nhưng rất hào phóng với cổ vật. Nửa đêm tỉnh dậy là mò mẫm vào ôm cổ vật, vuốt ve nó, tâm sự với nó !
Từ đây trở xuống là của BAVN.
---
14/05/2015 15:29 GMT+7Vương Hồng Sển (1902-1996) là một nhà văn hóa và sưu tầm cổ vật nổi tiếng ở Nam Bộ. Sau khi mất, ông đã hiến tặng toàn bộ 849 cổ vật và sách sưu tầm của mình cho Nhà nước. Bộ sưu tập cổ vật của Vương Hồng Sển có giá trị độc đáo với nhiều chất liệu khác nhau: gốm sứ, đồng, gỗ, thủy tinh, ngà, sừng, đồi mồi... Trong đó có nhiều cổ vật của Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước châu Âu.
Giới nghiên cứu lịch sử và cổ vật cả nước đều đánh giá cao sự dày công trong quá trình lưu giữ các cổ vật, cùng nhiều công trình nghiên cứu về Sài Gòn xưa của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển. Trong bộ sưu tầm cổ vật của mình, đồ sứ men lam Huế chính là chủng loại ông ưa thích nhất.
Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ 17-18, nhà cầm quyền Đàng Ngoài và Đàng Trong cho rằng gốm sứ Trung Quốc có chất lượng tốt nên đã đặt các lò gốm tại trấn Cảnh Đức, tỉnh Giang Tây sản xuất để sử dụng trong hoàng cung, phủ chúa. Theo yêu cầu của chúa Trịnh - chúa Nguyễn, gốm sứ Trung Quốc được sản xuất là những sản phẩm đồ đựng, đồ trang trí cao cấp, men xanh trắng vẽ phong cảnh, đồ án, tích truyện, thơ chữ Hán, chữ Nôm hàm chứa nhiều ý tưởng, ẩn dụ tốt đẹp.
Du khách nước ngoài tham quan bộ sưu tập cổ vật của Vương Hồng Sển.
Một góc không gian trưng bày cổ vật của Vương Hồng Sển.
Bộ sưu tập các đồ gốm sứ thế kỷ 17-19.
Loại hàng sản xuất cho chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, hoa văn chủ yếu là các đồ án rồng, lân, phượng - những linh vật chỉ dùng cho vua chúa, hoàng tử, hoàng hậu. Ở phần trôn các hiện vật này được ghi các loại hiệu đề đặc biệt bằng chữ Hán: “Nội phủ thị Đông”, “Nội phủ thị Đoài”, “Nội phủ thị Trung”, “Nội phủ thị Bắc”, “Nội phủ thị Nam”, “Nội phủ thị Hữu”…
Đối với loại hàng do chúa Nguyễn ở Đàng Trong đặt, cũng là gốm sứ men xanh - trắng như chúa Trịnh ở Đàng Ngoài nhưng có mẫu mã hoàn toàn khác. Điểm khác biệt là trên đồ sứ ghi thơ Nôm hoặc một số khác ghi bằng chữ Hán. Các bài thơ này đều do chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) sáng tác. Ví dụ như: “Thiên Mụ hiểu chung” (Chuông sớm chùa Thiên Mụ), “Tam Thai thính triều” (Núi Tam Thai nghe sóng triều), “Thuận Hóa vãn thị” (Chợ chiều Thuận Hóa), “Ải Lĩnh xuân vân” (Mây mùa xuân đèo Hải Vân)…
Ngoài sản phẩm gốm men xanh - trắng, trong bộ sưu tập Vương Hồng Sển còn có nhiều sản phẩm gốm có nguồn gốc từ tầng lớp thượng lưu đặt hàng vào thế kỷ 19. Hoa văn trên các sản phẩm này thường là các loại phong cảnh, tích truyện Trung Quốc như Bá Nha - Tử Kỳ, Trương Lương, Hoàng Thạch Công… hay hình mai, hạc, rồng, phụng, tứ linh, hoa lá. Ví dụ như bát “Tự Đức Tân Mùi” (1871) bên trong có vẽ hai nhánh cây tùng và một cặp chim hạc, phía ngoài vẽ cây tùng, con lộc và dơi tượng trưng Phúc - Lộc - Thọ…
Sinh thời, Vương Hồng Sển cũng là người viết nhiều sách nghiên cứu về cổ vật nhằm cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng ban đầu cho những người thích sưu tầm đồ cổ./.
Một số món cổ vật tiêu biểu trong bộ sưu tập của Vương Hồng Sển:
Lọ hít và đĩa đá quý thế kỷ 19.
Bộ bàn ghế bằng gỗ.
Lược đồi mồi thế kỷ 19.
Ẩm gốm men trắng thế kỷ 12-13.
Bình vôi gốm thế kỷ 19.
Đĩa chân cao thủy tinh giữa thế kỷ 20.
Âu có nắp gốm Sài Gòn đầu thế kỷ 20.
Đĩa men màu (Pháp).
Bát của nhà thờ họ Đặng, 1868.
Bộ đĩa chén "Giáp Tý niên chế", 1804.
Chiếc ché cổ.
Đĩa men xanh trắng (Pháp).
Đĩa ghi thơ Nôm.
Bộ chén cổ của Nhật.
Tượng sư tử bằng gỗ đầu thế kỷ 20.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh
0 Response to "Bộ sưu tập cổ vật của cụ Vương Hồng Sển"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn