Trở lại tư liệu của ông Trần Đại Sỹ (qua một bài trên tạp chí học thuật năm 2013)

Tư liệu này đã được ông Bàn Tân Định "thẩm thấu" từ lâu (ở đây). Bài của Bàn Tân Định có tiêu đề Giữa sự thật và tin đồn : Vấn đề lũng đoạn thông tin.

Và cũng đã bàn rõ hơn một chút ở đây.

Bây giờ, thì thấy nó xuất hiện trên Tạp chí Hán Nôm. Bài của Trần Thị Băng Thanh.

---
Từ hai bản thần tích làng My Khê, đôi điều suy ngẫm (Tạp chí Hán Nôm, số 2 (117) 2013
(tr.70 -75)

Cập nhật lúc 12h04, ngày 27/12/2014







TỪ HAI BẢN THẦN TÍCH LÀNG MY KHÊ, ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM
PGS.TS. TRẦN THỊ BĂNG THANH
Viện Văn học
Các triều đại xưa đều có cơ quan chép sử, gọi là Sử quán, và cũng có những sử gia tự do, viết sử để bày tỏ quan điểm của mình, hy vọng lưu lại được cho hậu thế. Các quan trong Sử quán chép sử là làm công việc chính thức được triều đình giao phó. Nói chung phải theo quan điểm chính thống của triều đình, nhưng các nhà làm sử cũng có phần tự do nhất định, nghĩa là được phép “phê phán” vua hoặc những chuyện xấu xa trong triều đình, được nêu ý kiến bình luận riêng. Về nguyên tắc, vua đương triều không được phép đọc những điều quan chép sử viết về mình và các quyền thần cũng không được quyền can thiệp. Những người chép sử được giáo dục phải coi trọng nhân cách, có khí tiết, tôn trọng lẽ phải mà không khuất phục quyền uy. Mặt khác, hai thể loại sử thường được dùng nhiều trong việc làm sử là biên niên, ghi chép sự kiện theo năm tháng, và thực lục, cũng có tính khách quan nhất định. Triều đình có muốn giấu giếm một việc xấu xa hay bịa tạc một sự kiện nào đó, cũng khó thực hiện được, chỉ có cách giảm nhẹ hay tô đậm mức độ nghiêm trọng hay tích cực của sự việc mà thôi. Ngoài ra, những phần sử do triều đại sau chép về triều đại trước, có thể vừa khách quan hơn cũng vừa thiên lệch hơn, nhưng cũng không thể bỏ qua sự kiện... Chính nhờ những điều kiện đó mà cổ sử về cơ bản rất đáng tin cậy, ngày nay chúng ta có thể căn cứ vào các sử liệu trong đó để suy xét, tìm kiếm bổ sung thêm và suy luận. Tuy nhiên, vì là sử của triều đình nên sự việc được quan tâm chép chủ yếu là những sự kiện liên quan đến triều đình và những sự kiện chính, lớn của quốc gia, không bao quát hết được mọi sự kiện cụ thể xảy ra trong dân trong nước. Thời đại càng xa, sử ghi chép càng vắn tắt sơ sài. Đặc biệt ở nước ta, sau chính sách cướp sạch, đốt sạch thư tịch Việt Nam của nhà Minh đầu thế kỷ XV thì hầu như sử sách văn chương chẳng còn gì. Cho nên sau khi giành lại chủ quyền, cố gắng lắm các sử gia hai triều đại Trần - Lê mới phục dựng được lịch sử mấy nghìn năm (từ thời lập quốc
cho đến hết đời Hồ) của dân tộc bằng 13 quyển, quá ít so với 11 quyển chép sử từ 1407 đến 1675 (chưa đầy 270 năm). Vì thực tế đó nên rất nhiều sử kiện không được đưa vào sử sách, nhiều giai đoạn chỉ được chép rất sơ sài. Xin nêu hai ví dụ.
1. Cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng và triều đại Trưng Vương
Nước ta bị nhà Tây Hán đô hộ từ năm 110 trước Tây lịch, đã 140 năm, không có một sự chống đối nào. Đến năm 39 sau Tây lịch, Hai Bà Trưng mới nổi dậy khởi nghĩa, giành lại chủ quyền cho dân tộc. Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư chép về Hai Bà như sau:
“Canh Tý, năm thứ nhất (40) (Hán Kiến Vũ năm thứ 16). Mùa xuân, tháng 2, vua khổ vì Thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Định giết chồng mình, mới cùng em gái là Nhị nổi binh hãm trị sở châu. Định chạy về nước, các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua, mới xưng là họ Trưng”.
Về cuộc chiến với Mã Viện sử chỉ chép:
“Nhâm Dần, năm thứ 3 (42 dương lịch), (Hán Kiến Vũ đế năm thứ 18). Mùa xuân Mã Viện theo ven biển mà tiến, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc đánh nhau với vua. Vua thấy thế giặc mạnh lắm, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, lui quân về giữ Cấm Khê. Quân chúng cũng cho vua là đàn bà, sợ không đánh nổi địch, bèn tan chạy. Quốc thống lại mất”.
Lê Tung, trong Việt giám thông khảo tổng luận thì chép:
“Kịp đến Trưng Vương là dòng dõi Hùng Vương, chị em đều có tiếng dũng lược, tụ họp người các bộ, hăng hái dấy đội quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, quận huyện hưởng ứng, cho nên lấy được 65 thành ở Lĩnh Ngoại, thu lại hết đất cũ Nam Việt (tức lãnh thổ thời Triệu Đà), cũng là bậc hào kiệt trong nữ lưu. Song vì trời không giúp họ Lạc nên quân Hán sang xâm, nếu bấy giờ có vua anh hùng tài lược thì nhà Hán đâu dám dòm ngó đến đèo Mai Lĩnh”.
Đọc Đại Việt sử ký toàn thư chắc khó hình dung nổi cuộc chiến mở đầu cho lịch sử chống ngoại xâm giữ nước vĩ đại của Hai Bà diễn ra thế nào, triều đại độc lập Trưng Vương như thế nào? Thậm chí còn có cảm giác quân Hai Bà chỉ là toán quân ô hợp, cuộc nổi dậy của Hai Bà chỉ là bột phát vì mối thù riêng, vì “bị luật pháp trói buộc”. Mặc dù Ngô Sĩ Liên giữ lại lời bình rất hào hùng, tràn đầy tinh thần thán phục của Lê Văn Hưu, nhưng trang viết ngắn ngủi của ông có lẽ còn có khoảng cách khá xa so với thực tiễn lịch sử. Cách chép của Lê Tung trân trọng hơn, gợi ý cho người đọc thấy nhiều mặt hơn, nhưng cũng chỉ mới được một lời khen: “Cũng là bậc hào kiệt trong nữ lưu”, chưa có sự đánh giá một cách toàn diện đúng với tư cách một triều đại, một cuộc chiến chống xâm lược mở đầu trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Các sử gia xưa nói chung đều có ý lý giải nguyên nhân thắng lợi của Mã Viện do Hai Bà là “nữ chủ”. Tuy vậy về sau, cách nhìn nhận của các sử gia dường như cũng có điều chỉnh, công bằng hơn. Ngô Thì Sĩ viết: “Trưng Vương là đàn bà góa, búi tóc đứng lên, những con trai trong nước đều cúi đầu chịu bà chỉ huy, các quan to ở năm mươi thành cũng đều nín hơi không dám kháng cự. Lưu Văn Thúc là người diệt được quân hùng, chống nổi đại địch, mà khi tập binh khiển tướng, còn phải ăn trưa ngủ muộn lo nghĩ cơ mưu. Mã Phục Ba làm cỏ nước Tiên Linh, phá tan đất Tham Lang, mà khi đóng quân ở Lãng Bạc, cũng phải lo xa nghĩ kỹ, náu mình ở bên hồ sâu. Tiếng tăm hùng dũng của Bà chấn động cả Trung Hoa, cơ nghiệp dọc ngang trời đất, thật là anh hùng.” (Việt sử tiêu án)
Nguyễn Nghiễm thì viết: “... Như lũ Tô Định có thể nào dung túng cho chúng làm càn một ngày nào được nữa. Bà Trưng nổi giận khích lệ đồng bào, nghĩa binh đi đến đâu, gần xa đều hưởng ứng, năm mươi thành Ngũ Lĩnh đều khôi phục được hết, dân sự đang khổ sở đắng cay, lại được trông thấy mặt trời. Bà thật quả là bậc anh hùng hơn người nhiều lắm. Tuy rằng một đám quân mới tập hợp, mới nhóm lên đã tan vỡ, nhưng cũng hả được lòng phẫn uất của thần, nhân. Lại còn điều đáng cảm động là cơ nghiệp phú cường của họ Triệu bị cướp đoạt vì tay một con đàn bà ở Hàm Đan, thời đại chìm đắm của đất nước gần thu phục được, do một nữ chúa ở Mê Linh; mà bọn tu mi thời bấy giờ cam chịu cúi đầu bó tay làm tôi tớ cho người, chả đáng hổ thẹn lắm sao!” (Việt sử tiêu án).
Tuy nhiên để có thể điều chỉnh được cách nhìn nhận như thế, các nhà sử học chắc phải bằng con đường thư tịch ngoài sử. Chẳng hạn vì sao biết được trận Lãng Bạc làm cho Mã Viện “lo xa nghĩ gần náu mình bên hồ”, chính là nhờ vào những tài liệu truyện, ký mà một nguồn là An Nam chí lược do Lê Tắc thu thập đưa vào. Trong câu chuyện về Mã Viện, Lê Tắc có chép đoạn văn sau:
“Mã Viện khi đã dẹp yên Giao Chỉ, có giết trâu bò, lọc rượu đãi quân sĩ. Trong lúc yến tiệc, Viện thong thả nói với liêu thuộc rằng; ‘Người em họ của ta tên là Thiếu Du thường hay thương ta khảng khái có chí lớn và nói: Kẻ sĩ sinh ở đời, miễn sao vừa đủ ăn mặc, đi cỗ xe tầm thường, cưỡi ngựa xấu xí, làm chức lại thuộc trong quận, giữ phần mộ của tổ tiên, làng xóm cho là người hiền, như vậy thì đủ rồi. Còn như ham muốn cho dư dũ, thì chỉ là mình tự làm khổ mình đó thôi. Hồi ta ở giữa Lãng Bạc và Tây Lý, chưa diệt được giặc (Mã Viện chỉ Hai Bà Trưng), dưới thì nước lụt, trên thì khói mù, khí độc hừng hực, xem lên thấy chim diều bay là là rơi xuống nước, nhớ lại lời nói thời bình của Thiếu Du, ta tiếc không làm sao được như vậy!’ ”.
Lê Tắc còn trích được bài thơ của Tô Đông Pha viết về câu chuyện lùm xùm năm xe ý dĩ Mã Viện chở về từ Giao Châu và nói cuộc khởi binh của Hai Bà Trưng làm “rung động hơn sáu mươi thành”....
Tuy nhiên, muốn hiểu được các ý tứ sau đây của Lê Tung (và các sử gia khác): “Chị em đều có tiếng dũng lược, tụ họp người các bộ, hăng hái dấy đội quân hùng mạnh, lững lẫy uy danh, quận huyện hưởng ứng”, “sáu mươi lăm thành” là như thế nào, chắc chắn phải tìm thêm ở nguồn dã sử và tục thờ cúng trong dân gian. Chắc chắn không phải vô cớ mà hiện ở Quảng Tây còn nhiều đền thờ “Vua Bà”, “Mụ Trưng”, “Mụ Trắc” và đền thờ các tướng vua Bà. Ông Trần Đại Sĩ (ở Pháp) trong một dịp làm việc ở Trung Quốc có tìm được ngôi miếu thờ ba vị tướng của Vua Bà và cả đôi câu đối cho phép không còn lo lầm lẫn nữa, như sau:
Câu thứ nhất:
Khảng khái phù Trưng thời bất lợi,
Đoạn trường trục Định, tiết can vân.
Ông Trần Đại Sĩ dịch là:
Khng khái phù vua Trưng, ngặt thời của Ngài không lâu.
Ðuổi được Tô Ðịnh, nhưng đau lòng thay, phải tự tận, khí tiết ngút từng mây.
Câu thứ hai:
Giang-thượng tam anh phù nữ chúa,
Bồ Lăng bách tộc khốc thần trung.
Ông Trần Đại Sĩ dịch là:
Trên sông Trường Giang, ba vị anh hùng phò tá nữ chúa,
Tại bến Bồ Lăng, trăm họ khóc các vị thần trung thành. 
Ở Việt Nam nguồn tư liệu này còn phong phú hơn nhiều. Rất nhiều nơi có đền thờ Hai Bà cũng như các tướng nam, tướng nữ của Hai Bà, thiên thần có, nhân thần có, đến nay vẫn rất tôn nghiêm, khói hương không ngớt. Chúng ta không tìm đâu ra trong chính sử những tên tuổi Lê Chân, Bát Nàn... và nhiều tên tuổi khác được thờ phụng tại các đền thờ rải rác khắp các tỉnh mà hiện nay còn chưa thống kê hết. Cũng có một (hay còn nhiều nữa?) ngôi đình như ở xã Thanh Cao tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội) thờ Cai Công, một vị tướng của Hai Bà “văn võ song toàn”. Sau cuộc chiến thất bại, Cai Công đã về làng mở trường dạy học, cả văn và võ, trở thành một vị thầy đức độ; người dân thờ làm thành hoàng, đến nay vẫn cúng giỗ... Tất nhiên người đọc có những băn khoăn bởi những yếu tố huyền ảo trong các thần tích, phải giải mã như thế nào để tìm thấy cái lõi sử thực, nhất là hầu hết các thần tích đều do “một tay” Nguyễn Bính chấp bút, hầu như đều có chung một kiểu bố cục. Rất may, bản Thần tích xã My Khê đã cung cấp một mẫu thần phả mà tác giả là nhà sử học tên tuổi Lê Tung. Lê Tung đỗ Tiến sĩ năm 1481, năm 1514 khi đang giữ chức Lễ bộ Thượng thư Đông các Đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc tử giám, ông được vua Lê Tương Dực giao viếtViệt giám thông khảo tổng luận. Với tính chất của việc bàn tổng quát và thông khảo, Lê Tung đã viết đoạn về Hai Bà Trưng như đã dẫn. Trong Thần phả này, ông kể chuyện âm phù của hai công chúa song sinh Nguyệt Thai, Nguyệt Độ. Hai công chúa không phải tướng của Hai Bà Trưng nhưng là “thần”, những vị thần đã được hả giận khi cuộc chiến của Hai Bà thắng lợi. Đọc thần phả cũng có thể thấy sự tình nguyện ủng hộ của nhân dân Đông Khu (xã My Khê) với Hai Bà, nơi đây cũng là một căn cứ đóng quân của Hai Bà trong cuộc chiến với Tô Định. Nhưng điều quan trọng hơn là Lê Tung còn cho biết những cuộc hội họp tướng sĩ, kế hoạch chia quân tiến đánh, sự phục tùng, tinh thần chiến đấu của các tướng sĩ, sự hùng hậu của lực lượng quân đội,… của Hai Bà. Một chân dung Trưng Nữ Vương có phần rõ nét hơn và như có phần “minh họa” cho ý kiến của ông ở thiên Tổng luận... Có lẽ Lê Tung đã thu thập tư liệu từ những câu chuyện truyền miệng trong dân gian, để rồi ông “văn bản hóa” thành bản thần tích lưu lại cho dân. Đúng là phải nên coi Thần tích như một nguồn dã sử, sự thờ cúng, nhiều đền chùa đình miếu là những cứ liệu có “nguyên mẫu” người thật việc thật lịch sử, để từ đó bồi đắp cho những thiếu sót của sử thư. Thần phả xã My Khê và di tích đền miếu thờ thần của xã có một giá trị lịch sử quý báu và rất đáng trân trọng ở chỗ đó. Hy vọng các di tích như thế sẽ giúp ích nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử dân tộc.
2. Lực lượng “dân quân du kích” trong công cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông của nhà Trần
So với những trang viết về triều đại Hai Bà Trưng thì những trang viết về triều Trần của Đại Việt sử ký toàn thư đã rất phong phú và rất hay. Riêng về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông sử viết khá đầy đủ, từ đấu tranh ngoại giao, bàn bạc kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, các bước, các giai đoạn, các chính sách... của cuộc chiến cũng như hậu chiến là khá rõ nét. Hậu thế có thể biết được lòng dân qua ghi chép về Hội nghị Diên Hồng, về đội quân Hà Bổng, về hai chữ “Sát Thát” trên cánh tay quân sĩ... Tuy vậy, cũng còn rất nhiều nơi vua và các tướng soái nhà Trần đã từng trú quân, ém quân, lập hành dinh, hội họp, dự trữ lương thực, khí giới, tuyển quân... và nhiều tướng lĩnh “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu”, xong việc “dáo gươm vứt bỏ”, lại trở về làm người dân thường nơi thôn xóm hoặc lặng lẽ trở về thiên giới... mà chính sử không ghi được hết. Những người anh hùng, những làng xóm anh hùng “vô danh” hoặc ẩn danh ấy phải tìm trong dân gian, ở những tên làng, tên núi, tên sông và ở những ngôi đền, ngôi miếu mà nhân dân địa phương vẫn phụng thờ, mặc dù có khi còn quên cả sự tích. Ví như đền Trần Thương ở Hà Nam, là kho lương thực của nhà Trần, núi Thuốc ở Quảng Ninh, tương truyền là vườn thuốc của Trần Hưng Đạo, còn có nhiều nơi mang tên Gạo, Thóc cũng như các chùa Thái Vi, vùng Vũ Lâm ở Ninh Bình... đều là những dấu tích rất đáng ghi nhớ về công cuộc dựng nước giữ nước của nhà Trần. Chẳng hạn nhờ tấm bia ghi công đức làm chùa Hưng Phúc ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa mà biết được có một vị hào trưởng trong làng đã huy động trai đinh trong hương chặn đánh toán quân Toa Đô ở Cổ Bút khi chúng theo đường biển đi tắt qua Cổ Khê để tiến ra Thăng Long trong cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai (1285). Tấm bia ấy giúp cho các nhà nghiên cứu hiểu thêm đường đi của mũi tiến công của Toa Đô từ Chiêm Thành đánh ra... Gần đây các nhà nghiên cứu tiếp cận được với ngôi đình ở xã Ngọc Động, Tiên Lãng, Hải Phòng có thần phả ghi về một vị tướng cầm quân tham gia đánh quân Nguyên, ông mất sớm, sau đó hiển linh và âm phù chữa thuốc cho dân một vùng, bởi gia đình ông có nghề làm thuốc, đến nay ngôi đình vẫn còn, vẫn được nhân dân cầu cúng; đền thờ thánh mẫu ở cửa biển Kỳ Hoa (Hải Khấu thuộc xã Kỳ Ninh huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng cho thẻ chữa bệnh, Công chúa Huyền Trân sau khi ở Chiêm Thành về đi tu tại một ngôi chùa ở Hổ Sơn, Vụ Bản, Nam Định cũng chữa thuốc cứu được nhiều người bệnh... Thần tích về Dụ Tôn của My Khê cũng nằm trong mạch nguồn ấy. Thần tích cho biết về một vị tướng được dân cử, đã có công trong cuộc chống xâm lược Nguyên. Ông là một thanh niên trẻ có tài “ở lẫn trong dân”, đã hưởng ứng lời kêu gọi của vua Trần Nhân Tông, tuyển được hơn nghìn hương binh đến xin đi đánh giặc. Sau khi gặp vua, ông được vua phong chức Đô thống chế Đại tướng quân, đem quân đi tuần phòng các nơi. Ông đã ở lại My Xuyên đóng đồn phòng giặc, lại được nhân dân My Xuyên ủng hộ, hơn chục người xin làm gia thần, nhân dân xin được thờ phụng ông sau này... (Dụ Tôn phảng phất hình mẫu chàng thiếu niên Trần Bình Trọng thời Đông A). Nếu “bóc” đi những tình tiết huyền ảo của một thần tích có thể tìm thấy nhiều cốt lõi sử thực, chẳng hạn trận tuyến chống giặc của nhà Trần, tinh thần tham gia tự nguyện của nhân dân Kinh Bắc (quê hương Dụ Tôn) và My Xuyên, như một minh chứng cho lời hứa “Quyết đánh” của các bô lão ở Hội nghị Diên Hồng, tinh thần xả thân vì đất nước mà chính sứ giả nhà Nguyên sang Việt Nam năm 1293 (sau cuộc chiến) còn thấy dấu tích ở những dòng chữ thích trên ngực những người trai trẻ thôn quê “nghĩa dĩ quyên khu, hình vu báo quốc” (vì nghĩa quên thân, thể hiện ở lòng báo ơn nước). Quả là những sự việc như vậy sử sách không ghi hết được, và những ngôi đình, đền, miếu với các thần tích sẽ bổ sung thêm được rất nhiều.
Hai bản Thần tích xã My Xuyên với di tích hiện vật còn lại và thần tích thần phả, do vậy mà có một giá trị lịch sử rất đáng trân trọng.
Tôi nghĩ rằng các ngành chuyên môn nên chăng phải có một cuộc tổng kiểm kê các di tích lịch sử, sưu tầm, dịch, in và nghiên cứu cẩn thận để từ các thần tích, chọn lọc những điều có thể gợi ý, bổ sung cho những chỗ chính sử còn bỏ sót. Đó cũng là việc làm cần thiết và cũng khá cấp bách của sử học, cả văn học và cả ngành Hán Nôm học, bởi giấy tờ, cả gỗ đá cũng có thể bị mưa nắng và sự vô tâm của con người làm cho biến thành hư vô trong chốc lát là một khả năng cũng rất hiện thực. Đó là vấn đề mà những người có tấm lòng với cội nguồn rất băn khoăn, mong ngành văn hóa quan tâm./.
(Tạp chí Hán Nôm, số 2 (117) 2013 (tr.70 -75)

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2267&Catid=946

0 Response to "Trở lại tư liệu của ông Trần Đại Sỹ (qua một bài trên tạp chí học thuật năm 2013)"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn