Cùng về chủ đề này, ở entry trước, đã đọc cách kiến giải của cụ Hoàng Tuấn Phổ.
Dưới đây là kiến giải của cố học giả Đào Thái Tôn - một trong những người mà ngay từ cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990 đã cho thấy nguyên nhân của sự "nhập nhằng" Nguyễn Quỳnh thành Trạng Quỳnh.
Một sự nhập nhằng, khiến cho không phải học giả, mà ngay cả đến bạn đọc phổ thông như bác Salam cũng khó chấp nhận.
Từ đây trở xuống là nguyên văn.
---
1. Đoạn nói riêng về Trạng Quỳnh - Nguyễn Quỳnh:
"
VỀ TRẠNG QUỲNH
Ai cũng biết rằng truyện Trạng Quỳnh là tập hợp các câu chuyện vui cười được văn học dân gian bịa ra chứ không phải là các câu chuyện có thực trong lịch sử. Nhân vật Trạng Quỳnh cũng là nhân vật được dân gian bịa ra như Trạng Lợn, Trạng Ăn, Trạng Vật mà thôi. Thế mà báo Văn nghệ năm 1985 có bài viết về "nguồn gốc Trạng Quỳnh" để chứng minh rằng Trạng Quỳnh chính là ông Nguyễn Quỳnh (1677 - 1748) (12). Tôi đã gặp trực tiếp tác giả bài báo thì ông thú nhận rằng, viết bài "Nguồn gốc Trạng Quỳnh" là việc ông làm để lo mở đầu cho việc chạy "xếp hạng di tích lịch sử" nhà thờ của ông ở quê. Quả nhiên sau đó, ông đã xếp hạng được. Tôi không bàn đến chuyện đúng sai của Bộ Văn hoá trong việc xếp hạng, công nhận nhà thờ ông Nguyễn Quỳnh là "di tích lịch sử đã xếp hạng" của Nhà nước. Điều lầm lẫn này đã được báo chí chỉ rõ và nhiều người làm công tác văn hoá tại địa phương cũng đã thấy. Nhưng, về mặt phương pháp luận nghiên cứu, đây là một việc nên tìm hiểu để rút kinh nghiệm chung khi tiếp xúc với một tư liệu mang danh "gia phả".
Trong bài báo nói trên, người viết chụp ảnh vài trang cuốn "gia phả" Nguyễn Quỳnh. Vậy thực chất cuốn "gia phả" này là thế nào?
Tác giả bài báo cho biết, vào năm 1970, thân phụ ông có kể lại rằng: Vào năm 1941 "có một sinh viên khoa Luật người lân hương tên là Quang Nhiên dẫn một học giả người Pháp tên là Sét-nô đến thăm nhà thờ và xin chủ nhân cho xem gia phả". Lúc bấy giờ, trong tay ông "chỉ có một cuốn sổ cúng giỗ bằng chữ Nôm mà thôi". Năm 1977, tác giả bài báo "tìm thấy bản giấy rời chép tay bằng tiếng Pháp, ghi rõ ngày thân phụ ông viết là ngày 15-9-1941. Tác giả cho biết đó chính là "bản Pháp văn nói về hành trạng vị tổ họ (Nguyễn Quỳnh) mà ông thân tôi đã soạn theo lời khẩn khoản của Sét-nô". Cũng theo tác giả, "những dòng chữ của cha tôi để lại cũng chỉ là viết theo ký ức, những điều truyền tụng từ đời này qua đời khác trong bản tộc, bản chi, nó không có sức thuyết phục đối với đương thời và hậu thế, cũng như không có gì bảo đảm về mặt giá trị văn bản học cả". Tiếp theo, bài báo in kèm bản chụp 1 trang gia phả chữ Hán và lời dịch 9 trang gia phả đó.
Nhưng cái lúng túng cũng bắt đầu từ đây. Tác giả không cho biết lai lịch những trang gia phả chữ Hán này. Cũng không cho biết là ai soạn? Soạn năm nào? Bản sao hay bản gốc? Thay vì những việc đó, người viết lại mang so sánh trang gia phả này với bản tiếng Pháp viết năm 1941, rồi đưa ra nhận xét: "kết quả của việc làm này khiến chúng tôi càng vững tin vào nguồn gốc văn bản", tức là tin rằng gia phả kia có nguồn gốc từ bản tiếng Pháp viết năm 1941. Nhưng làm sao có thể lấy bản chữ Pháp gồm "những điều truyền tụng, không có sức thuyết phục đối với đương thời và hậu thế..." như tác giả tự xét để làm thước đo độ tin cậy cho bản gia phả chữ Hán được? Nhưng dù sao đây là lời thú nhận rằng bản chữ Hán dựa vào bản chữ Pháp mà viết ra.
Nhưng nội dung mấy trang gia phả lại đã không cho phép chứng tỏ rằng đây là "nguồn gốc Trạng Quỳnh". Tác giả dẫn gia phả: Nguyễn Quỳnh "nổi tiếng Nam triều Bắc quốc, vì thế người nước (chắc là "người trong nước" - ĐTT) nói rằng "Thiên hạ không có người thứ ba ngoài Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm (Tiến sĩ triều Lê)". Rồi tự hào bình luận: "Điều đó có nghĩa là Trạng Quỳnh(13) chưa bao giờ đỗ Trạng nguyên, cũng chưa bao giờ đỗ Tiến sĩ nhưng từ trẻ ông đã nổi tiếng văn tài. Và người đời không dễ gì lại chịu để tên ông gắn liền, thậm chí còn đặt lên trước một ông nghè danh tiếng như Nguyễn Nghiễm (thân sinh nhà thơ Nguyễn Du) lúc bấy giờ". Gia phả viết thế này là bịa đặt. Bởi vì, Nguyễn Nghiễm sinh năm 1707, Nguyễn Quỳnh sinh năm 1677. Tức là khi Nguyễn Quỳnh 30 tuổi thì Nguyễn Nghiễm còn nằm trong thai. Thế thì làm sao lại có chuyện người đời so sánh như "gia phả"... nói Trạng như thế?
Tác giả bài báo còn đưa ra "một số bài văn do Nguyễn Quỳnh biên soạn bằng chữ Nôm, trong đó có ba bài văn tế". Nhưng quả thật rằng không thể gọi các bài đó làvăn tế được. Vì văn tế là một thể loại văn học trong đó câu văn rất đăng đối, lâm ly. Nhưng các bài "văn tế" ở đây lại rất lủng củng, không đúng văn thể. Đó chỉ là mấy bài văn xuôi kể lể sự tình của một ông thày cúng đầu thế kỷ XX. Không kể những câu như "mệt tinh thần đến nỗi bệnh tái phát liên miên mà tạ thế", chỉ riêng hai chữ "bản thân" đã chứng tỏ đây là câu văn hiện đại. Chúng ta chưa có ngành từ nguyên học để khảo xem từ "bản thân" xuất hiện lần đầu ở đâu và vào thời điểm nào nhưng chắc là ở thế kỷ XVIII, người ta không dùng chữ "bản thân" để chỉ cái "tôi" - ngôi thứ nhất. Lại nữa, ai cũng biết Truyện Trạng Quỳnh có một câu chuyện đàn bà trẻ con ai cũng biết là chuyện Trạng chết chúa cũng băng hà nói rằng trước khi chết Quỳnh đánh thuốc đọc cho chua và dặn vợ con là khi nào phủ chúa phát tang thì vợ con mới được kêu khóc. Thế mà gia phả ông Nguyễn Quỳnh không thấy ghi chuyện này. Nhưng, theo gia phả, ông Nguyễn Quỳnh mất năm 1748. Nhưng xem trong lịch sử Việt Nam thời vua Lê chúa Trịnh, năm 1748 không có ông chúa nào chết cả. Vậy rõ ràng Nguyễn Quỳnh không thể là Trạng Quỳnh. Và Truyện Trạng Quỳnh cũng chỉ là chuyện cười dân gian, truyện... "nói trạng" (theo nghĩa của người xứ Nghệ là nói cho vui), nói khoác mà thôi.
Nghiên cứu các gia phả, tôi thấy rằng chúng ta cần để ý rằng một trong những mục đích viết gia phả là để giữ gìn truyền thống một dòng họ, để giáo dục các thế hệ cháu con muôn đời sau, cho nên thế tất không tránh được lẽ thường tình là "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại". Tôi chưa thấy cuốn gia phả nào viết về những điều xấu xa trong các nhân vật của dòng họ.
Ngoại trừ sự cố ý nguỵ tạo gia phả như trường hợp "nguồn gốc Trạng Quỳnh" trên đây, các cuốn gia phả khác mà chúng tôi tiếp xúc khi nghiên cứu văn học cũng còn nhiều điều cần phải chú ý, đặc biệt là niên đại của gia phả đó. Ngay như gia phả Nguyễn Du cũng là cuốn gia phả được biên soạn sau khi ông mất hơn nửa thế kỷ, nên phần viết về ông, nhiều cũng chép lại từ trong chính sử triều Nguyễn chứ không phải được ghi bởi những con cháu trực hệ, thậm chí còn có dấu vết sự tham gia của những người đầu thế kỷ XX. Vì thế, khi khai thác những gia phả này, chỉ có thể sử dụng chúng như một cứ liệu khoa học sau khi đã thẩm tra từng chi tiết. Có như thế mới có thể qua gia phả mà chắc tin được nhiều vấn đề thuộc về tư tưởng của nhà thơ, như thái độ của ông với phong trào Tây Sơn hay những chi tiết thuộc về cuộc đời riêng của ông.
"
2. Toàn văn:
TƯ LIỆU HÁN NÔM TRONG VIỆC XÁC MINH SỰ KIỆN, TÀI LIỆU LỊCH SỬ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM
ĐÀO THÁI TÔN
PGS, Tiến sĩ. Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Đã là khoa học thì phải cần đến phương pháp. Toàn bộ vấn đề Phương pháp luận là tìm tòi mọi cách thức, mọi biện pháp để đi sâu khám phá ra sự thật của đối tượng mỗi khoa học riêng biệt. Kinh nghiệm tích luỹ được ngày càng nhiều thì phương pháp ngày càng tinh vi, đối tượng nghiên cứu ngày càng được hiểu sâu hơn.
Tuy nhiên, trong văn học Việt Nam có những vấn đề không phải mới mẻ gì về lý luận, về phương pháp, nhưng khi nghiên cứu lại thấy vô cùng phức tạp, khó khăn. Đó là vấn đề xác minh sự kiện lịch sử, đánh giá các tài liệu, văn bản xem thật hay giả, đúng hay sai và đúng sai đến mức độ nào. Có thể nói, đối với văn học trung đại Việt Nam, thì bất kỳ vấn đề văn học sử nào, bất cứ tác giả nào, cũng vẫn còn tồn tại nhiều nghi vấn, và là những nghi vấn rất khó giải quyết. Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan cho đến Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du đều có hàng loạt vấn đề nghi vấn còn treo đấy. Chẳng hạn giữa những chữ rất khác nhau trong Truyện Kiều thì chữ nào là của Nguyễn Du, chữ nào là của người khác do chép sai, do nạn “Tam sao thất bản”? Cứ đụng đến mỗi chữ là tranh luận liên miên không dứt. Ngay đối với một tác giả như Yên Đổ, Tú Xương, việc xác định xem bài văn bài thơ nào đích thực là của các ông, nguyên văn từng câu từng chữ thế nào là thật đúng, nhiều khi cũng chưa giải quyết được, chỉ là hãy chấp nhận vậy thôi... Xác minh một sự kiện lịch sử, nghiên cứu văn bản học đối với các tác gia văn học trung đại có khó khăn là mỗi trường hợp lại có những khó khăn riêng. Nhưng là một việc không thể lẩn tránh được nếu muốn hiểu cho đúng tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm. Khi bước vào nghiên cứu một đề tài nào đó, ta thường gặp những điều người trước viết không có tư liệu chắc chắn (do xử lý nhầm lẫn tư liệu, do cố tình bịa đặt, do ghi theo những lời tương truyền...) thì, thay vì phải kiểm tra lại toàn bộ những tư liệu, có khi người ta lại xem tất cả là tư liệu xác thực để tiếp tục xây dựng nên những điều mong manh khác. Thế là “dĩ ngoa truyền ngoa” khiến sai lầm mỗi ngày lại được bồi đắp thêm. Mà lại có vẻ như đúng. Thật là khó gỡ.
Dưới đây tôi xin dẫn một số trường hợp mà tôi đã phải mất công tìm hiểu như thế nào để xác minh một số sự kiện trong lịch sử văn học, có thể gợi ý cho việc tìm tòi kinh nghiệm về mặt phương pháp luận chăng.
1. VỀ HỒ XUÂN HƯƠNG
Khi nghiên cứu về Hồ Xuân Hương, tôi phải đọc nhiều gia phả của họ Hồ để tìm xem có chứng cứ gì xác nhận Điều tương truyền rằng Hồ Xuân Hương là con Hồ Phi Diễn hay không. Vì vấn đề này là một mắt xích đẻ ra thuyết Hồ Xuân Hương và Nguyễn Huệ là anh em họ nội tộc với nhau. Tiểu sử Hồ Xuân Hương đã lờ mờ. Bây giờ nếu nhà thơ này lại là anh em họ anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, thì đã có cơ sở để tìm hiểu rõ hơn nên nhiều người rất mừng. Nhưng sự thực là thế nào?
Tìm hiểu vấn đề này, đọc các gia phả họ Hồ ở Thư viện, tôi thấy có vài cuốn ghi tên Hồ Phi Diễn, nhưng ghi rất sơ sài. Đáng chú ý là không một cuốn nào ghi ông là cha của Hồ Xuân Hương.
Năm 1971, tôi tìm hiểu về làng Quỳnh Đôi, được cụ Hồ Mậu Đờn cho đọc cuốn Hồ tôn thế phả. Cuốn này có ghi “Phi Diễn sinh nữ Xuân Hương ư Khán Xuân phường” (Phi Diễn sinh Xuân Hương ở phường Khán Xuân). Đây chính là cuốn gia phả mà năm 1957 đã được chụp ảnh in trong cuốn Hồ Xuân Hương với các giới phụ nữ, văn học và giáo dục(1) để chứng minh mối quan hệ họ hàng giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Huệ. Nhưng dòng chữ “Phi Diễn sinh nữ Xuân Hương ư Khán Xuân phường” được viết bằng bút bi, không có trong trang sách chụp cho in năm 1957. Điều đó chứng tỏ rằng ở đây đã có một khúc quanh về tư liệu: a) từ những lời tương truyền, nhà nghiên cứu đã dùng gia phả để chứng minh mối quan hệ anh em nội tộc giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Huệ. b) đến lượt người giữ gia phả, do tin vào sách in của nhà nghiên cứu, đã viết thêm vào đó những chi tiết trước đây không có. Hãy tưởng tượng, nếu như sau khi sao lại bằng bút lông cuốn gia phả với chi tiết mới này, người ta mới mang chụp ảnh để in sách thì khó khăn sẽ như thế nào?
Khi quay lại xem xét các tư liệu chủ yếu của thuyết quan hệ anh em giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Huệ thì tôi lại thấy rằng: lập luận của thuyết này là tổ bốn đờicủa Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ là người họ Hồ ở Nghệ An, bị bắt làm tù binh, đưa về ấp Tây Sơn. Chi tiết tổ bốn đời này rất quan trọng. Kiểm tra lại chính sử cùng các tài liệu lịch sử đáng tin cậy, kể cả Hoàng Lê nhất thống chí, ta thấy tất cả đều có ghi rõ chi tiết tổ bốn đời của Nguyễn Huệ bị bắt.
Khi quay lại các gia phả họ Hồ trong thư viện thì vỡ lẽ ra rằng: ông tổ bốn đời đó, nếu đúng là người họ Hồ Quỳnh Lưu, thì phải là Hồ Thế Viêm chứ không phải là Hồ Sĩ Anh (Hồ Sĩ Anh là tổ năm đời). Nhưng, theo các gia phả họ Hồ thì Hồ Sĩ Anh sinh năm 1616. Trong niên hiệu Thịnh Đức nhà Lê (1653 - 1657) cũng như suốt trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672), cả ông và con ông là Hồ Thế Viêm đều đi thi hết khoa này đến khoa khác và nối tiếp nhau làm quan chứ không hề bị bắt bao giờ. Vả chăng, Đại Nam chính biên liệt truyện ghi rõ là tổ của Nguyễn Nhạc vốn người huyện Hưng Nguyên. Mà Hưng Nguyên cách huyện Quỳnh Lưu tới 60km.Thế thì rõ ràng là Hồ Xuân Hương và Nguyễn Huệ không hề có mối quan hệ họ hàng nội tộc(2).
Vừa gạt bỏ được Huyền thoại về mối quan hệ họ hàng trên đây, với việc xuất hiện bài Xuân Đường đàm thoại, nhiều người cả tin rằng Hồ Xuân Hương mất năm 1869. Thế nhưng, bằng vào những gì đã biết trong kết quả nghiên cứu của người đi trước, bằng vào một số chi tiết trong nội dung bài văn với những từ ngữ dùng để chỉ ca kỹ cũng như chi tiết về địa lý lịch sử, tôi đã chứng minh rằng Xuân Đường đàm thoại không phải là tài liệu viết về Hồ Xuân Hương. Không thể lấy đó làm tài liệu để nghiên cứu tiểu sử Hồ Xuân Hương để cho rằng bà mất tại vùng Đức Giang (Gia Lâm ngày nay) vào năm 1868 được. Đây là chỉ bài văn của một nho sĩ tài tử, một khách làng chơi viết để tưởng nhớ một cô đầu nào đó vừa mất (nên nhớ rằng đời Tự Đức từ Thị Cầu - Bắc Ninh về đến Gia Quất, Gia Lâm không thiếu những nhà cô đầu).
Nhưng cái hay của Xuân Đường đàm thoại là ở chỗ, tư liệu này đã chứng tỏ rằng, đến thời Tự Đức, tên tuổi Hồ Xuân Hương từ lâu đã trở nên nổi tiếng. Nhưng dưới con mắt của người đương thời, bà đã trở thành biểu tượng của một ca kỹ. Khách làng chơi dùng ba chữ Hồ Xuân Hương để chỉ ca kỹ. (cũng như xưa nay người ta đã dùng “Tú Bà”, “Cô Ba Tý” để chỉ chủ chứa vậy). Kết luận rút ra ở đây là ngay từ đời Tự Đức, tiểu sử Hồ Xuân Hương đã bị bao phủ một lớp vỏ “huyền thoại”, dân gian hoá. Lớp vỏ “huyền thoại” này chứng tỏ quan niệm và sự phản ứng của người đương thời trước cá tính mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương”(3). Đây là điều giải thích tại sao rất nhiều bài thơ tục nhảm được gán cho nữ sĩ này.
Khi bắt đầu nghiên cứu Hồ Xuân Hương (1969), một thuận lợi đối với tôi là đã được hưởng những thành quả nghiên cứu rất mới mà nhà văn, nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại để lại trước khi qua đời. Đó là: Hồ Xuân Hương còn là, chính là một nhà thơ chữ Hán. Thơ Nôm của bà là loại thơ trữ tình nghiêm túc với nghệ thuật cao. Phải chăng chúng ta nên xem tất cả những bài thơ truyền tụng là thơ khuyết danh(4)...
Chính là nhờ những công trình đi trước của Trần Thanh Mại mà vào năm 1974, khi Xuân Đường đàm thoại được tìm thấy và công bố(5), tôi đã sớm nhận ra ý nghĩa đích thực của tư liệu này và khai thác tư liệu theo hướng khác, đưa ra kết luận khác về giá trị tư liệu. Tôi lấy làm vui khi đọc được nhận xét của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, nhất là khi Giáo sư công nhận vấn đề dân gian hoá mà tôi nêu ra trong bài viết(6). Tôi đã ghi lại trung thành với lòng biết ơn sâu sắc những gì thuộc về công lao nghiên cứu của Trần Thanh Mại và Hoàng Xuân Hãn về Hồ Xuân Hương mà tôi may mắn được là người kế thừa khi nghiên cứu đề tài(7). Về mặt phương pháp luận, tôi học được các ông khá nhiều. Có khi đó chỉ là qua cách đọc một chữ Nôm cổ của Hoàng Xuân Hãn, chỉ hai chữ "sương siu", ông đã gợi ra được nhiều vấn đề về văn bản học, góp phần xác định tác giả tập thơ Lưu hương ký(8). Qua đó, tôi nhận thức rõ ràng, đối với người nghiên cứu văn học trung đại, vấn đề ngữ âm lịch sử là một vũ khí khá sắc bén trong nghiên cứu văn bản học. Cũng như khi nghiên cứu về câu chữ Truyện Kiều, đọc một số bài của Cao Xuân Hạo, về mặt phương pháp luận, tôi nhận thấy rằng, trước một chữ (như chữ nghĩ/ nghỉ) một từ (như mày ngài), người ta có thể dùng nhiều con đường để nghiên cứu. Nhưng một khi ngôn ngữ học đã tham gia, thì thường dẫn tới những thiết chứng.
Cho nên, đối với tôi, ý kiến của người đi trước, dù là linh cảm chăng nữa, cũng vô cùng quý giá bởi nó gợi cho ta hướng tìm tòi. Ở trên, tôi đã nói rằng vào năm 1961, Trần Thanh Mại có ý xem tất cả các bài thơ truyền tụng của Hồ Xuân Hương là thơ khuyết danh thuộc phạm trù văn học dân gian. Sau khi ông mất, vào năm 1969, bằng thao tác thống kê, tôi nhận ra một điều rằng: cái gọi là thơ Hồ Xuân Hương cứ tăng dần qua những lần in ấn. Nhận xét chỉ dừng lại ở đó như một ám ảnh. Đến 1983, với việc Hoàng Xuân Hãn giới thiệu chi tiết những văn bản thơ Nôm Hồ Xuân Hương mà LANDES thuê chép tay vào năm 1892, tôi đã có thể tự tin để phát biểu một cách hệ thống ý kiến của mình về những bài thơ Nôm truyền tụng và khẳng định độ tin cậy cao của văn bản Lưu hương ký.
Về mặt phương pháp luận, qua việc nghiên cứu về Hồ Xuân Hương, tôi đã thành thực thưa trên trang viết rằng: đóng góp của tôi, nếu có chỉ là ở chỗ nhờ tiếp thu được kết quả nghiên cứu của người đi trước, nên luôn có suy nghĩ thường trực về đề tài. Vì thế, khi điều kiện tư liệu cho phép, đã nhanh chóng hệ thống được thành những ý kiến của riêng mình để đóng góp chung vào việc nghiên cứu.
2. VỀ NGUYỄN DU VÀ TRUYỆN KIỀU
Khi nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều, vấn đề tác gia, tác phẩm đương nhiên là có những vấn đề đặt ra khác với Hồ Xuân Hương. Tuy nhiên, vẫn có những điều tương tự. Đó là những vấn đề phải làm cho rõ sự thực của những điều tương truyền trong thế kỷ qua về tác giả và văn bản. Định hướng đó quả nhiên đã khiến tôi thu được những kết quả đáng mừng. Ai cũng biết rằng từ năm 1902, khi nói về văn bản Truyện Kiều, từ Kiều Oánh Mậu (1902), Phạm Kim Chi (1917), Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (1925) đến Nguyễn Văn Hoàn (1965) Nguyễn Thạch Giang (1972), Đào Duy Anh (1979)... đều nhắc tới các khái niệm văn bản mà các ông chưa có thì giờ tìm hiểu đến ngọn nguồn, chỉ ghi lại theo sự tương truyền. Đó là "bản Phường", "bản Kinh", "bản "Tiên Điền".
Bản Phường là bản Truyện Kiều tương truyền rằng sinh thời Nguyễn Du giao cho Phạm Quý Thích đưa in, nhưng đã mất. Bản Kinh là bản Truyện Kiều tương truyền là do vua Tự Đức sửa chữa và cho in tại Huế vào năm 1871, nhưng cũng đã mất. Bản Tiên Điền tuy đã được Phạm Kim Chi phiên âm năm 1917 và xem là bản gốc của Nguyễn Du và năm 1972 đã được Nguyễn Thạch Giang giới thiệu về diện mạo văn bản, nhưng không ai tỏ ra phân vân gì về xuất xứ cùng thực chất của văn bản đó.
Đến lượt chúng tôi, do nhận thấy đây là những văn bản vô cùng quan trọng, nên tuy được nghe nói là đã mất, nhưng cũng vẫn muốn đặt ra vấn đề tìm hiểu sự thực, dù chỉ hy vọng tìm thấy bóng hình của chúng trong các thư tịch.
Tôi cho rằng "bản Phường" và "bản Tiên Điền" là quan trọng nhất trong việc tìm hiểu nguyên tác Truyện Kiều vì ở đây, một bản in từ sinh thời Nguyễn Du và một bản là "bản gốc". Còn bản Tự Đức cho in, nếu có, cũng không quan trọng bằng hai bản trên đây, bởi nhà vua đã sửa chữa và cho in sau khi Nguyễn Du mất 51 năm.
Kết quả là: không hề có "bản Kinh", "bản Phường" với hàm nghĩa như thế. Đó chỉ là những hiểu lầm của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim. Sự hiểu lầm đó lại bắt nguồn từ lời giới thiệu không một chút rõ ràng, dễ gây hiểu lầm của Kiều Oánh Mậu trong bản Đoạn trường tân thanh in năm 1902. Còn "bản Tiên Điền" cũng không phải là "bản gốc" của Nguyễn Du như nhiều người tưởng. Đó chỉ là những bản chép lại (có sửa chữa chút ít) bản Kiểu Oánh Mậu, in năm 1902 mà ông Nghè Nguyễn Mai đã cho người này bản này, người kia bản khác, ai cũng tưởng đó là "bản gốc" của Nguyễn Du cả(9).
Tôi xin phép không nhắc lại những bài viết về ba văn bản này mà chỉ xin trình bày vắn tắt ở đây việc tôi đã vận dụng phương pháp như thế nào trong việc khai thác một số chứng cứ làm tư liệu khoa học trong những bài viết đó.
a) Chữ huý là một vũ khí lợi hại được các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm như Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn rất quan tâm, dùng nó như chứng lý để nghiên cứu văn bản. Vận dụng phương pháp này, tôi chắc tin rằng Tự Đức không hề có ý in Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhiều người nghiên cứu vẫn cho rằng trước khi cho in "bản Kinh", Tự Đức đã đọc bản Truyện Kiều do Phạm Quý Thích khắc in. Nhưng, qua nghiên cứu thì chúng tôi tin chắc rằng không có việc Phạm Quý Thích khắc inTruyện Kiều. Đó chỉ là điều hiểu lầm của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim. Nhưng từ năm 1972, điều đó lại như được khẳng định khi người ta vin vào một câu văn trong bài Tổng từ tương truyền là do Tự Đức viết. Câu văn đó là "Hoa Đường bình bản vô lưu truyền" (được dịch là: "bản của Hoa Đường không còn lưu truyền". (Ở đây, hai chữ Hoa Đường được hiểu là biệt hiệu của Phạm Quý Thích, thậm chí là bản Truyện Kiều do Phạm Quý Thích đưa in, rồi nhà in của Phạm Quý Thích).
Nhưng việc nghiên cứu các định lệ chữ huý cho ta thấy rằng, từ đời Thiệu Trị, cụ thể là vào năm 1841 cho đến suốt đời Tự Đức (1848 - 1883), chữ Hoa 華đã được các vua Nguyễn ra lệnh phải kiêng huý, "tên người tên đất cấm dùng". Vì thế, làng Hoa Đường 華堂của Phạm Quý Thích đã bị đổi thành Lương Đường 良堂. Vậy thì hai chữ Hoa Đường không thể có mặt trong câu văn của Tự Đức với nghĩa là tên làng, là biệt hiệu của Phạm Quý Thích mà phải được hiểu là tên người hoặc tên thư đường, bút danh của người bình luận Kim Vân Kiều truyện. Nếu đây đúng là bài văn của Tự Đức(10) chăng nữa, thì cũng chỉ chứng tỏ rằng khi viết câu văn ấy, Tự Đức cho ta biết ông đọc Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc chứ không phải đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc được in rõ ràng các chữ: "QUÁN HOA ĐƯỜNG bình luận KIM VÂN KIỀU TRUYỆN. THÁNH THÁN ngoại thư. THANH TÂM TÀI NHÂN biên thứ". Tên ba người trên bìa sách, mỗi người làm một việc rõ ràng như thế.
Vậy thì, chẳng qua là do âm điệu câu văn, người viết phải lược hai chữ tên họ (QUÁN và KIM) đi để viết thành câu văn đăng đối:
Thánh Thán bất phùng hàn yên tán mạn
Hoa Đường dĩ viễn phá bích tiêu điều
mà thôi chứ không thể căn cứ vào câu văn này mà xem hai chữ “Hoa Đường” là tên hiệu hay tên nhà in của Phạm Quý Thích, dùng làm chứng cứ cho việc chứng minh rằng có một bản Truyện Kiều do Phạm Quý Thích đưa in.
b) Một chi tiết trong câu văn của Tự Đức cũng giúp ta khẳng định thêm điều đó. Đó là hai chữ "bình bản". Bởi vì, "bình" 評là tên thể văn. Trong Văn thể minh biện, Từ Sư Tăng đời Minh giải thích rõ: "Thể bình xuất hiện từ lâu: Đối với Sử ký của Tư Mã Thiên, thì các lời "bình" này chính là lời văn đề là "Thái Tử công viết"; đối với Tây Hán thư (thường gọi là Hán thư) của Ban Cố, thì lời "bình" này được gọi là lời "tán"; đối với Đông Hán thư (thường gọi là Hậu Hán thư) của Phạm Việp, thì chữ "bình" này gọi là lời "luận". Kỳ thực tất cả các tên gọi đó, đều là lời bình cả, đều xếp vào thể văn bình luận cả. Nhưng nếu kể tác phẩm đầu tiên đưa ra thể bình này, thì phải kể đếnTam Quốc chí"(11).
Vậy rõ ràng là khi dùng hai chữ "bình bản 評本", Tự Đức đã cho ta biết rằng ông đọc Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc. Vì cuốn này có lời bình luận của Quán Hoa Đường chứ không thể là Truyện Kiều của Nguyễn Du được. Vì lúc đó Truyện Kiều chưa có bản in. Bản in Truyện Kiều đầu tiên có in kèm một số lời bình luận là bảnĐoạn trường tân thanh của Kiều Oánh Mậu là một loại "bình bản". Nhưng đến năm 1902 mới xuất hiện.
c) Sự trình bày bìa của cuốn sáchcũng là một chứng cứ. Bìa cuốn Đoạn trường tân thanh, đã cho ta chứng cứ chắc chắn rằng chẳng những không có cái gọi là "bản Kinh" do vua Tự Đức đưa in mà còn cho biết khái niệm "bản Kinh" chỉ là ký hiệu do Kiều Oánh Mậu sinh ra dùng để chỉ văn bản Truyện Kiều chép tay mà Đào Nguyên Phổ tặng ông vào năm 1898.
Bởi vì, ngay tại trang đầu, Kiều Oánh Mậu cho biết rằng bản Đoạn trường tân thanh do ông biên soạn in năm 1902 có lời bình mực đen của Vũ Trinh, lời bình mực son của Nguyễn Lượng. Nhưng thực tế, cuốn sách chỉ in một màu (mực đen)! Điều đó chứng tỏ rằng Kiều Oánh Mậu giới thiệu màu mực trên bản sách chép tay mà Đào Nguyên Phổ tặng ông. Đúng thế: kỹ thuật in sách Hán Nôm của ta cho đến năm 1902, chưa cho phép cuốn sách in hai màu. Đời Tự Đức cũng chưa in màu được. Ta hãy xét bản in tập thơ Diệu Liên thi tập của công chúa Mai Am (con gái thứ 25 vua Minh Mệnh) in năm Tự Đức Đinh Mão (1867) thì rõ. Sách mang ký hiệu VHv. 685, 686, 687. Bìa ghi rõ năm màu mực của các nhà phê bình tập thơ:
- Thương Sơn tiên sinh châu bình (viết lời bình bằng mực son)
- Vĩ Dã tiên sinh tử bình (viết lời bình mực tía)
- Trương Quảng Khê tiên sinh lam bình (viết lời bình mực xanh lam)
- Phan Lương Khê tiên sinh lục bình (viết lời bình bằng mực xanh lục)
- Nguyễn Nhiệm Sơn tiên sinh mặc bình (viết lời bình bằng mực đen).
Đề như vậy, nhưng cuốn sách cũng chỉ in được một màu mực đen.
Mai Am là con gái vua Minh Mệnh, tức là thuộc bề vai với cha của Tự Đức, thế mà sách của bà in vào thời Tự Đức (1848 - 1883) mà chỉ có thể in được một màu đen, thì phỏng vì lí do gì mà chỉ 4 năm sau (1871), Tự Đức lại cho in màu tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du được?!
Thì ra, Mai Am (năm 1867) và Kiều Oánh Mậu (năm 1902) đều đề bìa sách theo lối của Trung Quốc. Ở Trung Quốc, từ đời nhà Thanh, vào năm Đạo Quang Giáp Ngọ (1834), khi in toàn tập thơ Đỗ Phủ, kỹ thuận in ấn đã cho phép người ta in xen kẽ được các lời bình và dấu chấm câu của năm nhà bằng sáu màu mực khác nhauđúng như giới thiệu ở bìa sách. Lời bình của ai in màu tía, của ai in màu lam, của ai in son và đen, của ai in màu lục, màu vàng nhất nhất đều được in đúng như lời giới thiệu. Còn của ta việc giới thiệu màu mực chỉ là để giới thiệu các màu mực trên bản viết tay (là bản gốc) mà thôi.
Những chứng cứ về lịch sử, về chữ huý, về ý nghĩa của hai chữ "bình bản", về cách trình bày trên bìa cuốn sách... nghĩa là sự vận dụng "liên ngành" trong phương pháp luận đã giúp tôi chứng minh được rằng các văn bản từ mấy chục năm qua vẫn tương truyền là văn bản quan trọng của Truyện Kiều, thực ra là không có.
Việc phủ định ba văn bản Truyện Kiều, còn dẫn đến kết luận rằng: văn bản Truyện Kiều chữ quốc ngữ phổ biến hiện nay là văn bản đã bị các nhà nho cuối thế kỷ XIX sửa chữa nhiều câu chữ. Việc làm đó một mặt làm cho ngôn ngữ Truyện Kiều có vẻ như trau chuốt hơn, êm tai hơn, nhưng tác hại của việc sửa chữa đó là: nếu không làm cho một số câu chữ sai lầm về nghĩa ban đầu thì cũng gây trở ngại cho việc nghiên cứu về ngôn ngữ, ngữ âm của tác phẩm.
3. VỀ TRẠNG QUỲNH
Ai cũng biết rằng truyện Trạng Quỳnh là tập hợp các câu chuyện vui cười được văn học dân gian bịa ra chứ không phải là các câu chuyện có thực trong lịch sử. Nhân vật Trạng Quỳnh cũng là nhân vật được dân gian bịa ra như Trạng Lợn, Trạng Ăn, Trạng Vật mà thôi. Thế mà báo Văn nghệ năm 1985 có bài viết về "nguồn gốc Trạng Quỳnh" để chứng minh rằng Trạng Quỳnh chính là ông Nguyễn Quỳnh (1677 - 1748) (12). Tôi đã gặp trực tiếp tác giả bài báo thì ông thú nhận rằng, viết bài "Nguồn gốc Trạng Quỳnh" là việc ông làm để lo mở đầu cho việc chạy "xếp hạng di tích lịch sử" nhà thờ của ông ở quê. Quả nhiên sau đó, ông đã xếp hạng được. Tôi không bàn đến chuyện đúng sai của Bộ Văn hoá trong việc xếp hạng, công nhận nhà thờ ông Nguyễn Quỳnh là "di tích lịch sử đã xếp hạng" của Nhà nước. Điều lầm lẫn này đã được báo chí chỉ rõ và nhiều người làm công tác văn hoá tại địa phương cũng đã thấy. Nhưng, về mặt phương pháp luận nghiên cứu, đây là một việc nên tìm hiểu để rút kinh nghiệm chung khi tiếp xúc với một tư liệu mang danh "gia phả".
Trong bài báo nói trên, người viết chụp ảnh vài trang cuốn "gia phả" Nguyễn Quỳnh. Vậy thực chất cuốn "gia phả" này là thế nào?
Tác giả bài báo cho biết, vào năm 1970, thân phụ ông có kể lại rằng: Vào năm 1941 "có một sinh viên khoa Luật người lân hương tên là Quang Nhiên dẫn một học giả người Pháp tên là Sét-nô đến thăm nhà thờ và xin chủ nhân cho xem gia phả". Lúc bấy giờ, trong tay ông "chỉ có một cuốn sổ cúng giỗ bằng chữ Nôm mà thôi". Năm 1977, tác giả bài báo "tìm thấy bản giấy rời chép tay bằng tiếng Pháp, ghi rõ ngày thân phụ ông viết là ngày 15-9-1941. Tác giả cho biết đó chính là "bản Pháp văn nói về hành trạng vị tổ họ (Nguyễn Quỳnh) mà ông thân tôi đã soạn theo lời khẩn khoản của Sét-nô". Cũng theo tác giả, "những dòng chữ của cha tôi để lại cũng chỉ là viết theo ký ức, những điều truyền tụng từ đời này qua đời khác trong bản tộc, bản chi, nó không có sức thuyết phục đối với đương thời và hậu thế, cũng như không có gì bảo đảm về mặt giá trị văn bản học cả". Tiếp theo, bài báo in kèm bản chụp 1 trang gia phả chữ Hán và lời dịch 9 trang gia phả đó.
Nhưng cái lúng túng cũng bắt đầu từ đây. Tác giả không cho biết lai lịch những trang gia phả chữ Hán này. Cũng không cho biết là ai soạn? Soạn năm nào? Bản sao hay bản gốc? Thay vì những việc đó, người viết lại mang so sánh trang gia phả này với bản tiếng Pháp viết năm 1941, rồi đưa ra nhận xét: "kết quả của việc làm này khiến chúng tôi càng vững tin vào nguồn gốc văn bản", tức là tin rằng gia phả kia có nguồn gốc từ bản tiếng Pháp viết năm 1941. Nhưng làm sao có thể lấy bản chữ Pháp gồm "những điều truyền tụng, không có sức thuyết phục đối với đương thời và hậu thế..." như tác giả tự xét để làm thước đo độ tin cậy cho bản gia phả chữ Hán được? Nhưng dù sao đây là lời thú nhận rằng bản chữ Hán dựa vào bản chữ Pháp mà viết ra.
Nhưng nội dung mấy trang gia phả lại đã không cho phép chứng tỏ rằng đây là "nguồn gốc Trạng Quỳnh". Tác giả dẫn gia phả: Nguyễn Quỳnh "nổi tiếng Nam triều Bắc quốc, vì thế người nước (chắc là "người trong nước" - ĐTT) nói rằng "Thiên hạ không có người thứ ba ngoài Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm (Tiến sĩ triều Lê)". Rồi tự hào bình luận: "Điều đó có nghĩa là Trạng Quỳnh(13) chưa bao giờ đỗ Trạng nguyên, cũng chưa bao giờ đỗ Tiến sĩ nhưng từ trẻ ông đã nổi tiếng văn tài. Và người đời không dễ gì lại chịu để tên ông gắn liền, thậm chí còn đặt lên trước một ông nghè danh tiếng như Nguyễn Nghiễm (thân sinh nhà thơ Nguyễn Du) lúc bấy giờ". Gia phả viết thế này là bịa đặt. Bởi vì, Nguyễn Nghiễm sinh năm 1707, Nguyễn Quỳnh sinh năm 1677. Tức là khi Nguyễn Quỳnh 30 tuổi thì Nguyễn Nghiễm còn nằm trong thai. Thế thì làm sao lại có chuyện người đời so sánh như "gia phả"... nói Trạng như thế?
Tác giả bài báo còn đưa ra "một số bài văn do Nguyễn Quỳnh biên soạn bằng chữ Nôm, trong đó có ba bài văn tế". Nhưng quả thật rằng không thể gọi các bài đó làvăn tế được. Vì văn tế là một thể loại văn học trong đó câu văn rất đăng đối, lâm ly. Nhưng các bài "văn tế" ở đây lại rất lủng củng, không đúng văn thể. Đó chỉ là mấy bài văn xuôi kể lể sự tình của một ông thày cúng đầu thế kỷ XX. Không kể những câu như "mệt tinh thần đến nỗi bệnh tái phát liên miên mà tạ thế", chỉ riêng hai chữ "bản thân" đã chứng tỏ đây là câu văn hiện đại. Chúng ta chưa có ngành từ nguyên học để khảo xem từ "bản thân" xuất hiện lần đầu ở đâu và vào thời điểm nào nhưng chắc là ở thế kỷ XVIII, người ta không dùng chữ "bản thân" để chỉ cái "tôi" - ngôi thứ nhất. Lại nữa, ai cũng biết Truyện Trạng Quỳnh có một câu chuyện đàn bà trẻ con ai cũng biết là chuyện Trạng chết chúa cũng băng hà nói rằng trước khi chết Quỳnh đánh thuốc đọc cho chua và dặn vợ con là khi nào phủ chúa phát tang thì vợ con mới được kêu khóc. Thế mà gia phả ông Nguyễn Quỳnh không thấy ghi chuyện này. Nhưng, theo gia phả, ông Nguyễn Quỳnh mất năm 1748. Nhưng xem trong lịch sử Việt Nam thời vua Lê chúa Trịnh, năm 1748 không có ông chúa nào chết cả. Vậy rõ ràng Nguyễn Quỳnh không thể là Trạng Quỳnh. Và Truyện Trạng Quỳnh cũng chỉ là chuyện cười dân gian, truyện... "nói trạng" (theo nghĩa của người xứ Nghệ là nói cho vui), nói khoác mà thôi.
Nghiên cứu các gia phả, tôi thấy rằng chúng ta cần để ý rằng một trong những mục đích viết gia phả là để giữ gìn truyền thống một dòng họ, để giáo dục các thế hệ cháu con muôn đời sau, cho nên thế tất không tránh được lẽ thường tình là "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại". Tôi chưa thấy cuốn gia phả nào viết về những điều xấu xa trong các nhân vật của dòng họ.
Ngoại trừ sự cố ý nguỵ tạo gia phả như trường hợp "nguồn gốc Trạng Quỳnh" trên đây, các cuốn gia phả khác mà chúng tôi tiếp xúc khi nghiên cứu văn học cũng còn nhiều điều cần phải chú ý, đặc biệt là niên đại của gia phả đó. Ngay như gia phả Nguyễn Du cũng là cuốn gia phả được biên soạn sau khi ông mất hơn nửa thế kỷ, nên phần viết về ông, nhiều cũng chép lại từ trong chính sử triều Nguyễn chứ không phải được ghi bởi những con cháu trực hệ, thậm chí còn có dấu vết sự tham gia của những người đầu thế kỷ XX. Vì thế, khi khai thác những gia phả này, chỉ có thể sử dụng chúng như một cứ liệu khoa học sau khi đã thẩm tra từng chi tiết. Có như thế mới có thể qua gia phả mà chắc tin được nhiều vấn đề thuộc về tư tưởng của nhà thơ, như thái độ của ông với phong trào Tây Sơn hay những chi tiết thuộc về cuộc đời riêng của ông.
* * *
Trên đây tôi đã trình bày một số phương pháp cụ thể mà tôi đã áp dụng trong việc nghiên cứu, xác minh các tài liệu lịch sử trong văn học Việt Nam. Đã gọi là nghiên cứu khoa học thì dĩ nhiên phải có tư liệu đầy đủ để lập luận xác đáng, có căn cứ mới mong có phát hiện mới, đóng góp ít nhiều cho khoa học.
Nếu tôi đã làm được chút gì có ích về Hồ Xuân Hương và Truyện Kiều, có lẽ là do đã chịu học cẩn thận những thành quả của người đi trước nên biết đặt ra đề tài để nghiên cứu mà thôi.
Với tôi, một trong những ý nghĩa của khái niệm "phương pháp luận nghiên cứu khoa học", là như thế.
Chú thích:
1. Văn Tân: Hồ Xuân Hương với các giới phụ nữ, văn học và giáo dục. Bức ảnh minh hoạ cho thuyết Hô Xuân Hương là em họ Nguyễn Huệ. Nxb. Sông Lô, H, 1958.
2. Đào Thái Tôn: Hồ Xuân Hương có quan hệ họ hàng gì với Nguyễn Huệ không?. Tạp chí Văn học số 4 năm 1972.
3. Đào Thái Tôn: Xuân Đường đàm thoại - một nhịp nối trong tiến trình huyền thoại dân gian hoá tiểu sử và thơ ca Hồ Xuân Hương. Tạp Chí Văn Học số 6 năm 1978.
4. Trần Thanh Mại:
- Thử bàn lại vấn đề tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương. TCVH số 4 - 1961.
- Phải chăng HXH còn là một nhà thơ chữ Hán. TCVH số 3 - 1963.
- Đính chính một cách hiểu sai lầm trong tư liệu về thơ chữ Hán của HXH. TCVH số 5 - 1964.
- Trở lại vấn đến HXH. TCVH số 10 - 1964.
- Bản Lưu Hương ký và lai lịch phát hiện nó. TCVH số 11 - 1964.
5. Tạp chí Văn học sô 3 - 1974, mục Sinh hoạt văn học và Trần Tường: Những sai lầm từ lâu cần đính chính lại. Tạp chí Văn học số 5 - 1974.
6. Hoàng Xuân Hãn: Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long. Tạp chí Khoa học Xã hội. Pa-ri 1983.
7. Đào Thái Tôn:
-Thơ Hồ Xuân Hương - từ cội nguồn vào thế tục. Nxb Giáo dục, H, 1993.
- Hồ Xuân Hương - tiểu sử, văn bản, tiến trình huyền thoại dân gian hoá. Nxb Hội nhà văn, H, 1999.
8. Đào Thái Tôn: Xác định văn bản bài thơ Hồ Xuân Hương gửi Nguyễn Du (ý kiến của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn về từ "sương siu"). Báo Nhân dân ngày 6 - 12- 1992.
9. Đào Thái Tôn:
- Về thực chất khái niệm "bản Phường" Truyện Kiều. TCVH số 1 - 1998
- Không có "bản Kinh" Truyện Kiều do vua Tự Đức đưa in. TCVH số 2 - 1998
- Tìm hiểu thực chất "bản Tiên Điền" Truyện Kiều. TCVH số 4 - 2000.
10. Bài Tổng từ của Tự Đức được chép trong cuốn sách viết tay của gia đình ông Lê Tư Lành. Văn bản này được Lê Thước dịch năm 1965 làm tài liệu tham khảo. Năm 1972, được Nguyễn Thạch Giang khai thác khi viết về "bản Phường, bản Kinh". Truyện Kiều. Nxb. Dương Quảng Hàm và ĐHCN, H, 1972.
11. Hán ngữ đại tự điển: Tứ Xuyên từ thư xuất bản xã. Hồ Bắc từ thư xuất bản xã. 1989. Quyển 6, tr.3953.
12. Nguyễn Đức Hiền: Nguồn gốc Trạng Quỳnh. Báo Văn nghệ số 10 ngày 9 tháng 3 năm 1985.
13. Đang nói về Nguyễn Quỳnh (1677 - 1748), bỗng nhiên đến đây lại gọi là Trạng Quỳnh. Đây là một sự nhập nhằng.
Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.628-646
0 Response to "Vì sao Trạng Quỳnh hóa Nguyễn Quỳnh (bài Đào Thái Tôn, 2001)"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn