Kỳ tích về người lính lấy thân mình dẫn điện, dùng kiến đánh voi

Có rất nhiều kì tích trong cuộc chiến 1954-1975. Hôm trước là về xe tải đi trên dây như xiếc. Hôm nay là một kì tích khác.


Bài của ĐSPL.

---


http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/ky-tich-ve-nguoi-linh-lay-than-minh-dan-dien-dung-kien-danh-voi-a81586.html







Kỳ tích về người lính lấy thân mình dẫn điện, dùng kiến đánh voi



(ĐSPL) - Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm nhưng trong ký ức của ông, mọi thứ vẫn như mới vừa xảy ra hôm qua. Tiếng bom nổ, tiếng máy chạy trong đêm, tiếng  đồng đội hô xung phong, những giọt nước mắt và cả niềm vui chiến thắng vẫn trở về trong những giấc mơ của ông.
Ở những nơi mà đơn vị thông tin liên lạc của ông đã đi qua, đã từng bị cày nát dưới làn bom đạn giặc, bây giờ đất đã nở hoa...
Những sáng kiến độc đáo ở chiến trường
Sinh ra trong một gia đình người dân tộc Nùng nghèo ở xã Thượng Sơn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, bố mẹ mất sớm khi còn nhỏ tuổi, mấy anh chị em cậu bé Hoàng Văn Cón cứ như đám cây rừng, dựa vào nhau mà sống, mà lớn lên. Khi những quả bom đầu tiên của địch rải trên mảnh đất Cao Bằng, đám thanh niên trong làng, trong xã lần lượt đăng ký nhập ngũ. Đến tháng 10/1963, khi chưa tròn 18 tuổi, Hoàng Văn Cón đã đứng dưới cờ, nguyện thề với màu áo lính, đất nước chưa bình yên chưa trở về.
Kỳ tích về người lính lấy thân mình dẫn điện, dùng kiến đánh voi - Ảnh 1
Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Hoàng Văn Cón.
Sau một thời gian huấn luyện ở Tuyên Quang, đầu năm 1965, ông Cón được chuyển về Đại đội 2, Trung đoàn 134, bộ Tư lệnh thông tin liên lạc công tác. Đơn vị ông đóng quân kéo dài từ Hoà Bình tới Hà Tĩnh. Tiểu đội của ông tập trung ở khu vực cầu Bến Nhạ, Thường Xuân, Thanh Hoá, kéo dài khoảng 40km, nằm trên đường số 15 là tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực thực phẩm, quân nhu, quân trang của ta ra chiến trường. Khu vực này trở thành một trong những cái “rốn” bom mìn trong những năm chiến tranh phá hoại. Có những ngày cao điểm, cầu Bến Nhạ phải đón từ 10-12 lần lượt máy bay ném bom. Đường dây thông tin liên lạc lại sát với đường vận chuyển lương thực, quân nhu nên trở thành “mồi ngon” cho bom đạn địch. Nhiệm vụ của đơn vị ông Cón là bảo vệ đường dây trần, đảm bảo thông tin liên lạc Bắc-Nam được thông suốt. Bất kể ngày đêm, hễ lúc nào đường dây bị đứt là họ lại phải xách dây, xách máy lên đường, băng rừng, băng suối để nối lại.
Khổ nhất là những ngày mưa gió, đường dây bị đứt, cây cối ngả xuống chặn cả lối đi, bộ đội phải đi khôi phục cả đêm. Mỗi người chỉ có 1 con dao để chặt nứa, một khẩu súng AK tự vệ và 300 viên đạn, một máy điện thoại, dây và dụng cụ để nối. Đỉa, vắt thì nhiều vô kể, chúng bám vào chân, tay, nách, cổ... phải đi giày cao, tất cao, bôi cao sao vàng, thậm chí lấy cả vôi ra mới trị được. Nhiệm vụ của đơn vị vừa nối dây, lại vừa phải cảnh giác với địch phá hoại. Những khu vực hiểm, ăn sâu vào rừng, vào vách đá, địch thường thả lính dù xuống phá hoại, cắt dây rồi lẩn trốn. Hơn 40 cây số, mỗi cây số là hàng chục cột điện, các chiến sỹ phải kiểm tra từng cột, từng mốc, đi bộ từ khu rừng nọ sang rừng kia mới phát hiện ra được điểm đứt.
Một trong những nỗi kinh hoàng của lính thông tin lúc ấy là voi. Chúng thường được dùng để vận chuyển gỗ cho bà con dân tộc, tuy nhiên khi được thả tự do, voi hay dùng vòi quật đổ các cột điện thông tin. Mà cứ mỗi cột đổ là lại kéo theo cả chục cột khác đổ theo. Ông Cón mới sáng kiến buộc tổ kiến vào cột điện bởi kiến vốn là khắc tinh của voi. Cứ 5-10 cột thì buộc một tổ kiến bằng nắm tay, chúng nhanh chóng bám tổ, dựng tổ lớn. Mỗi lần voi đến, quật vào cột là kiến xông ra, bám vào vòi, vào mắt, khiến voi không chịu được, phải bỏ chạy. Sáng kiến tuy nhỏ nhưng đã góp phần lớn trong việc đảm bảo thông tin thông suốt từ Bắc vào Nam. Về sau, các đơn vị thông tin trên toàn tuyến cũng áp dụng sáng kiến này và được cấp trên khen ngợi, đánh giá cao.

Kỳ tích về người lính lấy thân mình dẫn điện, dùng kiến đánh voi - Ảnh 2

Chiến tranh đã qua đi, nhưng ký ức về những ngày chiến đấu anh dũng của dân tộc còn vang mãi trong tâm trí người lính già (Ảnh minh họa).

Ngày 25/6/1965, cao điểm của cuộc chiến tranh phá hoại, có tin đường dây đứt, ông Cón lại cùng anh em xách máy đi nối. Địch bắn phá nhiều quá, vừa nối xong được đoạn này thì đoạn kia đứt. Bất ngờ, một quả bom giội xuống đường dây, ông Cón bị mảnh bom văng vào người, bị thương nặng và ngất đi. Đến khi tỉnh lại, sức lực không còn do mất máu nhiều, thấy đường dây bị đứt, không có dây để nối mà yêu cầu thông tin thông suốt lại rất gấp, không kịp nghĩ gì, ông Cón mới dùng hai tay túm lấy 2 đầu dây để cho đường điện chạy qua mình. Đường điện thông tin xuyên qua người khiến ông tê dại, không còn cảm giác gì. Tới khi có dân quân tự vệ đến, ông chỉ còn đủ ý thức để nhờ người nối lại đoạn dây đứt, rồi bất tỉnh. Sau đó, ông Cón được chuyển đi điều trị ở Viện 202 đóng ở Chợ Đà, Triệu Sơn.
Mối lương duyên tiền định
Tháng 10/1965, khi những vết thương còn chưa khỏi hẳn, ông Cón đã xin về đơn vị để trực máy cho anh em khoẻ đi khôi phục đường dây. Sống bám dân, vì dân nhiều nên ngày ấy tình cảm giữa bộ đội và dân làng thân thiết lắm. Nghe tin, bộ đội Cón trở về, bà con sống quanh đó lên thăm rất đông. Tới tối, bất ngờ địch lại quần máy bay trên đầu, trong đơn vị chỉ còn ông Cón và hai em nhỏ. Bên ngoài cửa doanh trại có tới khoảng 50 con trâu nhốt chung trong một cái lán dân làng gửi trông hộ, nghe tiếng máy bay, pháo sáng của địch, đàn trâu rống lên rồi phá lán chạy khắp nơi, địch tưởng người lại càng thả bom nhiều hơn.
Trong chiến tranh, chuyện sống chết là lẽ thường, lính thông tin hy sinh thì nhiều lắm. Đường từ Khe Hạ, Thanh Hoá đi lên Mục Sơn nhiều cầu, địch cứ nhè cầu mà bắn để triệt đường, thương vong nhiều không kể hết. Hy sinh nhiều nhất phải kể đến thanh niên xung phong, toàn những cô gái trẻ mười chín đôi mươi, hôm trước vẫn còn vẫy tay chào nhau, hôm sau đã là cách biệt.
Nghĩ chiến tranh sống chết khó lường, lại thêm phần tự ti mình là người dân tộc thiểu số, bộ đội Cón chẳng dám nghĩ tới chuyện yêu đương. Kể cả khi dân làng xung quanh vun vào, anh vẫn còn thấy thèn thẹn mỗi khi gặp cô Phó chủ tịch xã tình cờ đi họp qua. Cô Ngọc lúc ấy dù mến anh lính thông tin hiền lành, chân chất nhưng cũng chẳng dám ngỏ lời vì có bao giờ “trâu đi tìm cọc”.
Bộ đội Cón cứ thèn thẹn: “Cô Ngọc người Kinh lấy tôi làm gì, tôi ở trên núi xuống”. Thế nhưng, có lẽ là tại cái duyên số, cuối cùng hai người cũng “bị buộc lại” với nhau. Năm 1971, sau khi bộ đội Cón trở về, họ mới chính thức nên duyên chồng vợ. Hai vợ chồng cứ miệt mài công tác xã hội, công tác đoàn thể. Chồng tham gia huấn luyện quân ở Hà Nội, vợ ở địa phương, những ngày tháng xa nhau cứ dài mãi, cho tới khi cả hai đều về hưu. Lúc này, họ lại có thêm một “nhiệm vụ” mới: Trông cháu cho con. Hạnh phúc nhỏ của đôi vợ chồng già nhưng cuộc sống luôn đầy ắp tiếng cười.                       
Được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân
Cùng với một loạt những chiến công khác trong việc bám dân, cứu giúp đồng bào trong chiến tranh phá hoại, đến tháng 8/1970, khi đang là Tiểu đội trưởng thông tin liên lạc Đại đội 2, Trung đoàn 134 thông tin liên lạc, Thượng sỹ Hoàng Văn Cón (ảnh trên) được Chủ tịch nước ký tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân. Với danh hiệu này, ông trở thành niềm tự hào của bà con dân tộc Nùng nói riêng và mảnh đất Thượng Sơn nói chung.
ĐỖ HUỆ

0 Response to "Kỳ tích về người lính lấy thân mình dẫn điện, dùng kiến đánh voi"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn