Học giả đã chết, và học giả đã nói thế : Fb Việt Nam từ 2015

Sự kiện "học giả đã chết" (tuy học giả vẫn đương sống), và sự kiện "học giả đã nói thế" (tuy học giả đã không nói thế), vào dịp nửa đầu năm 2015, cho thấy: truyền thông dân chúng của xã hội Việt đã sang một trang mới.

Các dòng blog đã làm bùng phát mạng truyền thông dân chúng ở Việt Nam trong khoảng các năm 2003 - 2010. Đi kèm với nó là sự phổ cập máy tính cá nhân và dịch vụ kết nối internet có dây.



Và từ sau năm 2010, nhất là sau 2012, thì lượng người dùng Fb ở Việt Nam tăng vọt. Đến năm 2015, với hai sự kiện nói trên, "học giả đã chết" vào tháng 2 và "học giả đã nói thế" vào tháng 5, một đợt bùng phát mới đã nổ ra. Fb lan vào mọi ngõ ngách cùng với làn sóng điện thoại thông minh và internet không dây.

Song song với sự tiện ích đạt mức vô địch của Fb, thì chúng ta đã thấy rất rõ sự nguy hiểm của nó. Sự nguy hiểm của Fb cũng đang đạt mức vô địch.

Bên cạnh chúng ta là đất nước Trung Quốc có hơn cả 1 tỉ người, nhưng Fb bị cấm cửa (vẫn có một số rất ít người biết kĩ thuật vượt tường lửa). Để thay thế Fb, người ta dùng QQ. Đó là mạng quốc nội, nhưng tính tương tác và tiện ích vẫn thua xa Fb.

Sau Fb sẽ là gì ? Hiện nay, còn chưa rõ.

Hiện nay đang là thời kì kết hợp của tất cả các thành tựu: blog với Fb, internet có dây với không dây, điện thoại thường và điện thoại thông minh. 

---



TƯ LIỆU BỔ SUNG


Bổ sung 1 (17/5/2015): Một bài của Thanh Niên vừa lên.


Chuyện 'thâm cung bí sử' khi Internet vào Việt Nam



17/05/2015 10:53
(TNO) Việt Nam chính thức tham gia vào mạng Internet toàn cầu từ ngày 19.11.1997. Cũng chỉ ngay sau đó 1 - 2 năm, chúng ta đã thấy được cả cái hay, cái tích cực cũng như những mối họa tiềm ẩn của nó trong đời sống xã hội.
Chuyện 'thâm cung bí sử' khi Internet vào Việt Nam - ảnh 1Việt Nam hiện có khoảng 39,8 triệu người sử dụng Internet, chiếm gần 44% dân số - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Sau 18 năm hội nhập cùng thế giới về công nghệ thông tin, Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng với khoảng 39,8 triệu người sử dụng Internet, chiếm tới gần 44% dân số (trong tổng số 90,7 triệu dân) - theo thống kê hồi tháng 1.2015 của Công ty We Are Social, trụ sở đặt tại Anh quốc.

So với năm 2000, số người Việt trong nước sử dụng Internet nay đã tăng gấp 15 lần. Điều này có sự góp phần không nhỏ từ 98 cơ quan báo chí điện tử được Nhà nước cấp phép hoạt động (tính đến tháng 12.2014). Ấy là chưa tính cả ngàn giấy phép khác đã cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động mạng. Tất cả đã khiến lượng truy cập Internet ở Việt Nam đứng hàng 18/20 quốc gia có lượng người dùng Internet cao nhất thế giới. Một điều rất đáng tự hào !

Tôi còn nhớ như in mấy câu chuyện thú vị có liên quan đó. Nay, nhân Ngày Xã hội thông tin thế giới 17.5  - đã được Liên Hiệp Quốc thông qua - tôi xin được kể lại như những kỷ niệm nhỏ về ảnh hưởng của Internet  khi mới vào Việt Nam với những chuyện "thâm cung bí sử" giúp cho sự phát triển nhanh chóng của báo điện tử, từ lúc sơ khai cho đến bây giờ.

Có lẽ phải nhắc đến một điều trước tiên, ở thời điểm sơ khai đó, đã có một lớp cán bộ lãnh đạo ngành viễn thông có trình độ, có tầm nhìn chiến lược, biết đi trước đón đầu khá sớm. Họ đã chấp nhận mở cửa và không ngại phải "đón" cả gió độc cùng ùa vào. Đó là các ông Đỗ Trung Tá, giáo sư (GS), tiến sĩ khoa học (TSKH), nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, ông Mai Liêm Trực, tiến sĩ (TS), nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông... cùng gần chục vị khác là cấp trên như nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh, rồi các vị ở một số bộ, ngành có liên quan như GS Viện sĩ Đặng Hữu, TS Phạm Gia Khiêm (khi ông ở vai trò Bộ trưởng Khoa học Công nghệ ), PGS - TS Chu Hảo, TS - Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn (nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Công An)...

Và, tiếp nữa là một lớp các nhà khoa học chuyên sâu thực hiện trực tiếp, xem như những "người Việt trong nước đầu tiên dùng Internet": Trần Bá  Thái (Viện Khoa học Việt Nam), TS Vũ Hoàng Liên (VDC), PGS - TS Trương Gia Bình (FPT), thiếu tướng, thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Viettel)... Họ đã có ảnh hưởng to lớn, đồng thuận cao để tạo bước ngoặt trong lịch sử phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Chuyện 'thâm cung bí sử' khi Internet vào Việt Nam - ảnh 2Internet và các ứng dụng từ Internet gắn liền với mọi hoạt động của giới trẻ hiện nay - Ảnh: Reuters
Với GS.TSKH Đỗ Trung Tá, vào thời điểm ông đương chức Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông, có một câu chuyện khó quên mà tôi đã được ông kể cho nghe. Trong một lần tôi được ông mời đến dùng cơm nhân ngày 21.6 ở một nhà hàng trên phố Tông Đản, Hà Nội cùng với vài ba đồng nghiệp, ông kể rằng:  Trước sức ép của Internet khi sớm muộn rồi cũng vào Việt Nam với những tiêu cực nhỡn tiền khó cản, ông Tá, khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện (TCBĐ), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), đã tính chuyện cần sớm báo cáo các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ để lường trước. Đồng thời, đề xuất cho phép đưa Internet vào nước ta, nhưng sẽ khắc phục bằng cách tạo "bức tường lửa" hầu ngăn chặn phần nào những cuộc" xâm lăng " với những nội dung bất  lợi này.

Nhân Hội nghị Ban chấp hành T.Ư lần 2, khóa 8 (tháng 12.1996), bàn về khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo, GS.TSKH Đỗ Trung Tá đã trình bày kiến nghị đưa Internet vào Việt Nam như một giải pháp ưu tiên cho phát triển khoa học và đào tạo của nước nhà.

Để tạo hậu thuẫn cho chủ trương này, từ trước đó, ông và các cộng sự đã đi gặp gỡ một số vị lãnh đạo trong các Ban Đảng và các Bộ có liên quan để thuyết phục trước khi trình Hội nghị T.Ư. Thời điểm đó, không hẳn câu chuyện Internet đã nhận được đồng thuận cao bởi ai cũng lo lắng trước "cuộc xâm lăng" này chưa biết hậu quả rồi sẽ ra sao...

Chính vì vậy, ông Tá không khỏi  "lo lắng" khi trình bày trước Ban chấp hành T.Ư. 

Để tăng tính thuyết phục, ông đã xin phép bố trí hẳn một phòng máy để thuyết trình với tất cả các vị tham gia Hội nghị T.Ư 2 về xu hướng tất yếu, về thế mạnh, về cái hay của Internet cũng như hậu quả, mặt trái mà nó sẽ mang lại với người truy cập trong nước, nhất là các thông tin, luận điệu của các thế lực thù địch, chống lại chế độ; những trang "web đen" rất tác hại, dễ đầu độc lớp trẻ về lối sống, về văn hóa không lành mạnh.
Chuyện 'thâm cung bí sử' khi Internet vào Việt Nam - ảnh 3Mỗi ngày, thư ký trực đọc và xuất bản hàng trăm phản hồi của bạn đọc trên Thanh Niên Online - Ảnh: Khả Hòa
Sau khi nghe trình bày, Tổng bí thư Đỗ Mười đã có những chỉ đạo kịp thời đối với ngành viễn thông.
Ông Đỗ Trung Tá nhớ lại: "Công việc mới đang triển khai khẩn trương chưa được bao lâu thì có một thông tin của nội bộ chúng ta bị rò rỉ ra ngoài và lan nhanh chóng trên mạng, trong khi cuộc họp có nội dung trên kết thúc chưa lâu. Ông cụ (Tổng bí thư Đỗ Mười) gọi gấp tớ đến, chưa kịp hiểu việc gì thì cụ bức xúc nói: Anh Tá ơi, anh vừa bảo với tôi là ta có "bức tường lửa" gì đó để ngăn chặn những thông tin xấu, vậy anh xây nó bằng gì? Có phải vì anh" đốt" nó bằng... củi  nên cháy chậm quá khiến  thông tin mới lọt ra nhanh như vậy không? Nói xong, cụ nở nụ cười đôn hậu”. 
Ông Tá cũng cảm nhận được đó là lời nhắc nhở nghiêm túc nhưng đầy khích lệ với một người được Đảng giao trọng trách...

Vì câu chuyện trên ông kể cũng đã lâu, cho nên tôi đã liên lạc, xin gặp ông để muốn được ông coi lại bài viết một chút thì lại được ông kể thêm. Trong quá trình vận động, để tạo sự đồng thuận cao, chấp nhận cho Internet vào Việt Nam, ông cũng có dịp may mắn được tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và tìm hiểu việc số hóa của VNPT diễn ra như thế nào. GS Trung Tá đã mời Đại tướng đến thăm Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC 2 tại khu vực TP.HCM. Sau khi nghe trình bày và trả lời các câu hỏi, Đại tướng không chỉ hoan nghênh chiến lược đi tắt đón đầu của ngành, khen tư tưởng "Đi thẳng vào hiện đại" của nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân, mà còn động viên ngành phải làm nhanh hơn nữa .

Kỷ niệm đó sau này đã thôi thúc ông Tá lại muốn đến thăm Đại tướng để ngỏ ý xin cụ, bằng uy tín của mình tiếp tục ủng hộ chủ trương mở Internet. Thật quá sức tưởng tượng khi nghe Đại tướng trả lời ngay: "Tôi xin nói, anh mở Internet mà chậm còn là có tội với quốc gia, với dân tộc đó”! Một câu nói mà khiến GS Đỗ Trung Tá như được tiếp thêm sinh lực... Ông Tá nói thêm, giọng đầy cảm động rằng ông còn giữ  tấm ảnh người thư ký của cụ chụp Đại tướng và ông đúng lúc cụ nói câu ấy như một lời dạy đầy ân tình trong suốt sự nghiệp làm Bưu chính Viễn thông của ông.

Viết đến đây, tôi nhớ lại và hiểu thêm được vì sao ông Tá đã để lại những câu nói ấn tượng, đầy trách nhiệm và nhiệt huyết ngay từ những năm 97 - 98 khi chèo lái con thuyền Bưu chính Viễn thông Việt Nam: "Chúng ta phải đưa Internet về làng" hay "Phải làm cho nông dân có máy di động dắt cạp quần". Và, nhờ có sự quyết liệt năm xưa của ngành viễn thông về việc chấp nhận đưa Internet vào Việt Nam, chúng ta mới có được sự bứt phá mạnh mẽ của đội ngũ báo điện tử như hôm nay mà chúng ta đã thấy.

Nhìn lại chặng đường đã qua, báo điện tử, các trang thông tin điện tử và mạng Internet hôm nay quả là một sức mạnh to lớn nhờ công nghệ thông tin phát triển, trong đó Việt Nam là một quốc gia mạnh dạn cởi bỏ rào cản để hội nhập thuộc loại tương đối sớm. Có lẽ, chúng ta cũng nên bày tỏ sự tri ân với một thế hệ lãnh đạo ngành công nghệ thông tin năm xưa đã mạnh dạn đưa Internet vào nước nhà cho dù không ít rào cản mà bây giờ cũng không phải đã nhiều người biết rõ .
Quốc Phong

http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/chuyen-tham-cung-bi-su-khi-internet-vao-viet-nam-563414.html

0 Response to "Học giả đã chết, và học giả đã nói thế : Fb Việt Nam từ 2015"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn