Có một bác sĩ ở hải ngoại lâu nay hay viết về thơ tiếng Việt. Đồng thời cũng là một nhà thơ tiếng Việt ở hải ngoại.
Bài của bác sĩ sẽ lên dần dần, nên sẽ bổ sung tiếp ở entry này.
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Cuộc chiến 1954 - 1975 nhìn lại, từ nhiều phía (12) : một bác sĩ nói về thơ tiếng Việt hải ngoại 40 năm
---
Nguyễn Đức Tùng
Lời Dẫn:
Nhà thơ Ý Nhi và nhà thơ Hoàng Hưng, trang Văn Việt, có yêu cầu chúng tôi biên soạn một tuyển tập thơ Việt Nam hải ngoại, với lời nhận định mở đầu, nhân dịp bốn mươi năm kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đó là một công việc khó khăn và tế nhị, thật ra nên có nhiều người cùng tham gia biên tập. Đến nay chúng tôi vẫn đang chờ việc ấy. Điều đáng vui mừng là trong số bốn mươi nhà thơ mà người viết gởi thư mời hoặc tham khảo ý kiến, có khoảng ba mươi vị nhận lời giúp đỡ, đã trực tiếp gởi thơ đóng góp và giới thiệu thêm người khác. Trong lúc chờ đợi tuyển tập, vốn cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành, tôi thiết nghĩ việc đăng trước bài tiểu luận sau đây là chọn lựa thích hợp, như một phác thảo về nền thơ hải ngoại, nền thơ mà nhiều độc giả chưa thật am tường.
Ngoài các nguồn tham khảo có ghi cuối mỗi chương, người viết dựa vào nhiều bài thơ đăng rải rác trên các báo giấy, các trang mạng hay blogs. Xin cám ơn các nhà thơ đã gởi bài cho chúng tôi và cám ơn các nguồn trích dẫn mà chúng tôi không thể nào kể hết ra đây. Bài tiểu luận chia làm năm chương. Mong đón nhận các góp ý và bổ sung của các nhà thơ, nhà phê bình và quý độc giả cho lần xuất bản tới.
Nguyễn Đức Tùng
April 25, 2015
Chương Một
THƠ Ở NGOÀI ĐẤT NƯỚC
Sau nhiều năm không ngó ngàng tới văn chương, tôi đọc bài thơ đầu trên bờ vịnh Songkhla, dưới ngọn đèn dầu. Ngoài xa, mặt biển đêm đen, im lìm như mặt nạ của cơn cuồng nộ. Mười bốn ngày lênh đênh trên sóng, bốn lần cướp biển, hai tháng trên một giàn khoan dầu Anh quốc. Trong dãy nhà nhỏ dựng bằng tôn và gỗ ván ép, chứa hơn trăm người, từ dưới một chiếc chiếu cũ, người bạn tình cờ tìm thấy tờ báo tiếng Việt quay ronéo từ trại tị nạn Hồng Kông, có lẽ một người đi trước bỏ quên hay cố ý để lại, và đưa cho tôi.
Trước đó, những gì tôi học từ bé trôi tuột đâu mất cả. Sau đêm ấy, tôi có dịp đọc thêm nhiều hơn, khi các báo gởi tặng từ khắp nơi bắt đầu đến được những trại tị nạn Đông Nam Á. Một số bài không có tên tác giả, không biết thơ viết trong nước hay ở hải ngoại, lúc nào, Nam hay Bắc, trong hoàn cảnh ra sao, nhưng những niềm vui tâm linh quen thuộc ngày xưa trở về.
Lưu vong là hiện tượng lâu đời, nhưng lưu vong ra khỏi đất nước mình, với số lượng lớn, lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều năm, như sau 1975, là hiện tượng mới. Mới, còn vì các phương cách lưu vong: di tản, vượt biển, bám càng máy bay, bám mạn thuyền, trèo tường, vượt rào, cuốc bộ, ra đi chính thức, ra đi bán chính thức, ra đi có trật tự, ra đi mất trật tự, bảo lãnh vợ chồng thật, vợ chồng giả, du học thật, du học giả, một dân tộc gồng gánh nhau dẫm đạp nhau nương tựa nhau ra đi.
Lưu vong được định nghĩa như sự tách rời khỏi quê hương có tính cách bắt buộc vì lý do chính trị, tôn giáo, hay kinh tế. Đó là một tình trạng di dân không tự nguyện, để phân biệt với di dân tình nguyện. Tình trạng lưu vong có thể được xác định dựa trên các yếu tố tinh thần, bị phân biệt hay ngược đãi, và như thế một người có thể lưu vong trên chính tổ quốc mình. Lưu vong gắn với mất mát, xa lìa, thương tiếc, và mặt khác gắn với quá trình hội nhập trên vùng đất mới. Tâm thức lưu vong và quá trình hội nhập là hai khuôn mặt của cùng một tình cảnh. Trong khi hoài niệm là quá khứ, thương tiếc là thụ động, thì lưu vong như một quá trình không phải bao giờ cũng bi đát. Ngược lại mới đúng: trong khi thường xuyên ngoái về cố xứ, người ra đi cũng đủ thực tế để nhìn xuống chân mình và đủ mơ mộng để nghĩ đến ngày mai tươi sáng trên vùng đất mới. Cô đơn là hành trang của người vượt biển, vượt tường, nhưng trong hành trang của họ không chỉ có chừng ấy, mà còn có hy vọng về tự do và thăng tiến, có niềm mong đợi nhiều khi mỏi mòn từ người thân quê nhà, trong cảnh khốn cùng, không thể ra đi như họ.
Hãy tưởng tượng ra em
ở một căn nhà lạ
mình em một ngôn ngữ
mình em một màu da
mình em một màu mắt
mình em một lệ nhòa
Hãy tưởng tượng ra em
ở nơi không định tới
Đó là đoạn mở đầu của bài thơ Hãy tưởng tượng ra em của Trần Mộng Tú, viết ngay sau tháng 4 năm 1975. Việc chọn dùng câu ngắn, có vần, lặp lại, làm cho bài thơ tựa ca khúc, đồng thời như lời kể. Tác giả giữ được sự thăng bằng giữa xúc động và lý trí, giữa ám ảnh quá khứ và cuộc sống hiện tại. Cuộc sống hiện tại có phải là một lựa chọn may mắn không? Lưu vong có phải là một lựa chọn?
Hãy tưởng tượng ra em
ở nơi không định tới
Không định tới không có nghĩa là không muốn tới.
Rõ ràng là thơ của người nữ viết cho người nam, chàng đâu đó, sống hay chết, tự do hay tù tội. Tình yêu của người nữ trên xứ sở mới là sự phản kháng hai lần đối với cuộc đời, số phận của một người Việt lưu vong và số phận của người phụ nữ đánh mất tình yêu. Bài thơ vừa độc thoại vừa đối thoại, kêu gọi đáp ứng. Trong khi đó, từ một nơi khác, trên quê hương, nhưng ngoài xã hội, một người đàn ông.
Đất lạ, người ta sống thế nào?
Trong lòng có sáng những trăng sao,
Có buồn bã lúc mùa trăn trở,
Có xót thương người qua biển dâu?
Trong lòng có sáng những trăng sao,
Có buồn bã lúc mùa trăn trở,
Có xót thương người qua biển dâu?
Những câu thơ của Tô Thùy Yên tôi đọc trong năm tháng xa lìa đã đánh thức, xô dạt, làm va đập trong tôi tình yêu thơ ca, tưởng đã chết, tình yêu đất nước, tưởng đã vô nghĩa. Tình yêu đất nước?
Những câu thơ nhiều hình ảnh mà ít ẩn dụ. Nhà thơ Canada Molly Peacock cho rằng, khi các xúc cảm dâng cao, nhà thơ có thể không kịp dừng lại với các ẩn dụ, mà di chuyển về phía vận động của đời sống (1). Đối với nhiều người, mặc dù không phải tất cả, sau năm 1975, căn cước một quốc gia bị đánh mất. Căn cước cá nhân bị đánh mất. Ý thức tập thể trở nên hỗn loạn: điều này xáo trộn các khái niệm vốn có của quê nhà. Sau một thời gian dài với những trăn trở tìm kiếm, có tính nghệ thuật, triết học, nền văn học miền Nam, trong đó có thơ, hình như bước dần tới giai đoạn cuối của những câu hỏi siêu hình. Những năm 1970 các nhà thơ ngày càng tách rời khỏi đời sống, tự mình trở nên xa lạ trước cuộc chiến máu đổ thịt rơi trước mắt: văn học miền Nam bế tắc. Những vấn đề xã hội ngày càng cấp bách, chiến cuộc ngày càng lan rộng, thì hình như các nhà thơ, trừ một vài trường hợp đặc biệt, đều có khuynh hướng từ chối nhập cuộc.
Cho đến khi mọi thứ bảo vệ họ sụp đổ.
Như thế nền thơ miền Nam về mặt chính thức chấm dứt vào ngày 30 tháng 4, thực ra còn kéo dài lâu hơn, nhiều tháng, nhiều năm trong những hoàn cảnh khác. Một số nhà thơ ở ngoài vẫn âm thầm viết, mặc dù tất nhiên không được xuất bản. Một số nhà thơ bị bắt vào trại cải tạo, hay nhà giam, viết về hoàn cảnh của mình: như Vũ Hoàng Chương, Cung Trầm Tưởng, Dương Kiền, Vương Đức Lệ, Trần Dạ Từ, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên. Những nhà thơ vượt thoát đến được các trại tị nạn và các Đệ tam quốc gia: như Nguyên Sa, Du Tử Lê, Mai Thảo. Một số nhà thơ vốn sinh sống ở hải ngoại vào lúc ấy tiếp tục lên tiếng: như Thích Nhất Hạnh, mà công lao rất lớn trong việc cứu người vượt biển, Minh Đức Hoài Trinh, Nh Tay Ngàn, Thi Vũ. Nh Tay Ngàn, với bài thơ dài dằng dặc Nỗi liên đen tối vô cùng, lang thang bên trời Tây.
Rồi mùa thu rủ tôi đi xa
Tôi đi xa mãi tôi rồi
Nhằm đêm hoa rụng như ánh trăng
Tan mù mù trên miệt hải ngạn
Và lớp sương mốc đổ liên hồi
Tận viễn khơi những con thuyền sôi nổi
Lướt qua màn đe dọa khi ly hương
Giữa tôi và Liên hôm nay
Ánh trăng không thành như cơn huyễn mộng
Của tôi và Liên hôm nay
Khi mười hai năm xuống dần nói nhỏ
Một mùa thu trước Liên xa
Không còn gì nhớ lại nữa đâu
Những hàng sao im nguyên ngày ấy
Của con đường Trà Vinh sớm hôm
Tôi đi xa mãi tôi rồi
Nhằm đêm hoa rụng như ánh trăng
Tan mù mù trên miệt hải ngạn
Và lớp sương mốc đổ liên hồi
Tận viễn khơi những con thuyền sôi nổi
Lướt qua màn đe dọa khi ly hương
Giữa tôi và Liên hôm nay
Ánh trăng không thành như cơn huyễn mộng
Của tôi và Liên hôm nay
Khi mười hai năm xuống dần nói nhỏ
Một mùa thu trước Liên xa
Không còn gì nhớ lại nữa đâu
Những hàng sao im nguyên ngày ấy
Của con đường Trà Vinh sớm hôm
Chữ ngơ ngác, người mất quê hương như bị phụ tình. Đây là giai đoạn được đặt tên khác nhau: thơ miền Nam nối dài, thơ hải ngoại giai đoạn đầu. Loại thơ sau hạn kỳ sụp đổ, một thi pháp của tan rã.
Lưu vong là một hiện tượng ngôn ngữ, cũng rắc rối như một vấn nạn quốc tịch (2). Tôi nối kết, do đó tôi tồn tại. Tan rã là đứt mạch các chuỗi nối kết. Tôi không còn thuộc về ai. Nhưng thơ lưu vong không phải chỉ là thơ miền Nam nối dài. Từ trại tị nạn Hồng Kông, rất sớm, và sau bức tường Bá Linh, công đoàn Đoàn Kết, cách mạng nhung Tiệp Khắc, và nhiều sự kiện chấn động khác ở châu Âu, thơ và văn học hải ngoại còn được bổ sung bằng những cây viết tài hoa ra đi từ miền Bắc, với những quá khứ có thể khác, tâm sự khác, và tất nhiên, với văn phong khác: như Lâm Quang Mỹ, thơ của hội nhập, Thế Dũng, thơ của phản kháng, Đỗ Quyên, thơ của hồn Việt viễn xứ, như Châu Hồng Thủy, Đỗ Quang Nghĩa và nhiều người nữa.
Chữ lạ, ngang tàng, Thế Dũng:
Dăm ngôi mộ trong hồn. Hoa héo úa
Âm ti cười văng vẳng tiếng đa đoan
Mây như khói tóc ai chiều thu xõa
Liệm làm sao? Dĩ vãng chửa tro tàn!
Âm ti cười văng vẳng tiếng đa đoan
Mây như khói tóc ai chiều thu xõa
Liệm làm sao? Dĩ vãng chửa tro tàn!
Ngày tháng mở giùm tôi từng ô cửa
Hốc tâm linh toang hoác một hang buồn
Tôi chưa chín nên tôi còn hăm hở
Hộc từng cơn! Thơ vỡ ngực ngậm hờn
Hốc tâm linh toang hoác một hang buồn
Tôi chưa chín nên tôi còn hăm hở
Hộc từng cơn! Thơ vỡ ngực ngậm hờn
Mới, thiết tha, phóng túng, Đỗ Quyên:
Chúng mình không có Vàng
không có Súng
không có Dây thòng lọng
không có cả Thuốc độc lẫn Thuốc mê
Chúng mình chỉ có Chữ
Chừng mực, sâu xa, Lâm Quang Mỹ:
Trong vườn Sôpanh
khúc dạo đầu thánh thót
Từng giọt rơi rơi
đến chật cả không gian
Là tiếng nhạc
hay là tiếng khóc
Về sướng vui
hay đau khổ ngập tràn.
khúc dạo đầu thánh thót
Từng giọt rơi rơi
đến chật cả không gian
Là tiếng nhạc
hay là tiếng khóc
Về sướng vui
hay đau khổ ngập tràn.
Đọc một nhà thơ là phát triển cảm giác gần gũi, thân mật, như một tương giao trực tiếp. Cảm giác thân mật bắt đầu ở tiếng nói hay giọng điệu. Tiếng nói của ai? Của nhân vật trong bài thơ. Việc tiếp nhận các tin tức, sự thuật lại câu chuyện, nêu lên các nhận xét bao giờ cũng được tiếp nhận với sự dè dặt nếu chúng đến từ người xa lạ, và bạn dễ dàng tin tưởng hơn nếu chúng phát ra trong vòng thân mật. Thơ hải ngoại tập hợp nhiều cây viết khác nhau, không có một nhóm nào là tiêu biểu. Họ sống rải rác, làm nhiều công việc, với những xuất thân khác nhau, những tài năng khác nhau, chưa bao giờ được phân định rõ ràng về vị trí và mức độ đóng góp của họ, trừ những nhà thơ thành danh từ trước năm 1975 và mang theo quá khứ từ trong nước ra, hầu hết sau đó không viết được hay viết ít đi nhiều. Nhưng đó là những nhà thơ chia sẻ chung hoàn cảnh tha hương. Bất chấp những khuynh hướng phát triển nghệ thuật khác nhau, nền thơ hải ngoại gần như chưa lúc nào hoàn toàn vượt ra khỏi cái bóng của cuộc chiến tranh và các xung đột ý thức hệ ba mươi năm. Người ta chỉ có thể lẫn tránh một lúc.
Hay tin mẹ mất con không khóc
Lệ chảy vào tim suối não nề
Con mẹ tha hương sầu trắng tóc
Ngọn nào cho mẹ ngọn nào quê?
Hà Huyền Chi. Thơ Việt Nam xưa nay không kịp nói về tình mẫu tử, nó chỉ kịp nói về chia ly trong tình mẫu tử. Thơ chưa kịp nói về tình yêu, nó chỉ kịp nói về giọt lệ của tình yêu.
Bấm bụng rời nhau đầu Trăng Mật.
Chiến tranh. Nghe mới nặng nề sao!
Chiến tranh. Nghe mới nặng nề sao!
Minh Huệ (3). Mang bản chất tự do và cá nhân, tiếp nối truyền thống của các dòng thơ Nam, Bắc, tiền chiến, hậu chiến khác nhau, các nhà thơ hải ngoại không phải là những kẻ tự nguyện trở thành tiếng nói xã hội và chính trị: họ bị buộc phải rơi vào các tình huống ấy. Một nền thơ chịu nhiều va chạm khốc liệt, cải tạo, tù đày, hoàn cảnh khốn khổ của những người ở lại những năm ngay sau 1975, cảnh vượt biên, sự lưu vong, quá trình hội nhập ở quê hương mới đầy khó khăn, một mặt đánh bật nhu cầu về văn chương qua một bên giữa những người lưu vong đầu tiên, một mặt lại mang chúng trở lại, ngày càng sâu sắc hơn trên trang viết của các nhà thơ mới, thế hệ nối tiếp. Với những chất liệu thơ ca mới.
Chất liệu thơ ca được tạo nên không những bởi đời sống hiện tại mà còn bởi ký ức, dĩ vãng. Tuy nhiên đó là một dĩ vãng được làm sống lại, dĩ vãng sống lại ấy được nhào nặn theo ánh sáng của hiện tại và trở thành một công cụ nghệ thuật. Có quan điểm cho rằng một bài thơ không nhất thiết phải mang lại ý nghĩa mà chỉ cần là một đối tượng thẩm mỹ, nhưng không một bài thơ giá trị nào lại không có nghĩa. Trong một bài thơ thành công, tức là hay, sự yêu thích mà người đọc dành cho nó thường do vần điệu, hình ảnh, nhưng sự yêu thích ấy chỉ tồn tại lâu dài bằng ý nghĩa.
Ý nghĩa của thơ lại phụ thuộc vào sự tiếp nhận của người đọc, đến lượt sự tiếp nhận ấy chịu ảnh hưởng của quá khứ cá nhân và cộng đồng. Cần chú ý tình trạng chia cắt sau chiến tranh, giữa người ở thành phố và người lên rừng, giữa người cổ vũ đấu tranh giai cấp và giải phóng dân tộc và người không tin vào những chuyện hô hào ấy, thực ra đã khởi đầu từ rất sớm, những năm bốn mươi thế kỷ trước, vẫn tiếp tục kéo dài xuyên suốt nhiều thế hệ, vẫn tiếp tục, dù với cường độ có thể thuyên giảm, sự chia cắt văn hóa và sinh thái, và do đó khả năng tiếp nhận, của người Việt hải ngoại ra làm nhiều hệ thống: những di dân không tự nguyện, tức là lưu vong, và những di dân về sau, tự nguyện, mà quyền lợi cụ thể gắn bó chặt chẽ hơn với các thiết chế trong nước, nhưng đó không phải là sự phân biệt hoàn toàn, mà là sự đan xen nhau, tương tác nhau, làm phái sinh giữa chúng các hệ thống giá trị khác.
Nền tảng khởi đầu, và đến nay vẫn là một trong các tâm điểm, của thơ hải ngoại là ý niệm lưu vong. Lưu vong được hiểu là vượt ra ngoài cương thổ, nhưng đó không phải chỉ là một phân định địa lý hay lịch sử. Đó là một tình trạng đương thời và tức thời và ngay cả từ bên trong. Lưu vong kèm theo nó ít nhất bốn khái niệm, bốn quá trình: lòng hoài niệm; quá trình chấn thương và sự làm chứng cho một thời đại; sự hội nhập và các giao thoa; và sự đi tới, phát triển, thăng tiến. Nguyên Sa, ở Hoa Kỳ, hoài niệm.
Nửa khuya nàng đánh thức tôi dậy, nói dậy đi, dậy đi, giao thừa rồi. Tôi ngồi dậy. Chúng tôi mặc quần áo mới. Chúng tôi thắp nhang. Chúng tôi ngồi uống trà với nhau, ngồi tựa lưng vào nhau, hát cho nhau nghe bằng ánh sáng của những ngày mới gặp nhau. Khi nàng quay đầu lại, tôi thấy mắt nàng đỏ hoe.
Chừng mực, dịu dàng, nén lại. Từ trong các trại cải tạo trên khắp lãnh thổ Việt Nam, các trại tị nạn rải rác ở Đông Nam Á, các trung tâm chuyển tiếp ở Hoa Kỳ và các nơi khác, các nhà thơ đã bắt đầu tạo lập một xứ sở riêng của ngôn ngữ, một quê hương riêng của vần điệu. Ở ngoài dòng chính thống trong nước, thơ vẫn cháy như ngọn lửa nhỏ, tro than âm ỉ nhưng liên tục, ngày này sang ngày khác. Nếu cảm thức về trách nhiệm công dân lớn, thơ nghiêng về thời sự chính trị, nếu cảm xúc cá nhân lớn, sẽ có thơ tình hoặc thơ trữ tình, nhưng tất cả đều khởi đi một cảm giác thương xót, tiếc nuối, tái hồi phục, tái xây dựng. Ngôn ngữ thơ thay vì xác lập và làm tăng cường các đề tài, thì ngược lại chỉ làm chúng trở nên ngày càng dao động, đổi sắc, tạo nên không khí không bình an.
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
bài hát giờ cũng như một hồn ma
Du Tử Lê, tháng 7, năm 1977. Văn học lưu vong là văn học chấn thương. Trong khi được nhường chỗ bởi cái tôi, sự mô tả người khác vẫn phải nói lên tiếng nói của chủ thể. Sự chuyển dịch từ thơ ca truyền khẩu đến thơ in trên giấy đến thơ viết trên máy điện toán và lưu truyền trên mạng đã ngày càng song hành với sự dịch chuyển giữa cái tôi xã hội và cái tôi tâm tình, vừa làm tăng quá trình xã hội hóa vừa thúc đẩy nội tâm hóa và do đó cô đơn hóa con người. Thơ trữ tình chính trị tìm thấy chỗ đứng của nó như thế nào trong bối cảnh ấy? Tôi cho rằng cần sử dụng đến khái niệm tiềm năng. Trong những hoàn cảnh khó khăn hay bị hạn chế về một mặt nào đó, con người thường gác lại nhu cầu biểu hiện, nhưng chỉ cần các hạn chế ấy được cởi bỏ, chúng lại có dịp bộc lộ. Trong khi nhu cầu được bày tỏ cái tôi xúc cảm bị hạn chế ở miền Bắc thời chiến tranh, vì những lý do nặng về xã hội, và cái tôi chính trị không có dịp phát triển ở miền Nam, vì những lý do nặng về văn hóa, thì đến một lúc khi các hạn chế bị đập vỡ, chúng lại được thể hiện ra, và thể hiện mạnh mẽ. Thơ trữ tình không chỉ là thơ về cá nhân một người, mà bao giờ cũng là một chức năng xã hội, một nhu cầu giao tiếp.
Chua chát, ngạo mạn, mà thực, rất người, như Dương Kiền:
ngày 30 tháng ba
lót tót chạy về Phan Thiết
lót tót chạy về Sàigòn
cờ tướng vẫn bay oai hùng lẫm liệt
trên cột cờ Bộ Tư Lệnh
nhưng tướng ở đâu
bố ai biết ?
cứ chạy cái đã ra sao thì ra
kệ bà thằng nào không sợ chết
lót tót chạy về Phan Thiết
lót tót chạy về Sàigòn
cờ tướng vẫn bay oai hùng lẫm liệt
trên cột cờ Bộ Tư Lệnh
nhưng tướng ở đâu
bố ai biết ?
cứ chạy cái đã ra sao thì ra
kệ bà thằng nào không sợ chết
Lòng tin bị thử thách. Lòng tin là sự nương tựa của người này vào người khác, lúc ấy đổ vỡ. Khi biết cách nhìn lại quá khứ đầy thất vọng, thơ giúp vực dậy sự lành mạnh tinh thần. Những kẻ thất bại không có tính hài hước sẽ bị lịch sử bẻ gãy mau lẹ. Tin tưởng hơn, hy vọng hơn, từ trên một chiếc tàu vớt người vượt biển của tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới (Médecins Sans Frontières), năm 1988, nhà thơ Trang Châu:
Một chớm bình minh anh ra khơi
Trùng dương bát ngát người mong người
Dang tay ôm cả chân trời rộng
Sóng vỗ thân tàu bọt biển bơi
Thơ ca là sự phóng chiếu thế giới lý tưởng của con người vào ngôn ngữ, trình bày các kinh nghiệm cá nhân được lặp đi lặp lại, trở nên điển hình, không những điển hình mà còn là những gợi ý, những khích lệ về hành vi con người mang tính cộng đồng. Vì vậy khi một cộng đồng có biến loạn, khi một dân tộc đứng trên bờ vực thẳm hay rơi xuống vực thẳm, lịch sử lật sang trang, ngôn ngữ thơ ca biến đổi. Trong khi trong nhiều năm thơ trữ tình ngày càng lấn át thơ tự sự, thì sau năm 1975 khuynh hướng tự sự và khuynh hướng xã hội ngày một rõ hơn. Mặt khác thơ trữ tình cũng biến đổi, dung nạp trong nó nhiều khả năng để phản ánh đời sống tâm hồn như một tấm gương của thời đại mình, một thế hệ bị tổn thất.
Con ơi từ buổi cha đi ấy
Ðã lớn lên thêm mấy khúc đời
Con hột máu rơi trên đất cũ
Cha ở đây cũng hột máu rơi
Ðã lớn lên thêm mấy khúc đời
Con hột máu rơi trên đất cũ
Cha ở đây cũng hột máu rơi
(Nguyễn Bá Trạc)
Một cuộc đời không hoàn tất. Người Việt sống ở hải ngoại không còn sở hữu quê hương nhưng cũng không hoàn toàn thuộc về đất nước định cư. Thế hệ đầu tiên, và một phần thế hệ tiếp nối ngay sau đó, dịch chuyển ở giữa một bên là quê hương bản quán không còn nữa và một bên là bờ bến mới hãy còn xa lạ. Những người di dân miễn cưỡng này (4) tạo ra một tập thể riêng biệt, một sinh quyển thứ ba.
Nếu đối với đất nước mới định cư họ có thể là gánh nặng, là tệ nạn, là nỗi khó chịu, hay niềm hy vọng, hay tất cả những thứ ấy, thì đối với bản quán, họ chỉ có thể là niềm hy vọng. Niềm hy vọng trước tiên là khả năng mở toang các cánh cửa của sự thật. Như Solzhenitsyn đã nói trong diễn từ Nobel 1971: “Chúng ta không được quên rằng bạo lực không và cũng không thể tồn tại dựa vào chính nó, nó gắn chặt với dối trá một cách không thể tách bạch được. Giữa chúng có mối liên hệ tự nhiên và hữu cơ: bạo lực chẳng có gì che đậy cho nó ngoại trừ dối trá, còn dối trá thì không có gì duy trì được nó ngoại trừ bạo lực.” (5)
Những thay đổi trong bút pháp của các nhà thơ hải ngoại, giao hòa giữa thơ trữ tình và thơ thế sự, làm nên một loại thơ có thể gọi là thơ trữ tình – thế sự, có thể thấy rõ trong nhiều trường hợp. Năm 1977, rất sớm giữa chuỗi ngày luân lạc, người Việt vừa khóc vừa cười trong thơ Cao Tần:
Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mày qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mày hay ông thượng đẳng cu li
Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ
Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan
Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan
Mày qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mày hay ông thượng đẳng cu li
Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ
Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan
Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan
Như thế là cười trước khóc sau; tự trào ban ngày mà khóc lặng lẽ ban đêm. Nhưng người Việt lưu vong phải mất hai mươi năm nữa để học cách chỉ cười. Thản nhiên, dửng dưng, không cần khóc. Chẳng hạn, Đỗ Kh và những nhà thơ cùng thời, trong nước và hải ngoại, và hiện nay ngày càng đông.
Anh muốn chụp gì cũng được
Nhưng mà em mỏi rồi làm ơn mau lên
Tới chừng nào anh mới hết phim
Phim trong máy ảnh, nhưng hết phim cũng là cách nói của nhiều người để chỉ sự kết thúc một giai đoạn lịch sử. Lưu vong là một tình trạng tinh thần có thể xảy ra trên chính quê hương mình. Vì vậy, đối với người tù sau này ra hải ngoại, tình trạng trước và sau ấy là liên lục, xuyên qua các biên cương lãnh thổ, và cũng thế, niềm hy vọng của họ lặng lẽ nhưng mãnh liệt kéo qua thời gian, như Trần Dạ Từ trong tình yêu:
Đó là một buổi sáng tháng giêng rực rỡ
Không thứ cờ quạt nào vấy nhơ nổi bầu trời
Không thứ chủ nghĩa nào bôi bẩn được trí nhớ
Đồi núi và em mặc chung áo nắng vàng
Suối nước và em đi chung từng bước chân
Giản dị thôi. Như ngày nào. Em tới
Không thứ cờ quạt nào vấy nhơ nổi bầu trời
Không thứ chủ nghĩa nào bôi bẩn được trí nhớ
Đồi núi và em mặc chung áo nắng vàng
Suối nước và em đi chung từng bước chân
Giản dị thôi. Như ngày nào. Em tới
Tự chủ, triết lý. Người đi trong bóng tối không ngừng cầm chặt sợi dây nối kết họ lại. Nhưng sợi dây ấy càng bền chặt, sự nối kết càng vững chắc, khả năng đi lạc càng thấp, khả năng tìm ra ánh sáng thoát cảnh đêm đen càng cao.
Có những mối liên hệ trong xã hội vì quyền lợi ích kỷ, vật chất hoặc tinh thần, cá nhân hoặc phe nhóm, vì mê lầm cuồng tín, bảo thủ vô minh. Đó là những lực liên kết lỏng lẻo, tuy bề ngoài có vẻ gắn bó lâu dài, nhưng thật ra chỉ cần gặp thử thách là gãy đổ lập tức. Có những mối liên hệ lành mạnh, vượt qua các lợi ích trước mắt, các tâm lý a dua bầy đàn vốn đầy rẫy khắp nơi, nhờ vậy mà tồn tại vững bền, thậm chí càng vững bền hơn qua thử thách. Các liên kết ấy tạo nên bởi hy vọng, bởi lòng tin vào nền tự do không thể chết, bởi lòng chung thủy đối với các giá trị tâm linh của dân tộc.
Sao em móng phượng
để dài
khiến ta đi khuất
còn sai
mộng về.
(Thi Vũ)
Lưu vong không phải là một tình trạng thay đổi lập tức như tối chuyển qua sáng, mà là một quá trình. Đó là một kinh nghiệm chấn thương, và vì vậy có thể kéo theo nó các hội chứng hậu chấn thương (6). Cuộc sống tách rời bản quán có nghĩa là xa hoặc mất cha mẹ, anh chị em, bè bạn, láng giềng quen thuộc. Một đứa trẻ mất mẹ từ khi còn nhỏ có thể rơi vào bệnh kém phát triển thể chất và tinh thần, thậm chí có thể chết như trong các báo cáo của Spitz (7).
Tôi nhớ đến bài thơ Tưởng Niệm (8) của Giuseppe Ungaretti:
Tên anh là
Mohammed Sceab
Thuộc dòng dõi
Các tiểu vương
Tự tử
Vì mất quê hương
Anh yêu
Nước Pháp
Và đổi tên
Thành Marcel
Nhưng anh chẳng Pháp chút nào
Cũng không biết làm sao
Để chui vào, sống lại
Trong căn lều người di dân
Nơi bạn nghe tiếng cầu kinh
Vang vọng
Khi đang thưởng thức cà phê nóng
Người lưu vong mặc dù đã trưởng thành, đối với tổ quốc, vẫn là một đứa trẻ.
Sự lưỡng lự giữa hai thế giới tạo ra tình trạng căng thẳng. Sự có mặt và sự vắng mặt xen kẽ nhau, chiếm hữu nhau. Khi đọc chậm bài thơ của Ungaretti, tôi hình dung bức chân dung nhỏ bé, câu chuyện kể, giai thoại, hình dung thấy người lưu dân con cháu vương triều Hồi giáo, người cha già yếu, đứa con lưu lạc, hình dung sự lẫn lộn và lúng túng của Marcel ở Paris. Tôi ngửi mùi thơm từ tách cà phê trong tay chàng và lời cầu kinh vọng lại từ căn lều trên sa mạc. Hay trên đồng cỏ. Và cái chết. Cái chết không phải kết thúc mà là lời kinh cầu khác, hay lời cảnh tỉnh đối với các thế hệ.
Đi đi anh
có em sẽ chờ anh nơi bờ đê
mùa gió lên rơm rạ nở đầy trời
mảnh đất đã thấm đẫm oan khiên
vẫn thơm mùi lúa khoai mới gặt
em sẽ vốc lấy một nhúm và buộc chặt vào bâu áo
làm bùa chú tặng anh
có anh linh của người nằm xuống
có bóng hình của kẻ đang sống
chỉ còn niềm tin này
là bùa hộ mệnh của chúng ta
Thơ Lê Thị Huệ, 1984. Bạn ngửi được mùi thơm của nhành lúa mới. Trong những năm tháng tối đen của đất nước, con người tập hợp nhau lại, đi tìm sức mạnh của mình trong các nguồn cội dân tộc: văn hóa, thiên nhiên, tình yêu thơ ca. Mỗi chi tiết bị bỏ qua trong đời thường, mỗi tổn thương trong chiến tranh, những sự thật bị che dấu hay bị ruồng bỏ, đều trở thành nguồn cội của tinh thần mới. Bất cứ ký ức nào về nền tự do trước đây, về cuộc chiến đấu vì quyền tự chủ và tự do của họ, đều trở thành món gia tài quý báu của tập thể người ra đi. Ký ức trở thành một di sản được thừa kế.
Hơn thế nữa, hai mươi năm tuy thật dài đối với một cuộc chiến tranh, đối với sự chết chóc và khổ đau của con người, ở cả hai miền Bắc và Nam, lại tỏ ra quá ngắn, quá hẹp cho sự phát triển của thơ ca. Hình như thơ cần một thời gian dài hơn để cất lên tiếng nói mạnh mẽ của nó? Đó là lý do vì sao sau năm 1975, ngay cả trong những hoàn cảnh bị đàn áp và tù đày, rất nhiều nhà thơ vẫn tiếp tục viết. Và những người mới đến vùng đất tự do lại tiếp tục nhận lấy ngọn đuốc từ tay người đi trước, không phải của hận thù mà của tình yêu, không phải của ngụy tín mê lầm mà của sự tỉnh thức.
Trong một hội nghị về bệnh thấp khớp ở Canada gần đây, có một báo cáo khoa học làm tôi chú ý. Các nghiên cứu nhân chủng học ở loài vượn cổ đại cho thấy khi chúng sống thành đàn, hàng trăm con, bệnh khớp xảy ra với tần suất cao hơn mấy chục lần so với bệnh ấy ở những con sống nhóm nhỏ hoặc đơn độc. Kết luận: những con vật bị thấp khớp, trở nên tàn phế, chỉ có thể sống sót khi quanh chúng có những thành viên thân cận. Sự bảo vệ cộng đồng kéo dài tuổi thọ của chúng, do đó cho phép các bệnh mãn tính như thấp khớp có dịp lộ ra. Điều sau đây, không có trong báo cáo, là hệ luận: một cộng đồng phải có tình yêu lớn thế nào mới dành thời gian và công sức để nuôi nấng và chăm sóc những thành viên già nua, ốm yếu, tàn tật.
Biển sao sáng xuống lòng tối thẳm
Đụng cây neo lạnh buốt bên mình
Mới nhớ mình ngồi đó suốt đêm qua
Giữa nghìn con sóng tới
Giữa ngần ấy sóng xa
Giữa đất tận trời cùng giữa chỉ một mình ta
Nghĩ mãi tới một điều
Không bao giờ tỏ rõ
Là ngọn sóng ấy đã mất tăm về phía bên trong
Cửa khẩu một đêm nào
Và ngọn sóng này chảy theo người
Từ cửa khẩu ra khơi
Có phải là sóng của hai trời
Đập mỗi sóng một bờ bến khác?
Tiếng đập gần nghe ào ạt kín trùm quanh mạn
Tiếng kia xa đã nhỏ dần một cuối đáy thời gian
Đụng cây neo lạnh buốt bên mình
Mới nhớ mình ngồi đó suốt đêm qua
Giữa nghìn con sóng tới
Giữa ngần ấy sóng xa
Giữa đất tận trời cùng giữa chỉ một mình ta
Nghĩ mãi tới một điều
Không bao giờ tỏ rõ
Là ngọn sóng ấy đã mất tăm về phía bên trong
Cửa khẩu một đêm nào
Và ngọn sóng này chảy theo người
Từ cửa khẩu ra khơi
Có phải là sóng của hai trời
Đập mỗi sóng một bờ bến khác?
Tiếng đập gần nghe ào ạt kín trùm quanh mạn
Tiếng kia xa đã nhỏ dần một cuối đáy thời gian
Mai Thảo, ra biển. Khét mùi dầu mỡ loang loáng, vị muối mặn, mùi phân, nước tiểu, có phải không, lũy tre xào xạc, tiếng súng tiểu liên trên đầu, sóng đập, máy gầm rú, trẻ con khóc.
Trên bàn làm việc của tôi có một tờ báo dành cho sức khỏe thanh thiếu niên, có tên là “Me First”, tức là Tôi trước tiên. Chúng ta đang sống trong một thời đại của kỹ thuật, của phát triển kinh tế bằng mọi giá, của bạo lực, các giá trị nhân loại và dân tộc và thiên nhiên bị thử thách, của chủ nghĩa vị kỷ. Chúng ta được rao giảng mỗi ngày rằng các cấu trúc cộng đồng không quan trọng bằng lợi ích cá nhân, rằng bạn là một đơn vị độc lập, tự do cá nhân của bạn là trên hết. Tôi không thuộc về ai cả, tôi chỉ thuộc về tôi. Hoặc cùng lắm là phe nhóm của tôi.
Tinh thần lưu vong chống lại điều này. Trong khi tự do cá nhân và sự phát triển con người là thành tựu lớn lao mà nhân loại đạt được những thế kỷ vừa qua, thì cái giá phải trả của nó không ai được quên: chỉ có tôi là trước tiên, người khác là thứ yếu, cộng đồng là thứ yếu, sự liên kết giữa các cá nhân là thứ yếu. Lưu vong, nếu là việc rời xa bản quán để tìm đến nơi tự do, lại chính là một cố gắng làm ngược lại với hiện tượng tách rời. Lưu vong vì tự do là cố gắng chống lại các trấn áp và chia rẽ, sự chia cắt con người khỏi chỗ đứng của họ, mảnh đất của họ, tôn giáo của họ, nơi thờ phượng và tình yêu của họ. Cảm giác thuộc về một tập thể là cảm giác tin cậy ấm áp, cần thiết cho sức khoẻ thể chất, tâm thần và tinh thần. Trong khi con người tìm cách vượt qua các biên cương, đi tìm Cái Khác, họ cũng mở rộng thêm khái niệm quê hương.
Khái niệm quê hương của người Việt sống xa đất nước là nhân phẩm và khoan dung. Một cách lạ lùng, trong trạng thái tha hương, thơ tự nguyện trở thành một phần của cuộc sống, kẻ ghi chép của lịch sử, khi lịch sử không cần đến nó và thôi không tồn tại nữa. Thơ hải ngoại, vì tính chất tình nguyện ấy, mang trong nó số phận và sứ mệnh của lưu vong. Số phận, nên nó là thơ trữ tình, sứ mệnh, nên nó là thơ chính trị.
Ý nghĩa của lưu vong vượt ra ngoài khả năng trả lời của một cá nhân, một tập thể, thậm chí của nhiều thế hệ. Chúng ta chỉ có thể trả lời câu hỏi đó của đời sống, câu hỏi về ý nghĩa, bằng chính đời sống của chúng ta, và vì thế, bằng cách chung thủy với các lý do đã làm phát sinh quá trình lưu vong, và kéo theo nó, được nâng đỡ trên vai nó, quá trình di dân, của chúng ta.
Nguyễn Đức Tùng
(Hết chương Một. Còn tiếp)
Chú thích:
(1) Molly Peacock, The Best Canadian Poetry 2011, Prologue, Tightrope Books, 2011
(2) Caroly Forché, Against Forgetting, Introduction, Norton, 1993
(3) http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/chia-tay-dau-trang-mat-tho-v-loi-bnh/
(4) Hiện tượng di dân mấy chục năm gần đây được nghiên cứu sâu rộng, như trong lý thuyết hậu thuộc địa. Ở các nước có chính sách đa văn hóa như Canada, việc nghiên cứu di dân về khía cạnh tâm thần học, tâm lý học và xã hội học cũng phát triển mạnh, phù hợp với thời kỳ vượt biển, vượt tường của người Việt Nam. Nhà nghiên cứu Edward Said trước đây quan niệm hiện tượng di dân gồm ba loại: di dân bắt buộc hay cưỡng bách (Forced Migration), di dân miễn cưỡng hay lưỡng lự (Reluctant Migration) và di dân tự nguyện (Voluntary Migration) (Reperesentations of the Intellectual, The 1993 Reith Lectures, London Vintage, 1994). Căn cứ trên quan điểm này, hầu hết những người Việt ra đi trong thời kỳ đầu thuộc nhóm thứ hai, những người đến định cư sau này thuộc nhóm thứ ba. Những người bị trục xuất vì lý do chính trị thuộc nhóm thứ nhất, với số lượng ít hơn.
(5) Chân Phương: http://hoiluan.vanhocvietnam.org/?p=159
(6) Rối loạn hậu chấn thương (Posttraumatic stress Disorder) là một chẩn đoán tâm thần học; gồm có những tiêu chuẩn được liệt kê trong các tài liệu y học, như tiếp xúc với cái chết hoặc sự đe dọa dẫn tới cái chết, sự tổn thương hoặc hành hạ, các xâm phạm về tình dục:
Trực tiếp trải qua các sự kiện có tính sang thương
Chứng kiến tận mắt một sự kiện như thế xảy ra cho người khác
Biết rằng có một sự kiện như thế đã xảy ra cho gia đình hay bè bạn thân thiết
(American Psychiatric Association, Diagnostic Criteria from DSM-5)
(7) Bác sĩ Rene Spitz sinh ở Vienna, mất ở Colorado, có nguồn gốc Do Thái, sống nhiều năm ở Hungary, chịu ảnh hưởng của phân tâm học. Ông có nhiều tác phẩm và những bộ phim nói về sự phát triển của trẻ em mất mẹ và thiếu chăm sóc.
(8) Giuseppe Ungaretti, translated by Andrew Frisardi
IN MEMORY OF
His name was
Mohammed Sceab
Mohammed Sceab
Descendant
of emirs and nomads
suicidal
because he had no homeland
left
of emirs and nomads
suicidal
because he had no homeland
left
He loved France
and changed his name
and changed his name
He was Marcel
but he wasn’t French
and he no longer knew how
to live
in his people’s tent
where you can hear the Koran
being chanted
while you savor coffee
but he wasn’t French
and he no longer knew how
to live
in his people’s tent
where you can hear the Koran
being chanted
while you savor coffee
And he didn’t know how
to set free
the song
of his desolation
to set free
the song
of his desolation
I went with him
with the proprietress of the hotel
where we lived together
in Paris
from rue des Carmes number 5
a run-down sloping alley
with the proprietress of the hotel
where we lived together
in Paris
from rue des Carmes number 5
a run-down sloping alley
He lies
in the graveyard at Ivry
a suburb that always
seems
like a day
a street market
breaks down
in the graveyard at Ivry
a suburb that always
seems
like a day
a street market
breaks down
And perhaps only I
still know
he lived
still know
he lived
Locvizza, September 30, 1916
Các tài liệu tham khảo:
- Những bài thơ do một số nhà thơ cung cấp. Nhân đây xin được bày tỏ lòng biết ơn của tác giả đến tất cả.
- Gaston Bachelard, The poetics of space, Beacon, 1969
- Mieke Bal, Narratology, Introduction, University of Toronton, 1985
- Thi Vũ, Bốn mươi năm thơ Việt nam 1945- 1985, Quê Mẹ, 1993
- Caroly Forché, Against Forgetting, Norton, 1993
- Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Giáo dục, 1998
- Nhóm Việt Thường, Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000, Văn Mới, 2000
- 26 Nhà thơ Việt Nam đương đại, Tân Thư, 2002
- Nguyễn Bùi Vợi, Quang Huy, Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam thế kỷ XX, Thơ trữ tình, Giáo Dục, 2005
- Jennifer Ashton, From modernism to postmodernism, Cambridge Press, 2005
- Nguyễn Hưng Quốc, Thơ con cóc và những vấn đề khác, Văn Mới, 2006,
- Agnieska Gutthy, Exile and the narrative/ poetic imagination, Cambridge Scholars, 2010
- Võ Phiến, Văn học miền Nam tổng quan, Người Việt Books, 2014
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/bon-muoi-nam-tho-hai-ngoai-2/
Chương 2
Tháng Mười năm 1861, trong nội chiến Hoa kỳ, bác sĩ Alfred Lewis Castleman, sĩ quan quân y trung đoàn Năm, lữ đoàn Wisconsin tình nguyện, tường trình tổn thất nhân mạng đầu tiên của đơn vị. Không phải vì súng đạn kẻ thù. Ông viết: người lính bất hạnh này đã chết vì nhớ nhà, phát điên vì nhớ vợ con. Ông viết tiếp: trong quân đội, những tổn thất vì lòng hoài niệm rất hay gặp.
(New York Times, Susan J. Matt article 19 Apr 2012)
Tháng Tư là tháng tàn nhẫn nhất.
Thế mà năm nay nó tới sớm.
Đi làm về khuya, tắt máy xe, đóng cửa garage, bạn sải bước vào nhà. Tới cửa sau, đút chìa khóa nhưng chưa xoay, thoảng nghe mùi hương lạ. Nhẹ đến nỗi, nửa tin nửa ngờ, bạn quay lại, lầm lũi ra vườn, nhưng chẳng tìm thấy nguyên cớ của nó đâu.
Rồi bạn nhớ ra, à, tháng Tư. Sau trận mưa nhiều ngày, trời mới nắng hai bữa. Bạn cúi xuống thật gần, lấp loáng trong đám lá những tia li ti như ánh trăng, nhưng không phải trăng, vì chúng tím tím hồng hồng. Những nụ lấm tấm như hạt gạo, những chấm tử đinh hương thơm nức xô từng đợt sóng.
Như nỗi nhớ.
April is the cruelest month, breeding
lilacs out of the dead land, mixing
memory and desire, stirring
dull roots with spring rain
lilacs out of the dead land, mixing
memory and desire, stirring
dull roots with spring rain
Tháng tư là tháng ác ôn
Đinh hương nở tím bồn chồn đất hoang
Mưa xuân, ký ức, mơ màng
Cùng lay rễ cứng bàng hoàng bật lên
T.S. Eliot trong The Waste Land.
Ký ức của bạn, mưa xuân, ước mơ, và rễ cây, chúng xáo trộn vào nhau tất phải thổi bừng ngọn lửa đau xót. Các chữ breeding, mixing, stirring, spring như những cái chuông nhỏ rung nhẹ đằng sau.
Thơ khởi đi từ nhiều nguồn cội. Một trong những nguồn cội ấy là ký ức, cái đầu tiên, giờ phút đầu tiên. Đầu tiên là thời gian. Một dân tộc, một cộng đồng, không có ký ức tạo nên một trạng thái như giấc ngủ. Giấc ngủ về đêm không thuộc về con người, không ở trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Một dân tộc tìm cách chối bỏ một phần ký ức của nó, như kẻ tiêu hủy các trang nhật ký chiến trường, vì bất kỳ lý do gì, là một dân tộc đang căm hận, sợ hãi và, vì vậy, đang tổn thương. Như trong tình trạng chiến tranh. Ký ức nối kết các phần khác nhau của số phận, các mảnh cắt rời của sự thật bị khuất lấp, tạo dựng mái nhà chung.
Ký ức có hai chức năng: giữ gìn quá khứ và khôi phục chúng.
Sau đó là lòng hoài niệm. Cảm xúc về quá khứ, nơi chốn hay thời kỳ, gắn bó với hạnh phúc. Người ta càng thất bại, càng khổ đau, hoài niệm càng lớn. Nhìn chung, mặc dù có thể không đúng trong những trường hợp cá nhân riêng lẻ, sau một cuộc chiến tranh, bên thua cuộc sẽ thương xót dĩ vãng đẹp đẽ của mình nhiều hơn là phía thắng cuộc cũng làm như thế đối với dĩ vãng của họ. Đó là sự cân bằng tâm lý và công bằng tâm lý. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên, một số nhà nghiên cứu và phê bình vẫn nhìn văn học hải ngoại như một nền văn học của lòng hoài niệm và có thế thôi.
Thật ra, hoài niệm chỉ là một trong nhiều khuynh hướng, thậm chí không phải là khuynh hướng quan trọng nhất, của văn học hải ngoại hiện nay. Đó là khả năng của hiện tại tìm kiếm ký ức, soi sáng nó bằng ánh sáng của hiện thực mới. Không có ký ức cá nhân thì không có thơ ca. Lần đầu tiên tôi nghe Thái Thanh hát Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn của Phạm Đình Chương, ở Calgary 1992, bên cạnh Phạm Duy đệm đàn. Sau này đọc bài thơ trên giấy, Du Tử Lê viết năm 1978, tôi nhận ra rằng âm nhạc trong thơ chính là trường chuyển giao của lòng hoài niệm. Thơ khởi đầu bằng hình ảnh hay âm thanh hay các phương cách khác? Có lẽ là nhạc điệu. Hình ảnh quê hương, ly cà phê đá cuối cùng chưa uống hết tôi với Hoàng bỏ lại bên hông chợ Cần Thơ, con hẻm vắng, hơi đá lạnh rịn mát bàn tay. Hàng tre bến nước Ô môn, cây cầu khỉ chạy loáng ánh trăng. Chúng có khuynh hướng mãi dừng lại trong không gian. Nhưng âm thanh thì khác, hiện hữu chốc lát, không vĩnh hằng, đúng lúc có sự hiện diện của bạn. Tức là tính chất sự kiện. Âm thanh chứng thực hiện hữu hiện tại.
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây
Ngỡ hồn tu xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây
Ngỡ hồn tu xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
Vần điệu, tiết tấu, nhịp đi, cách dừng lại, cách ngắt dòng mang theo các nguyên mẫu ký ức. Nguyên mẫu ở đâu? Trong thiên nhiên. Vì vậy mối quan hệ giữa thơ ca và thiên nhiên là mật thiết: thơ mang chúng ta trở lại với đất, cát, sỏi đá, cây cỏ, chim muông, cái chết, sự hồi sinh, như các chu kỳ. Hoài niệm là chu kỳ, và trong thơ, chu kỳ tựa lên nhạc điệu. Thơ hải ngoại, dù đó là thơ lưu vong của người tị nạn, hay thơ của di dân về sau, đều mang tâm sự của kẻ sống xa quê nhớ nước. Lòng hoài niệm có thể có tác động âm tính, gây nên buồn rầu u uất (1), ngăn cản con người tiến về phía trước, như trong báo cáo của bác sĩ Castleman năm 1861, nhưng cũng có thể tác động dương tính: giữthăng bằng tâm trạng, gây cảm giác phấn chấn, kích thích năng lực sáng tạo, tăng cường khả năng liên lạc, lòng yêu làng xóm, lòng trung thành, tình cảm thủy chung.
Nhớ chi đôi vành khuyên bờ dậu
Thuở còn ta chim thường bay đến đậu
Trên bông bụt vàng chen lá trổ hoa
Nắng tháng năm ruộng tím ngắt bông cà
Thuở còn ta chim thường bay đến đậu
Trên bông bụt vàng chen lá trổ hoa
Nắng tháng năm ruộng tím ngắt bông cà
Chu Vương Miện nhớ quê, nhớ tuổi thơ, nhưng đó là một trí nhớ bồi đắp, tươi tắn, thăng bằng.Cũng có tính nâng đỡ như vậy, trong thơ của Châu Hồng Thủy từ nước Nga, ra đi từ vùng đất khác trên quê hương Việt Nam.
Không nhớ nổi mùi hương chùm thiên lý
Mẻ ốc nhồi nấu canh chuối mùa thu
Chợt đêm nay hiện về trong giấc ngủ
Chiếc chậu sành tí tách giọt mưa rơi
Mái tóc mẹ đã thêm nhiều sợi trắng
Chuối vườn xưa bão xé tướp tơi bời
Tình cảm nhớ thương được biểu hiện bằng bút pháp cổ điển bởi hai nhà thơ trên đủ sức lay động lòng người, giúp nguôi ngoai niềm cô quạnh, an ủi vỗ về. Nhiều người biết rằng trong dịp gặp nhau, người tha hương nhắc kỷ niệm cũ; dù vui buồn đều quý báu, trở thành một phần trong tài sản tinh thần, làm gánh nặng hiện tại trở nên nhẹ nhõm. Thật ra ý thức về tự do không làm vơi tâm sự nhớ nhà, chỉ làm chúng tăng lên. Chính là trong mộng tưởng mà chúng ta có tự do và chính mộng tưởng là tuổi thơ đã trải qua và thường xuyên trở lại. Lòng hoài niệm giúp con người soi thấu những uẩn khúc của quá khứ, tự xem xét mình, giúp đánh giá lại kinh nghiệm đau buồn, hạnh phúc. Xem xét thất bại của một thế hệ hay cá nhân trong quá khứ, những thất bại bao giờ cũng gắn bó với một nơi chốn, một thời điểm.
Nhìn các em ngồi đó, một góc sân trường xưa, thương qua thời nắng gió, nhớ quá chiều nắng mưa
Đà Lạt, các em ở. Đà Lạt thầy bỏ đi. Các em thì vẫn nhỏ như vầng trăng núi kia
Thầy thì như sương khói loáng thoáng cuối chân mây, ngang chân mây đồng nội, cỏ úa tàn hương bay
Trần Vấn Lệ, cùng với Luân Hoán, là những đại diện xứng đáng của dòng thơ hoài niệm đương thời, một nguồn mạch không ngớt tuôn chảy rì rào mấy mươi năm qua, kỳ lạ trong thơ Việt. Tính từ luân lạc Quang Dũng.
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Thơ quý ở cái lung linh huyền ảo. Thơ Trần Vấn Lệ nhiều khi có chất lung linh ấy, có lẽ nhờ cái tình. Thơ Quang Dũng nhờ hình ảnh.
Nhưng đề tài và chất liệu thơ quyết định sự khác biệt giữa bút pháp: người lớn tuổi hơn viết về quê hương, chiến tranh, các mối quan hệ của họ, tìm cách giải quyết những câu hỏi không thể trả lời khi còn trong cuộc. Người viết khác, mới hơn, đương đại, có chất liệu là những hiện thực mới.
Tình bây giờ là chiều xuống trên sông êm ả trước khi đổ thác
có ven bờ đom đóm soi hoa
có mây kỷ niệm bay ngang in lại lòng sông thương tiếc
có nâng niu con cá ngáp hơi
Em biết không
Anh thật sự mệt mỏi muốn êm đềm đắp cỏ mặc nắng mưa
bao chuyện cũ giao côn trùng rền rĩ
Ngôn ngữ quen thuộc mà cách nói lạ của Ngu Yên. Đọc kỹ, sẽ thấy sự hóa thân của nhà thơ trong trường hợp này, tạo nên dự dao động giữa hai thế giới cũ và mới (2). Vì sự cách trở về địa lý kéo theo sự cách trở về thời gian, độ lùi tâm lý, hiện thực hôm nay của quê hương trở thành quá khứ của nhà thơ, nhưng anh ta chỉ được phép sống quá khứ ấy như một hiện tại. Bên cạnh một số người chỉ biết khóc than dĩ vãng vàng son, hầu hết người tha hương đều tự biết xắn tay áo lao vào cuộc sống mới, đầu tắt mặt tối để gây dựng căn nhà mới cho bản thân và gia đình; đối với những người ấy, lòng hoài niệm giúp soi sáng bài học trong quá khứ, nhìn lại bản thân, trả lời câu hỏi tôi là ai? Từ đâu đến? Đến đây để làm gì?
Hai mươi năm tôi giấu sự thật như giấu một đề thi
Hai mươi năm tôi tìm kiếm sự thật trong những cơn bay
qua bao nhiêu bến bờ lạ
Lê Thị Huệ, năm 1995. Tình hình sau năm 1975, và còn kéo dài đến bây giờ, là những xung khắc của dân tộc chưa bao giờ được hóa giải, những di chứng chiến tranh chưa bao giờ được sửa chữa, làm nhiều người không trở về. Cùng với những đồng bào miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, Mai Thảo viết: “chúng ta đi mang theo quê hương”. Cũng như Mai Thảo, cuộc di cư vĩ đại lần thứ nhất: “Phượng mỉm cười nhìn Thu. Giọt nước mắt của người lên đường nhập vào hàng ngũ của tập thể của di chuyển, Phượng biết là một giọt nước mắt của tin tưởng. Để bảo vệ một niềm tin. Để bảo vệ con người. Tất cả, họ sẽ trở về”.
Sau năm 1975, nhiều người không trở về, tình nguyện vùi nắm xương tàn trên đất lạ, cay đắng nhưng giữ vững niềm tin của mình, vì vậy nỗi sầu xa xứ càng trở nên sâu nặng.
Biết chứ hồn anh dài vạn dặm
Lòng anh nặng trĩu một trùng dương
Dăm khi anh lẻn về quê cũ
Ði một mình ở một bờ sông (Nguyễn Bác Trạc)
Lòng anh nặng trĩu một trùng dương
Dăm khi anh lẻn về quê cũ
Ði một mình ở một bờ sông (Nguyễn Bác Trạc)
Lẻn về trong mộng, đi một mình ở một bờ sông: ai trong chúng ta không có lúc làm thế. Hoài niệm còn có nghĩa tạo ra căn nhà mới cho văn chương, một xứ sở tưởng tượng. Ngôn ngữ thơ trở thành người canh gác cho niềm tin đầu tiên và cuối cùng về tự do. Những người không có quá khứ, không tự hào về quá khứ của mình, không thương xót, là người không tin tưởng vào tương lai.
Mùa hạ ta qua vùng thảo nguyên
gió thổi chiều xanh trôi với nắng
khoảnh khắc vầng trăng bạc nhú lên
cánh chim theo trăng vào trời rộng
nhà ai đèn lồng soi trước hiên
nhủ thầm nhà ta sau hàng phượng
ta đi năm năm qua thảo nguyên
gió thổi chiều xanh trôi với nắng
khoảnh khắc vầng trăng bạc nhú lên
cánh chim theo trăng vào trời rộng
nhà ai đèn lồng soi trước hiên
nhủ thầm nhà ta sau hàng phượng
ta đi năm năm qua thảo nguyên
(Nguyễn Xuân Thiệp)
Một trí nhớ mới, đẹp đẽ. Chúng ta cần một trí nhớ mới. Lòng hoài niệm tất nhiên khởi phát từ ký ức, vốn bao giờ cũng là về người khác, với người khác, trên mảnh đất nơi ta lớn lên, và vì vậy được chia sẻ. Đó là chức năng nối kết. Ký ức ấy làm tăng cường cảm giác liên hệ giữa người và người, ràng buộc nhau, giúp con người vững chãi hơn trong sóng gió. Việc nghĩ về quá khứ đôi khi gây cảm giác âm tính, làm một người chạnh lòng cô đơn như kẻ một mình phòng trống trải, mùa đông lạnh giá, nhưng chính cảm giác cô đơn trong hiện tại giúp nhiều người đi tìm trở lại bà con, bạn bè, đồng môn quá khứ, như trong các hoạt động tương thân tương ái khắp nơi ở hải ngoại và ở trong nước, mở rộng quan hệ xã hội.
Trong phạm vi ấy, hoài niệm còn là đối thoại.
Chú nào ngồi hiên nhà ta chiều nay
Nghe mưa Sài gòn rạt rào thơm mát
Sau một ngày nắng lóa chín tầng mây
Những mái tôn mưa cười ran hạnh phúc
Nghe mưa Sài gòn rạt rào thơm mát
Sau một ngày nắng lóa chín tầng mây
Những mái tôn mưa cười ran hạnh phúc
Chú nào đêm nay kê đầu gối đó
Thở hương nồng hạnh phúc đẫm không gian
Có biết nói nghìn năm sau vẫn nhớ
Vẫn hai vai êm ấm mãi ơn nàng?
Thở hương nồng hạnh phúc đẫm không gian
Có biết nói nghìn năm sau vẫn nhớ
Vẫn hai vai êm ấm mãi ơn nàng?
Thơ Cao Tần, ý rõ, cười héo hắt, tình dạt dào. Đây là đối thoại lạ lùng, giữa một người từ quá khứ, xa, và một người trong hiện tại, gần, xuyên không gian, thời gian. Và hình như muốn xuyên qua chia cắt hận thù. Nghĩ về quá khứ, những ngày hạnh phúc, giúp con người tăng cường lòng tự trọng, nâng cao bản lĩnh, mang lại nhiều can đảm để đối phó với sóng gió thực tại. Nhờ vào cảm giác về tính mục đích của đời sống, trên hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Khi bạn nghĩ về cơ cực của người thân ở quê nhà, sự hy sinh của cha mẹ thời thơ ấu, bạn tìm ra ý nghĩa của sự tồn tại. Bạn càng biết chắc về mục đích đời sống, càng sở hữu nhiều ý nghĩa, bạn càng bớt cảm giác hoang mang, sợ hãi, thất vọng, hoài nghi. Bạn bước vững chắc, cố dẫm vết chân sâu.
Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về
Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về
Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương
Thơ Trần Trung Đạo. Nhớ nhà, ngoảnh trông cố xứ là truyền thống mạnh mẽ trong thơ Việt, thơ Trung Hoa, thơ Đông phương từ ngàn năm trước. Sau các cuộc nội chiến, nó còn có ý nghĩa mới, sự vượt thoát, đi về phía tự do, về phía xây dựng lại. Thế hệ đi trước gạt lệ quên đi để dành sức lực cho việc gầy dựng tương lai mới, thế hệ con cháu mình.
Ba chẳng bao giờ muốn kể với con
những ngày lênh đênh trên biển đen vô định
sóng cứ gầm
đêm u mãi, và đen
(Trangđài Glassey-Trầnguyễn)
Nhưng chính hoài niệm âm thầm của họ làm nên ngọn lửa trong lòng người trẻ tuổi, giữa đời sống thừa thãi vật chất, khá ích kỷ, của xã hội mới. Nhưng ai không từng vượt qua đau đớn sẽ không thể làm sinh nở một tình cảm khác, nỗi mong muốn. Đó là mong muốn chia sẻ, cảm thông, giải thích nợ nần, bàn giao hoài bão. Từ kinh nghiệm riêng tư, những cá nhân khác nhau có thể hồi tưởng khác nhau về một sự kiện có thật. Vì vậy, tất nhiên, các nhà thơ viết khác nhau về cùng một góc khuất lịch sử.
hớp rượu này
trăng cũng nuốt trôi
xuân tha hương
lòng những ngậm ngùi
ta lữ khách
nhìn đời như mộng
sao bâng khuâng
cố quận sầu khơi
người và quê
đành đã chia xa
cuộc vô thường
ảnh sắc phôi pha
ta về đâu
hỡi tên lạc xứ
muốn theo mây
mây cũng không nhà
(Bắc Phong)
trăng cũng nuốt trôi
xuân tha hương
lòng những ngậm ngùi
ta lữ khách
nhìn đời như mộng
sao bâng khuâng
cố quận sầu khơi
người và quê
đành đã chia xa
cuộc vô thường
ảnh sắc phôi pha
ta về đâu
hỡi tên lạc xứ
muốn theo mây
mây cũng không nhà
(Bắc Phong)
Ngay cả đối với cá nhân lành mạnh, các yếu tố như chiến tranh, xung đột văn hóa cũng dẫn đến sự xô lệch ký ức. Những người đứng về một phía của chiến tuyến thường ghi nhớ nhiều hơn các sự tích anh hùng cảm động của phía mình, ít chú ý ghi nhớ những sự kiện làm họ ngượng ngùng, bối rối, không giải thích được, hay có ý nghĩa ngược lại niềm tin của họ. Tự đặt mình vào vị trí người khác là công việc khó khăn, cần lòng dũng cảm, đối với nhiều người là không thể làm được. Thế Dũng, một người lính miền Bắc, trèo đèo lội suối, nghĩ đến hình ảnh thân yêu:
Tôi chưa có, rừng đã vang vó ngựa
Trăng Tây Sơn bùng nổ một trời xuân
Thương cô Tấm chỉ vì mơ yếm đỏ
Mà chết đi sống lại biết bao lần
Trăng Tây Sơn bùng nổ một trời xuân
Thương cô Tấm chỉ vì mơ yếm đỏ
Mà chết đi sống lại biết bao lần
Tôi chưa có thì ba lô cỏ biếc
Đã nắng sương từ thuở mẹ lên ngàn
Mười tám tuổi vượt đèo thành binh nhất
Câu thơ rừng hồi hộp với trăng non
Đã nắng sương từ thuở mẹ lên ngàn
Mười tám tuổi vượt đèo thành binh nhất
Câu thơ rừng hồi hộp với trăng non
Mẹ cơm cà, áo vá, nước mưa trong
Nhờ hàng xóm bát cơm ngày giáp hạt
Tôi ăn suối ngủ rừng theo binh trạm
Em như mơ như thực ở ngang trời
Nhờ hàng xóm bát cơm ngày giáp hạt
Tôi ăn suối ngủ rừng theo binh trạm
Em như mơ như thực ở ngang trời
Câu thơ cuối buồn như vầng trăng. Phan Xuân Sinh, người lính miền Nam, ngủ bờ ngủ bụi, cũng nghĩ đến tình yêu của anh, cách khác:
trên đồi trọc, cỏ không kịp mọc
sống chết một đời có nghĩa chi
khi tỉnh giấc, ngó bên rào chim hót
lòng ta đau, nhìn mãi cuộc tình đi
Chân chất nhưng dây dưa trong trí nhớ. Ký ức chấn thương khác nhau tùy theo nhân chứng là nạn nhân hay người đứng quan sát bàng quang. Trong khi ký ức của nạn nhân trải qua các sang chấn có thể bị làm biến đổi, bóp méo, làm họ mất cái nhìn sáng rõ đối với hiện thực, nhiều nghiên cứu cho thấy bản thân hoài niệm lại giúp hàn gắn vết thương do sang chấn gây ra. Ký ức cũng thay đổi theo thời gian. Khi ta lớn lên, một số chi tiết bị quên đi nhưng một số chi tiết khác nổi bật, vì vậy trên tấm thảm dệt của thời gian, lịch sử xuất hiện không đồng đều, diễn ra với tốc độ khi nhanh khi chậm, khi sáng khi tối. Lòng hoài niệm giúp khôi phục hình ảnh chân thực về đất nước, khôi phục ký ức về chiến tranh, những ký ức có thể phần nào đáng tin cậy hơn lịch sử chính thống. Một người lính miền Nam, lăn lóc sa trường, ngoái về quê cũ:
ta vẫn quê người thân lính thú
mười năm chưa dứt nạn sa trường
có về ngói vụn, tường xiêu đổ
nào thấy gì nhau để xót thương Thơ Hoàng Lộc. Người chiến binh cũ nhớ đến hai lần: một là đời lính, hai là quê hương trong lửa đạn. Thực ra, cũng đã có một thời, nhất là thời gian đầu, cuộc chiến hiện ra đẹp, có lý tưởng, như trong thơ Trang Châu:
mười năm chưa dứt nạn sa trường
có về ngói vụn, tường xiêu đổ
nào thấy gì nhau để xót thương Thơ Hoàng Lộc. Người chiến binh cũ nhớ đến hai lần: một là đời lính, hai là quê hương trong lửa đạn. Thực ra, cũng đã có một thời, nhất là thời gian đầu, cuộc chiến hiện ra đẹp, có lý tưởng, như trong thơ Trang Châu:
Súng gác lưng đèo đêm ba mươi tết
Sương rơi rơi kín lạnh nẻo rừng già
Sờ đế giày mòn tính quãng đường xa
Anh mới thấy đi đã trọn vòng đất nước
Sương rơi rơi kín lạnh nẻo rừng già
Sờ đế giày mòn tính quãng đường xa
Anh mới thấy đi đã trọn vòng đất nước
Hình thức của thơ kiến tạo cách suy nghĩ và xúc cảm của chúng ta, người viết và người đọc, hình thành các ý niệm về cuộc sống, ý nghĩa của những đau khổ và hy sinh. Trong khi bồi đắp các năng lực sáng tạo, làm phong phú tâm hồn thì chúng, các hình thức ấy, cũng thừa khả năng dẫn con người vào các niềm tin khác nhau.
Những người lính lái xe miền Bắc:
Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha
(Phạm Tiến Duật)
Tươi vui, hào sảng.
Người sĩ quan miền Nam:
đánh giày, chùi súng xong xuôi
trải bao thuốc lá lên đùi làm thơ
(Luân Hoán)
Mộc mà sâu xa, lãng mạn.
Thơ trữ tình viết về chiến tranh cũng có hai khuynh hướng: hướng ngoại, như những câu thơ của Phạm Tiến Duật, hướng nội, như những câu thơ của Luân Hoán.
Những chàng trai dễ thương ấy, dù vui cười hay mơ mộng, sẽ bị ném vào ngọn lửa của cuộc chiến, sẽ chết hay sẽ trở về với chân tay để lại trên chiến trường, với mảnh linh hồn xước máu tan tác. Và kéo theo họ, không chỉ vành khăn tang thiếu phụ, mà cả một dân tộc, tiếp tục hận thù, chia cắt, tiếp tục làm cạn kiệt suối nguồn tâm linh tổ tiên để lại.
Những xung đột nội tâm và cá nhân, cảm giác hối hận hoặc tội lỗi có thể được tự do bày tỏ một phần nào trong thiết chế tự do và sẽ bị đè nén hoặc kiểm soát trong những thiết chế phi tự do. Trong trường hợp thứ hai, các xung đột và cảm giác tội lỗi sẽ được phóng chiếu vào những nhóm bên ngoài, vào đối phương. Câu hỏi kế tiếp được đặt ra là văn học Việt Nam, trong nước và ngoài nước, thể hiện đến đâu nhiệm vụ của một nền văn học nạn nhân?
Không còn sóng để chìm
sợi tóc già nua chạm đáy
mặc nụ cười ton hót bờ môi chai sạm lưu dân
sợi tóc già nua chạm đáy
mặc nụ cười ton hót bờ môi chai sạm lưu dân
cầm bống bống bang bang ngẩn ngơ gà mẹ lạc con(Nguyễn Hàn Chung)
Thoạt nhìn hoài niệm là nghĩ về quá khứ, hội nhập là hướng về tương lai, theo hai chiều ngược nhau. Trong thực tế lòng hoài niệm tăng cường hội nhập vì tâm trạng hưng phấn, tinh thần trách nhiệm với quá khứ, làm tăng sự cảm kích đối với những ngày vàng son, ân nghĩa sâu nặng với sự hy sinh của người đi trước, giúp họ nhiều nghị lực hơn để vượt qua khó khăn, thành công trong quá trình hội nhập vào xã hội mới. Thơ thường xuyên biến đổi, phản ảnh một thế giới không ngừng phát triển, thế nhưng nó vẫn không ngớt quay lại căn nhà cũ.
cây xõa tóc
xuống vai
vò nhàu mùi hương bạch đàn
chiếc cổ thiên nga
sông núi phai màu
linh hiển
tháng giêng. con giống nằm phơi thóc
trắng hai đồng tử lâm sàng
chết ngọt đứ đừ
trăng kiếm thức
15 phút tới giờ hỗn mang
anh không còn tin vào những trận nháy mắt
cuộc hành trình bay vút mi cong
kéo khói mù mịt
những con tàu khởi hành
từ một thang điểm vệ sinh
không còn văn bản không còn thơ
miếng cơm cháy nguội
những đồng bạc lanh chanh
gặp một người đồng hương nói tiếng lèo
tết năm nào em trôi giạt?
(Hoàng Xuân Sơn)
Hoài niệm giúp nuôi dưỡng di sản văn hóa, giữ gìn sự kế tục. Truyền thống, trong trường hợp những phẩm chất tốt đẹp, quyết định số phận. Toàn bộ đời sống của một cá nhân là thông điệp được truyền lại từ những người đi trước. Và đến lượt, chính đời sống của bạn là một thông điệp. Những người đi từ một miền kế tục bút pháp văn chương của miền ấy, chỉ những thế hệ sinh ra và lớn lên hoàn toàn ở hải ngoại mới ít chịu ảnh hưởng của chúng. Kế tục về bút pháp chứng tỏ sự bền vững về nội lực của một cộng đồng di dân. Đổi mới bút pháp chứng tỏ sức sống của cộng đồng ấy. Lòng hoài niệm có tuyền thống lâu dài trong thơ Việt Nam, từ Nguyễn Bính bảng lảng:
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
Từ Nguyễn Đình Toàn da diết, chưa xa lắm:
Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó
Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau
Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi, hoa ngâu
Rồi tết đến, rồi lòng anh nhớ quá
Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau
Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi, hoa ngâu
Rồi tết đến, rồi lòng anh nhớ quá
Đến Nguyễn Thanh Châu, đương thời, rất khác:
ngồi xuống. khe khẽ hát
những ngón tay thô chùng phiếm guitar
rưng rưng phiến nguyệt tà. máu nhỏ
biền biệt nhớ người ơi
chừng hẹn nhau buổi nào
cắn đắng. cơn trốt cuồng thất tán
đoá lệ hồng. tuôn
âm âm trời bạt xứ
cũng đành. vẫn thiết tha
chút lòng vụng dại
hãy nuôi lấy những giấc mơ. mãi mãi
về đâu. khuya. dõi bóng tuyệt mù
Christa Wolf, nhà văn Đức nổi tiếng, bạn thân của Gunter Grass, viết: “Ký ức không được dùng tới sẽ lạc đường, ngừng tồn tại, rơi mất tăm vào hư vô- rất đáng báo động.Vì vậy, cơ chế để gìn giữ nó, để nhớ lại, nhất thiết phải được tạo ra, rèn luyện.” (3)
Một trong những cơ chế ấy là văn chương.
Thực tế cho thấy trong người Việt hải ngoại, các tập hợp được thúc đẩy bởi lòng hoài niệm như các hội ái hữu, hội đồng hương, hoạt động khá hiệu quả trong việc tạo ra những liên kết, hỗ trợ lẫn nhau lúc hoạn nạn. Hoài niệm tập thể làm cho người và người ở nơi chốn tha hương gần gũi hơn, chia sẻ chung những mối quan hoài (4). Nếu có thể ví von rằng thơ miền Nam trước đây là thơ của cái tôi, thơ miền Bắc trước đây là thơ của cái ta, thì thơ hải ngoại hiện nay là thơ của cái tôi khác.
ba tao mất rồi
ga đóng cửa
Ðà-lạt dập dờn gió đập cửa ỉm im
ga lịch sử đi vào hạng mục di tích quốc gia
mất tiếng còi sương vọng xa
công nhân viên chức cán bộ cấp cao thấp
đại diện đại gia đa dại dân đen dân oan dân quèn buôn lậu bon chen chân trong ngoài
việt kiều yêu nước không yêu nước bán nước
chia lìa từ dạo ấy
tụi mày thuộc loại nào
giờ ở đâu
mùa hè tao nhớ
Nguyễn Thị Hoàng Bắc nhớ Đà Lạt. Tâm sự tí tách với một người bạn thời nhỏ. Thơ ca của chị làm tuổi thơ bộc lộ sức hấp dẫn. Hoài niệm dẫn lối cho tuổi thơ về lại. Nhưng sự liên hợp giữa ký ức, giấc mộng, lòng thương nhớ, ý thức tự do, hiện thực, tạo ra những trục tọa độ khác nhau trong thơ ca, thay đổi tùy theo trường hợp xuất thân, hoàn cảnh ở hải ngoại, thành công và thất bại, kinh nghiệm, vui tươi hay đau buồn. Đối với người xa xứ, đất nước là thời thơ ấu. Mối quan hệ tuổi thơ ấy, ảnh hưởng lớn đối với đời sống sau này, được chiếu rọi bởi ánh sáng khác nhau, lúc mờ lúc tỏ, như ngôi nhà được nhìn thấy khi thì dưới màn mưa khi dưới mặt trời.
Huế cơm chay Bồ Đề
Mưa quặn thắt lá sầu đông
Chai nước lọc Đông Hà
Bùn sình đất đỏ
Gót giày em nho nhỏ
Xe đi qua
Ôi xa mà nhớ
Mưa quặn thắt lá sầu đông
Chai nước lọc Đông Hà
Bùn sình đất đỏ
Gót giày em nho nhỏ
Xe đi qua
Ôi xa mà nhớ
Thơ Trần Nghi Hoàng, cổ điển, vẫn mới. Quê hương của kẻ lưu vong có thể là kỷ niệm êm đềm, có thể là nỗi cay đắng, có khi cùng lúc cả hai, nhưng bao giờ cũng chứa tâm cảnh bao dung. Thật ra, mặt khác, một tập thể lúc nào cũng sống trong trạng thái nghi ngờ, cảnh giác ta và địch, là tập thể bất hạnh, đáng thương. Trong cuộc đời họ có thể thắng hay thua, thất bại hay thành công, nhưng vì đánh mất hồn nhiên, không cách nào tìm lại được, nên lúc nào sống cũng bất an mà không tự biết. Vì hồn nhiên là lẽ phải.
Chúng ta tiếc nuối sự hồn nhiên. Thời mới lớn, đọc trên tạp chí Văn chuỗi bài Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng đi liên tiếp nhiều tháng, tôi nhớ cảm giác choáng ngợp.
Quỳ ơi, bây giờ em ở đâu? Tại cái xứ có nhiều loại kèn xe hơi cực kỳ tối tân này, em có biết rằng có người chồng thỉnh thoảng trông ra nắng tháng tư lại nhớ đến một buổi trưa tiền kiếp, chúng ta đang dựa gốc cây thiêm thiếp, sực nghe thấy tiếng chim tu hú, đều mở cả mắt ra để cùng tìm xem con chim tu hú đậu ở đâu mà kêu to như thể ở chính bên tai ta vậy?
Thuở ấy, thời chiến tranh chưa lan rộng, “Bắc Việt” của tác giả có lẽ vẫn còn như cũ, hay ít nhất trong lòng ông, mùa vải và chim tu hú và xã hội và cái người thơ thẩn dưới gốc cây kia vẫn còn nguyên vẹn. Xin đừng bắt ông phải chọn lựa giữa quê hương và tự do. Người Việt ngày nay sống ở hải ngoại, tôi e rằng còn khổ tâm gấp đôi Vũ Bằng, vì chẳng có gì mà lựa chọn; họ không chỉ thương nhớ mà còn thương tiếc, không chỉ thương tiếc mà còn đau xót. Tôi muốn bắt chước nhà văn Võ Phiến, trong một tạp bút (6) của ông, mà hỏi rằng:
- Cô Quỳ còn không?
Ký ức có hai chức năng: giữ gìn quá khứ và khôi phục nó. Một trong những phương cách khôi phục là lòng hoài niệm. Chúng ta viết và đọc để cứu chuộc quá khứ, để mở cánh cửa vào căn nhà sự thật, tìm ra động lực của các diễn trình lịch sử. Có hai nguyên cớ của văn học hoài niệm: vì nhớ dĩ vãng thiên đường hoặc vì trải qua đau thương, khốn khổ.
Hoài niệm sâu xa nhất là hoài niệm trong im lặng. Mai Thảo, trong Thủy tận:
Em đi vừa khuất trên đầu phố
Anh đuổi theo sau bóng đã nhoà
Đứng sững. Mới hay lìa cách đã
Sơn cùng thủy tận giữa đôi ta
Quyền năng của thơ là chuyển đổi một kinh nghiệm cá nhân thành kinh nghiệm của người khác. Thơ vừa là cái riêng tư vừa chống lại sự riêng tư. Sự thất bại của thơ ca hiện nay, trong nước cũng như ngoài nước, mà nhiều người nhắc đến, tôi thiết nghĩ, khởi đầu từ điểm này.
Yeats đã từng nói: “Tất cả những thứ riêng tư sẽ bị hư hoại trừ khi chúng được ướp trong muối hay trong nước đá” (All that is personal soon rots unless it is packed in ice or salt.). Muối và nước đá ở đây tất nhiên là ngôn ngữ văn chương, nghệ thuật thơ ca.
Tôi thích bài thơ của Mai Thảo, nhưng thú thật, tôi không chắc lắm nó đã ướp đủ muối hay nước đá.
Nhưng mỗi khi đọc câu thơ này:
Nghe mẹ nói anh có về hái ổi
Tôi lại không kịp băn khoăn về điều ấy. Thơ Tế Hanh, thời kháng chiến chống Pháp. Trong chúng ta, ai từng có mảnh vườn cha mẹ trồng cam, chanh, khế, ổi, tan nát vì bom đạn, nhiều năm xa quê nay vẫn hoang tàn, cố gắng lắm cũng chỉ về thắp hương vài năm một bận, có khi lúc sẫm tối, vội vàng, xe người bạn chờ mình ngoài đường nổ máy?
Nhưng ký ức quê hương biết đâu cũng chỉ là huyền thoại? Những thay đổi đến chóng mặt trên đất nước chúng ta, loạn lạc trong hòa bình, loạn hơn cả thời chiến, kỷ cương phá nát, lối sống thực dụng, lưu manh, cơ hội. Đâu phải chỉ người Việt xa xứ mới trông vời quê cũ? Nhà thơ khi viết câu hoài niệm từ nơi xa có khi cũng viết thay đồng bào mình trên cố thổ.
Nhưng ta không còn phải sống những giây phút như thế
Thành phố ta ở không như thế
Những bộ mặt quanh ta không như thế
Ngôn ngữ ta nghe và báo ta đọc không như thế
Âm nhạc ta nghe cũng không bị nghe như thế
Và những giấc ngủ của ta
Những giấc mơ của ta
Không còn bị như thế
Thành phố ta ở không như thế
Những bộ mặt quanh ta không như thế
Ngôn ngữ ta nghe và báo ta đọc không như thế
Âm nhạc ta nghe cũng không bị nghe như thế
Và những giấc ngủ của ta
Những giấc mơ của ta
Không còn bị như thế
Duy có một điều
Trong chỗ sâu kín nhất của lòng ta
Ta cảm thấy vẫn còn như thế
Có lẽ mãi còn nguyên như thế
Trong chỗ sâu kín nhất của lòng ta
Ta cảm thấy vẫn còn như thế
Có lẽ mãi còn nguyên như thế
Mai Trung Tĩnh, năm 1995, từ Hoa Kỳ. Cách nói mới. Thơ ca và văn học hoài niệm không khởi đầu bằng các ký ức sự kiện mà bằng câu hỏi về ý nghĩa của chúng.
Thật ra ngày nay không một nhà thơ nào có thể viết một bài thơ thuần túy hoài niệm theo kiểu cũ, tức là nhớ cha mẹ, nhớ nhà, đằm thắm như trong ca dao “má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”. Ngày nay, không thể nào nghĩ tới hàng cây hò hẹn thuở mới lớn mà không nhìn thấy cảnh chúng bị đào tận gốc, chặt tận rễ, không thể nào nhớ một người thầy học cũ mà không chạnh lòng vì nền giáo dục.
Vì vậy, có một ngày mai của quá khứ, có tương lai của lòng hoài niệm. Chúng ta hoài niệm điều gì? Không phải quê hương đã xa, mà sắp mất, không phải cố quận tách lìa của người ly hương, mà bản quán ngày càng tiêu vong của người sống trên đất mình. Quê hương nào sắp mất? Quê hương của văn hóa, lòng tin cậy, tình làng xóm, nghĩa đồng bào, của thiên nhiên chuồn chuồn cây cỏ. Lòng hoài niệm ấy của chúng ta so với nỗi nhớ nhà của người xưa quả thật có thêm nhiều nỗi lo âu, bội phần khắc khoải.
Chúng ta hoài niệm nghi lễ của tình yêu.
(Hết chương Hai. Còn tiếp)
Chú thích chương 2:
(1) Tình trạng nhớ nhà sầu muộn là kết quả của rối loạn cơ chế tự điều chỉnh. Người viết tin rằng tử vong đầu tiên được nhắc đến trong báo cáo của bác sĩ Castleman là bệnh Rối loạn thích nghi với biểu hiện trầm cảm (adjustment disorder with depressed mood).
(2) Nguyễn Hưng Quốc: “quan niệm mới cho rằng người lưu vong thường xuyên dao động giữa hai quốc gia, luôn luôn sống trong tình trạng xuyên quốc gia, thậm chí, cái quốc gia cũ ấy không còn mang tính lãnh thổ”. http://www.voatiengviet.com/content/van-hoc-luu-vong/2470610.html
(3) Chista Wolf: “An unused memory gets lost, ceases to exist, dissolves into nothing- an alarm thought. Consequently, the faculty to preserve, to remember, must be developed.”, Patti Miller, Writing your life, p. 73, Allen and Unwin, Australia, 2001.
(4) Dịch chữ collective nostalgia. Wildschut, T., Bruder, M., Robertson, S., van Tilburg, W., & Sedikides, C. (2014). Collective nostalgia: A group-level emotion that confers unique benefits on the group. Journal of Personality and Social Psychology, 107.
(5) Vũ Bằng, Thương Nhớ Mười Hai, NXB Văn Học, 1989, p 82.
(6) Võ Phiến, Tuyển Tập, Văn Mới, 2001, USA, p. 209.
Các tài liệu tham khảo:
- Những bài thơ do một số nhà thơ cung cấp. Nhân đây xin được bày tỏ lòng biết ơn của tác giả đến tất cả.
- Gaston Bachelard, The poetics of space, Beacon, 1969
- Mieke Bal, Narratology, Introduction, University of Toronton, 1985
- Thi Vũ, Bốn mươi năm thơ Việt nam 1945- 1985, Quê Mẹ, 1993
- Caroly Forché, Against Forgetting, Norton, 1993
- J.D. Mc Clatchy, The vintage book of contemporary world poetry, Vintage, 1996
- Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Giáo dục, 1998
- Nhóm Việt Thường, Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000, Văn Mới, 2000
- 26 Nhà thơ Việt Nam đương đại, Tân Thư, 2002
- Nguyễn Bùi Vợi, Quang Huy, Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam thế kỷ XX, Thơ trữ tình, Giáo Dục, 2005
- Jennifer Ashton, From modernism to postmodernism, Cambridge Press, 2005
- Nguyễn Hưng Quốc, Thơ con cóc và những vấn đề khác, Văn Mới, 2006,
- Agnieska Gutthy, Exile and the narrative/ poetic imagination, Cambridge Scholars, 2010
- Võ Phiến, Văn học miền Nam tổng quan, Người Việt Books, 2014
- Du Tử Lê, Phác họa toàn cảnh 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam, người Việt Books, 2014
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/bon-muoi-nam-tho-hai-ngoai-3/
0 Response to "Cuộc chiến 1954 - 1975 nhìn lại, từ nhiều phía (12) : một bác sĩ nói về thơ tiếng Việt hải ngoại 40 năm"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn