Cuộc chiến 1954 - 1975 nhìn lại, từ nhiều phía (10) : một phân tích diễn văn

Bài của Nguyễn Văn Tuấn.


Thursday, April 30, 2015

Đếm chữ các lãnh đạo nói gì trong ngày 30/4


Hôm nay, tôi thấy có 2 người có bài nói về ngày 30/4: bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (1) và bài viết (do kí giả ghi lại) của tướng Lê Đức Anh (2). Sẵn dịp, tôi so sánh với bài diễn văn của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết 5 năm trước (cũng vào ngày này, 30/4) (3). Cũng như nhiều người khác, tôi không có thì giờ và cũng không có hứng đọc mấy bài loại này; thay vào đó, tôi đọc theo kiểu … đếm chữ. Đôi khi, tần số chữ cũng nói lên đôi chút về suy nghĩ của người nói.



Điều rất thú vị là năm nay cả 2 bài có cái tựa đề chẳng dính dáng gì đến nội dung. Tiêu biểu nhất là bài của Thủ tướng 3D có tựa đề là "Vượt lên khác biệt, chân thành hòa hợp dân tộc", nhưng trong nội dung bài nói chỉ có đề cập đến chữ "hoà hợp" 1 lần duy nhất, và cũng chẳng dính dáng gì đến hoà giải – hoà hợp dân tộc mà người ta đang bàn hiện nay. Điều này tôi đoán là nhà báo thêm vào cho nó có màu … tuyên truyền. Nhưng rất tiếc đó là một kiểu tuyên truyền theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó".

Mấy năm gần đây, các vị lãnh đạo có vẻ tiến bộ hơn so với những năm trong thập niên 1980. Thời đó, mỗi bài diễn văn của các vị như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng cũng như trong thế giới XHCN dài lê thê. Dài đến cả mấy tiếng đồng hồ. Tôi phải khâm phục họ có thể đứng một chỗ 4-5 giờ đồng hồ, chúi mặt vào giấy đọc, chẳng cần nhìn khán giả. Ấy thế mà lâu lâu khán giả lại vỗ tay rào rào. Khỏi nói, các câu chữ thì quá quen thuộc. Tôi nghĩ ngày nay, nhóm khoa học ở Đại học MIT có thể thiết kế một chương trình máy tính viết những bài diễn văn như thế. Mấy năm nay thì khá hơn nhiều, vì các vị lãnh đạo giảm thời lượng và câu chữ trong các bài nói chuyện. Nhưng chỉ khá hơn so với trước đây thôi, chứ so với nước ngoài thì họ vẫn nói dài lê thê. Năm nay, bài của Thủ tướng 3D có 3546 chữ, ngắn hơn só với bài của bác Minh Triết (4077 chữ). Bài của tướng LĐA thì dài hơn bài của TT 3D đến 22% (có 4338 chữ).

Không cần đọc những bài này thì chắc các bạn đã đoán được họ nói gì. Ở đây, tôi đặt giả thuyết là năm nay, các vị lãnh đạo sẽ "nổ" ít hơn những năm trước, và họ sẽ nói về hoà hợp – hoà giải dân tộc nhiều hơn. Vậy chúng ta thử kiểm định giả thuyết này bằng cách đếm chữ. Sau đây là tần số xuất hiện của một số chữ liên quan:

Chữ
Diễn văn của TT Nguyễn Tấn Dũng
Bài nói chuyện của tướng Lê Đức Anh
Diễn văn của CT Nguyễn Minh Triết
"Hoà hợp"
1
0
0
"Giải phóng"
7
21
8
"Thắng lợi"
6
9
17
"Nguỵ"
1
5
0


Dữ liệu trên cho thấy một xu hướng thú vị là tần số xuất hiện của chữ "thắng lợi" giảm từ 17 lần trong 5 năm trước xuống còn 6 lần trong năm nay. Ngay cả ông LĐAnh cũng chỉ dùng chữ này có 9 lần. Nên nhớ rằng ông LĐAnh mới đây có nói rằng chuyện ta nói thắng lợi chỉ là tuyên truyền thôi, chứ làm sao thắng Mĩ được. Nguyên văn ông nói là: "Việc chúng ta năm nào cũng nói đến việc thắng Pháp, Mỹ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc thì có đúng không? Theo tôi là chưa đúng. Pháp, Mỹ đều là các siêu cường cả về khoa học, kỹ thuật, quân sự đến Liên Xô thắng được phát xít Đức cũng phải nể. Thời điểm đó, mình thắng Mỹ làm sao được, mình là một nước nông nghiệp lạc hậu, chưa có vũ khí gì hết, không làm ra được 1 chiếc ô tô, xe máy. Đó là chúng ta bảo vệ được độc lập và Pháp, Mỹ phải rút quân. Sự thực như thế nào nói như thế, không được nói dối." (4)

Thủ tướng 3D chỉ nhắc đến cụm từ "hoà hợp" có 1 lần duy nhất trong bài diễn văn. Ông nói "Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh […] chúng ta hãy nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc […] như mong muốn cuối cùng trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu." Tức là lời nói khá chung chung, mang tính khẩu hiệu thì đúng hơn. Còn tướng LĐAnh và ông Triết trước đó thì không nhắc đến hoà hợp – hoà giải dân tộc.

Chữ "nguỵ" thì ông Dũng chỉ nhắc đến 1 lần. Thật ra, ông chỉ lặp lại khẩu hiệu "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào". Ông Triết thì không nhắc đến chữ này trong bài diễn văn 5 năm trước. Riêng ông LĐAnh thì vẫn thích dùng chữ này (9 lần) trong bài nói chuyện.

Đáng chú ý là chữ "giải phóng" xuất hiện rất nhiều lần trong bài của tướng LĐAnh (21 lần), nhưng khá ít trong bài diễn văn của ông Triết (8) và Dũng (7).

Hoà hợp – hoà giải dân tộc thì phải đề cập đến dân tộc, tổ quốc, v.v. Vậy chúng ta thử kiểm tra xem các vị lãnh đạo dùng những chữ này bao nhiêu lần:

Chữ
Diễn văn của TT Nguyễn Tấn Dũng
Bài nói chuyện của tướng Lê Đức Anh
Diễn văn của CT Nguyễn Minh Triết
"Dân tộc"
16
0
31
"Tổ quốc"
10
2
11
"Đồng bào"
15
3
11
"Đảng"
27
27
29
"Đồng chí"
15
9
12

Những số liệu trên cho thấy ông Triết có xu hướng dùng chữ "dân tộc" khá nhiều, dù ông không đề cập đến hoà hợp dân tộc. Ông Dũng nói về dân tộc ít hơn. Trong 3 người, người tiết kiệm chữ dân tộc nhất là tướng LĐAnh, ông không nói đến chữ này trong bài nói chuyện. Ông LĐAnh cũng không dùng chữ "Tổ quốc" nhiều bằng hai vị kia.

Một điều thú vị là cả ba người rất thích "đảng". Ông LĐAnh không nói gì về dân tộc, nhưng nói đến đảng đến 27 lần! Tần số xuất hiện của "đảng " trong bài của ông Triết (29) và ông Dũng (27 lần) gần bằng với tần số xuất hiện của chữ "dân tộc". Ngay cả "đồng chí" cũng có tần số khá cao, cao hơn "đồng bào" và "tổ quốc", trong các bài diễn văn!

Năm nay, bài diễn văn của ông Dũng nhắc đến "Mỹ" 5 lần, trong đó có 1 lần chửi Mĩ. Ông Dũng cũng nhắc đến "Trung Quốc" và "Liên Xô" mỗi nước 1 lần, nhưng là cám ơn. Cám ơn Tàu cộng (cái nước nó cướp đảo mình), và chửi Mĩ (cái nước nó đang giúp mình).

Tóm lại, các dữ liệu trên đây không phù hợp với giả thuyết về hoà hợp – hoà giải dân tộc. Trong 3 bài nói chuyện hơn 11000 chữ, chữ "hoà hợp" được đề cập chỉ 1 lần duy nhất. Tuy nhiên, một dấu hiệu có lẽ nên được xem là tích cực là chữ "nguỵ" và "giải phóng" càng ngày càng biến khỏi kho tàng ngữ vựng của các vị lãnh đạo. Nhưng các vị vẫn còn nhắc nhiều đến "đảng" và "đồng chí", nhiều hơn cả "đồng bào" và "tổ quốc", và có lẽ sự thật đó nên xem là một tín hiệu bất bình thường.


=====





http://tuanvannguyen.blogspot.jp/2015/04/em-chu-cac-lanh-ao-noi-gi-trong-ngay-304.html
Những entry liên quan đã đi trên blog này:













0 Response to "Cuộc chiến 1954 - 1975 nhìn lại, từ nhiều phía (10) : một phân tích diễn văn"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn