Một trung thần nhà Mạc được thờ ở khu phố cố Hà Nội : đền Thanh Cẩm

Đại khái là khu trung tâm buôn bán của Hà Thành. Đại khái gắn với khu hồ Thái Cực đã nhắc ở một entry trước. Và việc này, ngoài các nhà khảo cứu ra, dân gian còn ít biết đến.

Tôi đã có bài học thuật về cái đền này (viết lâu lâu, bận mải nên quên béng trong máy tính, gần đây có sự kiện Hoàng Phủ Ngọc Phan mới nhớ ra, để chỉnh lại cho kĩ hơn). 

Ở dưới, chỉ là một đoạn do các vị tiền bối đã viết khoảng 10 năm trước. Cụ thể xem ở dưới.

---


Đó là đền Thanh Cẩm ở số 10 phố Trung Yên. Tấm bia có niên đại Thành Thái thứ 10 tức 1898 nhưng là khắc lại bài ký viết năm Minh Mạng thứ 15 tức 1834. Tác giả là danh nho Phạm Quý Thích. Nội dung như sau:
“Đền Thanh Cẩm thuộc giáp Nỗ Hạ, phường Đông Thọ là rất cổ. Sự tích ngôi đền tuy không có trong sử nhưng được chép trong Việt điện u linh. Vị thần thờ tại đền là Mỗ công (không biết huý hiệu), đỗ Tiến sĩ đời Mạc. Thời Lê Trung Hưng chúa Trịnh kéo quân tới. Nhà Mạc rút chạy lên mạn Bắc, bị Trịnh Vương truy bách. Mỗ công đã mặc áo gấm đeo đai vàng từ bờ hồ Thái Cực ra giữa đường chặn ngựa ngăn quân Trịnh, rồi tuẫn tiết. Sau quân Trịnh lại rút về Thanh Hóa, nhà Mạc trở lại Kinh đô cho xây đền thờ Mỗ công ngay chỗ đó. Thời Trịnh Nhân Vương (Trịnh Cương) chúa ra lệnh phá hủy, nhưng thấy đến có huyệt chôn một chiếc đầu, quân lính không thể kéo lên được vì thế đền mới còn. Trải qua binh hỏa thời Tây Sơn, đến nhà Nguyễn, triều đình đã mở rộng đường sá, tu bổ lại nhất loạt, vì thế ngôi đền cổ cũng được nhờ.
Nay dân trong giáp mua khoảnh đất bên phải đền để xây đền mới, phía trước mặt là di chỉ đền cũ, phía sau là hồ vuông, quy mô tráng lệ gấp nhiều so với trước. Những kẻ muốn khảo cứu việc cổ xưa họ không đến đây chăng”.
Như vậy là Phạm Quý Thích đã hoàn toàn dựa vào Việt điện u linh để viết bài ký trên. Trong sách này quả có mục kể chuyện Linh thần miếu Thanh Cẩm: “Miếu Thanh Cẩm ở phường Đông Các, huyện Thọ Xương, thờ một ông liệt sĩ đời Mạc không rõ tên họ, chỉ biết là đỗ Tiến sĩ đời Mạc, làm chức quan ở đài sảnh.
Bấy giờ Triết Vương Trịnh Tùng đem nghĩa binh từ Thanh Hóa đánh tới Thăng Long. Chúa Mạc bỏ thành chạy sang Bắc. Triết Vương đuổi theo. Ông mặc áo gấm, đeo đai vàng, đi từ bên hồ Thái Cực ra trước phố Đông Các, đứng cản ngựa Triết Vương. Vương sai tạm ngừng quân, hợp các tướng lại bàn rồi đem ông ra chém. Rồi thúc quân tiến nhưng chúa Mạc đã kịp sang sông.
Sau Triết Vương thu quân về Tây Đô. Chúa Mạc lại về Đông Kinh, lập đền thờ ông ở chỗ bị giết. Đền ở giữa phố Đông Các, hương lửa không dứt.
Đến đời Nhân Vương (Trịnh Cương) sai hủy đền, dưới đền thấy mộ, trước hết cho đào lên, thi thể vẫn còn nguyên, quân lính hết sức lấy lên mà không được. Vì vậy mộ được đắp lại và đền không bị hủy”.
Như thế thời Phạm Quý Thích, phường Đông Các mà trung tâm là phố Hàng Bạc ngày nay đa đổi ra là phường Đông Thọ, và giáp Nỗ Hạ chính là thôn Trung Yên. Miếu Thanh Cẩm, trước ở giữa phố Hàng Bạc, sau dời vào phố Trung Yên. Đó là nơi thờ một trung thần nhà Mạc, đã hy sinh thân mình để cứu chúa. Trước đây, sử gia phong kiến chê nhà Mạc là chiếm ngôi vua nhà Lê. Ngày nay, theo quan điểm lịch sử Mác-xít, giới sử học đã đánh giá lại nhà Mạc. Thời đó, triều Lê Uy Mục, Tương Dực đã quá suy đồi. Phải thanh trừ hôn quân bạo chúa và bè lũ thì xã hội mới ổn định, dân mới có thể sống nổi. Mạc Đăng Dung đã làm được việc đó (như Trần Thủ Độ đã làm thời Lý Huệ Tông, Hồ Quý Ly đã làm thời Trần Thuận Tông). Những năm cầm quyền, nhà Mạc đã phát triển kinh tế, ổn định xã hội, phát triển văn hóa, đào tạo nhiều trí thức lớn như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải. Đóng góp của nhà Mạc cho dân tộc là không thể phủ nhận. Do vậy, có một ông Tiến sĩ dám hy sinh thân mình, cản bước tiến của Trịnh Tùng là dễ hiểu. Tuy nhiên trong giới sử học hiện nay vẫn có những ý kiến khác nhau khi đánh giá nhà Mạc. nhất là về lĩnh vực đối ngoại. Trong thực tế, Mạc Đăng Dung từng lên cửa Nam Quan tự trói tay để nhận tội - dù là hình thức - với sứ thần nhà Minh và từng cắt đất nộp cho nhà Minh - dù các khu đất này xưa thuộc nhà Minh.
Theo Lịch sử Thăng Long- Hà Nội, Nguyễn Vinh Phúc (cb), Lê Văn Lan, Nguyễn Minh Tường, NXB Trẻ, Tp.HCM, 2005.


http://www.36phophuong.vn/Thang-Long-thoi-Mac-Mot-so-guong-mat-tieu-bieu_c2_295_398_800.html

0 Response to "Một trung thần nhà Mạc được thờ ở khu phố cố Hà Nội : đền Thanh Cẩm"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn