Lo sợ bệnh tật, nhiều người châu Á tích cực tìm mua các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Các công ty thực phẩm đã không bỏ qua cơ hội này.
Khách hàng chọn chuối ở một cửa hàng thực phẩm hữu cơ, tức thực phẩm không dùng phân bón và thuốc hóa học, tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc). Loại chuối “sạch” này có giá đắt gấp năm lần chuối thông thường - Ảnh: Reuters |
Cuộc sống dư dả và công việc buộc thường xuyên ngồi một chỗ khiến Bill Chung, một nhân viên 33 tuổi ở Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), tăng cân vèo vèo. Trong một thời gian ngắn anh nặng thêm 30kg. Sau hai tháng quyết tâm cải thiện chế độ ăn uống, Bill giảm được 6kg. “Tôi tìm đọc thông tin về thực phẩm dinh dưỡng qua sách vở. Nhờ đó tôi tốn ít tiền hơn cho thực phẩm và chúng đều tốt cho sức khỏe” - Bill chỉ tay vào những sản phẩm yến mạch, sữa chua và vitamin trong giỏ mua sắm của mình.
Tăng trưởng ổn định
Những khách hàng như Bill Chung chính là đối tượng các công ty thực phẩm nhắm đến tại châu Á. “Đó là những sản phẩm đang nổi” - bà Lyndsey Anderson khẳng định. Là trưởng bộ phận thực phẩm và đồ uống châu Á của Công ty nghiên cứu thị trường Business Monitor, có trụ sở tại London (Anh), bà cũng tin rằng các mặt hàng thực phẩm có lợi cho sức khỏe sẽ tăng trưởng mạnh từ cuối năm 2010 hay đầu năm 2011 khi kinh tế khu vực này hồi phục. Theo Anderson, hiện nay loại thực phẩm này mới chiếm khoảng 5% danh mục thực phẩm ở châu Á.
Thị trường 20 tỉ USD Thị trường thực phẩm chức năng (bao gồm các loại hạt, mầm lúa mì, các sản phẩm từ đậu nành cho tới sữa chua) có tổng doanh số khoảng 20 tỉ USD ở châu Á, theo Business Monitor. Ngoài các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe tiêu chuẩn, các thực phẩm phụ như những loại vitamin hay protein tinh chế có doanh số 14 tỉ USD ở châu Á (không bao gồm Nhật) vào năm 2006, theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường DataMonitor. |
Ăn để tránh bệnh
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 1/3 dân châu Á và cư dân vùng tây Thái Bình Dương có cân nặng quá chuẩn trong năm 2005, con số này có thể tăng lên đến 53% ở nam giới và 44% ở phụ nữ vào năm 2015. Cũng theo WHO, riêng ở Trung Quốc, 23% dân số đang dư cân và bệnh tiểu đường đã trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng với dự đoán 42 triệu trường hợp trong năm 2030, gấp đôi so với hiện nay.
Ở Ấn Độ, “thủ đô của bệnh tiểu đường”, hiện đã có 40 triệu người mắc bệnh và con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025. Do vậy, Hãng tư vấn Frost & Sullivan dự báo thị trường thực phẩm dinh dưỡng tại quốc gia đông dân thứ hai hành tinh này hiện có doanh số 200 triệu USD, sẽ vượt mức 1 tỉ USD vào năm 2012.
“Không chỉ là chuyện bán hàng. Sức khỏe luôn là điều đầu tiên người châu Á nghĩ đến. Chúng tôi đang cố gắng tiếp thị các sản phẩm của mình một cách minh bạch nhất có thể” - Charu Harish, nhân viên Công ty GlaxoSmithKline, giải thích. Vì lý do này, nhiều công ty thực phẩm luôn nhấn mạnh yếu tố sức khỏe đầu tiên khi bán hàng cho dân châu Á. Trong những chiến dịch tiếp thị ở đây, Hiệp hội trồng quả hạnh ở California, đại diện 6.000 nhà sản xuất tại Mỹ, nhấn mạnh sản phẩm hạt của họ bao gồm nhiều protein có ích và chất chống oxy hóa. Kết quả là doanh số của họ tăng 24% từ năm 2006-2008, đạt mức 486 triệu USD chỉ riêng trong năm 2008 tại thị trường châu Á, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ.
Phản ánh quan điểm của người tiêu dùng châu Á, Wanpen Thongsri - 49 tuổi, một nhân viên văn phòng ở Thái Lan, nơi thị trường thực phẩm có lợi cho sức khỏe đang tăng trưởng mạnh - khẳng định sẵn sàng trả nhiều hơn để có thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn. “Thành thật mà nói, tôi không chắc rằng mọi nhãn hiệu đều an toàn. Nhưng tôi sẵn sàng trả thêm để có được sức khỏe tốt”.
HẢI MINH (Theo Reuters)-TTO
0 Response to "Dân châu Á mê thực phẩm chức năng"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn