Ảnh hưởng của tia X trên thai nhi

Ảnh: allaboutyou.com
Nhiều thai phụ rất lo lắng khi lỡ chụp X-quang mà không biết mình đang mang thai. Tia X tác hại trên thai nhi là chuyện đã rõ, tuy nhiên mức độ thế nào là tùy tuổi thai và liều lượng của tia.


Tia X có thể kèm theo nguy cơ ung thư, bệnh bạch cầu cấp và một số dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Theo Ủy ban Kiểm soát về vấn đề hạt nhân của Mỹ, thai nhi có nguy cơ mắc bệnh ung thư về sau nếu nhiễm liều bức xạ từ 2- 6 rad. Với liều bức xạ > 5 rad thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh.
Tùy vào mức độ phơi nhiễm, tia X có thể gây sẩy thai, chậm phát triển thai nhi hoặc một vài loại ung thư ở giai đoạn sau này. Ở cùng liều bức xạ, mức độ nguy hiểm nặng, nhẹ tùy giai đoạn tuổi thai (xem bảng 1).
Hạn chế sự phơi nhiễm tia X
Tia X, còn gọi là tia Röntgen, do nhà vật lý người Đức Wilhelm Conrad Röntgen tìm ra vào năm 1895. Tia X là một dạng bức xạ năng lượng cao không nhìn thấy được bằng mắt thường.
Tia X có thể xuyên thấu qua nhiều vật thể, đặc biệt là các vật thể sống. Tia X được dùng khá nhiều trong chẩn đoán (chụp X-quang) các bệnh lý về xương, phổi và cơ quan khác.
Liều bức xạ của tia X được dùng trong chẩn đoán rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với liều gây hại cho thai. Tia X dùng trong chẩn đoán hầu như không làm gia tăng tỉ lệ dị tật bẩm sinh thai nhi.
Tuy nhiên, trong thai kỳ tốt nhất là hạn chế tối đa việc tiếp xúc với tia X. Các bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của tia X khi chỉ định dùng cho thai phụ. Trong trường hợp chẳng đặng đừng nếu phải chụp X-quang (ở những vùng khác), nên che chắn bụng thai phụ bằng một áo chì để hạn chế phơi nhiễm tia X cho thai nhi.
Thai phụ nên thông báo với bác sĩ về thai kỳ của mình nếu có chỉ định chụp X-quang. Ngày nay có thể dùng siêu âm chẩn đoán thay X-quang. Cộng hưởng từ (MRI) dùng an toàn cho thai nhi sau 12 tuần.
Bảng 1:
Tuần tuổi thai
Ảnh hưởng
0-1 (tiền làm tổ)
Chết phôi
2-7 (giai đoạn phát triển cơ quan)
Dị dạng, chậm phát triển, ung thư
8-40 (Giai đoạn thai)
Dị dạng, chậm phát triển, ung thư, trì trệ.
Mức độ ảnh hưởng của các loại X-quang
Hai loại tia X có năng lượng bức xạ cao là CT (Computed Tomography) bụng chậu và chụp huỳnh quang. Nếu không thể trì hoãn đến sau khi kết thúc thai kỳ thì bác sĩ nên chọn loại kỹ thuật có mức bức xạ thấp nhất, chùm tia X thu hẹp để vùng phơi nhiễm nhỏ, và nếu chụp huỳnh quang thì thời gian càng ngắn càng tốt.
Bảng 2 tính liều bức xạ trung bình trên thai nhi trong chẩn đoán bằng tia X thông thường. Đơn vị tính là milligray (mGy) [1 gray = 100 rad = 1.000 milligray]
Tại Canada, ước tính liều bức xạ mỗi thai nhi nhiễm khoảng 0,5mGy trong suốt thai kỳ từ đất, chất liệu xây dựng, không khí, thức ăn và ngay cả trong không gian. Mức độ có thể cao hơn tùy vào nơi thai phụ sống và có thể tăng nếu đi máy bay, vì mức độ bức xạ khi bay sẽ cao hơn ở dưới mặt đất.
Ngay cả khi không tiếp xúc với tia X vẫn có một tỉ lệ nhỏ thai nhi (4- 6%) bị bất thường, vì vậy thai phụ cần phải khám thai định kỳ để được tầm soát và chẩn đoán sớm những bất thường nếu có.
Bảng 2:
Liều bức xạ trung bình trên thai nhi (*)
Nguồn bức xạ
Liều
trung bình (mGy)
Nguồn bức xạ
Liều
trung bình
(mGy)
Chụp răng
<0,01*
Chụp đường tiêu hóa trên (dạ dày, thực quản) có uống chất cản quang Barium, (chụp huỳnh quang)
1,1
Ngực
<0,01
Chụp đường tiêu hóa dưới (đại tràng) có bơm cản quang (chụp huỳnh quang)
6,8
Nhũ ảnh
<0,05*
Chụp cắt lớp (CT) vùng đầu
<0,005
Xương chậu
1,1
Chụp cắt lớp vùng ngực
0,06
Bụng
1,4
Chụp cắt lớp vùng thắt lưng
2,4
Xương sống thắt lưng
1,7
Chụp cắt lớp vùng bụng
8,0
Ước tính liều bức xạ thai nhi nhiễm từ tự nhiên (môi trường) trong suốt thai kỳ
0,5*
Chụp cắt lớp vùng chậu
25
(*): Ước tính bởi Bộ Y tế Canada
TS.BS LÊ THỊ THU HÀ (Bệnh viện Từ Dũ)-Tuoitre

0 Response to "Ảnh hưởng của tia X trên thai nhi"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn