Không phải cứ loãng xương là uống canxi

Ảnh: Breakingupdate.com.
Có những bệnh nhân bị loãng xương nặng nhưng không do thiếu canxi, thậm chí lượng canxi trong máu còn cao hơn bình thường. Chính vì vậy không phải cứ bị loãng xương là uống canxi.
Bác sĩ Lê Anh Thư (Bệnh viện Y dược TP HCM) cho biết, do sợ bị loãng xương nên rất nhiều người đã tự ý dùng các thực phẩm có hàm lượng canxi cao mà không biết rằng điều này rất nguy hiểm. Bởi loãng xương không chỉ đơn thuần do thiếu canxi, mà còn hàng loạt các nguyên nhân khác.
Chẳng hạn: thiếu vitamin D, thiếu protit, tăng hoạt động các tế bào hủy xương, hạn chế hấp thụ canxi ở ruột, bị các bệnh nội tiết, suy giảm hoóc môn sinh dục, giảm hoạt động của các tế bào sinh xương, lạm dụng các thuốc kháng viêm nhóm corticoide. Vì thế nếu cơ thể thiếu vitamin D gây kém hấp thụ canxi thì việc cung cấp thêm canxi là vô nghĩa.
Bác sĩ Thư cũng khuyến cáo, việc dùng bừa bãi các chế phẩm giàu canxi rất nguy hiểm. Khi cơ thể thừa canxi, tùy mức độ có thể xuất hiện các biến chứng từ nhẹ đến nặng như ăn không ngon miệng, táo bón, buồn nôn, mệt mỏi, đau cơ, đau xương, mất nước (do tiểu nhiều). Lượng canxi thải qua đường tiểu nếu tăng lên, nó sẽ kết hợp với phốt phát hoặc oxalat tạo thành sỏi thận.
Với các loại sữa bột được quảng cáo giúp phòng chống loãng xương đang bán trên thị trường hiện nay, thực ra chỉ có tác dụng cung cấp nhiều dinh dưỡng (trong đó có canxi) cho cơ thể. Tuy nhiên, ngay cả sữa đặc bình thường cũng đã cung cấp đủ lượng canxi và dinh dưỡng cần thiết. Với hàm lượng canxi cao, sữa chỉ cung cấp canxi chứ không phòng chống loãng xương.
Theo bác sĩ Thư, để phòng bệnh này, cách tốt nhất không phải là uống nhiều sữa giàu canxi mà hạn chế uống cà phê, rượu, trà, có chế độ dinh dưỡng cân đối, ăn uống điều độ và vận động nhẹ hằng ngày.
Nhu cầu canxi hằng ngày của một người trung bình là 400-500 mg, còn ở phụ nữ mang thai thời kỳ cuối và phụ nữ cho con bú sáu tháng đầu là 1.000-1.200 mg. Bữa ăn hằng ngày của Việt Nam chủ yếu là các thực phẩm giàu canxi như tôm, tép, ốc, cua, trứng, và các loại rau, đậu... Vì vậy những người ăn uống bình thường và cơ thể không mắc các bệnh gây giảm hay kém hấp thụ canxi, không nên sợ thiếu chất này.
Khi bị loãng xương, người bệnh cần được bác sĩ xác định chính xác những yếu tố gây chứng loãng xương của mình để có hướng điều trị thích hợp.
(Theo Sài Gòn tiếp thị)

0 Response to "Không phải cứ loãng xương là uống canxi"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn