Nghề 'cho thuê tử cung' ở Mỹ

Một em bé được đẻ thuê. Ảnh: AFP.
Ngồi trên hiên nhà, cô gái 26 tuổi Brandy Hummel nhẹ nhàng xoa xoa bụng để trấn an lũ trẻ bên trong. Nhưng, cặp song sinh đang quẫy đạp này không phải là của cô. 
Chúng bắt đầu là những phôi đông lạnh, được cấy vào tử cung của cô gái khoảng 6 tháng trước, khi Brandy đồng ý làm người đẻ thuê cho một cặp vợ chồng sống cách đó khoảng 400 km, trong thành phố New York. 
Bản hợp đồng giữa họ được thảo ra bởi luật sư Melissa Brisman, làm việc tại bang New Jersey. 
Hành động trả tiền cho một phụ nữ để "thuê" tử cung của người ấy bị cấm ở vài bang nước Mỹ, trong đó có New York. Nhưng luật pháp tại một số bang khác, như Pennsylvania, nơi Brandy đang sống, lại thoáng hơn nhiều.
Văn phòng của luật sư Brisman tạo điều kiện cho hơn 150 ca sinh nở như vậy mỗi năm, và bà dự đoán có thể đến 6.000 trường hợp như vậy trên khắp nước Mỹ. Các số liệu chính thức thấp hơn nhiều, có lẽ do nhiều ca không được thông báo. Nhưng trong gần 13 năm soạn thảo hợp đồng, Brisman đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu "thuê tử cung" này.
Hầu hết trong số đó là những cặp vợ chồng đồng giới, cũng như những người đến từ các quốc gia khác mà việc đẻ thuê bị cấm.
Hoạt động này cũng thu hút sự chú ý nhờ sự tham gia của các nhân vật nổi tiếng, như ngôi sao Sarah Jessica Parker trong phim "Sex and the City", người gần đây đã có hai con gái song sinh với chồng thông qua một người đẻ thuê.
Với nhiều phụ nữ khác, đẻ thuê là con đường duy nhất để có thể có con, khi họ không thể tự mình mang thai. Dina Feivelson nằm trong số ấy.
Sau khi chữa khỏi bệnh ung thư, Dina cùng chồng bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng bác sĩ cho biết sẽ quá nguy hiểm nếu cô mang thai, vì thế cô quyết định thuê một ai đó để giúp mình thực hiện giấc mơ làm mẹ. Giờ đây, cách thức này đã mang lại cho vợ chồng cô 2 bé song sinh nói trên, hiện còn nằm trong bụng Brandy Hummel.
Tham gia dịch vụ đẻ thuê, với nhiều người không chỉ là tiền, mà còn vì lòng vị tha.
"Tôi cũng hy vọng ai đó sẽ làm điều này giúp tôi nếu tôi không thể tự mình sinh con được", Brandy Hummel nói. Cô gái cũng cho biết mình thích mang thai, và không có dự định nuôi bất kỳ đứa bé nào mà cô "đẻ hộ".
Trong những trường hợp như thế này, rắc rối thường nảy sinh khi người mang thai không muốn trả những đứa trẻ mà họ đã sinh ra. Vì thế, các cơ sở như văn phòng của Brisman thường yêu cầu người đẻ thuê kiểm tra một loạt các vấn đề tâm lý, bên cạnh sức khỏe.
Văn phòng thường nhận được từ 50 đến 100 đơn ứng cử đẻ thuê mỗi tuần, phỏng vấn từ 10 đến 20 người trong số đó, và chấp thuận khoảng 5 đến 6 người.
Brisman tin tưởng rằng toàn bộ quá trình kiểm soát người đẻ thuê, đặc biệt là đánh giá về tâm lý, sẽ đảm bảo cho cuộc chuyển giao đứa bé trôi chảy. "Tôi chưa từng gặp trường hợp người mang thai hộ nào muốn bỏ dở giữa chừng", bà nói.
Trong hợp đồng của mình, nhà Feivelsons và Brandy Hummel cũng đồng ý sẽ duy trì liên lạc sau khi hai bé sinh đôi chào đời, vì thế Brandy và chồng cô Mark có thể nhìn thấy lũ trẻ lớn lên thông qua ảnh và bưu thiếp.
"Chúng tôi có mối quan hệ công việc tốt đẹp", Dina Feivelson nói. "Tôi thực sự tôn trọng rằng đó là một phần cơ thể của cô ấy và cô ấy đã gửi thắm rất nhiều vào đó. Và ngược lại, cô ấy cũng nhận ra rằng chúng là các con của chúng tôi".
VNE

0 Response to "Nghề 'cho thuê tử cung' ở Mỹ"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn