Khẩu trang ngả màu bẩn không thay, thi thoảng kéo xuống cằm để cười nói, đeo 2 khẩu trang nhưng vẫn hở mũi..., là những sai lầm thường thấy trong cách phòng bệnh hiện nay của nhiều người giữa cơn bão H1N1.
Vào bệnh viện sợ bị lây cúm, nhiều người dùng cùng lúc 2-3 khẩu trang y tế. Thế nhưng khi chuẩn bị vào khu vực có thể lây nhiễm, kiểm tra, các bác sĩ mới phát hiện khẩu trang đã bị đeo ngược.
“Thay vì đặt mép khẩu trang có thanh chì lên trên để giữ kín sống mũi họ lại đeo ngược phần mép có thanh chì xuống cằm. Vì thế, không khí vẫn vô tư bay vào”, một bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM nói.
Các điều dưỡng viên tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thì cho hay, nhiều trường hợp “chỉ cần nhìn thấy chiếc khẩu trang y tế màu xanh nhạt chuyển sang vàng ố mà người nuôi bệnh đang đeo đủ biết nó có thể chứa đầy vi khuẩn. Vậy mà khi được khuyên nên thay khẩu trang, một số người ngây ngô bảo: 'cứ tưởng có khẩu trang che miệng che mũi, là được'”.
Tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, theo các bác sĩ, nhiều phụ huynh đeo khẩu trang cho con đang bị bệnh H1N1 nhưng không thường xuyên chú ý để trẻ hiếu động dùng tay kéo lên kéo xuống nên khẩu trang cũng không còn tác dụng gì.
Khảo sát của VnExpress.net tại một số điểm công cộng và các công sở buộc nhân viên đeo khẩu trang mấy ngày qua cho thấy, không ít người dùng khẩu trang trên tinh thần “đeo cho có”.
Cũng với khẩu trang y tế trên mặt, song nhiều người vẫn vô tư kéo ló phần miệng ra ngoài để nói chuyện với người khác. Một số người khi hắt hơi thì lại kéo khẩu trang ra để hắt thật to. Cũng có người do đeo khẩu trang không quen, cảm thấy khó thở nên thường xuyên kéo luôn xuống dưới, chỉ che miệng nhưng để hở mũi.
Nhiều doanh nghiệp yêu cầu nhân viên mang khẩu trang. Ảnh: Thiên Chương. |
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm, việc dùng khẩu trang không đúng cách chẳng những không phòng ngừa được mà còn rước bệnh vào thân do suy nghĩ chủ quan “mình đã mang khẩu trang rồi, chắc không sao”.
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP HCM, cũng cho rằng, khẩu trang vải thông thường vẫn có thể phòng bệnh, miễn là đeo đúng cách.
Với tất cả loại khẩu trang, nguyên tắc đeo, theo bác sĩ Nghiệm, là phải kín vùng mũi và miệng sao cho người mang không thể hít được mầm bệnh từ bên ngoài vào và cũng không để mầm bệnh từ mình bay ra.
Theo hướng dẫn của các điều dưỡng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, để đạt được độ kín, với khẩu trang y tế, người mang cần lưu ý đặt mép có thanh chì lên phía trên sống mũi. Dùng tay bóp thanh chì sao cho ôm khít vào sống mũi. Cần kiểm tra các mép khẩu trang ở má xem đã kín cả miệng và cằm chưa. Cũng nên kiểm tra xem có bị đeo mặt trái quay ra ngoài không. Nếu dùng loại khẩu trang có dây cột, cần siết chặt vừa đủ để tạo độ khít. Tránh cách thắt dây hờ hững.
Việc dùng khẩu trang chuyên dụng N95 cho cả mùa cúm hoặc dùng khẩu trang y tế nhưng không chịu thay là không nên, vì dùng lâu ngày vi khuẩn sẽ bám đầy khẩu trang.
Đối với loại khẩu trang y tế thông thường (màu xanh nhạt), chỉ nên dùng một lần (tối đa một ngày). Mở khẩu trang nên dùng hai ngón tay tháo cẩn thận. Tránh dùng khẩu trang vừa đeo lau mồ hôi, lau tay, hay “lưu luyến” cho luôn vào túi quần túi áo. Đặc biệt sau khi vào các khu vực có nguy cơ lây bệnh ở bệnh viện, cần thay ngay khẩu trang và cho vào thùng rác y tế. Tránh tình trạng vứt khẩu trang bừa bãi vì có thể khiến mầm bệnh phát tán.
Với khẩu trang vải thông thường, độ kín tuy hạn chế nhưng nếu chọn loại vừa vặn vẫn ngăn được mầm bệnh, song cần phải giặt khẩu trang mỗi ngày bằng xà phòng và nên có ít nhất hai chiếc để thay đổi.
Nói về khả năng lây nhiễm cúm H1N1, ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng, ngoài mang khẩu trang để tránh lây bệnh qua tiếp xúc, người dân cần chú ý nhiều hơn đến việc làm thông thoáng nơi sinh hoạt và làm việc. Thay vì mở máy lạnh trong phòng kín, nên mở cửa hoặc vén màn để ánh nắng mặt trời có thể chiếu vào và mầm bệnh không khu trú trong nơi ở.
Cũng theo ông Giang, ánh nắng mặt trời là phương thuốc trị diệt cúm hiệu quả nhất bởi dưới ánh nắng, virus H1N1 sẽ bị chết giết trong vài phút.
Riêng phương pháp hỗ trợ phòng bệnh, ngoài chiếc khẩu trang, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM khuyên người dân nên giữ cơ thể khỏe mạnh bằng cách tập thể dục, nghỉ ngơi ăn uống điều độ, uống vitamin C và uống thật nhiều nước khi thấy bắt đầu có dấu hiệu bị cúm nhẹ. Việc tự ý mua thuốc chống cúm Tamiflu uống là điều không cần thiết vì thuốc này không có giá trị phòng bệnh lâu dài và có thể gây biến chứng.
VNE
0 Response to "Đeo khẩu trang không đúng cách khó phòng được cúm"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn