Lá thư khiến những bậc làm cha làm mẹ phải suy nghĩ. Trong sự hoang mang cùng cực và suy nghĩ chưa chín chắn ở tuổi 13, em đã quyết định kết thúc cuộc đời. Tuy nhiên, may mắn em đã được cứu sống...
Những biến đổi của tuổi mới lớn, sẽ khiến không ít bạn trẻ hoang mang, lo lắng. Vì thế rất cần sự sẻ chia của bố mẹ, người thân...
Cha mẹ kính yêu,
Con vừa mới tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài và hôn mê. Con được các bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện Nhi Đồng 1 ân cần cứu sống con cả thể chất lẫn tinh thần. Cha mẹ biết tại sao con lại quyết định uống hơn 30 viên thuốc ngủ của bà ngoại không?
Con là một đứa trẻ cô đơn. Con chỉ mới 13 tuổi mà đã phải sống một mình ở nhà với hai anh họ đồng trang lứa với con. Con đi học, rồi tự đi chợ, nấu ăn cho ba người trong nhà. Con biết cha mẹ cũng như hai bác đều bận đi buôn bán xa và lâu lâu con mới gặp được cha mẹ.
Cha mẹ biết không, mỗi lần thấy cha mẹ trở về nhà, con rất mừng và ao ước được chia sẻ với cha mẹ về những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống của con, nhưng tiếc thay cha mẹ quá bận rộn với công việc của mình nên con cũng không có cơ hội để nói chuyện với cha mẹ. Trong sự cô đơn đó, con cần có người để tâm sự, nhất là khi cơ thể con bắt đầu thay đổi về mặt tâm sinh lý. Con đã bắt đầu có kinh nguyệt từ vài tháng nay, con cũng không hiểu tại sao cứ mỗi tháng lại có máu chảy ra từ cơ thể con nhưng không ai giải thích cho con.
Con đã quen một bạn trai trong trường học và bạn ấy quả là một người mà con có thể kể những chuyện buồn vui hàng ngày của con. Thế nhưng, khi cha hay biết chuyện này, cha đã cấm không cho con gặp bạn đó và bà ngoại đã nói: “Mày lấy đồ theo thằng đó luôn đi!”. Thế là trong sự bực tức, con đã khăn gói nhà ra đi để qua nhà bạn đó và nhờ mẹ của bạn an ủi, nâng đỡ. Nhưng rồi anh họ đã qua bên đó và kéo con trở về nhà để tiếp tục nghe những lời chửi mắng thậm tệ của bà ngoại. Con xấu hổ vì giọng nói lớn của bà làm cho hàng xóm đều nghe chuyện. Trong nỗi đau đớn cùng cực, con đã đi đến hành động uống thuốc ngủ, không phải để chết nhưng là tiếng kêu cứu.
|
Gần gũi và sẻ chia là cách tốt nhất để chữa lành những "cú sốc" đầu đời. (Ảnh minh họa) |
Thưa cha mẹ,
Con biết cha mẹ làm việc vất vả để nuôi sống con nhưng con cũng xin cha mẹ hiểu con cũng cần tình thương của cha mẹ lắm. Con may mắn được gặp một bác sĩ tâm lý ở bệnh viện Nhi Đồng 1. Bác sĩ này đã chịu lắng nghe nỗi lòng của con, làm cho con cảm thấy hạnh phúc vì ít ra trong lúc con đau khổ và không muốn nói chuyện với cha mẹ khi con vừa ra khỏi cơn hôn mê, đã có một người với áo choàng trắng kiên trì ngồi bên cạnh giường con, sẵn sàng đón nhận những giọt nước mắt của con và nói với con những lời êm ái nhẹ nhàng. Bác sĩ đó không hề trách móc con điều gì trong khi con đang chờ đợi bị khiển trách như con đã thường bị tại nhà (...).
Có lẽ nhiều bạn khác trong lứa tuổi mới lớn của con cũng đồng cảnh ngộ với con. Khi đau khổ vì thiếu tình thương, có bạn muốn tìm sự an ủi trong thuốc lá, trong ly rượu, trong thuốc lắc, trong xì ke… Có bạn cũng đã có thai ngoài ý muốn và cha mẹ bạn ấy đã tìm cách giúp bạn giải quyết cái thai đó. Tuổi trẻ của chúng con có nhiều trăn trở, nhiều thắc mắc mà cha mẹ không quan tâm, hoặc nếu có quan tâm, cũng không thể giải đáp được. Con ước mong cha mẹ cũng được gặp gỡ các chuyên viên tâm lý để biết cách dạy dỗ con cái nên người, có ích cho gia đình và xã hội, để qua trung gian của chuyên viên tâm lý, gia đình chúng ta có thể thông cảm và yêu thương nhau hơn.
Phần lớn trẻ tự tử bị trầm cảm Theo số liệu của tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tự tử chung ở các nước của nhóm tuổi từ 12 - 15 là 97 – 131 người/100.000 dân; nhóm tuổi từ 16 - 20 là 277 - 341 người/100.000 dân. Dự báo đến năm 2020 tự tử sẽ là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các nước phát triển và hàng thứ hai ở các nước đang phát triển. Theo số liệu của bệnh viện cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM), trong vòng một năm (từ tháng 5.2007 - 5.2008), đã tiếp nhận 310 ca tự tử dưới 16 tuổi, trong đó bốn ca tử vong. Bác sĩ Phạm Anh Tuấn cho biết, tình trạng trẻ vị thành niên tự tử ngày càng trở nên bức xúc... Điều đáng lưu ý là phần lớn bệnh nhân đều có triệu chứng trầm cảm (khoảng 57,1%). Nguyên nhân dẫn đến tự tử thường là do bệnh nhân gặp phải những biến cố tình cảm (61,6%), do tiền bạc (14,8%), bệnh tật (7,4%) và áp lực học hành thi cử (chiếm 3,5%). |
0 Response to "Lá thư của nữ sinh 13 tuổi tự tử không thành"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn