Là người từng tốt nghiệp trường luật, tôi có một vài ý kiến xung quanh vụ khách hàng Nguyễn Thị Lan khiếu nại Công ty Mead Johnson (MJ) như sau:
Ngày 21-7, chủ đề “Sữa... không như ta tưởng” trên diễn đàn webtretho không tiếp nhận thêm ý kiến bình luận nào do ban quản trị diễn đàn đã quyết định đóng lại. Diễn biến vụ việc này cũng được đưa lên blog cá nhân của khách hàng khiếu nại Công ty MJ |
Có sự khác biệt trong kết quả xét nghiệm giữa các nơi khác nhau là do: 1.phương pháp xét nghiệm, 2. phương tiện kỹ thuật, 3. trình độ chuyên môn. Trong xét nghiệm có đúng sai nhất định +/- trong khoảng cho phép giữa con số công bố trên bao bì và con số thực tế. Lý do là vì có những sự biến động nhất định (và an toàn) trong chất lượng từng lô hàng nguyên vật liệu hoặc do thay đổi nhà cung cấp... Vì vậy nếu đúng sai trong ngưỡng cho phép thì không có vấn đề về chất lượng và không vi phạm pháp luật.
So với việc MJ nhất quyết giành phần đúng với chị Lan và việc tạo nên một dư luận xã hội (vốn có xu hướng bênh vực cho bên yếu hơn, không đủ thời gian suy xét nhưng lại dễ dàng, nhanh chóng đưa ra “phán quyết”) thì dù MJ có thắng trong vụ kiện này với chị Lan (tôi nghi ngờ khả năng này) cũng đã thua trắng với người tiêu dùng của mình. Nói chung nhà sản xuất không nên “đối đầu” với đối tác của mình. |
Người mua bỏ tiền ra mua sản phẩm dựa trên những lợi ích, thông tin được nhà sản xuất ghi trên bao bì.
Như vậy, nếu đã trả tiền cho hộp sữa mang đi kiểm định là chị Lan đã thực hiện xong nghĩa vụ của bên mua và mong chờ bên bán thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ của họ (họ đã cam kết một phần trên bao bì). Blog cũng là một kênh thông tin mà người sở hữu phải chịu trách nhiệm với những ảnh hưởng của thông tin mà mình phát ngôn đối với người khác.
Diễn tiến sự việc như báo Tuổi Trẻ phản ánh, tôi thấy chị Lan có quyền nhờ cơ quan phân tích chất lượng sản phẩm để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Việc chị Lan gửi email đến công ty kèm theo kết quả phân tích của Viện Pasteur là thể hiện thái độ đúng mực. Giải thích của ông tổng giám đốc MJ cũng hợp lý về việc kết quả khác biệt giữa các phương pháp kiểm nghiệm, phân tích. Các kết quả sai lệch chưa được bất cứ cơ quan chuyên môn nào chính thức xác định có hại cho sức khỏe hay không. MJ có trách nhiệm phải giải trình và giải quyết thấu đáo cho chị Lan về mọi sự khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm (nghĩa vụ của MJ trong giao dịch dân sự này).
Chị Lan có quyền đưa thông tin này trên blog cá nhân của mình (vì chị có kết quả khách quan từ Viện Pasteur). Tuy nhiên, chị chưa được đưa ra nhận định gì ngoài việc đặt vấn đề có sự khác biệt giữa bao bì và kết quả kiểm nghiệm mà chị có. Bên cạnh đó, chị Lan cũng phải có trách nhiệm công bố kết quả giải quyết của MJ lên blog của mình để mọi người rộng đường suy xét cho công bằng. Việc người khác sao chép, phổ biến thông tin từ blog của chị Lan thì chị không chịu trách nhiệm. Việc vị đại diện MJ tuyên bố đưa cơ quan chức năng vào để có thể kiện một số người liên quan có thể bị người tiêu dùng xem như lời tuyên chiến với họ, và trong khi chờ kết quả “thắng thua” thì người tiêu dùng có thể đã bắt đầu sử dụng “vũ khí tối thượng” của mình để “trừng phạt” MJ...
Theo tôi, sự việc này có thể được giải quyết về chuyên môn như sau: MJ làm việc trực tiếp với chị Lan về những thông tin của chị ngay sau khi nhận được email theo hướng xoa dịu chị Lan để giải tỏa phần lớn những bức xúc của chị, tránh sự việc bị đẩy đi xa hơn. MJ làm việc với Viện Pasteur về kết quả của họ để hai bên khách quan đưa ra kết quả cho chị Lan; chấp nhận dùng mẫu thử là lô hàng mà chị Lan đã cung cấp ở một đơn vị kiểm nghiệm khác (Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM); yêu cầu chị Lan không đưa thông tin vụ việc cho bên thứ ba không liên quan trong quá trình xử lý vụ việc.
Giả sử có sự khác biệt trong kiểm nghiệm như chị Lan cung cấp thì có hai trường hợp xảy ra: 1. Sự sai lệch là trong phạm vi cho phép: giải thích rõ ràng với chị Lan và yêu cầu chị ngừng thông tin sự việc đồng thời công bố kết quả xử lý trên blog của chị. 2. Sự sai lệch là đáng kể và chỉ xảy ra ở lô hàng này: xin lỗi chị Lan và cho tiến hành thu hồi lô hàng trên thị trường. Trong trường hợp này có thể dùng PR để giải quyết tiếp theo nếu thông tin bị rò rỉ.
Ở đây, việc MJ không chấp nhận dùng mẫu thử là lô hàng mà chị Lan cung cấp có thể làm người tiêu dùng thắc mắc và nghi vấn về sự trung thực của MJ. Dĩ nhiên bản thân sự việc này chưa đủ kết luận Công ty MJ có bất kỳ sai phạm nào. Với tư cách nhà sản xuất, tôi thấy có rất nhiều cơ hội để giải quyết sự việc này gọn gàng hơn vì những sự việc tương tự như vậy không phải hiếm đối với các nhà sản xuất. Nhà sản xuất cần hiểu rõ quyền lực của người tiêu dùng!
HAIBRANDO@...gửi báo tuổi trẻ
-------------------------------------------------------------------------
Đọc lại vụ kiện sữa Công ty Mead Johnson (MJ)
Một bà nội trợ tự mang mẫu sữa Enfagrow A+ đi kiểm nghiệm ở Viện Pasteur TP HCM, kết quả cho thấy hàm lượng một số chất dinh dưỡng thấp hơn mức ghi trên nhãn, chất khác lại cao hơn nhiều. Thông tin này đang lan truyền trên mạng trong khi nhà sản xuất Mead Johnson bác bỏ kết quả.Tiếp xúc với VnExpress.net sáng 21/7, bà Nguyễn Thị Lan – người đã trực tiếp mang sữa Enfagrow đi kiểm nghiệm, cho biết hồi cuối tháng 3, hãng sữa Mead Johnson tổ chức khuyến mãi rầm rộ. Khách mua sữa loại hộp 650g được tặng thêm 200g và tăng gấp 4 lần lượng DHA. Bà đã mua một lúc nhiều thùng sữa để dành cho con uống dần, tổng giá trị khoảng 10 triệu đồng.
“Mua về rồi tôi chợt băn khoăn về chất lượng sữa khuyến mãi của hãng nên sau nhiều cân nhắc đã quyết định mang mẫu đến Viện Pasteur kiểm nghiệm”, bà Lan nói. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy các chỉ số đều thấp hoặc cao hơn so với hàm lượng ghi trên bao bì của sản phẩm.
Cụ thể, hàm lượng canxi khi kiểm nghiệm đạt 1.640 mg trong 100g sữa, cao hơn ghi trên nhãn sản phẩm (560mg). Tương tự, tro tổng (chất khoáng) vượt 0,45g. Tuy nhiên hàm lượng chất béo kiểm nghiệm thấp hơn rất nhiều (2.72g so với 16g công bố). Đạm toàn phần 2.54g trong khi ghi trên nhãn là 17g. Thậm chí chất xơ bằng 0 theo kết quả kiểm nghiệm, còn nhãn sản phẩm ghi 3g.
Với kết quả này, ngày 11/4, bà Lan đã gửi email (kèm theo phiếu kiểm nghiệm) đến Công ty Mead Johnson Nutrition VN đề nghị giải thích. Gần một tháng sau, hãng sữa này phản hồi bằng văn bản, cho rằng phương pháp kiểm nghiệm của Mead Johnson có khác biệt so với phương pháp kiểm nghiệm của Viện Pasteur TP HCM. Công ty cũng cho biết kết quả kiểm nghiệm sữa Enfagrow A+ của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP HCM cho thấy gần giống với tiêu chuẩn sản phẩm công ty công bố trên bao bì.
Tuy nhiên, bà Lan cho rằng câu trả lời không thỏa đáng và chưa giải thích được vì sao hàm lượng canxi chênh lệch lớn so công bố; mức chênh lệch này liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ con không…
Bà Lan cũng bức xúc là sau đó Công ty Mead Johnson lại lấy mẫu lô hàng khác kiểm nghiệm mà không dùng sản phẩm do bà cung cấp từ lô hàng đã mua. Do đó ngày 8/6 bà tiếp tục mua và gửi một mẫu sữa bột Enfagrow khác đến Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM yêu cầu kiểm nghiệm hàm lượng lipid, protid, canxi, DHA (docosahexaenoic acid) và vitamin C.
Kết quả kiểm nghiệm của Viện Vệ sinh y tế công cộng ngày 12/6 cho thấy hàm lượng canxi 743mg/100g, còn nhãn công bố là 560mg; vitamin C 25,2mg trong khi nhãn công bố 43mg.
Bà Lan tiếp tục gửi thắc mắc đến Mead Johnson và được hứa sẽ kiểm nghiệm, cho kết quả sớm nhất rồi không thấy phản hồi nữa. Bà Lan bức xúc đã đưa câu chuyện lên blog cá nhân để chia sẻ với bạn bè, sau đó một người bạn thân gửi nội dung lên diễn đàn của một trang web trẻ em.
Chiều 20/7, trao đổi với VnExpress. net, Tổng giám đốc Công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam Mark Hely khẳng định, với mỗi lô hàng sản phẩm, công ty đã tiến hành xét nghiệm theo quy trình đến lần thứ ba. Hàm lượng các dưỡng chất công bố trên bao bì và hàm lượng thực tế khi xét nghiệm sẽ không chính xác 100% mà phải có độ dao động cho phép.
Ông Mark Hely cũng cho biết, kết quả kiểm nghiệm sữa Enfagrow A+ 650g tại Trung Tâm Xét Nghiệm CASE của TP HCM (5/2009) cho thấy, hàm lượng canxi là 781mg trên 100g bột sữa so với công bố bao bì là 560mg trên 100g.
Trong trường hợp bé uống đúng hướng dẫn (3 ly một ngày với trẻ 1-3 tuổi, tương đương với 120g bột sữa) thì lượng canxi trẻ thu nhận từ sữa Enfagrow A+ là 937,2mg một ngày.
Tuy nhiên, “mức tiêu thụ này thấp hơn rất nhiều so với mức tiêu thụ canxi giới hạn 2.500mg một ngày, công bố bởi Viện Y Khoa Mỹ (IOM, 1997) do Bộ Y Tế Việt Nam ban hành. Do đó không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé”, ông Mark Hely nhấn mạnh.
Một điều nữa, bà Lan cho rằng, vấn đề ở đây là bà yêu cầu xét nghiệm các mẫu sữa khuyến mãi đã mua chứ không phải là những mẫu sữa khác (hiện giờ bà vẫn còn lưu giữ rất nhiều sản phẩm sữa khuyến mãi tại nhà). “Tôi đã từng đề nghị với phía công ty lấy mẫu sữa khuyến mãi mà tôi đã mua đi kiểm nghiệm lại nhưng phía Mead Johnson lần lữa bảo phải chờ đi tìm phòng kiểm nghiệm”, bà Lan nói. Trong khi đó đại diện hãng sữa thì “tố” khách hàng này chủ động hủy cuộc hẹn nhận mẫu giữa hai bên nên phải xét nghiệm trên mẫu của lô hàng khác.
Ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ nhiệm Văn phòng phía Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng VN thì cho rằng, kết quả xét nghiệm mẫu sữa mà người tiêu dùng tự lấy để mang đi phân tích khó có tính pháp lý.
“Ngay cả khi Hội chúng tôi lấy mẫu kiểm nghiệm thì kết quả cũng chỉ mang tính dự báo để các cơ quan chức năng tái kiểm. Kết luận về chất lượng của sản phẩm chỉ được chấp nhận khi cơ quan chức năng xét nghiệm và công bố”, ông Vinh nói. Ông cũng cho biết, khi nghi ngờ chất lượng sản phẩm, cách tốt nhất là người tiêu dùng nên liên hệ với nhà sản xuất và cùng họ lấy mẫu xét nghiệm.
Đại diện Thanh tra Sở Y tế TP HCM khẳng định, trong lần kiểm tra ngẫu nhiên gần đây, mẫu sữa của Mead Johnson lấy ngẫu nhiên tại một đại lý để kiểm nghiệm cho thấy hoàn toàn đạt hàm lượng công bố. Tuy nhiên trước thông tin của bà Lan, Sở sẽ tiến hành lấy thêm nhiều mẫu sữa của công ty này để kiểm tra và thông báo kết quả rộng rãi.
Bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng quốc gia thì cho rằng, việc bổ sung canxi từ nguồn thực phẩm như sữa, thức ăn là an toàn. “Trẻ nhiều uống sữa mà thừa canxi sẽ đi ỉa ngay. Chỉ đáng lo khi uống thuốc giàu canxi quá liều, vì hàm lượng canxi ở đây rất cao”, bà nói.
Lệ Chi – Thiên Chương – Nam Phương-VNE
0 Response to "Công ty Mead Johnson (MJ) Không nên “đối đầu” với người tiêu dùng"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn