Chùm ảnh bắt giữ luật sư Lê Công Định (chống phá cách mạng VN)

Chùm ảnh do phóng viên của CAND thực hiện khi Cơ quan ANĐT tiến hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với ông Lê Công Định.
Những tình tiết của vụ án, hành vi vi phạm pháp luật của LS Lê Công Định... sẽ được sưu tập tổng hợp chi tiết trong bài viết khác.

Lê Công Định ký vào biên bản khám xét.

Lê Công Định ghi địa chỉ các hộp thư điện tử trao cho Cơ quan ANĐT.


Tài liệu thể hiện sự chông phá chính quyền thu được trong máy tính của Lê Công Định.

Lê Công Định và vợ (cựu Hoa hậu Nguyễn Ngọc Khánh) chứng kiến nhân viên ANĐT khám xét nhà riêng.

Tủ sách của Lê Công Định tại 11A đường Phan Kế Bính.

Lê Công Định sử dụng tới 7 chiếc điện thoại di động..

Nhân viên ANĐT niêm phong tài liệu thu được tại phòng làm việc của Lê Công Định.

Định trao chìa khoá cho vợ trước khi lên xe về Trại tạm giam.

Đưa Lê Công Định ra xe về trại giam.
Lê Công Định bị Cơ quan ANĐT bắt khẩn cấp ngay tại văn phòng luật sư của anh ta ở 11A đường Phan Kế Bính, phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Lê Công Định sinh năm 1968 trong một gia đình nền nếp, trí thức. Năm 1989, Định tốt nghiệp khóa 10, Phân hiệu Đại học Pháp lý Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh, sau đó làm nhân viên Phòng Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh. Sau đó Định đi làm ở Văn phòng Luật sư Nguyễn Mạnh Bách, rồi làm luật sư tập sự tại Công ty Luật Coudert Brothers... Định cũng từng học luật tại Pháp và Mỹ. 
Từ năm 2000 đến 2005, Lê Công Định làm Trưởng Chi nhánh Văn phòng Luật sư YKVN tại TP Hồ Chí Minh và đến tháng 12/2005 thì làm Giám đốc Công ty Luật hợp danh DC LAW, có trụ sở tại 11A Phan Kế Bính, phường Đa Kao, quận 1. Nhưng đến tháng 5 vừa rồi, Định tách ra khỏi DC LAW và thành lập Công ty Luật TNHH một thành viên Lê Công Định, đặt trụ sở tại phòng 2206, tầng 22, 37 đường Tôn Đức Thắng. Trụ sở này rộng khoảng 80m2 được Định thuê với giá 3.200 USD một tháng. Tuy đã có văn phòng mới, nhưng tại đây hầu như chưa có hoạt động gì. Chỗ ngồi của Định tại dãy là một ô rộng chừng 8m2, còn tất cả mọi hoạt động, tài liệu và khá nhiều sách vẫn đặt ở 11A Phan Kế Bính.
Định sử dụng tới 7 chiếc điện thoại di động.
Lê Công Định tuy còn khá trẻ, nhưng cũng đã hai lần xây dựng gia đình. Lần thứ hai là với cô cựu hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Khánh. Trong lúc cơ quan ANĐT đang thực hiện lệnh bắt khẩn cấp và khám xét đối với Lê Công Định tại 11A Phan Kế Bính thì 1 trong 7 chiếc điện thoại của Định liên tục các cuộc gọi đến của Khánh. Không thấy chồng trả lời, mãi đến hơn 14h được bạn bè thông báo là cơ quan Công an đã bắt Lê Công Định, Khánh mới chạy đến...
Nhìn thấy cô cựu hoa hậu, bỗng dưng tôi thấy ái ngại cho các cô và ngẫm thấy câu "hồng nhan đa truân" sao mà đúng thế. Mà lạ nhỉ, không hiểu do các cô "cao vía" hay do những người được các cô chọn làm chồng "kém phúc", mà đã có mấy hoa hậu có chồng mắc vòng lao lý...
Biết vợ đến, Định xin các nhân viên an ninh được đưa lại chùm chìa khóa tủ cho vợ. Và chúng tôi cũng thấy lạ khi cô nhận chiếc chìa khóa từ tay chồng với nét mặt lạnh lùng, vô cảm. Rồi trong khi chờ việc khám xét, Nguyễn Thị Ngọc Khánh nói với một sĩ quan rằng: "Tôi tin chồng tôi vô tội”. Nhưng khi được hỏi rằng cô có biết những việc làm của Định với Nguyễn Sĩ Bình không, thì cô lắc đầu.
Trong thời gian đi học ở Mỹ, Định đã được Nguyễn Sĩ Bình móc nối "bơm" lên thành "nhân vật của Việt Nam thế kỷ XXI". Nguyễn Sĩ Bình, kẻ đang cầm đầu cái tổ chức gọi là "đảng Nhân dân hành động" tại Mỹ mà cái "đảng" này, do những hoạt động lếu láo của nó nên đã bị bà con Việt kiều yêu nước tại Mỹ gọi mỉa mai là "đảng nhân dân hành... lạc"! Từ năm 2005, được sự hỗ trợ và chỉ đạo của Nguyễn Sĩ Bình nên Lê Công Định ngày càng bộc lộ bản chất chống phá Nhà nước Việt Nam hung hăng hơn.
Chỉ riêng trong máy tính xách tay của Định để tại 11A Phan Kế Bính, các nhân viên ANĐT đã in ra được 288 trang tài liệu, trong đó có bản "Tân Hiến pháp" do Định và nhóm Nguyễn Sĩ Bình soạn thảo, cùng nhiều thư từ, tài liệu khác... Là một luật sư nên rất hiểu luật, cho nên từng trang tài liệu in ra đều được Định ghi rất cẩn thận "Tài liệu này được in ra từ máy tính của tôi".
Đọc sơ qua một số tài liệu, đặc biệt là những kế hoạch phản loạn để lật đổ chính quyền và bôi xấu một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, do Định, Nguyễn Sĩ Bình và một số đối tượng khác soạn thảo, tôi thực sự ngạc nhiên và không hiểu nổi vì sao anh ta lại thâm thù với chính quyền đến thế. Không chỉ cùng với những tên cầm đầu các tổ chức phản động xây dựng kế hoạch chống phá, lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Định còn... làm cả thơ! Tất cả những bài thơ của Định rặt những lời hằn học cực kỳ thiếu văn hóa, khác hẳn với khuôn mặt trông khá thiện cảm của anh ta.
Với mật danh là "Chị Tư", Lê Công Định được Nguyễn Sĩ Bình phân công phụ trách việc "cải cách hành chính" trong "chính quyền mới" và trong giai đoạn này, Định phải tìm cách hỗ trợ về mặt luật pháp cho những người có tư tưởng "cấp tiến, dân chủ".
Qua những tài liệu mà Cơ quan ANĐT thu được từ máy tính của Lê Công Định, thì Nguyễn Sĩ Bình và anh ta đã vạch ra "con đường" lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam tập trung vào các việc như sau:
Xuyên tạc đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ trong xây dựng và phát triển kinh tế, nhằm gây hoài nghi và làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự điều hành của Chính phủ.
Biên soạn tài liệu theo kiểu bịa đặt, viết báo, lập các trang blog bôi nhọ, vu cáo các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ nhằm gây mất đoàn kết nội bộ ở các cơ quan lãnh đạo cao nhất.
Rồi thành lập các tổ chức chính trị đối lập và liên kết với các tổ chức phản động nước ngoài và được sự ủng hộ giật dây của các cơ quan đặc biệt một số nước phương Tây, từ đó tạo nên sự "đa nguyên" trong nước, và xóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Định đã đi Mỹ, Thái Lan nhiều lần để gặp Nguyễn Sĩ Bình trực tiếp bàn bạc và xây dựng kế hoạch gây "biến động chính trị" tại Việt Nam vào năm 2010. Định cũng trực tiếp tham gia biên soạn cuốn sách mang tính chất cương lĩnh hành động của nhóm với tên gọi là "Con đường Việt Nam".
Từ năm 2005, Định viết nhiều bài báo, biên soạn nhiều tài liệu đăng tải ở một số đài, báo, trang web thù địch ở nước ngoài và tất cả những bài này đều công khai xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ, lợi dụng các vấn đề đang được dư luận quan tâm để kích động tư tưởng chống phá Nhà nước...
Định cũng được giao nhiệm vụ phải tìm cách móc nối, gây dựng "cơ sở" trong một số người có tư tưởng "cấp tiến" mà họ thể hiện qua các blog, mà đặc biệt chú ý đến những người làm truyền thông, báo chí... Những âm mưu này nằm trong kế hoạch của chính quyền một số nước phương Tây là đến năm 2015, phải "nắm được và thao túng" các cơ quan truyền thông của Việt Nam. Ngoài những nhiệm vụ này, Định còn được Bình giao cho phải thành lập các tổ chức chính trị như "đảng Lao động" và "đảng Xã hội"...
Lúc đầu, Định với Trần Huỳnh Duy Thức định cùng nhau lập "đảng Lao động", nhưng sau, Trần Huỳnh Duy Thức (với mật danh Chị Ba), bất đồng chính kiến với Định nên tách ra...
Không chỉ cấu kết và nhận sự chỉ đạo chặt chẽ của một số tên cầm đầu các tổ chức phản động ở nước ngoài, Đoàn Viết Hoạt, Phạm Nam Định, Lê Công Định còn quan hệ chặt chẽ với một số phần tử chống đối trong nước.
Trong khoảng 4 năm qua, Lê Công Định là kẻ tham mưu đắc lực và hướng dẫn hoạt động cho một số đối tượng chống đối trong nước như: Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân (ở Hà Nội), Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Tiến Trung ở TP Hồ Chí Minh... Trong các phiên tòa xử các bị cáo này, Định đã lợi dụng việc bào chữa, nhằm biến các phiên tòa này thành nơi anh ta tuyên truyền, xuyên tạc Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Việc khám xét và tìm tài liệu của Lê Công Định mất khá nhiều thời gian, nhất là ở văn phòng tại 11A Phan Kế Bính. Mặc dù Định cũng khai mật khẩu của một số hộp thư, nhưng không phải là khai hết. Các chuyên gia tin học của Cơ quan ANĐT phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới mở được hộp thư cuối cùng của Định. Và nét mặt anh ta đang trắng hồng chợt trở nên xám ngoét khi những lời tuyên bố "thành lập đảng Lao động..." do anh ta soạn thảo được in ra.
Còn tại nhà riêng ở phòng B-B34, tòa nhà Mỹ Khang, phường Tân Phú, quận 7, Cơ quan ANĐT cũng thu giữ được khá nhiều tài liệu, thể hiện sự quan hệ chặt chẽ giữa Định và một số tên cầm đầu các nhóm phản động nước ngoài.
Đưa Định ra xe về trại giam. Ảnh: N.N.
Khi nhìn thấy tấm biển đề số nhà của Định, chúng tôi suýt bật cười vì chả hiểu sao có sự trùng hợp kỳ lạ thế. Chỉ ít phút nữa thôi, khi việc khám xét hoàn tất, Lê Công Định sẽ được đưa về trại giam của cơ quan An ninh, mà cũng có tên là Trại B34. Số tài liệu thu được trong máy tính của Định là 288 trang, và Định bị khởi tố theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam...!
[ theo CAND online ]

0 Response to "Chùm ảnh bắt giữ luật sư Lê Công Định (chống phá cách mạng VN)"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn