Dân chơi Hà Nội và những bộ quần áo giá ngang ngửa ... ôtô

Dạo phố bằng xe Piagio LX không còn được coi là sành điệu, “dân chơi” Hà Nội bây giờ nếu muốn được “công nhận” phải khoác trên người những bộ quần áo có giá từ vài trăm đến vài chục nghìn USD.
 
Những mặt hàng mang tên “đồ hiệu”
Dạo một vòng quanh khu trung tâm của hàng hiệu, tầng trệt khách sạn Sofitel Metropole, bước đại vào một cửa hàng trên đường Lê Phụng Hiểu, nhìn lên tấm bảng có đề chữ “Hermes”,  tôi thoáng liên tưởng đến bà “Beck”, người phụ nữ có gu ăn mặc làm cả thế giới thời trang ngưỡng mộ.
Trong một bài báo tôi đã đọc, người ta đã nhẩm tính bộ sưu tập “túi” mang nhãn hiệu “Hermes” của Victoria Beckham lên tới 1,5 triệu bảng Anh (khoảng 43 tỷ đồng) và có những chiếc túi có giá đến 80.000 bảng Anh, bằng một chiếc xe ô tô hạng sang.
Túi của Burberry, sale off 50% cũng có giá 1.600 USD.

Sau một hồi ngắm nghía, tôi đề nghị người bán hàng cho quàng thử một chiếc khăn quàng cổ có giá rẻ nhất trong cửa hàng là 105 USD (khoảng 1,8 triệu đồng) và đội thử một chiếc mũ đi biển mà sau khi nhìn giá của nó, tôi không khỏi “choáng”, 750 USD (gần 13 triệu đồng) cho một chiếc mũ...
Thế nhưng, đấy chỉ là cái giá trung bình của nhãn hiệu thời trang hàng đầu thế giới này. Đến một góc trong cửa hàng, nơi tủ kính có bày khoảng chục mẫu đồng hồ mà giá mỗi chiếc có thể khiến nhiều người phát “sốt” từ 15 – 25.000 USD (255 đến 500 triệu đồng).
Qua một vài cửa hàng nằm trên phố Ngô Quyền, cũng trên hệ thống mặt tiền của khách sạn Sofitel Metropole, những túi xách mang nhãn hiệu Louis Vuitton và Burberry trên phố Tràng Tiền tuy không có giá “khủng” như của hãng “Hermes” nhưng để sở hữu một chiếc trong khoảng 20 mẫu bày bán tại cửa hàng thì các thượng khách cũng phải chi đến vài nghìn USD.
Vẫn bán “đều” dù suy thoái
Không những không ế ẩm mà trong thời điểm khó khăn này, những mặt hàng cao cấp mang tên “đồ hiệu” có giá từ vài trăm đến vài chục nghìn USD vẫn được nhiều thượng đế “săn lùng” ráo riết.
Trái ngược hẳn với dự đoán của nhiều chuyên gia kinh tế, hoạt động kinh doanh “hàng hiệu” tại Việt Nam trong những tháng đầu năm 2009 dường như “nằm ngoài vùng phủ sóng” của sự suy thoái.
Theo anh Nguyễn Đức Thắng, chuyên viên PR của nhãn hàng Burberry tại Việt Nam, doanh thu mấy tháng đầu năm 2009 nhìn chung là giảm hơn so với năm 2008 nhưng tỷ lệ giảm không nhiều lắm, chỉ khoảng 5%. Còn nhân viên bán hàng của hãng Hermes thì cho biết, khách vào mua tại cửa hàng không tấp nập nhưng vẫn đều đều mỗi ngày. Những sản phẩm của hãng ngày nào cũng có khách vào xem và đặt mua.  
Mặc dù, đại diện của Louis Vuitton không tiết lộ nhưng nhìn vào số lượng khách đều đặn ra vào tại các cửa hàng của hãng, ai cũng có thể nhận thấy “đám mây đen” không bao trùm lên hoạt động kinh doanh của nhãn hàng cao cấp này.
Dân “chơi” Hà Nội ngày trước hay “lục lọi” trên chợ Hàng Da để kiếm những hàng hiệu thứ thiệt nhưng đã lỗi mốt hoặc những mặt hàng trôi nổi, giảm giá, không còn nhiều giá trị thời trang ở các cửa hàng bán lẻ dưới cái tên “hàng xách tay”. Quần áo, giày dép và các đồ phụ kiện như thắt lưng, kính, túi xách... thì lên Sister (Hàng Gà), Lan Hương (Phan Bội Châu), mỹ phẩm thì ra Hàng Muối...  
Mới đổ bộ vào Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây nhưng với sự xuất hiện của hàng loạt các cao ốc, trung tâm thương mại và khách sạn sang trọng, hoạt động kinh doanh đồ hiệu ở Hà Nội ngày càng trở nên sôi động với sự góp mặt của nhiều thương hiệu đẳng cấp quốc tế.
Tập trung nhiều nhất ở tầng trệt khách sạn Sofitel Metropole, các “đại gia” của làng thời trang thế giới đặt cửa hàng ở những con phố vắng vẻ và yên tĩnh như Ngô Quyền, Lê Thánh Tông, Tràng Tiền... Còn Tràng Tiền Plaza, Vincom Towers, Parkson là địa chỉ dành cho những hàng hiệu “tầm tầm” như  Giordano, Mango...
Luxury Mall, số 1 Đào Duy Anh cũng là nơi tập kết của nhiều thương hiệu lớn. Những nhãn hiệu thời trang danh tiếng như D&G, Just Carvalli, Versace, Armani... đều có thể tìm thấy ở đây. 
Giải thích cho việc lựa chọn địa điểm đặt cửa hàng, chuyên viên cao cấp của Hermes cho biết: Khách hàng chủ yếu của hãng là các ngôi sao, những doanh nhân thành đạt, những người thường xuyên phải tiếp xúc với các đối tác nước ngoài, yêu thích thời trang. Do vậy, hoạt động mua bán tấp nập tại các trung tâm thương mại không thích hợp lắm. Vị trí sang trọng và yên tĩnh của Khách sạn Sofitel Metropole phù hợp với đối tượng khách hàng mà hãng muốn nhắm tới tại Hà Nội.
Có một đặc điểm chung của những thương hiệu thời trang lớn đó là dòng sản phẩm của các hãng sẽ bao gồm quần áo, giày dép cho đến các đồ phụ kiện như thắt lưng, ví da, nước hoa, khăn choàng, mũ, kính... Tuy nhiên, thế mạnh sản phẩm của mỗi hãng là mỗi khác. Nhắc tới dòng thời trang thanh lịch, sang trọng đặc biệt là những sản phẩm làm từ da, người ta biết tới Hermes, túi xách thì phải kể đến Louis Vuitton, quần áo thời trang là Burberry, D&G, Versace, Gucci, những chiếc quần Jean không bao giờ lỗi mốt của Levis, nước hoa, kính của Chanel và Alberto, Adidas là những đôi giày rất “chất”...
 
Hiện nay, trên thị trường Hà Nội, rất nhiều những cửa hàng bán đồ “nhái” nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo chuyên viên PR của hãng Louis Vuitton tại Việt Nam thì rất khó để phân biệt hàng thật với hàng giả. Những chiếc túi xách chính hãng được làm từ da thật, đường nét, màu sắc và phom cũng chuẩn hơn. Nhưng để phát hiện được hàng thật hay giả thì phải nhờ đến những đôi mắt tinh tế của dân “sành”.
Theo VTC News

0 Response to "Dân chơi Hà Nội và những bộ quần áo giá ngang ngửa ... ôtô"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn