Những phim hay nhất dành cho Ngày của Bố


Sau ngày của mẹ, những người con trong gia đình lại chuẩn bị đón chào ngày của bố vào Chủ Nhật thứ 3 trong tháng 6. Theo trang RD.com thì dưới đây sẽ là Top những bộ phim đáng xem nhất dành cho những ông bố trong ngày lễ nhiều ý nghĩa này.
Parenthood (1989)
Bộ phim đầu tiên nằm trong danh sách đó là Parenthood, một tác phẩm từng được đề cử 2 giải Oscar năm 1990 và 3 đề cử Quả cầu vàng cùng năm. Phim nổi tiếng đến mức còn 2 lần được chuyển thể thành TVSeries năm 1990 và mới đây nhất là 2009.
 
Parenthood do hãng Universal phát hành, từng thu về hơn 126 triệu USD doanh thu - một con số đáng nể thời điểm những năm 90. Bộ phim gia đình thuộc thể loại hài với sự tham gia của nam diễn viên hài nổi tiếng Steve Martin trong vai ông bố - nhân vật chính của phim Gil Buckman, cùng với một dàn diễn viên khác như Dianne Wiest, Mary Steenburgen, Rick Moranis, Tom Hulce, Joaquin Phoenix…
Parenthood là bộ phim được giới phê bình cũng như một thế hệ khán giả hâm mộ đánh giá rất cao. Câu chuyện trong phim xoay quanh những vấn đề của gia đình Buckman, bắt đầu với việc Gil Buckman chuẩn bị chào đón đứa con thứ 4 - đứa con mà anh không mong muốn.
Gil là nhân viên bán thuốc thần kinh, có một gia đình với 3 đứa con đang đến tuổi ăn - phá - nghịch, một mặt Gil luôn muốn dành nhiều thời gian cho con cái, mặt khác lại phải chật vật với công việc với nỗi sợ hãi mình không kiếm đủ tiền nuôi gia đình… và như vậy Gil chịu sức ép từ cả 2 phía: gia đình và công việc, vấn đề được đưa ra trong Parenthood là Gil sẽ cân bằng cuộc sống của mình như thế nào trước áp lực lớn như vậy?
Gil Buckman với sự thể hiện tài tình nhưng không kém phần hài hước điển hình của Steve Martin trong các phim mà anh tham gia đại diện cho mẫu những ông bố luôn muốn lo lắng, quán xuyến mọi việc và hết lòng vì gia đình, cố gắng nuôi sống tổ ám của mình nhưng rồi vô tình tạo ra áp lực đè nặng lên vai và cuối cùng là không tìm ra cách giải quyết.
Đại gia đình nhà Buckman
Thông điệp của Parenthood đó là dù cho gia đình bạn có nhiều rắc rối đến đâu thì hãy là một phần trong đó, bậc phụ huynh nào cũng gặp vấn đề với kĩ năng làm cha mẹ của mình, nhưng rồi những vấp ngã, kinh nghiệm trong cuộc sống cùng tình yêu dành cho con cái sẽ tự dẫn dắt chúng ta đến với cái đích cuối cùng. Parenthood do Ron Howard làm đạo diễn, phần lớn kịch bản phim được dựa trên kinh nghiệm thực tế của Howard, biên kịch Lowell Ganz và Babaloo Mandel cùng nhà sản xuất Brian Grazer - những bậc phụ huynh ngoài đời có tổng cộng tới 14 đứa con.
Kramer vs. Kramer (1979)
Với sự tham gia của 2 ngôi sao gạo cội của điện ảnh Hollywood là Dustin Hoffman và Meryl Streep, Kramer vs. Kramer được xếp vào một trong những tác phẩm điện ảnh phản ánh đề tài gia đình, cũng như mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái xuất sắc nhất từ trước cho tới nay.
 
Dustin Hoffman vào vai Ted, một người đàn ông tưởng chừng như đang ở trên đỉnh cao khi có một gia đình êm ấm với cô vợ Joanna (vai diễn của Streep), con trai Bill, anh nhận được một dự án công việc trong ngành quảng cáo lớn chưa từng có… nhưng bỗng chốc Ted rơi vào tuyệt vọng khi Joanna bất ngờ bỏ rơi anh và đứa con trai.
Không gần gũi con cái nhiều nên khi chỉ còn lại 2 bố con, Ted và Bill rơi vào tình trạng căng thẳng, không còn thời gian dành cho công việc nên mọi phiền muộn, tức giận cũng như bất hạnh Ted đều phải gánh chịu, trong khi Bill không nghe lời vì phải xa mẹ - người gần gũi với cậu bé nhất.
Sau nhiều tháng, mối quan hệ được cải thiện, hai bố con quen dần với cuộc sống thiếu vắng bóng dáng người phụ nữ trong gia đình. Cuộc sống của hai người yên ổn được một năm rưỡi thì Joanna quay lại và kiện Ted ra tòa đòi quyền nuôi con…
Với sự diễn xuất tuyệt vời của Dustin Hoffman và Meryl Streep, bộ phim gây xúc động mạnh cho khán giả bởi đề tài chân thực cũng như những trường đoạn cảm động giữa 2 bố con Ted, Bill. Kramer vs. Kramer đã phản ánh luồng tư tưởng xuất hiện suốt những năm 70 về quyền bình đẳng nam nữ, đặc biệt là nhận thức xã hội về bình quyền giữa cha và mẹ đang dần thay đổi. Bộ phim đưa đến một cách nhìn nhận về tình phụ tử cũng quan trọng không kém tình mẫu tử, vai trò của người cha là đặc biệt quan trọng trong gia đình khi khuynh hướng thời điểm đó vẫn nghiêng về vai trò của người mẹ nhiều hơn.
Tình cha con gây xúc động mạnh trong Kramer vs. Kramer
Cuộc sống của hai cha con Ted và Bill trong quá trình gần gũi, tìm hiểu nhau và quá trình Ted giành lại được tình cảm của đứa con trai Bill luôn là những câu hỏi lớn dành cho các ông bố bà mẹ: cuộc sống của con cái sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu bố mẹ chúng li hôn, người cha sẽ có vai trò ra sao khi trong cả quãng thời gian dài không dành tình cảm cho con cái, mặt trái của cuộc chiến giành quyền nuôi con…? Và cuối cùng, vấn đề quan trọng nhất trong Kramer vs. Kramer vẫn là không gì quý giá và đáng hi sinh hơn là hạnh phúc của con cái - hạnh phúc của cậu bé Bill.
Bộ phim đại thắng Oscar với 5 tượng vàng trong số 9 đề cử dành cho các hạng mục Phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc (Robert Benton), Kịch bản chuyển thể xuất sắc (Robert Benton - dựa trên tiểu thuyết của Avery Corman), Nam diễn viên chính và Nữ diễn viên phụ xuất sắc (Hoffman và Streep).
The Pursuit of Happyness (2007)

Là bộ phim thể loại tâm lí tình cảm có doanh thu cao nhất trong sự nghiệp diễn xuất của Will Smith, The Pursuit of Happyness là một lựa chọn xứng đáng trong danh sách phim có đề tài về những ông bố hay nhất.
Đúng như tựa đề của phim, The Pursuit of Happyness là cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc của 2 bố con Chris Gardner và Christopher khi vợ của Chris bỏ đi. Vốn chật vật với cuộc sống để nuôi sống được gia đình nhỏ bé, Chris bất ngờ đối mặt với bất hạnh khi vợ anh bỏ đi tìm công việc khác, để lại đứa con nhỏ Christopher. Mất nhà, hai bố con Chris và Christopher trở thành 2 kẻ vô gia cư, phải đối mặt với sự khắc nghiệt của cuộc sống trong những đêm lang thang ở ga tàu điện hay trú chân trong nhà vệ sinh công cộng…
 
Vời nền tảng là câu chuyện có thật về nhân vật Chris Gardner sau này trở thành một trong những doanh nhân thành đạt nhất trong ngành chứng khoán, Will Smith tạm thời rũ bỏ hình ảnh của những vai hành động gai góc để hóa thân vào nhân vật Chris, một ông bố bất hạnh không tiền, không nhà cửa, không nghề nghiệp nhưng vì đứa con, vì hạnh phúc và vì tương lai của cả hai đã bằng mọi cố gắng, nỗ lực và tài năng của mình để có tìm được một công việc.
Quá trình tìm đến hạnh phúc, đến thành công của hai bố con Chris không phải dễ dàng, Chris là hình ảnh tượng trưng cho những ông bố có nghị lực phi thường, yêu con và muốn đạt được mọi thứ, giành lấy mọi cơ hội không chỉ vì bản thân mà còn cho con cái.
Hạnh phúc không phải tìm kiếm ở đâu xa mà do chính chúng ta tạo ra, do chính Chris tạo ra và cuối cùng anh đã tự trả lời được câu hỏi “Điều gì khiến mọi người hạnh phúc?”. Khi con người tưởng chừng như rơi vào tột cùng của bất hạnh, của đau khổ mất mát và cùng cực thì thứ còn lại duy nhất là tình yêu, niềm tin vào cuộc sống và sự tự tin vào bản thân, không nản lòng trước thất bại - đó chính là hạnh phúc thực sự.
 
Bộ phim tái hiện lại San Francisco những năm 80, khi nạn thất nghiệp còn tràn lan và người da màu còn chưa có vị trí bình đẳng trong xã hội, cuộc hành trình của hai bố con Chris được ví như bản tuyên ngôn về hạnh phúc. Bên cạnh Will Smith, diễn xuất của cậu con trai Jaden Smith vào vai Christopher cũng được giới phê bình khen ngợi hết lời.
Sony và Columbia chỉ bỏ ra 55 triệu USD cho The Pursuit of Happyness nhưng đã thu về hơn 300 triệu trên toàn thế giới, phim có 3 đề cử tại giải Quả cầu vàng và 1 đề cử Oscar cho vai diễn Chris của Will Smith năm 2007.
Mrs. Doubtfire (1993)
Thành công vang dội ở cả 2 mặt doanh thu và nội dung, bộ phim Mrs. Doubtfire không chỉ là tiếng cười hài hước về bà giúp việc giả danh mà còn là bài học đắt giá về tình cảm gia đình, tình cảm cha con.
 
Màn hóa trang ấn tượng của Daniel thành bà Doubtfire
Daniel Hillard là diễn viên lồng tiếng cho phim hoạt hình hết lòng vì công việc, dù yêu con nhưng lại không có thời gian dành cho chúng, dẫn đến việc vợ anh là Miranda quyết định ly hôn và chỉ cho anh gặp 3 đứa con một tuần một lần.
Tuyệt vọng vì không được ở bên con, Daniel quyết định hóa trang thành một bà lão già xọm nhưng vui tính, nhằm ứng cử vào vị trí quản gia mà Miranda đang tuyển dụng để chăm lo việc gia đình.
Ở gần lũ trẻ dưới vỏ bọc của bà Doubtfire, Daniel chiếm được tình cảm của cả 4 mẹ con đặc biệt là lũ trẻ, rắc rối xảy ra khi Miranda có quan hệ gần gũi với bạn trai mới, và cuối cùng “cái kim trong bọc” cũng lộ ra…
Mrs. Doubtfire thành công một phần là nhờ kịch bản độc đáo (chuyển thể từ tác phẩm của Anne Fine) và phần khác là tài năng diễn xuất có một không hai của danh hài Robin Williams trong vai ông bố vì muốn chăm con mà có thể làm mọi việc điên rồ. Thêm nữa khán giả cũng ấn tượng với màn cải trang đặc sắc để biến Robin thành bà lão già Doubtfire trong phim, điều này khiến bộ phim nhận được 1 giải Oscar cho Hóa trang xuất sắc nhất, phim cũng mang về cho tài tử Robin Williams 1 Quả cầu vàng năm 1994 cho vai diễn trong phim, cùng giải Phim điện ảnh thể loại hài xuất sắc năm đó.
 
Cùng với việc mang lại tiếng cười nhẹ nhàng, hài hước bằng những tình huống trong phim, Mrs. Doubtfire cũng chỉ ra rằng ai cũng có cơ hội thứ hai để sửa chữa lỗi lầm. Daniel đã bỏ lỡ nhiều dịp để ở bên con cái, dạy dỗ lũ trẻ như một người bố bình thường và anh phải trả giá bằng việc chỉ được gặp con vào mỗi cuối tuần. Việc giả trang cũng cho thấy nỗ lực muốn bù đắp của Daniel dành cho bọn trẻ những tình cảm mà trước kia anh chưa làm được thật đáng trân trọng.
Mrs. Doubtfire còn có sự tham gia của nữ diễn viên từng giành giải Oscar Sally Field trong vai Miranda và cựu điệp viên 007 Pierce Brosnan vai Stuart - anh chàng người yêu mới của Miranda. Chỉ tính riêng tại Mỹ phim đã mang về 219 triệu USD, thị trường nước ngoài là 222 triệu, xếp thứ 2 trong số những phim ăn khách nhất năm 1993.
Finding Nemo (2003)

 
Đại diện duy nhất thuộc thể loại phim hoạt hình có mặt trong danh sách này là Finding Nemo - bộ phim hoạt hình nổi tiếng công chiếu năm 2003 của hãng Walt Disney kết hợp với Pixar trong vai trò đồng sản xuất.
 
Nằm trong số những bộ phim hoạt hình nổi tiếng nhất mọi thời đại của Walt Disney, Finding Nemo là câu chuyện cảm động của cá hề Marlin trong cuộc hành trình vượt đại dương xa xôi để tìm cậu con trai Nemo. Bộ phim không những lấy được cảm tình của khán giả nhỏ tuổi mà còn thu hút một lượng lớn các khán giả lớn tuổi khác tới rạp.
Marlin và Nemo là 2 bố con nhà cá hề sống tại rặng san hô dưới đại dương, do một tai nạn từ lúc còn trong “trứng nước” mà Marlin rất sợ để Nemo vượt ra khỏi tầm kiểm soát của mình. Một ngày vì không nghe lời bố, Nemo vô tình bị một tàu đánh cá ở Sydney bắt mất. Cùng với người bạn đồng hành đãng trí nhưng tốt bụng là cá Dory, Marlin cùng Dory rong ruổi trong chuyến hành trình vượt biển cả bao la để tới bằng được Sydney nhằm tìm lại Nemo hiện đang bị nhốt trong một bể cá cảnh.
Finding Nemo là bộ phim hoạt hình 3D bom tấn của Disney năm 2003, tổng doanh thu của phim trên thị trường chung lên tới con số hơn 864 triệu USD - biến nó trở thành sản phẩm ăn khách nhất từ trước tới nay của hãng Pixar và phim xếp loại G (dành cho mọi lứa tuổi) có doanh thu cao nhất. Yếu tố tạo nên thành công của Finding Nemo không chỉ nằm ở đồ họa đẹp mắt, tạo hình các nhân vật ấn tượng, chi tiết cảnh vật sống động mà còn ở cốt truyện li kì, cảm động và lôi cuốn trẻ em cũng như các bậc phụ huynh.

Các nhân vật chính: Dory, Marlin và Nemo
Finding Nemo mở ra một thế giới của các loài sinh vật biển, mà nhân vật trung tâm là cá hề, loài cá suốt đời chỉ sống cộng sinh với dã quỳ biển, nhưng vì tình phụ tử vì đứa con trai Nemo mà Marlin - ông bố cá hề kích thước bé tí ti từng thề sẽ bảo vệ cậu con trai bé bỏng suốt đời đã bất chấp khó khăn, nguy hiểm rình rập ngoài đại dương xa xôi để đi tìm con.
Câu chuyện còn là chuyến phiêu lưu kì thú dưới đại dương, mang đến cho các em nhỏ những bài học bổ ích về thế giới sinh vật biển, thế giới tự nhiên rộng lớn mà trên hết là tấm lòng bao la của những người làm cha, mẹ được nhân cách hóa dưới hình dạng những con vật thân thiện.

Thế giới sinh vật phong phú trong Finding Nemo
Finding Nemo có sự tham gia lồng tiếng của các diễn viên như Albert Brooks (Marlin), Alexander Gould (Nemo) và Ellen DeGeneres (Dory). Phim có 4 đề cử Oscar cho Nhạc phim xuất sắc, Biên tập âm thanh xuất sắc, Kịch bản gốc xuất sắc và mang về 1 tượng vàng cho Phim hoạt hình xuất sắc tại lễ trao giải năm 2004. Năm 2006 Finding Nemo tiếp tục ghi danh vào lịch sử với danh hiệu DVD bán chạy nhất mọi thời đại (trên 40 triệu bản năm 2006).
Meet the Parents (2000)
Nếu như trong ngày lễ của các bà mẹ bộ phim Monster-in-Law có thể làm các cô con dâu hãi hùng thì trong ngày lễ của các ông bố, Meet the Parents cũng có thể khiến các chàng rể tương lai... vã mồ hôi.
Bộ phim hài hước kể về anh chàng y tá Greg Focker được mời đến tham dự kì nghỉ cuối tuần cùng gia đình bố mẹ bạn gái Pam, với ý định sẽ cầu hôn người yêu, anh chàng tội nghiệp Greg vấp ngay phải "ác mộng của những chàng rể” là ông bố người yêu Jack Byrnes.
 
Vốn là một cựu nhân viên CIA nghỉ hưu, Jack ghét Greg ngay từ đầu và mọi cố gắng để lấy lòng Jack cũng như mọi thành viên trong gia đình Pam của Greg đều vô ích thậm chí là phản tác dụng, khiến anh càng bị ghét hơn. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi Greg bị mọi người, bao gồm cả Pam không cho dự đám cưới của chị gái Pam là Debbie nữa… anh chàng tội nghiệp bị đẩy ra sân bay trong khi đó ở nhà, ông bố Jack dần nhận ra con gái yêu anh y tá đến mức nào…
Chắc hẳn anh chàng nào khi đến nhà người yêu cũng sẽ phải hãi hùng với một ông bố như Jack trong Meet the Parents: khó tính, dò xét hay nghi ngờ, soi mói, bảo thủ, hơi gia trưởng… nhưng cuối cùng, khán giả vẫn thông cảm với Jack bởi mọi việc ông làm đều xuất phát từ tình yêu dành cho cô con gái cưng Pam bởi ai ở vị trí của Jack cũng sẽ làm như vậy.
Yếu tố hài hước, diễn xuất hóm hỉnh của các nhân vật cộng thêm kịch bản đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao giúp Meet the Parents được đánh giá là bộ phim hài thành công về mọi yếu tố, đặc biệt là yếu tố hài gây cười không quá gượng ép và thô thiển.
 
Meet the Parents là một trong những tác phẩm hài hiếm hoi mà tài tử gạo cội Robert De Niro tham gia, tác phẩm xếp vị trí thứ 7 trong danh sách Những phim ăn khách nhất năm 2000, là phim có doanh thu cao nhất trong tuần đầu công chiếu De Niro từng tham gia. Vào vai chàng trai kém may mắn Greg là Ben Stiller. Với vai diễn Jack, De Niro có 1 đề cử Quả cầu vàng năm 2001 (mất về tay George Clooney trong O Brother, Wher Art Thou?), bài hát A Fool In Love còn được đề cử Oscar cho Bài hát trong phim hay nhất.
Nối tiếp sự thành công này, năm 2004 Universal tiếp tục ra mắt phần 2 với tựa đề Meet the Fockers, lần này không còn là cuộc chạm trán giữa con rể tương lai và gia đình nhà vợ mà sẽ là cuộc chiến giữa hai nhà thông gia, phim bổ sung vào dàn diễn viên thêm Dustin Hoffman và Barbra Streisand (bố mẹ Greg). Meet the Fockers cũng thu về tới hơn 516 triệu USD. Theo thông tin từ dàn diễn viên chính thì có thể phần 3 với tựa đề Little Fockers sẽ ra mắt năm 2011.
 
TTOL

0 Response to "Những phim hay nhất dành cho Ngày của Bố"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn