“Khi chưa nhiễm thì tránh để bị nhiễm, khi đã nhiễm thì tránh làm lây lan cho người khác. Đây là một bệnh có thể tự hồi phục mà không cần điều trị đặc hiệu nếu không có những biến chứng nặng”.
Kiểm tra sức khỏe học sinh bị nghi nhiễm cúm A/H1N1 tại khu cách ly Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM - Ảnh: N.C.T. |
Buổi giao lưu có sự tham gia của: BS Nguyễn Đắc Thọ - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM. TS.BS Trần Tịnh Hiền - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. |
* Chúng tôi cần phải làm gì nếu trong gia đình có người nhiễm bệnh?
(Nguyên Thi Minh)
- BS Nguyễn Đắc Thọ: Người bệnh cần được cách ly vào phòng riêng, nếu cần tiếp xúc phải đứng cách xa hai mét. Chỉ nên bố trí một người chăm sóc người bệnh. Người chăm sóc phải đeo khẩu trang và rửa tay ngay sau khi chăm sóc. Những đồ dùng cho bệnh nhân như chén đĩa cần phải rửa sạch bằng nước nóng + xà phòng và lau khô. Vật dụng như khăn giấy, khẩu trang dùng cho bệnh nhân phải bỏ ngay vào thùng rác có nắp đậy.
Phòng ốc khử khuẩn mỗi ngày. Dung dịch khử khuẩn được dùng thông thường là nước javel. Sử dụng nước javel để khử trùng bề mặt môi trường theo hướng dẫn trên nhãn. Thông thường nước javel có nồng độ 5% clor hoạt tính. Dung dịch javel được pha với nước để có nồng độ là 0,1% là có thể tiêu diệt được virus cúm. Như vậy chúng ta pha một phần nước javel + 49 phần nước để có dung dịch khử trùng sử dụng. Điều lưu ý là trẻ em, người có thai, người lớn tuổi mắc bệnh mãn tính không nên tiếp xúc với người bệnh trong nhà.
* Trẻ em dưới 10 tuổi bị cúm có nguy hiểm? Trẻ có uống vitamin C phòng cúm như người lớn được không? Liều dùng cho trẻ 2 tuổi rưỡi như thế nào? Trẻ có tiền sử hô hấp, hen suyễn... có dễ nhiễm cúm hơn không?
Mai Trinh
- BS Trương Hữu Khanh: Trẻ trên 10 tuổi không phải là đối tượng nguy cơ. Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng nguy cơ. Không thể phòng ngừa cúm nếu chỉ uống vitamin C, mà phải dùng các biện pháp phòng ngừa chung. Trẻ mắc bệnh phổi mãn tính là yếu tố nguy cơ, khi mắc cúm sẽ nặng hơn chứ không dễ mắc cúm hơn.
* Theo báo chí nước ngoài, biến chứng của cúm A/H1N1 làm tổn hại thần kinh trẻ, có đúng không? Trẻ bị cúm A/H1N1 bao nhiêu ngày sẽ khỏi?
Hong Ngan
- BS Trương Hữu Khanh: Hiện nay các trẻ mắc cúm A/H1N1 ở VN chưa có trẻ nào bị tổn thương thần kinh, chỉ nhân viên y tế mới nhận biết được có tổn thương thần kinh. Trẻ mắc cúm có thể bị tiêu chảy, trẻ thường khỏi bệnh từ 5-7 ngày nếu không có biến chứng.
* Khi trẻ có biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi có phải đưa ngay vào bệnh viện không? Cách chăm sóc trẻ khi nhiễm cúm?
Bùi Thị Kim Thanh
- BS Trương Hữu Khanh: Không cần thiết phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi trẻ có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi mà chỉ nên điều trị như trước khi có dịch cúm. Chỉ nghĩ đến cúm khi trẻ có tiếp xúc gần với người mắc bệnh cúm.
* Tôi đang mang thai tuần thứ 16, nếu bị nhiễm cúm phải xử lý thế nào? Thuốc trị có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Vũ Thị Quế
* Nếu chẳng may mẹ nhiễm bệnh thì có cho bé bú tiếp được không và trong trường hợp đó nên phòng tránh cho bé thế nào?
Thu Phương
- TS.BS Trần Tịnh Hiền: Phụ nữ có thai thuộc diện có nguy cơ khi mắc bệnh cúm, do đó cần được chẩn đoán và điều trị sớm. BS sẽ xét nghiệm cho chị (gửi bệnh phẩm về Viện Pasteur TP.HCM). Nếu xác định nhiễm cúm cần được điều trị sớm.
Tác động của thuốc Tamiflu và thai nhi hiện nay chưa được biết rõ vì trước đây thuốc không được sử dụng cho trẻ em dưới 1 tuổi.
- BS Trương Hữu Khanh: Mẹ bị nhiễm bệnh sẽ lây cho con qua đường hô hấp nên không cần thiết phải ngưng cho bú mà phải mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ.
Thường thức về cúm A/H1N1
Mang khẩu trang có thể giảm nguy cơ bị lây nhiễm virus H1N1 nhưng cần chú ý mấy điều:
1. Mang khẩu trang chỉ bắt buộc trong các cơ sở điều trị bệnh cúm A/H1N1/09 vì những giọt chất tiết từ đường hô hấp của người bệnh làm phát tán virus.
2. Ngoài cộng đồng đa số là người chưa nhiễm bệnh, chỉ có một số ít ở thời kỳ ủ bệnh (chưa có triệu chứng) nên mang khẩu trang cũng không tác dụng nhiều.
3. Cần mang khẩu trang đúng cách. Đó là chỉ mang một khẩu trang, siết đủ kín vào mặt để không khí không đi vào các cạnh. Không dùng tay chạm vào bề mặt ngoài khẩu trang khi đã sử dụng... Nếu siết không đủ kín thì không khí sẽ không được lọc qua các lớp màng. Nếu chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang đã sử dụng thì tay sẽ bị nhiễm và tăng nguy cơ nhiễm virus...
4. Mang khẩu trang chỉ là một biện pháp trong nhiều biện pháp phòng chống lây nhiễm như rửa tay, che miệng khi ho… chứ chỉ mang khẩu trang mà không rửa tay thì cũng không tác dụng.
5. Cần xem xét ở đâu, khi nào thì nên mang khẩu trang. Như ở sân bay nhiều người từ vùng dịch về nên có thể mang khẩu trang. Cần cân nhắc ảnh hưởng tâm lý, xã hội, sự thân thiện với khách hàng… khi quyết định cho cán bộ nhân viên mang khẩu trang.
6. Chưa có đánh giá khoa học về tác dụng của loại khẩu trang dùng ngoài cộng đồng. Trước đây trong vụ dịch SARS ở Hong Kong, nghiên cứu cho thấy khẩu trang giải phẫu ba lớp tương đương khẩu trang chuyên dụng N95 là thích hợp. Gần đây có loại khẩu trang dùng loại vải có tẩm chất diệt virus cúm A do liên doanh giữa công ty Nhật và Liên hiệp May VN sản xuất, được giới thiệu trên VTV1. Trong bệnh viện đa số sử dụng khẩu trang giấy ba lớp dùng một lần.
TS.BS Trần Tịnh Hiền - (phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới)
Những khuyến cáo phòng chống cúm trong trường học
1. Những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
2. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
3. Học sinh, sinh viên và nhân viên tự theo dõi sức khỏe hằng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho ban giám hiệu, y tế địa phương.
4. Tránh tiếp xúc với người bị cúm. Đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
5. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc, lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.
6. Học sinh, sinh viên, cán bộ và nhân viên có biểu hiện cúm khi đang ở nhà trường thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.
7. Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu... Việc chỉ định sử dụng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc...
(Nguồn: Cục Y tế dự phòng và môi trường, Bộ Y tế)
0 Response to "Cúm: có thể tự hồi phục"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn