TP HCM khử khuẩn toàn bộ trường học trước mùa khai giảng

Tất cả cơ sở giáo dục sẽ được tổng vệ sinh trước khi học sinh đến trường ngày 15/8, khử khuẩn bằng hóa chất do Sở Y tế cung cấp. Kế hoạch được người đứng đầu ngày Y tế thành phố đưa ra trong buổi tiếp xúc báo chí sáng nay.

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho hay, việc tổng vệ sinh bằng hóa chất khử trùng nhằm hạn chế mầm bệnh có thể phát sinh trong môi trường học tập vốn mang tính tập trung. Không chỉ khử khuẩn đầu năm, công tác này sẽ được thực hiện liên tục trong thời gian các cháu đến trường.

Ngoài tổng vệ sinh môi trường, cả thầy lẫn trò sẽ được trang bị kiến thức phòng cúm H1N1. Ảnh: Thiên Chương.
Từ một tháng trở lại đây, tại TP HCM đã có gần 10 trường có học sinh, sinh viên mắc cúm H1N1. Ba trường trở thành ổ bệnh vì có nhiều ca mắc gồm: Trường quốc tế RMIT (quận 7), Trường trung học tư thục Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình), trường Ngô Thời Nhiệm (quận 9) với hơn 100 ca bệnh.

Bên cạnh việc tổng vệ sinh, Sở cũng sẽ mở những lớp tập huấn cho giáo viên, công nhân viên của các trường để thầy cô có kiến thức đầy đủ về bệnh, từ đó hướng dẫn các em trong việc phòng bệnh. Sau khi tựu trường việc giám sát sức khỏe của học sinh cũng phải được thầy cô quan tâm nhằm phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh.

Cũng theo ông Châu, trường học chỉ bị ngừng hoạt động hoặc thành lập bệnh viện dã chiến khi có nhiều ca mắc cùng lúc.

Đánh giá việc điều trị tại TP HCM trong thời gian qua, bác sĩ Châu cho rằng, việc triển khai điều trị tại các bệnh viện dã chiến và chia bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện quận huyện tỏ ra hiệu quả giúp tránh lây chéo.

Tuy nhiên ông dự báo số ca mắc H1N1 sẽ tăng trong thời gian tới, đặc biệt ở những khu tập trung đông người, các khu nội trú, trường học. Việc điều trị tại bệnh viện có thể sẽ quá tải và lây chéo và nếu tính theo quy luật tử vong theo tỷ lệ của thế giới, chắc chắn Việt Nam sẽ có thêm các ca tử vong, nhất là những người bệnh trong nhóm trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người già yếu, người mắc bệnh mãn tính. Bên cạnh đó, tình trạng H5N1 còn rải rác dễ dẫn đến việc virus hợp chủng.

Để đối phó với dịch bệnh, bác sĩ Châu cho rằng giải pháp tuyên truyền để từng người dân có ý thức chủ động trong nhận thức là hết sức quan trọng. Vấn đề vệ sinh môi trường nên được từng cơ quan xí nghiệp, từng hộ gia đình quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Sở Y tế TP HCM (áo trắng), trong buổi họp báo sáng nay. Ảnh: Thiên Chương.

“Trong tình hình thực tế, khi diễn biến cúm còn phức tạp, Sở Y tế vẫn tiếp tục duy trì việc giám sát ca bệnh tại bệnh viện và giám sát tại sân bay. Việc theo dõi tình trạng bệnh tăng nặng, có biến chứng cần được các bệnh viện theo dõi chặt chẽ hơn”, ông Châu nhấn mạnh.

Trước thắc mắc của nhiều báo đài về việc “hiện tượng người mắc H1N1 nhưng không có triệu chứng thì phải làm sao”, giám đốc Sở Y tế, cho rằng đây là những người lành mang trùng.

“Khi virus xâm nhập tùy sức đề kháng của cơ thể mà sự bộc phát bệnh có thể biểu hiện hay không. Nhiều trường hợp tại TP HCM đã bị dương tính khi không có triệu chứng. Cho nên hiện nay, những người tiếp xúc với bệnh nhân, dù có hay không có triệu chứng vẫn phải được giám sát. Việc giám sát được thực hiện ở 3 cấp độ gồm giám sát theo dõi; khuyến cáo không đến khu đông người, đeo khẩu trang và giám sát cách ly".

Riêng vấn đề “sốt” khẩu trang, khẳng định có hiện tượng này từ sau khi dịch lan ra cộng đồng, tuy nhiên theo ông Châu, Bộ Y tế chưa có khuyến cáo toàn dân mang khẩu trang. Việc mang khẩu trang chỉ áp dụng với các đối tượng sinh sống tại các khu vực có dịch bệnh hoặc những cá nhân nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với bệnh nhân đã nhiễm.

“Người dân không nên sợ sệt quá mức đến độ phải thủ sẵn thủ khẩu trang bên mình vì điều này gây biến động thị trường”, ông Châu nói.

Vấn đề người dân có nhu cầu xét nghiệm cúm H1N1, ông Châu một lần nữa khẳng định không phải ai cũng cần thiết thực hiện xét nghiệm PCR.

“Sinh phẩm xét nghiệm không thiếu, nhưng chỉ những người đã được thăm khám và chỉ định mới được xét nghiệm. Ở các nước việc xét nghiệm đại trà không còn thực hiện, mà cứ có ca có triệu chứng thì điều trị như ca cúm. Việc tổ chức xét nghiệm để giám sát ca bệnh tại VN sở dĩ còn được thực hiện vì ngành y tế vẫn còn đủ sức”, ông Châu cho hay.

Cũng theo ông Châu, tại TP HCM, chỉ có 4 bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Viện Pasteur TP HCM được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm PCR. Các bệnh viện khác muốn xét nghiệm phải có sự cho phép của Bộ Y tế.

Gửi khuyến cáo đến người dân, ông Châu cho rằng, ý thức tự phòng bệnh của mỗi người, mỗi gia đình, công sở… là hết quan trọng. “Tay là cơ chế truyền nhiễm bệnh, do đó, cầu thang, thang máy, nắm cửa, bàn ghế, vật dụng, cần được thường xuyên lau chùi bằng chất khử khuẩn. Với người bệnh mang khẩu trang hết sức có ý nghĩa vì hạn chế đưa dịch tiết văng ra ngoài. Khẩu trang vải cũng có ý nghĩa do ngăn những giọt tiết lớn”, ông Châu nói.

VNE

0 Response to "TP HCM khử khuẩn toàn bộ trường học trước mùa khai giảng"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn