Giải đáp 1.421 câu hỏi thắc mắc về cúm A H1N1

1.421 câu hỏi đã gửi về buổi tư vấn trực tuyến "Bảo vệ sức khỏe trước đại dịch cúm A/H1N1"do Tuổi Trẻ Online tổ chức sáng nay. Những nhóm đối tượng nào thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao? Có nhất thiết phải sử dụng khẩu trang y tế trong mọi hoàn cảnh không? Người đã nhiễm cúm một lần có bị tái phát? Vệ sinh trong nhà và môi trường sống như thế nào là đúng cách... là những vấn đề đã được giải đáp.

Khách mời là các bác sĩ NGUYỄN ĐẮC THỌ - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1 TP.HCM.

NỘI DUNG TƯ VẤN:

* Xin cho em hỏi dấu hiệu nhận biết bệnh là gì? Tại sao trẻ em lại là đối tượng dễ mắc bệnh nhất? Khi mắc bệnh nên đi học hay ở nhà? Cách bảo vệ ra sao khi bị nhiễm cúm? Khẩu trang giúp bảo vệ như thế nào? (Thuận, 15 tuổi, quocthuan159@...)

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1:

Dấu hiệu của bệnh cúm A/H1N1 không khác với những bệnh cúm khác do đó không thể phân biệt.

Nếu ở trường nào đã có thông báo là có ca nghi ngờ thì trẻ bắt buộc phải ở nhà theo dõi. Những trường hợp khác không cần thiết phải nghỉ học, đặc biệt là khi không có điều kiện chăm sóc tại nhà.

Cách bảo vệ cúm là cách bảo vệ chung của bệnh lây theo đường hô hấp đó là:

+ Không đến chỗ đông người nếu không cần thiết, giữ khoảng cách tối thiểu 1m đối với người nghi ngờ mắc bệnh.

+ Thường xuyên mang khẩu trang loại đủ ngăn ngừa bệnh khi nghĩ là có tiếp xúc với người mắc bệnh, thường xuyên rửa tay nếu nghi ngờ tay mình có tiếp xúc với dịch tiếp của người mắc bệnh.

+ Che miệng khi ho và hắt hơi, sau đó rửa tay ngay.

+ Vệ sinh cơ thể nói chung.

Ảnh: Thanh Đạm

* Nếu bị nhiễm cúm thì có bao nhiêu phần trăm được chữa khỏi? (Toản, 49 tuổi, thuynguyen712@...)

TS.BS Trần Tịnh Hiền - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

TS.BS Trần Tịnh Hiền - PGĐ BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM

- Hiện nay, tại VN tất cả bệnh nhân nhiễm cúm đều ở thể nhẹ và đã được điều trị khỏi. Tử vong cho đến giờ này trên thế giới khoảng 0,5%.

* Những triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện cùng lúc hay chỉ cần xuất hiện một trong các dấu hiệu là đã nhiễm bệnh? Khi xuất hiện các triệu chứng thì làm thế nào để được xét nghiệm PCR? (Lý Ngọc Linh, 18 tuổi, miaka_tama2005@...)

TS.BS Trần Tịnh Hiền - PGĐ BV Bệnh nhiệt đới:

- Các triệu chứng có thể xuất hiện cùng lúc hay vào nhiều thời điểm khác nhau như sổ mũi rồi sốt hoặc sốt rồi ho. Hiện nay, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là không cần xét nghiệm tất cả bệnh nhân mà chỉ làm xét nghiệm khi gặp trường hợp chẩn đoán khó, cần xác định trường hợp nhiễm đầu tiên ở một khu vực nào đó để theo dõi khuynh hướng diễn tiến của bệnh.

Bác sĩ sẽ quyết định có cần làm xét nghiệm hay không.

* Hiện nay tôi đang có bầu hai tháng rưỡi. Tôi có một cháu đầu lòng 4 tuổi đang đi học mẫu giáo. Với tình hình dịch cúm A/H1N1 như hiện nay tôi nên cho con đi học hay ở nhà. Nếu tôi bị nhiễm bệnh có nguy hại gì cho thai nhi trong bụng hay không? (tran thi huong, 29 tuổi, hoangtrihuong2008@...)

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng I

Phụ nữ có thai, đặc biệt dưới 3 tháng, là đối tượng nguy cơ với bệnh cúm nói chung chứ không riêng cúm A/H1N1. Do đó khi có thai 2,5 tháng phải giữ biện pháp phòng ngừa chung cho bệnh đường hô hấp. Nếu có trẻ đi nhà trẻ quay về thì nên mang khẩu trang cho mẹ khi tiếp xúc với bé lúc bé vừa về nhà.

Nếu trẻ ở nhà mà có tiếp xúc với môi trường có thể mắc bệnh thì trẻ có thể mắc cúm.

* Với dịch cúm A/H1N1 đang lây lan và bùng phát rộng khắp nơi tại VN nói chung và TP.HCM nói riêng thì việc muốn phân biệt và biết bệnh này với các bệnh khác như thế nào, biện pháp phòng chống lây lan bệnh ra sao, nếu nghi ngờ mắc bệnh thì dùng loại thuốc nào để ngăn chặn bệnh trong khi chưa đến cơ quan y tế được (vì không biết có phải là mắc phải cúm A/H1N1 hay không)? Hiện nay ngành y tế của TP.HCM đã có biện pháp phòng chống như thế nào cho người dân? (Đào Thị Xuân Hạnh, 50 tuổi tuổi, hanhxuandao@...)

- TS.BS Trần Tịnh Hiền - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Muốn chẩn đoán phân biệt bệnh cúm A/H1N1 với các bệnh khác cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm... Nói chung là phải được bác sĩ thăm khám.

Các biện pháp phòng chống bệnh tùy thuộc vào giai đoạn diễn tiến của bệnh... cách ly bệnh nhân, cô lập những người nghi ngờ bị nhiễm, truy tìm những người bị nhiễm trong giai đoạn bao vây dập dịch, nhưng khi dịch diễn tiến đến giai đoạn cao hơn với rất nhiều bệnh nhân (đại dịch) thì các biện pháp điều trị giảm nhẹ thiệt hại do biến chứng và giảm thiểu tỉ lệ tử vong là quan trọng.

Việc sử dụng thuốc kháng virus cần có ý kiến của bác sĩ.

* Những dấu hiệu nhận biết bệnh? Dấu hiệu để phân biệt với những loại bệnh khác có triệu chứng gần giống? Có thể tự điều trị không? Có bao nhiêu loại thuốc được cung cấp tại Việt Nam? Trẻ em bị cúm nguy hiểm hơn như thế nào? Cách tự bảo vệ và xử lý khi môi trường xung quanh có người nhiễm cúm? Khẩu trang giúp hạn chế lây nhiễm như thế nào? (truyền, 1979 tuổi, truyenvy2006.0324@...)

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Những dấu hiệu của bệnh gồm: sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi, có thể kèm tiêu chảy, nôn ói, triệu chứng giống bệnh cúm khác nên không tự điều trị vì dấu hiệu lâm sàng không thể biết là cúm hay không. Vì nếu tự sử dụng thuốc không đúng có thể bị kháng và khi cần thiết dùng thì sẽ không có tác dụng nữa.

Trẻ em bị cúm cũng tương tự người lớn, chỉ những trẻ dưới 5 tuổi mới có nguy cơ biến chứng nhiều hơn. Khẩu trang là một dụng cụ quan trọng trong hạn chế lây nhiễm cho bản thân và cho cộng đồng.

*Tôi đang sống ở nước ngoài (không phải là vùng dịch), tôi muốn về nước thăm họ hàng nhân dịp năm mới. Nay nghe VN mình bị đại dịch như thế tôi thấy thương và lo quá!

Tôi không biết có nên về hay không vì nghe báo nói đa số người dân bị lây đều từ Việt kiều, tôi thấy cũng ngại. Vậy xin hỏi các BS có thể dự đoán được đến bao giờ thì dịch cúm mới lùi, không có khả năng hoành hành như hiện nay để tôi an tâm về thăm quê sau nhiều năm xa cách. Xin cảm ơn! (Nguyen, 50 tuổi, nguyen@...)

BS Nguyễn Đắc Thọ - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM:

BS Nguyễn Đắc Thọ - PGĐ TT Y tế dự phòng TP.HCM

Bạn không nên lo ngại, bệnh cúm hiện nay có ở khắp thế giới chứ không riêng ở Việt Nam. Dù dịch cúm xảy ra trên thế giới nhưng không có khuyến cáo ngừng đi du lịch.

Mỗi khi đi du lịch ở bất cứ nơi nào, bạn nên chuẩn bị cho mình những thuốc thông thường và giữ gìn vệ sinh cá nhân nơi đến. Theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh thì nên đến cơ sở y tế tại chỗ. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác, việc điều trị bệnh nhân là được đảm bảo và chu đáo.

* Khi chữa hết bệnh cúm thì khả năng mắc lại có xảy ra không? (Huy, 34 tuổi, huynhonag@...)

- TS.BS Trần Tịnh Hiền - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Virus cúm gây miễn dịch suốt đời. Thế nhưng virus cúm gây bệnh lại biến đổi hằng năm nên miễn dịch có được của năm này ít có giá trị với virus cúm năm sau, đó là lý do tại sao mỗi năm đều phải chích ngừa cúm lại.

* Triệu chứng chính của bệnh cúm A/H1N1 là như thế nào? Các loại khẩu trang có phòng được cúm A/H1N1 hay không, vì có tin cho rằng người đeo khẩu trang không đúng cách dễ mắc bệnh hơn cả người không đeo khẩu trang. Vậy ta nên đeo khẩu trang như thế nào?

Khi trẻ em nghi mắc bệnh ta nên đưa đến đâu xét nghiệm, những cách đề phòng tại nhà như thế nào để phòng tránh cúm A/H1N1? (Nguyễn Minh Tú, 20 tuổi, nguyenminhtu0606@...)

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I

Khẩu trang chỉ nên sử dụng khi nghĩ tiếp xúc gần với người mắc bệnh, nếu không có khả năng tiếp xúc với người mắc bệnh thì không cần thiết đeo khẩu trang chuyên dùng để ngăn ngừa cúm.

Còn khi tiếp xúc với người mắc bệnh thì phải mang khẩu trang chuyên dụng (khẩu trang phẫu thuật, N95) và khi không còn tiếp xúc phải bỏ ngay khẩu trang đó, nếu không sẽ có thể mang virus đi nơi khác.

*Nguyên nhân dẫn đến tử vong của cúm A/H1N1? (nguyễn trọng hưởng, 21 tuổi, maitranhngheo20)

- TS.BS Trần Tịnh Hiền - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Thông tin từ các nước đã có bệnh nhân tử vong cho thấy 50% bệnh nhân này có bệnh mãn tính đi kèm như bệnh tim mạch, hô hấp... ngoài ra phụ nữ có thai và béo phì cũng là 2 yếu tố có nguy cơ cao.

Virus cúm gây viêm phổi do chính bản thân nó hay viêm phổi bội nhiễm do vi trùng. Thêm vào đó, virus cúm có thể gây biến chứng khác như tim mạch (viêm cơ tim) hay biến chứng thần kinh.

* Con tôi được 5 tuổi, nếu cho bé đi học ở trường có một học sinh có chị học ở Trường Nguyễn Khuyến nhiễm cúm A/H1N1, tuy nhiên bé đó đã nghỉ học khoảng một tháng nay và đã cách ly thì có sao không?

Tuy cô giáo nói nếu có học sinh bị nhiễm cúm thì cô giáo là người lo trước tiên, nhưng nếu như cô giáo cũng không biết được gia đình của bé nào có người nhiễm cúm thì sẽ lây cho những học sinh khác thì sao?

Vậy tôi có nên cho bé nghỉ học ở nhà, cúm có ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe của trẻ nhỏ như con tôi? Xin cảm ơn. (thu anh, 33 tuổi, hoatigon.ttkh@...)

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Nếu trẻ tiếp xúc với môi trường mắc bệnh trên 7 ngày mà trẻ không có bệnh thì không mắc bệnh, trẻ đã nghỉ 1 tháng không cần phải theo dõi hay cách ly.

* Trước đại dịch cúm A/H1N1, các hoạt động vui chơi liệu có bị ngừng lại, chúng ta phải làm gì khi đến những nơi công cộng như công viên, rạp hát, rạp chiếu phim... Các bạn teen sẽ tự bảo vệ mình như thế nào? Liệu việc hạn chế, ít đến những nơi công cộng có phải là biện pháp tốt nhất? (trương minh hiếu, 18 tuổi, truongminhhieu3428@)

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I

Việc hạn chế hoạt động nơi công cộng hay nơi đông người chỉ là một biện pháp phụ trong phòng chống cúm. Biện pháp quan trọng nhất là mỗi người phải tự phòng bệnh cho bản thân và cho cộng đồng.

* Đối với trẻ từ 8 tháng tuổi, dấu hiệu nào để nhận biết bé bị nhiễm cúm? (Huy, 34 tuổi, huynhonag@)

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I

Cũng tương tự người lớn nhưng dễ biến chứng hơn.

* Tại sao không có văcxin cho trẻ, trẻ chịu nổi những thuốc đang điều trị không, đó là thuốc gì? (Nam)

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Hiện nay chưa có văcxin phòng cúm A/H1N1. Khi có văcxin này thì trẻ trên 1 tuổi vẫn có thể chích được.

Trẻ em vẫn có thể dùng thuốc đặc trị cúm A/H1N1, tuy nhiên liều tùy theo cân nặng và phải đúng chỉ định.

*Cách tự bảo vệ và xử lý khi môi trường xung quanh có người nhiễm cúm? (Toản, 49 tuổi, thuynguyen712@)

BS Nguyễn Đắc Thọ - phó giám đốc TT Y tế dự phòng TP.HCM:

Để phòng bệnh cúm cũng như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bạn cần phải thực hiện thường xuyên mỗi ngày:

1. Vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng hoặc bằng dung dịch sát khuẩn nhanh bàn tay.

Che miệng và mũi mỗi khi ho, hắt hơi bằng khăn hoặc khăn giấy. Vất bỏ khăn giấy ngay sau đó vào thùng rác có nắp đậy và rửa tay ngay.

2. Không nên tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu cần thiết phải tiếp xúc thì giữ khoảng cách trên 1,5m. Người bệnh phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc, rửa tay ngay.

3. Xây dựng nếp sống lành mạnh. Ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý.

4. Theo dõi sức khỏe thường xuyên, nếu có xuất hiện sốt, ho thì nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất, khi đi nhớ mang theo khẩu trang.

Xử lý môi trường:

1. Môi trường nhiễm khuẩn ở đây được hiểu là môi trường có sự hiện diện tại chỗ của người bệnh.

Xử lý môi trường niễm khuẩn là: lau chùi bằng khăn mềm có tẩm dung dịch sát khuẩn tất cả các bề mặt vật dụng, đồ đạc, kể cả sàn nhà, tay nắm cửa... mà người bệnh có tiếp xúc.

2. Xử lý môi trường cần lưu ý nhiều đến chất tiết mà người bệnh thải ra khi ho hắt hơi trên bàn làm việc, ghế ngồi và sàn nhà...

3. Dung dịch khử khuẩn được dùng thông thường là nước javel. Sử dụng nước javel để khử trùng bề mặt môi trường theo hướng dẫn trên nhãn. Thông thường nước javel có nồng độ 5% clor hoạt tính. Dung dịch javel được pha với nước để có nồng độ là 0,1% là có thể tiêu diệt được virus cúm. Như vậy chúng ta pha 1 phần nước javel + 49 phần nước để có dung dịch khử trùng sử dụng.

* Khi nghi ngờ bị nhiễm cúm có thể xét nghiệm và điều trị tại bất kỳ bệnh viện nào được không, hay bắt buộc phải ở những bệnh viện chuyên về A/H1N1? (lưu chí trung, 21 tuổi, luuchitrung1@)

- TS.BS Trần Tịnh Hiền - phó giám đốc BV Nhiệt đới TP.HCM:

Bác sĩ tại các cơ sở điều trị sẽ chỉ định xét nghiệm. Không tự yêu cầu xét nghiệm. Hiện nay có Viện Pasteur, BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhi đồng 1&2 có thể xét nghiệm.

* Tôi đang có thai 23 tuần, phải làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều khách hàng và thuộc bộ phận rất khó có thể xin nghỉ phép. Công ty cũng đã trang bị khẩu trang cho nhân viên và khách hàng nhưng tôi vẫn không tránh khỏi lo lắng.

Tôi muốn biết quy trình phải làm cụ thể như thế nào khi mình có triệu chứng nhiễm A/H1N1 và những ảnh hưởng đến người mẹ và thai nhi khi phải điều trị bằng các loại thuốc kháng A/H1N1, liệu có xác suất cao tiên lượng xấu cho các thai phụ nhiễm A/H1N1 không? (Phạm Trần Anh Thư, 26 tuổi, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương)

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Nếu đang mang thai mà thường xuyên tiếp xúc với khách hàng thì nên mang khẩu trang và nếu được thì giữ khoảng cách ít nhất 1m với khách hàng.

Thường xuyên rửa tay nếu nghi ngờ tay mình có tiếp xúc với chất tiết từ đường hô hấp của khách hàng. Biện pháp này còn ngăn ngừa nhiều bệnh khác có ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai chứ không riêng gì bệnh cúm.

* Chị của em chuẩn bị từ Mỹ về Việt Nam vào ngày 18-8-2009, cho em hỏi chị em phải đề phòng như thế nào trên máy bay và sân bay, có phải ai từ Mỹ về cũng bị bệnh cúm A/H1N1?

Vui lòng giới thiệu cho em vài loại thuốc uống phòng bệnh cúm và khẩu trang nào phòng được cúm. Khi vừa về đến VN thì đi kiểm tra sức khỏe liền có phát hiện được bệnh cúm không? Nếu bị nhiễm cúm ở sân bay thời gian bao lâu thì phát bệnh, khi đến sân bay phải làm gì để phòng tránh? (bachtruc, 25 tuổi, dreamgirlalone@)

- TS.BS Trần Tịnh Hiền- phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Những người từ các nước có dịch cúm trở về thì có nguy cơ bị nhiễm và có thể phát bệnh trong vòng 7 ngày kể từ khi nhiễm.

Chị của em từ Mỹ về cũng có nguy cơ bị nhiễm từ bên đó. Cần theo dõi trong vòng 7 ngày kể từ khi đến. Nếu có triệu chứng giống cúm thì phải tự cách ly ở nhà, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người xung quanh, áp dụng các biện pháp vệ sinh như rửa tay, che khi ho, hắt hơi.

Nếu có những triệu chứng nặng hơn như khó thở, tức ngực, nôn ói nhiều cần đi khám bác sĩ, sốt cao có thể uống hạ nhiệt bằng Paracetamol.

Không nên uống Tamiflu mà cần hỏi ý kiến của bác sĩ.

Nếu em đến sân bay thì áp dụng các biện pháp phòng ngừa cá nhân như không ở lâu trong đám đông, cách xa những người có triệu chứng ho... Nếu không an tâm thì em có thể mang khẩu trang đúng cách.

* Trẻ em dưới 10 tuổi bị cúm có nguy hiểm? Đeo khẩu trang có phòng chống cúm an toàn không? Quần áo virus có bám vào không? Vậy đeo khẩu trang giúp được gì?

Ngành y tế làm sao bảo vệ sức khỏe cho người dân? Khẩu trang lại "sốt" như "sốt" bất động sản. Người nghèo làm sao mua khẩu trang mỗi ngày được? (Nguyễn Ngọc Phương, 35 tuổi, phuonghsl@)

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I

Trẻ dưới 10 tuổi không phải là đối tượng nguy cơ. Trẻ dưới 5 tuổi mới là đối tượng nguy cơ.

Khẩu trang chống cúm chỉ nên dùng cho nhân viên y tế hay người trực tiếp chăm sóc người mắc cúm.

"Sốt" khẩu trang là do chúng ta chưa hiểu sự cần thiết phải sử dụng, nên nhiều người cùng lúc cần loại khẩu trang này chứ không phải lỗi của ngành y tế.

* Phụ nữ mang thai nếu bị nhiễm A/H1N1 thì phải làm sao? Có uống được thuốc giống như người bình thường không? Có ảnh hưởng gi đến thai nhi không? Thời gian xét nghiệm A/H1N1 ở Việt Nam mất bao lâu?

Tôi đọc trên VNExpress thấy nói nếu thai phụ trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng cúm A/H1N1 đầu tiên mà không được uống thuốc kháng virus thì sẽ tử vong, có đúng như vậy không? (Huỳnh Huy Anh Thư, 28 tuổi, bonniehuynh@)

- TS.BS Trần Tịnh Hiền - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Phụ nữ có thai là một trong những đối tượng có nguy cơ cao, vì vậy khi mang thai phụ nữ cần chủ động phòng tránh bị nhiễm theo các khuyến cáo đã nêu.

Nếu có triệu chứng cúm nên đi khám tại các cơ sở điều trị và chắc chắn sẽ được xét nghiệm điều trị nếu dương tính. Nhưng không phải tất cả phụ nữ có thai đều tử vong. Cho tới nay đã có một phụ nữ có thai đã được điều trị khỏi tại BV Bệnh nhiệt đới.

Ảnh hưởng của cúm A/H1N1 và thuốc Tamiflu trên thai nhi chưa có nhiều thông tin, tuy nhiên vì cân nhắc với nguy cơ của người mẹ nên thuốc đã được khuyến cáo phải sử dụng.

Thời gian xét nghiệm là từ 6 đến 8 giờ nhưng trên thực tế khoảng 24 giờ tùy theo thời điểm nhận bệnh phẩm.

* Còn đường nào lây bệnh cúm A/H1N1 khác ngoài đường hô hấp không ạ? Thật sự cháu cảm thấy dường như mọi người không coi đây là 1 đại dịch, nhiều người còn rất chủ quan do chưa có người nào bị tử vong.

Nhà nước đã làm gì để tuyên truyền về tác hại của bệnh này chưa? Xà phòng có tác dụng khoảng bao nhiêu % trong việc phòng tránh bệnh này?

Câu hỏi cuối cùng: sử dụng loại khẩu trang nào cho phù hợp và có được dùng nhiều lần không vì trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang? (Lê Đức Duy, 18 tuổi, duymat_mk@)

BS Nguyễn Đắc Thọ - PGĐ TT Y tế dự phòng TP.HCM

Hiện nay chúng ta chỉ biết được virus gây bệnh cúm A/H1N1 giống như những loại virus gây bệnh cúm thông thường khác. Lây bệnh qua những con đường khác thì đang được tìm hiểu thêm. Tuy nhiên chúng ta cần hiểu rằng chỉ lây bệnh qua đường tiếp xúc trong mùa dịch cúm kéo dài 3-4 tháng, có thể lây cho 30% dân số.

Tỉ lệ tử vong của bệnh cúm A/H1N1 hiện nay chỉ ở dưới 0,3%. Tỉ lệ này là rất thấp so với nhiều bệnh truyền nhễm nguy hiểm khác như sốt xuất huyết... Tỉ lệ này cũng tương đương với bệnh cúm theo mùa thông thường đã xuất hiện gần 100 năm qua.

Virus cúm rất dễ chết ở môi trường bên ngoài với nhiệt độ và ánh sáng thông thường, trên bề mặt môi trường virus có thể tồn tại từ 2-8 giờ.

Xà phòng tiệt trùng dùng trong rửa tay có thể diệt được virus cúm.

Khẩu trang y tế chỉ được sử dụng khi vào trong môi trường có người bệnh hiện diện. Khi vào nơi đó thì mới đeo, khi ra khỏi thì bỏ ngay vào thùng rác và rửa tay ngay, không được sử dụng lại, không mang khẩu trang đó đi khắp nơi, nhất là đem về nhà.

Khẩu trang được bán ở hiệu thuốc là loại khẩu trang thông thường bằng giấy 3 lớp.

Còn có những loại khẩu trang khác chỉ dùng cho nhân viên y tế khi làm những thủ thuật với bệnh nhân có thể dẫn đến việc bệnh nhân ho, khạc gây nhiễm bẩn 1 số lượng virus lớn nên phải dùng loại khẩu trang N95. Mọi người không cần thiết phải dùng loại này vì rất đắt tiền và nếu sử dụng trong sinh hoạt là không đúng chỉ định.

*Cháu xin hỏi khi mắc bệnh cúm A/H1N1 thì có biểu hiện gì? Làm gì khi nghi ngờ mình bị bệnh? Tiếp xúc hằng ngày với người thân có dễ dàng lây lan sang cho họ không? Và khi có kết quả xét nghiệm mà mình bệnh thì có nhất thiết phải tới nơi cách ly không? Cách ly tại nhà được không? (Phạm Thị Nguyệt Mai, 24 tuổi, mai.phamthinguyet@)

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Biểu hiện cúm A/H1N1 tương tự như bệnh cảm cúm khác. Khi nghi ngờ mắc bệnh nên đến cơ sở y tế địa phương để xác định xem có khả năng mắc bệnh không. Tiếp xúc với người thân không thể mắc bệnh nếu người thân đó không mắc bệnh.

Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính thì hiện nay cần cách ly để điều trị, tuy nhiên sắp tới đây có thể chỉ cần cách ly và theo dõi ở cơ sở y tế địa phương hay tại nhà.

* Tôi mua khẩu trang bình thường cho con tôi mang khi đi đường vậy có ngừa cúm được không? (thu anh, 33 tuổi, hoatigon.ttkh@)

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I

Khẩu trang thông thường thì nên đeo theo thói quen. Không cần thiết phải thay khẩu trang chuyên dụng chống cúm khi sinh hoạt hay đi lại. Chỉ sử dụng khẩu trang này khi tiếp xúc gần với bệnh nhân cúm.

* Con tôi (học sinh trường NK về nhà ngày 23-7), bị sốt và được cách ly tại bệnh viện tỉnh hôm 26-7, có kết quả dương tính với A/H1N1 hôm 28-7. Đến thời điểm hiện tại là thứ 5 (sau 5 ngày con tôi được cách ly) gia đình tôi còn lại 3 người chưa có ai có dấu hiệu bệnh (đã được uống Tamiflu tối thứ 3).

Vậy 3 người trong gia đình tôi có khả năng nhiễm bệnh không? Tôi có tiếp xúc với đồng nghiệp cơ quan vào thời gian từ chủ nhật đến thứ ba (trước khi con tôi có kết quả). Vậy khả năng họ có nhiễm bệnh không? Khả năng lây bệnh chỉ xảy ra 1 ngày trước khi phát bệnh có đúng không? (Nguyễn Lâm, 42 tuổi, liemngthanh@)

BS Trương Hữu Khanh- trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Khi tiếp xúc với người mắc bệnh mà áp dụng những biện pháp phòng ngừa cơ bản và có uống thuốc ngừa thì khả năng mắc bệnh rất thấp. Tuy nhiên cần theo dõi nếu có sốt trong vòng 7 ngày sau khi tiếp xúc thì nên đến cơ sở y tế để tham vấn.

Việc anh tiếp xúc với đồng nghiệp cơ quan thì bản thân anh nên mang khẩu trang và anh đã uống thuốc ngừa nên khả năng lây cho người khác rất thấp.

* Cho em hỏi vợ em bị sốt từ hôm thứ 7, thứ 2 có đi khám tại bệnh viện quận 1, bác sĩ yêu cầu xét nghiệm nhưng qua Viện Pasteur thì đã trễ giờ. Hiện nay vợ em đã hết sốt, vẫn còn ho, người bị xây xẩm, vậy hỏi vợ em có nguy cơ bị nhiễm A/H1N1 không? (dương quốc trường, 25 tuổi, duongquoc2002@)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Cũng có khả năng vợ anh bị cúm A/H1N1 nhưng thể nhẹ và đang hồi phục. Như vậy không cần phải xét nghiệm và trong vài ngày tới sẽ hoàn toàn bình phục.

* Gần tới ngày tựu trường, con tôi 4 tuổi có nên cho đến lớp học cùng các bạn không khi dịch cúm đã xảy ra trong cộng đồng? Tôi đã đọc kỹ các triệu chứng cúm A/H1N1 nhưng cũng không an tâm. Xin bác sĩ tư vấn. Chân thành cảm ơn (Nguyễn Thị Mỹ Phương, 30 tuổi, chicuctravinh)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Vẫn nên cho trẻ đi học và theo dõi các hướng dẫn của trường. Khi dịch cúm xảy ra trong cộng đồng thì biện pháp phòng ngừa là biện pháp phòng ngừa chung cho các bệnh lây theo đường hô hấp như đã nói trên.

* Trước đại dịch A/H1N1 đang hoành hành thì có biện pháp nào phòng ngừa tích cực hơn việc đeo khẩu trang? (theo tôi biết đeo khẩu trang chỉ hạn chế).

Và hiện nay có loại thuốc nào để uống hoặc tiêm ngừa hay chưa? Tôi e rằng chúng ta đứng trước tình trạng cứ phòng ngừa đi rồi khi lây nhiễm mới chữa bệnh. (Hồ Xuân Ước, 24 tuổi, hoxuanuoc@)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Đúng là mang khẩu trang không phải là biện pháp duy nhất để phòng ngừa cúm mà phải kết hợp với các biện pháp khác như rửa tay thường xuyên, khi ho phải che miệng, bỏ thói quen đưa tay chạm vào vùng mặt sẽ dễ gây nhiễm cúm. Ngoài ra, có thể sử dụng văcxin nhưng hiện nay chưa có.

Tóm lại có 2 nguyên tắc: khi chưa bị nhiễm thì tránh để bị nhiễm; khi đã bị nhiễm thì tránh làm lây lan cho người khác. Đây là một bệnh có thể tự hồi phục mà không cần điều trị đặc hiệu nếu không có những biểu hiện biến chứng nặng.

* Trước dịch cúm A/H1N1 đang bùng phát mà con tôi vẫn thích đi bơi, tôi có nên cho con tôi đi bơi ở hồ bơi hay đi tắm biển không? Hiện con tôi đang học ở trường quốc tế Việt - Úc - nơi có môi trường tiếp xúc với người nước ngoài, mà nhà trường lại bắt đầu nhập học vào ngày 7-8-2009. Liệu tôi nên cho con nhập học bình thường hay cho con nghỉ? (nguyễn hiền, 35 tuổi, manager@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Hồ bơi hay bãi biển không phải là nơi nguy cơ cao lây cúm. Không phải tất cả người nước ngoài đều có mang virus cúm, chỉ những người có tiếp xúc gần với người mắc bệnh hoặc đang mắc bệnh cúm A/H1N1 mới có thể phát tán virus ra môi trường xung quanh.

* Cúm A/H1N1 xảy ra đối với trẻ em có bệnh viêm xoang mãn tính có tăng mức độ nguy hiểm hơn đối với trẻ không có bệnh này không? Khi các trẻ này có biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi có phải đưa ngay vào bệnh viện không? Cách chăm sóc trẻ khi nhiễm cúm? (Bùi Thị Kim Thanh, 53 tuổi tuổi, buithikimthanh@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Không cần thiết phải đến bệnh viện ngay khi trẻ có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi mà chỉ nên điều trị như trước khi có dịch cúm. Chỉ nghĩ đến cúm khi trẻ có tiếp xúc gần với người mắc bệnh cúm.

*Em nhỏ đi học cần biện pháp gì để tránh dịch cúm A/H1N1 (le thanh binh, 41 tuổi, 0989011967)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Cũng giống như những biện pháp phòng ngừa thông thường, tuy nhiên trẻ em cần phải giáo dục nhiều hơn mới hiểu được biện pháp phòng ngừa này.

* Xin BS cho biết thêm về đặc điểm và sự phát triển của virus cúm A/H1N1? Những dấu hiệu nhận biết bệnh? Dấu hiệu để phân biệt với những loại bệnh khác có triệu chứng gần giống? Tại sao dẫn đến tử vong? Xét nghiệm có phải là việc cần làm đầu tiên khi ho, sốt, đau họng? Xét nghiệm ở đâu? Trẻ em bị cúm nguy hiểm hơn như thế nào? Cho trẻ ở nhà hay đi học? (hoaphuong, 41 tuổi, congtruonghoaphuong@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Lâm sàng không thể phân biệt với bệnh khác, muốn phân biệt phải có xét nghiệm.

Tử vong xảy ra là do biến chứng viêm phổi và thường gặp ở những đối tượng nguy cơ. Không cần thiết phải xét nghiệm khi sốt và đau họng, chỉ nên xét nghiệm khi có tiếp xúc gần với người xác định mắc bệnh.

Trẻ vẫn có thể đi học nếu trường không phải là khu vực có nguy cơ mắc cúm.

* Cả gia đình em đều có dấu hiệu ho, đau họng, nhức đầu nhưng không sốt. Như vậy có cần đi xét nghiệm cúm A/H1N1 không? Em đang sống ở Bình Dương (Nguyễn Thị Mỹ Dung, 26 tuổi, mydung19842002@)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Dấu hiệu ho, nhức đầu cũng nằm trong những triệu chứng của bệnh cúm A/H1N1, nếu gia đình em không có ai có những yếu tố nguy cơ cao như trẻ em dười 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, có bệnh mãn tính đi kèm hay béo phì thì không cần phải xét nghiệm. Bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 7 ngày.

Nếu có các triệu chứng nặng như tức ngực, khó thở, nôn ói nhiều, co giật thì phải đến bệnh viện.

* Thưa bác sĩ, hiện nay nước ta có quá nhiều ca nhiễm cúm A/H1N1, tốc độ lây lan quá nhanh, nếu xảy ra đại dịch thì liệu nước ta có đủ trang thiết bị để phục vụ việc chữa trị không? Em thấy các nước khác tỉ lệ tử vong khá cao nhưng nước mình chưa có ca nào tử vong hay là do mình giấu không cho người dân biết, sợ họ hoang mang?

Tôi đang làm việc cho một công ty nước ngoài thường xuyên tiếp xúc với những người nước ngoài, nguy cơ mắc bệnh rất cao, vậy tôi phải làm gì để phòng tránh? (hung, 26 tuổi, cuop_bien_08@)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Đúng thật là chưa có ca tử vong chứ không phải che giấu thông tin vì đa số bệnh nhân đều ở thể nhẹ. Hiện nay bệnh đã lây lan trong cộng đồng ở khu vực TP.HCM nên tiếp xúc với người nước ngoài hay trong nước đều như nhau.

Bạn cần áp dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng chống cúm như rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho, tránh xa đám đông khi không cần thiết...

* Tại sao đến lúc này thế giới mới bắt tay vào nghiên cứu để điều chế văcxin trong khi virus này đã có từ khá lâu? (nhật ngân, 28 tuổi, mydream003600@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Đúng là H1N1 đã có từ lâu nhưng H1N1 năm 2009 không giống với H1N1 cũ thường xuất hiện theo mùa, hiện nay thế giới cũng có văcxin ngừa H1N1 cũ.

H1N1/2009 có nhiều cấu trúc gen khác với H1N1 cũ nên tổ chức y tế các nước mới theo dõi sát số ca và diễn biến của bệnh để có thể dự đoán được chắc chắn tính lây lan và độc lực của virus này, và việc điều chế văcxin chống H1N1/2009 cần phải có thời gian vì phải thực hiện nhiều nghiên cứu để bảo đảm tính an toàn của văcxin trên cơ thể người.

* Khẩu trang bình thường mua ngoài chợ có giúp ngăn cúm A/H1N1? Nếu muốn mua khẩu trang y tế thì phải mua ở đâu? Có thể sử dụng nhiều lần hay giặt phơi khô rồi sử dụng lại? (Văn Thị Thúy, 32 tuổi, vanthithuy@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Khẩu trang y tế chuyên phòng chống cúm chỉ nên sử dụng 1 lần vì khi mang khẩu trang này và tiếp xúc gần với người mắc bệnh thì virus có thể bám ở mặt ngoài của khẩu trang, do đó khi mở khẩu trang ra thì phải bỏ ngay khẩu trang và rửa tay ngay.

* Hiện tôi đang sống và làm việc tại Hà Nội. Thông thường tôi hay đi bơi ở một bể bơi ngoài trời sau giờ làm việc. 1. Việc đi bơi ở bể bơi ngoài trời có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm A/H1N1 không? 2. Xin cho biết một số biện pháp tự chữa trị tại nhà nếu phát hiện bị cúm A/H1N1 và hiện nay các loại thuốc nào có thể chữa được cúm A/H1N1 ngoài Tamiflu? (Nguyen Thi My Linh, 30 tuổi, baby_lotus@)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Đi bơi ở bể bơi ngoài trời, ngoài những nguy cơ tương tự như đi ngoài đường còn có thể có nguy cơ do người bị cúm tắm chung bể.

Có thể điều trị ở nhà những trường hợp cúm nhẹ bằng cách nghỉ ngơi trong phòng riêng hay một khu cách biệt trong nhà, uống nhiều nước các loại, tránh tiếp xúc càng nhiều càng tốt với những người xung quanh.

Khi tiếp xúc phải mang khẩu trang. Nếu xuất hiện những triệu chứng nặng như khó thở, tức ngực, nôn ói nhiều, co giật hay sốt trở lại sau khi đã hết sốt thì phải đến khám bác sĩ. Không tự uống Tamiflu mà không có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài Tamiflu còn có thuốc Zanamivir có thể diệt virus.

* Bác sĩ cho em hỏi mức nguy hại đến thai phụ và thai nhi như thế nào nếu chẳng may nhiễm cúm A/H1N1? Đối với thai 28 tuần tuổi mức nguy hại có giảm hơn không? (Phuong, 28 tuổi, hongphuong251982@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I

Đối với phụ nữ mang thai, không riêng gì virus cúm có nhiều loại virus khác ảnh hưởng đến thai nhi, nhất là giai đoạn trước 3 tháng của thai kỳ.

* Liệu bác sĩ có thể vận động các trường học đeo khẩu trang được không? Bởi vì vô trường chẳng lẽ một mình cháu đeo khẩu trang, ai cũng nghĩ cháu bị thần kinh! Mong bác sĩ trả lời. (Phạm King Bony, 16 tuổi, bony451@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Mang khẩu trang thông thường thì tốt cho bản thân và cho cộng đồng, tuy nhiên nếu ở trong môi trường mà không có người nào mắc bệnh cúm và môi trường thông thoáng thì không cần thiết phải mang khẩu trang thường xuyên.

*Tôi đang làm việc tại 1 siêu thị lớn ở quận 10, hằng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều người. Vì tính chất công việc nên không thể đeo khẩu trang để làm việc được, vậy xin hỏi cách nào tốt nhất để phòng tránh bị lây nhiễm?

Khi phát hiện mình hoặc đồng nghiệp có triệu chứng thì phải đến khám ở đâu hoặc gọi đến số điện thoại nào để được tư vấn chính xác nhất, xin cảm ơn. (võ quốc cường, 43 tuổi, qc70la@)

BS NGUYỄN ĐẮC THỌ - PGĐ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM:

Khẩu trang y tế chỉ được dùng khi tiếp xúc với người bệnh.

Bạn đang làm việc và tiếp xúc với nhiều người, việc đeo khẩu trang rất bất tiện điều đó là thực tế, nếu có đeo khẩu trang trong lúc tiếp xúc thì rất khó để thực hiện đúng những điều khi mang khẩu trang. Ví dụ như bạn đưa tay vào mặt ngoài khẩu trang thì bạn phải rửa tay, hơn nữa trong khi làm việc khẩu trang sẽ bị ướt, bạn sẽ phải thay khẩu trang. Vì những điều đó nên Tổ chức Y tế thế giới không khuyến cáo dùng khẩu trang trong những trường hợp nêu trên là biện pháp phòng bệnh cá nhân.

Để phòng bệnh do tiếp xúc với nhiều người trong làm việc:

- Thường xuyên rửa tay với dung dịch sát khuẩn nhanh trong lúc làm việc

- Các bề mặt xung quanh nơi bạn làm việc phải được lau chùi bằng chất khử trùng hoặc alcol.

- Bố trí nơi làm việc để giữ khoảng cách xa trên 1m khi tiếp xúc với mọi người.

- Có khuyến cáo mọi người khi có những biểu hiện cảm cúm như sốt, ho, đau họng... thì không nên đến nơi đông người, được phổ biến trước nơi công cộng.

Khi phát hiện nơi làm việc của bạn có người nghi ngờ bị cúm, bạn hãy báo cho người có trách nhiệm, nơi làm việc được tạm dừng, người bệnh cần đưa ngay đến một nơi khác (phòng trống, thoáng khí) và người bệnh phải đeo khẩu trang. Người đi cùng người bệnh cũng phải đeo khẩu trang. Nếu bệnh nặng thì phải đưa đi bệnh viện ngay.

Thông báo với y tế địa phương để đến điều tra xử lý.

Điều quan trọng là phải ổn định trật tự, không hốt hoảng.

Những người còn lại cần phải ra khỏi nơi làm việc và bố trí ở một phòng khác rộng rãi, thoáng khí để không có sự tiếp xúc gần với mọi người.

Môi trường nơi làm việc phải được khử khuẩn. Nếu được khử khuẩn đúng cách, 30 phút sau có thể vào làm việc như bình thường.

Về số điện thoại cơ quan cần phải biết trước số điện thoại của y tế nơi cơ quan làm việc để khi có bệnh có thể liên lạc ngay.

*Loại khẩu trang bằng vải bình thường có ngăn được virus gây bệnh không? (Anh Thu, 23 tuổi)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Khẩu trang vải thông thường làm bằng vải không ngăn ngừa virus cúm nhưng không cần thiết phải mang thường xuyên khẩu trang chống cúm trong sinh hoạt hằng ngày, chỉ nên mang khẩu trang này khi nghĩ là tiếp xúc gần với người mắc bệnh.

* Trong môi trường thiên nhiên virus H1N1 tồn tại bao lâu? Nhiệt độ nào thì virus H1N1 chết? (Tuấn, 44 tuổi, huyminh1@)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Virus cúm A/H1N1 tồn tại trong thiên nhiên tùy thuộc vào khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm... thông thường trên các bề mặt như bàn ghế thì virus tồn tại từ 2-8 giờ. Trong những điều kiện khác virus có thể tồn tại lâu hơn. Trên 70 độ thì virus không còn tồn tại.

*Xét nghiệm có phải là việc cần làm đầu tiên khi ho, sốt, đau họng? Xét nghiệm ở đâu? (Mai, 36 tuổi, mainguyen_thithanh@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I

Xét nghiệm không phải là việc đầu tiên cần làm khi ho, sốt, đau họng, vì có rất nhiều bệnh gây ra triệu chứng này. Nếu không có tiếp xúc gần với người mắc bệnh cúm A/H1N1 thì không cần thiết phải suy nghĩ xem mình có mắc bệnh cúm A/H1N1.

* Đã có thuốc phòng và chữa bệnh cúm A/H1N1 tại Việt Nam chưa? Trẻ em bị bệnh nguy hiểm hơn như thế nào? (Nguyễn Thị Thu Thủy, 1980 tuổi, thuthuy190380@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Thuốc điều trị cúm hiện nay còn tác dụng rất tốt nhưng chỉ nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Văcxin phòng cúm thông thường thì có và thay đổi mỗi năm. Văcxin phòng cúm A/H1N1 hiện nay chưa có.

* Tôi thấy mấy ngày gần đây có rất nhiều lời khuyên của giới y học, nhưng càng nghe càng thấy mâu thuẫn nhau. Không biết nghe thông tin từ nguồn nào cho chính xác. Lúc khuyên thế này lúc khuyên thế khác. Ngay cả những trí thức cũng hoang mang không biết làm gì,.Phải có những lời nào chắc chắn để trấn an người dân chứ. Không thể cứ nói mập mờ về thông tin phòng bệnh và điều trị như vậy là không được. Hay cả các bác sĩ cũng không biết mình phải làm gi? (hoanghiep, 22 tuổi, hoanghiepktv_qtm@)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Đúng là gần đây có rất nhiều thông tin về cúm A/H1N1 và đôi khi mâu thuẫn nhau. Tốt nhất là theo các khuyến cáo của bộ hay sở y tế hoặc các bệnh viện chuyên khoa như BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhi đồng 1, 2, BV Phạm Ngọc Thạch hay Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM.

1. Doanh nghiệp phải làm gì để phòng lây lan A/H1N1 trong công ty?

2. Trường hợp dùng chung xe đưa rước công nhân, nếu có 1 người phát hiện thân nhiệt cao hơn 38độC, chúng tôi phải làm gì trong trường hợp này. Nếu sau khi xét nghiệm, người này bị nhiễm A/H1N1 vậy chúng tôi phải làm gì?

3. Nếu cần phun thuốc khử trùng, chúng tôi sẽ phải liên lạc với ai, theo địa chỉ nào?

4. Trong công ty mọi người đều sử dụng căngtin để ăn trưa, ăn tối, chúng tôi phải làm gì để phòng tránh lây lan A/H1N1? (Bùi Đan Trường, 32 tuổi, dantruong79@)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

1. Thường xuyên vệ sinh hằng ngày bằng nước và xà phòng, giữ không khí thông thoáng, thường xuyên vệ sinh máy lạnh nếu có sử dụng.

2. Trường hợp xe đưa rước công nhân có người bệnh cần vệ sinh xe lau chùi bằng nước xà phòng.

3. Những người khác cần được theo dõi trong vòng 7 ngày, nếu có triệu chứng giống cúm thì đến các cơ sở y tế để khám.

4. Trong căngtin cũng áp dụng các biện pháp chung như nói trên. Các dụng cụ ăn uống như chén bát đũa cần được rửa xà phòng, phơi khô sau khi sử dụng.

* Mất bao lâu mới có được kết quả xét nghiệm A/H1N1? Vì sao ngay sau khi công bố ổ dịch tại Trường DL Nguyễn Khuyến 1 ngày, tôi đã thấy vài học sinh Trường NK đi lang thang ngoài bến xe mà không hề đeo khẩu trang? (Văn Hiển, 25 tuổi, vanhientn@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Kết quả xét nghiệm thường có sau 24 giờ, việc xảy ra ở Trường Nguyễn Khuyến là do quy định của ngành giáo dục. Tuy nhiên không phải đi ngang trường hay đi ngang người nghi ngờ mắc bệnh là có thể mắc bệnh, bệnh này chỉ lây khi tiếp xúc gần.

* Vệ sinh trong nhà như thế nào để phòng được cúm A/H1N1? (Nguyễn Thanh Hùng Hai, 43 tuổi, hunghai711173@)

BS NGUYỄN ĐẮC THỌ - PGĐ TT Y tế dự phòng TP.HCM:

Để phòng bệnh cho gia đình, các thành viên trong gia đình cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Mỗi thành viên trong gia đình cần phải thực hiện vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay, che miệng mũi khi ho, hắt hơi. Theo dõi thường xuyên sức khỏe nếu có biểu hiện bệnh thì phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

2.Vệ sinh nhà cửa mỗi ngày bằng nước và xà phòng: sàn nhà, vật dụng đồ đạc, nhà vệ sinh, nhất là những nơi, những vật thường hay có tiếp xúc bởi bàn tay.

3. Khử khuẩn mỗi tuần nhà cửa và đồ đạc. Chất khử khuẩn có thể là nước javel nồng độ cần dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thông thường sử dụng là 0,1% (1 phần nước + 49 phần javel).

Những vật dụng bằng kim loại, đồ chơi của trẻ có thể dùng alcol để lau chùi.

4. Khử khuẩn cũng giống như làm vệ sinh mỗi ngày chỉ thay thế xà phòng bằng chất khử khuẩn. Phương cách khử khuẩn là lau chùi bằng cây lau hoặc khăn đã nhúng vào dung dịch chất khử trùng. Sau khi đã lau chùi, 10-20 phút sau lau lại bằng nước sạch và lau khô.

* Xin hỏi các bác sĩ một số vấn đề về bệnh cúm A/H1N1 như sau: 1. Những dấu hiệu để nhận biết bệnh? Dấu hiệu nào để phân biệt được với bệnh cúm thông thường? 2. Các biến chứng của bệnh cúm A/H1N1? 3. Hiện nay Việt Nam có đảm bảo được lượng thuốc điều trị cho người dân không? Xin chân thành cảm ơn các bác sĩ. (Đặng thị Ngọc Anh, 37 tuổi, ngocanhcc1@)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Dấu hiệu bệnh cúm A/H1N1 cũng giống như cúm thông thường gồm sốt, ho, sổ mũi, đau nhức thân mình. Nặng hơn thì bị viêm phổi, suy hô hấp.

Biến chứng là viêm phổi bội nhiễm do vi trùng, viêm cơ tim, biến chứng thần kinh như co giật, viêm não.

Bộ Y tế cho biết có đủ lượng thuốc Tamiflu để điều trị cho bệnh nhân.

* Tôi có đọc cách nhận biết và phòng ngừa lây nhiễm cúm A/H1N1 của TS.BS Trần Tịnh Hiền (BV Bệnh nhiệt đới), tôi thấy những triệu chứng của tôi rất giống với những gì BS nêu. Hôm qua tôi đi khám tại BV Tân Bình, sau khi hỏi những triệu chứng của tôi như: sổ mũi liên tục, nhức đầu, choáng váng, tối ngủ các cơ chân tay rất mỏi, cổ họng đau... thì BS cho tôi đi chụp X-quang và kết luận tôi bị viêm xoang.

Thật sự tôi nghi ngờ mình bị cúm và muốn biết kết quả vì tôi cần có sự phòng bệnh cho chính mình, bạn bè trong lớp học và đồng nghiệp trong công ty, tôi phải thực hiện việc xét nghiệm này ở đâu? Chi phí có tốn kém không? Có được miễn phí hay không?... Xin (Kelvin Nguyen, 26 tuổi, quannguyen2u@...)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Nếu các triệu chứng của bạn mới xuất hiện trong vòng 1 tuần nay thì có khả năng bạn bị nhiễm cúm. Tuy nhiên, nếu có các dấu hiệu nặng như tức ngực, khó thở, nôn ói nhiều hay sốt cao thì có thể tái khám tại BV Tân Bình.

Nhớ đem theo các hồ sơ bệnh án cũ. Triệu chứng cúm sẽ mất đi sau khoảng một tuần, viêm xoang thì kéo dài hơn. Tốt nhất là nên nghỉ ở nhà cho đến khi hết triệu chứng rồi hãy đi làm lại.

* Làm cách nào để phòng chống cúm A/H1N1 cho trẻ nhỏ khi trẻ liên tục đưa tay vào miệng và không thể dùng khẩu trang cho trẻ? Nếu chẳng may mẹ nhiễm bệnh thì có cho bé bú tiếp được không và trong trường hợp đó nên phòng tránh cho bé thế nào? (Thu Phương, 33 tuổi, phuongsoc@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Trẻ nhỏ là một đối tượng rất khó phòng ngừa vì các em không có ý thức, do đó chỉ có thường xuyên nhắc nhở mẹ bị nhiễm bệnh sẽ lây cho con qua đường hô hấp nên không cần thiết phải ngưng uống sữa mà phải mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ.

Chúng tôi cần phải làm gì nếu trong gia đình có người nhiễm bệnh? Cho tôi biết triệu chứng của bệnh cúm A/H1N1 và nghi ngờ có triệu chứng tương tự? (nguyen thi minh, 43 tuổi, minhnguyenchf@...)

BS NGUYỄN ĐẮC THỌ - PGĐ TT Y tế dự phòng TP.HCM

Triệu chứng của bệnh cúm A/H1N1 cũng giống như bệnh cúm thông thường theo mùa: sốt trên 38 độ, ho, đau họng, chảy nước mũi, nhức đầu, đau cơ... Bạn có thể nhận biết được những triệu chứng này và trong gia đình bạn nếu đã có người mắc bệnh cúm A/H1N1, những người sau nếu có triệu chứng như trên thì rất nghi ngờ là mắc bệnh cúm.

Để phòng bệnh lây bệnh cho mọi người:

Người bệnh cần được cách ly vào phòng riêng.

Hạn chế không nên tiếp xúc với người bệnh nếu cần tiếp xúc phải đứng cách xa 2m và người bệnh phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng nước xà phòng.

Chỉ nên bố trí 1 người chăm sóc người bệnh. Người chăm sóc phải đeo khẩu trang và rửa tay ngay sau khi chăm sóc. Người chăm sóc cũng phải theo dõi sức khỏe của mình. Nếu có xuất hiện những triệu chứng như trên là đã bị lây bệnh.

Những đồ dùng cho bệnh nhân như chén dĩa cần phải rửa sạch bằng nước nóng + xà phòng và lau khô.

Vật dụng như khăn giấy, khẩu trang dùng cho bệnh nhân phải bỏ vào ngay thùng rác có nắp đậy.

Phòng ốc nơi bệnh nhân nằm phải được vệ sinh và khử khuẩn mỗi ngày.

Điều lưu ý là trẻ em, người có thai, người lớn tuổi mắc bệnh mãn tính không nên tiếp xúc với người bệnh trong nhà.

Người bệnh phải theo dõi sức khỏe để đi đến bệnh viện ngay.

* Theo báo chí nước ngoài, biến chứng của cúm A/H1N1 làm tổn hại thần kinh trẻ có đúng không? Làm sao biết những tổn hại đó? Khi cúm có kèm theo tiêu chảy không? Trẻ bị cúm A/H1N1 bao nhiêu ngày sẽ khỏi?

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I

Hiện nay các trẻ mắc cúm A/H1N1 ở Việt Nam chưa có trẻ nào có tổn thương thần kinh, chỉ có nhân viên y tế mới nhận biết được có tổn thương thần kinh. Trẻ cúm có thể bị tiêu chảy, trẻ thường khỏi bệnh từ 5-7 ngày nếu không có biến chứng.

Trẻ có uống vitamin C phòng cúm như người lớn được không? Liều dùng cho trẻ 2,5 tuổi như thế nào? Trẻ có tiền sử hô hấp, hen suyễn... có dễ nhiễm cúm hơn không? (mai trinh)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I

Không thể phòng ngừa cúm nếu chỉ uống Vitamin C mà phải dùng các biện pháp phòng ngừa chung. Trẻ mắc bệnh phổi mãn tính là yếu tố nguy cơ, khi mắc cúm sẽ nặng hơn chứ không dễ mắc cúm hơn.

* Thưa bác sĩ, khi mình đang nói chuyện với những người mới bị bệnh A/H1N1 mình vẫn không biết, vậy bác sĩ có nghĩ rằng đến một ngày đẹp trời nào đó cúm A/H1N1 sẽ đến với bản thân của 3 BS ? (Thoại, 33 tuổi, nguyenhuuthoailasec@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I

Khi bệnh xuất hiện nhiều thì ai cũng có khả năng mắc bệnh, không riêng gì bác sĩ hay nhân viên y tế. Do đó ai cũng cần có ý thức phòng ngừa cho bản thân và cho cộng đồng thì cái ngày đẹp trời này mới không đến!

* Em đang bệnh thiếu máu cơ tim và sạn thận thì cấp độ nguy hiểm đối với em như thế nào và cần đến bệnh viện nào thì chữa trị tốt nhất? (Trần Văn Thuận, 28 tuổi, thuantv.iq@)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Em có bệnh tim và thận nên thuộc nhóm có nguy cơ cao hơn người bình thường. Nếu có triệu chứng giống cúm như ho, sốt, sổ mũi thì nên đến bệnh viện quận, huyện để khám. Nhớ trình bày với bác sĩ về những bệnh đang có.

* Em đang mang thai tuần 16, nếu bị nhiễm cúm xử lý thế nào? Cúm A/H1N1 có lây qua thai nhi không? (Vũ Thị Quế, 26 tuổi, mattroimoc105@...)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Phụ nữ có thai thuộc diện có nguy cơ khi mắc bệnh cúm, do đó cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Bác sĩ sẽ xét nghiệm cho chị (gửi bệnh phẩm về Viện Pasteur TP.HCM). Nếu xác định nhiễm cúm cần được điều trị sớm.

Tác động của thuốc Tamiflu và thai nhi hiện nay chưa được biết rõ vì trước đây thuốc không được sử dụng cho trẻ em dưới 1 tuổi.

* Hiện nay tôi đang mang thai được 5 tuần, đứng trước nguy cơ dịch cúm lan rộng như hiện nay tôi cần phải bảo vệ mình như thế nào? Xin chân thành cảm ơn? (Lê Thị Hồng Lan, 27 tuổi, lhlan@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I

Mang thai 5 tuần nghĩa là dưới 3 tháng, có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến thai khi tiếp xúc với nhiều bệnh khác chứ không riêng gì bệnh cúm này, do đó cần phải áp dụng những biện pháp phòng ngừa chung cho bệnh lây theo đường hô hấp.

* Em có đứa em đang bị nhiễm A/H1N1 và đang điều trị tại BV Chợ Rẫy. Trước khi vào viện em và em của em ở chung 1 nơi. Em của em vào viện đã được 3 ngày rồi.

Trong thời gian này em bị hắt hơi, sổ mũi, nhưng không sốt. Bây giờ vẫn bị sổ mũi, nhiều lúc thấy mệt và hơi đau đầu. Vậy bác sĩ cho em hỏi em có bị nhiễm bệnh chưa ạ? (Tuấn Mạnh, 20 tuổi, samacduoidaiduong@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I

Nếu bạn tiếp xúc với em bạn (người bị nhiễm) trong vòng 7 ngày mà bạn có biểu hiện như trên thì cần thiết phải đến cơ sở y tế, còn nếu quá 7 ngày thì không cần thiết và chỉ cần điều trị như mọi khi.

* Tại sao dịch cúm lại lan nhanh như vậy? Em là sinh viên, cho em biết cách phòng chống tốt nhất? (nam, 25 tuổi, philip_nam@...)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Virus A/H1N1 là một virus cúm mới hoàn toàn nên con người chưa có miễn dịch. Đó là lý do chính tại sao cúm lại lan nhanh. Trong quá khứ, cứ mỗi lần xuất hiện một virus cúm mới là có đại dịch như năm 1918 virus H1N1 gây đại dịch cúm Tây Ban Nha, năm 1957 virus cúm H2N2 gây đại dịch cúm châu Á và năm 1968 virus mới H3N2 gây đại dịch cúm Hong Kong với nhiều triệu người tử vong trong mỗi đại dịch.

Em là sinh viên, để phòng nhiễm bệnh cần sinh hoạt có giờ giấc, giữ gìn sức khỏe, thực hiện các biện pháp vệ sinh đang được khuyến cáo như rửa tay, che miệng khi ho, tránh tụ tập chỗ đông người...

* Bệnh có liên quan tới thời tiết hay không? (tran van quyen, 21 tuổi, anh_chang_vui_tinh247@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I

Thời tiết và môi trường có liên quan đến tần suất và khả năng lây lan của bệnh cúm:

Nhiệt độ thấp, mùa đông, thời tiết lạnh, môi trường không thông thoáng là các điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển và lây lan.

Môi trường thông thoáng, trời nắng nóng sẽ hạn chế được sự lây lan của bệnh.

* Trẻ sơ sinh cần phòng cúm A/H1N1 như thế nào? (Phạm Thị Mai Hoa, 50 tuổi, maihoa14)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I

Trẻ sơ sinh nếu không tiếp xúc với người mắc cúm thì không thể mắc cúm được, để phòng ngừa bệnh đường hô hấp nói chung cho trẻ sơ sinh nên hạn chế tiếp xúc với người lớn, đặc biệt là người có triệu chứng của đường hô hấp như ho, hắt hơi. Khi mẹ bị bệnh, lúc chăm sóc con phải mang khẩu trang và rửa tay.

* Còn 1 tháng nữa là đến ngày khai trường. Với tình hình dịch lây lan như hiện nay các trường học (đại học, trung học, tiểu học và mầm non) có phải đóng cửa để ngăn chặn dịch lây lan hay không? Xin cảm ơn. (Trần Duy Khánh, 28 tuổi, 4duytan@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I

Sự đóng cửa hay tiếp tục hoạt động của các trường học trong mùa khai trường là tùy thuộc vào hướng dẫn của ngành giáo dục và ngành y tế.

*Tại bệnh viện trẻ em được điều trị bằng cách nào? Người nhà có được tiếp cận không? Bao lâu trẻ được về nhà? Khi trẻ về gia đình phải tiếp xúc và chăm sóc đúng cách ra sao? (châu ngọc)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I

Người nhà không cần thiết phải tiếp cận trẻ bệnh để tránh lây lan, chỉ người trực tiếp chăm sóc mới tiếp cận trẻ bệnh. Trẻ thường điều trị từ 5 đến 7 ngày. Khi trẻ về nhà thì khả năng lây không còn nữa vì đã xét nghiệm âm tính. Chăm sóc tại nhà cũng tương tự mấy bệnh khác.

* Người dân ở các TP lớn có bệnh viện điều trị loại cúm này, còn những địa phương chưa có BV điều trị, vùng nông thôn thì người dân điều trị ở đâu, rất hoang mang vì không phải ai cũng biết và biểu hiện của nó lại rất mơ hồ, hễ cứ ho là thấy sợ bị cúm. BS hãy trả lời cụ thể như thế nào thì cần đi khám bệnh ngay, không lẽ hễ cứ thấy ho, sổ mũi là nghi cúm thì có lẽ chết hết mất! (tran đang khoa, 28 tuổi, bienhoadn@...)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Dịch cúm A/H1N1 năm 2009 có sức lây lan rất nhanh và theo Tổ chức Y tế thế giới là không thể kiểm soát được. Nhưng điều này không có nghĩa là bệnh rất nguy hiểm vì hiện nay tỉ lệ tử vong khoảng 0,5%, còn thấp hơn rất nhiều so với các bệnh khác.

Tùy theo tình hình dịch bệnh, các địa phương có những biện pháp phòng chống khác nhau. Những người có triệu chứng cúm, sốt ho, sổ mũi thì tùy theo mức độ nặng nhẹ có thể điều trị ở nhà hay điều trị trong các cơ sở y tế; tùy theo các triệu chứng bệnh lý sẽ được điều trị ở nhiều tuyến khác nhau (BV quận huyện hay BV tuyến sau). Các quy định này đều đã được lên kế hoạch.

* Tôi muốn hỏi nếu không tiếp xúc với người nhiễm cúm hoặc không đi từ vùng có dịch về thì có thể nhiễm bệnh dịch từ môi trường như nhiễm các loại cúm thông thường không? (Nguyen Nhu Phu Cuong, 28 tuổi, phucuong.ctyhai.@...)

BS NGUYỄN ĐẮC THỌ - PGĐ TT Y tế dự phòng TP.HCM:

Cúm A/H1N1 là một loại bệnh cúm chỉ khác cúm thông thường là loại virus cúm mới xuất hiện đầu tiên vào tháng 4-2009. Mọi người đều có thể mắc bệnh vì không có đáp ứng miễn dịch với loại virus mới.

Cúm thông thường theo mùa đã xuất hiện từ lâu, bạn có thể nhiễm cúm này nếu bạn chưa có đáp ứng miễn dịch. Trong trường hợp đã tiêm văcxin phòng bệnh cúm thông thường thì bạn sẽ không mắc bệnh.

Tuy nhiên cần lưu ý là mọi virus cúm đều biến chủng rất nhanh, mỗi lần biến chủng cơ thể người sẽ không có đáp ứng miễn dịch với chủng mới nên có thể mắc bệnh nhiều lần và phải tiêm văcxin cúm mỗi năm.

*Phải cách ly bệnh nhân trong bao lâu mới được xuất viện? Khi xuất viện bệnh nhân có được đi làm bình thường không?(ly soc khen, 27 tuổi, lykhenh@...)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Khi bệnh nhân được xác định nhiễm cúm A/H1N1 thì phải được cách ly điều trị cho đến khi hết đào thải virus ra môi trường. Thực tế tại bệnh viện, bệnh nhân chỉ được xuất viện khi xét nghiệm phết mũi họng bằng PCR âm tính. Những nơi không xét nghiệm thì cần cách ly trong 7 ngày kể từ khi khởi bệnh hoặc 2 ngày sau khi hoàn toàn hết triệu chứng.

* Hiện nay nhiều người chỉ bị cảm thường cũng có thể nghĩ mình bị cúm A/H1N1, gây tâm lý hoang mang. Xin cho biết tiến trình phát bệnh của cúm A/H1N1 cụ thể là như thế nào? Lời khuyên cho những người mắc cảm thông thường để họ bớt hoang mang lo lắng? (Luu, 26 tuổi, luu1290@...)

BS NGUYỄN ĐẮC THỌ - PGĐ TT Y tế dự phòng TP.HCM:

Triệu chứng của bệnh cúm A/H1N1 rất giống với bệnh cảm cúm thông thường, vì vậy rất khó phân biệt.

Bệnh cúm A/H1N1 là một bệnh mới. Các bệnh cúm thông thường khác theo mùa đã xuất hiện từ lâu và cũng là bệnh nhiễm trùng mà chúng ta cũng phải phòng chống bệnh.

Vì vậy đối với các loại bệnh cúm đều phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa mà phòng y tế đã hướng dẫn.

* Trẻ nhiễm cúm có được điều trị như người lớn không? Hiện tại BV Nhi Đồng đã tiếp nhận bao nhiêu ca cúm trẻ em? (hân)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng I

Trẻ nhiễm cúm điều trị tương tự người lớn nhưng liều theo ký lô cân nặng. Cho tới hiện nay Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã điều trị cho gần 100 trẻ dương tính.

* Xin hỏi tinh dầu tràm có chống được cúm không? (ptquang, 30 tuổi, quangphuhoanggia@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng I

Tinh dầu tràm không phải là thuốc đặc hiệu tiêu diệt virus cúm mà là một loại thuốc để hỗ trợ.

* Nhà em ở Long Khánh gần khu vực bị nhiễm bệnh, hằng ngày em đi giao hàng cách nơi dịch bệnh đã xảy ra khoảng 500m thì có thể lây nhiễm hay không, mặc dù chỗ đó cơ quan y tế đã khoanh vùng và khử trùng. Em đã mua khẩu trang y tế hiệu FACE MASK loại bằng giấy với giá 2.000 đồng/cái như vậy có tốt không và có thể ngăn ngừa được không, cách đeo như thế nào cho đúng cách? (Trần Thu, 35 tuổi, tranthu196657@...)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Virus cúm chỉ lây lan từ người này sang người khác trong khoảng cách 1 m qua các giọt chất thải nhỏ được bắn ra từ đường hô hấp của bệnh nhân. Em cách xa nơi dịch bệnh (có bệnh nhân) đến 500m thì không sợ bị lây nhiễm.

*Theo dõi trả lời của bác sĩ " Virus cúm gây viêm phổi", kính nhờ bác sĩ giải thích cho em rõ hơn được không ạ? Em bé bị cúm xong mới chuyển sang viêm phổi hay kết hợp song song.

Em bé của em 40 tháng tuổi, bác sĩ (bác sĩ tư) chẩn đoán bị viêm họng, khò khè, cháu đã bị một tuần rồi, trong thời gian bị chỉ có duy nhất một ngày cháu bị chảy mũi trắng, sau đó hết, bác sĩ đang cho uống thuốc viêm phế quản, thấy cháu có rất nhiều đờm, khó thở. Như vậy có cần phải đi xét nghiệm cúm A/H1N1 không a? Cảm ơn các bác sĩ (Lương Thị Thịnh, 33 tuổi, myphuong050106@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng I

Virus cúm có thể tấn công trực tiếp vào phổi gây viêm phổi hay có thể làm cơ thể yếu đi và tạo điều kiện cho vi trùng gây viêm phổi, trường hợp này gọi là bội nhiễm.

Trường hợp con của bạn bệnh kéo dài đã một tuần và có biểu hiện khó thở thì nên tới cơ sở y tế để tìm nguyên nhân chứ không cần thiết xét nghiệm để tìm virus cúm.

* Nếu virus A/H1N1 kết hợp với H5N1 thì điều gì sẽ xảy ra? Có hay không sự kết hợp đó? (xuan mai, 22 tuổi, vuxuan87@...)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Việc kết hợp chất liệu di truyền giữa các loại virus cúm khác nhau là điều rất đáng lo ngại. Nếu A/H1N1 kết hợp với H5N1 thì có khả năng độc tính của H1N1 tăng lên gấp nhiều lần, có nghĩa là tỉ lệ tử vong sẽ tăng lên.

Cho đến nay tử vong do cúm A/H1N1 là 0,5% trong khi tử vong của H5N1 tại VN là 80%. Tuy nhiên việc kết hợp của 2 virus phải xảy ra trên 1 cơ thể động vật (người, heo, gia cầm...) và điều này cũng không phải dễ dàng.

* Cho em hỏi H1N1 có nguy hiểm như H5N1 hay không? Vì em thấy H5N1 số người chết rất nhiều nhưng H1N1 thì ít hơn? (Hương, 26 tuổi, ghostgirl102@...)

BS NGUYỄN ĐẮC THỌ - PGĐ TT Y tế dự phòng TP.HCM:

Hiện nay lâm sàng bệnh A/H1N1 trong đa số các trường hợp là rất nhẹ giống như bệnh cảm cúm thông thường. Tỉ lệ tử vong của bệnh rất thấp, không nguy hiểm như cúm A/H5N1 lây từ gia cầm.

Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy ở các đại dịch trước những làn sóng sau của đại dịch sẽ nguy hiểm hơn (tháng mùa đông sắp tới) tuy nhiên vẫn khó có khả năng nguy hiểm hơn H5N1.

* Tôi là giáo viên đang quản lý học sinh ở một trường. Xin các bác sĩ cho tôi biết cách làm nào để phòng chống cúm cho học sinh? (LÊ TUẤN KIỆT, 37 tuổi, letuankietphuochiep@...)

BS NGUYỄN ĐẮC THỌ - PGĐ TT Y Tế dự phòng TP.HCM :

Bạn có thể vào trang web của sở giáo dục bạn sẽ được tài liệu hướng dẫn từ y tế gửi đến (sau 5-8-2009).

Tôi muốn hiểu biết thêm về đặc điểm và sự phát triển của virus cúm A/H1N1? (Quỳnh, 26 tuổi, tranphamnhaquynh@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Virus cúm A/H1N1 hiện nay được gọi là cúm A/H1N1/2009. Là một loại virus cúm có cấu trúc gen khác với các virus cúm mùa trước đây. Trong đó có vài gen của tổ hợp từ virus gây bệnh ở heo và gia cầm. Sự phát triển của virus này cho tới hiện nay cũng tương tự như virus cúm mùa và còn nhạy cảm với thuốc đang sử dụng điều trị cúm.

* Con tôi được 26 tháng tuổi, 2 ngày nay cháu bị sổ mũi. Tôi lo cháu có bị cúm H1N1 không? Cháu hiện đang ở nhà chưa đi nhà trẻ và được uống thuốc ở nhà. Lỡ cháu bị cúm và bị cách ly thì cha mẹ có được quyền vào chăm sóc cho cháu không? Thực tình tôi lo lắm, mong bác sĩ hướng dẫn giùm. (Trang, 30 tuổi, le_mtrang@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH- trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Con chị 2 ngày nay sổ mũi nếu không có tiếp xúc với người mắc bệnh cúm A/H1N1 thì không thể mắc bệnh. Lỡ bé có bị cách ly do bị nhiễm H1N1 thì cha hoặc mẹ có quyền trực tiếp chăm sóc trẻ cùng với nhân viên y tế.

* Tôi đi xe buýt hằng ngày, trên xe có máy lạnh và rất nhiều người lên xuống xe, như vậy tỉ lệ lây nhiễm H1N1 có cao không? Có cần phải đeo khẩu trang và yêu cầu tài xế mở cửa sổ để thông thoáng hay không? (Trương Việt Anh, 38 tuổi, tvanhspkt@...)

BS NGUYỄN ĐẮC THỌ - PGĐ TT Y Tế dự phòng TP.HCM:

Để phòng bệnh cho mọi người khi đi xe buýt, việc tổ chức chuyến xe an toàn hạn chế sự lây bệnh trên xe ngành y tế sẽ có hướng dẫn đến công ty vận tải công cộng.

Trên chuyến xe buýt có người mắc bệnh, sẽ rất khó để phòng lây bệnh dù bạn có dùng khẩu trang. Tuy nhiên lời khuyên là bạn nên rửa tay sớm nhất ngay khi có thể, không đưa tay vào mắt, mũi miệng khi chưa rửa tay. Thông tin rộng khắp người có biểu hiện viêm đường hô hấp thì ở nhà và nhất là không sử dụng các phượng tiện giao thông công cộng.

Xin cho tôi hỏi về đặc điểm sinh học, sự phát triển, môi trường sống và diệt vong của virus cúm A/H1N1? (Võ Xuân Việt, 52 tuổi, voxuanviet@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Virus cúm A/H1N1 là loại virus đường hô hấp nên khả năng lây lan rất cao. Virus tồn tại trong chất tiết đường hô hấp của người mắc bệnh và phát tán ra môi trường xung quanh khi người này ho, hắt hơi, nói chuyện.

Người bình thường hít phải chất tiết này sau 24 giờ đến 7 ngày sẽ phát bệnh, khi mắc bệnh người bệnh lại phát tán virus ra môi trường xung quanh và lây cho những người khác, thời gian lây thường là 7 ngày, tuy nhiên ở trẻ em thời gian có thể kéo dài tới 3 tuần.

Virus cúm sẽ bị tiêu diệt trong môi trường khô nóng và các chất diệt khuẩn.

* Ba mẹ tôi 58 tuổi, đã tiêm ngừa cúm 3 năm liên tiếp, và con tôi 8 tháng tuổi cũng đã được tiêm ngừa cúm 2 mũi. Như vậy có thể giúp phòng chống cúm H1N1 tốt hơn không? Xin cảm ơn bác sĩ đã quan tâm đến câu hỏi của tôi. (hai yen, 30 tuổi, huynh_yen@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Virus cúm biến đổi rất nhanh, do đó việc chích ngừa phải thực hiện lại hằng năm. Những văcxin chích ngừa cúm trước đây không thể ngừa được virus cúm H1N1/2009.

Do đó muốn phòng ngừa bệnh cúm H1N1/2009 phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa chung.

* Thua BS, voi tinh hinh hien nay, em muon dan cac em di khu vui choi de giai tri trong dip he. Zay phai lam gi de phong duoc H1N1 o cac khu vui choi? (Nguyen Anh Phong, 26 tuổi, naphong@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV Nhi đồng I:

Nếu thấy cần thiết phải đi chơi thì cho trẻ đi chơi trong dịp hè, khi đến khu vui chơi phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa như sau: giữ khoảng cách an toàn trên 1,5m với người ho và hắt hơi, thường xuyên rửa tay có thể mang thêm khẩu trang. Tuy nhiên việc mang khẩu trang ở trẻ rất khó thực hiện.

* Cuối tháng 8, chúng tôi tổ chức đám cưới, xin tòa soạn giúp tôi giải pháp kiểm soát và cách xử lý khi có người bị nhiễm cúm để an toàn cho khách mời, đồng thời an tâm khi dự tiệc? (Phùng Quang Huy, 28 tuổi, huysportdj@...)

BS NGUYỄN ĐẮC THỌ - PGĐ TTYTDP:

Để tổ chức một buổi tiệc an toàn:

1. Nơi tổ chức tiệc: cần tuân thủ các khuyến cáo về an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài ra cần phải vệ sinh bàn ghế, khăn trải bàn...

2. Về khách mời: bạn có thể lưu ý khách mời nếu có biểu hiện ho, đau họng thì không nên đến dự, sẽ chia vui vào lúc hết bệnh.

* Sử dụng những vật dụng của người đã mắc H1N1 (nếu không tiếp xúc với họ) có bị nhiễm bệnh không? (dung, 19 tuổi, mua_thu_0508@...)

BS NGUYỄN ĐẮC THỌ:

Với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp lây qua tiếp xúc như cúm A/H1N1, vật dụng của người bệnh đều có thể bị nhiễm virus do người bệnh ho, hắt hơi bắn vào.

Ta không nên sử dụng những vật dụng của người bệnh qua bàn tay. Vì vậy nếu phải sử dụng vật dụng của người bệnh:

- Đeo khẩu trang và bỏ khẩu trang ngay sau khi dùng xong vào thùng rác.

- Rửa tay bằng nước và xà phòng ngay sau đó.

* Nên mua khẩu trang loại nào thì an toàn, trên thị trường có rất nhiều loại. (Thu Hà, 31 tuổi, phamngocthuha78@...)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - Phó giám đốc BV Nhiệt đới TP.HCM:

Tiêu chuẩn của khẩu trang cần được đánh giá bởi cơ quan chuyên môn. Đối với việc phòng chống lây nhiễm bằng khẩu trang được khuyến cáo sử dụng các khẩu trang chuyên dùng như loại N95 (độ lọc an toàn 95%), ngoài ra khẩu trang phẫu thuật 3 lớp của VN sản xuất cũng có độ an toàn cao. Thông thường cần có một lớp ngoài cùng chống thấm nước.

Hiện nay tất cả khẩu trang trên thị trường trừ 2 loại trên chưa được đánh giá bởi các cơ quan chức năng. Gần đây có loại khẩu trang may bằng vải có tẩm thuốc diệt virus đã được Viện Pasteur giới thiệu nhưng chưa lưu hành nhiều trên thị trường.

Nói chung, khẩu trang không phải là biện pháp duy nhất mà phải kết hợp với nhiều biện pháp khác như rửa tay, vệ sinh môi trường. Cũng cần nói thêm là nếu đeo khẩu trang không đúng cách như không siết đủ kín vào mặt, dùng tay chạm vào mặt ngoài khẩu trang khi đã mang thì sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

Việc đeo khẩu trang chỉ bắt buộc trong các cơ sở điều trị khi tiếp xúc với bệnh nhân H1N1. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) không khuyến cáo đeo khẩu trang trong cộng đồng.

* Thưa bác sĩ Khanh, cách phòng ngừa & phát hiện bệnh cúm A/H1N1 ở trẻ em như thế nào là tốt nhất, cách điều trị như thế nào? Hiện nay đã có thuốc đặc trị chưa? Xin cảm ơn! (SinhNV, 33 tuổi, sinhnv_sinhnv@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Đối với trẻ em, cách phòng ngừa và phát hiện bệnh cũng không khác gì với cách phòng ngừa và phát hiện chung.

Tuy nhiên trẻ em thì ý thức tự bảo vệ kém hơn người lớn nên phải thường xuyên giáo dục và nhắc nhở mới có hiệu quả. Hiện nay đã có thuốc đặc hiệu điều trị cúm nhưng chỉ sử dụng tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, người nhà không nên tự ý sử dụng.

* Con gái tôi SN 2000, bị dương tính cúm A/H1N1 từ ngày 21-7-2009, đang được điều trị cách ly tại BV Nhi Đồng 1 đến bây giờ vẫn còn dương tính. Liệu con tôi có bị kháng thuốc Tamiflu? Nếu kháng thuốc Tamiflu thì có thuốc nào thay thế không? (Phượng, 42 tuổi, yphuong2704@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Đã có một số trường hợp tương tự như con của bạn và thời gian điều trị kéo dài hơn, có thể phải dùng thuốc đến ngày thứ 7 hoặc ngày thứ 10, nhưng các trường hợp trước kia đều đã âm tính và đã xuất viện nên việc kháng Tamiflu là không chắc chắn và không cần thiết phải thay thế thuốc khác.

* Làm sao phòng ngừa cúm trong các tòa nhà có máy lạnh trung tâm? Nếu các tòa nhà có người bị cúm và virus cúm lan tỏa vào các đường ống dẫn hơi lạnh, phải xử lý thế nào? (Phat Diep, 39 tuổi, phatdiepchi@...)

BS NGUYỄN ĐẮC THỌ:

Các tòa nhà sử dụng máy lạnh trung tâm sẽ dễ phát tán virus đi khắp nơi khi có người bệnh hiện diện ở 1 nơi, 1 phòng nào đó nên không dễ dàng kiểm soát được sự phát tán.

Vì vậy cần phải có những biện pháp dự phòng trước.

1. Máy lạnh trung tâm cần được kiểm soát sự an toàn, thường xuyên mỗi tuần cần phải vệ sinh máy.

2. Các đơn vị trong tòa nhà cần phổ biến những kiến thức phòng bệnh thông thường Bộ Y tế đã hướng dẫn và cần có những đề nghị như sau:

- Thông tin cho khách hàng nếu có những biểu hiện sốt thì không nên đến giao dịch.

- Người làm việc trong tòa nhà nếu có biểu hiện bệnh thì được phép ở nhà không đến làm việc.

- Bố trí một - hai phòng trống để xử lý khi có bệnh xuất hiện trong tòa nhà. Nếu có người bệnh sẽ đưa đến phòng nêu trên và phải mang khẩu trang.

- Phòng làm việc nơi có người bệnh phải được khử khuẩn.

Việc khử khuẩn: tòa nhà có thể cử 1 toán khử khuẩn 4-5 người được huấn luyện tại y tế dự phòng. Như vậy toán khử khuẩn sẽ hoạt động khử khuẩn khi có sự việc xảy ra trong bất cứ thời gian nào.

Trung tâm y tế dự phòng thành phố hiện đang có hướng dẫn về việc tổ chức phòng chống bệnh tại các nơi làm việc, lao động.

* Xin bác sĩ vui lòng cho hỏi: Hiện nay có cách nào để bảo vệ trẻ em (từ 3-5 tuổi) tránh được dịch cúm H1N1, trong khi không có khẩu trang tiệt trùng dành cho các bé và cũng không thể cho các bé uống nhiều vitamin C để tăng kháng thể như người lớn được.

Tôi rất hoang mang không biết phải bảo vệ các cháu bằng cách nào, vì hiện tại cháu vẫn phải đến trường mầm non đi học, không thể nghỉ học được vì ba mẹ phải đi làm Xin cảm ơn (Như Thủy, 32 tuổi, nacyquang@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Việc phòng ngừa bằng khẩu trang là cần thiết nhưng chỉ nên mang khẩu trang chuyên dùng ngừa cúm khi tiếp xúc gần với người có nguy cơ mắc bệnh, còn lại không cần thiết mang khẩu trang chuyên dùng.

Trẻ em rất khó đồng ý mang khẩu trang thường xuyên, do đó phải thường xuyên nhắc nhở và tập thói quen này.

* Khi không có khẩu trang y tế có thể dùng khẩu trang thường không? Lúc trước dịch cúm chưa lan rộng những người bị cách ly mỗi người 1 phòng không chung đụng gì với nhau, còn giờ dịch đã lan rộng, vậy cách ly chung phòng với nhau như thế liệu người bệnh nhẹ có khi nào bị nặng hơn không? (châu, 23 tuổi, thanhchau_kt_2008@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Khẩu trang thường không phòng ngừa được bệnh cúm, tuy nhiên bệnh cúm chỉ lây khi tiếp xúc gần.

Những người cùng mắc bệnh ở chung phòng đều đang dùng thuốc chống virus thì cũng không làm người bệnh nhẹ mắc bệnh nặng hơn mà việc nặng hay nhẹ khi mắc bệnh là do yếu tố nguy cơ.

* Bác sĩ cho em hỏi em đang có triệu chứng ho, đau họng, nghẹt mũi, đau người thì em có thể đi xét nghiệm để biết mình có nhiễm cúm không? Em đang trong thời kỳ cho con bú và con em mới được 6 tháng, vậy nếu em bị bệnh thì chắc chắn con em cũng bị lây đúng không ạ ? Và em bé 6 tháng tuổi thì bị bệnh rất nguy hiểm đúng không ạ ? Kính mong bác sĩ trả lời giúp em ( Hà , 25 tuổi, habank9@...; VŨ THỊ THANH HÀ, 25 tuổi, habank9@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Không cần thiết phải đi xét nghiệm xem mình có mắc cúm hay không, ngoại trừ trường hợp bạn biết được là bạn có khả năng tiếp xúc với người mắc bệnh cúm trong vòng 7 ngày trước.

Việc còn lại hiện nay là phải mang khẩu trang khi cho con bú, khi hắt hơi và ho phải che miệng, thường xuyên rửa tay khi chăm sóc trẻ. Nếu trẻ có triệu chứng của bệnh hô hấp thì mang đến cơ sở y tế khám như thông thường.

* Xin hỏi bác sĩ: cúm A ủ bệnh bình quân là bao nhiêu ngày ở trẻ em và người lớn? Kể từ khi phát bệnh đến khi biến chứng là bao nhiêu ngày ở trẻ em và người lớn? Xin cảm ơn. (Nguyễn Cảnh Thân, 29 tuổi, nguyencanhthan@...)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Thời gian ủ bệnh của cúm A/H1N1 là từ 24 giờ đến 7 ngày. Kể từ khi phát bệnh có thể xuất hiện biến chứng bất cứ lúc nào. Chỉ có những đối tượng nguy cơ mới có dễ có biến chứng:

Phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, người có bệnh hô hấp, tim mạch mãn tính.

* Bé nhà em được 6.5tháng, trước dịch cúm này em phải làm gì để bảo vệ cho bé.xin cảm ơn (thư, 27 tuổi, thuktcn@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Trẻ 6 tháng là đối tượng khó mắc cúm vì ít tham gia và tiếp xúc với môi trường. Biểu hiện thì không có gì khác biệt với bệnh cảm cúm thông thường. Khi nghi ngờ thì nên đến cơ sở y tế để có chuẩn đoán và điều trị thích hợp.

* Làm gì để phát hiện 1 em học sinh bị nhiễm cúm H1N1 có triệu chứng sốt lên phòng y tế xin thuốc? (Thu Thủy, 48 tuổi, songnuocmuathu09@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Khi có một học sinh có sốt lên phòng y tế thì phải xử trí như bệnh thông thường khác. Có thể hỏi thêm các yếu tố nguy cơ mắc cúm như tiếp xúc với người mắc bệnh trong vòng 7 ngày hay đi từ vùng dịch về trong vòng 7 ngày.

* Nếu uống paracetamol trước thì có ngừa cúm được không ạ? (Deschamp, 24 tuổi, deschamp@yahoo.com)

- TS.BS TRẦN TỊNH HIỀN - Phó giám đốc BV Nhiệt đới TP.HCM:

Paracetamol chỉ có tác dụng hạ nhiệt khi bệnh nhân cúm, không ngừa được cúm. Trong thể cúm nhẹ khi sốt cao thì có thể dùng thuốc paracetamol để giảm các triệu chứng sốt, nhức đầu.

* Con thường xuyên đi xe buýt để đi học, thấy một số người hay sử dụng ôxi già hay cồn để sát khuẩn chân tay mỗi khi xuống xe, vậy xin bác sĩ cho con biết họ làm vậy có phòng ngừa được dịch H1N1 này không? Nếu có thì xin bác sĩ hướng dẫn cụ thể cho con được biết. Và con sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại hằng ngày thì con nên làm gì để phòng tránh cúm ạ! (Ngọc Trâm, 20 tuổi, ngoctram_nota@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Một số loại sát trùng tay nhanh có thể tiêu diệt được Virus cúm nếu Virus bám vào tay mình. Do đó khi không có điều kiện rửa tay nên có thể dùng các dung dịch sát khuẩn nhanh để rữa tay khi nghi ngờ tay mình có tiếp xúc với nguồn bệnh.

* Con tôi 12 tuổi, nặng 52 kg, bị đau họng, hơi nghẹt mũi giống như triệu chứng viêm hô hấp trên (chưa có sốt) thì có thể cho uống kháng sinh để đề phòng bệnh nặng hơn hay không? Nếu lỡ đó là dấu hiệu của H1N1 thì uống kháng sinh như vậy có làm mất triệu chứng sốt của bệnh H1N1 hay không? (BICH TUYEN, 43 tuổi, labichtuyen1@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Kháng sinh không làm thay đổi triệu chứng của cúm H1N1 mà chỉ có tác dụng khi bệnh cúm có bội nhiễm.

* Tại nhà có cháu nhỏ 2 tuổi bị ho, sổ mũi hôm qua đến nay. Gia đình đã cho đi khám và uống thuốc như bệnh thông thường. Trong biểu hiện nào thì gia đình cần lưu ý hơn cho cháu ngoài việc uống thuốc thông thường?. Cám ơn bác sĩ (Nguyễn Phương Thanh, 38 tuổi, jenny.oanh@ )

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Trong tình hình có dịch cúm hiện nay thì việc quan trọng là phòng ngừa còn điều trị bệnh đường hô hấp thì cũng thực hiện như thường làm. Nhưng nếu nghi ngờ trẻ có tiếp xúc với người mắc bệnh cúm A/H1N1 thì nên đến cơ quan y tế để xác định trẻ có nguy cơ nhiễm hay không.

* Em cháu là học sinh trường Ngô Thời Nhiệm, đã đi kiểm tra và phát hiện dương tính. Sau 7 ngày giữ lại điều trị nay cho về nhà nhưng yêu cầu là cách ly 7 ngày. Cho cháu hỏi trong 7 ngày đó bệnh có tái phát lại không? Và sau 7 ngày nếu không có dấu hiệu gì thì có cần đi kiểm tra lại nữa không? (Mari, 24 tuổi, chauthaitoan@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Khi cháu có biểu hiện dương tính và việc điều trị cách ly 7 ngày, thì trước khi xuất viện cơ sở điều trị đã xét nghiệm virut âm tính mới cho cháu về. Đa số các trường hợp đã mắc bệnh đều có kháng thể chống lại virut này nên khả năng tái phát gần như không có, do đó không cần kiểm tra lại.

* Trường tiểu học con tôi đang theo học các cô vẫn cho các cháu uống chung ly, ngủ phòng máy lạnh. Như vậy khả năng lây bệnh như thế nào ? Tôi đã góp ý với BGH trường nhưng BGH không ý thức được sự nguy hiểm, họ giải thích các cháu ngủ có khoảng 2 giờ đồng hồ nên không sao. Tôi không thể cho con nghỉ học, vậy phải làm gì để bảo vệ cháu trước dịch bệnh ? (Phương Thúy, 34 tuổi, dthlan@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Trẻ sinh hoạt trong môi trường nhà trẻ chỉ có thể mắc bệnh cúm H1N1 khi tiếp xúc gần với trẻ mắc bệnh nếu trẻ sinh hoạt chung với nhóm trẻ cùng lớp mà không có trẻ nào mắc bệnh thì không thể mắc bệnh được.

* Em đang trong thời kỳ cho con bú, nếu chẳng may em bị nhiễm cún H1N1 thì con em chắc chắn bị lây bệnh đúng không bác sĩ? Như vậy thì có dùng thuốc được cho mẹ và con không (VŨ THỊ THANH HÀ, 25 tuổi, habank9@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Đang cho con bú mà chẳng may bị cúm H1N1 thì khả năng lây rất cao và qua đường hô hấp chứ không phải là do cho bú do đó không cần thiết phải ngưng bú mà nên đeo khẩu trang. Không được tự ý dùng thuốc chống virut cho mẹ và con.

* Cháu thấy ở TP HCM có tiêm phòng H1N1 cho trẻ em, con cháu hiện 7,5 tháng có nên cho tiêm phòng không và cháu ở Hải Phòng thì tiêm phòng ở địa điểm nào được ạ (Hà, 29 tuổi, haihasinger81@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Vacxin phòng H1N1 hiện nay không phải là Vacxin phòng Virus cúm H1N1/2009 do đó khi chích ngừa chỉ ngừa được H1N1 cũ chứ không ngừa được H1N1/2009.

*Tôi có con trai 10 tuổi cháu hắt hơi, sổ mũi 10 ngày nay, nhưng không sốt, Vậy có hiên tương của dịch cúm không? Phải làm sao để tăng sức đề kháng cho cháu. Cháu nặng 60kg, cao 150cm (Mai Thi Ngân, 40 tuổi, phanmaingan@yahoo.com)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Đã 10 ngày mắc bệnh thì khả năng mắc cúm rất ít. Nên không cần thiết phải suy nghĩ xem bé có mắc cúm hay không mà nên điều trị như lần mắc bệnh trước.

* Khi phát hiện người cùng xóm mắc bệnh cúm A/H1N1 ta phải làm gì để phòng ngừa cho bản thân và gia đình? Những loại thức ăn, nước uống nào giúp cho cơ thể nâng cao sức đề kháng phòng tránh lây nhiễm cúm A/H1N1? (Nguyễn Thị Minh Hoàng, 44 tuổi tuổi, Ngtmhoang@yahoo.com)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Khi người cùng xóm mắc bệnh cúm A/H1N1 thì nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn của cơ quan y tế dự phòng, đặc biệt là trong vòng 7 ngày đâu khi phát hiện.

* Cho hỏi, để tăng sức đề kháng và hạn chế được sự nhiễm bệnh của H1N1 thì chúng ta nên ăn những loại thực phẩm nào? các biện pháp để phòng ngừa đại dịch trong cơ quan làm việc (Võ Anh Ngọc, 25 tuổi, voanhngoc@gmail.com)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Sức đề kháng tốt là một yếu tố để phòng bệnh và nhanh khỏi bệnh khi mắc bệnh, do đó thường xuyên tập luyện thể thao, ăn đầy đủ dinh dưỡng, rau xanh, trái cây tươi, tránh làm việc quá sức là những biện pháp thông thường để tăng sức đề kháng.

* Xin cho biết trẻ em so với người lớn thì người nào dễ mắc bệnh cúm A/H1N1? Và tỷ lệ chữa khỏi ở trẻ em cao hơn hay người lớn cao hơn. Ở Việt Nam hiện nay đã có bao nhiêu ca tử vong do cúm A/H1N1 (Mỹ Duyên, 28 tuổi, tongduyen_82@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Trẻ em thường dễ mắc bệnh hơn người lớn vì ý thức phòng ngừa bệnh kém hơn nhưng nếu trẻ ít tham gia môi trường cộng đồng thì sẽ khó mắc bệnh hơn. Chỉ có sự khác biệt về số ca biến chứng ở đối tượng nguy cơ và không nguy cơ.

* Một phụ nữ mang thai nhiễm cúm có lây sang con không? (hien, 30 tuổi, tender110679@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Hiện nay đã có báo cáo một trường hợp mẹ lây cúm H1N1 sang con qua bào thai. Khi phụ nữ mang thai mắc cúm H1N1 thì nên nhập viện vì đây là đối tượng nguy cơ.

Khi trẻ em bị bệnh cúm H1N1 thì có nguy hiểm đến sự phát triển thể lực và trí tuệ sau này không? (trịnh thị ngọc oanh, 41 tuổi, ttnoanh@vast-hcm.ac.vn)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:

Khi trẻ em mắc cúm mà khỏi bệnh hoàn toàn thì sẽ không có di chứng gì về sau.

* Ánh nắng mặt trời có giúp gì cho một người đang cảm cúm không? (Van, 25 tuổi, thuyvan@tainan.vnnv.vn)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH:trưởng khoa nhiễm BV NĐ I

BS Trương Hữu Khanh - Ảnh Thanh Đạm

Nhiệt độ nóng, ánh nắng và sự thông thoáng của môi trường sẽ hạn chế được sự phát triển và lây lan của virut cúm.

* Con tôi đang học trường mầm non cách trường NK khoang 1 km. Tôi có nên cho con ở nhà hay đi học? (Truong Cong Khanh, 25 tuoi tuổi, tckhanh@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV NĐ I

Bệnh cúm chỉ lây khi tiếp xúc gần và khoảng cách an toàn là 1m đến 1m rưỡi trở lên, do đó 1km là rất yên tâm.

* Em trai em học lớp 12e1 trường Tư Thục Nguyễn Khuyến - cơ sở 3 - nơi phát hiện dịch cúm. Khi về nhà em có biểu hiện ho, đau họng, hơi mệt. Vậy bây giờ em phải xử lý như thế nào? Có nên đưa em trai em đến cơ sở y tế để khám bệnh hay ko? (HUỲNH THỊ HỒNG CHÂU, 25 tuổi, vangtrangkhuyet_101@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV NĐ I

Nếu em trai về nhà trong vòng 7 ngày mà có biểu hiện trên thì nên đến cơ sở y tế để xác định có nhiễm hay không. Còn nếu về nhà đã quá 7 ngày thì theo dõi điều trị như bệnh thông thường.

* Ngoài cách đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay bằng nước diệt khuẩn, tăng sức đề kháng cho cơ thể, hạn chế đi lại nơi đông người thì tôi cần phải làm gì thêm để giúp cho con tôi phòng tránh dich cúm H1N1 khi cháu sắp đến ngày nhập học (12/08/2009) (Ngô Thị Hoàng Oanh, 40 tuổi, hoasentrang.dl@)

BS TRƯƠNG HỮU KHANH - trưởng khoa nhiễm BV NĐ I

Biện pháp phòng ngừa chung nếu thực hiện đúng thì khả năng phòng bệnh rất tốt. Không cần thiết phải hạn chế đi lại nơi công cộng.

TTO

0 Response to "Giải đáp 1.421 câu hỏi thắc mắc về cúm A H1N1"

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam. Thanks các bạn