Có bác sĩ trong năm 2008 đã 40 lần khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế để lấy thuốc trị giá hơn 22,3 triệu đồng.
Đó là chuyện không bình thường mà PV Tuổi Trẻ ghi nhận được khi tiến hành điều tra về tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế (BHYT) tại một số bệnh viện (BV) ở TP.HCM.
Qua nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi phát hiện không ít nhân viên y tế của một số BV, điển hình là BV An Bình, thường xuyên đi khám bệnh và có dấu hiệu lạm dụng BHYT.
Chuyện ở BV An Bình
Tại BV An Bình, chỉ riêng năm 2008, bác sĩ N.L.G. lấy thuốc 40 lần với tổng số tiền hơn 22,3 triệu đồng. Trên toa thuốc thể hiện bác sĩ G. bị rất nhiều bệnh như cao huyết áp, rối loạn lipid, trĩ, thiếu máu não... nhưng tuyệt nhiên không có một xét nghiệm hoặc chẩn đoán cận lâm sàng nào đi kèm.
Quý 1-2009, bác sĩ G. khám bệnh, lãnh thuốc tổng cộng chín lần. Trị giá một toa thuốc thấp nhất là 252.000 đồng, cao nhất hơn 1,2 triệu đồng. Đối chiếu một số toa thuốc, chỉ trong ngày 12-1 bác sĩ này đi khám bệnh và lãnh thuốc tới hai lần với tổng số tiền gần 750.000 đồng. Đặc biệt, toa thuốc ngày 4-3 do bác sĩ P.T.T. kê cho bác sĩ G. (trị giá hơn 1,2 triệu đồng) được chỉ định sử dụng trong một tháng. Thế nhưng mới ngày 11-3 đã thấy có tên bác sĩ G. đi khám bệnh và lãnh thuốc BHYT trị giá hơn 460.000 đồng. Sau đó ngày 25-3, bác sĩ G. tiếp tục khám bệnh, lãnh thuốc trị giá hơn 740.000 đồng.
Ngoài ra, bác sĩ P.T.T. cũng là một trong những nhân viên y tế của BV An Bình khám bệnh, lãnh thuốc nhiều lần (16 lần trong năm 2008). Quý 1-2009, bác sĩ T. khám bệnh năm lần vì rối loạn lipid và tăng huyết áp. Trị giá một toa thuốc BHYT mà bác sĩ T. lãnh thấp nhất 350.000 đồng, cao nhất hơn 900.000 đồng. Riêng y tá H.T.D. năm 2008 đi khám tổng cộng 22 lần. Quý 1-2009, nhân viên này đi khám bệnh tất cả chín lần.
Ở một trường hợp khác, từ một số toa thuốc của bệnh nhân tên T.Q.D. đến khám bệnh tại BV An Bình từ năm 2002-2008, chúng tôi phát hiện người thật sự đi lấy thuốc dưới cái tên này là ông T.V.Đ. Ông T.V.Đ. trước đây là điều dưỡng của BV An Bình (đã nghỉ hưu) và là bố vợ của anh D. Trong năm 2008, ông Đ. dùng thẻ BHYT của con rể để lấy thuốc BHYT tại BV An Bình tổng cộng 21 lần. Trên các toa thuốc thể hiện anh D. bị các bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, suy tĩnh mạch, thoái hóa khớp, trĩ, viêm dạ dày...
Trung bình một toa thuốc bác sĩ BV An Bình kê cho bệnh nhân có tên là D. trị giá 400.000-500.000 đồng. Từ ngày 1-1-2009, anh D. đã chuyển BHYT về BV cấp cứu Trưng Vương, thế nhưng ngày 2-1 vẫn có tên bệnh nhân D. đi khám ở BV An Bình với mã thẻ cũ. Trao đổi với chúng tôi, anh D. thừa nhận nhiều năm qua đã đưa thẻ BHYT của mình cho bố vợ giữ. Anh D. thật thà kể: “Tôi rất khỏe, không có bệnh gì và không có nhu cầu khám bệnh”.
Tại BV An Bình, chúng tôi còn phát hiện bệnh nhân H.Q.Đ. có tất cả sáu lần đi khám bệnh trong quý 1. Điều đáng nói cả sáu lần bệnh nhân H.Q.Đ. đi khám và lãnh thuốc đều trùng khớp với các ngày y tá H.T.D. - nhân viên khoa khám bệnh BV An Bình - đi khám bệnh, lãnh thuốc. Và y tá H.T.D. bị bệnh gì thì bệnh nhân H.Q.Đ. cũng bị bệnh y chang. Đơn cử, ngày 7-1 hai người cùng đi khám, lãnh thuốc và cùng bị bệnh suy tĩnh mạch, viêm dạ dày.
Ngày 5-3, cả hai người đi khám và đều bị viêm dạ dày. Bình quân mỗi toa thuốc của bệnh nhân H.Q.Đ. trị giá 330.000 đồng. Xác minh từ cơ quan công an, chúng tôi được biết bệnh nhân H.Q.Đ. là em ruột của y tá H.T.D. và ở chung một địa chỉ trên đường Trần Văn Đang (P.9, Q.3). Ngày 28-7, liên hệ với anh H.Q.Đ. qua điện thoại, chúng tôi nhận thấy anh này tỏ ra không biết cụ thể mình bị bệnh gì và cũng không biết 5/6 toa thuốc mà bác sĩ BV An Bình ghi cho anh đều chẩn đoán là... suy tĩnh mạch, viêm dạ dày, trĩ!
“Cái này là có lạm dụng trong đó” - bác sĩ Nguyễn Đình Chanh, giám đốc BV An Bình, nói như vậy khi chúng tôi hỏi có không việc nhân viên y tế BV lạm dụng BHYT. Ông Chanh còn thừa nhận năm 2008 bội chi quỹ BHYT toàn BV là 38 tỉ đồng, trong đó chỉ riêng chi khám chữa bệnh cho nhân viên y tế của BV chiếm hơn 3,8 tỉ đồng.
Theo ông Chanh, trước đây, một ngày BV có khoảng 30-50 nhân viên đi khám bệnh, lãnh thuốc nhưng do kiểm soát chặt chẽ nên “nay đã giảm mãnh liệt”. BV cũng đang rà soát xem nhân viên nào khám bệnh nhiều lần thì sẽ cho làm các xét nghiệm, chẩn đoán có bị bệnh thật không. Danh sách này, theo ông Chanh, có khoảng 50-60 người. Về việc có hay không chuyện nhân viên BV dùng thẻ BHYT của người nhà để lấy thuốc, ông Chanh nói: “Chưa phát hiện được, nhưng thế nào cũng có. BV có hơn 600 nhân viên, chắc chắn phải có đấy, nhưng trường hợp nào, lạm dụng bao nhiêu thì không nắm được”.
Nhiều BV lạm dụng
Không chỉ BV An Bình, tại TP.HCM có không ít BV có hiện tượng nhân viên y tế bị bệnh quá nhiều. Một trong những BV có số lượt nhân viên y tế khám bệnh nhiều là BV đa khoa khu vực Củ Chi. Trả lời về việc nhân viên y tế bệnh nhiều, bác sĩ Nguyễn Minh Thành - giám đốc BV Củ Chi - nói: “Hôm rồi Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP cũng có nhắc nhở và thông báo là chi khám chữa bệnh ngoại trú cho nhân viên BV cao quá. BV đã rút kinh nghiệm và có biện pháp chấn chỉnh”.
Khi chúng tôi hỏi cao bao nhiêu, ông Thành nói: “Quý 1-2009 chỉ lố 5-6 lần so với quỹ khám chữa bệnh được cấp”. Ông Thành giải thích lý do lố quỹ BHYT ngoại trú của nhân viên y tế BV: “Khi bị bệnh, anh em chỉ uống thuốc ngoại trú. BV có hai bác sĩ đang chạy thận nhân tạo, một người bị đau khớp rất nặng và một số nhân viên lớn tuổi bị tiểu đường. Đúng ra anh em đã nhập viện điều trị rồi, nhưng vì BV quá tải nên phải vừa làm việc vừa uống thuốc”.
Bác sĩ Đinh Thanh Hưng - giám đốc BV Q.Tân Phú - nói rằng: “Chỉ nghe loáng thoáng, phong thanh BV Q.Tân Phú là một trong những đơn vị mà chi phí khám chữa bệnh ngoại trú cho nhân viên y tế khá cao so với mặt bằng chung của TP. BV đang cho rà lại nhân viên nào khám nhiều và khám như thế nào”.
Trả lời về trách nhiệm của BHXH TP trong việc giám sát, quản lý quỹ BHYT, ông Cao Văn Sang - giám đốc BHXH TP.HCM - cho biết thống kê sơ bộ trong quý 1-2009 cho thấy có hiện tượng BV lạm dụng quỹ BHYT cho nhân viên của mình. Tuy nhiên, cụ thể ai lạm dụng, lạm dụng bao nhiêu, lạm dụng với hình thức nào thì phải có thời gian để xác minh.
Theo ông Sang, năm 2008 quỹ BHYT ngoại trú chung cho toàn TP bội chi rất thấp (chỉ 1,14 lần), trong khi đó quỹ BHYT ngoại trú của CB-CNV ngành y tế lại bội chi quá nhiều. Có những BV bội chi gấp hơn 10 lần. “Tôi cũng cảm thấy không bình thường khi thấy chi phí khám chữa bệnh BHYT ngoại trú của nhân viên y tế BV lớn hơn nhiều lần chi phí bình quân của toàn xã hội. BHXH TP đã làm việc với Sở Y tế TP.HCM và thông báo về tình hình này” - ông Sang nói.
Ông Lê Bạch Hồng - tổng giám đốc BHXH VN - cho biết: “Chúng tôi thấy có hiện tượng lạm dụng quỹ BHYT. Dù lạm dụng ít hay nhiều thì cũng phải chấn chỉnh chứ không thể để như thế này. Tôi đang rất nóng ruột về việc này, có thể không chỉ TP.HCM mà các nơi khác cũng có thể xảy ra”. Theo ông Lê Bạch Hồng, BHXH VN đã yêu cầu kiểm tra, tổng hợp số liệu cho thật kỹ để có thể đánh giá chính xác và đề xuất các giải pháp khắc phục.
LÊ THANH HÀ - TTO
0 Response to "Nhân viên y tế bệnh nhiều quá"
Đăng nhận xét
Vui lòng không Spam. Thanks các bạn